Search

Thị Phi Là Tạo Nghiệp

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Con nguyện Chư Phật mười phương rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Hôm nay các bạn có hoan hỷ, có vui không? Tin chắc rằng mỗi một ngày qua trong chúng ta sẽ thêm vui và bớt phiền não, bởi có nhân duyên gặp gỡ nhau, chia sẻ ý nghĩa sống qua lời Đức Phật truyền dạy cho chúng ta.

Hôm nay Bảo Thành muốn chia sẻ về ác nghiệp của thị phi. Trong cuộc sống chúng ta đôi khi vô tình thị phi mỗi ngày, mà có ai khi nào nghĩ rằng lời thị phi đó chúng ta tạo ra nghiệp hay không? Chúng ta đôi khi nghĩ rằng: “à, thị phi chỉ là nói chơi, nói giỡn, thị phi chỉ là mang chuyện người này nói người kia nghe với một tâm ý không ác, chỉ vì với một tâm ý nói cho có chuyện”. Nhưng Đức Phật nói, không nói có, có nói không, nói chuyện vu khống, nói chuyện thêm bớt, nói chuyện ác ý, đò đưa, đâm đầu này thọc đầu kia, tăng thêm cho nó vẻ, bớt đi cho nó hay, chuyện đó chung quy đều là thị phi tạo ra nghiệp. Và nghiệp đó làm tổn hại đến phước báu của chúng ta.

Có câu chuyện thật sự trong kinh kể rằng, Ngài A-Nan là đệ tử ruột của Đức Thế Tôn, là anh em họ của Đức Thế Tôn và cũng là thị giả lúc nào cũng kề cạnh Đức Thế Tôn. Cái đặc biệt của Ngài A-Nan là nghe đâu nhớ đó, bởi là thị giả lúc nào cũng sát với Đức Thế Tôn cho nên Đức Thế Tôn giảng kinh cho chúng đệ tử nghe câu nào, bài nào, ý nghĩa gì Ngài A-Nan đều nhớ mồn một ở trong lòng. Bởi trí nhớ siêu phàm mà chỉ có Ngài A-Nan là đệ tử duy nhất có đầu óc nhớ được tất cả lời kinh, lời giảng, lời thuyết pháp của Đức Phật mà thôi.

Do đó, sau khi Đức Phật vãng sanh tịch diệt, nói đúng hơn là bỏ cuộc đời này ra đi, tất cả đệ tử của Phật họp lại để ghi chép lại những gì Đức Phật dạy. Nếu như không có Ngài A-Nan thì kinh sách của Phật ngày nay không có. Chính Ngài là người đã lập lại câu như vậy, bắt đầu cho tất cả các kinh để mọi người đều nghe. Ngài A-Nan nói “tôi nghe như vầy”, và cái câu “tôi nghe như vầy” là thương hiệu của Ngài A-Nan, bởi chính Ngài nghe như vậy nên Ngài nói như vậy, bởi trí tuệ của Ngài có bộ nhớ siêu phàm, nên “nghe như vầy” của Thế Tôn và diễn tả lại như vầy, để mọi người viết xuống như vầy, ngày nay ta có kinh sách.

Chúng ta theo Phật hay không theo Phật ngày nay, vô tình cũng muốn chiếm thượng ưu là thương hiệu của Ngài A-Nan, là “tôi nghe như vầy”; nhưng chúng ta lại không có phước báu như Ngài A-Nan là có trí huệ lớn kề cận Thế Tôn, có trí nhớ viên mãn tức là một câu, một lời, một chữ không bao giờ quên. Ta chỉ nghe được như vịt nghe sấm, có câu được câu không, vậy mà ta cũng vội vàng nói “tôi nghe như vầy”. Có lẽ các bạn và Bảo Thành cũng từng phạm nhiều sai lầm như vậy trong cuộc sống. Bảo Thành tin chắc rằng một trong những chúng ta đây luôn sử dụng câu “tôi nghe như vầy” khi gặp mặt nhau chúng ta chào hỏi, rồi chúng ta làm gì? Chúng ta nói chuyện “à, bạn biết không, tôi nghe như vầy về ông này bà kia cô này cô kia”, thế là chúng ta kể thao thao bất tuyệt về chuyện “tôi nghe như vầy”. Phải chăng chữ “tôi nghe như vầy” đã vô tình trở thành thương hiệu của mình?

Không những thế, mà hầu hết trong chúng ta, sinh hoạt hằng ngày cứ mang câu chuyện nghe được chỗ này, nghe được chỗ kia, hiểu hay không, rõ hay không, có thực hay không không quan trọng; nhưng mà trong sinh hoạt đời thường, khi nói chuyện với mọi người, ta cứ thường nói “à, tôi nghe như vầy”. Mà đôi khi không sử dụng chữ “tôi nghe như vầy” mà chỉ kể chuyện, chuyện này chuyện kia trên trời dưới đất, bạn bè có hỏi “ủa ở đâu anh biết?” thì chúng ta trả lời “tôi nghe như vầy”.

Cái “tôi nghe như vầy” đó hình như ai cũng sử dụng. Và có phải chăng ở trên đời này, mỗi một người chúng ta nghe biết bao nhiêu chuyện mà không biết chúng ta có hiểu chuyện chúng ta nghe hay không, mà không biết chúng ta có nghe rõ chuyện ta nghe hay không, mà cũng không biết rằng chuyện ta nghe là có thật hay không có thật. Đôi khi chuyện ta nghe không trực tiếp từ người kể, mà lại nghe qua kẻ thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, người với người diễn lại “tôi nghe như vầy” thành như những vảy rồng, thì câu chuyện như rồng như rắn, múa may trong đời, quay cuồng tít tắp. Và rồi sao, những câu chuyện đó chính ta cũng không biết có thật rõ ràng, đúng hay sai, mà chỉ là đầu đuôi chót lưỡi của những người đàm tiếu trong cuộc đời. Kề cận nói lời chân thật thì hiếm hoi; thị phi nói chuyện người thì đầy đủ, dư dả.

Trong nhà Phật, khi chúng ta nói một chuyện gì, ta không biết được sự thật đúng hay sai, dù chúng ta không có ý rằng nói câu chuyện đó để hại người, chỉ vô tình hay chỉ mua vui kể lại một câu chuyện thì đó cũng được gọi là thị phi, đồng nghĩa với giới thứ tư – nói dối. Thị phi tạo ra nghiệp, bởi đó chúng ta đi theo thị phi, chúng ta bị thị phi kéo, nó tạo ra vọng tưởng và như đó chúng ta sống mãi trong vọng tưởng. Chúng ta cứ “nghe như vầy” và “kể như vầy”, nhưng nghe đó không chính xác, kể đó đôi khi còn thêm màu thêm sắc cho nó hay, kể đó còn thêm bớt để cho nó hấp dẫn, nhưng mà rồi ta đâu có biết lời ta kể vô tình hại đến người.

Suy bụng ta ra bụng người! Các bạn cứ thử suy nghĩ coi, trong mỗi ngày của cuộc sống bao nhiêu lần ta kể những chuyện ta hoàn toàn không biết, bao nhiêu lần ta kể những chuyện hoàn toàn không hiểu, và bao nhiêu những câu chuyện không biết và không hiểu đó, nó đã làm tổn hại tình thương, tình bạn, làm cho tan vỡ tình cảm giữa con người với con người. Đôi khi chỉ một câu nói vu vơ, không chính xác, chúng ta có thể phá vỡ hạnh phúc của cả một gia đình. Bởi con người ra đường, một người bạn chỉ nói một câu chơi hay nghe đâu đó nói một câu rằng “tôi nghe rằng chồng của cô như vầy như kia”, thế là cô này về ghen tuông làm bậy, gia đình mất hạnh phúc. Câu chuyện đó chắc chắn đã xảy ra. Một trong những các bạn và Bảo Thành chắc chắn một lúc nào đó cũng đã nói những chuyện như vậy, khư khư khẳng định lời nói của mình là chính xác và làm cho những người khác bị tổn thương tình cảm trong gia đình của họ.

Không cần những bài học cao siêu, chỉ cần mỗi ngày các bạn và Bảo Thành ý thức thêm một chút về ý nghĩa của cuộc sống, về sự tương tác qua ngôn ngữ giao thiệp, để chúng ta ngừng hẳn những cái “tôi nghe như vầy” mà không chính xác. Đức Phật dạy hãy nói lời chân thật để hoa vô ưu được nở trong lòng người. Tức là khi chúng ta nói những lời chân thật với nhau, phiền não sẽ đoạn diệt và hương hoa hoan hỷ sẽ khởi dậy trong tâm của chúng ta. Rất quan trọng trong cuộc sống!

Bảo Thành và các bạn không cần phải tu pháp gì cao siêu, chỉ cần ý thức được rằng đừng thị phi, bớt hẳn hoặc ngừng ngay những lời nói vô nghĩa, hay nói bâng quơ, hay nói “tôi nghe”, “tôi thấy”, không cần thiết cho những dòng văn tự nối tiếp cả ngày, để hao tổn năng lượng của ta, để làm phiền não đến mọi người. Hãy nói lời chân thật, hãy nói với tâm chân thành, bởi lời chân thật mang hương hoa giải thoát, bởi tâm chân thành mang hạnh phúc hỷ lạc tới cho muôn người. Dù là súc vật hay cỏ cây cũng cần niềm hạnh phúc trong cuộc sống, nó đau nó cũng biết, rồi nước mắt, sỏi đá ngày sau cũng còn biết còn có nhau. Huống chi con người ngày nay ta không biết có nhau thì thật là tội nghiệp cho chính mình.

Hãy biết rằng ta còn có nhau trong niềm vui, trong hạnh phúc, trong an lạc và để biết ta có nhau đó tạo được phước báu trong cuộc đời này. Sống hạnh phúc với muôn người, thì mỗi người trong chúng ta phải ngừng ngay sự thị phi, thêu dệt, hoang đường của vọng tưởng, nói và trao truyền những ngôn ngữ thất thiệt, những ngôn ngữ vu khống, những ngôn ngữ không nói có, có nói không. Chẳng cần thiết phải nói những chuyện đó, chẳng cần thiết phải nói những chuyện vu vơ như vậy, bởi như thế gọi là thị phi, mà đã gọi là thị phi thì tổn phước báu và tạo nghiệp. Và phước báu khi đã mất rồi, nghiệp đã tạo trổ hoa trổ trái, phiền não sẽ tới, đau khổ sẽ ập về, và cuộc sống của các bạn sẽ không có được vui lắm đâu.

Thay vì biết được điều đó, mỗi người trong chúng ta ý thức thêm một chút sự tu luyện, sự tu tập pháp của nhà Phật, không cần cố gắng quá mức mà chỉ cần nhận thức rõ mỗi ngày một chút. Như người biết ủi áo, nếu như nhăn chỗ nào thì chúng ta ủi cho nó bằng phẳng chỗ đó, cứ ủi từ từ, ủi nhẹ nhàng, ủi một cách khiêm tốn, đừng có ủi vội vàng nóng tính để vô tình chúng ta có thể làm cháy áo đó, phải không các bạn?

Trong cuộc sống, sai thì ai cũng sai, thị phi thì ai cũng có, chỉ cần ý thức được và mỗi người chúng ta sửa thật là từ từ, cứ từ từ mà sửa, sửa với ý thức nhận rõ, thị phi là tạo nghiệp, thị phi là tổn phước báu để mỗi người trong chúng ta còn đầy đủ ngũ căn, còn đầy đủ tri thức, còn đầy đủ năng lượng tỉnh táo trong thời này. Ta nên sử dụng cuộc đời của mình như một phương tiện để làm gì các bạn? để tăng trưởng phước báu và làm những điều thiện, để tăng trưởng thiện nghiệp phước báu ngày càng nhiều; để sao? đời thêm vui, đời được thêm hạnh phúc; để làm gì? để cống hiến, để chia sẻ và để san sẻ với muôn người.

Cám ơn các bạn đã theo dõi. Hy vọng chúng ta lại có thể gặp gỡ nhau trong những lần tới qua kênh Youtube  thiền mật tông Thất Bảo Huyền Môn.

Nếu như các bạn chưa đăng nhập vào, Bảo Thành xin mời các bạn chúng ta đăng nhập vào, chúng ta kết bạn để chúng ta tâm tình trong cuộc sống, gợi lên những ý cao cả nhất để sống hạnh phúc và an vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn