Search

Nụ Cười Tâm Hoa

Bảo Linh đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi xuống muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn.

Hôm nay Bảo Thành ngồi ở ngoài trời, ở gần tôn tượng Đức Di Đà, thiên nhiên tự tại chia sẽ Phật Pháp với các bạn có duyên. Các bạn thân mến, ở đời khi chúng ta có duyên, cái gì nó cũng đẹp, việc làm gì cũng đẹp cũng cao quý. Còn khi chúng ta không có duyên, bất cứ việc gì chúng ta làm cũng cảm thấy vô duyên. Dù có duyên hay không có duyên thì mỗi người chúng ta phải tự tư duy là có duyên thì phải làm gì, vô duyên phải làm gì. Hiểu được ta có duyên và vô duyên ta sẽ biết cách ứng xử phù hợp để tăng trưởng duyên phước của mình.

Có một anh chàng kia, anh đã sinh ra trong thế giới ở thành phố nhộn nhịp. Anh ta sinh ra không biết vì lý do gì có vóc dáng đẹp trai nhưng không có duyên, ngược lại anh ta thích làm trò hề để cho mọi người được vui, được cười trong cuộc sống. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mọi người cười vui với nhau, do vậy mà anh ta đi tới đâu anh ta cũng chọc ghẹo và tạo những câu chuyện cười cho mọi người nhưng không ai cười được, bởi anh ta không có duyên kể chuyện. Thế là cứ làm cứ kể không ai cười không ai vui. Nhưng cũng ở trong xóm đó, lại có một anh chàng sinh ra không may mắn như người kia được lành lặn đâu, bị què hai chân, ngồi trên xe lăn, phải đi xin ăn. Nhưng mà trời phú cho anh ta có nụ cười đẹp, anh ta chỉ biết cười mà thôi. Nụ cười của anh ta đẹp đến mức mà ai đều phải khen, sao nụ cười của anh chàng này cười đẹp như hoa, đẹp như cái bông hoa ở đằng sau Bảo Thành đang ngồi, gần tôn tượng Đức Phật Di Đà ở đây, đẹp như vậy. Cho nên khi anh ta đi tới ai, anh ta chỉ cần cười thôi mọi người vui, mọi người thích, và mọi người đều hãnh diện nở tươi nụ cười, khi anh ta cười mọi người đều cười.

Cuộc đời thật có nhiều sự khác biệt, người muốn tạo niềm vui cho người khác thì tìm đủ mọi trò cho người ta cười nhưng hổng ai cười bởi vô duyên. Còn người hữu duyên chẳng cố tình tạo cười nhưng thực sự có nụ cười, thế mà đi tới đâu chỉ cần có nụ cười thôi, ai cũng cười, ai cũng vui. Hai thái cực cũng ở một thôn làng, hai con người, một kẻ lành lặn, một kẻ tật nguyền, một kẻ tìm đủ mọi cách mang niềm vui tới và một kẻ bình thường tươi. Và rồi sự phản ứng của những ai gặp hai người này đều khác, đó là nói đến hai chữ vô duyên và hữu duyên. Người có duyên dù tật nguyền ngồi trên xe lăn nở một nụ cười ai cũng vui, cũng cười. Người không có duyên lành lặn sáu căn, đẹp trai bảnh bao mà kể chuyện gì cũng không ai cười mà lại còn tránh xa. Các bạn, trong giáo lý của Đức Phật, tất cả cái duyên để chúng ta làm ăn, hay duyên để chúng ta tiếp cận với người này người kia, hay duyên sống, để làm quen trong tình bạn, trong tình người, nó đều phải có duyên, mà tất cả cái duyên đó trong nhà Phật luôn luôn kèm theo đó gọi là phước duyên.

Thì rõ ràng rồi, phước là phước thiện, thiện là làm phước, làm việc phước thiện, tu pháp thiện, chúng ta có duyên ngay. Nếu mỗi người chúng ta biết làm việc thiện, nếu mỗi người chúng ta biết tu pháp thiện của nhà Phật, nhất định ai cũng kiến tạo cho mình những cái phước duyên đẹp, đẹp từ nụ cười đẹp từ lời nói, đẹp từ hành động, đẹp từ tư tưởng và tất cả. Chính cái đẹp của chúng ta đó, đi tới đâu không cần khoe khoang, không cần phải tìm cách, không cần phải tìm kế, mọi người đều yêu mến chúng ta. Do vậy phước duyên để cho người khác khi mình tới họ có thể hoan hỉ cười vui, chúng ta hãy tu theo lời của Đức Phật. Tu như thế nào để ta có phước duyên như vậy, tu như thế nào để một anh chàng kia tuy què quặt chân tay nhưng lại có một nụ cười tươi như hoa. Phật nói tất cả các nghiệp ác, nghiệp thiện của mỗi người chúng ta đều tạo ra từ suy nghĩ, lời nói tức là từ miệng, và hành động. Nếu mỗi người từ miệng chúng ta luôn biết nói những lời như hoa, tươi như hoa để cho mọi người được hạnh phúc, biết cười tươi như hoa để cho mọi người được an vui, phước đó là phước sẽ mang theo. Đồng hành các bạn nói: “ủa mà như vậy có phước thiện gì đâu, có làm thiện gì đâu”. Làm thiện không phải là mang tiền cho, làm thiện là chúng ta biết thực sự tu tịnh ở trong tâm, với lòng chân thành làm việc đó cho mọi người vui, không phải làm việc đó để chúng ta nghĩ rằng tôi có thể làm được chuyện đó cho nên mất đi sự hồn nhiên, vẫn còn có cái tôi, cái ta ở trong đó. Nụ cười thanh thoát đẹp như hoa là một nụ cười mỗi người chúng ta ở trong đó có cái tâm thanh tịnh chiêm nghiệm của lời Phật bằng pháp thiện thực tế chứ không phải bằng lý tưởng hoặc những lý thuyết.

Có một thuở, Đức Phật dạy các người phụ nữ rằng khi cúng dường, cúng dường tức là trao cho những người này người kia, dù vật chất đơn giản như một bông hoa, nhưng với cái tâm, tâm thanh tịnh, người đó nếu tái sanh vào cảnh giới làm người kiếp sau sẽ có nụ cười tươi như hoa, sẽ có gương mặt đẹp như hoa. Thì chắc chắn rằng cái anh ngồi trên xe lăn kia đã bao nhiêu kiếp trong quá khứ dù không may mắn chân tay không cử động được nhưng ít nhất còn phước báu là kiếp trước đã luôn luôn biết cúng dường hoa cho muôn người. Hoa ở đây không phải là hoa bình thường đâu mà là hoa tâm của những con người có giới đức, có tâm hạnh Bồ Đề. Chính biết cúng dường hoa tâm đó mà nụ cười của anh ta rất tươi và đẹp, đẹp như bông hoa ngồi ở bên Bảo Thành, đối diện với tôn tượng của Đức Di Đà đây. Đây là một loài hoa thật là đẹp Phật tử cúng dường trồng ngay đây, như dâng lên cho Chư Phật, rất đẹp, đẹp biết bao. Đẹp ở lòng người biết cúng dường lên Phật, thì chắc chắn rằng Phật tử biết cúng dường bông hoa này họ sẽ làm người có nụ cười đẹp như hoa, nụ cười đó không những làm cho mọi người an vui mà xoa dịu đi những vết đau của những ai trong lòng còn có những vết cứa, những vết cứa của sự thất bại hay sầu muộn cuộc đời. Các bạn thân mến, chúng ta hãy noi gương lời dạy của Đức Phật thực hành theo những bài học mà Đức Phật dạy, cúng dường hoa tâm của mình, tức là tâm luôn nở hoa, tâm của chúng ta luôn nở hoa, hoa thanh tịnh, hoa từ ái, hoa từ bi, hoa thiện pháp. Chỉ cần chú trọng vào tư tưởng suy nghĩ một cách thanh sạch, một cách thanh tịnh. Cho nên nhớ rằng tất cả hành động lời nói của các bạn phải luôn liền đi với tư tưởng, nó sẽ tạo ra phước báu vô cùng.

Từ đó mà Đức Phật đã dạy rằng tâm làm chủ ngôn ngữ, tâm làm chủ hành động, phước báu mới có được, còn nếu các bạn miệng nói, tay làm không có tâm đồng hành, phước báu đó rất nhỏ, rất ít. Do vậy các bạn cần phải thực hành làm sao đó khi tâm các bạn đồng hành được với ngôn ngữ. Nếu như lời nói các bạn muốn giúp vui cho mọi người thì lời nói đó phải từ cái tâm thiện hảo, chứ đừng đi từ cái tâm mà chúng ta muốn mình làm được điều đó để cho người khác cười. Chỉ cần một cái tâm nở nụ cười hiến tặng cho mọi người, thì tâm đó gắn liền với nụ cười chúng ta, nó biến thành tâm hoa thanh tịnh. Các bạn, thực ra trong cuộc sống Phật Pháp không có khó, khó là bởi vì chúng ta đào sâu ý nghĩa trong kinh điển. Nó dễ là khi chúng ta hiểu đơn giản Phật Pháp là Phật Pháp ứng dụng vào đời người. Nụ cười có tâm ý thanh tịnh thì nụ cười đó gọi là tâm hoa. Tâm hoa tươi nở ở giữa đời hiến dâng cho muôn kẻ gặp được mình trong cuộc đời này nó đẹp vô cùng các bạn.

Các bạn hãy thực tập nụ cười tươi và hồn nhiên, đừng vì cái tài của mình múa may để tạo nụ cười cho người khác. Các bạn không cần kể chuyện cười, các bạn không cần làm trò hề, các bạn chỉ cần cười tươi với cái tâm thanh tịnh. Như anh chàng kia cười với tâm thanh tịnh dù cuộc sống ngồi trên xe lăn, nhưng tâm thanh tịnh của anh ta hiện rõ trên nụ cười, thế cho nên khi gặp, ai người ta thấy anh ta cười người ta đều vui, đều cười. Nụ cười mang lại tiếng cười, mà ông bà nói một nụ cười mang mười thang thuốc tiên. Mỗi khi bạn cười tươi bằng tâm ý thanh tịnh, các bạn sẽ tạo cho mọi người an vui. Các bạn nhớ, cho nên cố gắng mà thực hành cười, cười trong tỉnh thức, đừng cười trong u mê. Cười trong tỉnh thức là cười với cái tâm thanh tịnh. Cười trong u mê là cười không biết gì hết, chỉ biết cười thôi chứ không đồng hành với cái tâm.  Cái tâm thanh tịnh nụ cười mới thanh cao. Tâm không thanh tịnh nụ cười mang hàm ý của tà tâm, của tà kiến. Nụ cười đó, ta nhếch mép cười hoặc cười tươi thì người ta cũng thấy được ý của mình mượn nụ cười đó để làm gì.

Các bạn, chúng ta phải tập đi từ tâm ra bên ngoài, lấy tâm làm chủ nụ cười của mình, thì các bạn không cần mua vui làm hề mà ai ai khi gặp các bạn nhất định họ cũng đều vui và hạnh phúc. Nụ cười từ tâm hoa, tâm hoa thanh tịnh, đẹp như hoa cúng dường lên Phật. Chúng ta hãy cùng nhau phát nguyện thực hiện nụ cười tâm hoa này. Là hít vào thở ra tâm thanh tịnh, nhìn mình mỉm cười mỗi ngày, rồi mang nụ cười đó, nụ cười từ tâm thanh tịnh đó đi tới đâu, tiếp xúc ai, ta cũng cười với tâm thanh tịnh đó, thì người người đối với ta đều vui hết.

Tuyệt vời lắm các bạn ơi, các bạn thực tập các bạn sẽ thấy sự kì diệu của nụ cười với tâm thanh tịnh. Đức Thế Tôn thuở xưa là Phật, tâm tuyệt đối thanh tịnh, khi gặp bất cứ một ai Ngài chỉ cười thôi, là sầu muộn đau khổ của người ta không còn, người ta thấy nhẹ nhàng thơi thới ở trong lòng và cảm giác như có thể bay lên mọi khung trời. Cho nên nụ cười với tâm thanh tịnh tuyệt đối có giá trị vi diệu vô cùng. Nhất là những ai đã có gia đình như vợ như chồng, chúng ta hãy thực hành cái hạnh tươi như hoa, nụ cười gắn liền với cái tâm thiện yêu thương, thì nhất định chẳng cần phải làm anh hề đóng vai giả dối để tạo cười mà chỉ cần nở cười bằng tâm thanh tịnh, mọi người sẽ an vui vô cùng.

Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn