Search

Trở Về Cái Tâm

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Chúng ta chia sẻ Phật pháp với nhau với mục đích là gửi tới tất cả các bạn, tới những ai bận rộn, bận rộn làm việc, mưu cầu sinh nhai trong cuộc sống, ít có cơ hội thường xuyên đi tới chùa. Với các phương tiện đại chúng, hiện tại chúng ta vẫn có cơ hội nghe được pháp của Phật ở trên các trang mạng. Nhưng vì cuộc sống quá bận rộn ta chỉ nghe được đôi chút, thế nên Thất Bảo Huyền Môn, kênh Youtube này, gửi đến các bạn những mẩu chuyện nhỏ thực tế xảy ra trong đời và nương vào ý nghĩa đó để khơi nguồn cho cảm hứng của người Phật tử bận rộn ngày nay có thể ứng dụng được Phật pháp vào cuộc sống của mình một cách dễ dàng.

Hôm nay trời đã vào thu, ngồi tại nơi đây không khí đã bắt đầu se lạnh. Và chúng ta thấy cuộc đời cũng y như vậy thôi, có những mùa khác biệt dần trôi qua trong một kiếp người. Có những tuổi đời cũng dần dần thay đổi, cảm xúc cảm giác ở mỗi một con người, và ở mỗi khung thời gian cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống thật nhiều. Với sự khác biệt dần về thời tiết theo mùa, với sự khác biệt dần về cảm xúc của con người trong những lứa tuổi và môi trường sống khác nhau, chúng ta làm sao có thể cân bằng trạng thái đời sống tâm linh trong những hoàn cảnh như vậy. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có những ý tưởng có thể vượt qua được thật nhiều chướng ngại để đưa tới sự thành công trong đời. Nhưng khi ở lứa tuổi đã lưng chừng rồi, chúng ta bắt đầu suy nghĩ là thời gian đã trôi qua, ta đã thành công điều gì và ta bắt đầu giảm dần tốc độ đi tới sự thành công về vật chất để đi tìm kiếm nguồn hạnh phúc khác tới từ tình yêu thương giữa con người và con người. Đó là lẽ rất thường. Bởi vậy khi tuổi trẻ, chúng ta bôn ba dọc ngang ở cuộc đời, nơi thành phố này, nơi thành phố kia, đi từ tỉnh thành này tới tỉnh thành kia. Càng xa nhà, càng đi làm việc xa cảm thấy nguồn thích thú vô cùng. Nhưng khi lớn dần ta bắt đầu hình như xuôi về với quê nhà, gần gũi với vợ chồng con cái, với chòm xóm, hoặc với cha mẹ người thân. Đó là chuyện rất bình thường trong kiếp người – trẻ đi xa già về gần. Chúng ta càng lớn tuổi càng thích có sự gần gũi với những người thân. Ý tưởng rằng thời gian trôi qua khi lớn tuổi thích tiếp cận và gần gũi với người thân không khác gì trên con đường đạo. Bởi vì tuổi lớn hay nhỏ là tính ở tốc độ thời gian đã trôi qua trong cuộc đời của mỗi người. Vì vậy mà thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ai trong chúng ta cũng biết không bao giờ có thể lấy lại thời gian đó nữa. Và điều đó đã đưa chúng ta dần dần suy nghĩ về cội nguồn của mình, ngôi nhà của mình, nơi mà chúng ta thích tiếp xúc hơn đó chính là sự an ổn trong cuộc đời, nơi tâm của mình.

Biết bao nhiêu những vị võ tướng hoặc những người có danh xưng trong xã hội, có quyền lực về tiền bạc hoặc những người có quyền lực trong chính phủ – làm vua, làm quan, làm tướng, thì khi tới tuổi xế chiều vẫn luôn luôn nghĩ tới hạnh phúc ở trong tâm gia đình. Và hầu hết khi ở lứa tuổi đó, người ta mới có cơ hội nhìn rõ về những gì họ đã tạo, họ đã làm, để rồi gạn lọc cho phần cuối của cuộc đời cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn. Khi mùa thu đi tới lúc trời đã se lạnh, thì không khác gì lòng người của chúng ta cũng bị cô lạnh ở trong một góc độ cảm xúc nào đó. Bốn mùa thay đổi thì lòng người cảm xúc cũng thay đổi. Lứa tuổi nào cũng có những cảm xúc riêng biệt và ở mỗi một thời gian trôi qua trong cuộc sống, ai cũng có những nỗi niềm riêng tư. Nhưng để cho chúng ta đừng có bị vướng vào đói nghèo, chúng ta phải có thói quen làm giảm sự căng thẳng cho bản thân của mình bằng cách là làm sao sống chân thật, nhìn thấy được cảm xúc của mình dù là cảm xúc đó theo chiều hướng thiện hoặc là chiều hướng ác, chiều hướng xấu hay chiều hướng tốt. Nhưng ít nhất chúng ta phải đón nhận được cảm xúc của mình đang ở ngay chỗ đó. Đừng tự tăng nó lên, đừng tự khống nó lên, đừng tự đưa nó lên thành cái mức ảo tưởng rồi chúng ta khổ.

Nhưng có những con người lại thích sống trong ảo tưởng, chuyện rất bình thường nhưng lại đưa nó lên quá cao, để rồi đau khổ – chuyện đó có. Từ đó mới đưa ra những tâm lý ảnh hưởng đến cuộc sống rằng làm người thật là khổ và chân lý hình như nó tiêm nhiễm riết vào trong tâm khảm của con người là làm người rất là khổ. Sinh ra là khổ bởi vì sinh ra sẽ chết là khổ. Đó cũng là một khái niệm trong Phật học để cho chúng ta đừng có rong ruổi theo những gì vô thường sanh diệt. Nhưng không có lý gì mà làm người phải khổ hết, nếu nhìn ở góc độ lớn hơn. Bởi Đức Phật khẳng định rằng mang thân kiếp làm người khó thật, nhưng nó có phương tiện để thành tựu được quả Đại giác đại ngộ – chứng đắc quả Phật. Như vậy thì mang kiếp người không hẳn là khổ, có nhiều hướng để nhìn. Theo Đức Phật là con người – mang thân kiếp là người, chúng ta có nhiều phương tiện, có nhiều cơ hội để thành Phật. Ta nhìn theo chiều hướng tích cực như vậy ta sẽ vượt qua được.

Có một câu chuyện thực tế như vầy: Có một cậu bé – lúc đó khoảng chừng 10 tuổi, đứng trên một dòng suối ở quê nhà, thấy những đứa trẻ khác nhỏ hơn mình – 5, 6, 7 tuổi nhảy tủm xuống dòng suối tắm khi mùa nước lũ về, chúng nhảy xuống và bơi lên như con nhái thật là nhẹ nhàng, nhưng cậu bé 10 tuổi kia chưa bao giờ bơi – nói rõ thì chẳng biết bơi. Nhưng bởi vì so sánh giữa tuổi rằng ta đã lớn hơn những cậu bé kia thế mà những cậu bé kia nhỏ hơn lại có thể nhảy xuống nước và bơi như con nhái, còn ta lớn hơn nhất định nhảy xuống nước ta còn bơi hơn thế nữa. Với sự đeo đuổi niềm vui như những đứa trẻ kia đang nô đùa dưới dòng nước lũ, cậu ta liền nhảy xuống để thể hiện sức mạnh của người lớn tuổi hơn, cá tính của người anh hùng. Tiếc thay, cậu bé đó không biết bơi, bị chìm xuống dòng suối tưởng là đã chết. Nhưng rất may là đã có những người thân nhảy xuống cứu.

Thực ra câu chuyện này rất bình thường, nhưng là một câu chuyện thực Bảo Thành đã trải nghiệm qua. Mà cậu bé không ai khác đó là Bảo Thành. Từ lúc 10 tuổi cứ suy nghĩ về những câu chuyện như vậy để thấy lời Tổ và lời Phật dạy qua kinh rằng con người đôi khi tự tin quá đáng rồi sống trong ảo tưởng của mình. Cái gì cũng nghĩ ta có thể làm được. Bởi vi khi so sánh với những con người khác ta luôn thấy ta hơn. Nhưng thực ra, người ta tuy nhỏ, người ta rành rõ biết bơi như nhái, còn ta tuy lớn tuổi đời đó nhưng chưa một lần bơi, trải nghiệm chưa có nên bị chìm xuống dòng suối lũ. Cuộc đời của con người có biết bao nhiêu dòng suối nước lũ của những thử thách buồn vui trôi tới, ai cũng vỗ ngực xưng tên để rồi không có suy nghĩ tư duy cho kỹ là bước xuống hay không mà cứ nhắm mắt đi vào để rồi chết chìm ở dưới đó. Rất may thuở đó Bảo Thành được người thân cứu, nếu không đã chết rồi. Và trong dòng suối của cuộc đời, khi nước lũ của cay đắng ngọt bùi nó tới, ta nhắm mắt xuôi tay chẳng tư duy cho rõ, cứ bước vào và ai ai trong chúng ta cũng có điều đó hết. Nhưng quên rằng đôi khi chúng ta đã nâng mình lên quá cao, quá mức thực tế ta có thể vượt qua được. Cho nên giữa dòng lũ của cuộc đời ta bị chới với và chết chìm, gây ra biết bao nhiêu đau khổ phiền lụy cho ta, đi ngược lại lời của Thế Tôn dạy cho mỗi người chúng ta là làm sao phải hiểu thấu rằng kiếp người thực ra không có đau khổ mà không có hạnh phúc.

Bởi kiếp người là một phương tiện, chỉ cần chúng ta định mức được cái gì gây ra đau khổ để ta tránh xa, cái gì mang lại hạnh phúc ta tiếp cận. Chứ sinh ra là người không có khổ, mang thân người là phương tiện vi diệu, bởi vậy thân người này nó không khổ, nó cũng không sướng. Nhưng chính ở phương tiện đó, ta có sự chọn lựa là đi vào hạnh phúc bình an hay lại lao đầu vào cái khổ. Vậy nên Phật mới ra đời để cho chúng ta biết thật là rõ mang thân kiếp của con người này không có khổ, nhưng nó là phương tiện vi diệu để ta bắt đầu từ phương tiện này có sự định đoạt để hướng tới điều hạnh phúc cao cả hơn trong cuộc đời. Miễn là chúng ta phải xác minh cho thật rõ để đừng ảo tượng sức mạnh quá đáng khi nhìn thấy người khác làm như vậy ta cũng làm, khi người khác làm như thế ta cũng theo. Cái như vậy và cái như thế, trước khi chúng ta muốn đi vào thì chúng ta cần phải thẩm định cho rõ để đừng mù lòa như cậu bé 10 tuổi kia – thấy người ta nhảy xuống dòng nước lũ cũng nhảy, nhưng không biết bơi.

Có một dòng nước mà nhảy xuống đó, chúng ta không cần biết bơi cũng luôn nổi – không bao giờ chết, đó là dòng suối thiện hảo ở tâm chân thật biết hướng thiện. Các bạn không cần phải học bơi, chỉ cần nhảy xuống dòng suối thiện, suối pháp thiện để hướng về cội nguồn chân thiện của cuộc đời như Đức Phật đã nói, thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ có thật nhiều cơ hội không bị chết chìm trong dòng suối lũ trôi nổi của cuộc đời. Ở trên đời này cái gì cũng cần phải học để chuẩn bị, nhưng cái thiện ở trong lòng vốn có chẳng cần học, chỉ cần hành mà thôi. Vốn ở trong ta – thân xác làm người này đã có một tánh thiện vi diệu đưa chúng ta tới chứng đắc quả Thánh. Chỉ cần hành được điều đó chúng ta sẽ thành công và tất cả những gì chảy qua cuộc đời của mình. Như dòng suối đó, không bao giờ được gọi là nước lũ cần phải học bơi, mà chỉ cần thả cho nó trôi trên dòng trôi của pháp thiện đó, trôi tới đâu như nước mang sự sống tới đó. Để làm sao các bạn có thể trở về với nguồn, các bạn cần phải tư duy một chút xíu như lời Phật dạy. Dòng suối của pháp thiện hiện hữu trong trái tim, trong tâm của mỗi một người. Khi các bạn biết cười, khi các bạn vui, khi các bạn hạnh phúc đó chính là pháp thiện. Và mang suy nghĩ một cách đơn giản cho một đời sống bận rộn như vậy để nhìn thấy những đối tượng gần gũi với ta là chồng là vợ, con cái cha mẹ. Khi những vị đó cười, khi những vị đó hạnh phúc, khi những vị đó an vui chính là pháp thiện. Từ những suy nghĩ thật nhỏ như vậy, chúng ta thực hành rồi từ từ chúng ta sẽ đi tới những cái cao hơn một chút. Nhưng chúng ta đừng vội vàng nhảy lớp trong cuộc sống quá bận rộn. Chỉ cần làm sao nhà vui tiếng cười, nhà đầy ắp sự hạnh phúc giữa cha mẹ con cái đối xử với nhau trong tình nghĩa chân thật, biết kính trọng, biết tương trợ, vượt qua tất cả để làm sao sưởi ấm cho gia đình, con cái.

Bảo Thành hôm nay chia sẻ để gợi ý rằng chúng ta hãy dừng lại một chút để suy nghĩ, đời người không phải khổ như người ta nói. Nhưng đời người là phương tiện để lựa chọn pháp thiện đi vào cuộc đời để có được hạnh phúc cho muôn người, để có được nụ cười cho muôn người. Đừng tự nghĩ rằng cái gì ta cũng làm được như cậu bé kia nhảy xuống suối sẽ bị chết chìm. Nếu điều gì tư duy rõ thấy không có khả năng, ta phải biết dừng lại, đừng quá ảo tưởng. Hãy sống chân thật với lòng mình, xuôi theo dòng chảy của pháp thiện mà Như Lai đã khai thị, để mỗi người chúng ta thực sự biết mang lại tiếng cười cho người thân, cho gia đình và những người chúng ta thực sự quan tâm mỗi ngày đang sống với chúng ta trong cuộc sống. Nhất là các bạn đang bận rộn trong cuộc đời – mà có thể phải làm 6-7 ngày một tuần, 12 tiếng 1 ngày, hãy cố gắng nâng tầm cỡ tiếng cười và hạnh phúc trong gia đình bằng những nghĩa cử đơn sơ nhưng trân quý lẫn nhau.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts