Search
Ta Có Được Gì  
Tiền tài danh vọng có bao nhiêu  
Được mất hơn thua quả đã nhiều 
Thành tựu đâu rồi tan đâu hết 
Ta có được gì để mang theo?

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu tới với nhau trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi trong ngày thứ bảy đời sống Chánh Niệm!

Đã tới giờ đồng tu rồi, mời các bạn chắp tay vào, quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, cùng với Tăng Thân trì tụng hồng danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!

Hôm nay, thứ bảy trong đời sống Chánh Niệm của người Phật tử.

Chúng con nguyện thành tâm hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của những hương linh đều theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh thiện lành.

Chúng con cũng hồi hướng cho ông bà, những Đấng Bậc sinh thành, cho tất cả mọi người thân quen của chúng con con đều được an vui, tự tại, tinh tấn tu học Pháp Phật nhiệm mầu.

Chúng ta hãy bắt đầu trì niệm hồng danh của Đức Bổn Sư!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (03 lần)

Chú Đại Bi. (01 biến)

Chú Vãng Sanh. (03 biến)

Thất Bảo Huyền Môn. (01 lần)

Các bạn thân mến! Mới đó mà một tuần đã trôi qua, thời gian cứ thấp thoáng như tên trộm ở cửa ngõ rình rập, chẳng biết lúc nào tới, lúc nào đi, để khi ta không còn thấy thời gian trở về với ta thì kẻ trộm kia đã cuỗm mất cuộc đời của chúng ta. Trong cuộc sống, ai cũng thấp thỏm nhìn qua khung cửa của ước mơ, của những cao vọng tới đỉnh trời để bàn tay ham muốn có thể vơ vét tất cả những điều gì có được trong thế gian, ta gom, ta góp, ta giữ, ta ôm. Hình như là một phần thưởng của cuộc đời sinh ra để vơ vét, thế mà khi tên trộm Vô Thường của thời gian tới lui, nó ập vào một trong chốc lát, mấy ai trong chúng ta còn có gì nữa dù cả cuộc đời đã bôn ba, tần tảo để góp nhặt từng chút. Mà được sinh ra bởi cha mẹ, tài trí, được hướng dẫn của cha mẹ, của các Thầy để chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là tìm kiếm những điều hay hư mất trong cuộc đời, giữ chặt, gom chặt trong trái tim. Mà trái tim của chúng ta nhỏ bé, nhỏ bé đến mức chẳng thể chứa được gì, vậy mà chúng ta đã đi tới nhà thương nhờ ông bác sĩ sửa sắc đẹp mổ tim, nhồi nhét cho thành trái tim của bong bóng. Chúng ta đã mang trái tim bong bóng được ông bác sĩ thẩm mỹ nhồi nhét để thổi phồng lên cho nó bự, lớn để chứa tất cả những điều ta ham muốn, nhưng rồi trái tim bong bóng đó với sự không khéo léo của ông bác sĩ thẩm mỹ, khâu trấn trạch và được chế tạo bởi nhiên liệu không bền vững. Căng quá, nó nổ tung, chẳng còn gì và cuối cùng ta cứ tự hỏi: “Ta có được gì sau những chuỗi ngày dài của năm tháng cật lực để tìm kiếm điều hay hư mất trong thiên hạ?”. Vẫn luôn luôn nhắc nhở: “Người ơi! Hãy nhớ thân này là cát bụi”, thế nhưng chúng ta lại nói: “Trời ơi! Cát bụi đó nhưng mà là cát vàng, ta đãi trong cát bụi của cuộc đời thành vàng vẫn sướng hơn là ngồi đó ngắm cát bụi trên bờ biển tới rồi tan.”

Ta có được gì hả các bạn?

Có một người tới hỏi Đức Phật rằng: “Thưa Ông! Ông cứ giảng rằng: “Thế gian này là cát bụi, là những điều hư mất, chẳng tồn tại, đừng ôm, đừng giữ, đừng tìm kiếm, vậy thì ông cho chúng tôi biết, ông giác ngộ rồi, ông ngồi thiền, ông giác ngộ, ông thành Phật, ông được gì?”

Chúng ta vẫn thường tự hỏi: “Ta có được gì?”, và rồi khi người ta nói những điều đó chẳng phải là được bởi nó sẽ mất thì chúng ta cũng như người kia, tìm kiếm Đức Phật và hỏi Đức Phật: “Vậy thì thưa Ngài! Ngài ngồi thiền, Ngài thành Phật, Ngài giảng cho chúng tôi từ bỏ tất cả vậy Ngài được gì để Ngài từ bỏ tất cả?”

Đức Phật trả lời: “Ta ngồi thiền, ta giác ngộ, ta chẳng có gì hết, nhưng ta hết khổ, hết phiền não.”

Các bạn biết rồi, hết khổ, hết phiền não tức là thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Không được gì nhưng hết khổ, hết phiền não để có hạnh phúc và bình an, phải chăng là những điều thật nhỏ bé nhưng phi thường vô cùng, ai trong chúng ta cũng dốc tâm để đi tìm. Nhưng ta lại không tìm thứ đó khi còn khỏe, còn sống, khi mà ta có thể san bằng cả núi non, dời cả biển cả, mà lại đi thâu gom vàng bạc, châu báu, ngọc ngà, tiền tài, danh vọng, địa vị về ngôi nhà của túi thịt thúi này, rồi sẽ bị tan vào lòng đất. Để khi đau, khi yếu, khi thất bại, khi chán chường, khi thất tình, khi khổ quá thì muốn tìm một chút, chút hương.

Thật là nghịch lý phải không các bạn?

Các bạn có khi nào ngồi xuống một mình uống một tách cà phê thật đắng, đắng tới mức không có đường, đắng tới mức gọi là đắng lòng của kẻ cô thứ nơi ngưỡng cửa của cuộc đời hư ảo và tự hỏi bản thân: “Ta có được gì sau những chuỗi ngày tháng sống vất vưởng bên thềm ngọc và cửa vàng?”. Thềm ngọc, cửa vàng kia của cuộc đời phải chăng đã nhốt ta vào trong ngục tù, để rưới mùi vị thật đắng, đắng khét của hương cà phê.

Ta tự hỏi: “Ta có được gì?” Phải chăng là thêm một ngày của những tháng ngày gục ngã trên những bờ bụi của ham muốn?

Các bạn! Ta có được gì?

Đức Phật chẳng đi tìm kiếm trong Pháp của Ngài để được, để có mà để mất đi phiền não và đau khổ. Phiền não, đau khổ đoạn diệt, điều chẳng được cũng hiển lộ, đó là hạnh phúc và an lạc.

Ông Xá Lợi Phất là một trong những đại Đệ tử của Đức Phật có trí tuệ cao siêu. Khi Ngài 80 tuổi, Ngài nghĩ, theo truyền thống của ba đời Chư Phật, hàng Đệ tử không thể sống thọ hơn Đức Bổn Sư của mình, những hàng Đệ tử, những Bậc A La Hán chứng đắc luôn luôn phải đi trước Đức Bổn Sư của mình. Lúc đó, ông Xá Lợi Phất 80 tuổi, nghĩ đến điều đó nên xin Đức Thế Tôn về để có thể vào một nơi an tịnh nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã chấp nhận. Ông Xá Lợi Phất liền nghĩ về nơi đâu ta nên ghé ngang, bởi Ngài là A La Hán, chẳng cầu thiện cũng chẳng xả ác bởi tâm của Ngài chẳng còn mong cầu điều gì Thiện – Ác. Ngài là Bậc A La Hán chứng đắc nhưng vẫn chọn một con đường để trở về trước khi gối ở trên chiếc gối Vô Thường, để chia tay với dòng đời ngược xuôi, nhập vào Niết Bàn tịch tĩnh. Ông đã trở về nhà. Tại sao ông Xá Lợi Phất lại trở về nhà? Bởi nơi đó còn mẹ của người, người mẹ cũng làm việc tốt, cũng có con là Xá Lợi Phất thành Bậc A La Hán nhưng vẫn mang trong người Tà kiến, nghĩ sai về Thế Tôn, về Tăng Thân. Thế nhưng, Ngài Xá Lợi Phất chẳng thấy đó là một sự khó bởi chính là mẹ, cho nên Ngài đã về, và cuối cùng Ngài đã khai thị được cho mẹ, kìm hãm được Tà kiến, buông.

Vậy thì Ngài Xá Lợi Phất được gì? Câu hỏi đó các bạn tự trả lời. Đức Phật được gì? Đức Phật đã trả lời rồi.

Còn các bạn, chúng ta có được gì để mang theo khi ngày cuối của cuộc đời tới với chúng ta?

Có một câu chuyện, trên một đoạn đường vô tình có hai người gặp nhau. Một người là một ông sư, một nhà sư, tay trắng, trắng tay, trên người chỉ đắp một mảnh áo da nát bấy rồi, cũ lắm, gặp một người tỷ phú giàu có mang theo cả biết bao nhiêu xe ngựa chở toàn vàng bạc, mỹ nữ, nhà lầu, xe hơi tậu một đám đi theo, gia nhân rầm rập, rầm rập, nhiều lắm, đông lắm. Ông ta gặp nhà sư đi một mình, chẳng có gì mang theo, liền hỏi: “Này nhà sư, ta có quá nhiều vàng bạc lại gặp một kẻ tay trắng, trắng tay như ông, cả cuộc đời ông đã làm gì để rồi nên nổi, chẳng có gì để mang theo trên đoạn đường ngao du đây đó sao? Thấy tội nghiệp quá!”

Nhà sư mỉm cười và nói: “Cả cuộc đời ông là tỷ phú gom biết bao nhiêu thứ, đi chơi đó mà cũng phải lỉnh kỉnh xe ngựa, gia nhân dập dìu để mà vác, phục tùng tiền bạc, nhà cửa, châu báu mang theo. À! Anh đúng là nhà tỷ phú.”

Hai người nói chuyện với nhau như để làm quen, một kẻ trắng tay, tay trắng, một kẻ thì giàu có kếch xù, tỷ phú mà. Tỷ phú mà gặp nhà sư, so ra tính lại, có gì để mà so đo các bạn? Nhà sư tay trắng, trắng tay, còn ta tiền bạc chất cao cho tới đỉnh trời. Tỷ phú cười ha hả tự phụ: “Đời ta thật là giàu”.

Đi chắc có lẽ là một đoạn đường hơi dài, bởi vì qua sự xã giao giới thiệu nhau, ông tỷ phú mới thấy, nhìn một ngôi nhà đó, sao mà nó giống mái Chùa y như nhà sư kể, mới thấy những chú tiểu cùng với một vài vị sư sãi đang đốt gì đó, thì ghé ngang cùng với nhà sư và nói: “Ủa? Đây đúng là Chùa mà ông kể cho tôi nghe về lịch sử của ông, ủa mà sao ai đó hình như đang nằm trên đống lửa bị thiêu đốt giống ông quá. À! Đúng rồi, ông đó. À! Ông đã chết rồi sao? Hóa ra, là tôi đi với ma sao cà? Tỷ phú mà đi với ma, ổng chết sao ổng nói ổng là ma hả?

Nhà sư cười và nói: “Ôi! người nằm trên lò hỏa thiêu kia chỉ là cục đất, nó đang trở về với lòng đất mẹ mà thôi, có gì lưu luyến?”.

Ông tỷ phú ngạc nhiên, thấy nhà sư nói rằng người nằm ở trên kia chỉ là cục đất, đang được lửa nó thiêu để trở về với lòng đất mẹ”, ông ta ngẫm nghĩ: “Không biết ông nhà sư mình đang nói chuyện đây là hồn ma bóng quế hay là gì đây thì cũng chột dạ, nhưng mà thôi, cũng mệt tấm thân rồi,  tiếp tục đi một đoạn nữa thì ông ta tới nhà của ông ta, ông ta nói: “Sư à! Ông đã chết, chỉ là cục đất bơ vơ giữa dòng đời, thôi tới nhà tôi, ghé ngang để tôi giới thiệu về vàng bạc.”

Nhà sư cũng hoan hỷ và đi vào. Ông tỷ phú giới thiệu đây là ngôi nhà của tôi, vàng bạc, châu báu nhiều lắm, và rồi nhà sư thấy gia nhân, người làm, vợ con. Ông ta nhiều vợ, nhiều con, toàn mỹ nữ, kẻ giàu mà, nhiều vợ là chuyện thường, của cải dư dả là chuyện thường. Ông ta bắt đầu giới thiệu, và rồi thấy một đoàn người đi về phía trước, nơi một chỗ thanh tịnh và nơi đó hình như cũng có các nhà sư đang tụng Kinh. Ông ta nói: “Sao kì vậy ta! Cả đời ta giàu có, chưa bao giờ các nhà sư sãi tụng Kinh ở trong nhà, hay là mình gặp ông sư này trên đường, rồi ông ta quen biết, nhờ Đệ tử tới tụng Kinh cầu phúc cho ta hay sao?”

Ông ta mời nhà sư tới đó để coi thì thấy một ngôi nhà thật là đẹp và thấy ông ta đang nằm trong ngôi nhà đó, nằm tịnh dưỡng thì phải, an yên giữa hàng trăm, hàng ngàn người nhảy nhót, kèn trống, um sùm hết. Ông ta nói: “Nhà sư thấy không, nhà tôi sang trọng, vậy mà khi tôi đi xa, để tưởng nhớ tới tôi, người ta còn làm ra một hình nhân như tôi đặt trên một giường hoa kia mà nhảy múa đêm ngày, hạnh phúc không, người giàu có khác phải không nhà sư?”.

Nhà sư chỉ cười mà thôi, nhưng khi tới gần rồi thì những người đang ca hát nhảy múa nghe tiếng chuông rình một thì bắt đầu châm lửa đốt căn nhà hoa và người đang nằm ở trong đó. Và rồi người ta khóc bù lu lên, than thở, vợ thì “anh ơi! sống đi”, con thì “cha ơi! sao chết”, gia nhân thì “chủ ơi! sao lại chết rồi”.

Nhà sư nhìn ông ta và cười: “ Oh! Hóa ra là ông đã chết.”

Ông ta chột dạ. Phải chăng ta đã chết?

Nhà sư liền nói: “Chết rồi mà cũng có của mang theo sao, lúc đó, nhà tỷ phú mới chợt tỉnh thức và nhận ra mình thực sự đã chết, nhưng mà nhớ nhà sư nói: “Ông ta chưa chết bởi vì ông ta nói người chết mà thấy ở ngôi Chùa đó chỉ là cục đất, trở về với lòng đất mẹ, vậy ta là gì? Người kia đã chết, đã thiêu, vậy ta là gì? À! Có phải chăng là ma?

Các bạn! Trong danh vọng hão huyền của cuộc đời, có phải chăng ta đã chết khi nằm trên giường hoa của những ước vọng cao sang của cuộc đời khi chỉ muốn vàng bạc, châu báu để khi chết mà vẫn mang theo ôm ấp, mà điều đó là gì? Chỉ là vàng mã thôi.

Chết rồi thành hồn ma bóng quế mà cũng tự hào, kiêu ngạo, chê bai nhà sư, còn nhà sư chỉ nói rằng thân của Ngài chỉ là đất, cần phải trở về với lòng đất mẹ. Vậy cho nên khi Ngài ra đi, chẳng có gì ngoài tấm áo da của một vị sãi sống lâu trong Chùa thành sư, đi về trên miền đất Chân Tâm an lạc, tịch tịnh trong hư không. Còn kẻ giàu sang, sống cũng khổ, chết bị thiêu và rồi còn bị nhồi nhét mang theo những đồ áo giấy, đã làm ma mà còn phải mang theo áo giấy lang thang, vất vưởng trong cuộc đời.

Ta có được gì hả các bạn? Tiền tài, danh vọng có bao nhiêu? Các bạn tự hỏi tiền tài, danh vọng của các bạn có bao nhiêu? Được mất, hơn thua quả đã nhiều.

Cuộc đời bé bé nhỏ nhỏ như Bảo Thành và các bạn, vậy mà đã có lúc được, cũng có lúc mất, nhiều lắm rồi. Mất đi tình cảm của cha mẹ, mất đi tình cảm của vợ chồng, mất đi thân nhân, mất đi tiền bạc, danh vọng, địa vị. Có lúc ngồi trên con voi rồi có lúc té xuống làm con chó. Mất trắng, trắng cả đôi tay.

Tiền tài danh vọng có bao nhiêu

Được mất hơn thua quả đã nhiều

Chúng ta trong cuộc đời, trong cuộc hồng trần được mất đã quá nhiều. Và rồi tự hỏi trong chén cà phê đắng vào một buổi sáng cô tịch, nhất là khi cuối tuần như thế, ngồi một mình ở nhà, chẳng cần ra quán cóc mà tò te tí te, chỉ tâm sự nho nhỏ với chính thân để từ đó ta nhìn thấy cuộc đời của ta, qua những giọt đắng của cuộc đời, qua những giọt cay của mùi vị trong xã hội này, tiền tài, danh vọng có bao nhiêu, và rồi các bạn đã được mất, hơn thua nhiều lắm rồi đó.

Nếu không mất sao trái tim của các bạn vẫn rỉ máu đêm trường, sao trong tâm cứ thổn thức canh dài, lệ rơi tuôn trào, chẳng thể ngừng. Chữ “tài”, chữ “danh”, chữ “tiền” chỉ là ảo vọng thôi. Vậy mà như nhà tỷ phú kia, chết rồi vẫn còn ấp ôm ảo vọng, huyễn giả đó để đi, đi đâu? Đi đưa đám bản thân của mình. Rất may là trong cuộc đưa đám bản thân của mình như một thây ma đó, đã có phước duyên gặp được nhà sư để nhà sư khai thị và điểm Đạo cho rằng “cái thân của cuộc đời chỉ là cục đất, hết duyên nó trở về với đất mà thôi”, đó cũng là có một chút phước. Có chút phước để tỉnh ngộ trên đoạn đường về chầu Diêm Chúa mà còn gặp được nhà sư. Nhưng chúng ta trên đoạn đường của cuộc đời này đã dư phước báu để gặp được Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Bậc Thiện Tri Thức, các Bậc Thầy, gặp Kinh, gặp kệ để nghe chuông, mõ để buông, để bỏ, để an lạc và hạnh phúc, để thấy rằng trong cuộc đời hư ảo tiền tài, danh vọng có bao nhiêu, được mất, hơn thua quả đã nhiều.

Chúng ta suy nghĩ như thế nào đây? Để khi sự thành tựu đâu rồi, tan đâu mất, cũng như nhà tỷ phú thành tựu đó, nhìn lại chỉ là đồ giấy mang theo, để biết rằng danh vọng, tiền tài dù có bao nhiêu đi nữa thì những cuộc được mất trong cuộc đời đã quá nhiều để tự hỏi sự thành tựu đâu rồi, tan đâu mất? Ta có được gì để mang theo? Các bạn có được gì để mang theo? Sau những cuộc còn mất xảy ra trong cuộc đời để nhìn lại sự thành tựu và không thấy sự thành tựu đó nó ở đâu? Nó tan mất rồi. Nó còn nữa hay không?

Nào là danh, nào là tài, là tiền, nào là nhà cao cửa rộng, xe hơi, nào là tất cả cả cuộc đời gom góp, khi chết đi rồi thây ma mặc áo giấy, nhìn có vẻ đồ sộ, nhộn nhịp đó nhưng toàn là đồ giấy, đồ giả, đồ vàng mã mà thôi, để mang xuống mồ mả mà chôn thây. Còn nhà sư cả cuộc đời chẳng gom một thứ gì mà khi ra đi thì nhẹ nhàng, nhẹ nhàng trong tâm thái hư không tịch tĩnh, an vui. Chết mà! Có gì bận rộn để mang theo.

Ta có được gì? Có phải chăng cách nói này làm chúng ta cảm thấy hình như Phật giáo, sự tu tập nó ủy mị, tiêu cực quá?

– Không phải!

Khi chúng ta tự hỏi “Ta có được gì”, chẳng phải là chê bai tiền tài, danh vọng, địa vị của cải của thế gian, từ bỏ để trắng tay, tay trắng, nằm ở bờ đường cạp đất mà ăn.

– Không phải!

Nhưng chính với câu hỏi ta tự nói với bản thân “Ta có được gì?” là để ta tỉnh thức hơn, sáng con mắt hơn, có trí tuệ hơn để biết lựa chọn những điều cần mang theo khi ngày cuối của cuộc đời tới với chúng ta. Và ta hỏi “Ta có được gì?” để trí tuệ của ta biết lựa chọn những gì trong cuộc đời trần thế này, sử dụng cho đúng, chỉ như là một phương tiện để sống chứ chẳng phải là cứu cánh để đi tìm. Cho nên, Đạo Phật chẳng tiêu cực để từ bỏ tiền bạc, danh vọng, địa vị, của cải, ham muốn đâu. Mà là làm cho chúng ta trở thành nhà thông thái, tỉnh thức để biết sử dụng những phương tiện là tiền, là bạc, là tình, danh vọng, địa vị phù hợp để mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho muôn người, muôn chúng sanh. Chỉ là phương tiện!

Hay ở chỗ ta thông thái để ứng dụng phương tiện mang lợi lạc cho chúng sanh chứ không có ngu ngơ, mù mờ để nghĩ rằng vật chất, vật dụng, tham ái ở đời là cứu cánh của đời người. Cứu cánh của ta là phải chuyển hết đau khổ và phiền não để cập bến bờ An Vui và Hạnh Phúc. Tới hai bàn tay trắng, đi vẫn là trắng tay, nhưng với tâm thái hư không bất diệt còn hơn là tới với hai bàn tay trắng khi chết thì dập dìu nhà giấy, vàng bạc, vàng mã mang theo.

“Ta có được gì?” là một câu tham thoại. Tham thoại với bản thân để nhìn rõ mục đích của cuộc sống, để sống có ý nghĩa, chẳng phải tiêu cực, sống tích cực hơn. Khi bạn tự hỏi “Ta có được gì?” thì bạn tư duy với Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, sự tham thoại như vậy là một đề mục để giúp các bạn sống tích cực hơn trong cuộc sống và biết khéo léo sử dụng tất cả mọi phương tiện mà phước báu của bạn có được, như phương tiện về tình, tình cha, tình mẹ, tình vợ, tình chồng, tình thân bằng quyến thuộc, tình bạn bè thôn xóm, tình đồng loại, tình con người, tình Pháp lữ đồng hành. Khi chúng ta có được tài thì phải biết sử dụng đúng tài đó để phục vụ tổ quốc, đất nước, con người và thế giới. Khi ta có được danh để làm gương mẫu, mô phạm. Khi ta có nhà cao, cửa rộng, ta có tiền tài, danh vọng, địa vị để giúp đỡ và san sẻ với những mảnh đời cô quạnh, bất hạnh, không đủ phước báu. Ta ứng dụng đúng phương tiện như vậy thì ta sẽ có dư, sẽ giàu có như nhà tỷ phú Cấp Cô Độc thời Đức Phật, như thái tử Kỳ Đà, vàng rải trên đất, trên rừng để cúng dường cho Phật thành tựu Chùa Kỳ Viên.

Chúng ta mang vật chất, của cải, những điều gì ở trong thế gian không là cứu cánh mà là phương tiện để giúp đời, thì chính đó là lẽ sống tích cực, lẽ sống của chân lý Giải Thoát. Còn nếu không thấu hiểu và tự hỏi “Ta có được gì?”, rồi ta khoe của; “Anh có được gì không? – Tôi có được cái nhà”. Chúng ta thường như vậy mà! Rồi đi sâu nhà cao, nhà thấp, nhà to, nhà bé, nhà rộng, nhà lớn, so kè, so đo, so riết rồi thành con sâu co quắp ở bề đường, chim tới nó quắp mất.

Anh có được gì? Ôi! Tôi có vợ đẹp, con khôn, tôi có được quyền chức, tôi có địa vị, tôi có, tôi có và tôi có. Nhưng thế gian này, các bạn cứ ra những nghĩa địa nhìn thấy mồ xanh mã đẹp của những con người chết đôi khi cả ngàn năm cho tới mới chết, có khác biệt gì đâu. Cũng một chỗ, cũng một hố, cũng một chiều sâu vuông vứt, dù có đắp lên những loại đá quý hay xi măng tốt đẹp, hoặc chỉ là đất cỏ mà thôi, chẳng khác gì.

Ta có được gì?

Phật giáo không tiêu cực như người đời thường chê bai. Người ta nói tích cực kiểu gì mà chuyên môn nghĩ tới chết, nghĩ có được gì, tiêu cực chứ tích cực gì?

– Không, Phật giáo thật tích cực chứ không kiểu chơi chữ như người ta nói Phật giáo tích cực mà sao cứ nghĩ về mặt tiêu cực. Phật giáo tích cực bởi tích cực nhìn sâu vào những tiêu cực để chuyển hóa, để sống cho đúng, để hành cho đúng. Phật giáo tích cực là bởi vì có lòng dũng cảm nhìn thẳng vào những mặt tiêu cực của cuộc đời để rửa, để gội, để sửa. Phật giáo tích cực bởi dám nhìn nhận sai lầm của mình, tội lỗi của mình để tự thân đứng dậy vươn lên mà sửa. Phật giáo tích cực bởi vì chết là một ông tỷ phú, dù là hồn ma bóng quế mặc áo giấy, vàng bạc nhiều nhưng vẫn có thể tiếp cận được trên con đường gặp Diêm Chúa, tức là tiếp cận được với nhà sư giác ngộ. Cho nên, sự tích cực của Phật giáo là sự tích cực không phải là chuẩn bị con đường để đi chết, mà một con đường đang khi sống đã có một sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cho điểm đầu khi tới trên trái đất và điểm cuối khi kết thúc thọ mạng của mình, trọn gói hành trang. Sống an vui, phương tiện đầy đủ, chết nhẹ nhàng, thư thái ra đi.

Vậy mà đi còn gặp phước. Ít nhất, ông tỷ phú kia cũng gặp một chút phước báu. Là vì sao? Là vì thân nhân khi thấy ông ta chết đã thỉnh các nhà sư tới để dâng tiếng Kinh, tiếng kệ thuyết pháp cho ông ta nghe. Và có lẽ bởi thân nhân đã nương vào Hùng Lực của Chư đại Tăng cầu nguyện, chú nguyện thế nên trên đoạn đường đầu thai, ông ta mới có đủ phước báu, nhân duyên để gặp nhà sư khai thị. Hoá ra là một thây ma đi với một Bậc Giác Ngộ. Bậc Giác Ngộ nhìn thân của mình chỉ là cục đất, còn bóng ma thì nhìn thân của mình là một vương giả, một vị giàu có, phú quý. Hai cái nhìn trên con đường đi tái sanh khác nhau, nhưng ít nhất người ta đã gặp được một mái Chùa của nhà sư để nhận ra cuộc đời chỉ là cục đất, sống cho có ý nghĩa.

Đã ghé ngang ngôi nhà của tỷ phú để thấy cuộc đời dù có giàu có tới đâu, chết cũng trắng tay, tay trắng mà thôi, để làm sao ít nhất trên đoạn đường này, tích lũy được một phần phước báu trên những kiến thức của Phật học, chân lý Giải Thoát. Cho nên chúng ta nhớ, dù nhà giàu thật nhưng gia đình vẫn nhờ những nhà sư, các Bậc đại Tăng dâng những lời Kinh khai thị nên phước báu đó đưa ông ta tới phước để gặp được nhà sư. Chết mà gặp nhà sư khai thị thì tuyệt vời quá rồi. Như Mẹ của Ngài Xá Lợi Phất, trước khi Ngài Xá Lợi Phất mất, còn nghĩ tới tinh thần đại hiếu, báo hiểu đó mà trở về để độ cho Mẹ. Như Đức Phật tu là chẳng phải để được mà là để hết khổ, hết phiền não.

Cho nên, chúng ta có được gì trong cuộc sống này?

 Tiền tài danh vọng có bao nhiêu
 Được mất hơn thua quả đã nhiều
 Thành tựu đâu rồi tan đâu mất
 Ta có được gì để mang theo? 

Các bạn tự hỏi mình đi! Ta có được gì để mang theo?

Hãy dũng mãnh lên, hãy tích cực lên, nhìn thẳng về và nhìn sâu vào bên trong tiêu cực, lầm lỗi, sai trái của mình để sửa, để sẵn sàng nói với chính mình rằng: “Ta không có được gì, nhưng ta đã hết phiền não và khổ đau.”

Đời và con người, kiếp sống, thân xác chỉ là một cục đất nhưng ít nhất khi nó chết, nó lại trở về với lòng đất để cho muôn sinh linh và vạn vật trụ vào trong đất, trong tâm địa như đất của ta để có chỗ dựa, sống và vươn lên.

Hãy sống cho có ý nghĩa để chúng ta hạnh phúc và tự nói: “Ta có được gì?”

Các bạn! Chúng ta đã hiểu ta có được gì rồi.

Chúc các bạn cuối tuần an vui, tràn đầy hạnh phúc.

Phật giáo không tiêu cực, thật tích cực. Hỏi “Ta có được gì?” là để sống cho đúng, làm cho đúng, ứng dụng vạn pháp phương tiện ở đời để mang lại hạnh phúc cho tự thân và san sẻ yêu thương cho muôn người.

Cám ơn các bạn đã nghe! Giờ đây, nếu như các bạn có câu hỏi gì hoặc sự chia sẻ như thế nào thì chúng ta cùng chia sẻ với nhau.

Vấn đáp

Câu 01. Con có nghe Thầy nói là nếu mà khéo léo vận dụng phương tiện như là những vật chất, của cải mà mình tạo nên, nếu sử dụng nó như là phương tiện chứ không phải là cứu cánh thì có thể đạt được những thành tựu và mang theo những ý nghĩa về tâm linh khi mà mình ra đi, nhưng theo con nghĩ là phương tiện hay cứu cánh gì cũng đều cần phải có sự tinh tấn, cố gắng mới có thể thành tựu được phải không ạ? Vậy thì khi mà có những chí nguyện để tu tập về tâm linh nhưng chưa có được phước duyên để theo những cái đó trong khi mình có những phước duyên để thành tựu được những cái vật chất, những phương tiện thì chúng con nên đi theo như thế nào? Nên theo chí nguyện của mình hay nên theo đuổi phước duyên của mình để có thể vừa không quá tập trung vào những cái phương tiện mà vẫn có thể vận dụng được toàn bộ khả năng của mình có thể ạ?

Người ta luôn nghĩ rằng Phật giáo là phải từ bỏ vàng bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực như Đức Phật từ bỏ cung đình, ngôi vị thái tử, chẳng muốn làm vua. Ngài từ bỏ như vậy đó chính là bởi vì Ngài có chí nguyện phụng hiến cho tha nhân, cho chúng sanh nên muốn biến cuộc đời của Ngài thành một phương tiện cao cả hơn cho nên chẳng ôm giữ bất cứ phương tiện nào. Nhưng có phương tiện của đại tâm, cũng là phương tiện. Phương tiện của đại tâm. Và gương của Đức Phật thì Ngài cũng phải nỗ lực học hỏi, tu tập đúng không?

Ngài phải ở trong rừng sâu, núi thẳm 07 năm trời tu Khổ hạnh, rồi rời bỏ những điều sai trái, tu không đúng để đi tới sự Giác Ngộ. Ngài phải công phu lắm, phải tu tập. Dù con đường tâm linh lợi lạc cho muôn người, Ngài cũng phải tu, và rồi khi có Trí Tuệ của một Bậc đại Giác đó, Ngài lại cũng phải đặt dấu chân của Ngài bằng chân trần, đi mãi nơi này nơi kia để giúp chúng sanh hiểu thấu, vừa nỗ lực để tu giác ngộ và vừa nỗ lực để khai thị cho chúng sanh, không phải ngồi đó mà có, phải tinh tấn thật sự. Nhưng chẳng phải ý tưởng rằng như Phật bỏ hết thì tại sao Phật lại không nói ông Cấp Cô Độc, là một tỷ phú thời đó là “Ông muốn theo tôi, ông phải bỏ hết đi?”, hoặc là nói với thái tử Kỳ Đà: “Ông đi theo tôi, ông phải bỏ hết đi?”, hoặc là vua A Xà Thế, lúc đó là vua: “Ông muốn theo tôi, ông bỏ hết ngôi vua, vàng bạc đi?”, hoặc vua Ba Tư Nặc, Tần Bà Sa La, hoặc vua Lưu Ly, những vị vua mà cả cuộc đời Chư Phật thường hay tiếp xúc trong những mối giao hảo của nghịch và thuận, Ngài chẳng bảo những vị đó bỏ mà chỉ khai thị cho những vị đó có thể ứng dụng những phương tiện phước báu họ có được cho phù hợp để lợi lạc cho chúng sanh.

Bạn có tiền hả? Bạn có tình phải không? Bạn có danh vọng, quyền lực, kiến thức và trí khôn đúng không? – Đúng.

Nếu bạn có thì đó chính là do sự tu tập mà có, do phước báu nhiều đời nên kiếp này bạn có, còn không có phước báu thì chẳng có gì các bạn ơi! Cho nên, nếu bạn đã có kiến thức, có tiền, làm ăn được, có danh vọng, địa vị thì đó là dấu chỉ của phước báu kiếp trước mà các bạn biết ứng dụng hiện hóa trong kiếp này để tăng trưởng, thì nãy nối tiếp những cái duyên phước kiếp trước đó, tăng trưởng theo phước báu, chiều dài để tăng thêm nhưng ứng dụng khéo hơn một chút trong kiếp này, tức là thêm vào chí nguyện Giải Thoát để phương tiện đó giúp chúng ta giải thoát khỏi sự lầm tưởng rằng cứu cánh của ta là vật chất mà cứu cánh của ta là sự an lạc.

Ta chỉ chuyển tiền thành vàng, vàng thành kim cương, hột xoàn. Chỉ chuyển thôi, phải không các bạn?

Ta chuyển cái mục đích. Mục đích sử dụng đất ruộng thành đất nền có giá trị hơn, chuyển cái mục đích tham cầu vật dụng của thế gian thành chí nguyện Giải Thoát để nâng cao giá trị của đời sống con người. Dĩ nhiên, phước báu bạn đang có khi tiền tài, danh vọng các bạn đang có, kiến thức đang có nhưng khéo tu, ta sẽ làm giàu hơn. Ai giàu sẽ giàu hơn, ai có tài sẽ tài đức hơn. Và cộng thêm cái chí nguyện Giải Thoát là chất liệu giúp các bạn tăng trưởng phước báu nhiều hơn. Cho nên, không hẳn là chúng ta ôm ấp vàng bạc, của cải đó mà không thể có chí nguyện Giải Thoát. Ông Cấp Cô Độc đã làm được chuyện đó, thái tử Kỳ Đà làm được chuyện đó. Mỗi một người có một chí nguyện khác nhưng mục đích chung vẫn là Giải Thoát.

Tiền tài, vật chất, danh vọng ở đời chỉ là phương tiện, nếu bạn đã có những phương tiện đó thì chính là do phước báu, hãy tăng trưởng phước báu đó nhiều hơn bằng chí nguyện Giải Thoát cho mình thì mình sẽ rộng tay sử dụng và tăng trưởng kiến thức ở đời, danh vọng ở đời nhiều hơn, đúng với Pháp Thiện để trở thành người thật sự giàu có như nhà sư khi chết rồi, ra đi bằng hai bàn tay trắng nhưng với tâm thái thanh tịnh, nhẹ nhàng. Chết mà vẫn còn có phước cho kẻ tỷ phú, chẳng có thể mang theo được gì thì chúng ta nhớ, Đạo Phật không tiêu cực.

Và dĩ nhiên, trên cuộc đời này, thử thách thật là nhiều, phải nỗ lực thật là nhiều và luôn luôn hướng tới chí nguyện Giải Thoát để chúng ta có thể tăng trưởng được phương tiện phước báu của mình phù hợp, đúng hướng để khi bao nhiêu lâu còn tồn tại trong cuộc đời, những phương tiện do phước báu tạo được đó có thể ứng dụng bằng sự san sẻ nhiều hơn để giúp đỡ muôn người.

Phật giáo không cấm các bạn làm giàu, không cấm các bạn bỏ quyền lực, không cấm và bắt các bạn phải từ bỏ tất cả mà chỉ hướng dẫn cho các bạn chuyển hóa để trở thành tốt đẹp hơn, để chí nguyện của các bạn thành tựu một cách viên mãn. Cho nên cần phải tư duy. Nhà Phật gọi là Chánh Kiến, có cái nhìn đúng, Chánh Tư Duy để đúng với sở nguyện của mình để thành tựu. Và khi bạn có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, bạn tăng trưởng thật nhiều phước báu để kề cận được với những Bậc Thiện Tri Thức, hướng dẫn, làm gương, sách tấn bạn trên con đường lập nguyện Giải Thoát và tận hưởng phước báu qua những phương tiện bạn đang có trong cuộc đời và làm tăng trưởng chúng, phục vụ cho cuộc sống an lạc của mình và san sẻ cho tất cả những ai thiếu thốn ở cuộc đời.

Câu 02. Tại sao lại nói Thiền Tông là bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền?

Chúng ta thấy một câu trả lời của Đức Phật, Đức Phật nói: “Điều giác ngộ của Phật như lá ở trên rừng, điều Phật nói như chiếc lá ở trong lòng bàn tay”. Bởi tu thiền là Thiền Chứng Ngộ, đi vào sự Chứng Ngộ của tâm, thì văn tự, chữ nghĩa của con người dù có lập ra, cố nhồi nhét cho thật nhiều ý nghĩa cao siêu cũng không thể diễn tả được Tánh Giác Ngộ. Khi chúng ta thiền là đi đến sự Giác Ngộ. Thiền Giác Ngộ nha các bạn! Còn thiền ở trong dân gian qua văn tự, Kinh điển thì đầy màu sắc. Các bạn cứ đọc về những huyền thoại của thiền. “Ui cha! Chữ thì mênh mông vô tận, rồng bay phượng múa, nghe thấy mà mê hồn, chẳng khác gì kiếm hiệp.”

Bảo Thành không nói đến những con đường thiền trên văn chương, chữ nghĩa của những Bậc chưa Chứng Ngộ diễn giải, gom, nhét, nhồi vào trong Kinh, trong sách, tự tạo ra. Đó chỉ là người mù sờ voi. Đó chỉ là cách vẽ, cách vẽ mà chẳng biết vẽ, nhúng tay vào mực vẽ mười con giun. Giun, dế trong đời thôi!

Đi vào thiền chẳng phải là ngồi để có thiền luận, để có thiền bàn, để có thiền trà, để có thiền đạo, để có triết lý về thiền, luận lý về thiền. Những điều đó chẳng còn gọi là thiền nữa!

Thiền là Tỉnh Thức, đã tỉnh thức rồi thì chẳng cần lập văn tự, chữ nghĩa diễn giải chi cho nhiều. Mục đích của Thiền là để đánh thức con người thấy cho rõ, đã thấy rõ rồi còn có gì để hoa, lá? Cho nên, trong Thiền Tông, đặc biệt tới từ Ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền tới sáu đời đến Lục Tổ Huệ Năng, thường đi đến chữ Mật truyền, tức là có một sự sách tấn đồ chúng về Thiền Tông hãy cố gắng mà tu, đừng có bới móc trong văn chương, chữ nghĩa cho nó rộn ràng, rối rắm như nhả tơ tự quấn lấy mình thì suốt đời chỉ là con sâu nằm ở trong kén, phải cắn nát cái kén của những sợi tơ mà con sâu quấn vào bằng văn chương, chữ nghĩa, để một lần lột xác thật sự như con sâu đó vùng vẫy để tạo nên đôi cánh, hóa thành bướm mà bay lên trên trời. Cho nên, trong Thiền Tông không cần thêu dệt cái kén cho đẹp bằng tơ lụa, văn chương, chữ nghĩa.

Ở đời này, ngày nay, người ta mặc lên chiếc áo của Thiền Tông không bằng sự Mật truyền Tâm thức của Thiền Chứng Ngộ bởi có ai ra công tu đâu. Ngồi chút chút vậy thôi mơ tưởng, thuê các họa sĩ của Tưởng uẩn, của Tưởng thức vẽ vời để đắp lên mình rồng, rắn như áo, mũ của một bậc vương tướng diễn tả về thiền, làm cho thế hệ sau càng rối, đắm chìm trong Sắc tướng. Sắc bất dị không chỉ là không, đi tìm cái không mới gọi là Tướng hảo của Như Lai.

Cho nên, đặc biệt những người học thiền thì chúng ta tránh tranh luận về văn chương, chữ nghĩa, đàm luận, hý luận, đừng có đi sâu vào triết lý của thiền trà, đặt tách trà thành quá cao siêu để thiền luận, ngồi lý luận ai chấp ai, ai đúng ai sai về triết học của thiền. “Ui cha! Đủ thứ!”, mà Đức Phật đi là tìm sự Tỉnh Giác. Thiền là đi tới chỗ sự Tỉnh Giác tuyệt đối, không còn mê. Cho nên, các Tổ thường khuyên các Đệ tử chớ rơi vào những cuộc đàm luận, hý luận, tranh luận bằng văn chương, chữ nghĩa quá nhiều, rối rắm như con sâu nhả tơ, tạo thành kén nhốt thân mình vào đó mà phải cắt ra. Cho nên, Ngài Bồ Đề Đạt Ma khi qua bên Trung Hoa, thấy những nhà sư Trung Hoa thời đó văn chương, chữ nghĩa cao siêu, huyền bí, văn chương họ phát triển nhanh, chỉ ngồi đấu lý với nhau bằng mặt chữ, rồi thêm son, thêm phấn, thêm màu, thêm sắc để tạo ra chữ gọi là “uyên thâm, mầu nhiệm, cao siêu, huyền bí”, huyền bí đến mức chữ đó nó vô nghĩa mà cứ tưởng rằng có nghĩa, bởi chữ chỉ là Pháp chế định để chúng ta chế ra rồi nhồi nhét thêm ý nghĩa, ý nghĩa, ý nghĩa.

Các bạn thấy đó! Tất cả các chữ chỉ là chế tạo ra để chuyển tải sự hiểu biết, nhưng ngôn ngữ đó không thể chuyển tải tất cả sự hiểu biết đâu. Do vậy mà trong thiền, Ngài Bồ Đề Đạt Ma qua đó chẳng nói một lời, mà các nhà sư Trung Hoa muốn nói nên cuối cùng Ngài phải diện bích 09 năm trời, chẳng nói một lời, cuối cùng mới gặp được một người Đệ tử sẵn sàng chặt cánh tay, cánh tay của sự rối rắm để được thọ Y Bát chơn truyền của Thiền Tông.

Cho nên, câu nói đó ý nghĩa rằng người học thiền chớ bị dính vào những cuộc tranh luận. Ngày nay không chịu tu thiền mà chỉ thích nói về thiền nên chế tạo ra đủ loại về thiền mà thật sự không có thiền. Thiền đó là thiền văn chương, thiền đó là thiền niềm tin của chữ nghĩa, thiền đi theo.

Thiền thật sự là hãy ngồi xuống, hãy đi, hãy đứng, hãy nằm trong Tỉnh Thức!

Hồi hướng:

Chúng ta chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng trong buổi đồng tu, nghe pháp của chương trình Sống Trong Chánh Niệm tới tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts