Search

Quyên sinh để mong được giải thoát

Thưa Thầy, có những người đau khổ cùng quẫn đến quyên sinh để mong được giải thoát, có cuộc sống hạnh phúc. Như vậy có đúng không ạ? Và quyên sinh như vậy liệu có thể tái sinh làm người nữa không? Phải làm sao để vượt qua những đau khổ cùng quẫn của cuộc đời? Con cảm ơn Thầy!

Trả lời: Chúng ta hãy dành cho nhau 03 giây để hồi hướng cho tất cả những ai mưu cầu hạnh phúc, sự an lạc khi đang trải nghiệm sự đau khổ trong cuộc đời, không thấy rõ con đường đi, đã quyên sinh. Nguyện xin Đức Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát mang năng lượng từ bi và đuốc tuệ soi dẫn để xoa dịu những niềm đau nỗi khổ của chư hương linh đã quyên sinh trong đau khổ để tìm đường giải thoát.

Mô Phật!

Thuở còn nhỏ, Bảo Thành nghe được thật nhiều thông tin, có cả một người mà Bảo Thành quen biết, đương đầu với thử thách trong cuộc sống, không có lối thoát, cuối cùng đã kết liễu cuộc đời bằng cách nhảy cầu xuống dòng sông quyên sinh như vậy. Và sau này Bảo Thành nghe được ở trong thôn xóm nơi ông cụ Thầy sinh sống, cũng có thêm vài người nữa, quyên sinh thân xác của mình, nhảy sông tự tử vì nhiều sự bức bách trong lao tù của phiền não và khổ đau, bế tắc của cuộc đời, không tìm ra lối thoát.

Nay trả lời một cách thật rõ ràng; nếu đang trải nghiệm đau khổ mà nảy sinh những tư tưởng quyên sinh để tìm hạnh phúc thì đó, hành động đó đã phạm giới thứ nhất là tự sát sanh bản thân. Nghiệp đó thật nặng, đọa địa ngục khó thoát! Nếu không nương vào Hùng Lực của Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát thì thật khó. Đây là một nghiệp vô cùng lớn mà mỗi người chúng ta đang nghe hoặc đang sống, cần phải ý thức được để không bao giờ nảy lên những tư tưởng, suy nghĩ quyên sinh tìm hạnh phúc khi đang đương đầu với bức bách của cuộc đời, thử thách mà khó vượt qua. Nhận thức thật là rõ đây là suy nghĩ sai, mà nếu đi tới hành động, thì hành động quyên sinh như vậy tạo nghiệp, đọa địa ngục.

Dĩ nhiên trong cuộc đời của các bạn, có những người chứng kiến, cũng có các bạn nghe qua. Như Bảo Thành chưa chứng kiến ai quyên sinh vì đau khổ, trả nghiệp mà không thể vượt qua, nhưng thật sự đã nghe qua và đã đi dự đám tang của những người quyên sinh. Không những ở Việt Nam, mà tại bên Mỹ này, tình trạng đó, hình như từ thuở xa xưa cho tới bây giờ, nghiệp thức nhiều đời dồn nén trong sự bế tắc vô minh nên dễ đưa đến những tư tưởng cùng quẫn, không thấu, quyên sinh, tự sát để tìm lối thoát cho bản thân. Đặc biệt, các bạn đừng bao giờ nghĩ đến điều đó nếu ở trong những tình cảnh mà các bạn đang thử thách, bức bách, đau khổ, phiền não tột cùng mà không thể vượt qua. Hãy tiếp xúc ngay; nếu ở đời chưa có niềm tin với tôn giáo, các bạn hãy tiếp xúc với những bác sĩ tâm lý học, tâm thần học hoặc những bác sĩ về xã hội học, họ có thể giúp các bạn ổn định lại những luồng tư tưởng trong sáng hơn, để chuyển hóa những tư tưởng xấu và có thể giúp cho bạn ngừa được những mầm tư tưởng tự sát, quyên sinh; nếu bạn có đầy đủ phước duyên gặp được các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc hoặc các bậc lãnh đạo tinh thần các tôn giáo bạn đang theo, bạn hãy tiếp xúc với họ một cách thành kính, và nhờ các đấng đó khai trí mở tâm, dìu dắt để dắt chúng ta qua thời kỳ khủng hoảng đó. Nhất định khi các bạn tiếp xúc với những đấng đứng đầu các tôn giáo các bạn theo, các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc Tăng Ni, nếu không, các bạn khó có thể thoát, còn nếu có, các bạn sẽ khởi đầu một hành trình vượt qua những chướng ngại.

Đây là lời khuyên chân thật bởi vì trong lúc đó, bạn thật khó có thể thoát được nên mới suy nghĩ cùng quẫn để tạo cơ hội cho những tư tưởng ma quái xen lẫn với những oan gia trái chủ nhiều đời thúc đẩy bạn đi tới sự quyên sinh, tự sát. Lúc đó nói tự thân kiềm thì rất khó, bạn cần phải nương vào hùng lực, sự thanh tịnh và trí tuệ. Ở đời như Bảo Thành vừa nói rồi, là tìm kiếm những vị bác sĩ tâm lý, tâm thần học, những nhà xã hội học – họ cao minh, có kiến thức dìu dắt các bạn, hoặc về với cha mẹ, anh em để khuyên bảo nhau. Còn nếu qua những sự trải nghiệm về đời thường của những vị đó mà chúng ta chưa có sự an tâm thay đổi, chúng ta phải tiếp cận ngay những nhà lãnh đạo tôn giáo để được khuyên bảo, hướng dẫn; đôi khi có thể nhập thất tịnh tu để cho thân tâm ổn định từ từ, nhiếp thâu thân tâm của mình theo các pháp phương tiện mà vị lãnh đạo tinh thần đó quán chiếu thấy phù hợp, hướng dẫn cho các bạn, các bạn sẽ vượt qua được. Đây là lời khuyên chân thật nếu trong tình cảnh không thể vượt qua, phải cần sự giúp đỡ!

Chúng ta đừng xấu hổ và hổ thẹn rằng tại sao phải nhờ người khác? Nên nhớ, cuộc đời luôn luôn phải nương nhờ những bậc đã vượt qua hoặc vững chãi hơn ta để dìu dắt ta. Chính Ngài Mục Kiền Liên là một vị thần thông bậc nhất thời Đức Phật mà Ngài không e ngại, xấu hổ, sĩ diện để lủi thủi một mình cứu mẹ. Ngày Vu Lan, Ngài Mục Kiền Liên thấy không thể cứu mẹ là bà Thanh Đề, Ngài đã tới bạch với Đức Thế Tôn và Tăng Thân đang an cư kiết hạ lúc đó vừa mãn. Thời tự tứ vừa mãn, tinh thần sung mãn trong sự thanh tịnh, Đức Phật và hàng Tăng Lữ thời đó đã hiệp dâng năng lượng tuyệt đối thanh tịnh, để rồi mẹ của Ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề nương vào đó, thấu hiểu được nhân quả mà tự cởi trói mình khỏi sự ràng buộc của Địa Ngục.

Chúng ta nếu vì một điều gì đó bức bách trong cuộc đời, đau khổ vô tận, thất bại, thất bại trên nhiều phương diện: có thể về tình cảm, nhất là tự tử vì tình thật là nhiều; những mùa bóng đá, cá độ, đá banh, cờ bạc, làm ăn rồi nó thất bại một cách thảm bại, mất hết, tay trắng trắng tay thường hay tự tử, quyên sinh tìm lối thoát; trong công danh sự nghiệp đang ngồi chễm chệ ghế giám đốc hoặc một vị lãnh đạo cao cao thượng thượng bị truất phế, ngồi tù, có những người cùng quẫn quyên sinh…Và thật nhiều, thật nhiều những lý do! Lại có những bạn đau khổ vừa vừa, nhưng lại sử dụng các loại thuốc như á phiện, cần sa, ma túy, rượu chè, và đã làm rối loạn tinh thần, phạm giới thứ 05 – uống và sử dụng các chất say, làm cho não bộ loạn, có những ảo tưởng quyên sinh để tìm sự sung sướng và hạnh phúc. Tất cả những trường hợp như vậy rất cần sự giúp đỡ! Nếu chúng ta có đầy đủ phước báu tìm đúng người giúp đỡ, chúng ta sẽ thoát khỏi, và được tái huấn luyện trở lại để vững chãi, dũng mãnh hơn. Nếu các bạn đang ở tình trạng đó nghe qua, hãy cố gắng tìm người giúp đỡ!

Và để ngừa tình trạng đi tới như vậy (là nếu bạn đang ở như thế trong hoàn cảnh như thế, vẫn còn độ bình tĩnh và đang suy nghĩ đến mức quyên sinh, tự tử) thì các bạn hãy nhớ rằng Chánh Niệm hơi thở là pháp vi diệu giúp cho các bạn trầm tĩnh, lắng đọng hơn, sàng lọc tư tưởng và suy nghĩ. Lúc đó cơ thể ta bị bức bách, nó thở dồn dập, tư tưởng đen tối, thì nghệ thuật Chánh Niệm hơi thở mà Đức Phật truyền giúp cho chúng ta sàng lọc mọi tư tưởng. Và nếu như gắn kết với lòng từ bi và trí tuệ của Chư Phật để thắp sáng suy nghĩ của chúng ta, chúng ta có thể chuyển hóa từ từ. Nhưng chúng ta vẫn phải đồng hành với các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc hoặc các bậc lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, hoặc nương nhờ vào các bác sĩ tâm thần hoặc tâm lý học để chúng ta vượt qua. Bởi trong giai đoạn đó, ai cũng cần sự giúp đỡ. Đó là lời khuyên chân thành!

Còn những ai chưa bao giờ bị những tư tưởng đó bách hại để khởi lên ý tưởng phải quyên sinh, tự tử, thì nhớ phải thực tập Chánh Niệm để luôn luôn nuôi dưỡng những tư tưởng trong lành, thiện lành, trong sáng; để khi những tư tưởng đen tối của nghiệp thức bất thiện nhiều đời kéo tới, gợi lên những hành động quyên sinh, tự tử thì chúng ta đã có đủ đạo lực, định lực, nguyện lực. Trong tâm lực tịch tĩnh đó để vững chãi hơn trong sự thử thách của những luồng tư tưởng trái ngược như vậy tới với chúng ta.

Mô Phật!

Tham vấn Phật Pháp 11, https://youtu.be/QaPQGvNlJR4

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn