Search

Thương Buôn Và Hiền Nhân

Tâm Sĩ bút ký

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến. Chúng ta lại gặp nhau trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn.            

Các bạn, trải qua một thời gian dài suy nghĩ trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng thường lo toan cho gia đình của mình, lo lắng cho vợ chồng, con cái, gọi là gia đình của riêng ta. Chúng ta cũng suy nghĩ tới việc giúp đỡ những người khác, nhưng có lẽ hoàn cảnh của cuộc sống không cho phép. Do đó chúng ta hầu hết đầu tư thời gian, chỉ nghĩ đến ta và gia đình chúng ta, còn những người chung quanh, nếu có chuyện gì, thôi thì để trời định cho họ, có số mệnh khác biệt ông Trời cứu. Đó là một cách nói nhẹ nhàng, chúng ta không giúp đỡ được cho họ, nhưng thôi để cho họ có trời định, lo cái gì đâu.

Chúng ta người học Phật, Đức Phật dạy cho chúng ta học bố thí trong cuộc đời, bố thí gì đây? Ngày nay chúng ta thấy biết bao tấm gương tốt, từ các bậc Tôn túc đến Phật tử, hay cả những người không thuộc về tôn giáo của chúng ta, vẫn trải lòng ra với những mảnh đời bất hạnh. Đó là những tấm gương đáng ca ngợi trong cuộc sống. Những tấm gương đặc biệt đó, chúng ta phải luôn luôn học hỏi. Biết lo lắng cho gia đình, chăm sóc cho vợ chồng con cái là một điều tốt, bởi đó là trách nhiệm của từng người trong chúng ta. Còn đối với những người ở bên ngoài, đang túng thiếu đau khổ, đang gặp phải những hoàn cảnh ngặt nghèo trong cuộc sống, chúng ta đối xử với họ ra sao, có nên giúp đỡ họ hay không, và khi chúng ta giúp đỡ họ, chúng ta giúp với tâm gì.

Các bạn, thuở xưa có năm thương buôn, đi trên một chiếc thuyền buôn cùng với một vị Thiền sư, tổng cộng trên thuyền có sáu người đi. Con thuyền ra khơi, dĩ nhiên biển khơi không bao giờ nói là không có sóng gió. Biển mịt mù thì sóng gió cũng tới thường xuyên, và chiếc thuyền đó bị một cơn sóng lớn đập vào, chiếc thuyền bị lật ngược tan vỡ, cả sáu người văng ra bên ngoài, chiếc thuyền chìm xuống đáy biển sâu. Vị Thiền sư may mắn, đã bám được vào cột buồm, còn trôi lênh đênh trên biển, đã trồi lên trên mặt nước sống khỏe, nhưng khi nhìn lại năm vị thương buôn, đang chìm nổi ở ngoài kia sắp sửa chết, vị Thiền sư này đã bơi đến từng người, từng người, giúp họ bám vào cột buồm để sống.

Sau một lúc vật lộn với sóng biển, vị Thiền sư đã kéo được tất cả năm người thương buôn, bám vào cột buồm trụ ở đó. Sau khi sáu người đều bám vào cột buồm thì cột buồm bị chìm xuống, vị Thiền sư mới nhận ra rằng, cột buồm chỉ đủ sức cho năm người bám nổi lên thôi, nếu có người thứ sáu sẽ bị chìm, tất cả sẽ bị chết. Suy nghĩ một hồi, để cứu sống năm thương buôn kia, vị Thiền sư đã buông tay ra khỏi cột buồm, nói lời chúc phúc cho năm người thương buôn, nhắc họ hãy ôm chặt vào cột buồm mà tồn tại, còn vị Thiền sư thì nhẹ nhàng, để cho cơn sóng của biển khơi, vùi lấp dưới đáy biển. Vị Thiền sư chết đi được sinh về cõi Trời, còn năm thương buôn bám vào cột buồm đã từ từ trôi vào bờ, được cứu sống trở về với vợ con, gia đình, sống bình an, nhưng trong lòng họ luôn tưởng nhớ vị Thiền sư, đã dang tay ra cứu sống năm người của họ.

Các bạn, vị Thiền sư buông tay cứu sống năm người thương buôn kia, chính là tiền thân của Đức Phật. Vào kiếp đó Ngài đã đi trên một chiếc thuyền cùng năm thương buôn, khi thuyền chìm thì Ngài ôm được côt buồm, nhưng không quên năm người thương buôn kia, cứu năm người đó bám vào cột buồm, nhưng cột buồm chỉ có thể nổi với năm người, có thêm người thứ sáu sẽ nặng chìm. Tiền thân của Đức Phật đã buông tay ra, sẵn sàng chết để cứu năm người.

Các bạn thân mến, buông để cứu sống năm người, với ý nghĩa như câu nhân gian thường nói: “Cứu một người còn hơn xây bảy cái chùa”. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể bắt chước vị Thiền sư kia không, vị hiền nhân kia không, biết buông cột buồm ra để cứu sống năm thương buôn hay không, chuyện đó khó, phải không các bạn. Buông ra để chết, cứu sống người khác khó lắm, nhưng chúng ta có thể buông các chuyện xấu, để cứu lấy hạnh phúc gia đình, cứu sống hạnh phúc của những người khác. Với điều kiện phải buông những việc ác, những việc sai trái trong cuộc đời, những tội lỗi ta thường làm, chúng ta phải buông, buông được những cái đó mà cứu sống được gia đình của chúng ta. Nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta dễ bị lôi cuốn vào những phong trào của xã hội, ăn uống nhậu nhẹt rượu bia tối ngày. Không những người đàn ông đắm chìm trong tửu sắc, mà người phụ nữ cũng bị chìm đắm trong ăn uống bê tha, để rồi cha đi đường cha, mẹ đi đường mẹ, nhậu nhẹt tối ngày, con cái ở nhà đang tuổi lớn khôn thiếu cha vắng mẹ, đâm ra đi theo những gương sai lầm mù sát đó.

Cứu được năm thương buôn kia, tiền thân của Phật sẵn sàng chết để buông tay. Giữ được vợ chồng, con cái sống hạnh phúc trong gia đình, chúng ta phải buông những tánh xấu. Những tánh xấu là đi làm về, tìm đến bạn bè để ăn uống cho tới tối, nhậu cho say mèm mới về nhà, còn đâu thời gian cho con cái, còn đâu thời gian để chăm lo hạnh phúc cho gia đình. Một ngày, hai ngày, đến cả tuần đắm chìm trong ăn uống, nhậu nhẹt, trong tụm ba tụm bảy, nay chén chú, mai chén anh, hằng ngày hằng tháng. Cuộc sống được đong đo, định mức hơn thua và được định danh tốt xấu trên bàn nhậu, đó là một điều tệ hại. Cuộc sống đó chẳng tốt lành, như đi trên chiếc thuyền mục bị sóng vỗ, nếu không buông ta sẽ chết.

Các bạn, nếu chết đi bao tội lỗi cho gia đình được hạnh phúc, thì mỗi người chúng ta cần phải làm. Các bạn thanh niên, các bạn thiếu nữ, các bạn đã lập gia đình, chúng ta nhớ phải hy sinh, trong thời đại từng góc đường, từng nhà, luôn luôn có những bàn nhậu bày sẵn bia rượu đầy ắp, ăn uống thỏa thê, con cái bỏ quên, chúng ta đang nhận chìm gia đình của mình trong biển rượu bia, của những bữa nhậu bê tha chìm ngập mỗi ngày trong cuộc sống. Chúng ta chỉ biết thỏa thích theo bản tánh, sở thích, còn như con cái của chúng ta như thế nào đây?

Chúng ta đừng nghĩ cứu năm thương buôn kia rồi phải xả thân. Chúng ta đừng nghĩ cứu những con người cùng khổ, bất hạnh ở ngoài đời, mà hãy cứu hạnh phúc gia đình của chúng ta, bằng cách buông những điều xấu, để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình. Hình thức nhậu nhẹt chỉ là một vấn đề nhỏ trong cuộc sống, còn có biết bao nhiêu chuyện khác trong cuộc đời, chúng ta phải ngồi lắng đọng tâm hồn trở lại, nhìn cho rõ bản thân, mới thấy rằng chúng ta còn có biết bao nhiêu chuyện, chưa làm tròn trách nhiệm của người làm cha, người làm mẹ, để rồi bỏ quên con cái trong gia đình, chúng ta nhớ gia đình là đồng thuyền, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Chúng ta sống trong gia đình có vợ chồng, có con cái, cùng chung một chiếc thuyền, hạnh phúc vô cùng. Nếu chúng ta bỏ bê, nếu chúng ta là gia đình, là người đứng đầu, là một thành viên là mẹ là cha tương tác hòa hợp, chúng ta phải biết bỏ quên tất cả các tội lỗi, những tánh tham sân của cuộc đời, những thú vui dành riêng cho chính mình và bạn bè, để trở về quan tâm đến đời sống con cái gia đình của chúng ta.

Hạnh phúc thay cho các bậc cha mẹ biết lo và biết chắt chiu tình cảm, yêu thương con cái của mình, để dung hòa giữa cuộc sống của gia đình vợ chồng, con cái và mối liên quan tới bạn bè, đừng để bạn bè nắm đầu kéo đi, rồi chúng ta say mướt trong bàn nhậu, trong những cuộc vui của cuộc đời, mà bỏ quên luôn vợ, chồng và con cái.

Các bạn, hạnh phúc của gia đình phải được phát triển, bằng sự quan tâm chăm sóc đích thực. Để chăm sóc đích thực chúng ta phải sẵn sàng hy sinh, như tiền thân Đức Phật đã buông tay, cho năm lái buôn được sống với gia đình của họ. Đó là tâm Bồ Tát của một vị hiền nhân, buông bỏ sự sống của chính mình. Chúng ta nếu có gia đình, ta phải biết buông bỏ những thú vui của chính ta, để tạo niềm vui cho gia đình, cứu cánh của ta là gia đình, là vợ chồng, con cái. Phải buông, buông những thú vui của riêng mình, để tạo niềm vui chung cho gia đình.

Tiền thân của Đức Phật là một hiền nhân, hy sinh bản thân để cứu năm thương buôn. Thân của chúng ta ngày hôm nay là cha là mẹ, chúng ta phải buông bỏ thú vui của riêng mình, để bảo vệ sự sống của con cái, của vợ chồng, của gia đình chúng ta. Như vậy ta mới xứng đáng là một vị hiền nhân trong gia đình, xứng đáng là người học Phật, xứng đáng là người hiểu được chân lý của Đấng Bề trên dạy cho chúng ta. Đạo lý là đây, chổ này, áp dụng được chúng ta sẽ có một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Áp dụng không được chỉ nghĩ về mình, cho riêng mình, sống cho cái tôi, cái bản ngã của mình sẽ đánh chết hạnh phúc của gia đình. Mà ngày nay biết bao nhiêu gia đình ngoài kia bị tan nát, cũng chính bởi vì ông chồng hoặc bà vợ, chỉ biết vui thú cho riêng mình, quên luôn cảnh sống của gia đình con cái.

Hãy trở về, hãy quay về, hãy buông tất cả những thói hư tật xấu, để sống đích thực là người cha người mẹ, vợ chồng, chăm sóc cho gia đình con cái của chúng ta, như vị hiền nhân đã sẵn sàng buông, để cho năm thương buôn kia được sống, trở về với gia đình. Để cho gia đình chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phải buông những tật xấu, tội lỗi, thói hư, để cho gia đình chúng ta luôn là một gia đình hạnh phúc.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts