Search

Lễ Kính Chư Phật

Minh Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta gặp nhau và chia sẻ về một chủ đề theo như ngài Bồ Tát Phổ Hiền dạy cho chúng ta. Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền có đến mười nguyện hạnh, mười lời nguyện, và nói để chúng ta có thể nghe cho dễ là ngài dạy cho chúng ta mười phương pháp để làm sao đó chúng ta tăng trưởng được phước báu trong cuộc sống. Phương pháp đầu tiên ngài dạy cho chúng ta là lễ kính Chư Phật.

Các bạn thân mến, mọi người chúng ta khi đi tới chùa, trước các tôn tượng của Chư Phật, Bồ Tát, chúng ta thành tâm lễ kính các ngài. Và với sự lễ kính như vậy, chúng ta quy ngưỡng thân tâm của mình hướng đến Đức Phật, nhớ về lời dạy của Ngài, nhớ về giáo pháp của Ngài để chúng ta biết rằng chúng ta là đệ tử của Phật, chúng ta luôn luôn lắng nghe lời dạy của Đức Phật. Trên một suy nghĩ khác biệt hơn, một chút xíu nhẹ nhàng, là chúng ta khi lễ kính tôn tượng Phật còn thể hiện được tấm lòng của chúng ta luôn luôn hướng đến Đức Phật, và chúng ta nương vào tướng hảo của Ngài để nhận ra rằng trong cuộc sống này vẫn còn thật là nhiều điều kì diệu qua cái tâm của chúng ta, tâm hạnh lễ Phật, để chuyển hóa tướng hảo của chúng ta sao đó để trong cuộc sống này mỗi người đều có thể tìm được sự hạnh phúc trong cuộc đời. Các bạn, lễ kính Chư Phật, theo như truyền thống của Phật giáo được dạy dỗ truyền lại cho chúng ta từ trong gia đình, từ cha mẹ và các bậc thầy, chúng ta luôn luôn được học cách lễ kính sao cho đúng, tùy theo phong tục tập quán, tùy theo vùng miền. Và thể hiện sự lễ kính Chư Phật đó là chúng ta thường hay xá Phật hoặc lạy Phật. Mỗi một phương pháp xá Phật, lạy Phật, nó còn khác biệt tùy theo sự suy nghĩ và phong tục địa phương truyền thống của những nơi mình lớn lên, sinh hoạt, được giáo dục.

Đó là về thể tướng ở bên ngoài. Nhưng hôm nay chúng ta đi sâu thêm một chút xíu nữa, tức là lễ kính Chư Phật như thế nào. Ngài Bồ Tát Phổ Hiền dạy cho chúng ta lễ kính Chư Phật làm sao đây? Tất cả những phương thức lễ kính Chư Phật ở nơi chùa, rồi chúng ta lễ kính Chư Phật ở tại tư gia, nơi bàn thờ, chúng ta lễ kính Chư Phật tại những kinh sách mà chúng ta tụng niệm hàng ngày với lòng thành tâm, tôn kính dâng lên cho Phật, thể hiện tấm lòng của người đệ tử, của người con luôn luôn trân quý lời dạy, trân quý những sự hướng dẫn của bậc thầy mình. Nói cho nó thật gần với đời sống của con người, đôi khi chúng ta lại hỏi rằng Đức Phật ở đâu, để rồi sự lễ kính kia có phải chăng theo như một số người thường hay nói, tại sao đạo Phật chúng ta thờ thần tượng quá nhiều, gặp tượng nào cũng lạy, gặp tượng nào cũng thờ. Nhưng ý nghĩa tôn thờ các tôn tượng của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền không phải như là một sự quỳ lạy trước tôn tượng, như người ta thường nói là thờ tượng hoặc là tượng thần hoặc là quá nhiều tượng. Mà mỗi một tôn tượng của Đức Phật hoặc Bồ Tát tạc ra, tạo ra như là một bài học được khắc ghi trên hình tượng đó. Mà phương thức học như vậy đã được thể hiện ngày nay thật là rõ, chúng ta học qua các phương pháp tượng hình, từ ngôn ngữ học cho đến tất cả các môn học trên thế giới, người ta đều dùng hình ảnh để diễn tả. Và Phật giáo dùng tôn tượng của Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng để hướng dẫn cho người ta về tâm, về nền giáo lý mà Chư Phật đã truyền dạy lại cho chúng ta, nhìn thấy tượng là nhìn thấy sự oai nghi. Lễ Chư Phật ở các tôn tượng ta thờ lạy là cái lễ giáo pháp của Ngài dạy cho chúng ta. Lễ ở đây tức là chúng ta kính trọng, chúng ta trân quý, chúng ta tôn trọng. Nó không phải lễ là một nghi lễ, nhưng cái lễ ở đây tức là một sự kính trọng tuyệt đối các bậc thầy đã để lại giáo lý, chân lý được khai thị cho chúng ta. Cho nên ngài Phổ Hiền mới dạy cho chúng ta “Nhất giả lễ kính Chư Phật”, có nghĩa điều đầu tiên người con Phật là phải biết lễ kính Chư Phật. Lễ kính Chư Phật ở trong tinh thần Phật giáo giúp cho chúng ta tăng trưởng phước báu, là bởi vì phước báu ở trong sự khiêm tốn của mình. Chính trong lòng của chúng ta khiêm tốn, lễ kính Chư Phật, lúc nào cũng tôn kính Ngài, lúc nào cũng trân trọng những lời dạy của Ngài, nó tạo cho tâm ngã của chúng ta được lắng xuống, cái tôi lắng xuống, bản ngã bé đi và nó giúp cho chúng ta luôn luôn biết nhìn lại mình, nhìn lại con người của mình, cái tôi của mình. Và từ đó, với cái tôi, với bản ngã được nhìn lại để chúng ta luôn luôn biết kiềm chế, biết chuyển hóa và thúc đẩy cái tâm của chúng ta hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Các bạn thân mến, lễ kính Chư Phật tăng trưởng phước báu thật là nhiều. Nói về thân, khi chúng ta lạy Phật, chúng ta lễ Phật, theo như tất cả những bậc cổ đức truyền lại, các phương pháp lạy Phật, các phương pháp lễ Phật với lòng thành kính đều giúp tăng trưởng phước báu từ thân. Bởi vì sự vận động của thân hài hòa trong những tư thế lễ bái Chư Phật, hiệp nhất với tâm thanh tịnh hướng tới Chư Phật giúp cho tinh thần của chúng ta, giúp cho thể khí, thể thân và thể thần của chúng ta hiệp nhất, hài hòa, nó tăng thêm sức khỏe. Đó là phước báu về thân, phước báu về tinh thần, phước báu về tâm linh mà người xưa thường gọi là tinh khí thần nguồn hiệp nhất với nhau để tạo thành sức mạnh. Lễ Phật có phước báu vô cùng. Do đó mà thuở xưa có những bậc thật là lớn tuổi, cả cuộc đời đơn giản biết lễ Phật thôi với tâm thành mà họ trường thọ, sống hạnh phúc và an vui. Các bạn, lễ Phật mang lại thật nhiều phước báu cho chúng ta. Nhưng nói cho nó gọn hơn, trong một đời sống quá bận rộn hàng ngày, thì khi chúng ta dành từ 5 đến 10 phút để lễ Phật ở nhà, lạy Phật lễ Phật là điều phước báu vô cùng. Nhưng chúng ta phải nhìn rộng ra một chút xíu, Phật không những chỉ hiện hữu trên những tôn tượng ta quy kính, để qua tôn tượng đó ta nhìn thấy Phật, thấy giáo lý của Ngài, mà Phật mà ngài Phổ Hiền nhắc nhở cho chúng ta phải luôn luôn lễ các Ngài đó là vị Phật ở trong mỗi một chúng sanh. Nếu chúng ta không thể nhìn qua, nhìn vượt qua thân tướng của mỗi một chúng sanh để thấy được Phật hiện tiền trong cuộc đời, Phật thật sự đang sống động trong cuộc đời của chúng ta thì chúng ta đang tôn thờ, đang tôn kính, đang kính trọng một vị Phật đã chết. Thực ra Phật không bao giờ chết bởi vì Phật có nghĩa là giác ngộ, là sự tỉnh giác và sự tỉnh giác đó thực sự hiện hữu trong mỗi một chúng sanh đã có tâm Phật mà Đức Thế Tôn đã khai thị. Từ đây theo như lời ngài Phổ Hiền dạy, nếu chúng ta biết quý trọng, biết tôn kính và biết đối xử thật tốt với tất cả mọi chúng sanh với tâm Phật hiện hữu trong ta, dưới con mắt của sự tỉnh giác, thì chúng ta sẽ nhìn thấy Phật ở trong tất cả mọi chúng sanh, và sự kính trọng của ta đối với chúng sanh là kính trọng đến Phật. Mà chúng ta có nghi lễ kính trọng như vậy tức là lễ Phật ở mọi nơi, nơi mọi chúng sanh, nơi mọi miền, nơi mọi phong tục tập quán, nơi mọi ngôn ngữ quốc độ mà chúng ta có nhân duyên gặp được những con người, những chúng sanh đó.

Các bạn, lễ Phật thật là rộng cho nên khi chúng ta nghĩ rằng chỉ có thể lễ Phật ở trong chùa thì chúng ta đã giới hạn tầm nhìn của ngài Phổ Hiền. Giáo lý của ngài Phổ Hiền với tâm nguyện đầu tiên là lễ Phật, “Nhất giả lễ kính Chư Phật”. Tức là điều đầu tiên trong cuộc đời của người Phật tử là chúng ta phải học hạnh biết lễ kính Chư Phật mười phương hiện hữu trong cuộc đời của mỗi chúng sanh và sự lễ kính đó phải rất thành, phải rất chân thành. Từ cái lòng chúng ta sống biết lễ kính Chư Phật một cách chân thành như vậy, nó làm cho thân, ngữ, ý của chúng ta hài hòa, nó làm cho tinh khí thần của chúng ta vận động đúng chiều hướng hướng thượng nhẹ nhàng, rời bỏ những tạp niệm, những tạp khí, nó giúp cho thân và tướng và tâm hài hòa với nhau. Và khi con người chúng ta có thân, tướng và tâm hài hòa trong sự hiệp nhất, kính trọng mọi Đức Phật tương lai hiện hữu trong mỗi chúng sanh, chúng ta thực sự tăng trưởng được phước báu. Những ai biết kính trọng Chư Phật, biết lễ kính Chư Phật, nơi tâm của mỗi chúng sanh, người đó có sức khỏe, bệnh tật được tiêu trừ. Chúng ta cứ nhìn, nếu ai bị bệnh hoạn tinh tấn lễ Phật mười phương, lễ Phật, kính trọng Phật trong tâm thức của mỗi người, bệnh tật sẽ tiêu tan. Bởi vì khi bệnh tật tới với chúng ta, hầu hết là do nghiệp chướng từ nhiều đời tương tác cộng hưởng giữa chúng sanh này với chúng sanh kia, mà thể loại nghiệp đó là bất thiện nghiệp, ác nghiệp, nay chúng ta biết kính trọng tất cả mọi người như là nhìn thấy Đức Phật hiện hữu trong họ thì tâm của chúng ta, ý của chúng ta, ngôn ngữ và hành động của chúng ta đang tương tác theo pháp thiện, hướng đến Đức Phật, nghĩ đến Phật, lễ đến Phật thì ta tạo được phước báu trong các pháp thiện đó. Và chính phước báu đó nó sẽ chuyển hóa những ác nghiệp đời trước, từ đó mà ta sẽ hết bệnh, thuyên giảm bệnh và chúng ta tạo được phước, như câu người ta gọi là “Phước chủ may thầy”, nhờ ta có phước tu mà gặp được những người thầy thuốc nhiều khi chỉ chữa sơ qua mà đã hết. Cho nên, nếu các bạn bị bệnh, các bạn cố gắng tu tập hạnh của ngài Phổ Hiền, lễ kính Chư Phật mười phương, nơi các tôn tượng, nơi tất cả mọi chúng sanh mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc, thí dụ như cha mẹ, ông bà, như vợ chồng, con cái những người thân. Trong mỗi một con người chúng ta mang cả ba cái nghiệp, ba cái nghiệp thanh tịnh của chúng ta để lễ kính các ngài, đó là nghiệp của ý, nghiệp của khẩu, nghiệp của thân. Thân, ngữ, ý thanh tịnh, kính trọng, đối xử bình đẳng tánh trí đối với mọi loài và luôn luôn quán tưởng trong mọi loài có sự hiện hữu của Phật ở trong đó, Phật là tỉnh giác, có tánh tỉnh giác hiện hữu trong mỗi chúng sanh. Chúng ta kính trọng như vậy là lễ Phật. Lễ Phật không hẳn là chỉ quỳ lạy, lễ bái, đó là một hình thức của thể tướng quy nhất đối với cái tâm để nhớ đến giáo lý của Phật. Nhưng hình thức cao siêu, nhiệm màu hơn vẫn là phong cách của mỗi người đối xử với nhau một cách thành kính, trân quý, tôn trọng trong cuộc đời.

Các bạn nhớ hãy lễ kính Chư Phật để giải tất cả những nghiệp từ thân, ngữ, ý, tức là tam nghiệp của chúng ta thành thanh tịnh để từ đó ta biết kính lạy tất cả mười phương Chư Phật hiện hữu trong thế giới chúng ta đang sống. Các bạn, với một thế giới quay cuồng, với nhịp độ quá nhanh chóng mặt như vậy, tất cả các kinh sách đôi khi khó có thời gian để dung thông. Nhưng mang lòng thành kính nhìn thấy Phật hiện hữu trong cuộc đời, nơi mọi con người, chúng sanh, chúng ta đối xử với nhau bằng sự kính trọng bình đẳng, đó gọi là lễ kính Chư Phật mười phương trong thế giới hiện tại của kiếp nhân sinh bận rộn này, chúng ta sẽ tăng trưởng được thật nhiều phước báu, giải đi những nghiệp oan, những oan gia, những cái gọi là nghiệp chướng tương đồng hội tụ tạo ra tai họa cho chúng ta, để từ đó chúng ta có được những điều hạnh phúc bình an trong cuộc đời.

Cảm ơn các bạn chia sẻ thật là nhẹ nhàng và Bảo Thành tin tưởng rằng những lời nói chân tình như vậy và rất gần gũi với đời sống của những con người bận rộn ngày hôm nay, chúng ta lượm nhặt được một chút ý để từ đó thực hành một cách thông dụng, ứng dụng lời Phật, lời của Bồ Tát vào cuộc đời hiện tại trong kiếp này. Chúc các bạn bình an.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn