Search

Phước Báu Nghe Chánh Pháp

Bảo Đức đánh máy

Như hồ nước sâu thẳm
Trong sáng không khuấy đục
Cũng vậy nghe chánh pháp
Người trí hưởng tịnh lạc

Các bạn, Đức Phật dạy cho chúng ta đời người cần phải có phước báu. Nếu thiếu phước báu, nhiều sự xui xẻo, tai họa, không như ý sẽ tới với chúng ta. Còn nếu như chúng ta sẽ chuyển họa thành những điều như ý và rồi cuộc đời của chúng ta sẽ bớt nhiều phiền não. Cho dù chướng ngại có tới, thử thách có tới, cho dù những chuyện không như ý có xảy ra thì chính vì nhờ phước báu đó mà chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Các bạn thân mến, phước báu rất cần trong đời người. Trong Nhân Quả Đức Phật dạy Thiện và Ác, nếu chúng ta hành những cái việc ác, tạo tác những cái việc ác từ tư tưởng, suy nghĩ và rồi lời nói, hành động thì chúng ta sẽ luôn luôn gặp xui xẻo, gặp tai họa, gặp chướng ngại. Và khi pháp ác đã hành để những việc đó xảy ra tâm trí của chúng ta sẽ hoảng loạn và sợ hãi, chúng ta sẽ không có sự an ổn trong cuộc sống. Và thường có cái chiều hướng suy nghĩ sai lệch bởi những nghiệp ác chúng ta tạo ra sẽ tạo thành một cái nghiệp lực ác luôn kéo chúng ta đi, chúng ta khó cưỡng và rồi chúng ta thường sa ngã. Dĩ nhiên trong cuộc đời thử thách luôn tới với chúng ta bởi chúng ta là con người. Các bạn nhớ rằng chúng ta là con người, thử thách về muôn mặt của cuộc đời luôn luôn tới với chúng ta. Tham ái trong cuộc đời mà mấu chốt quan trọng luôn luôn gắn kết với đời người, nó có cả hai mặt tốt đẹp và xấu. Nhưng phần nhiều trong tham ái thì luôn luôn kéo chúng ta đi mãi khó có thể giữ vững được. Chúng ta biết rõ ràng trong cuộc sống như thế nhưng chúng ta không có hoảng sợ bởi chính Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng ở giữa cái Thiện − Ác đó là cái họa và cái phước. Phật soi sáng bằng giáo lý của Ngài để cho chúng ta quán chiếu tu dưỡng để từ đó hiểu thấu để chúng ta từ bỏ những pháp ác, thực hành những pháp thiện để tăng trưởng phước báu cho chúng ta.

Chủ đề hôm nay chúng ta nói tới là “phước báu nghe Chánh Pháp”. Chúng ta đã thấu rõ rằng giữa Tà Pháp và Chánh Pháp khác nhau ở chỗ nào. Tà Pháp là những pháp gây ra những chướng ngại cho cuộc sống, gây ra tai họa. Tà Pháp là những cái pháp gây ra đau khổ, phiền não, ảnh hưởng đến thọ mạng của chúng ta và của muôn loài chúng sanh, đó gọi là Tà Pháp. Những Tà Pháp như vậy thường đi đôi với những cái hành động Tà, rồi tư tưởng Tà, ngôn ngữ Tà gọi là Tà Kiến, Tà Ngữ và Tà Hành Động. Tà Pháp gắn liền với ba cái điều đó nên những người theo Tà Pháp thường có những cái Tà Kiến là những suy nghĩ không đúng với Nhân Quả Thiện − Ác, họ sống bất chấp trong xã hội. Họ sống buông tuồng, nó muốn nói gì cũng được, họ nói ngược, họ nói xuôi miễn sao để cho người khác nghe thấy hợp là được. Họ nói xuôi rồi lại nói ngược bởi vì họ bảo vệ những cái điều mà họ làm sai. Người có Tà Kiến là người luôn luôn nghĩ trong sự đen tối làm tổn hại đến người khác và bản thân của họ, gây đau khổ phiền não. Người theo Tà Pháp là người luôn luôn có Tà Ngữ, ngôn ngữ của họ không có biết dừng lại ở cái chỗ là luôn luôn sẵn sàng tuôn ra những cái thể loại ngôn ngữ bằng lời nói hay bằng văn tự để gây khổ đau cho người khác, gây hoang mang, gây sợ hãi và tổn hại đến cái phước báu của họ. Từ đó những người theo Tà Pháp có những cái ngôn ngữ Tà như vậy thường làm tổn hại đến thanh danh của bản thân họ và làm tổn hại đến thanh danh của người khác. Thậm chí gây ra sự tai họa cho họ và muôn loài. Người theo Tà Pháp thường có những Tà Hành Động. Những cái hành động gây đau khổ, chết chóc, tang thương cho người khác họ không biết dừng. họ chỉ nghĩ về riêng thân của họ, họ chỉ nghĩ về cái tôi của họ. Và những cái hành động của họ thường tạo ra những đau khổ cho người khác, đó gọi là Tà Pháp.   

Hôm nay chúng ta nghe Chánh Pháp để có phước báu. Chánh Pháp là giáo pháp của Như Lai, giáo pháp đúng với Nhân Quả Thiện − Ác. Chánh Pháp luôn đi đôi cuộc sống Chánh Kiến, Chánh Ngữ và Chánh Hành Động. Người tu đúng Chánh Pháp của Phật hiểu thấu được Nhân Quả Thiện − Ác và người đó luôn luôn có Chánh Kiến, có những tư tưởng, suy nghĩ mang lại lợi lạc cho muôn loài. Người đó luôn luôn có ái ngữ, có những cái lời nói lợi lạc cho muôn người, lời của họ nói ra san sẻ, an ủi và làm vơi đi nỗi nhọc nhằn đau khổ của người khác. Người đi theo Chánh Pháp của Phật hiểu rõ Nhân Quả để họ có Chánh Hành Động. Mọi hành động của họ dựa trên nền tảng của giáo pháp Chư Phật, không phải nền tảng của sự lợi dưỡng riêng cho bản thân, có thì ôm vào trong lòng, không được thì đánh đổ bỏ ra đi. Cuộc sống của chúng ta, chúng ta có phước báu thật là nhiều bởi chúng ta nghe được Chánh Pháp của Chư Phật.

Các bạn thân mến, phước báu nghe Chánh Pháp được nói theo một cái nghĩa dễ hiểu hơn phước báu đó thật là lớn. Như một con người chúng ta đang sống trong xã hội này mà chúng ta có cha, có mẹ để rồi từng bước trong cuộc đời ta được cha mẹ chăm sóc. Khi đi học ta được cha mẹ tư vấn vào trường học tốt rồi khi đi cha mẹ lại chuẩn bị đồ ăn cho chúng ta lương thực ăn trưa, ăn chiều rồi lại đưa chúng ta đi, rước chúng ta về. Trên con đường đến trường học để thành người cha mẹ luôn luôn luôn gần gũi suốt cuộc đời lo lắng về vật thực cho chúng ta, lo lắng về tinh thần và giáo dục chúng ta hòa nhập vào với nền giáo dục của nhân loại để chúng ta trưởng thành. Chánh Pháp của Như Lai có phước báu như chúng ta có cha mẹ bởi khi chúng ta có cha, có mẹ chúng ta có sự bảo vệ của cha, nuôi dưỡng của mẹ. Nghe theo Chánh Pháp có phước báu là như cha mẹ bởi Chánh Pháp của Phật như người mẹ truyền dạy cho chúng ta những nền giáo dục Phật đà cao siêu, giải thoát khỏi đau khổ. Như người mẹ đã chuẩn bị cho chúng ta những món đồ ăn tâm linh trong sáng, những sự cần phải làm như thế nào, cần phải hành động như thế nào, cần phải nói như thế nào chúng ta học từng li, từng tí trong giáo pháp của Chư Phật, giáo pháp của Nhân Quả, giáo pháp giải thoát khỏi đau khổ.

Chánh Pháp của Như Lai có phước báu bởi chuẩn bị cho chúng ta cái hành trang, tư lương thật vững chắc để đi vào cuộc đời bằng năm giới hạnh, bằng hiểu thấu Nhân Quả, bằng nương nhờ vào Phật − Pháp − Tăng và hành thiện. Những giáo lý căn bản như vậy để chúng ta hiểu thấu được đau khổ và phiền não, pháp ác và pháp thiện. Cho nên phước báu khi chúng ta nghe được Chánh Pháp để rồi hiểu và thực hành Chánh Pháp thì chẳng khác gì như người con có cha mẹ. Thứ nhất là bảo vệ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, chăm sóc cho chúng ta, dạy dỗ cho chúng ta để chúng ta nên người. Và thực vậy, nếu các bạn có phước báu nghe Chánh Pháp là các bạn được Chư Phật chăm sóc như người mẹ để dạy dỗ, truyền dạy, nuôi dưỡng và hướng dẫn cho chúng ta nên Thánh, nên Phật. Các bạn, phước báu nghe Chánh Pháp thật là lớn, thật là mầu nhiệm mà mỗi người chúng ta là Phật tử, chúng ta phải hiểu thấu được giá trị của nghe Chánh Pháp. Bởi càng nghe Chánh Pháp của Như Lai càng tăng trưởng được phước báu trong đời sống. Mà nếu các bạn lạc vào con đường Tà Pháp, nghe theo Tà Pháp các bạn sẽ tổn phước, gây họa cho bản thân và gây họa cho muôn loài chúng sanh khác.

Người nghe Chánh Pháp còn có phước báu như một người chuẩn bị đi xa biết chuẩn bị cho mình những tư lương cần thiết, nước uống, đồ ăn, áo và chỗ che mưa, che nắng. Để trên cuộc hành trình đó, dài dăng dẳng như vậy, xa cái nhà của họ, họ vẫn có đầy đủ tư lương, vật thực và những cái đồ dùng cần thiết để khi mưa, khi gió, khi nắng, khi đói, khi khát họ có. Người đi tu theo Tà Pháp hoặc là chạy theo Tà Pháp là một người không biết nghe rõ, chẳng có cái năng khiếu chuẩn bị cho mình những vật dụng cần thiết trên đoạn đường đi dài. Cứ vội vội vàng vàng chạy ra đường để đi và rồi trên con đường đi tít mù đó. Khi đói họ chẳng có lương thực chuẩn bị sẵn, khi khát họ chẳng có nước chuẩn bị sẵn, khi mưa nắng họ không có dù, lều, áo mưa để che, họ sẽ khổ trên suốt đoạn đường đó. Như vậy chúng ta thấy phước báu nghe Chánh Pháp là phước báu mà mỗi người chúng ta được sống trong sự Tỉnh Giác. Để như người đi xa chuẩn bị cho mình đầy đủ lương thực, vật thực và những cái dụng cụ cần thiết để chúng ta có đầy đủ một hành trang để đối phó với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống lỡ nó có xảy ra. Để chúng ta bảo vệ thân mạng, niềm vui và tinh thần của mình để tiếp tục trên cuộc hành trình đó có tràn đầy yêu thương và niềm vui. Còn nếu như chúng ta không tu theo Chánh Pháp, chúng ta bị tổn phước và chúng ta sẽ có một cuộc hành trình đau khổ, phiền não.

Các bạn, phước báu nghe Chánh Pháp cao siêu nhiệm mầu mà mỗi người chúng ta nếu nghe thì chúng ta sẽ thoát khổ. Phước báu nghe Pháp như một người nông dân đúng vụ mùa đã có hạt giống, chuẩn bị hạt giống, chuẩn bị phân, chuẩn bị đầy đủ các thứ để cày bới đất của mình và rồi bón phân, tưới nước để hạt giống khi gieo xuống nó được nảy mầm. Còn những người không theo Chánh Pháp mà theo Tà Pháp như người nông dân chẳng biết có hạt giống hay không, chẳng có cày, có cuốc, chẳng có phân, nước. Có đất đó, có ruộng đó mà chẳng phải biết trồng làm sao để rồi cuối cùng ruộng khô, đất nứt nẻ, chẳng có nước, chẳng có phân và hạt giống chẳng có. Trên cánh đồng đó chỉ phơi trắng một màu sương loang ở đó khi mỗi sớm mai đổ xuống để rồi cả cuộc đời chẳng có được lương thực gặt hái trong cuộc đời. Các bạn, người có phước báu nghe Chánh Pháp như một người đã chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc xe có đầy đủ dầu, đầy đủ nhớt. Để trên cuộc đời hành trình đó họ có đầy đủ nhiên liệu để chạy. Mà họ còn khôn ngoan hơn họ còn chuẩn bị cái thắng cho vững chắc để khi trên đường đó họ biết thắng, họ biết nhả thắng, biết tiến tới, tiến lui, đầy đủ nhiên liệu trên cuộc hành trình. Đó là người có phước báu khi nghe Chánh Pháp bởi Chánh Pháp giúp cho chúng ta thọ được năm giới biết cái điều gì nên làm, điều gì nên ngưng để chúng ta tăng trưởng phước báu. Để trên chiếc xe của thân mạng cuộc đời này chúng ta có đầy đủ nhiên liệu là năng lượng Từ Bi. Và có sự chuẩn bị đầy đủ cho cái thân mạng này có cái sức mạnh để bảo hộ cho mình tiến lui trong cuộc đời đầy chông gai và bão tố.

Còn người không nghe theo Chánh Pháp chẳng có phước báu như người chạy xe mà không có thắng. Cứ lao lao mãi vào cuộc đời đen tối để rồi chẳng thể thắng được khi gặp những cơn nguy biến trong cuộc đời. Họ sẽ gặp nguy hiểm vô cùng. Các bạn, phước báu nghe Chánh Pháp còn thật là nhiều. Nếu chúng ta hiểu thấu được Chánh Pháp của Chư Phật dựa trên cái nền tảng đức hạnh của Nhân Quả và phát tâm chúng ta nghe hàng ngày để thấm nhuần thực hành được thì phước báu càng tăng trưởng. Như câu kinh Pháp Cú nói rằng:

Như hồ nước sâu thẳm

Trong sáng không khuấy đục

Cái hồ nước mà sâu thẳm trong sáng không có đục chút xíu nào, trong suốt như vậy thì chúng ta sẽ nhìn xuống tận đáy hồ chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả sinh linh vạn vật trong hồ nước sâu thẳm, trong sáng đó. Nó không có một chút gợn sóng, nó không đục, không có một chút nhơ, không một chút dơ, không một chút bùn. Nó trong suốt như vậy để cho chúng ta nhìn thấu hết tất cả những cái tư duy suy nghĩ, những cái hành động, lời nói của chúng ta để chúng ta thanh lọc nó cho nó trong suốt hơn. Các bạn, người biết nghe theo Chánh Pháp

Như hồ nước sâu thẳm
Trong sáng không khuấy đục
Cũng vậy nghe chánh pháp
Người trí hưởng tịnh lạc

Người có Trí Tuệ là người luôn luôn biết nghe theo Chánh Pháp của Phật. Người có Trí Tuệ là người luôn hưởng được sự an tịnh và an lạc trong cuộc đời, tịnh tâm mà an lạc trong cuộc đời. Bởi vì họ có Trí Tuệ để họ tinh tấn nghe Chánh Pháp của Như Lai. Họ không lạc vào Tà Pháp để gây chướng ngại, đau khổ, tổn phước cho họ, họ luôn nghe Chánh Pháp. Trong cuộc đời của họ luôn luôn có Phật, Phật như người cha, người mẹ, Phật dìu dắt chúng ta, Phật dặn dò chúng ta, Phật chăm cho cho chúng ta từng bước để chúng ta đi vào cuộc đời tăng trưởng phước báu. Khi gặp chướng ngại Phật ở đó hỗ trợ cho chúng ta, khai trí cho chúng ta để chúng ta vượt qua chướng ngại đó. Người có phước báu nghe Pháp là người có Trí Tuệ hưởng được sự an lạc và sự an tịnh trong cuộc đời. Người đó như hồ nước sâu thẳm, trong sáng trong khuấy đục dù chuyện gì xảy ra họ cũng có cái nhìn để chiêm nghiệm. Họ không vội vàng phán xét, họ không vội vàng ứng xử theo cái sự nóng nảy, bồn chồn của họ. Họ bình tĩnh, dù họ không sai họ cũng biết dừng lại để nhường bước cho người khác tiến tới sự an lạc. Người biết nghe theo Chánh Pháp họ biết nghe cái lương tâm đã được Chư Phật trao vào đó lương thực nuôi dưỡng tinh thần đó là năm giới. Họ giữ cái được tâm an định dù rằng mang kiếp người, mang trong cái thân người này những cái tham sân của cuộc đời vẫn có, tham dục vẫn lấn chiếm, thử thách vẫn tới. Nhưng họ luôn luôn biết tiết chế điều ngự để họ vững chãi trong những cái sự thử thách như vậy.

Người có phước báu nghe Chánh Pháp là người có Trí Tuệ, luôn an tịnh, không bao giờ dao động và sợ hãi, luôn an lạc chẳng bao giờ phiền não và sợ hãi. Phước báu nghe Chánh Pháp là một loại phước báu cao cả. Các bạn thân mến, các bạn hãy thử tưởng tượng như chúng ta không có cha mẹ, chúng ta khổ như thế nào. Bởi vì mỗi sớm mai thức dậy đến trường ta không được ai chuẩn bị cho ta đồ ăn sáng dặn dò ta đi học và chở ta đến trường, đón ta về nhà. Chúng ta đã thấy các em mồ côi sẽ đau khổ như thế nào trong cuộc đời bởi chẳng có cha mẹ chăm sóc cho chúng. Y như vậy, nếu chúng ta không nghe Chánh Pháp mà chỉ đi theo Tà Pháp chúng ta sẽ tự làm cho mình trở thành kẻ mồ côi. Không được cha là Thầy Bổn Sư, không được mẹ là Đức Thầy Bổn Sư chăm sóc cho cuộc đời chúng ta, dạy dỗ, giáo dưỡng và hướng dẫn cho chúng ta để chúng ta tiếp tục đi học để thành tài. Để khi ngã xuống có Phật luôn luôn nâng đỡ dìu bước chúng ta vượt qua trong cuộc sống. Để khi bị thử thách ta quay về núp dưới bóng của cha mẹ là Phật để chúng ta được Chư Phật che chở, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta tiến lên, vượt qua chướng ngại trên cuộc đời. Phước báu nghe pháp là một thể loại phước báu có đầy đủ tất cả những điều gì các bạn cần trong cuộc đời của kiếp người này. Chúng ta tu không hẳn rằng chỉ dành phước báu cho kiếp sau mà phước báu nghe pháp sẽ giúp đỡ cho các bạn có một đời sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.

Các bạn thân mến, phước báu nghe Pháp như một người khôn ngoan luôn luôn biết trồng những tàn cây cổ thụ và bảo vệ chúng để có những tàn cây rộng rãi che mát cho họ khi nắng tới. Họ có thể ngả lưng dưới gốc cây để hóng gió, nghỉ ngơi. Người mà không biết nghe Chánh Pháp đi theo Tà Pháp chẳng khác gì một người không biết gì hết chỉ biết phá rừng, đốt rừng. Để rồi cuộc đời của họ trơ trọi như sa mạc, khi nắng cháy của cuộc đời tới họ chẳng có chỗ nào để nương náo, họ sẽ khổ vô cùng. Chánh Pháp của Như Lai là một giáo pháp giáo dục chúng ta, không phải Chánh Pháp của Như Lai là một cái tín ngưỡng chúng ta tin để cầu pháp, để chúng ta được phước báu. Nhưng là một nền giáo dục cho chúng ta có sự lựa chọn khôn ngoan, ứng dụng phù hợp để làm lợi lạc cho cuộc sống của chúng ta. Chánh Pháp của Như Lai như chúng ta có được một vị Thầy kèm chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta nghe Chư Phật của Phật là chúng ta có Phật song hành với cuộc đời như một vị Thầy che chở, hướng dẫn cho chúng ta, dạy dỗ cho chúng ta biết cách viết lên những cái lời thiện pháp, nắn nót từng nét chữ trong cuộc đời. Chữ thiện phải viết làm sao để chúng ta ứng dụng và mang lại lợi ích cho cuộc đời. Phước báu nghe Chánh Pháp chúng ta cần phải tăng trưởng phước báu này bằng cách tinh tấn nghe Chánh Pháp của Phật mà tránh xa những Tà Pháp. Một con người thường thể hiện những cái tư tưởng xấu có nghĩa là chúng ta đang lạc vào Tà Pháp. Một con người mà luôn luôn tuôn ra những ngôn ngữ gây đau khổ cho bản thân của họ, ngôn ngữ thô ác, ngôn ngữ của sự thị phi, ngôn ngữ của sự đâm thọc, ngôn ngữ của có nói không, không nói có. Những thể loại ngôn ngữ như vậy là những người đó đang lạc vào Tà Pháp, họ sẽ tổn hại phước báu gây họa cho bản thân, gây họa cho gia đình và người yêu thương của họ. Người có những hành động thô lỗ hại đến sinh mạng của kẻ khác, hại đến đời sống của kẻ khác, lấy đi đồ đạc không cho phép, sát hại chúng sanh. Những người như vậy là những người đang lạc vào Tà Pháp. Đời sống của họ càng khô khan đức hạnh thì phước báu càng bị tiêu diệt mỗi ngày và rồi để lại cho họ là một khối dày đau khổ của thời gian chồng chất để họ khó có thể thoát được.

Nhưng khi chúng ta nghe theo Chánh Pháp của Phật chúng ta có phước báu và từ trong tư tưởng của chúng ta luôn có những cái tư tưởng tốt đẹp nghĩ về mình, những cái tư tưởng tích cực, thanh tịnh nghĩ về người. Còn người theo Tà Pháp thì có tư tưởng tiêu cực. Chúng ta nghe Chánh Pháp có phước báu nên tâm của chúng ta hoan hỷ khởi lên những cái tư tưởng thật tốt, thật hoan hỷ, thật thanh tịnh và không có tiêu cực. Luôn luôn sách tấn và luôn luôn hòa mình vào với tất cả mọi cái cảnh của cuộc đời để chúng ta cùng đồng hành với muôn người kiến lập sự hạnh phúc, an vui cho mọi người. Người nghe theo Chánh Pháp có phước báu biết nói những ngôn ngữ từ ái, ngôn ngữ hòa hợp, ngôn ngữ chật thật và ngôn ngữ mang lại sự yêu thương cho mình. Cho nên thật là dễ phân biệt đâu là Tà Pháp, đâu là Chánh Pháp, đâu là người có phước báu, đâu là người không có phước báu. Người đi theo Chánh Pháp lại có những hành động biết bố thí, biết phóng sanh, biết hỗ trợ san sẻ tình thương, biết làm từ thiện, biết nâng đỡ người nghèo, biết an ủi người bệnh hoạn, biết viếng thăm những người đau khổ để chia sẻ. Chỉ nhìn vào những hành động, chỉ nhìn vào những lời nói, chỉ nhìn vào những suy nghĩ của họ chúng ta nhận biết chắc chắn người này có phước báu bởi họ đang giữ được Chánh Pháp do nghe Chánh Pháp, hành Chánh Pháp, giữ được Chánh Pháp nên họ luôn luôn có phước báu. Chúng ta thấy ở trên đời những kẻ mà đâm bị thóc, thọc bị gạo nói những lời không nói có, có nói không, nói một cách thô ác, nói với hàm ý để hại người những người đó tổn phước báu. Cuộc đời của họ không bao giờ có đầy đủ sự bình an và hạnh phúc trong gia đình.

Các bạn, chúng ta có một sự lựa chọn để sống, chúng ta  sống như thế nào để có đầy đủ phước báu? Đời sống có đầy đủ phước báu là một đời sống phải nghe Chánh Pháp. Người nghe Chánh Pháp sẽ có phước báu:

Như hồ nước sâu thẳm
Trong sáng không khuấy đục
Cũng vậy nghe chánh pháp
Người trí hưởng tịnh lạc

Khi chúng ta nghe Chánh Pháp thứ nhất là chúng ta có Trí Tuệ và người Trí Tuệ đó là ta sẽ hưởng được sự thanh tịnh và an lạc. Còn nếu chúng ta không biết nghe Chánh Pháp, chúng ta không có phước báu thì chúng ta như hồ nước sóng gió ầm ầm, bùn nhơ phơi đầy, lục bình và bèo phủ kín. Và nước đó sẽ dơ dáy chẳng thể nhìn trong suốt, luôn luôn có sóng cuộn lên, hồ nước đó không thanh tịnh. Và rồi Tà Pháp sẽ kéo chúng ta đi để chúng ta mất phước báu mà trở thành người không có Trí Tuệ, chẳng có sự an tịnh, chẳng có sự an lạc trong đời sống. Các bạn, chúng ta có phước báu nghe Chánh Pháp, chúng ta có một người mẹ hiền luôn chăm sóc cho chúng ta, luôn dạy dỗ cho chúng ta, luôn nâng đỡ và chuẩn bị cho chúng ta đầy đủ tư lương để đi vào cuộc đời. Từ những cái nền giáo dục về tinh thần, về kiến thức ở đời rồi về tâm linh. Rồi mẹ còn chuẩn bị cho chúng ta vật thực, nước uống để lo cho thân này được khỏe mạnh. Chúng ta có quá đầy đủ phước báu khi chúng ta nghe Chánh Pháp bởi chúng ta có mẹ trong cuộc đời đó là Đức Thầy Bổn Sư, chúng ta có cha trong cuộc đời để che chở, để bảo vệ đó là Đức Thầy Bổn Sư của chúng ta. Các bạn, người mà nghe Chánh Pháp luôn luôn có một cái sự tăng trưởng thanh tịnh, an lạc, sống hài hòa, phước báu của họ lan tỏa khắp cuộc đời. Do đó, phước báu nghe Chánh Pháp rất quan trọng.

Các bạn hãy suy nghĩ trở lại coi những phần phước báu như Bảo Thành vừa nói nếu các bạn thiếu đi, không đủ chính là các bạn chưa nghe đủ Chánh Pháp còn lạc vào Tà Pháp. Vậy các bạn hãy cố gắng nghe Chánh Pháp của Như Lai, nghe cho rõ, nghe cho hiểu, nghe cho thấu để buông đi Tà Pháp. Buông đi Tà Pháp là gì? Tức là buông đi những cái tư tưởng sai trái, chướng ngại hay đau khổ cho ta và đau khổ cho người như vậy các bạn sẽ tràn đầy phước báu. Các bạn, nếu các bạn chưa có phước báu và các bạn đang bị Tà Pháp dẫn đi thể hiện trong cái ngôn ngữ thô ác, đâm thọc, thị phi, có không. Thì các bạn phải nhớ rằng nếu các bạn đang nói những cái lời thô ác với người khác, không nói thành có, có nói thành không, những cái lời nói mà có thể sát hại người khác, đâm thọc, thêm bớt, thị phi, các bạn đang ứng dụng những thể loại ngôn ngữ đó thì các bạn không có phước báu. Ngược lại phước báu của các bạn nếu có trong đời trước nó dần dần tiêu tán mất, các bạn đang lạc vào Tà Pháp rất nguy hiểm. Các bạn phải ngừng ngay những thể loại ngôn ngữ đó và sống là một người có phước báu bởi tinh tấn nghe Chánh Pháp, bạn cố gắng nghe Chánh Pháp. Mỗi khi bạn nói những ngôn ngữ ái ngữ, những ngôn ngữ chân thật, không thêm bớt, những ngôn ngữ hiền lành không thô ác, những ngôn ngữ không có thị phi, mang lại sự hòa hợp chính là bạn đã thể hiện được phước báu nghe Chánh Pháp.

Các bạn, nếu các bạn còn có những cái hành động mà gây sát hại đến sinh mạng của những chúng sanh khác, gây khổ đau cho những chúng sanh khác, gây tổn thất tài vật đến những chúng sanh khác, gây ảnh hưởng đời sống, thân xác của những chúng sanh thì các bạn đang là những người lạc vào Tà Pháp, phước báu đang cạn kiệt, các bạn sẽ phải đương đầu với sự xui xẻo, đau khổ, phiền não. Các bạn phải tái tạo lại phước báu bằng cách nghe pháp. Người nghe Pháp là người luôn luôn có hành động chính nghĩa, biết ban vui cứu khổ, biết làm việc từ thiện bố thí, biết cứu người, biết cứu vật, biết thăm viếng người nghèo khổ, bệnh hoạn, biết hỏi han, biết chăm sóc, biết bao bọc và biết bảo trợ cho tất cả mọi người ta có nhân duyên gần gũi. Nếu chúng ta làm được điều đó chúng ta sẽ có đầy đủ phước báu. Nghe Pháp để hiểu dẫn đến thay đổi tư tưởng, suy nghĩ để có được Chánh Kiến. Nghe Pháp để hiểu để dẫn đến có được cái hành động rõ ràng để có được Chánh Ngữ. Nghe Chánh Pháp của Như Lai để có phước báu tăng trưởng để thay đổi mọi hành động trong cuộc sống để có được Chánh Hành Động. Các bạn thật là rõ để nhận ra ai là người có phước báu, ai là người mất phước báu. Người có phước báu là người nghe Chánh Pháp, người nghe Chánh Pháp là người phải thể hiện được từ Thân − Ngữ − Ý có Chánh Kiến, Chánh Ngữ, và Chánh Hành Động. Người đó như chiếc xe có thắng chạy vào cuộc đời lưu lạc đây đó nếu gặp chuyện phải biết thắng, dừng, tiến lui đúng chỗ. Người đi lạc vào Tà Pháp thì từ Thân − Ngữ − Ý của họ sẽ luôn luôn có những suy nghĩ gây đau khổ, ngôn ngữ gây chia rẽ, chết chóc và hành động tổn hại đến người khác. Chẳng khác gì như chiếc xe không có thắng lao mãi vào màn đêm. Khi gặp chuyển phải thắng, thắng không kịp sẽ tông vào đó gây nguy hại đến thân mạng. Và thực sự khi ngồi trên chiếc xe của Tà Pháp người đó tổn hại phước báu, Thần Chết rình rập từng ngày, từng giây, từng phút bởi chiếc xe đó không có thắng. Còn Chánh Pháp là chiếc xe có năm giới để chúng ta biết điều ngự tất cả. Ta có năm giới như chiếc xe có tới năm cái thắng, chúng ta biết thắng, chúng ta biết bảo vệ để trên cuộc hành trình của cuộc đời này chúng ta biết tiến thoái, biết ngừng, biết lui, biết bảo vệ mình và muôn người. Chúng ta tăng trưởng được phước báu trên chiếc xe có đầy đủ năm giới, là một con người có đầy đủ phước báu như chiếc xe đó chở đầy ấp phước báu để gieo duyên với muôn loài, muôn vật.

Các bạn thân mến, phước báu nghe Chánh Pháp rất cao trọng. Chúng ta ý thực được điều này để chúng ta phải tránh xa Tà Pháp còn không chúng ta sẽ bị lạc vào Tà Pháp tổn hại đến phước báu. Chúng ta đừng coi thường những cái suy nghĩ lệch lạc do Tà Pháp dẫn nhập vô để rồi khởi lên những cái luồng tư tưởng sai trái gây hại cho muôn người. Những cái tư tưởng đó rất nguy hiểm bởi chúng ta càng lạc vào Tà Pháp để tư do cho tư tưởng khởi lên những tư tưởng ác ta sẽ không bao giờ làm chủ được tâm ý của mình. Mà người không làm chủ được tâm ý của mình thì lời nói và hành động của họ khi nói hay hành động khổ não sẽ theo sau như vật kéo theo xe nó cứ ì ạch, ì ạch mãi. Cuộc đời đặt nặng lên trên hai vai, lên trên xe của chúng ta và chúng ta kéo mãi, kéo mãi đầy những khổ đau và phiền não. Phiền não chẳng thấy đâu, an lạc cũng không có, sự tịch tĩnh trong đời cũng không có, Trí Tuệ cũng chẳng còn. Và chúng ta chẳng khác gì như một hồ nước sâu thẳm đục ngầu, dơ dáy, bùn nhơ để rồi chúng ta lại còn tạo ra nghiệp ác cứ khuấy động mãi nó càng dơ. Và rồi trong cái hồ nước sâu thẳm đó chúng ta bị chìm dần, chìm dần, ngộp thở trong cái phước báu tiêu tán bởi cái hành động sai trái để rồi chết chìm trong cái hồ nước sâu thẳm, dơ dáy đó. Các bạn thân mến, chúng ta là những con người học Phật, chúng ta phải ý thức được việc này, Phật Pháp là một cái sự ứng dụng vào cuộc đời. Mà để ứng dụng được chúng ta phải nghe Chánh Pháp, nghe Chánh Pháp tạo được phước báu, nghe cho thấu tạo được phước báu nhiều hơn, nghe cho hiểu để buông thì phước báu càng tràn đầy, nghe cho hiểu để hành thì phước báu càng tăng trưởng. Nghe hiểu, nghe thấu, nghe để buông, nghe để hành, các thể loại nghe Chánh Pháp như vậy đều tăng trưởng phước báu vô lậu tức là loại phước báu không rỉ ra phiền não         

Như hồ nước sâu thẳm
Trong sáng không khuấy đục
Cũng vậy nghe chánh pháp
Người trí hưởng tịnh lạc

Các bạn, chúng ta phải có một sự lựa chọn sáng suốt. Chúng ta đã có phước báu gặp được Phật, gặp được Pháp, gặp được Tăng. Chúng ta đã có phước báu mà chúng ta học hỏi được Phật Pháp, giáo lý của Ngài và chúng ta đã đặt mình vào cái môi trường được Chư Phật giáo dục, nền Phật học giải thoát khỏi đau khổ. Chúng ta hãy cố gắng tăng trưởng nghe Chánh Pháp mà xa lìa những Tà Pháp. Làm sao các bạn có thể nhận thức rằng đó là Tà Pháp? Chúng ta thật là dễ nhận ra. Những người có tư tưởng xấu, có suy nghĩ xấu, có suy nghĩ tổn hại đến muôn người, có suy nghĩ tạo tác gây đau khổ sát hại người khác đó gọi là Tà Kiến. Tà Kiến thuộc về Tà Pháp thì người đó không hiểu Chánh Pháp, không theo Chánh Pháp, không nghe Chánh Pháp, người đó nghe Tà Pháp, ta nhận ra được điều đó.

Nếu các bạn không thể nhìn vào tư tưởng của họ thì các bạn chỉ nghe cái ngôn ngữ của họ có cái thể loại đâm thọc, thị phi, thêm bớt, không chân thật, thô ác, đay nghiến. Những cái thể loại ngôn ngữ đó nếu họ ứng dụng trong đời tức là họ trang trượt theo Tà Pháp cho nên khởi lên Tà ngữ. Những cái Tà ngữ này thuộc về Tà Pháp gây ra đau khổ cho bản thân bởi vì khi chúng ta nói những lời chì chiết người khác, phê phán người khác, phán xét kẻ khác, moi móc kẻ khác, đâm thọc kẻ khác, thô ác, gây chia rẽ thêm bớt, có nói không, không nói có, đâm bị thóc thọc bị gạo là chúng ta đang làm tổn hại phước báu của ta. Và nếu người đó ứng dụng cái điều đó là họ đang tự hại phiền não của họ, tổn hại phước báu của họ. Họ không có Chánh Pháp, họ chưa nghe được Chánh Pháp, họ đang nghe Tà Pháp nên họ có Tà ngữ. Hành động cũng như vậy, họ cứ hại vật, hại người, họ cứ đánh đập kẻ này người kia rồi họ xâm hại thân xác của kẻ này ngươi kia, rồi họ xâm hại tiền bạc của cải vật chất của người này người kia thì những người đó là những người đang lạc vào Tà Pháp. Họ chưa nghe được Chánh Pháp nên không có phước báu, cuộc đời của họ sẽ khổ. Có vui thì vui khi họ thỏa mãn cái tư tưởng với cái tham dục nhưng sau đó sẽ bị gánh chịu bởi vì phước báu không còn, đau khổ đọa đày sẽ tới cuộc đời của họ.

Các bạn, đó là những cái chúng ta có thể nhận xét được, từng người một chúng ta có thể nhận xét được từ tất cả những người sống chúng ta với chúng ta và nhận xét được bản thân của mình. Nên các bạn cố gắng quán chiếu, cố gắng sống trong đời sống Chánh Niệm hơi thở, nhìn rõ vào mình và tinh tấn nghe Chánh Pháp của Phật, thực hành theo Chánh Pháp của Phật, hiểu theo Chánh Pháp của Phật để chúng ta theo Chánh Pháp của Phật để buông những pháp bất thiện để chúng ta tăng trưởng phước báu. Buông cái gì? Buông những tư tưởng sai trái, buông những suy nghĩ bất thiện, tiêu cực, buông những lời nói thô ác, thị phi, những lời nói đâm thọc, những lời không nói có có nói không đảo điên trong cuộc đời, những lời nói hại người khác. Buông cái đó mà hành ái ngữ, hành những lời nói chân thật, những lời nói mang lại tình yêu thương, có nói có, không nói không. Đó gọi là buông ác hành thiện, buông cái gì? Buông những hành động hại người, hại vật, cướp của người ta, hại thân xác của kẻ khác. Hành là hành cái gì? Hành phóng sanh, hỗ trợ người, thăm viếng người nghèo, người bệnh, hỗ trợ về vật chất, thăm hỏi khi họ gặp những cơn ngặt nghèo trong cuộc sống, đó gọi là Chánh Pháp. Hiểu và hành đúng phước báu nghe Chánh Pháp sẽ mang tới sự hiểu biết Chánh Pháp, hành được Chánh Pháp và biết buông bỏ kịp thời. Như người có một chuyến đi xa, có một chiếc xe chở đầy lương thực, nước uống, hành trang và rồi có nhiên liệu đầy đủ. Các thắng lại tốt đẹp, có tới năm cái thắng là năm giới, đi đứng lúc nào cũng được, gặp chuyện cần phải thắng là thắng dừng lại, làm chủ được tốc độ và chiếc xe trên cuộc hành trình đó. Còn người không nghe Chánh Pháp không có phước báu chẳng khác gì vội vội vàng vàng trên cuộc hành trình. Chẳng chuẩn bị cơm nước, chẳng chuẩn bị thuốc thang, chẳng chuẩn bị áo mũ, chẳng chuẩn bị xăng dầu, chẳng có thắng ở trong xe cứ lao vùn vụt vào đêm tối. Rồi khi cần phải thắng, thắng không được đâm nhào xuống hố chôn thân người vào vực sâu.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy ý thức được việc này để thấy được giá trị của nghe Chánh Pháp. Càng nghe Chánh Pháp nhiều chúng ta càng hiểu về lời giáo dục của Phật. Người biết nghe Chánh Pháp người đó có phước báu như người con có được cha mẹ chăm sóc mãi cuộc đời để cho chúng ta được chuẩn bị đầy đủ tinh thần, thể chất và tâm linh đi vào cuộc đời học hỏi kiến thức làm người, học hỏi kiến thức về tâm linh, học hỏi để thành nhân, thành tài, thành danh. Và đặc biệt khi nghe theo Chánh Pháp chúng ta sẽ được Đức Phật như một người cha, người mẹ dạy dỗ chúng ta học để nên Thánh, nên Phật. Một cái lớp học mà để thành Thánh, thành Phật chứ không hẳn chỉ là thành nhân, thành người bình thường để sống trọn vẹn một kiếp sanh tử rồi chết đi. Nhưng chúng ta sẽ trọn vẹn một đời sống hạnh phúc, bình an, an tịnh, an lạc ngay trong đời này để rồi khi ra đi chúng ta lại tái sanh vào một cảnh thiện lành hơn, sống an vui hơn.                  

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn