Search

Những Vết Đau Còn Đó

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn, và trên Facebook Chùa Xá Lợi. Chúc các bạn luôn an vui trong cuộc sống.

Các bạn, các bạn có khi nào vấp té chưa, chắc chắn là đã có. Bảo Thành cũng vấp té thật là nhiều, vấp té đa dạng, nhiều phương diện. Ai mà không từng trải qua những sự vấp té trong cuộc đời, để rồi trong sự vấp té đó, chúng ta có thể trưởng thành. Cũng có thể trong sự vấp té đó, chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau, tùy theo chúng ta giải quyết vấn đề khi vấp té như thế nào mà thôi.

Ai trong cuộc đời mà không nhiều lần sai trái. Ai trong cuộc đời mà không nhiều lần làm cho những người khác đau khổ, hoặc làm cho chính mình buồn đau. Chúng ta theo như lời Đức Phật: té đâu thì vịn đó đứng dậy. Đúng, nhưng có mấy ai khi té, thì vịn ngay chỗ đó để đứng dậy mà vượt qua. Để chúng ta có thể vịn ngay chỗ chúng ta té, vịn ngay chỗ đó đứng dậy để vượt qua, đòi hỏi cần có một sự suy nghĩ, một sự tu tập và công phu đó sẽ giúp cho chúng ta làm được chuyện đó. Nó không có khó, chỉ cần chúng ta nắm bắt được thật rõ ý nghĩa té đâu vịn chỗ đó đứng dậy của Đức Phật, thì chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng.

Một vị Thiền sư có một chú tiểu nhỏ sống chung với nhau, một Thầy và một trò. Người đệ tử nhỏ kia có tánh nóng giận thường xuyên, nóng giận đến mức mà chú đó không thể kềm được, cho nên vị Thiền sư mới phương tiện để dạy cho đệ tử của mình, làm sao kềm chế được những cơn giận đó, bằng một pháp hít thở chánh niệm, hít vô thở ra, và thấy biết được những cảm xúc. Nếu cảm xúc sân giận trỗi dậy, cũng hít vào thở ra, nhìn cảm xúc sân giận đó. Nếu như vui mừng hớn hở cũng hít vào thở ra, và chỉ nhìn cho thật rõ cảm xúc vui mừng hớn hở và hạnh phúc kia.

Thế nhưng vị Thiền sư có một phương tiện thêm một chút, nói với chú tiểu: Con ơi mỗi khi con giận dữ và sân si, con nhớ quán niệm hơi thở trong chánh niệm. Nhưng nhớ ra đằng sau vườn hàng rào, con lấy một cái đinh đóng vào đó cho Thầy. Chú tiểu lòng ngay thẳng, nghe theo sự dạy dỗ của sư phụ mình, mỗi một lần cơn sân giận trỗi dậy, quán niệm hơi thở để nhìn rõ nguồn cơn bực bội đó, đồng thời bước ra sau vườn, đóng một cái đinh lên trên hàng rào.

Mỗi một ngày trôi qua, chú tiểu thấy trên hàng rào đó nhiều đinh hơn, thật là nhiều đinh. Chú tiểu vẫn tiếp tục nghe lời sư phụ, quán chiếu chánh niệm hơi thở, nhìn rõ cảm xúc sân giận của mình mỗi khi trỗi dậy, rồi lại ra đằng sau vườn, đóng một cái đinh lên hàng rào. Đến một hôm chú tiểu mới nhận ra rằng, cơn giận của chú thưa dần đi, nên hai ba ngày chú mới đóng một cái đinh lên hàng rào, chú vui mừng vô cùng. Tới một ngày kia chú hỏi sư phụ: Sư phụ ơi, dạo này con giận thật là ít, con đóng đinh không nhiều nữa, có khi cả tuần cả tháng mới đóng một cái đinh lên trên hàng rào. Sư phụ cười nói: Con hãy tiếp tục.

Chú tiểu tiếp tục như thế, bẵng qua một thời gian, chú không còn phải đóng đinh nữa, bởi vì chú nhìn rõ khi tâm sân giận trỗi dậy, cứ như vậy theo chiều dài, biết bao nhiêu đinh đóng trên hàng rào còn in dấu, thì cảm xúc sân giận nơi chú cũng đã chìm lắng chẳng còn, mà chỉ khởi lên một niềm vui, giận chẳng còn nữa. Nếu nó vừa lên, thì chú đã nhìn ra nó thì nó biến mất, nhìn rõ cơn giận, rồi nguồn cơn đó sẽ tắt lịm, chẳng còn dâng trào làm cho khó chịu, để chú phải đóng đinh ở hàng rào. Chú vui liền tới nói với vị Thiền sư rằng: Con đã làm chủ được cảm xúc sân hận, khi nó vươn lên để nhìn rõ hít thở nhẹ nhàng, cho nên nó tắt lịm ngay sau đó, con không còn phải dai dẵng đóng đinh ở hàng rào nữa.

Vào lúc đó Sư phụ lại nhắc với chú rằng: Thật là tuyệt vời, con đã đóng biết bao nhiêu đinh, để rồi cảm xúc sân giận trỗi dậy, con đã nhìn rõ để nó tan biến. Nay nếu như mỗi một niềm vui dâng trào ở trong lòng, sự hoan hỉ đó phát khởi, con hãy ra đằng sau hàng rào đó nhổ một cái đinh. Chú tiểu cũng làm như vậy, một thời gian sau thì đinh trên hàng rào đã nhổ hết xuống, vào trình với Sư phụ rằng: Thưa Sư phụ con vui quá, mỗi ngày có một nguồn vui tới, con cứ nhìn niềm vui khởi lên trong tâm hoan hỉ vô cùng. Theo lời Sư phụ con gở một cái đinh, giờ này hàng rào không còn có đinh nữa.

Sư phụ rất hoan hỉ, dắt chú tiểu ra đằng sau, nhìn lên trên hàng rào mỉm cười, xoa đầu chú tiểu khen: cơn giận đã đi qua, niềm vui đang tới mỗi ngày, nhưng con có thấy không, ở trên hàng rào đó, con thấy gì? Chú tiểu nói: Con hết thấy đinh rồi. Thiền sư lại hỏi: Nhưng còn gì trên đó không. Chú tiểu nhìn kỹ mới thấy:  dạ thưa Sư phụ, con chỉ nhìn thấy ở trên đó những cái lỗ, những dấu ấn của những cái đinh con đóng vào năm xưa mà thôi.

Lúc này vị Thiền sư xoa đầu đệ tử mình rồi nói: Con ơi, ở trong cuộc đời của chúng ta, đinh đã đóng bởi cơn sân giận, đinh đã nhổ bởi niềm vui trong cuộc đời, nhưng trên hàng rào đó còn chằng chịt những vết thương, lỗ hỏng của những cái đinh mà con đã đóng vào năm xưa. Sống ở trên đời, mỗi một lần con làm cho người khác đau lòng, bởi suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình trong tương tác, mỗi một lần con nổi sân nổi giận, thì chẳng khác gì những cái đinh, con đóng vào trong tim người ta. Thế rồi khi hiểu được nhau, biết được rồi, con đã nhổ cái đinh đó đi, nhưng trong trái tim, tâm thức, trong cảm xúc của người đó, vẫn còn vết thẹo, vết hằn, vết đau, vẫn còn nhìn thấy rõ ràng lắm con. Do đó ở trên đời, hầu bất cứ một việc gì khi con tương tác, hoặc có những hành vi, quan hệ trong cuộc sống, con phải cẩn thận, để đừng để lại những dấu vết của những lỗ hỏng trong trái tim, tâm thức của người, như những vết đinh kia còn để lại ở đó. Mỗi một lời nói, suy nghĩ phải rất cẩn thận. Đừng mang đinh đóng trên hàng rào rồi gở, nó vẫn còn vết hằn. Đừng mang những lời cay đắng, chì chiết, oan trái, cùng những hành động suy nghĩ như thế, mà đóng vào trong tâm, trong trái tim của những người rất gần như: Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc, những huynh đệ đồng môn, thầy trò, những bậc trưởng thượng. Chú tiểu hiểu được quì xuống lạy Sư phụ, và từ đó ở nơi cư trú của vị Thiền sư, có một chú tiểu thật ngoan và sống đức hạnh.

Các bạn thân mến,

Cuộc đời của chúng ta, mang tấm gương của vị Thiền sư dạy cho đệ tử, để thấy rằng có khi nào chúng ta chính là người đệ tử đó hay không. Có đấy. Mỗi người chúng ta Bảo Thành hay các bạn thường có những cảm xúc bất chợt tới, bất chợt đi, nhưng chúng ta không làm chủ được những cảm xúc sân giận của mình, để khi xảy ra rồi, giữa tình của đấng bậc sinh thành, tình vợ chồng, anh chị em huynh đệ hay người bạn trong cuộc sống, chúng ta lại để cơn sân giận đó trỗi dậy, rồi chúng ta lấy cái búa và một cái đinh đóng vào trong tim hoặc trên vách tường tâm thức của nhau, để khi lớn dần theo năm tháng, chúng ta làm chủ được cảm xúc đó, rồi nhổ hết đinh ra, nhưng ở trên bức tường tâm thức đó, trong trái tim của người ta yêu thương đó, để lại những vết hằn thâm sâu ở trong đó mà chúng ta còn nhìn thấy, huống hồ chi người bị đóng đinh vào ở trong đó, sao không còn những vết thẹo, vết thương của cõi lòng, của tâm đau đớn, bởi tháng ngày qua cảm xúc đó, chúng ta không có thể kềm chế được.

Phải học cách thật nhẹ nhàng quán chiếu trong cuộc đời, để làm chủ những cơn sân giận của mình, để đừng tạo ra những hành động thật là đáng thương đáng tiếc, cho chúng ta và cho người sau này. Mỗi một lời nói sai trái, mỗi một hành vi ngang ngược, mỗi một suy nghĩ đen tối là những cây đinh đã được đóng sâu vào đó, bởi những hành động suy nghĩ và lời nói của chúng ta.

Các bạn, vẫn biết khi nhổ đinh đi, không còn đinh trên hàng rào. Khi chúng ta đã xoa dịu đi những vết thương lòng của mình và của những con người gần gũi với chúng ta khi phạm tới họ. Nhưng ở trong tâm thức, trong tận cùng sâu thẳm trái tim họ, vẫn còn vết thương lòng ở đó, đau lắm các bạn ơi. Chúng ta hãy cố gắng giảm thiểu số, và nếu như đã đóng đinh trên vách tường tâm thức, hay trong trái tim của người mình yêu thương, hãy cố quán chiếu hơi thở chánh niệm, thực tập cho rõ, để có cơ hội khởi niềm vui dung hòa với họ, để cùng nhau hợp tác nhổ đinh đi. Nhổ đinh đi và rồi còn tái tạo lại màu da sắc tướng, sự hạnh phúc dung thông, để những vết sẹo trong trái tim, trong tâm thức của những người đó không còn nữa.

Các bạn thân mến,

Chúng ta phải thật là cố gắng, bởi cuộc đời ai cũng nhiều lần vấp té, ai cũng nhiều lần sai phạm. Nhưng chúng ta nhớ rằng, đừng cứ mãi mãi cứ phải đóng đinh bởi những cơn sân giận của chúng ta, mà phải gở đinh đi, gở hết tất cả vết thương lòng mà chúng ta đã tạo ra với những người gần gủi chúng ta. Hãy gở tất cả những vết thương lòng hoặc những vết thương trong tâm của nhau, hãy gở đi và chúng ta hãy chữa lành ngay trên đó, đừng chỉ gở chiếc đinh ra mà không thấy vết thương trên hàng rào. Đừng chỉ gở cái đinh ra bằng sự hiểu biết của chúng ta, mà có nguồn an vui cho chính mình, nhưng không làm lành vết thương của người khác, thì điều đó cũng chưa nên. Gở đinh cho chúng ta vui, bởi vì chúng ta đã có niềm vui, cũng phải chữa lành những vết thương, chúng ta đã đóng vào trong tâm của những người chúng ta đã tạo ra.

Hãy sống quán chiếu chánh niệm hơi thở, làm chủ cảm xúc sân giận của mình, và biết gở đinh từ từ, cùng hàn gắn chữa lành các vết thương lòng chúng ta đã tạo ra cho nhau.

Chúc các bạn là những người luôn luôn có những hạnh phúc khởi lên trong trái tim, luôn luôn biết chữa lành cho chính mình và những người yêu thương nếu đã tạo ra những nguồn đau cho họ và cho mình. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn