Search

Chuyển hóa tự thân thì oán nghiệp có được hóa giải không?

Là thiện duyên nên gặp gỡ hay vốn là thiện duyên nhưng lại do sự ích kỷ, tính ngạo mạn, tự kiêu phá nát đi tất cả? Nếu vốn là thiện duyên thì tại sao khi kết thúc mối quan hệ lại trở thành chướng duyên làm khổ nhau. Nợ cũ ko trả được nhưng lại kết thêm oán thù mới? Không nói đến đúng sai, tốt xấu vì gieo nhân gì gặt quả đó, nhưng do đâu lại thành ra như vậy? Nếu như con chỉ chuyển hoá tự thân và lựa chọn dừng lại thì oán nghiệp có được hoá giải không thưa Thầy? (Chuyện đời sống, ko phải tình cảm nam nữ ạ)

Mô Phật!

Chúng ta nhìn vào nhà tù, nhiều người phạm tội bị nhốt trong nhà tù. Đầu tiên, khi nhốt trong nhà tù, người đó được giáo dục để không tái lại những hành động nguy hại, tức là không tạo ra nghiệp. Các bạn cũng vậy mà thôi! Ta bị nhốt trong nhà tù của nghiệp thức bất thiện và nghiệp thức thiện nhiều đời sinh ra trong kiếp này, kiếp này là nhà tù có thiện duyên và chướng duyên lẫn lộn. Thiện duyên là ta biết được Phật pháp để tu, chướng duyên là gặp nhiều trở ngại trên con đường tu. Nói rộng ra về mọi mặt của cuộc sống, Đức Phật dạy rằng tất cả mọi nghiệp duyên bất thiện hoặc là thiện là nhân quả của kiếp trước đưa ta tới kiếp này. Khi chúng ta tu là ngừng tạo nghiệp trong kiếp này. Kiếp này không tạo nghiệp nữa và rồi có cái năng lượng và trí tuệ để chuyển hóa những nghiệp của ngày qua, của quá khứ.

Tu là ngừng tạo nghiệp. Hết tạo nghiệp rồi! Nhưng nghiệp của quá khứ vẫn còn. Để chuyển hóa nghiệp của quá khứ, Đức Phật dạy Thập Thiện, tức là Mười Pháp Thiện. Nếu trong quá khứ, bạn là một kẻ đồ tể sát sanh thì kiếp này bạn phóng sanh như câu hỏi của bạn vừa hỏi bên trên là phóng sanh. Cho nên, nếu là nghiệp sát thì hãy thực hành pháp phóng sanh. Nếu là nghiệp trộm cắp để bây giờ thiếu thốn hay mất đồ thì thực hiện pháp thí, cúng dường, hồi hướng, bố thí, giúp đỡ người. Nếu gặp nghiệp của kiếp trước tạo cho mở miệng ra là bị người ta chửi, gọi là khắc khẩu thì kiếp này tu, không tạo ra khẩu nghiệp bằng cách nói năng tử tế. Nhưng để chuyển nghiệp kiếp trước thì ta lại dùng ái ngữ để chuyển nghiệp kiếp trước. Có nghĩa, một nghiệp nào tương ưng của quá khứ thì phải thực hiện cái pháp thực hành rõ ràng tương ưng với nghiệp quá khứ thì chúng ta sẽ chuyển hóa được nghiệp của quá khứ. Nhất định điều đó!

Nghiệp quá khứ 10, ta thực tập 05, ta trả được 05. Nghiệp quá khứ là 10, ta thực tập 20, ta dư ra 10. Như món nợ 10 đồng, ta làm 20 đồng, ta trả 10 đồng, còn dư 10 đồng. Nhưng kiếp này tu, tức là không mượn nợ nữa. Không mượn tiền, trốn nợ nữa. Cho nên, khi các bạn tu, các bạn đã ngừng tạo nghiệp rồi. Nếu tu đúng, chúng ta ngừng tạo nghiệp trong kiếp này. Rồi thực hành Thiện Pháp, Mười Pháp Thiện, tu đúng với lời Đức Phật dạy là ta đang góp vốn phước đức và công đức để hoàn trả những món nợ nghiệp thức của kiếp trước.

Hãy từ từ, đừng vội vàng từ chép hóa rồng, đó là câu không đúng. Ta là Phàm phu, cứ tu từ từ thôi. Đừng vội một ngày, hai ngày biến Phàm thành Thánh, cái đó gọi là hoang tưởng. Thực hành một cách vững chãi như người thợ xây, xi măng, cốt sắt, cột kèo đầy đủ, tòa nhà xây dựng vững chãi muôn đời. Vội vội vàng vàng như xe cát biển Đông, một cơn sóng tới, nó tan mất rồi.

Các bạn! Đó là lời khuyên của Bảo thành. Hãy cố gắng thực tập tu để không tạo nghiệp và thực hành các Pháp Thiện trong Thập Thiện, giữ Năm Giới, đi sâu vào Tam Bảo, thiền Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và trí tuệ để chúng ta làm mọi việc đúng với tinh thần nhìn rõ vạn pháp Vô Thường, thấu hiểu tinh thần Vô Ngã để không tạo khổ đau cho ta và chuyển hóa những khổ đau do bất thiện nghiệp kiếp trước ta đã tạo ra. Tất cả chỉ như vậy, hãy tinh tấn tu.

Tham vấn Phật pháp 9, https://youtu.be/AofeMgUw2Mo

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts