Search

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Chúng ta hôm nay lại gặp nhau trên kênh YouTube “Thất Bảo Huyền Môn”. Niềm vinh dự của Bảo Thành là tiếp tục được gặp lại các bạn ở trên kênh YouTube này. Mời gọi các bạn đăng ký vào kênh để chúng ta tiếp tục giữ mối giao lưu này để gợi ý cho nhau về những chân lý rất bình dị trong cuộc sống.

Kính thưa các bạn! Cuộc đời có nhiều lúc chúng ta nghe qua một điều gì đó, nhưng bởi không có đủ thời gian suy nghĩ, chúng ta đi rồi một đoạn đường mới chợt nhớ “mình nghe thấy được điều gì và điều đó có rõ hay không?” Có những lúc vội vàng mà điều nghe, điều thấy và làm việc nó không ăn khớp với nhau trong cuộc sống.

Các bạn thân mến! Để dẫn nhập vào một câu chuyện để chúng ta dễ dàng nhìn ra được ý nghĩa gợi ý hôm nay.

Một câu chuyện kể rằng có một người cha già và một người con. Hai cha con chung sống với nhau đã lâu đời, lâu đến mức mà tình cha, tình con thật là gần gũi, thật trở nên như một. Tuy nhiên có một chuyện như vầy. Vào một ngày nọ, người cha già mới nói với người con rằng: “Con ơi con hãy ngủ sớm đi để ngày mai cha nhờ con đi làm một số chuyện.” Thế rồi người con nghe theo lời của người cha mình đi ngủ. Sáng anh ta vội vàng dậy, nhảy lên trên con đò nhỏ của nhà vượt sông đi mãi ra ngoài chợ. Đi cả mấy tiếng đồng hồ mới tới chợ và chuẩn bị mua đồ anh ta mới chợt nhớ “Không biết cha dặn dò mua gì? Chỉ nghe được tiếng cha ngày mai đi chợ”. Cha dặn như vậy cho nên cứ vội vàng đứng dậy rồi đi. Nay ba bốn tiếng đồng hồ mới tới chợ mà dòng sông xuôi ngược nước nhiều, đi thì khó về cũng khó khăn dữ. Anh ta cứ đi lang thang mãi ở trong khu chợ đó đi riết đi riết cho tới chiều tối. Rồi đi về cũng chẳng biết phải mua gì vì không rõ sợ mua lộn để cha buồn, sợ mua những thứ không cần thiết cha lại nói những lời không hay, làm phiền lòng và anh ta trở về. Người cha sáng dậy thấy người con đã đi, đi từ sáng sớm, chưa hỏi, chưa dặn dò đã đi. Đợi mãi, nay chiều con về nhìn thấy đứa con mệt lả như vậy trong lòng buồn thảm, chỉ nói một câu “Con à, sao con không nghe cho rõ để rồi đi vội vội vàng vàng đi xa như vậy mấy tiếng đồng hồ uổng công, cuối cùng về con cũng không làm được gì mà những điều cha cần con cũng chả thực hiện được.”

Các bạn thân mến! Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta nhìn thấy đầy rẫy những chuyện họ nghe chưa xong đã vội vàng thông báo. Họ nghe chưa rõ đã vội vàng chuyển tin. Họ nghe chưa được đã vội vàng chứng tỏ. Chính những chuyện không rõ, chính những chuyện chưa được hiểu biết tận tường mà lòng vội vội vàng vàng để chứng tỏ rằng ta là người biết để tuyên báo cho thiên hạ nghe về những điều ta biết. Thế nên đã mang tới cho biết bao nhiêu những con người khác những trắc trở lo âu phiền muộn. Thậm chí còn mang lại đau khổ cho họ.

Nghe cho rõ là một bài học mà Đức Thế Tôn đã dạy cho đệ tử bao nhiêu ngàn năm qua. Để nghe rõ ta phải rèn luyện tánh biết của mình. Nếu chúng ta có thể sống với tánh biết của mình thì lỗ tai của chúng ta sẽ trở thành lỗ tai của Bồ Tát, có thể nghe thấu được vạn pháp. Nghe được tất cả niềm vui, nỗi thống khổ của nhân loại, của chính ta và của mọi người. Tánh biết rất quan trọng bởi chính vì tánh biết được ứng dụng thực tế trong cuộc đời mà hạnh lắng nghe của chúng ta được thực tập. Tánh biết rất quan trọng các bạn ơi. Các bạn cứ nhìn vào câu chuyện người con chưa phát triển được tánh biết, biết được ý của cha, mà chỉ nghe phấp phỏng ở ngoài tai những điều cha nói “Ngủ đi rồi mai đi chợ” thế là anh ta vội vàng đi ngủ. Có nghe lời, có nghe lời cha đi ngủ, nhưng mà nghe không rõ được ý của cha “ngủ sớm để mai thức dậy đi chợ”. Đi chợ mua gì cho người cha? Các bạn thấy không? Và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng nghe được tiếng nói của lương tâm, của chánh Tâm, của tâm thiện. Chúng ta cũng nghe được lời giáo truyền của Đức Phật, của các bậc tổ thầy dạy cho chúng ta, để rồi chúng ta giữ giấc ngủ an yên cho cuộc đời. Sáng thức dậy nhưng không nghe rõ, ngủ yên để thức dậy trong tỉnh thức, trong tánh biết.

Thế là khi thức dậy, ta cũng như người con vội vàng đi con đò trải qua biết bao nhiêu sóng gió gập ghềnh của dòng sông, tới được chợ của cuộc đời, nhưng không biết phải mua, phải lượm lặt cái gì mang về cho cuộc sống tâm linh. Lềnh bềnh mãi trên con sông của cuộc đời. Lềnh bềnh mãi trên chợ của cuộc đời, để rồi chúng ta không biết gì và phải làm gì. Tánh biết nó quan trọng đến mức mà Đức Phật đã phải dùng hai mươi mấy năm trời dậy cho các đệ tử, dạy để cho các đệ tử biết được. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy về tánh biết. Tánh biết quan trọng cho những Phật tử, cho những người tu về Phật giáo. Tánh biết quan trọng trong đời sống hằng ngày, bởi vì khi ta biết ta sẽ lắng nghe được. Còn nếu ta không phát triển được tánh biết, ta không thể lắng nghe được. Các bạn có thể hỏi Tánh biết tôi viết xuống được. Tánh biết tôi có thể nói người ta nghe hai chữ tánh biết và tánh biết tôi cũng có thể ghi âm lại được, nhưng tánh biết là gì? Cái biết của nhà Phật khác với biết của thế gian. Biết của thế gian là biết làm sao làm ra tiền. Cái biết của thế gian là biết làm sao để có danh vị trong cuộc đời lớn, làm quan cho cao, có chức có quyền. Cái biết của thế gian là biết để có tài, có kiến thức ở đời hơn người. Cái biết của thế gian là biết phải làm sao cho thật là giàu để có nhà cao cửa rộng, giai nhân dập dìu. Cái biết của thế gian là biết làm sao để cho ngủ ngon, giường ấm, chăn mềm, vợ đẹp con khôn. Cái biết đó là biết sanh diệt, trầm luân, đau khổ. Cái biết của con người, biết của cõi lầm, biết của cõi mê, biết của kiếp người luân hồi đau khổ. Cái biết mà Đức Thế Tôn muốn dạy cho chúng ta.

Cái biết mà Đức Thế Tôn muốn khơi dậy để cho chúng ta tư duy và hiểu được: đó là biết sâu về nhân quả Thiện – Ác. Chính vì chúng ta biết về nhân quả Thiện – Ác mà nhĩ căn, mà tai của chúng ta có được khả năng nghe và thẩm thấu được nỗi niềm của từng người, nỗi niềm của những bất hạnh trong cuộc đời, nỗi niềm của những niềm vui khơi dậy trong tâm của phàm phu. Để giữa vui và buồn của phàm phu đó, chúng ta có thể đi vào một sự lựa chọn sống viên mãn, để không dính mắc vào vui buồn của đời thường, để sống an nhiên tự tại. Biết dụng cái buồn cái vui của cuộc đời để làm giàu trí tuệ của tánh biết, để mà nhàm chán, để mà từ bỏ để không đắm chìm trong những lục dục của thế gian, ngũ dục của thế gian, ham muốn của đời thường, mà biết vừa đủ, mà biết vừa đúng. Mà biết, biết để sống đúng với nhân thiện, sống từ bỏ nhân ác. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn đã vội vội vàng vàng trong tất cả mọi công chuyện. Đã bao nhiêu chuyến đi trong cuộc đời, đi mà không tới được đích, tới chỗ muốn mà chẳng thể mua được những gì ứng ý mà trong lòng cũng chẳng biết mua gì, trong lòng cũng chẳng biết tìm gì, lang thang mãi trong cuộc đời, mệt mỏi lắm người ơi. Một mai đã mệt mỏi rồi về nhà gác cũ có gì trưng ra. Ta không có gì để trưng ra cho mọi người thấy. Ta không có gì để đặt lên giá của cuộc đời, để tỏ lộ cho nó sáng hơn? Chỉ có tánh biết.

Tánh biết là viên dạ minh châu. Tánh biết là ngọc ma ni. Tánh biết là trí tuệ của mặt trời bừng sáng trong đêm tối. Tánh biết giúp chúng ta vượt nghìn trùng vô lượng kiếp đen tối trầm luân, để đi tới bờ giác ngộ tịch tĩnh an vui. Phát triển được tánh biết đó, chúng ta phải thực hành công phu thiền chư Phật dạy. Thiền đơn giản mà chư Phật dạy, Bảo Thành thường nhắc nhở cho mình và gợi ý cho các bạn thực tập là hãy giữ hơi thở chánh niệm. Chỉ cần hít vào thở ra biết thở ra và hít vào, thở ngắn ta biết thở ngắn, thở dài ta biết thở dài, hít vào ta biết hít vào. Giữ tâm biết, nhận biết được hơi thở ra vào từng giây từng phút. Nó sẽ tăng trưởng não bộ kích hoạt thần kinh, để diệu dụng được nó. Để biết được tất cả những sự việc xảy ra trong cuộc đời. Từ khi biết được những chuyện xảy ra trong cuộc đời, trong từng giây phút, trong từng sát na chánh niệm với hơi thở. Ta có được khả năng lắng nghe. Nghe được từ trong chính mình, nghe được từ bên ngoài, nghe được từ bên trong, bên ngoài bên trong đều nghe rõ hai tiếng yêu thương để mà hành. Người ơi tánh biết thật tuyệt vời.

Thực tập hơi thở để biết thêm. Chúng ta phải biết thật và phải biết thêm về những ý nghĩa huyền nhiệm cao siêu, những ý nghĩa màu nhiệm thần thông trong hơi thở chánh niệm. Hơi thở biết được hiện tại ngay trong giây phút này. Nó rất là bình thường bởi trên đời ai cũng biết thở và rất là bình thường bởi ai cũng biết hít vào thở ra. Đó là chân lý sống khi sinh ra làm người, ai không sợ sẽ chết. Nhưng thở như thế nào, đó là cái thở rất quan trọng cần phải nhắc nhở mọi người. Có hơi thở của phàm phu hì hục, hơi thở hì hục đắm chìm trong lục dục. Hơi thở của phàm nhân là hơi thở đắm chìm trong luân hồi trầm mê. Hơi thở của phàm nhân là hơi thở chìm xuống cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Hơi thở của thánh nhân là hơi thở siêu thoát khỏi Tam đồ khổ. Hơi thở của Tánh biết, biết để theo nguyện hạnh của mình luân hồi trở lại, tái sanh trở lại làm người, làm thần, làm chư thiên Bồ Tát, làm ngạ quỷ, súc sanh, làm chúng sanh trong địa ngục với tâm hạnh nguyện sâu để cứu đời. Hơi thở đó là hơi thở của tánh biết, hơi thở của sự tỉnh thức, hơi thở của Như Lai.

Các bạn thân mến! Chúng ta hãy nhìn lên, để thấy rằng trời còn cao. Chúng ta hãy nhìn lên, để thấy trời thật cao. Chúng ta hãy nhìn lên, để thấy cả một khung trời cao rộng mênh mông bao la và ta cần phải phát huy tánh biết, mới có thể nhìn thấy tận chân trời xa tắp. Có những chân lý tuyệt vời nhưng thật gần, nơi ánh mắt của những con người biết chú tâm vào hơi thở với tánh biết của Như Lai. Qua câu chuyện vừa gợi ý. Người cha dặn người con, người con ngủ sớm vội vàng ra đi, quẩn quanh xóm chợ trên sông, khi về chẳng biết mua gì cho cha. Chúng ta sẽ có một ngày để trở về với lòng đất và khi đó chúng ta sẽ trả lời sao? Đi quanh vòng quanh cả một kiếp đời, chợ đời ta có được gì mang theo. Hi vọng các bạn cố gắng tư duy để thực hiện hơi thở chánh niệm trong tánh biết, để chúng ta biết sống, chúng ta biết lắng nghe.

Cảm ơn các bạn đã nghe Bảo Thành nói chuyện ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn