Search

Bảo Minh đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn đã theo dõi kênh Youtube Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn xin hãy đăng nhập vào kênh để chúng ta có cơ hội gặp nhau thường xuyên hơn nếu như chúng ta có nhân duyên. Cảm ơn các bạn!

Các bạn thân mến. Trong cuộc sống mọi người chúng ta thường xuyên không phải là vội vàng, nhưng chúng ta cuộc sống xoay vần quá nhanh, bắt không kịp. Do đó, có những lúc chúng ta bị cuộc sống nó lôi kéo. Chính vì khi cuộc sống lôi kéo điều đó; mà để cho đuổi kịp sự lôi kéo trong cuộc sống như vậy, chúng ta không làm chủ được suy nghĩ của mình, không làm chủ được lời nói của mình, và chúng ta cũng không làm chủ được hành động của mình. Đôi khi nghĩ chưa xong miệng đã nói, miệng nói chưa xong thân đã hành động. Không có nhịp nhàng, chính vì sự không có liên kết giữa tâm của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta, hành động của chúng ta. Do đó, chúng ta có lúc thì thật là vui nhưng có những lúc thật là buồn. Cứ buồn vui lẫn lộn, lúc thì vui, lúc thì buồn. Và sự vui buồn đó do không làm chủ được tâm ý của mình. Nhà Phật nói tạo ra nghiệp như câu trong dân gian thường nói, tội của ta tạo ra từ tư tưởng, từ lời nói, từ hành động của thân. Hoặc trong nhà Phật nói về nghiệp, thì nghiệp của ta tạo ra từ tư tưởng tức là tâm, từ khẩu tức là ngôn ngữ, từ thân tức là các tạo tác. Để làm chủ được vấn đề đó, mỗi người chúng ta phải để ý, phải có công phu tu tập mới làm chủ được.

Thuở Đức Phật còn tại tiền, Ngài dạy cho người con ruột của Ngài (tức là La Hầu La).

Một hôm Thế Tôn hỏi La Hầu La: Này con ơi! Cái gương kia để làm gì?

La Hầu La mới bạch Thế Tôn: Cái gương này là để soi gương mặt của ta, để soi thân tướng của ta, để soi chính ta.

Đức Phật mới dạy: Con à! Cái gương là để soi, trong đời sống của những người xuất gia hay những chúng tại gia, chúng ta phải dùng tâm để soi chiếu (tức là để quán chiếu) tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta.

Đức Phật nói: Các con à! Các con phải quán chiếu tư tưởng trước khi nó khởi lên, đang khi nó khởi lên và nó sẽ khởi lên trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Phải quán chiếu nó trong chánh niệm để tư tưởng nó sẽ khởi, nó đang khởi và tiếp tục khởi, luôn luôn ở trong chánh niệm. Khi tư tưởng của chúng ta khởi lên trong chánh niệm sẽ lợi lạc vô cùng cho cuộc sống của chúng ta.

Rồi các con phải quán chiếu ngôn ngữ trước khi các con muốn nói, đang khi nói và sẽ nói. Để ngôn ngữ con sử dụng luôn luôn trong ba thời ở trong chánh niệm.

Rồi các con lại còn phải quán chiếu những việc con sẽ làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Chúng ta phải quán chiếu chuyện đã làm, đang làm và sẽ làm. Đã nghĩ, đang nghĩ và sẽ nghĩ. Đã nói, đang nói và sẽ nói. Phải nhìn cho thật rõ để chúng ta làm chủ được tư tưởng và lấy tâm làm chủ ngôn ngữ và hành động.

Hôm nay, nói rõ về những tính trạng của từng cái gương. Không phải cái gương nào cũng hoàn hảo; bởi có những cái gương khi chúng ta soi, nó sẽ làm cho khuôn mặt của chúng ta bự ra. Có những cái gương chúng ta soi, nó làm cho khuôn mặt dài ra; hoặc thân ta bự, thân ta dài ra, hoặc nó méo bên trái, méo bên phải. Hoặc có những cái gương trung thực, phản ánh chính tướng mạo và diện mạo của chúng ta. Nếu như tâm của chúng ta bất tịnh, không tu tập mà lại có nghiệp quả lôi kéo thị phi; thì nếu dùng tâm đó để chúng ta hành động trong cuộc đời, nhìn cuộc đời không khác gì cái gương mà nó phóng lên cho thật là to, để rồi chuyện gì ta cũng đồn thổi to lên, không chính xác. Hoặc nếu tâm của chúng ta không tu, cứ hay bóp méo sự việc để rồi tạo khổ cho nhau, không khác gì cái gương nó làm cho chúng ta méo mó khuôn mặt, thân tướng. Hoặc có những cái gương còn kéo dài như cái tâm muốn kéo dài sự việc. Nhưng cũng có những cái gương thật là chuẩn, thuần chất thanh tịnh, nhìn đâu thấy đó, rõ ràng mồn một, không hề sai trái.

Chúng ta phải dùng cái tâm như vậy, như một cái gương thuần chất, thanh tịnh đó để nhìn rõ bản thể của tâm, của ngôn ngữ và của hành động. Muốn có một cái tâm như vậy, chúng ta phải giữ được năm giới. Người Phật tử chúng ta khi giữ được năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống sử dụng các chất say. Giữ được năm giới này thì tâm chúng ta thuần tịnh, thanh khiết, cộng thêm hành Thập thiện (tức là hành thiện), làm các việc thiện thì nó tăng ,trưởng chất lượng của tâm quán chiếu, của cái gương thanh tịnh, thuần chất mà hiện rõ được bản tính của chúng ta, không to, không nhỏ, không méo, không cao, y chang như tướng hảo thanh tịnh mà Phật đã khai thị, tức là ta sẽ là một vị Phật trong tương lai.

Trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng đừng vội vàng suy nghĩ quá nhanh mà không ở trong chánh niệm. Nhanh và chậm không quan trọng, quan trọng là mỗi người chúng ta luôn giữ trong hơi thở chánh niệm để tư tưởng khởi lên trong chánh niệm. Từ đó hơi thở chánh niệm giúp cho tâm khởi lên trong chánh niệm đó sẽ chuyển qua ngôn ngữ thành chánh ngữ, chuyển qua thân thành chánh hành động. Chánh kiến giúp nên chánh ngữ, chánh kiến giúp tạo ra chánh hành động. Điều này rất quan trọng cho cuộc sống, nếu không quan trọng thì Đức Phật không dạy cho La Hầu La là phải thường xuyên soi gương (tức là lấy tâm thanh tịnh trong giới) để soi chiếu cuộc đời của mình, để soi chiếu tư tưởng, lời nói và hành động, để soi chiếu nhất cử, nhất động, mọi tạo tác, ngôn ngữ, mọi ý niệm khởi lên trong cuộc đời.

Quan trọng! Quan trọng như vậy nên Đức Phật mới dạy cho La Hầu La: “Này con! Nếu con đã đã lấy gương để soi thì con phải chọn một cái gương thật là tốt, phản ánh đúng tướng hảo của con. Còn không vô tình con lấy một cái gương mà nó không có đúng, nó phản ánh không đúng, thân con như vậy mà nó to lên, nó méo đi, nó dài ra; hoặc nó nghiêng bên này, nghiêng kia tạo thành những hình ảo. Thì nó sẽ dẫn con vô con đường của ảo giác, của ảo tưởng rồi trở thành vọng ngữ, tà hành động không tốt.

Con phải chọn đúng cái gương, cái gương đó là gương Ngũ Giới, cái gương đó là cái gương Ngũ Giới để giữ tâm thanh tịnh, hành thiện để giúp cho tâm tịch tĩnh; mà nhìn rõ ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Tức là nhìn rõ những tư tưởng đã khởi lên, đang khởi lên và sẽ khởi lên. Dùng cái tâm giữ giới, cái tâm hành thiện để nhìn rõ ngôn ngữ con đã nói, đang nói và sẽ nói. Cũng dùng cái tâm đó để nhìn rõ hành động đã làm, đang làm và sẽ làm. Để con nhìn thấy được những tư tưởng khởi lên, nó đã khởi lên mà là không tốt, những tư tưởng bất thiện thì con chuyển hóa ngay, đang xảy ra con chuyển hóa ngay, sẽ xảy ra con phải ngừng ngay. Và cũng dùng cái tâm đó để quán chiếu ngôn ngữ đã sử dụng không tốt, đó là ngôn ngữ bất hảo, ác khẩu, thị phi, thêm bớt, đâm thọc, làm cho người ta khổ; thì con phải chuyển hóa nó. Và tâm bất tịnh khởi lên những ngôn ngữ không tốt, ngôn ngữ thô ác, đau khổ đó, con phải ngừng khi con đang nói. Và nếu như con nghĩ sẽ sử dụng những  ngôn ngữ đó, bất thiện đó con phải ngừng và chuyển hóa ngay.

Mục đích của Phật là dạy cho chúng ta nắm rõ tư tưởng trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lại. Ngôn ngữ cũng quá khứ, hiện tại và vị lai. Hành động cũng vậy, để ta làm chủ tư tưởng, ngôn ngữ và hành động. Làm chủ được như vậy, thì chúng ta đã tạo ra một cái gương thuần chất, thanh tịnh.

Chúng ta năng chiếu soi mình hàng ngày, hàng giờ, hàng giây. Chúng ta năng chiếu soi mình từng hơi thở trong chánh niệm, từng giây phút trong cuộc sống với chánh niệm như vậy, hướng về Tam Bảo, hướng thượng, hương tới Chân – Thiện – Mỹ, hướng đến những điều mà Đức Phật khai thị, chuyển ác hành thiện.

Nếu mỗi người chúng ta biết soi gương, biết quán chiếu thân tâm, cái gương quán chiếu đó sẽ giúp cho chúng ta được sự sống tốt đẹp hơn, sống đúng là người con Phật đã quy y Tam Bảo, sống đúng là người con Phật đã thọ Ngũ Giới. Mà các bạn biết không? Ngũ Giới là năm điều kiện rất quan trọng để giữ cho chúng ta quán chiếu nhất cử, nhất động một cách rõ ràng và chính xác. Ngũ Giới nếu giữ được sẽ giúp cho chúng ta tạo ra một cái gương để chúng ta soi chiếu; mà cái gương đó sẽ hiện lên thật rõ ràng, chính xác ta như thế nào, ta đang nghĩ gì, ta đang nói gì, ta đang làm gì, ta đã nghĩ đã nói đã làm và ta sẽ nghĩ sẽ nói sẽ làm. Cái gương ngày thật là tốt, cái gương này thật là đặc biệt!

Mong rằng mỗi người trong chúng ta cố gắng nghe lời của Đức Phật khai thị. Cố gắng quán chiếu tư tưởng, lời nói và hành động trong mỗi phút giây nơi chánh niệm, để chúng ta thực hành đúng, tìm ra con người của mình để sống bình an. Bình an cho tất cả mọi người là sự rất cần thiết. Mà để có được sự bình an đó ta hãy giữ giới và hãy cố gắng quán chiếu tất cả Thân – Ngữ – Ý của chúng ta trong từng ngày, từng giây phút trong chánh niệm.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Cảm ơn thật là nhiều!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts