Search

Chú Tiểu Càm Ràm

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn, chúng ta gặp nhau trên trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, nơi chúng ta gặp hàng ngày về sự đồng tu Thất Bảo Huyền Môn Thiền mật song tu và gợi ý tư duy. Bảo Thành mời các bạn kết bạn và đăng nhập vào để chúng ta tiếp tục nhân duyên, nuôi dưỡng nhân duyên này đồng hành với nhau.

Hôm nay Bảo Thành kể một câu chuyện về một sư phụ và một chú tiểu.

Trong một thôn làng nhỏ, có một ông sư phụ nhận được một người đệ tử – là chú tiểu nhỏ, ở trong một ngôi chùa có 4 vách nhỏ thôi, và một cái cửa chính, cùng 2 cửa sổ. Người ta gọi tên là chùa, nhưng thực tế nó chỉ là một cái nhà nhỏ có mái bằng tranh vách đất, nền cũng là nền đất, một cái bếp phía sau để có thể nấu nướng, có 2 tấm phản 2 bên, ở giữa có tôn tượng chư Phật để thờ. Sư phụ nằm 1 bên đệ tử nằm 1 bên, Phật ở giữa, ngồi tụng kinh bái xám tu tập sớm hôm. Hai thầy trò thường đi khất thực ở trong thôn xóm. Những buổi đi khất thực như vậy chú tiểu đi và cứ càm ràm ở đằng sau:

  • Sư phụ à, chùa nhỏ như vậy thì khi nào mới xây lớn được.

Sự càm ràm của đệ tử cứ văng vẳng bên tai sư phụ, nhưng sư phụ vẫn hoan hỉ từng bước đi vào thôn đón nhận sự cúng dường khi đi khất thực. Bữa này qua rồi bữa khác tới, ngày tháng qua đi, sư phụ vẫn bình tĩnh. Nhưng tiếng càm ràm của đệ tử – chú tiểu càng ngày càng lớn, mặt của chú tiểu càng nhăn nhó khó chịu. Không biết vì nhân duyên gì, tới từ đâu mà chú tiểu lại mơ ước cái chùa lớn hơn, đẹp hơn. Rồi một hôm trở về sau khi đi khất thực, trời bắt đầu đổ mưa, sư phụ vào bên trong ăn uống xong chuẩn bị nghỉ. Chú tiểu không chịu vào, ngồi ở trước sân càm ràm nói thật lớn:

  • Sư phụ ơi, nếu mà cứ như vầy, chùa cứ như mái tranh….

Sư phụ mới hỏi đệ tử rằng:

  • Tiểu à, có chuyện gì mà con cứ càm ràm hoài vậy?

Chú tiểu mới nói

  • Sư phụ, chúng ta cần có một ngôi chùa lớn hơn, nhưng đệ tử và sư phụ đi khất thực chỉ vừa đủ ăn làm sao có được ngôi chùa lớn. Con là đệ tử duy nhất của sư phụ đó.

Ông sư phụ nói:

  • Thôi con đi ngủ đi.

Chú tiểu vội vàng muốn vô ngủ nhưng trong lòng cũng muốn chống đối một chút xíu, không chịu vô. Sư phụ hỏi:

  • Con có lạnh chưa?

Đệ tử nói

  • Con lạnh cóng hết chân tay rồi.

Sư phụ mới nói:

  • Thôi vậy thì vô ngủ đi con.

Đến lúc này chú tiểu mới đi vô bên trong ngủ, sư phụ đắp chăn xong mới nói:

  • Con ơi, cái chăn này nó sưởi ấm cho con không?

Chú tiểu vội vàng suy nghĩ, cái chăn nó đâu có hơi ấm gì mà sưởi cho con. Sư phụ trả lời:

  • Nhưng sao con đắp vào lại thấy ấm?

Chú tiểu còn nhỏ không hiểu, nhưng chỉ vài phút sau chú tiểu thấy thực sự ấm áp. Sư phụ mới nhẹ nhàng trả lời:

  • Con à, chăn không sưởi ấm nhưng có thể giữ được hơi ấm cho con đó, con đắp chăn mền này vô, nó không sưởi ấm cho thân con nhưng nó giữ được hơi ấm của toàn thân.

Và sư phụ liền nhắc với đệ tử rằng:

  • Quan trọng là con biết đắp lên trên người sự thanh tịnh trong công phu tu tập, nó sẽ sưởi ấm cho tâm của con, và tâm con sẽ vui không bị lạnh cóng như ngoài kia. Con thấy cái mền này đơn giản, nó không phát ra hơi ấm nhưng nó giữ được hơi ấm con không bị lạnh. Cái tâm của con nếu biết tươi vui và hoan hỉ thì nó cũng như cái mền đắp lên trên cuộc đời, mặt không còn nhăn nhó khó chịu nghe con. Cố gắng đắp cái mền bằng tâm thanh tịnh hoan hỉ đón nhận những gì ta đang có trong hiện tại.

Hình như chú tiểu còn nhỏ, nghe và cũng hiểu được một chút, từ đó chú thay đổi cuộc sống hoàn toàn và những ngày sau đó xuống thôn đi khất thực chú tươi vui, chú cười và chú nhẹ nhàng. Cứ từ từ, từ từ chú lớn, chú lớn lên với sự điềm tĩnh nhẹ nhàng thanh thoát an vui. Dân trong thôn ai cũng quý mến hai thầy trò bởi vì sư phụ thì an lạc còn đệ tử thì an vui. Thôn làng cảm thấy như có phép lạ, từ thuở hai thầy trò – Sư và Tiểu lang thang trong làng khất thực, hình như có lực gì đó tạo ra nguồn bình an trong thôn làng. Rồi một hôm, có một vị đại gia đi ngang qua làng, thấy hai thầy trò đang đi khất thực với phong thái tự nhiên hoan hỉ, ngầm nói cho vị đại gia một điều gì đó. Ông ta đến và phát tâm xây dựng lại cái nhà tranh thành ngôi chùa tương đối ổn định và khang trang. Tới lúc đó thì vị sư phụ cũng đã lớn tuổi, trao truyền lại chức vị trụ trì cho chú tiểu – nay đã thành một thanh niên lớn rồi. Và chú đã bắt đầu trở thành vị thầy, thay mặt cho ngôi chùa giảng kinh và đón tiếp tất cả mọi khách khứa công phu sớm tối.

Câu chuyện dừng ở đó, nhưng nói tới sự lan tỏa của tâm hoan hỉ trong cuộc đời. Trong cuộc sống chúng ta, chúng ta thường mong cầu nhiều chuyện thay đổi trong cuộc đời, nhất là về phương diện vật chất. Chúng ta thấy thật rõ có ăn có mặc, rồi có nhà cao cửa rộng, xe cộ, điều đó rất cần thiết trong cuộc đời đối với một số người dư tiền dư của. Nhưng nó cũng ảnh hưởng thật là nhiều tới những con người đang sống ở trong cuộc đời này. Chúng ta cứ đòi hỏi đủ thứ và làm đủ mọi phương thức để thành tựu, đời sống của cuộc đời cũng khổ lắm. Bởi chúng ta so sánh nhiều, mong cầu nhiều, nhưng nếu mất đi sự hoan hỉ an vui thì cái tâm cưỡng cầu đó tạo ra sự khó chịu và trên khuôn mặt luôn luôn thể hiện những nét cau có, không gây được niềm vui cho mọi người. Đặc biệt trong cửa của thiền môn, những ngời đi tu thường cũng bị lôi cuốn bởi xã hội, muốn ngôi chùa phải to phải lớn, phải được thay đổi cho phù hợp. Đơn thuần thì không chịu nghe đâu, như chú tiểu theo sư phụ của mình, thấy ngôi chùa chỉ là mái tranh như vậy khó chịu lắm. Phước thay chú được sư phụ khai thị, đắp lên trên cuộc đời bằng tâm hoan hỉ, ấm lòng mình, ấm lòng muôn người, như cái mền biết đắp lên người trong mùa đông giá rét và mưa lạnh.

Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của thiền môn không khác biệt. Dù dưới một phương diện nào chúng ta đang đi tìm cầu một điều thành tựu, cũng luôn luôn phải khoác lên sự hoan hỉ trong cuộc sống – rất quan trọng quý vị à. Sự hoan hỉ trong cuộc đời rất quan trọng, bởi tâm hoan hỉ được ứng dụng trong đời sẽ giúp cho chúng ta có được năng lượng tịch tĩnh an vui, giúp cho chúng ta khỏe mạnh, có một phong thái thanh tịnh, sự thanh tịnh đó giúp cho trí tuệ sáng suốt, giúp cho chúng ta suy nghĩ rõ về mọi phương diện. Không những thế, sự hoan hỉ trong lòng còn tạo ra phước báu. Đấy, chú tiểu chỉ cần mang tâm hoan hỉ trong tất cả mọi hành động của cuộc sống và rồi lan tỏa trong từng bước chân khi đi khất thực, vậy mà tạo ra nguồn phước báu để rồi vị đại gia một hôm tới sẵn sàng cúng dường để xây chùa. Chỉ cần sự hoan hỉ thôi các bạn, sự hoan hỉ rất quan trọng trong cuộc sống.

Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với một người nào đó mà trên mặt của họ buồn rầu khó chịu thì chúng ta cũng bị ô nhiễm, lây nhiễm điều đó. Chúng ta cũng buồn và khó chịu. Và suy nghĩ cho kỹ, chúng ta không muốn gặp. Sự suy nghĩ đó là đúng bởi trên đời ai muốn buồn rầu rĩ đâu. Và cũng như vậy, nếu các bạn cứ rầu rĩ khó chịu mà chẳng có hoan hỉ an vui, tư tưởng của các bạn bị kềm hãm, tư duy của các bạn bị đình trệ và sự sáng suốt sẽ không còn. Đó là để giải quyết một vấn đề mà tư tưởng trí tuệ như vậy, sao giải quyết được? Nhưng nếu các bạn hoan hỉ, tư tưởng nó thông và phước báu lại tới bởi khi tâm hoan hỉ được trưởng dưỡng trong cuộc sống, chúng ta tạo ra phước báu. Đó là một hình thức tu tâm hoan hỉ, tâm hoan hỉ rất quan trọng các bạn ạ. Chúng ta giữ được tâm hoan hỉ như vậy chúng ta sẽ thành tựu được phước báu, chúng ta sẽ thành tựu được như ước mơ của mình. Bởi tất cả mọi sự thành công ở trên đời đều dựa trên sự hoan hỉ, đều dựa trên sự an bình, đều dựa trên sự an lạc của chính mỗi một con người. Chúng ta có sự an lac, chúng ta có phước báu, chúng ta có tâm hoan hỉ chúng ta sẽ có sự thành tựu. Ông sư phụ chỉ nói đơn giản, chiếc mền nó không có thể sưởi ấm nhưng nó giữ ấm. Tâm hoan hỉ nó không những sưởi ấm mà nó còn có thể giữ được hơi ấm – hơi ấm cho ta và hơi ấm cho muôn người. Luồng hơi ấm đó sẽ lan tỏa tới mọi trái tim, mọi ngóc ngách của những trái tim nơi những con người đang sống tiếp cận với chúng ta. Tâm hoan hỉ rất cần các bạn ơi, các bạn cố gắng tu tập sống trong chánh niệm để giữ được tâm hoan hỉ nhé các bạn, bởi khi các bạn giữ được tâm hoan hỉ, các bạn sẽ thành công.

Cầu chúc các bạn thành công trong tâm hoan hỉ.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts