Search

Phóng Ngựa Về Đâu

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook chùa Xá Lợi!

Chúc các bạn luôn vui hạnh phúc và chúc các bạn ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng nghe được lời của Phật, và áp dụng được lời dạy chân lý của Phật vào đời sống của chúng ta. Chúng ta có duyên lắm và đầy đủ phước báu, nên lời của Đức Phật chúng ta nghe, chú tâm, chúng ta nghe và ứng dụng được. Suy nghĩ cho thật kỹ để ứng dụng lời Phật vào đời sống sẽ hạnh phúc hơn, và gia đình của chúng ta sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn của cuộc đời. Và trong sự vượt qua khó khăn đó, chúng ta thành tựu được chân lý sống.

Các bạn thân mến! Nhớ, cuộc sống của chúng ta có nhẹ nhàng hay không? hay khổ cực nặng nhọc? chính là bởi vì sự hiểu biết của ta có đúng hay không. Sự hiểu biết đúng đưa đến hành động, lời nói và suy nghĩ đúng. Sự hiểu biết sai đưa đến kết quả sai trái. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu thứ chúng ta bị lôi kéo bởi tập tục, tập quán, phong tục, thói quen hành xử hằng ngày. Để rồi hình như được lập trình như thế và chúng ta chẳng bao giờ quan tâm, tới khi ngồi suy nghĩ ở phút cuối của cuộc đời mới thấy cả cuộc đời của chúng ta cứ trượt theo những thói quen, ít khi nào biết dừng lại để làm chủ nó.

Có một câu chuyện thật ngắn, kể về một anh chàng cưỡi ngựa, phóng ở trên đường bay, nhanh lắm, với tốc độ khó lường. Hình như anh chàng cưỡi ngựa này đang vội vàng đi tới một chỗ nào đó với mục đích của anh ta. Con ngựa phi nước đại, với tốc độ thần tốc, từng vó ngựa dạo trên gió bụi, bay như ở trên không để lao về phía trước, đạt tới mục đích anh ta muốn. Trong khi đang phóng thật là nhanh, có một anh chàng đứng ở bên lề đường la thật là to: “Này anh ơi, anh phóng ngựa đi đâu mà nhanh thế?” Anh chàng đang cưỡi ngựa liền trả lời với lại rằng: “Tôi không biết, anh hỏi con ngựa đi, tôi không biết tôi đang đi về đâu”. Các bạn câu chuyện nó dừng ngay ở chỗ đó ngắn và gọn. Đây là một trong những câu chuyện thiền nổi tiếng. Nhìn ở bên lề đường và mọi người trông thấy một người đang phóng ở trên lưng con ngựa nhanh lao về phía trước, thì ai cũng nghĩ rằng: “Anh chàng này đang đi đâu đó để đạt đến một mục đích. Chắc mục đích của anh ta sẽ được thành tựu, bởi con ngựa là phương tiện thần tốc đang phóng về phía trước”. Nhưng khi được hỏi tới bản thân anh ta đang cưỡi ngựa, thì câu trả lời rằng, “không biết đi về đâu” và con ngựa phóng quá nhanh. Hỏi chăng là phải hỏi con ngựa mới biết nó đi về đâu?

Các bạn, cuộc sống của chúng ta, những thói quen thường nhật hằng ngày từ tấm bé, rồi lớn lên học được trong học đường, trong xã hội, trong nhà, trong môi trường sống, nó thâm nhập vào bởi đầu óc của chúng ta lúc đó còn trẻ. Nó cứ đi vào tại vì khi còn trẻ, đầu cứ như cái máy, nó thâu vào để kiến tạo một nền kiến thức cho chính chúng ta. Nếu có phước báu, chúng ta hấp thụ được một nền giáo dục tốt, căn bản, cặn kẽ của cha mẹ và các bậc thầy cô hướng dẫn. Hay chúng ta được lập trình một cách sống căn bản dựa trên nền đạo đức của ông bà cha mẹ, kiến thức ở đời để thành tựu. Nhưng ở đời, chúng ta không hẳn chỉ có những kiến thức ở đời như vậy bởi cha mẹ và xã hội đâu. Nó còn pha vào đó hằng hà sa những kiến thức phức tạp, tự nhồi nhét ở trong đầu một cách tự nhiên, hoặc một cách cố tình lượm lặt, để thành lập nên nhân cách của chúng ta. Thói quen đó như con ngựa. Để rồi trong cả cuộc đời của chúng ta, có khi nào chúng ta như một người đứng bên lề đường để hỏi rằng, ta đang phóng về đâu? đang đi về đâu? Hay chúng ta cứ buông trôi bỏ mặc cho thói quen như con ngựa nó dẫn ta đi một cách cuống cuồng trong cuộc đời? Khi Đức Phật tới thế gian này, Ngài nhắn nhủ chúng ta rằng: Tất cả mọi hành xử ở trong cuộc đời này theo thói quen, thói quen suy nghĩ, thói quen ăn nói, thói quen hành động. Ở trong sự tương tác giao tế, trong sinh sống hằng ngày, luôn luôn phải được cái tâm biết kiềm chế dây cương, và cái tâm phải hiểu rõ tất cả các thói quen đó làm với mục đích gì? Còn nếu tâm không thể kiểm soát hiểu biết được, thì chúng ta như người cưỡi ngựa và bỏ mặc cho con ngựa lao về phía trước một cách vô định mà không có mục đích.

Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy tâm phải làm chủ được con ngựa của suy nghĩ và nói năng. Do đó người học Phật của chúng ta không nên cưỡi ở trên con ngựa của thói quen, của tập khí, của phong tục, của tập quán. Bởi vì nếu như chúng ta cưỡi trên những thói quen tập tục, và những tập khí thói quen thuần thục bởi những văn hóa làng mạc thôn quê, hoặc của khu phố, thành phố, kiến thức môi trường của chúng ta sống, chúng ta sẽ mệt thôi. Và rồi chúng ta tự truất phế cái Vương triều làm chủ của chúng ta. Cho nên chúng ta phải hồi phục lại Vương triều của mình, đội cái mão của Vua lên trên đầu của cái tâm, để cái tâm đó phải làm chủ được tất cả các tạo tác. Ta biết giật dây cương hướng con ngựa của thói quen, của kiến thức, của tập tục đi về phía trước, phía trước mà ta định được rõ ràng là đi về đâu.

Các bạn thân mến! Có khi nào trong giao tế, các bạn có thể dùng tâm để hiểu rõ rằng cách ăn nói của bạn giao tế với một người với cái tâm như thế nào? Đơn giản trong nhà Phật chỉ hướng bạn tới điều thiện. Khi các bạn nói một lời thật là ngắn như “chào” thì cũng phải nhớ rằng lời chào hỏi ngắn gọn đó phải luôn luôn khởi lên từ tâm thiện “Tác ý như Pháp Thiện” tức là ta tác cái ý, ta khởi lên cái ý “chào bạn” bằng tâm thiện, chứ đừng khởi lên cái ý “chào bạn” mà bằng tính ganh ghét miệt thị chê bai. Chỉ bằng tâm thiện đó thôi, tác ý bằng tâm thiện, thì mọi lời nói hành động của các bạn, dù ngắn dù dài, dù một lần hay nhiều lần, dù một đời hay nhiều đời cũng thâu được kết quả thật là tốt. Đó là phước báu cho mình và cho người. Hãy làm chủ con ngựa, tức là hãy làm chủ mọi thói quen của chúng ta, và dùng dây cương của Pháp Thiện để điều khiển thói quen của chúng ta. Chúng ta không sợ phải tránh đi theo thói quen, nếu là thói quen ăn nói như vậy, hành xử như vậy, làm việc như vậy, các bạn phải có dây cương của tâm thiện, và phải lấy tâm cầm chặt dây cương tâm thiện đó, làm chủ thói quen ăn nói với tâm thiện đó, thì các bạn đang điều khiển con ngựa đi đúng hướng. Vẫn biết những thói quen tập tục, nói chuyện đó, đôi khi nó ít nhất xuất khởi từ tâm thiện, mà nhớ rằng không hài lòng với người ta cũng không sao, ít nhất là phải xuất khởi từ tâm thiện. Và khi tâm thiện đó thấm nhuần vào rồi, thì thói quen đó dần dần sẽ được chuyển hóa cho phù hợp tương ưng với từng người, từng thời, từng lúc và tiếp xúc, đối xử với mọi người. Nhưng ít nhất, ban đầu khi con ngựa phóng về phía trước, tâm phải biết được mục đích sợi dây cương của Pháp Thiện, phải luôn luôn biết giựt và điều khiển nó đi. Chứ còn ngồi trên con ngựa một cách vô tâm, vô định, không làm chủ, để nó phóng về phía trước như thế thì không hay.

Đừng vì người ta thấy hình tướng phóng quá nhanh tới đích sớm vỗ tay khen mà chúng ta vui đâu. Vẫn có phước báu là ai đó đứng bên lề đường hỏi một câu thật lớn, gào lên để ta có thể nghe được với tốc độ phóng thật nhanh, để lúc đó mới biết rằng: À hóa ra ta không biết ta đi về đâu mà phải hỏi con ngựa. Ít nhất trong cuộc đời của các bạn và Bảo Thành, đã có ai đó đã hét vào tai của chúng ta, để chúng ta tỉnh thức xác định lại rằng: Ta đang đi về đâu? Ta đang nói điều này với cái tâm gì? Các bạn, chúng ta phải biết rằng chúng ta đang đi về cái hướng “giác ngộ” và biết rằng tâm của ta làm chủ và định hướng giác ngộ đó bằng cái tâm thiện tuyệt vời.

Đạo Phật có vậy thôi, không cầu kỳ đâu, đừng nguyên tắc quá mức ở trong những công thức một, hai, ba, bốn. Bởi Phật không có công thức, lời của Phật ứng dụng khế cơ, khế lý tùy theo những trường hợp, căn bản vẫn là dựa trên cái tiến lý của lòng nhân ái, thiện từ. Rồi từ đó suy nghĩ ứng dụng tâm thiện từ đó vào mọi hoàn cảnh, từ tư tưởng lời nói và hành động hướng thiện. Ứng dụng khôn khéo diệu dụng phước thiện thì con ngựa của thói quen, tập quán, tập tục, hoặc những cái gì đó đã định hình trong cuộc sống cũng sẽ được điều khiển và ứng dụng bằng cái tâm thiện pháp làm chủ, thành tựu vô cùng, hạnh phúc vô cùng.

Các bạn, chúng ta phải biết rằng mình phải làm chủ những thói quen của mình nghe các bạn. Bảo Thành không nói phải phá vỡ thói quen tập tục cách sống của các bạn đang có, nhưng hãy làm chủ nó. Làm chủ bằng cái gì? Làm chủ bằng tâm hướng thiện. Làm chủ bằng cái gì? Làm chủ bằng hiểu rõ mục đích sử dụng thói quen đó bằng tâm thiện. Đây là bước đầu chúng ta học làm chủ, thấy rõ mục đích của mình, ứng dụng thói quen ăn nói, ngủ, nghỉ, giao tế, làm việc bằng tâm thiện. Đây là sự khởi đầu của thành công cho an lạc và hạnh phúc cho chính mình.

Các bạn, đừng như người kia ngồi trên lưng ngựa phóng ầm ầm về phía trước mà chẳng biết đi về đâu. Trên con ngựa của thói quen, của tập khí, của tập tục, của phong hoá, của xã hội vùng miền, của văn hóa kiến thức, của sự lập trình vốn có. Ta phải làm chủ nó bằng tâm thiện, không nhất thiết phải tiêu diệt con ngựa, hoặc là tiêu diệt thói quen. Nhưng rất cần cái tâm thiện làm chủ thói quen sinh sống hằng ngày.

Cảm ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn