Search

Phụng Dưỡng Cha Mẹ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đang ở trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”! Chúng ta gặp nhau để chia sẽ phật pháp mỗi ngày và mỗi ngày Bảo Thành sẽ chia sẽ với các bạn một ý tưởng mới trong cuộc sống và kèm theo đó là một câu chuyện đê chúng ta dễ suy nghĩ.

Cuộc sống ngày nay quá bận rộn, nên càng ngắn gọn hy vọng sẽ dễ hiểu hơn. Bây giờ Bảo Thành kể cho các bạn nghe về một câu chuyện. Thuở xưa, ở trong một quốc độ có tên là Ba-la-nại, ông vua ở đó ra một luật rằng tất cả cha mẹ khi tới với tuổi già rồi đều phải mang vô trong rừng bỏ, mang vô đó bỏ cho thú ăn, không ai được nuôi cha mẹ già. Thời xưa mà, con người làm theo những suy nghĩ về những điều mà người ta cho là phù hợp, đúng với thiên địa, với trời đất. Con người thường có những ý tưởng khác biệt và ý tưởng khác biệt này lại tới từ một ông vua của một quốc độ có quyền uy, có sức mạnh, ai không nghe ông ta sẽ giết ngay. Cho nên toàn dân ai đều cũng phải thực hành theo ý chỉ của nhà vua. Vua ra luật là không ai được nuôi dưỡng cha mẹ khi về già, phải mang vô trong rừng bỏ. Cho nên quốc gia của ông ta toàn những người trẻ, khỏe mạnh, già yếu đều phải bỏ trong rừng. Những bậc sinh thành hầu hết khi tới tuổi đã lớn đều bị con cái bỏ vô trong rừng, vẫn biết là biết bao nhiêu người con muốn nuôi và tỏ lòng hiếu đạo để chăm sóc cho cha mẹ khi về già, nhưng không thể cưỡng lại và chống lại lời của ông vua. Cho nên họ phải ngậm nước mắt ở trong mà mang cha mẹ bỏ vào rừng, ai ai cũng phải làm như vậy.

Thế nhưng có một người con hiếu đạo, cha mẹ cũng đã lớn tuổi, nghĩ ra một cái kế để có thể giữ cha mẹ lại. Anh này mới đào một cái hầm ở dưới nền nhà của mình, mời cha mẹ xuống dưới đó và nuôi dưỡng cha mẹ dưới cái hầm của nền nhà chẳng ai hay. Đó là cách mà anh ta chống lại lệnh của vua nhưng không để ai biết, bởi rất nguy hiểm. Trải qua một thời gian, có một ông vua láng giềng thấy đất nước, quốc độ Ba-la-nại này có những luật không hay, giết toàn người cha mẹ, thì họ tính kế rằng họ phải qua chiếm nước này để giải phóng khỏi luật thật là ác, giết cha giết mẹ, bỏ rơi cha mẹ ở trong rừng sâu núi thẳm. Nhưng trước khi họ chiếm, họ qua gặp nhà vua và muốn đặt bốn câu hỏi, nếu ai trả lời được hoặc trong kinh thành này hoặc vua chúa, quan quyền hoặc dân chúng trả lời được bốn câu hỏi này, họ sẽ không lấn chiếm đất nước này, họ sẽ không có chiếm đất nước này, gây ra chiến tranh cho bao nhiêu người phải chết. Và thế là ngày đó đã tới, và bên quốc độ của ông vua bên đất nước Ba-la-nại họp thần dân lại để mọi người trả lời bốn câu hỏi.

Quốc vương bên kia sai người qua hỏi bốn câu. Câu thứ nhất, trên thế gian điều gì trân quý nhất. Câu thứ hai, việc làm gì làm cho con người sung sướng nhất. Câu thứ ba, hương vị nào tuyệt diệu nhất. Và câu thứ tư, mạng sống nào kéo dài nhất. Bốn câu hỏi này được đặt ra, nhưng từ vua chúa, quan thần và tất cả những người sống trong kinh thành không ai trả lời, không một ai trả lời được. Và như vậy đất nước này gặp nguy biến bởi không ai trả lời được, thì chiến tranh sẽ xảy ra, và rồi biết bao nhiêu con người sẽ phải chết. Nhưng cuối cùng, từ xa có một chàng thanh niên dõng mãnh bước tới, trình với vua xin được phép trả lời bốn câu hỏi này, thì trong lúc mà không ai có thể trả lời được, chiến tranh sắp sửa ập tới, dân chúng sẽ bị chết và có thể vua cũng bị sát hại, mất đất nước của mình vào tay của ông vua láng giềng, cho nên vua chấp nhận cho người thanh niên kia đại diện trả lời.

Đối với câu hỏi thứ nhất, trên thế gian điều gì trân quý nhất, người thanh niên dõng dạt, oai nghi trả lời rằng trên thế gian này, điều cao quý nhất, trân quý nhất là lòng tin, lòng tin là điều trân quý nhất. Ông vua láng giềng và quần thần nghe xong mãn ý với điều này, hợp, thật hợp với điều mà người ta mong cầu. Lòng tin là điều trân quý nhất ở trên đời. Câu hỏi thứ hai là việc làm gì làm cho con người sung sướng nhất, người thanh niên ôn tồn, nhẹ nhãng, dõng mãnh trả lời, chánh pháp làm cho con người sung sướng nhất. Và câu trả lời này được nhà vua nước lân bang hoan hỷ chấp nhận, thật là mãn ý, một câu trả lời đúng như những điều nhà vua láng giềng lân bang mong muốn được trả lời. Câu thứ nhất là lòng tin, câu thứ hai là chánh pháp.

Câu thứ ba là hương vị nào tuyệt diệu nhất, thì anh thanh niên này cũng rất ôn tồn, khiêm tốn, nhẹ nhàng trả lời, lời nói thật là hương vị tuyệt diệu. Các bạn, hương vị nào tuyệt diệu nhất? lời nói thật là hương vị tuyệt diệu, lại được một sự mãn ý, nhà vua và quan thần lân bang vỗ tay khen ngợi, đất nước này thật có một người thiên tài biết trả lời những câu hỏi tuyệt vời. Đến câu hỏi thứ tư, mạng sống nào kéo dài nhất, anh ta cũng trả lời thật đúng, đó là trí tuệ có mạng sống dài lâu nhất. Bốn câu trả lời thật gọn trong lòng tin, chánh pháp, lời nói chân thật và trí tuệ. Lòng tin là điều trân quý nhất ở trên đời, chánh pháp làm cho con người sung sướng, và lời nói thật là hương vị tuyệt diệu, trí tuệ có mạng sống dài lâu, mang lại mạng sống dài lâu nhất cho chúng ta. Vua lân bang thỏa mãn với câu trả lời này và rồi không mang quân đánh chiếm quốc độ này nữa.

Vua của đất nước Ba-la-nại mới hỏi anh thanh niên này, anh ở đâu và làm sao anh biết được những điều này. Anh chàng thanh niên quỳ xuống lạy vua và tấu trình rằng, những lời này chính là do cha mẹ của anh ta dạy lại cho anh ta. Cha mẹ để lại kho tàng ý nghĩa trong cuộc sống như vậy, cha mẹ đã truyền lại. Nhà vua hỏi cha mẹ nhà ngươi đã chết rồi mà tại sao còn truyền lại cho ngươi. Anh ta sợ hãi tâu với vua rằng thưa vua, tình thương yêu cha mẹ, lòng hiếu thảo của người con đã không cho phép tôi giết cha mẹ hoặc quăng vào rừng, tôi thật sự đã đào hầm nuôi dưỡng cha mẹ ở trong nhà. Vua cảm phục lòng hiếu đạo nuôi dưỡng cha mẹ, và cảm phục trí tuệ của bậc sinh thành đã truyền lại cho anh ta để đối đáp cùng với nhà vua nước lân bang, ngăn chặn cả một cuộc chiến tang thương chết chóc. Vua suy ngẫm và vua phá đi luật giết cha mẹ khi về tuổi già, và ban một luật mới là tất cả mọi người con phải trân quý cha mẹ, phải hiếu kính cha mẹ, phải hiếu đạo với cha mẹ và phải chăm sóc, nuôi nấng cha mẹ khi các ngài đã đến tuổi lớn và già đi.

Các bạn thân mến, trong cuộc đời, điều gì chúng ta cần phải làm trong câu chuyện này đang dạy cho chúng ta. Đó là phải có lòng hiếu đạo với cha mẹ, phải nuôi dưỡng cha mẹ, phải phụng dưỡng cha mẹ, phải chăm sóc cho cha mẹ bằng cả trái tim, bằng cả tình yêu, bằng tất cả. Anh thanh niên kia đã nhờ cha mẹ của mình trao truyền kinh nghiệm sống ở đời, đó là lòng tin là trân quý nhất, lòng tin con người với con người, lòng tin giữa người trong gia đình với người trong gia đình là điều trân quý nhất. Chúng ta cần sống phải có lòng tin đối với nhau, bởi đây là điều trân quý nhất. Chánh pháp, chánh pháp sẽ làm cho con người sung sướng và hạnh phúc, không đau khổ và phiền não. Chúng ta phải tu luyện theo chánh pháp, bởi chánh pháp sẽ làm cho chúng ta sung sướng và hạnh phúc. Rồi lời nói chân thật là hương vị tuyệt diệu trong tất cả các hương vị. Chúng ta muốn có hương vị tuyệt diệu để hưởng trong cuộc đời này cần phải có lời nói chân thật. Cuối cùng, trí tuệ sẽ làm cho chúng ta có mạng sống dài lâu nhất. Lòng tin, chánh pháp, lời nói chân thật và trí tuệ là bốn thứ quý nhất, mà bốn điều này đã được truyền lại từ cha mẹ.

Các bạn thân mến! Tựu trung, cha mẹ vẫn là những bậc cao quý nhất trong cuộc đời của chúng ta. Bởi cha mẹ, những người lớn tuổi, những bậc lớn tuổi, những bậc sinh thành nên chúng ta đã truyền thần vào trong lòng của chúng ta để có sự sống và truyền dạy cho chúng ta lòng tin, niềm tin vào cuộc đời, truyền dạy cho chúng ta cách sống thánh thiện, đúng như chánh pháp, và cũng hướng dẫn cho chúng ta cách sống với lời nói chân thật, khai mở trí tuệ cho chúng ta. Vua nghe những điều đó đã phá luật, để tạo nên một luật mới, kính trọng, hiếu đạo và luôn luôn phận làm con phải biết chăm sóc cho những bậc cha mẹ của mình khi lớn tuổi.

Các bạn thân mến! Chúng ta là con người, Đức Phật đã dạy cho chúng ta phải có niềm tin vào Tam Bảo và phải thực hiện theo chánh pháp của Ngài dạy để thực tập một đời sống chân thật, trong đó ý chân thật, ngôn ngữ chân thật và hành động chân thật để khai mở trí tuệ, để chúng ta có được mạng sống dài lâu. Hiếu đạo với cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ. Các bạn thân mến, cha mẹ của chúng ta là kho tàng vĩ đại nhất. Cha mẹ của chúng ta là kho phước báu được tích lũy nhiều đời bởi kinh nghiệm sống đạo của các ngài. Nếu chúng ta biết chăm sóc và nuôi dưỡng cho các ngài khi tuổi lớn thì chính là chúng ta đang chăm sóc cho bản thân của mình để có được kho tàng phước báu, tăng trưởng một đời sống trân quý, sung sướng, tuyệt diệu và thọ mạng dài lâu trong cuộc sống, trong chánh pháp của Như Lai, trong lời nói trí tuệ và chân thật.

Các bạn thân mến, chúng ta phải cố gắng sửa cuộc sống của mình mỗi ngày, và đặc biệt nhất là chúng ta phải luôn luôn có lòng kính trọng các đấng bậc đã lớn tuổi, bởi các đấng bậc đó dù là cha mẹ của chúng ta hay không là cha mẹ của chúng ta, đều là những đấng bậc tôn quý đáng kính. Chúng ta phải luôn luôn có lòng và tâm chân thành, biết chăm sóc, biết quý kính đấng bậc đó, bởi những đấng bậc đó sẽ giúp cho chúng ta có mạng thọ dài lâu và có đời sống trân quý, sung sướng tuyệt vời.

Cám ơn các bạn đã nghe Bảo Thành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn