Search

Nhánh Lan Trên Rừng

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban ri tha lực Phật đin đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn chúng ta lại gặp nhau trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn, chúc các bạn an lạc, bình an và hạnh phúc.

Câu chuyện kể về một vị hòa thượng ở trên núi. Ngài có được một chậu hoa lan rừng thơm ngát. Ngài rất thích hoa lan này nên ngài chăm sóc, tưới tẩm hoa lan này. Trải qua nhiều tháng trời nuôi dưỡng, hoa lan đã quen với không khí trong chùa, lá xanh cành tốt. Rồi một hôm nó trổ được vài nhánh lan, hoa nở thật là đẹp, thơm ngát cả chánh điện. Hoa lan thơm, đẹp, ai cũng thích. Hòa thượng lúc nào nhìn nó cũng mỉm cười. Bởi vì cánh lan rừng mọc ở trên cây, nay được mang về chăm sóc trong chùa và được thuần hóa cảnh ở chùa. Nó nở hoa thơm lừng, tươi đẹp, hòa thượng vui, thích thú, chăm sóc để ở ngay cửa sổ, để không những hương thơm tỏa vào chánh điện mà vẻ đẹp còn lan tỏa ra ngoài cửa sổ. Một hôm hòa thượng đi xa, nhắn nhủ chú tiểu ở nhà: “Ta đi mấy ngày, con nhớ chăm sóc bình lan cho sư phụ”. Người đệ tử chắp tay: “Bạch ngài, con sẽ chăm sóc kỹ, ngài cứ an tâm mà đi Phật sự. Hòa thượng ra đi, chú tiểu ở nhà chăm sóc tốt đẹp như mọi ngày thôi.

Thế nhưng ngày đó, mưa giông ập tới, gió bão ầm ầm, chú vội nghĩ đến nhà bếp, vội chạy xuống loay hoay che chắn nhà bếp cơm nước sợ ướt. Chú đang làm việc thì bỗng nghe tiếng rầm, chú vội vàng lên xem. Thì cánh cửa sổ bị gió thổi đập mạnh vô. Và trên sàn, chú thấy bình bông lan của sư phụ đã rớt xuống bể toang, những nhánh hoa lan gãy hết chẳng còn gì. Chú vội vàng gắn trở lại, đặt lên đúng chỗ, cột thật chặt, nhưng chỉ vài ngày sau nhánh lan héo úa, hư hết. Và ngày hoa héo đó, nhìn rất tệ thì sư phụ lại trở về. Chú tiểu vội vàng quỳ xuống trước sư phụ, đảnh lễ ngài và sám hối, kể lại sự tình như vậy. Nhưng rồi chú thấy hòa thượng đi tới nhành lan, chăm sóc nhẹ nhàng, vẫn nở nụ cười, trên khuôn mặt chẳng có chút gì sầu muộn, tiếc thương. Chú tiểu thấy làm lạ, mình đây nhìn thấy hoa rớt xuống như vậy ba, bốn ngày mà mình còn buồn ở trong lòng, đau ở trong tâm, sợ hãi. Vậy mà sao sư phụ thương hoa lan này, ngài lấy trên rừng về chăm sóc đến khi nó trổ bông, ngài lúc nào nhìn cũng cười, cũng vui, giờ nó bể, nó gãy mà ngài cũng vui, cũng cười, không chút gì buồn. Nên chú tiểu hỏi sư phụ: “Thưa sư phụ, con đã sám hối nhưng có điều thắc mắc con muốn hỏi ngài, xin ngài giảng dạy cho con”. Hòa thượng bảo chú tiểu nói đi, chú tiểu nói: Sư phụ thích hoa lan như vậy, mang về chùa trồng, hoa đã nở đẹp, ngày nào con cũng thấy hòa thượng ngắm và cười vui. Con đã vô tình không chăm sóc kỹ như lời thầy dạy, gió đập vào gãy hết lan, nay xấu chẳng còn chi mà sao người chăm sóc chẳng buồn phiền, nuối tiếc vậy. Vị hòa thường nhẹ nhàng nói với chú tiểu rằng: “Con à, ta trồng lan để có niềm vui, ta trồng lan là bởi vì ta vui nên thấy cảnh rừng cũng vui, rước nó về chùa, ta cũng thấy vui, ta chăm sóc nó, ta cũng thấy vui. Bởi ta nuôi dưỡng niềm vui trong mọi công việc hàng ngày, với ta, với hơi thở, với sự chăm sóc và với lan, với hoa, với sắc hương. Vạn vật trên đời chẳng có gì tồn tại mãi. Nếu nó đã hư rồi thì ta cứ chăm sóc niềm vui đó, đâu có thể vì mất nó mà mất luôn niềm vui. Ta sống để vui, ta thiền trong chánh niệm, ta an trú trong cảnh vật, trời đất thiên nhiên và tự tại. Niềm vui đó không thể mất khi thiên nhiên biến mất. ”Nói một hồi thì đệ tử liễu ngộ và hiểu được nên chú cũng mỉm cười, bao nhiêu nặng nề, canh cánh trong lòng khi vô trách nhiệm làm rớt bình hoa của sư phụ liền tan biến. Chú tiểu mỉm cười, đảnh lễ, vùi đầu vào trong bàn tay của sư phụ, cảm ơn những lời nói của bậc thầy đã khai thị cuộc sống ở thiền môn.

Các bạn thân mến, trên đời nếu chuyện gì đó giữa hai vợ chồng xảy ra thì nhất định không chỉ vợ mà chồng cứ đay nghiến nhau hoài. Nếu chuyện đã qua rồi không thể thay đổi được, chúng ta cũng lại có thói quen đay nghiến như vậy. Mình nói gọn hơn, trong cuộc sống, tương tác giữa gia đình, giữa bạn bè, nhân quần, xã hội, chúng ta có thói quen nuối tiếc đến mức mà cứ nhắc đi nhắc lại, đay nghiến hoài để tạo cho sự chướng ngại, phiền não, đau khổ. Ngay ví dụ của câu chuyện, nếu một đứa con sai, có những bậc cha mẹ cứ mang cái sai đó ra mà đay nghiền hoài làm cho đứa con đó khổ. Nếu như sư phụ kia mang cái sai của đệ tử ra đay nghiến, đệ tử sẽ khổ nhưng vì sư phụ cười, chẳng nuối tiếc vì nó rớt, nó hư là có nhân duyên, nên người sư phụ có thể cười nhẹ nhàng và dạy dỗ đệ tử nên người đệ tử không có đau lòng phiền muộn. Trong cuộc sống của gia đình, nếu cha mẹ thấy con cái sai, đừng vội trách, cứ nở nụ cười tươi như vị hòa thượng, hãy nói nhẹ nhàng là sự chăm sóc cuộc sống giá trị ở chỗ niềm vui và niềm tin vào một ngày mai. Ta tin tưởng chú tiểu sẽ có trách nhiệm hơn, sẽ biết chăm sóc hơn, và biết nuôi dưỡng tình yêu và chẳng nuối tiếc chuyện bất thường xảy ra.

Ở trên đời này, có biết bao nhiêu chuyện bất thường, hay vô thường thường xảy ra. Đã gọi là vô thường sanh diệt, tới rồi đi nhưng cái đi tới của cảnh vật bên ngoài, của sự việc ta làm chẳng thể làm cho niềm vui biến mất. Ta sống trên đời là để vui, để sống với hạnh phúc, ta không sống để buồn, để chìm vào đau khổ. Do đó sự tu tập của một đời người là để nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc, có hay không cũng chỉ là chuyện vô thường trong cảnh đời, có hay không thì niềm vui vẫn bất tận, hạnh phúc vẫn vô biên. Chẳng thể niềm vui đó lệ thuộc vào nhánh lan, chẳng thể hạnh phúc đó lệ thuộc vào hương lan. Niềm vui và hạnh phúc là biết tự tại quán chiếu trong chánh niệm, tận hưởng tất cả vạn vật sanh diệt trong từng sát đa với luật vô thường đó để hiểu thấu lòng người, để bao dung và không bao giờ đay nghiến những chuyện đã xảy ra mà ta không ưng ý. Chính pháp tu của hòa thượng đã đi tới sự liễu thông được những sự không ưng ý, bất như ý là đau khổ. Ngài đã hiểu được điều đó nên ngài không bao giờ đau khổ, vẫn cười dù chuyện xảy ra bất như ý của mình, không như ý của mình. Nếu chuyện không như ý của mình, mình đã khổ rồi, mà còn đay nghiến nữa thì hàng đệ tử, chú tiểu kia sẽ đau khổ thế nào.

Là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái, không cần biết bạn ở địa phận, địa vị như thế nào, nhất định cha mẹ cũng có cái sai, con cái cũng có cái sai, nếu như có một chuyện gì sai trái do ta tự làm, ta biết sám hối, điều rất quan trọng. Sám hối nó giúp ta trở về nguồn sống của tâm chân thật. Bởi không biết sám hối ta chẳng còn có tâm chân thật ở trong lòng, như vậy điều ác gì ta cũng có thể làm, điều sai gì ta cũng có thể tiếp tục phạm. Nhưng nếu ta biết sám hối để tận diệt những nghiệp chướng và nuôi dưỡng tâm chân thật, đó là điều đặc biệt quý giá của kiếp người. Khi sám hối như vậy chúng ta sẽ trở về nguồn tâm tự tại và nhớ chuyện đã xảy ra, quán chiếu những chuyện bất như ý trong chánh niệm. Những chuyện bất như ý sẽ tạo khổ, do đó là ta quán chiếu trên đời vạn sự vô thường sanh diệt thường xảy ra. Những chuyện bất như ý nếu vô tình xảy ra không như ý của ta thì quán chiếu trong chánh niệm rằng: hít vào, thở từ từ, bất như ý là khổ. Khi chúng ta lặp lại nhiều lần với hơi thở trong chánh niệm, bất như ý tạo khổ, chúng ta sẽ không khổ khi những chuyện bất như ý xảy ra. Như vị hòa thượng kia không khổ, vẫn cười, chú tiểu kia đau khổ thấy vậy nụ cười sẽ hết khổ cũng cười theo. Như vậy, khi ta an trú trong chánh niệm, quán chiếu bất như ý là khổ để những chuyện bất như ý xảy ra thì chúng ta sẽ không khổ thì nụ cười của ta còn có năng lực, còn có diệu lực làm tiêu tan sự phiền muộn của người khác.

Cuộc sống không thể sống một mình, phải tương tác với nhau trong xã hội, trong gia đình. Nếu chúng ta quán chiếu được những chuyện bất như ý sẽ tạo khổ, để chúng ta không khổ khi việc bất như ý tới, ta biết cười, biết vui thì nụ cười đó sẽ làm cho mọi thành viên sống an nhiên và tự tại, sống hạnh phúc và tịnh tĩnh và sống biết yêu thương, san sẻ. Rất cần những sự quán chiếu như vậy. Các bạn hãy cố gắng thực tập mỗi ngày. Nó đơn giản, nó không khó. Các bạn làm việc, các bạn biết hít thở, chỉ cần chú tâm vào hơi thở, đừng để tâm chạy theo những chuyện khác. Khi chú tâm vào hơi thở rồi, các bạn luôn nhắc trong đầu: những chuyện bất như ý sẽ tạo khổ. Các bạn hiểu điều đó và lặp đi lặp lại với hơi thở như vậy, đó là cách quán chiếu của Phật dạy, quán chiếu hơi thở chánh niệm để bất như ý tới không tạo khổ cho ta. Đây là cách ta chuyển hóa năng lượng, chuyển hóa cái tâm của chúng ta không bị khổ khi chuyện bất như ý xảy ra.

Mà để như vậy, hít vào biết hít vào, thở ra ta thầm nhắc trong tâm: chuyện bất như ý tạo khổ. Với đề mục nhẹ nhàng như vậy thôi, các bạn tu, các bạn sẽ có sự dũng mãnh, an nhiên, tự tại, bất kể chuyện gì xảy ra, bạn cũng luôn mỉm cười, nụ cười an nhiên và hạnh phúc như vị hòa thượng kia sẵn sàng và luôn lươn cười như vậy dù nghịch cảnh hay thuận cảnh xảy ra. Sự tự tại đó sẽ cảm hóa được những người sai phạm như chú tiểu tìm lại nguồn hạnh phúc và an lạc.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Cầu chúc hơi thở chánh niệm là đề mục cho các bạn tu tập và lấy tinh thần của câu chuyện bất như ý tạo khổ để tư duy. Cảm ơn các bạn thật nhiều.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts