Search

Tiếng Đàn Tỉnh Thức

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn! Chúng ta gặp nhau trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn – nơi mà chúng ta gặp để trao đổi, tâm tình về những lời của Đức Phật dạy qua một hình thức nhẹ nhàng để chúng ta nghe, chúng ta có thể nhận biết được một chút thông điệp trong cuộc sống hàng ngày bận rộn này.

Các bạn! Ai trong chúng ta khi có sức mạnh, nhất là khi tuổi còn trẻ thường coi trời không ra gì, dùng sức mạnh của mình để thành đạt tất cả những điều mong muốn. Ở trong cuộc sống, có biết bao nhiêu những bạn trẻ lao đầu vào trong cuộc sống mang sức bật, sức mạnh của tuổi trẻ vùng vẫy tạo ra cho mình những điều ham muốn trong cuộc đời, biết bao nhiêu những chuyện như vậy. Ai trong chúng ta, người nào cũng tự hào chính bản thân là sẽ làm được những chuyện như vậy và ai cũng tin tưởng vào sức mạnh của mình để thành công những điều mình mong muốn.

Các bạn thân mến! Bây giờ chúng ta, những con người đang ngồi nơi đây nghe câu chuyện này chúng ta thấy như thế nào về cách mà sức mạnh sẽ đưa đến sự thành công. Có những con người chấp nhận sức mạnh sẽ đạt được thành công và họ mang sức mạnh đó để tạo ra những điều họ ham muốn, nhưng có những con người lại nói rằng nếu chỉ có sức mạnh không mà không có trí tuệ thì chẳng bao giờ thành công. Chúng ta thấy ở trên đời không hẳn có sức mạnh đưa đến sự thành công, mà chỉ có trí tuệ cũng không thể đưa tới sự thành công. Trí tuệ và sức của con người áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống một cách hài hòa mới đưa đến sự thành công. Chỉ có trí tuệ mà không có sức khỏe không đưa đến thành công. Chỉ có sức khỏe là sức mạnh mà không có trí tuệ sự thành công sẽ không có thành tựu mà đôi khi còn nguy hại.

Có một câu chuyện, thuở đó Đức Phật ở trong một cái thành và Ngài đang tu ở đó thì có một vị tỳ kheo trẻ đi đến nhận Đức Phật làm Thầy và xuất gia. Đức Phật nhận người đệ tử trẻ này và truyền cho anh ta Pháp Thiền. Anh ta còn rất trẻ, còn rất khỏe mà trong khi đó những vị tỳ kheo tới trước anh ta cũng đã luống tuổi rồi, anh ta mới suy nghĩ rằng với sức khỏe như vậy ta tinh tấn ngày đêm, liên tục không ngừng nghỉ tu thiền thì ta sẽ chứng đắc nhanh và thành tựu được. Cho nên anh ta bắt đầu gia công nhập thất, miên mật triền miên từ ngày này qua ngày kia, tu không ngừng nghỉ, để đốt cháy giai đoạn đi đến sự thành công điều anh ta mong muốn – chứng đắc quả Thánh, bởi tới sau sức còn trẻ, người còn khoẻ cho nên sự suy nghĩ của anh ta rất phù hợp với bản thân.

Anh ta nhập thất như vậy và từ sáng đến tối liên tục tu chẳng ngừng nghỉ. Tu thiền, nhập thất, hạnh độc giác mà, không cần quan tâm đến ai, một mình là duy nhất, tu như vậy nữa là đủ. Tuổi trẻ có sức mạnh, niềm tự tin vào bản thân, anh ta không nghe ai hết và anh ta dồn công dồn sức vô để làm việc – tu. Việc của cuộc đời anh ta là tu để thành, để chứng đắc. Trải qua một thời gian, anh ta bị kiệt sức, hao mòn, kiệt quệ sức khỏe để rồi anh ta đâm ra chán nản, nản chí, bỏ cuộc và anh ta không muốn tu nữa bởi vì mình khỏe, mình tu không ngừng nghỉ là làm đúng lời Phật dạy mà không chứng đắc, anh ta bỏ.

Đức Phật quán chiếu như vậy mới mời anh ta tới để mà khai thị. Khi Phật quán chiếu, nhận biết anh chàng này là người thích chơi nhạc, thích gảy đờn, đánh đàn, Phật mới mang anh ta tới và nói chuyện với anh ta rằng: “có phải con là người thích chơi đàn hay không?”. Anh ta thật là vui bởi vì Phật hỏi đúng với chuyên môn, sở thích. Anh ta kể cho Phật nghe về năng khiếu học đàn từ nhỏ của anh ta và anh ta có năng khiếu gảy đàn thật là hay, biết lên dây đàn, biết gảy và thậm chí còn biết hát ca.

Phật mới hỏi anh ta rằng: “con là người biết chơi đàn, nếu dây đàn của con nó quá chùng thì con đánh đàn âm thanh có nghe được không?”.  Anh ta nói: “thưa Ngài, nếu như đàn chùng không thể đánh đàn được, nốt nó không có đúng, âm thanh nó không có đúng”.

Phật lại hỏi: “nếu con căng quá mức thì con thấy như thế nào?”. Anh ta nói: “căng quá có thể bị đứt dây và hơn thế nữa là âm thanh nó cũng không có đúng, khó có thể đánh những nốt nhạc chuẩn mực”.

Phật nói: “vậy thì con phải làm sao”. Anh ta mới nói: “dây đàn không được quá căng không được quá chùng, vừa, thì âm thanh nó sẽ tốt và dây đờn không bao giờ bị đứt”.

Phật mang ngay chuyên môn của anh ta và nói rằng: “con à! Con là người chơi đờn, con biết lên dây cho đúng thì trong Pháp Thiền của Thầy dạy cho con, con phải lên đúng thời khóa tu cho vừa, đừng quá chùng, đừng quá căng thì con mới đưa đến sự thành tựu”.

Người tỳ kheo trẻ này ngộ ngay tại chỗ bởi vì nghiệp đờn ca của anh ta đã quá thông thạo với sợi dây đờn chùng hoặc là căng, âm thanh như thế nào. Cho nên khi Phật quán chiếu nhân duyên thấy anh ta có nghề đờn ca và dùng ví dụ đó để khai thị, anh ta giác ngộ và đi vào ứng dụng chứng đắc sự tịch tĩnh an vui.

Các bạn, hay của Phật là gì? Ngài quán chiếu nhân duyên, Ngài hiểu được mỗi một chúng sanh có những biệt nghiệp khác biệt, hoàn toàn khác. Biết bao nhiêu đệ tử, Phật cũng dạy thiền, có người thành tựu có người không thành tựu, Phật đều quán chiếu nhân duyên của từng người đó để khai thị cho hiểu. Như vị tỳ kheo trẻ kia, khi vô lấy sức khỏe của cơ bắp, lấy sức khỏe của tinh thần lấn át trí tuệ để tu nhưng không chứng đắc. Phật đã quán chiếu thấy anh ta là người biết đánh đờn và khai thị qua chuyên môn, anh ta ngộ được, ứng dụng và thành tựu.

Trong mỗi một con người chúng ta có thể có tư tưởng như vị tỳ kheo trẻ kia. Khi chúng ta tới học Phật, pháp môn của Chư Phật học được chúng ta gọi là tinh tấn, nhưng mà không đúng, miệt mài liên tục, ròng rã ngày đêm không ngưng nghỉ, chẳng chăm sóc cho sức khỏe để rồi thân yếu, thân tàn, bệnh hoạn, tu không được đâm ra nản chí, rồi thối chí không muốn tu đạo của Đức Phật nữa. Chúng ta nhớ rằng đó không gọi là tinh tấn mà gọi là tà tinh tấn, không đúng; chánh tinh tấn như người biết lên dây đờn – vừa. Người có chánh kiến, chánh tinh tấn là người tu đúng, tu phù hợp, tu nhịp nhàng với sức khỏe và trí tuệ, người đó thành tựu. Cho nên khi các bạn học đạo các bạn đừng quá miệt mài ra sức để hao tổn, lao lực, sẽ gây bệnh cho thân.

Tu của nhà Phật là tăng trưởng đời sống tinh thần, tâm linh, mà còn tăng trưởng sức khỏe cho mỗi người chúng ta. Nếu bạn tu mà bị hao mòn sức khỏe, nếu bạn tu mà để cho bị bệnh, lao khổ tâm trí và thân thì tu đó không đúng, đó gọi là tà pháp dù vẫn là kinh, vẫn là kệ, vẫn là lời Phật nhưng nó biến thành tà bởi ta ứng dụng không đúng. Chánh pháp là phải đi vào con đường trung đạo nhịp nhàng, phù hợp giữa thân và tâm để có được trí tuệ trong thân tâm hòa hợp bổ túc lẫn nhau, không rời, không nghiêng về tâm để từ bỏ thân, không nghiêng về thân để từ bỏ tâm, hai cái đó phải nhịp nhàng nương vào với nhau, trưởng dưỡng cho cái tâm trong sáng, cho thân khỏe mạnh. Có như vậy chúng ta mới gọi là chánh tinh tấn đưa tới sự thành tựu trong cuộc sống, nhất là trên lĩnh vực tu luyện tâm linh.

Còn ở đời nếu ứng dụng đúng lời của Chư Phật, sự thành công trong cuộc đời cũng dựa trên sự hài hòa của kiến thức và sức khỏe. Nếu các bạn lao lực quá nhiều để rồi cho hao mòn sức khỏe, bệnh hoạn, các bạn sẽ không bao giờ thành công, các bạn nhớ. Do vậy mà chúng ta cần phải điều chỉnh trí tuệ, sức khoẻ, tinh thần phối hợp nhịp nhàng để chúng ta đưa tới sự thành tựu cao nhất. Các bạn nhớ, con dường trung đạo của Chư Phật là một con đường phối hợp nhịp nhàng giữa kiến thức của loài người và kiến thức Phật pháp hài hòa trong trí tuệ biết dung thoa giữa sức khỏe và tinh thần, thể chất. Thể chất này và tâm linh luôn luôn phải có một sự gắn kết. sự khổ hạnh – cách miên mật quá cũng là khổ hạnh, chúng ta vượt qua sức lực, lao lực, tâm trí căng thẳng không có sự thư giãn nhẹ nhàng khó có thể thành công.

Đối với các bạn trẻ đang đi vào con đường tu luyện Phật pháp, pháp môn nào cũng vậy, chúng ta nhớ phải hài hòa giữa sức khỏe của tự thân và sự trong sáng của tinh thần, phối hợp giữa kiến thức ở đời và kiến thức Phật pháp để cho chúng ta vừa lợi lạc cho kiếp sống này và lợi lạc cho đời sống tâm linh. Đừng nghĩ rằng chúng ta tu là phải xuất thế gian, bỏ thế gian. Ta tu là bổ túc cho đời sống trong thế gian này phong phú, hạnh phúc, bình an hơn, làm chỗ dựa cho đời sống tâm linh, đừng đi theo tâm linh mà quên cuộc đời, đừng đắm chìm trong cuộc đời mà bỏ bê tâm linh. Giữa đời sống tâm linh, tinh thần và đời sống của con người này cần phải phối hợp một cách dung thông rõ ràng, nhẹ nhàng, tương tác hòa hợp thì chúng ta sẽ thành tựu. Tấm gương của người tỳ kheo trẻ kia đã quá miệt mài dùng sức của cơ thể, thành tựu – không bao giờ, phải nhẹ nhàng, phải có chánh tinh tấn, nhịp nhàng phù hợp với sức khỏe.

Cái khéo của bậc Thầy Bổn Sư là gì? Ngài quán chiếu nhân duyên, hiểu ra sự khác biệt, ứng dụng phương tiện phù hợp. Ứng dụng phương tiện phù hợp với nhân duyên của từng người để khai thị, sách tấn, để người đó tu thành tựu được pháp của Như Lai. Các bạn thấy, Phật hay ở chỗ là Ngài nhìn thấu nhân duyên của từng chúng sanh, ứng dụng pháp phương tiện phù hợp để giúp cho chúng sanh thành tựu pháp an lạc. Cho nên ngày hôm nay, trong cuộc sống này, khi chúng ta tiếp cận với mọi người, cố học theo gương của Đức Phật, ngoài hiểu được mình phải hiểu được người như câu người xưa nói: “biết người và biết ta trăm trận trăm thắng”, còn nếu chỉ biết ta mà không biết người thì thất bại. Cuộc sống luôn luôn có những mối liên hệ ràng buộc, hãy hiểu được người hiểu được ta, biết được người để biết được ta và để ta người, người và ta sống chung hiệp nhất trong sự hiểu biết, thông cảm để thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc đời. 

Cám ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts