Search

Bảo Đức đánh máy

Từ bỏ Tham Sân Si

Tỉnh Giác tâm giải thoát.

Các bạn thân mến, chúng ta mỗi một ngày luôn luôn cần phải sống trong sự Tỉnh Giác để có được tâm giải thoát, đây chính là chủ đề hôm nay Bảo Thành chia sẻ với đại chúng “tâm giải thoát”.

Các bạn thân mến, làm sao chúng ta có thể sống Tỉnh Giác trong cuộc đời này khi mà mỗi một ngày biết bao nhiêu những thử thách luôn dồn dập kéo tới với chúng ta? Không thể vì cái sự dồn dập thử thách của cuộc đời luôn tới mà chúng ta đánh mất đi sự Tỉnh Giác để không còn tâm giải thoát. Nói đến cái sự giải thoát, nó có nhiều ý nghĩa và cấp bậc khác nhau tùy theo chúng ta ước nguyện như thế nào trong cuộc đời này. Có người đang khổ thì muốn hết khổ đó cũng là cách giải thoát khỏi cái cảnh khổ, một con người khi đang khổ chúng ta càng phải biết khổ về cái gì. Nếu họ khổ về nghèo đói, túng thiếu, họ muốn thoát khỏi cái cảnh nghèo đói, túng thiếu đó và dĩ nhiên chỉ có hai con đường một là con đường giải thoát khỏi nghèo đói và túng thiếu đó bằng cách thiện hoặc cách tốt hoặc là cách bất thiện không tốt. Cách thiện và cách tốt là phấn đấu vươn lên, học hỏi để có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và tìm ra tiền để mà thoát khỏi cái cảnh khổ, túng thiếu bởi vật chất. Nhưng cũng có một cách khác cũng được nhiều người áp dụng, cách đó như đi ăn cướp, đi làm việc ác. Ở đời có hai cách để thoát khỏi cái cảnh nghèo đói: một là áp dụng những công việc chân chính để chúng ta có được tiền nuôi dưỡng bản thân, thoát khỏi cảnh nghèo và đau khổ, hai là làm những cái công việc bất chính. Công việc bất chính sẽ gây ra nghiệp tạo ra họa sau này hoặc ngay tại chỗ và công việc mà chúng ta làm một cách chân chính tạo ra phước để chúng ta tăng trưởng cái phước báu có được phương tiện thoát khỏi cái cảnh nghèo túng đau khổ đó. Rồi chúng ta đau khổ về bệnh tật thì chúng ta phải cố gắng thực tập để cho cơ thể được khỏe mạnh và tu dưỡng cái tâm để có phước gặp được Thầy, được thuốc chữa lành cái bệnh của chúng ta. Đó là những cách mà chúng ta hay áp dụng ở trong đời cũng như chúng ta đau khổ về những đứa con không nghe lời ta phải tìm cách giáo dục chúng, ta phải tìm cách để khuyên lơn chúng. Chúng ta đau khổ vì sự không hiểu biết giữa vợ chồng chúng ta tìm cách để đối thoại tìm ra những cái khác biệt để sống trong cái sự cân bằng, yêu thương chân thực, tìm lại cái hạnh phúc bớt đi đau khổ đó. Chúng ta đau khổ trên cái thất bại ở thương trường, làm ăn thua lỗ chúng ta muốn thoát khỏi chúng ta nghiên cứu cho kĩ để tìm ra phương pháp giải đáp để chúng ta tiến lên.

Ở đời có thật nhiều phương pháp để chuyển hóa mang lại hạnh phúc bớt đau bớt khổ cho chúng ta. Đó là một hình thức mà con người thường áp dụng trong cuộc đời, đó là những cái phương thức và phương tiện mà hầu hết ai cũng thường làm trong cuộc sống. Chúng ta được giáo dục, được chỉ dạy những phương thức như vậy để vượt qua ngoại trừ có một số người cũng được hướng dẫn những cái phương thức không chân chính. Đức Phật dạy cho chúng ta những cái phương pháp hay hơn tốt hơn, tuyệt hảo hơn. Chúng ta có được một Bậc Thầy cao cả trong cuộc đời, chúng ta có phước báu đó là học trò của vị Thầy tối cao đó. Ngài đã tới trong cuộc đời của chúng ta, qua giáo lý và sự hướng dẫn của Ngài đã biết bao nhiêu con người thoát khỏi cái đau khổ trong cuộc đời và tìm được sự an lạc và hạnh phúc. Cái an lạc, hạnh phúc này nó trường tồn, nó vĩnh viễn bởi phương pháp của Đức Thầy Bổn Sư của chúng ta là phương pháp của một Bậc Đại Giác Đại Ngộ đã nhìn thấu những cái pháp Sanh − Diệt tạo khổ cho nhau. Một phương pháp hoàn hảo và được hoàn thiện trên con đường tu tập của chính bản thân Đức Phật để Ngài đã tự giải thoát nay truyền lại cho chúng ta để chúng ta giải thoát bản thân của mình khỏi cái sự đau khổ đó. Để có được cái tâm giải thoát như vậy, chúng ta cần phải học hỏi lời của Đức Phật và mang ra áp dụng vào cuộc đời.

Các bạn thân mến, chúng ta thường nghe lời của Phật, chúng ta thường học lời của Phật dạy nhưng chúng ta ít có cơ hội để thực tập bởi cuộc sống 24 tiếng đồng hồ lăn xả vào cuộc đời thật là nhiều chuyện lôi kéo khó có thể dừng lại để chúng ta ứng dùng lời của Phật mang tới sự an lạc trong cuộc sống. Ngoại trừ khi chúng ta đau khổ, chúng ta mới cầu cứu tới Phật bằng cách tới chùa đọc kinh, cầu nguyện, cúng kiếng, xin xỏ, điều đó có thể đón nhận được khi chúng ta lâm vào cái cảnh tuyệt vọng đau khổ vô cùng chưa có sự chuẩn bị. Do đó, khi lâm vào cái cảnh đó việc đầu tiên mọi người chúng ta ai cũng vậy mà thôi là chạy tới với Phật chúng ta sám hối, chúng ta dâng lên Phật những cái lễ vật cao quý nhất rồi chúng ta cầu nguyện tỏ bày cái sự khổ đau của chúng ta với Phật để được khai sáng tâm linh hay để được Chư Phật gia trì cho chúng ta thoát khỏi cảnh khổ đó. Điều này ở một cái góc độ nào đó được chấp nhận, nhiều người thường không chấp nhận sự cầu nguyện, chấp nhận sự đọc kinh, cúng kiếng tới với Phật khi đau khổ bởi nói rằng khổ mới tới nhưng chúng ta hôm nay phải nhìn cho rõ hơn có từng bước từng bước và nhiều hoàn cảnh để chúng ta tới với Phật. Nhưng dưới bất cứ góc độ nào khi  chúng ta tới với Phật đều là do hai chữ “nhân duyên”. Có những người do đau bệnh mới tới với Phật, khi khỏe không biết Phật, có những người thất bại trong tình trường mới tới với Phật, có những người đổ vỡ trên thương trường sụp đổ hoàn toàn mới tới với Phật, có những người con nói không nghe, bỏ đi mới tới với Phật. Có những người vợ chồng không hòa thuận, xích mích, gây chiến từng ngày từng giờ mới tới với Phật, có những con người vì thất bại hay sụp đổ hoàn toàn trên những cái quyền lực ở trần gian mới tới với Phật. Hay những con người muốn có tiền thêm, muốn có tài danh thêm, muốn có quyền lực thêm, muốn có thêm những thứ ở đời vinh hoa phú quý mới tới với Phật. Lại có những con người sinh ra nghèo khổ tới với Phật, có những người tới với Phật bằng những tâm nguyện để học giáo lý của Ngài để đi tới sự giải thoát.

Dù chúng ta tới với Phật bằng hoàn cảnh nào đi nữa thì đó là nhân duyên của mỗi chúng ta. Nếu nói tới như vậy không đúng tới như kia mới đúng thì chúng ta vẫn còn dính vào cái vòng lẩn quẩn của cái chấp vào nhân duyên của từng người. Nếu nhìn rộng ra chúng ta không nên chấp vào bởi mỗi một chúng sanh đều có nhân duyên khác nhau để tới với Phật. Nếu một người tới với Phật khi đau khổ vì có thể sa cơ thất thế họ cầu nguyện, họ đọc kinh Đức Phật rất hoan hỷ đón nhận bởi vì như vầy nếu chúng ta có cha mẹ mà khi chúng ta thất bại trong cuộc đời chúng ta về chúng ta tâm sự với cha mẹ những cái lời kể về sự thất bại thì cha mẹ vẫn ngồi đó nghe. Dù rằng trong cuộc sống ta chẳng bao giờ về thăm cha mẹ nhưng hôm nay trên đường đời thất bại ta trở về để nương vào cái tình yêu thương của cha mẹ chúng ta tỏ lộ cái tâm sự của chúng ta. Cha mẹ vẫn nghe bởi cha mẹ rất là yêu thương chúng ta. Rồi chúng ta thất bại trên ngay cả những cái cuộc tình của chúng ta, bị đổ vỡ chúng ta về tâm sự với cha mẹ, cha mẹ vẫn nghe an ủi và dìu dắt qua cái cơn bão tình sụp đổ hoặc là lặn ngụp trong những bể dâu đó. Rồi chúng ta bệnh hoạn chúng ta mới về thăm cha mẹ tâm sự cha mẹ vẫn nghe. Mọi hoàn cảnh không cần biết các bạn là ai, là bậc có danh cao ở đời, có chức có quyền hay là kẻ bình thường khi có khúc mắc trong cuộc đời hay đau khổ người ta vẫn tìm về cha mẹ và nơi cha mẹ là biển trời yêu thương mênh mông vô tận có thể gội rửa tất cả những đau khổ của chúng ta. Các bạn tới với cha mẹ bằng nhiều hình thức thì khi chúng ta tới với Đức Phật cũng bằng nhiều cái nhân duyên được thể hiện qua nhiều góc độ hiểu biết của chúng ta. Có người tới với Phật bằng tiếng kinh cầu sám hối hay tiếng mõ tiếng chuông trong bài kệ thanh thoát để đưa tâm hồn vươn lên, dâng lên cho Phật hay có những người tới với Phật lại ngồi tĩnh tọa yên lặng hay trì chú Đại Bi, mật chú này, mật chú kia hay Thiền Định quán chiếu. Tất cả những phương pháp đó đều là do nhân duyên nhận thức của mỗi một con người sinh ra trong cuộc đời để rồi khi gặp cái cảnh khổ ta về với Phật và ứng dụng phương pháp ta nghĩ trong đầu gọi là tương xưng hay tương ưng với cái sự hiểu biết thành tâm mong kính của ta dâng lên cho Phật. Phật là một vị cha lành với cái lòng Từ Bi vô biên, thương xót mọi loài chúng sanh do đó chúng sanh như chúng ta tới với Ngài dưới hình thức này, hình thức kia như đọc kinh, trì chú, cúng kiếng, công quả hay ngồi thiền tĩnh tọa, hay nghe giảng hay chỉ tới đi vòng quanh kinh hành trong cảnh già lam cũng đều tốt đẹp bởi đó là những cái bước đầu để chúng ta tới gặp Phật. Không có một cái phương pháp nào được gọi là hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn bởi chẳng có pháp nào tối cao hay pháp nào thấp ở dưới chỉ có nhân duyên mới đưa chúng ta gặp đến Phật.

Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta đã có nhân duyên tới với Phật, mỗi người chúng ta tới với pháp của nhà Phật, giáo lý của Phật để gặp Phật dưới nhiều hoàn cảnh khác biệt và nhân duyên khác biệt. Chúng ta đều biết rõ ràng chúng ta tới với Phật vì nguyên nhân nào thì chúng ta phải hiểu nguyên nhân đó là nhân duyên. Nhưng khi chúng ta đã tới với Phật bởi nhân duyên đó rồi chúng ta tin vào Phật, nhận Phật làm Thầy, nhận Phật là Đấng Từ Phụ yêu thương ta, chỉ dạy giáo dưỡng cho ta thì những cái lời dạy của Ngài chúng ta phải học. Đức Phật dạy nếu như tất cả chúng sanh mà có tâm giải thoát thì luôn sống bình an, hạnh phúc và nhất định sẽ chẳng bao giờ đau khổ. Làm sao để chúng ta có tâm giải thoát? Tâm giải thoát là tâm gì? Tâm giải thoát là tâm Tỉnh Giác. Nếu chúng ta luôn thức tỉnh hay nói đúng hơn là luôn Tỉnh Thức, Tỉnh Giác. Cái chữ “Tỉnh Thức” có nghĩa là chúng ta luôn thức, còn cái chữ “Tỉnh Giác” mình tạm đặt cho nó một cái ý nghĩa như vầy tức là sự Tỉnh Thức trong quán chiếu, nhìn rõ để chúng ta có một cái sự tỉnh trong sự nhìn rõ chứ đừng tỉnh một cách mơ hồ. Cho nên Tỉnh Thức là một sự Tỉnh Thức nhưng chưa có sự quán chiếu rõ ràng. Ví dụ như khi chúng ta bị cha mẹ đánh thức dậy chúng ta thực sự Tỉnh Thức nhưng mù mờ lắm bởi vì cái giấc ngủ nó vẫn còn đọng ở trong tâm và đôi khi giấc mơ vẫn còn đó nên khi những ai được đánh thức dậy thì thường 5 – 6 phút mới thực sự tỉnh còn nếu không chỉ gọi là Tỉnh Thức mà thôi, thức dậy trong cái tỉnh nhưng chưa nhìn rõ. Còn Tỉnh Giác nghĩa là chúng ta có Tỉnh Thức nhưng lại quán chiếu cho thật sâu để chúng ta nhận rõ được đó gọi là Tỉnh Giác.

Tâm giải thoát là tâm Tỉnh Giác, người mà có tâm Tỉnh Giác phải là người biết từ bỏ Tham − Sân − Si, Tỉnh Giác tâm giải thoát. Nếu chúng ta từ bỏ được Tham − Sân − Si thì chúng ta có được cái tâm Tỉnh Giác, đó chính là tâm giải thoát. Làm sao chúng ta từ bỏ Tham − Sân − Si đây? Nhiều người cứ hiểu sai cái Tham − Sân − Si nghĩa là không được có nhiều tiền, không được có nhiều của cải, không được có nhiều danh văn, địa vị, quyền lực trong xã hội rồi sống cứ mặc kệ chẳng cần phải làm gì, đó cũng là cách sống nếu họ lựa chọn. Nhưng cái định nghĩa về cái tham như vậy không đúng, Phật chưa bao giờ dạy cho chúng ta không được có nhiều tiền, Phật cũng chẳng dạy cho chúng ta là không được có quyền lực, không được có những cái danh vọng trong cuộc đời mà Phật chỉ dạy cho chúng ta đừng tham chấp vào tiền, đừng tham chấp vào cái danh vọng địa vị ở đời và đừng tham chấp vào quyền lực, của cải, nhà cửa, sự ăn sự uống. Đừng tham có nghĩa chúng ta vẫn có quyền có thật nhiều nhưng phải Giác Ngộ ở trong cái sự từ bỏ cái tánh Tham nghĩa là ta có quyền có thật nhiều nhưng phải biết ứng dụng phù hợp thành những cái phương tiện thiện xảo để giúp cho đời sống của chúng ta đầy đủ, hòa hợp an bình và giúp cho những người trong cộng đồng xã hội cũng như ta.

Ông Cấp Cô Độc, ông là một vị thí chủ thời Đức Phật, vàng của ông ta có không thể kể xiết nhiều đến mức mà có thể rải trên rừng để mua đất cho Phật lập thành cái tịnh xá kỳ viên đầu tiên. Như vậy Phật đâu có cấm ông Cấp Cô Độc không được có vàng, giàu có đâu và ông Cấp Cô Độc đâu cần từ bỏ vàng bạc, tiền tài ông ta có chỉ cần ông ta không tham khư khư ôm lấy số vàng đó mà biết ứng dụng vào cái phương tiện thiện xảo là mua đất giúp Phật lập tịnh xá, cái chùa đầu tiên ở miền nam Ấn Độ là chùa Kỳ Viên. Nói như vậy có nghĩa ở trên đời nếu ai có phước báu có tiền, vàng bạc, thật nhiều châu báu rồi có được quyền lực, quyền chức ở trong đời, có được danh vọng ở đời chúng ta được phép bởi đó là phước báu của chúng ta. Nhưng chúng ta phải từ bỏ tánh bám víu, tham chấp vào đó bởi vì tiền bạc, danh vọng, địa vị, nhà cửa, sự ăn uống chỉ là phương tiện ngũ dục trong cuộc đời nếu có do phước báu thì nên học bỏ cái chữ tham để ứng dụng cái điều ta có thành những phương tiện mang lại sự sống an bình và hạnh phúc cho ta và cho người như ông Cấp Cô Độc biết ứng dụng tiền vốn có của mình để mời Đức Phật về miền nam Ấn Độ để xây chùa để giảng pháp cho chúng sanh.

Chúng ta phải từ bỏ tâm tham nhưng chẳng cần từ bỏ tất cả vật chất ở thế gian. Chỉ cần chúng ta quán chiếu sâu sắc và nhận rõ mọi vật chất trong thế gian chỉ là phương tiện chúng ta có học cách ứng dụng cho phù hợp mang lại lợi lạc cho ta và cho người. Ta phải từ bỏ cái tâm tham đó, ta phải từ bỏ cái tâm sân, thường cái tâm sân tới từ tâm tham, nó đi đôi với nhau, sân quá thì hóa ra si, người ta gọi là giận quá hóa ngu. Sân tức là giận, giận quá hóa ngu. Cho nên tham thì nó kéo theo sân, sân thì kéo theo si tức là lòng tham sẽ làm cho chúng ta hung hăng sân giận và sân giận sẽ làm cho chúng ta tối tăm và khờ dại. Ta chẳng cần nghĩ tới tánh sân và tánh si chỉ cần nghĩ tới cái tánh tham trước khi chuyển được cái tham, sân si sẽ giảm theo cái chiều hướng của cái tâm tham giảm đi. Tham tăng sân si tăng, tham giảm sân si giảm, tham tận sân si tận đây là sự thực. Các bạn hỏi Bảo Thành vậy thì Đức Phật dạy cho chúng ta làm sao để chuyển hóa cái tâm tham? Khẳng định lại một lần nữa để chúng ta hiểu rõ Đức Phật không cấm chúng ta có những phương tiện trong cuộc sống, Đức Phật không ngăn cấm chúng ta phải từ bỏ tất cả những phương tiện trong cuộc sống và cấm đoán chúng ta không được có nhiều. Phật chỉ khuyên chúng ta đừng có tham và tưởng rằng những cái phương tiện trong cuộc sống là cứu cánh của cuộc đời. Nhớ như vậy là đủ, chúng ta phải bỏ cái tâm tham đó thì chúng ta sẽ có được một đời sống Tỉnh Giác, có tâm giải thoát. Để bỏ cái tâm tham ta phải thực sự thức tỉnh, có một cái câu chuyện ví dụ như vầy: 

Một ông vua có một vị quan thần tham vô cùng lúc nào cũng tìm đủ mọi cách lọc lừa để lấy vàng bạc quốc khố lừa vua lừa của mọi người. Rồi dùng cái quyền lực của mình đàn áp các quan ở dưới lấy thêm tiền, ông vua biết được nhưng thật khó cản chỉ còn cách giết chết ông này mà thôi. Nhưng ông ta thật là một quan thần thật là tốt có công lập quốc, làm sao, làm sao đây? Và những cái chuyện khi dân gặp khó ông ta không bao giờ mang vàng bạc của ông ta ra giúp dân. Thế rồi nhà vua mới nghĩ ra một kế, nói với vị quan đó rằng trong quốc khố của nhà vua còn thật là nhiều vàng, vua muốn ông ta mang vàng đó về nhà vua tặng cho ông ta. Ông quan thần nghe thấy hạnh phúc vô cùng, rất là hạnh phúc. Nhưng khi ông ta tiến vào cái nhà kho của vua lấy vàng vua đứng đó vua nói với ông quan thần rằng tất cả số vàng này thuộc về ngươi nhưng bao nhiêu năm qua để bảo vệ chúng khỏi bị mất ta đã sai quân của ta tẩm độc dược lên trên vàng hết rồi để khỏi bị ăn cắp, khỏi bị lấy đi, thuốc giải đó nằm ở trên tay ta nhưng vàng bây giờ ta cho ngươi mang về nhà hết nhưng nhớ rằng chỉ có một mình ngươi mới có quyền mang vàng về, hãy lấy tay mà đem vàng về. Ông quan thần nghe thấy trong lòng thích bởi vì được cho vàng nhưng nghe tới đoạn vàng bị tẩm độc ông ta hoảng sợ vô cùng nhưng nhớ khi vua đã phán thì phải làm theo mà thôi. Vua nói hãy lấy tay mà mang vàng về ông ta run sợ bởi vì vàng có tẩm độc đụng vào sẽ chết ngay.

Các bạn, tại sao cái tâm tham vàng bạc như thế vơ vét vàng bạc của thế gian, của cả nhà vua mà sao khi thấy vàng ngay trước mắt ông lại không dám mang về? Là bởi vì vàng đó đã tẩm độc. Suy nghĩ một hồi ông ta đã quỳ xuống và thưa với vua trình bày tất cả những lầm lỗi để vua tha thứ. Các bạn, trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta thấy danh vọng, địa vị, vàng bạc, châu báu cũng như ông quan kia thấy mà thôi. Chúng ta ai cũng vậy thấy cái điều đó là muốn vơ vét vào bởi vì con mắt của chúng ta không thấy được trong cái đó có độc. Không phải ông vua tẩm độc, chính chúng ta đã tẩm độc vào trong cái vật chất khi cái tâm tham dâng lên bởi Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta cái con đường là tâm tham là độc, Ngài Giác Ngộ nhìn thấy cái tâm tham là tâm độc hại nhưng ta không biết tâm tham là độc hại. Chứ còn nếu ta biết độc ta sẽ không dám sờ vào như ông quan kia biết vàng tẩm độc đâu dám sờ vào, chúng ta nay biết cái tâm tham như một thỏi vàng có tẩm độc ta sẽ không dám sờ vào. Do đó, các bạn nhớ, nếu các bạn có được danh vọng, địa vị, vàng bạc mà các bạn khởi tâm tham có nghĩa là các bạn tự tẩm độc vào danh vọng, địa vị, quyền lực và tiền bạc của các bạn rồi, lúc đó các bạn đang tự hại các bạn đó. Do đó, dù các bạn có thật nhiều, nhiều vàng bạc, quyền lực ở thế gian mà các bạn không tẩm độc vào có nghĩa là các bạn không có cái tâm tham thì các bạn có quyền có, các bạn biết cách ứng dụng sẽ giúp nhiều cho mọi người. Tham là độc dược, Tham − Sân − Si nhà Phật gọi là tam độc. Nếu biết rõ Tham − Sân − Si là ba liều thuốc độc chẳng ai sờ vào nhưng tiếc thay chúng ta không được nghe và nói rõ cho nên ta lầm tưởng Tham − Sân − Si là thuốc bổ uống vào rồi chết từ từ mà không hay. Hôm nay Đức Phật dạy nếu tâm tham mà được bỏ đi thì sân si cũng bị đoạn diệt.

Trở lại với cái vấn đề làm sao từ bỏ tâm tham, chúng ta phải tỉnh tức là chúng ta phải Tỉnh Thức, phải được thức tỉnh qua lời Phật nói thật rõ tham là độc dược, phải hiểu được điều đó. Sau khi hiểu chúng ta phải quán chiếu, quán chiếu thử coi tham có phải là độc dược không, quán chiếu cái gì? Quán chiếu nó vô thường. Tiền tài, địa vị, danh vọng, vật chất của cải trong thế gian này đều vô thường chúng ta không thể mang theo được. Nếu một món đồ ăn thật là ngon chỉ cần một tiếng sau nó hư thì phải ăn ngay bây giờ chứ không thể để dành và chẳng ai có thể ăn quá nhiều, chúng ta cũng chỉ ăn đủ bữa để no bởi chút nữa món ăn tuy ngon cũng sẽ hư. Ở đời quán chiếu rằng tất cả những phương tiện chúng ta biết vừa đủ là tốt bởi có dư nó sẽ hư, thời gian chỉ một chút xíu thôi nó sẽ hư, nó vô thường Sanh − Diệt. Phật nói vô thường Sanh − Diệt, đời người tuy dài theo định nghĩa của con người nhưng ngắn chỉ bằng hơi thở ra vào. Do đó, quán chiếu vạn pháp vô thường, tiền là vô thường, vật chất vô thường, danh vọng và quyền lực vô thường tức là có đó rồi mất đó ta sẽ chuyển hóa được cái tâm tham để khi có ta ứng dụng phù hợp như có món đồ ăn ngon ta biết ăn dư ta cúng cho người khác, dâng cho người khác, tặng cho người khác đừng để dành ô nhiễm bởi chút nữa nó hư rồi để dành để làm chi. Tất cả những gì chúng ta có đều vô thường có đó rồi mất đó cho nên khi ta có ta ứng dụng vào cuộc đời của ta và cũng nên ứng dụng san sẻ với cuộc đời của những người khác, chúng sanh khác để mang niềm vui tới cho mọi người. Phương tiện như vậy y như ông Cấp Cô Độc đã biết ứng dụng vàng bạc rải trên đất để thỉnh Chư Phật về vùng đất đó xây dựng chùa Kỳ Viên. Chúng ta cũng vậy để từ bỏ tâm Tham − Sân − Si, để có được sự Tỉnh Giác có tâm giải thoát chúng ta phải thực tập cái tâm quán chiếu, quán chiếu trong tất cả những điều ta có đều là vô thường.

Để tỉnh theo như Đức Phật dạy nếu chúng ta an trú trong hơi thở Chánh Niệm chúng ta luôn luôn tỉnh. Chỉ cần nhận thức rõ ràng khi hít vào ta biết ta hít vào, thở ra ta biết ta thở ra, hơi thở Chánh Niệm là chìa khóa để chúng ta luôn Tỉnh Thức. Còn khi chúng ta Tỉnh Thức như vậy mà chúng ta dùng cái Tánh Biết và Tánh Thấy để quán chiếu thì chúng ta có được sự Giác Ngộ đó gọi là Tỉnh Giác. Trong hơi thở Chánh Niệm dùng Tánh Thấy Biết để quán chiếu, quán chiếu các pháp vô thường thì chúng ta nhất định sẽ từ bỏ được Tham − Sân − Si, chúng ta nhất định sẽ chuyển hóa được Tham − Sân − Si. Đây là kinh nghiệm thực tế của Bậc Thầy đã dạy cho chúng ta đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã hành cái Pháp môn này, Ngài đã hành cái phương pháp này và Ngài đã thành công, đoạn được khổ đau, không còn bị dính vào luân hồi tử sanh, Ngài thoát ra rồi cho nên Ngài dạy lại cho chúng ta. Nếu chúng ta thực hiện được cái điều này thì chúng ta sẽ từ bỏ được Tham − Sân − Si, chúng ta sẽ Tỉnh Giác tâm giải thoát. Nhớ, các bạn phải luôn thực hành cái hơi thở Chánh Niệm, hít tập hít vào thở ra với cái sự nhận biết rõ ràng. Ai cũng phải hít thở không hít thở sẽ chết, chỉ cần nương vào cái hơi thở dài hoặc ngắn, sâu hoặc cạn của chúng ta để dưỡng cái Tánh Thấy và Biết. Ví dụ khi chúng ta nói chuyện với ai chúng ta chú ý vào hơi thở vào ra tiếp tục nói chuyện, từng câu từng chữ, suy nghĩ của chúng ta, ánh mắt của chúng ta, tạo tác của chúng ta nhịp nhàng với hơi thở vào ra như vậy gọi là Chánh Niệm. Có lẽ nó bình thường quá nên các bạn coi thường nhưng chính cái phi thường nó có ở trong cái thật bình thường của hơi thở này. Nó phi thường tới mức mà giải thoát tất cả khỏi đau khổ và luân hồi.

Đức Phật đã làm được cái điều này, Ngài đã tìm cái thật là bình thường trong hơi thở, chỉ cần dùng Tánh Biết và Tánh Thấy nương vào hơi thở đó mà Ngài thoát khỏi sanh tử đi đến sự Giác Ngộ. Ngày dạy cho chúng ta hãy chú trọng vào hơi thở trong từng giây phút, bạn thấy khó nhưng không khó, khi các bạn thực tập bạn thấy quen cũng như các bạn đã có trang giấy và cây viết thì các bạn hãy dùng cây viết để viết lên trên trang giấy những dòng tâm sự. Cái chữ viết có thể đẹp, có thể xấu tùy theo cái năng khiếu chữ viết của các bạn nhưng dù muốn dù không các bạn cũng có thể thể hiện được ý tưởng trên trang giấy bằng cây viết viết lên những dòng tư tưởng. Các bạn cứ nhớ hơi thở là trang giấy, Tánh Thấy Biết của chúng ta là cây viết, hãy dùng Tánh Thấy Biết viết lên hơi thở đó những cái điều thiện, nghĩ thiện, nói thiện, làm việc thiện thì Tham − Sân − Si sẽ đoạn diệt từng giây, từng phút trong cuộc sống. Các bạn, thuở nhỏ các bạn tới trường học, lần đầu cầm cây viết cô giáo dạy cho chúng ta viết chữ ở trên trang giấy trắng nó khó nhưng mà chúng ta háo hức cỡ nào bởi lúc đó ta không thấy nó khó. Lần đầu đi học ai cũng thích viết, cầm cây viết chì lên nguệch ngoạc vài chữ như con giun hoặc là ngoái vài vòng nhưng cảm thấy thích thú vô cùng. Các bạn nhớ lại cái hồi ký đo đi những tháng ngày thơ ấu ta đã viết như thế nào và ngày nay cũng cây viết chì đó, cũng trang giấy đó các bạn viết như thế nào? Cái chiều dài chữ viết thay đổi nhưng cũng là cái tánh viết nó đẹp hơn thôi, nó tinh tế hơn thôi, văn hoa hơn thôi. Thì cái hơi thở của chúng ta là trang giấy mới sanh ra đã phải tự thở rồi còn trong bụng mẹ thì nương vào hơi thở của mẹ nhưng khi ra đời ta phải tự thở để tồn tại. Nếu chúng ta nhớ rằng khi thuở lúc sanh ra ngay lúc đó đã giúp cho chúng ta khởi lên được cái Tánh Biết và Thấy bởi đứa trẻ nó học từ cái thấy. Nó thấy mẹ nó làm việc nó bắt chước, nó biết mẹ nó làm điều đó là đúng nên nó làm theo và cái Tánh Thấy và Biết đó đã song hành với hơi thở ngay từ thuở thơ ấu bởi bất cứ một ai khi còn là trẻ thơ cũng đều phải học qua từ cái Tánh Thấy, thấy và bắt chước, biết rồi tiếp tục. Tánh Thấy Biết đã đồng hành với hơi thở khi sanh, lớn dần ta quên đi hôm nay Đức Phật dạy cho chúng ta trở lại, hãy trở lại với cái hơi thở của Tánh Thấy Biết, hơi thở của Chánh Niệm đó. Chỉ cần giữ cái Tánh Thấy và Biết trong hơi thở từng giây phút của cuộc sống, chú tâm một chút ta sẽ trở về với tuổi thơ hồn nhiên khi xưa, ta sẽ trở thành một thiên thần trong trắng tinh khôi, thanh thoát. Và với cái điều tinh khiết như vậy thì Tham − Sân − Si sẽ đoạn diệt từng giây phút.

Các bạn, sống trong hơi thở Chánh Niệm, thực tập hơi thở Chánh Niệm bằng Tánh Thấy Biết thì Tham − Sân − Si sẽ bị đoạn diệt, đó là một sự từ bỏ khôn ngoan nhất. Còn không chúng ta sẽ bị dị ứng thấy tiền “Ui cha, tham quá không được có nhiều tiền”, thấy cái gì cũng nghĩ tới tham hóa ra sống tiêu cực, quẩn trí chẳng có trí tuệ ứng dụng phù hợp cho nên cứ chấp vào cái giới đó vô tham. Rồi chấp vào cái điều đó đi đâu cũng thấy tù túng khó chịu, rồi thấy ai có tiền bạc, danh vị, quyền lực là bắt đầu chê bai bởi vì họ tham, chỉ tay, chỉ xiên, chỉ xỏ rồi chê bai gièm pha tạo ra khẩu nghiệp. Các bạn, các bạn không cần phải từ bỏ tâm tham bằng cái cách không được cái này, không được cái kia, không được nhiều, không được giàu, không được có. Các bạn chỉ cần từ bỏ tâm tham bằng phương tiện mà Phật dạy nghĩa là an trú trong hơi thở Chánh Niệm dùng cái Tánh Biết Thấy nhìn cho thật rõ để ứng dụng được tất cả những phương tiện vật chất quyền lực, danh vọng ở thế gian này một cách phù hợp để mang lại hạnh phúc cho ta, cho muôn người thì chúng ta được phép làm đúng với cái pháp thiện Phật đã dạy. Nếu ông vua là một vị minh vương, có quyền lực mà là minh vương, một ông vua tôt thì thần dân sẽ được thừa hưởng. Còn nếu ông vua có quyền lực nhưng là một ông vua xấu thì thật là nguy hiểm. Như vậy quyền lực đâu có xấu và tốt, tốt xấu hay không là do cái sự Giác Ngộ, sự quán chiếu sâu sắc của mỗi người. Một người nghèo cũng tham đấy là bởi vì khi thấy đồ ăn của người khác do đói quá mà lấy đồ ăn, ăn cắp, ăn trộm, nghèo quá hóa liều nhưng có những người giàu họ làm được rất nhiều tiền, tiền vô thật là nhiều cũng không tham là bởi vì họ không có khởi cái tâm tham. Họ biết quán chiếu cái hơi thở Chánh Niệm và phước báu cho phép họ làm những điều thiện để từ đó họ ứng dụng tiền vào để giúp đỡ những con người khác. Ở trên đời này chúng ta thấy thật là nhiều người làm được điều đó.

Do đó, để từ bỏ Tham − Sân − Si, sống Tỉnh Giác là tâm giải thoát chúng ta phải thực tập quán chiếu trong hơi thở Chánh Niệm hàng ngày. Các bạn nhớ, hơi thở là trang giấy, Tánh Thấy Biết là cây viết chì, chúng ta hãy bắt đầu cầm cái cây viết chì Tánh Thấy Biết đó viết lên trang giấy của hơi thở những dòng tư tưởng thiện pháp thì Tham − Sân − Si sẽ đoạn diệt ngay tức khắc. Đây là sự thực mà Đức Phật đã làm được. Chúc cho tất cả mọi người có được cái tâm giải thoát từ bỏ được Tham − Sân − Si, Tỉnh Giác tâm giải thoát. Tỉnh Giác là tâm giải thoát nhưng phải từ bỏ được Tham − Sân − Si. Ta sẽ chọn cái phương pháp từ bỏ Tham − Sân − Si của Đức Phật là quán chiếu vô thường, của cải có sanh có diệt, tình cảm cũng có sanh có diệt, hành tinh này cũng có sanh diệt, vạn vật đều có sanh diệt nên chẳng tham. Từ đó ta hít vào một hơi thật dài rồi ta thở từ từ ta thầm vô thường, cứ như vậy quán chiếu suy nghĩ và tư duy năm ba phút mỗi ngày, nó thấm nhuần vào trong tâm thức của các bạn, các bạn sẽ từ bỏ được Tham − Sân − Si và có được tâm Tỉnh Giác. Tâm Tỉnh Giác đó chính là tâm giải thoát còn không quán chiếu trong hơi thở Chánh Niệm về vô thường các bạn chẳng có tâm Tỉnh Giác thì làm sao các bạn có tâm giải thoát. Các Pháp môn nào, các phương thức nào dạy mà các bạn không quán chiếu trong hơi thở Chánh Niệm về vô thường các bạn chưa có sự Tỉnh Giác và không bao giờ có được cái tâm giải thoát. Ở đây không nói tới Pháp môn nào đúng sai chỉ nói tới lời Đức Phật dạy để có tâm giải thoát để từ bỏ Tham − Sân − Si. Để từ bỏ Tham − Sân − Si các bạn phải quán chiếu vô thường trong hơi thở Chánh Niệm thì mới từ bỏ được Tham − Sân − Si, thì mới có được tâm Tỉnh Giác, tâm giải thoát. Làm sao gọi là Chánh Niệm hơi thở vô thường? Hít vào, ngắn hay dài tùy theo sức của mỗi người ta hít vào ta biết ta hít vào, ta thở ra ta nói là vô thường. Hít vào ta biết ta hít vào, thở ra ta biết ta nói vô thường. Cứ thực tập đơn giản bình thường, đơn giản như vậy nhưng thật phi thường bởi phương pháp này dẫn đến sự Tỉnh Giác từ bỏ được Tham − Sân − Si, chứng được cái tâm giải thoát. Mô Phật! Cám ơn tất cả đại chúng đã nghe Bảo Thành trong giây phút vừa qua.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts