Search

Quan Âm Lạy Bồ Tát

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chua Xa Loi”.

Các bạn thân mến! Cuộc sống mà chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới này có quá nhiều thử thách luôn tới với chúng ta. Và chúng ta thật nhiều khi rơi vào khoảng trống của sự hoang mang, sợ hãi, không biết phải giải quyết như thế nào, không biết phải ứng xử ra sao, đi tới sự cùng đường bí lối như vậy. Những người có niềm tin vào các tôn giáo thường hay chạy tới các đấng thần linh, trời, Bồ Tát, Thánh Hiền, Phật để cầu xin.

Có một vị cư sĩ kia ở trong tâm trạng buồn khổ và thất bại, gặp nhiều chuyện bối rối ở trong lòng nên anh ta đi tới một nơi có thờ Bồ Tát, một cái đình thờ Quan Âm Bồ Tát, với ước nguyện quỳ xuống lạy vị Bồ Tát giúp đỡ. Anh ta đi một mình trong một buổi trưa hè oi bức, chẳng có ai, chỉ có riêng một mình anh ta mà thôi. Khi cư sĩ tới cái miếu đó thì nhẹ nhàng bước vào trong miếu, thấy tôn tượng Quan Âm, vội vàng đến để quỳ, nhưng chợt nhận ra thấy Quan Âm này đang ngồi quỳ lạy tượng Quan Âm của mình. Vị cư sĩ này thấy lạ lùng vô cùng, mình đi xuống dưới này, nơi miếu này để quỳ lạy Quan Âm, xin Ngài giúp ta, nay lại thấy Quan Âm ngồi ở trên là cái tượng, còn Quan Âm thật thì ở dưới quỳ lạy tượng. Thắc mắc, thắc mắc vô cùng! Ai lại là Quan Âm quỳ lạy tượng Quan Âm bao giờ! Cư sĩ liền tới gần hỏi vị Quan Âm rằng “Thưa Quan Âm đại sĩ, ở trên đời này chỉ có chúng tôi mới tới lạy Quan Âm mà thôi, đại sĩ chính là Quan Âm, sao phải lạy cái tượng kia, có chuyện gì vậy thưa Ngài?”

Ngài Quan Âm đại sĩ quay lại nói với vị cư sĩ kia rằng “Ta đang gặp khó khăn, khổ và nhiều chuyện xảy ra, nên tới đây quỳ lạy Quan Âm”. Vị cư sĩ kia thấy lạ lắm, mới nói rằng “Tôi là cư sĩ, khổ, gặp rắc rối mới quỳ lạy Quan Âm, còn Quan Âm đại sĩ là người có thần thông, sao không sử dụng thần thông biến hóa cho hết mà còn phải quỳ lạy tượng Bồ Tát làm chi?”. Lúc này vị Quan Âm đại sĩ đang quỳ kia mới nói cho vị cư sĩ rằng “À, đúng, ở trên đời này, con người khi gặp đau khổ, phiền não và thất bại thường tới để quỳ lạy Quan Âm xin thần thông để hóa giải; nhưng ta, khi gặp rắc rối, ta lại quỳ xuống để nhìn và nói chuyện với chính mình, ta là Quan Âm ta nói với Quan Âm, ta ngưỡng lên với Quan Âm để nhìn, để thấu, cho nên Quan Âm nhìn vào chính mình để nhìn, để giải quyết mọi việc. Còn chúng sanh thì không chịu nhìn vào chính mình mà lại tới đây nhờ Quan Âm!”. Lúc này cư sĩ mới quỳ lạy vị Quan Âm đại sĩ đã mượn hình ảnh đó để dạy cho vị cư sĩ một bài pháp vi diệu ở chỗ hãy quay về với chính mình để tìm hướng giải quyết mọi sự rắc rối ở trong đời và với chân lý hãy quay về với chính mình để tìm sự giải thoát nơi chính mình.

Các bạn thân mến! Một bài pháp tuyệt vời trong câu chuyện này. Thói đời rất bình thường phải không các bạn? Bảo Thành và các bạn khi khổ, khi đau, khi buồn, khi thất bại, chúng ta tới với các đấng thần linh ta tôn thờ theo tôn giáo của mình. Người Phật tử ta thường hay tới với Quan Âm Bồ Tát, quỳ lạy Ngài để Ngài ban ơn, để Ngài giúp chúng ta vượt khổ, giúp chúng ta gọi là Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Âm Bồ Tát, chúng ta nguyện, chúng ta cầu Bồ Tát cứu khổ cho chúng ta. Câu chuyện này thấy rằng Quan Âm đại sĩ đang quỳ xuống ngưỡng lên một tượng Quan Âm, như một bài học dạy cho chúng sanh và hàng cư sĩ, Phật tử tại gia như Bảo Thành và các bạn rằng: Chúng ta khi đương đầu với mọi thử thách trong cuộc đời, thất bại, khổ đau, buồn khổ… đừng quá vội vàng chạy tới Quan Âm ở tượng, ở đình, ở miếu, mà hãy nhìn thẳng vào chính mình để thấy một vị Quan Âm đang hiện ngự trong tâm Phật, tâm bồ đề, tâm lành thiện của chúng ta. Cái miếu bên ngoài có tượng Quan Âm thật đẹp, nhưng ngôi chùa tự thân trong cuộc đời kiếp người này có Phật, có Bồ Tát hiển ngự ở bên trong, có trí tuệ của nhà Phật ở đó.

Đúng như lời Phật dạy, hãy trở về với chính mình, hãy là chính mình để đứng dậy, giải thoát chính mình. Một bài pháp vi diệu, làm gì đi nữa, tu pháp nào đi nữa thì chúng ta cũng phải trở về với chính tự thân của mình, nhìn cho thật rõ tánh thấy, tánh nhìn của nhà Phật trong cách thiền hơi thở chánh niệm quan trọng. Chúng ta phải bình tĩnh, đừng quá vội vàng tới chùa, tới miếu thờ lạy mà van xin. Hãy trở về với chính mình, hãy thành tâm quỳ xuống, nhìn nhận cho rõ bằng chánh niệm hơi thở, bằng chánh niệm đời sống, tánh thấy biết của ta sẽ bao trùm như tánh thấy biết của vị đại sĩ Quan Âm, nhìn thấy mọi thống khổ của chính mình, nhìn thấy mọi nguyên nhân tạo ra sự thống khổ của chính mình. Và khi thấy được nguyên nhân tạo ra sự thống khổ đó, thì chính ta cũng có sức mạnh thần thông như vị Quan Âm đại sĩ, có thể sửa, có thể thay đổi, bởi không ai có thể thay đổi được ta. Chỉ có chính ta mà thôi!

Phật đã nói, Phật không thể cứu ta, chỉ có ta mới cứu được chính ta. Ngài Quan Âm đã dạy cho vị cư sĩ kia “hãy trở về với chính mình”. Cầu khẩn Bồ Tát Chư Phật chẳng bằng trở về với chính mình để một lần nhìn nhận những sai lầm, và với cách nhìn nhận được, thấu rõ được sai lầm, trí tuệ sẽ được mở, để chúng ta biết cách giải quyết các bạn ạ! Nếu các bạn không chịu nhìn, không chịu nhận, không chịu quán chiếu những cái sai phạm của ta, ta chẳng bao giờ tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề. Đạo Phật là đạo nâng cao tầm hiểu biết kiến thức và trí tuệ, đạo trí tuệ, con đường đi tới sự trí tuệ để giải thoát tất cả mọi vấn nạn trong cuộc đời.

Các bạn! Hãy trở về với chính mình thường xuyên qua chánh niệm hơi thở, để tánh thấy biết đó luôn luôn soi chiếu ở trong lòng, nhận ra những sai trái của cuộc đời, để chúng ta biết sửa. Nếu các bạn không nhìn thấy lầm lỗi của mình, sai trái của chính mình, mà chỉ tìm ở bên ngoài giúp đỡ các bạn thì chẳng bao giờ có. Chúng ta, đúng, có thể tới với tượng Quan Âm, với chùa, với miếu, tới thiền đường, chùa, am thất, thiền viện, quỳ trước các tôn tượng của các bậc giác ngộ, để xin các Ngài chứng minh cho chúng ta, để chúng ta có thể nhìn thấy lầm lỗi của mình. Các vị đó, các bậc giác ngộ đó như ánh sáng của mặt trời, như đuốc tuệ soi sáng để ta nhìn ra lỗi lầm của ta để ta sửa, chứ các vị đó không xắn tay áo để chui vào cuộc đời dọn dẹp rác rưởi của ta. Ta phải làm chuyện đó các bạn ạ!

Cho nên khi chúng ta tới chùa, khi chúng ta quỳ gối xuống để thể hiện lòng thành kính, khiêm tốn, tâm chí thành lạy các tôn tượng như một biểu tượng của sự giác ngộ, chúng ta nhớ chí thành thỉnh các Ngài soi sáng tâm hồn của chúng ta, thắp sáng trí tuệ của chúng ta, để chúng ta nương vào trí tuệ của Phật, ánh sáng của Phật, tình thương của Phật, nhìn rõ lại chính mình để sửa. Vị cư sĩ kia đã giật mình bởi biết bao nhiêu năm trời, khi sai, khi buồn, khi khổ đều tới để quỳ lạy Quan Âm. Nhưng hôm đó Quan Âm đã hiện thân quỳ lạy chính mình để dạy một bài pháp vi diệu rằng chúng ta hãy quay trở lại với chính mình, nhìn rõ, nhìn thấu, để sửa, để buông. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy tự làm ốc đảo của chính mình. Chỉ có ta mới cứu được ta. Bởi tất cả những gì ta tạo ra đều do ta và Phật đã khẳng định Phật không cứu được, nhưng Phật có thể hướng dẫn cho ta để tự cứu mình.

Hãy tới với Quan Âm, hãy tới với các vị Bồ Tát, với các Chư Phật với tâm niệm rằng chúng ta nương nhờ vào trí tuệ của các Ngài, học hỏi kiến thức, giáo lý của các Ngài để chúng ta giải quyết những vấn đề, những vấn nạn đời thường của chúng ta. Các bạn hãy cố gắng, đừng bỏ cuộc, bởi chúng ta là những con người có phước báu học được giáo pháp của Như Lai. Đừng bỏ cuộc! Hãy trở về với tự thân, khiêm tốn quỳ xuống xin Chư Phật soi sáng, xin Bồ Tát gia hộ để ta nhìn ra lầm lỗi, sai trái, để giải quyết cái sự thống khổ, vấn nạn của đời mình.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn