Search

Sự Cao Quý Của Trí Tuệ

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Chúc các bạn an vui, gia đình hạnh phúc, vạn sự kiết tường trong tâm thiện.

Các bạn thân mến!

Ở trên đời này không có ai mà không muốn có tất cả. Khi nói đến một điều ước “bạn muốn có gì?” thì hầu hết ngày nay, chúng ta thông minh rồi, nên chúng ta luôn ước một điều gì đó để có tất cả. Số lượng hình như vẫn là một điều gì tối quan trọng trong cuộc đời. Có một chiếc xe hay có mười chiếc xe? Chúng ta vẫn thấy hình như mười chiếc xe nó áp đảo tư tưởng chúng ta. Có một cái nhà hay có mười cái nhà thì con số mười cái nhà đó nó vẫn áp đảo tư tưởng chọn lựa có một cái. Con số nhiều hình như nó có ưu điểm, mà nếu có sự lựa chọn thì con người bao giờ cũng muốn lựa chọn con số nhiều. Các bạn thấy không, ai cũng lựa chọn con số nhiều. Như vậy bây giờ làm sao đây? không ai muốn lựa chọn con số ít. Số lượng là tiêu đề mà Bảo Thành muốn nói tới ngày hôm nay. Có những con người cả cuộc đời lần mò chất chồng cho đầy tất cả. Nào là đầy tiền, đầy bạc, nào là đầy kiến thức ở đời, tràn đầy hết ôm, gom, thu, lượm lặt, nhồi nhét đầy hết, bởi nhiều bao giờ cũng tốt hơn tất cả. Có lẽ khái niệm sống này nó là một thói quen của con người, bởi chúng ta có một chút gì đó để gọi là tham tham. Tham thì muốn có số nhiều. Cái từ ngày nay mà người Việt thường dùng là “chất”, chứ không phải “lượng”. Thế mà lượng ơi tôi thương lượng lắm. Nhưng rồi chúng ta thấy đó lượng ơi thích lắm, cứ lượng lớn là được rồi. Chứ còn cái “chất” có là chi đâu.

Câu chuyện kể có một ông Vua, ông đi kinh hành trong xứ, trong quốc độ của ông đó. Ông đau chân, mệt mỏi vô cùng. Thế rồi một hôm, ông đi tới một nhà kia. Nhà kia có một miếng da đặt ở trước nền nhà. Mấy khi Vua ghé ngang thì mới mời Vua đứng lên trên tấm da đó, sợ chân của Vua đau. Rồi Vua đứng trên tấm da đó thì ông thấy êm quá, ông mới chợt nghĩ “Ui trời ơi, xưa giờ mình không có biết, cứ đi chân đất đau quá. Thôi ta là nhà Vua, ta phát lệnh người ta lót da ở trên toàn bộ Quốc độ của ta để ta đi tới đâu cũng êm ái và nhẹ nhàng”. Nhà Vua giàu, nhà nhà Vua có tiền, nhà Vua có ngân lượng lại có quyền. Do đó khi Ngài ban lệnh thì quan quân đều mang da lót hết trong cung đình. Ông Vua đi đâu cũng nhẹ nhàng không đau chân thích thú lắm. Nhưng rồi lót gần xong ở trong cung đình rồi, ông ta còn có ý nghĩ táo bạo là lót hết Quốc độ của ông ta để chỗ nào ông cũng có thể tới được mà không đau chân. Thế nhưng có một người thợ làm giày mới vô nói: “Bạch Hoàng Đế, Ngài có cho nó hết cả Quốc độ này thì tốn thật là nhiều da. Nhưng rồi nó cũng hư thôi, mà chưa chắc đã lót hết được. Thay vì như thế, Hoàng Đế hãy để cho tôi làm cho Ngài một đôi giày bằng da. Ngài đi vào đôi chân thì Ngài đi tới đâu chân của Ngài cũng êm đâu cần phải lót hết cả Quốc độ này”. Ông vua nghe thấy cũng ngộ ngộ bởi đâu khi nào nghĩ đến điều đó. Để cho người thợ làm giày tạo cho mình một đôi giày, ông Vua đi vào đôi chân của mình và thế là ông ta phi hành khắp Quốc độ mà thật êm êm thật. Lúc đó ông ta mới ngộ ngộ rằng đâu cứ phải là số lớn bao bọc hết chỗ này chỗ kia ta đi để rồi được êm đâu. Nếu đôi chân của mình không được một đôi giày thì dù chúng ta đi tới đâu đi nữa, nó cũng chưa chắc êm ái. Cái êm là đôi chân nhỏ bé được bao bọc bởi đôi giày da đó, chứ không phải cả Quốc độ này lót dạ. Nếu cả Quộc độ ta có mà đều trải thảm da ở bên trên thì còn gì nữa, cỏ nó sẽ chết thì nó còn là gì nữa. Cỏ nó sẽ chết để còn nhìn ra cái đẹp của thiên nhiên đâu. Đó là một ý nghĩa nhưng ý nghĩa ở chỗ là chất lượng của trí tuệ nhìn ra cái dụng của đôi giày, chứ không phải là số lượng có được, dĩ nhiên có cả một thành phố lót da là tốt rồi. Tuy nhiên cái dụng là đi tới đâu để đôi chân khỏi đau chứ không phải là lót da đại trà, mà là làm sao ứng dụng được có một đôi giày.

Trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta có trí tuệ thì chúng ta vận dụng được mọi phương tiện của cuộc đời, để không đại trà ôm ấp cho thật nhiều tất cả, mà chỉ gọn gàng trong cái cần có với một phương tiện diệu dụng nhất. Đấy ông Vua chỉ có một đôi giày gọn nhỏ bằng da mà ông đi đâu kinh hành khắp nơi, chẳng hề đau chân. Đâu cần phải lót ra cả thành phố, cả kinh đô, cả Quốc độ. Con đường dẫn đến sự giải thoát là trí tuệ. Ta có thể may đủ đôi giày trí tuệ trong hơi thở chánh niệm hay không, hay chúng ta lại đại trà ôm ấp hết Tam Tạng đại kinh, Hiếu Nghĩa, Phương Quảng, rồi bái sám tụng niệm, kinh kệ đạo tràng, rồi Pháp hội pháp thoại… chúng ta ôm hết vào với số lượng quá dày đặc kinh điển chữ nghĩa ta lại không dụng được nó. Đó mục đích của ta là êm ái đôi chân như ông Vua không bị đau nên may giày. Mục đích của ta là gì? Là sự êm ái trong thần thức của hơi thở chánh niệm, chứ chẳng phải trải thảm cả Quốc độ này bằng kinh sách đâu. Có đủ sức hay không? Có đủ tiền để trải thảm ra khắp cả đất nước này hay không? Bạn có còn đủ lực để gom hết tất cả các pháp hội, các kinh sách, các chữ nghĩa chân lý ở đời vào trong đầu hay không? Hay bạn chỉ cần một đôi giày da để có thể đi khắp Quốc độ của mình, nơi nào muốn đi là đi, nơi nào muốn tới là tới.

Các bạn vừa đủ, chỉ cần vừa đủ, may vừa đủ cái cỡ của chân mình, của đôi giày da, các bạn có thể đi tới khắp nơi mà êm ái nhẹ nhàng. Cũng chỉ vừa đủ trong hơi thở chánh niệm thì các bạn có thể ngồi một chỗ mà đi thập phương pháp giới. Cũng chỉ vừa đủ trong hơi thở chánh niệm, các bạn có thể thành được Phật. Cũng chỉ vừa đủ trong hơi thở chánh niệm, mà các bạn có tràn đầy hạnh phúc an lạc. Cũng vừa đủ trong hơi thở chánh niệm đó, các bạn có thể kinh qua mọi cảm xúc trong cuộc đời, vượt qua mọi chướng ngại trong kiếp này và thành chịu được ánh sáng của trí tuệ. Chất lượng ở trong hơi thở chánh niệm, không phải ở trong số lượng kinh sách, tụng niệm của Pháp hội này, Pháp hội kia cho rình rang, cho đông, cho nhiều. Nói miên man cũng như là họa sĩ pha màu, pha sắc, vẽ lên những hình ảnh này kia mà thôi. Chúng ta phải trở về với màu sắc nguyên thủy hơi thở của chánh niệm, đừng pha trộn vào đó những màu sắc, sắc tướng cuộc đời. Bởi khi chúng ta trở về với hơi thở chánh niệm, chúng ta tu tập thiền với hơi thở chánh niệm rồi, tất cả mọi ngôn ngữ, tất cả mọi Pháp hội thuyết giảng, tụng niệm kinh sách gì gì đi nữa cũng chỉ còn là sự lý luận ở đời. Cũng như biết bao nhiêu con người, tốn biết bao nhiêu tiền của công sức để lót thềm da, thảm da ở ngoài đời đi cho ấm cho êm không bằng một đôi giày da chân. Mỗi một con người đều có đôi giày da như vậy, thì người người đều có thể đi khắp cùng ngõ hẻm trong Quốc độ đó. Mỗi một con người đều có một đôi giày của hơi thở chánh niệm thì chúng ta người người đều có thể đi dạo chơi khắp cõi Ta bà và Niết bàn. Dù ở Ta bà cũng chẳng khổ bởi giữa Ta bà này ta có đôi chánh niệm, để đi xuyên suốt mọi chướng ngại. Đó, khi xưa Đức Phật sống ở cõi Ta bà nó uế trược như vậy người ta khinh thường Phật, bảo “Trời! Sao Phật ở những Quốc độ khác toàn là đẹp không à, kim cương, hột xoàn, mã não, đá quý. Mà sao Quốc độ của Đức Phật bổn sư toàn là uế trược, đồi núi dơ dáy?” Phật chỉ đụng ngón tay xuống đất liền hóa ra kim cương. Bởi ở chân tâm của Phật là chánh niệm.

Người sống trong hơi thở chánh niệm bất cứ chỗ nào hiện hữu, chỗ nào ứng hóa thân ở đó, thì đều là Quốc độ tốt đẹp nhất. Nếu chúng ta trở về may cho mình một đôi giày trong hơi thở chánh niệm, Các bạn mặc đôi giày chánh niệm đó vào, các bạn đi tới đâu thì đó cũng là Quốc độ cực lạc của Phật Di Đà. Nếu các bạn may đôi giày chánh niệm và mặc vào đôi chân của mình thì nơi đâu bạn tới, nơi đó sẽ tràn đầy hạnh phúc. Còn nếu các bạn không có đôi giày của hơi thở chánh niệm đi đâu cũng kềnh càng, trải khắp tất cả tiếng tăm của mình xuống để bao phủ, bao trùm tất cả chỉ chuốc lấy đau khổ phiền muộn tốn tiền, tốn công, tốn sức. Cũng thật may ông Vua kia đã nghe một ông thợ giày nhỏ bé không có quyền chức nhưng hiểu đúng, biết đúng và làm đúng. Hiểu đúng rất là quan trọng. Đó gọi là trí tuệ. Hiểu sai rất là nguy hại. Chúng ta thường theo ý của mình. Ông Vua ỷ theo ý của mình là Vua có tiền, có quân, có lính sai trải thảm khắp cả kinh thành. Nhưng may thay còn có một ông thợ giày chân chính, có sức và trí tuệ hiểu được, làm được và có cái dũng dám nói và trình bày cho ông Vua mà không sợ Vua giận Vua chém đứt đầu. Do đó khi ông thợ giày trình bày, nhà Vua cũng là người có trí tuệ nên lắng nghe và hiểu được, đã cho phép ông thợ giày làm cho mình một đôi giày để kinh hành khắp chốn mà không đau chân. Chúng ta có tự hào là mình có trí tuệ, sao chúng ta không để ông Phật may cho chúng ta một đôi giày Chánh niệm. Phật đã đặt để trí tuệ vào sự hiểu biết của ta và dạy cho ta trở thành một người thợ giày biết may cho mình một đôi giày chánh niệm. Mặc vào đôi giày chánh niệm đó để kinh qua trùng trùng điệp điệp thử thách và chướng ngại mà lòng an nhiên tự tại hạnh phúc. Để mặc vào đôi giày chánh niệm đó các bạn biến tất cả những nơi ta đang sống thành Niết bàn, thành cõi Tịnh độ tịch tĩnh và yêu thương.

Bảo Thành cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn