Search

Lấy Lùi Làm Tiến

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Lùi thôi nhường bước cho người 
Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang 
Dung thông hoà hợp nhân gian 
Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật!

Hôm nay là mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022. Trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng con nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con luôn tự sách tấn trên con đường tu, quán chiếu nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Và xin Chư Phật ban rải thật nhiều năng lượng tình thương xuống cho chúng con.

Giờ đây, Bảo Thành và các bạn cùng trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Nguyện hồi hướng cho ông bà cha mẹ tăng long phước thọ, cho gia đình bạn bè được bình an hạnh phúc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và cho tất cả chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Bảo Thành chào các bạn đồng tu. Hôm nay ngày mùng 5 Tết. Thứ bảy đầu tiên của năm 2022 năm Nhâm Dần, Sống Trong Chánh Niệm. Hương xuân vẫn còn, Tết Việt Nam vẫn còn. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, chắc có lẽ mọi người Việt Nam có tinh thần hưởng thụ ăn chơi xả láng cả tháng trời trong đầu năm. Có những văn hóa dân tộc được truyền thừa lâu lắm rồi, trải qua bao thời kỳ bao nhiêu thế hệ, ăn sâu vào tâm thức của con người, khó có thể thay đổi. Ở phương Tây, nước Mỹ Bảo Thành ở, người ta ăn Tết có một ngày, mùng 1 xong là Tết chẳng còn. Nhưng 365 ngày của cuộc đời trong năm đều là ngày Tết, bởi họ luôn luôn tạo điều kiện để đời sống tương đối bình ổn, không phải lo nghĩ về đời sống vật chất quá nhiều bởi công ăn việc làm có đủ. Dĩ nhiên cách làm việc và cách sống bên này khác với Việt Nam, nhưng ở Mỹ cách sống này phù hợp bởi luôn luôn hướng về gia đình và cộng đồng xã hội, giữ được sự hài hòa và an vui. Nếu là những người lớn tuổi rồi từ Việt Nam qua đây thì cách sống này không phù hợp về khí hậu, thời tiết, sinh hoạt, sự di chuyển. Còn ở Việt Nam chúng ta, quan niệm sống hàng bao nhiêu ngàn năm, quần quật cả năm trời có khi nào sống như một năm mới đâu. Cho nên khi Tết đến là cả một tháng trời ăn chơi xả láng cho đủ hương vị của xuân. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia ở từng vùng miền trên Trái Đất khác nhau thì nền văn hóa đều khác. Nền văn hóa nào cũng có cái đẹp, cũng có cái hay, tích cực nhưng cũng có cái tiêu cực.

Hôm nay chủ đề nói ngược với thế gian quá, nó ngược với con người mà ta đang sống, ngược với cuộc đời này. Các bạn gửi về chủ đề ngược quá nên Bảo Thành cũng phải nói ngược: “Lấy lùi làm tiến”. Không ai nghĩ rằng lùi mà tiến hết. Tiến là tiến, là bước tới, là tiến bộ, là tiến tới, không ai nói lùi mà tiến. Lấy cái lùi làm sự tiến thân, nó ngược ngạo khó nói quá. Chủ đề này các bạn ngẫm nghĩ đi, lấy lùi làm tiến, chúng ta các bạn đồng tu học đạo cần phải suy nghĩ về chủ đề này:

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang.

Dung thông hòa hợp nhân gian

Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng.

Chẳng ai nói bước lùi mà là tiến hết, chúng ta suy nghĩ chút để xem câu này đúng hay sai. Một bài thơ được gửi về đọc thấy hay. Ở trong đời chúng ta luôn muốn tiến tới, sấn về phía trước. Chúng ta thích ngọn núi cao, tiến về phía trước để chinh phục, ngưỡng về những điều đẹp, hướng về những điều cao cả, mấy ai nhìn và hướng về những điều thấp, lùi lại phía sau đâu. Lấy lùi làm tiến, thật khó ai để ý bởi trên đời chỉ có tiến tới, từ làm ăn, xử thế giao tiếp, ngay cả sự nói chuyện hàng ngày ta cũng sấn sấn tới phía trước không à, đụng chuyện là sấn tới phía trước tiến tới phía trước, đẩy hết mọi người dạt qua hai bên, lấn chiếm phía trước. Mấy ai lùi thôi nhường bước cho người, chẳng ai mà chịu lùi nhường bước hết. Họ nói một câu ta tiến tới mười câu, họ đưa một tay ta đưa cả hai tay hai chân. Sự đời là như vậy cho nên dễ đụng chạm nhau. Ta thường hướng tới núi cao, ta thường ngắm nhìn những người học rộng, học cao, tài giỏi, quyền lực, sấn tới gặp sang bắt quàng làm họ. Người nghèo thì ta trễ miệng trề môi khinh thường. Điều này có. Lấy lùi làm tiến, thực ra suy nghĩ cho kỹ có câu nói mang cùng một ý nghĩa “lùi một bước mà biển rộng trời cao”. Câu này hay! Cũng như “bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng” cũng rất hay. Lùi một bước mà biển rộng trời cao, trong cuộc đời mấy ai thấy hoạt động lùi mà gọi là tiến đâu, phải tiến tới.

Có một chú tiểu vào sống trong Chùa cùng với một lão sư thật là già, kinh kệ chú tiểu chưa đọc được đâu, nghi thức thì cũng chưa nên lão sư dạy cho lau Chánh Điện, lau nền nhà của Chánh Điện. Thầy đưa cho một tấm vải và một thau nước và nói: “Tiểu ơi, tiểu lau sạch nền nhà Chánh Điện nha tiểu, mỗi ngày làm vậy cho sạch Chánh Điện”. Tiểu cũng kháu khỉnh lanh lẹ: “Dạ thưa con sẽ làm”. Anh tiểu nhà ta bắt đầu lấy tấm vải thấm vào nước cứ thế mà đẩy, đẩy hoài. Mà qua nhiều vòng đẩy đi đẩy lại mà toàn thấy dấu chân của mình dính đất in trên nền Chánh Điện, chẳng sạch. Đẩy hoài đẩy hoài lau chùi mà không sạch. Lão sư đứng bên cạnh cười nói: “Con làm thật là nhanh, cứ đẩy phăng phăng về phía trước thật là tuyệt vời”. Chú tiểu lắc đầu nói: “ Nhưng mà sao con đẩy về phía trước con đẩy hoài mà nền Chánh Điện không sạch”. Lão sư nói: “Lau Chánh Điện, lau nền nhà mà đẩy về phía trước thì dấu chân sẽ ở khắp mọi nơi, chẳng sạch đâu”. Lão sư cầm tấm khăn nhúng nước rồi lau nền Chánh Điện, một động tác thật nhẹ, cứ vừa lùi vừa lau. Lau hết Chánh Điện đó, tiểu không thấy một dấu chân nào và lão sư mới nói: “Lùi mà nó sạch, tiến mà nó dơ con ơi”. Tiểu còn nhỏ, không hiểu ý nghĩa cao siêu, nhưng thấy động tác đúng, đẩy lên phía trước thì dấu chân cứ đạp lên chỗ mình vừa lau chùi, nhưng lau nền Chánh Điện mà lùi thì lùi tới đâu nền Chánh Điện sạch tới đó.

Hình như chúng ta ai cũng biết lau nhà, không ai lau nhà mà đẩy về phía trước hết, dù chúng ta có cây lau nhà thì cũng phải lùi. Lau cho sạch thì phải lùi, đúng là bước lùi mà là tiến, lùi mà là tiến bởi nó sạch, thao tác thì thấy lùi nhưng tiến, lùi một bước biển rộng trời cao, bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng, lùi để lau sạch nền Chánh Điện. Và trong cuộc sống trên con đường đồng tu đạo pháp của Phật, nếu chúng ta biết lùi thì chúng ta sẽ lau sạch được cái tâm của mình. Còn ta cứ sấn sấn tới trước thì nhang đèn cũng đổ vỡ, bàn thờ cũng lung lay, đền chùa cũng rung rinh mà bị sập. Tới chùa làm sạch nền chân tâm, chúng ta phải biết lấy lùi làm tiến. Đừng mang công danh sự nghiệp, đừng mang tài danh kiến thức, đừng mang sự giàu có chất sang chảnh của cuộc đời lấn át nơi cửa Thiền Môn. Vào Thiền Môn, vào chùa, vào con đường Chánh Pháp của Như Lai thì chúng ta phải biết đẩy lùi các bạn ạ, đẩy lùi, mang năng lượng Từ Bi đẩy lùi lại để đứng thật xa để thấy được biển rộng trời cao, để thấy được sự thăng tiến trong lùi lại một bước để cõi lòng an nhiên và tự tại. Phải biết tự nhắc nhở:

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang.

Bạn cứ đứng thẳng nhìn trời thì chẳng nhìn thấy trời mấy, nhưng bạn cứ thử nằm trên mặt đất bạn nhìn ngược lên bạn sẽ thấy cả một bầu trời mênh mông vô tận, cả một khung trời cao rộng hằng hà tinh tú diệu vời trên cao. Đức Phật thực sự đã đi lùi lại với thế gian để tiến trên con đường đạo. Và càng lùi lại trên chuyện thế gian, ta càng lau sạch rác rưởi và ác nghiệp ta đã tạo ra. Đừng như chú tiểu chưa học được, cứ sấn tới phía trước nên đi tới đâu cũng để lại dấu chân dơ bẩn của mình. Ta vào Thiền Môn ta cứ sấn tới mọi chuyện, lấn át tất cả không chỉ những bậc Đại Đức Tăng Ni mà ta còn lấn át tất cả các bạn đồng tu. Chỗ nào cũng có vân tay của ta nhuốm đầy những chuyện trái nghịch ý, chỗ nào cũng có dấu chân của ta ngang dọc giang hồ đạp nát cửa chùa. Lùi lại các bạn, lùi lại để tiến vườn tâm của mình.

Suy nghĩ ta thấy chủ đề thật hay, lấy lùi làm tiến hóa ra lại là một chân lý diệu vời, một phương tiện vi diệu. Khi chúng ta lấy lùi làm tiến là lấy tinh thần nhường nhịn, kham nhẫn để lắng đọng thân tâm để nhìn rõ hơn, thấu suốt, thông mới buông. Chú tiểu đó sau này lớn lên hỏi lão sư rằng: “Hóa ra chỉ có ở trong Chánh Điện, lau Chánh Điện mới phải lùi thôi, trên đời này chắc chẳng có ai làm thao tác này, chẳng có ai đi lùi, phải không sư phụ?”. Lão sư nói: “Không, không con à, ở đời cũng thật nhiều người lấy lùi làm tiến con à, lùi mà là tiến”. Lão sư dắt chú tiểu xuống chân núi, tới cánh đồng ruộng mênh mông vô tận và chỉ cho chú tiểu thấy những nhà nông đang cúi mình đi lùi, tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng, lùi đó tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng cúi đầu liền thấy trời trong nước, hay! Chúng ta là người Việt Nam gần gũi với ruộng lúa, hầu hết ngày xưa ông bà cha mẹ đều cấy mạ, tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng hết các bạn ơi. Các bạn hình dung, có nhiều bạn đã nhìn thấy, có nhiều bạn có thể thời nay văn minh ít khi nào về quê nên không thấy bởi người ta cày cấy bằng xe rồi. Nhưng ngược dòng lịch sử, thời của Bảo Thành và bây giờ cũng còn nhiều nơi ta vẫn thấy các ông các bà làm ruộng, tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng hết, lùi chứ không thể tiến được. Lùi mà từng hàng mạ thẳng tắp, lùi nhưng mà là tiến, lùi nhưng mà thành công thành tựu xong việc. Họ không ngửa mặt lên trên trời để cắm mạ đầy ruộng, họ cúi mặt xuống thật thấp nhưng họ thấu tới cõi trời. Bởi vì sao? Họ đi lùi cắm mạ đầy ruộng, họ cúi đầu xuống, họ thấy được trời ở trong nước, cả một bầu trời ở trong nước. Họ đi lùi mà họ tiến, làm xong việc, cấy được mạ thẳng tắp mà vẫn thong dong tự tại ở cõi trời bởi thấy cả bầu trời ở dưới nước. Cho nên người Việt chúng ta rất trân quý hạt gạo hạt thóc.

Thời ông cụ của Bảo Thành còn sống thường nhắc gạo và thóc là ngọc thực tức là vật thực mà trời ban cho, phải biết trân quý, ăn phải cho hết, dư phải đặt để vào chỗ xứng đáng để cho những chúng sanh khác hưởng, đừng đổ vào thùng rác. Nhìn hình ảnh của các nhà nông còng lưng, tay cầm mạ cắm đầy ruộng, chẳng ngẩng lên trên trời sấn tới phía trước, mà nhìn xuống dòng nước thấy cả bầu trời mênh mông, ta mới thấy được biết bao nhiêu thế hệ trôi qua từ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca đến những bậc Thánh Tăng, các bậc Tổ, các bậc Đại Đức Tăng Ni, ông bà cha mẹ, những vị Thánh Hiền khi tu thì đều lùi lại hết mà cắm xuống ruộng tâm, lùi lại mà gieo xuống ruộng tâm những chủng tử vi diệu thiện lành qua tư tưởng, lời nói và hành động. Để làm sao cho con cháu ngàn đời thẳng tắp hướng về tương lai thành tựu được đạo Nhân, đạo Trời, đạo Phật, thành nhân thành tài, thật là hay! Vậy nên những dịp Tết ta về với quê hương, ta về với ông bà cha mẹ, ta thấy ông bà cha mẹ đã lùi lại thật xa, tay mang biết bao nhiêu công hạnh, đức hạnh cắm đầy hết trên những nơi người con đặt bước chân bước vào đời. Không những thế mà ông bà cha mẹ đã mang từng hơi thở, từng giọt máu cống hiến tất cả. Lùi lại cho cuộc đời, lùi lại hết để dành khoảng trống mênh mông vô tận cho con cái, cho con cháu. Phật đã cấy ruộng phước nơi thế gian, lùi lại từ điểm là cung điện, là quyền lực của Vua, lùi lại thật xa để cho biển rộng trời cao hiển lộ, rồi chúng ta ngày nay mới có cơ hội thấm thía thể nhập vào chân lý cao diệu siêu thế đó. Các bạn, lấy lùi làm tiến là một nghệ thuật sống ở trong đời, giúp cho chúng ta biết kham nhẫn để chuyển hóa những sự tức tối, ghen tuông, giận hờn, tham sân si để thấy được bầu trời cao rộng, để thấy được biển mênh mông vô tận của Trí Tuệ vốn có trong ta.

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang.

Mùa xuân tới đất trời nở hoa, chúng ta lùi lại thật xa để cho biển tình mênh mông vô tận nơi người mẹ có thể rộng mở, và để cho cái đức hạnh cao vời như trời rộng kia của cha có thể bao trùm tâm ta, từ đó mà trưởng dưỡng đức hạnh ông bà cha mẹ đã lùi thật xa về đằng sau nhường bước cho ta tiến tới về tương lai.

Lấy lùi làm tiến là một pháp phương tiện vi diệu, chẳng phải là bỏ hết thế gian lùi lại cho lạc hậu, nhưng ý rằng ở đời ta phải biết kham nhẫn và nhường nhịn. Đụng chuyện ta nhường ba phần, thì ta được thong dong và tự tại, khoan dung và nhẹ nhàng. Còn đụng chuyện mà lấn tới một phần thì rừng cháy, núi sập, sóng thần cuồn cuộn cuốn trôi tất cả. Người học Phật của chúng ta, Phật tử tại gia trong năm mới, chúng ta mong cầu sự bình an và hạnh phúc thì phải lấy lùi làm tiến, tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng. Về đi, về một chuyến miền quê để có một lần chúng ta có cơ hội nhìn thấy cô chú, các bác, các chị em nông dân cúi mình đi lùi, tay cầm mạ xanh cắm đầy ruộng. Để rồi sao? Để chúng ta có đủ gạo để ăn, có đủ ngọc thực để hưởng. Các vị đó lưng còng, cúi thật sát nhưng nhìn thấy trời cao trời rộng ở trong nước. Lùi đấy mà là tiến, như chú tiểu được lão sư dạy lùi đấy mà lau sạch Chánh Điện. Cuộc đời nếu ai biết lùi sẽ lau sạch được vẩn đục ác nghiệp nhiều đời tạo ra, tâm sẽ sáng lắm. Ở đời, nếu lùi như cô bác nông dân, tay cầm biết bao chủng tử thiện lành cắm thẳng tắp đầy ruộng tâm thì ta sẽ nhìn thấy được trời cao đất rộng, ta sẽ nhìn thấy Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền hiển hiện ở trong tâm của chúng ta. Chẳng cần ngửa mặt lên nhìn trời, chẳng phải ngửa mặt lên cầu Phật, chỉ cần cúi xuống gieo những phước lành những tâm thiện lành của cuộc đời. Lùi đi, lùi mà tiến, lấy lùi làm tiến:

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang.

Dung thông hòa hợp nhân gian

Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng.

Như chú tiểu đi lùi để lau chùi, như người nông dân đi lùi tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng, cúi đầu liền thấy trời trong nước. Ta biết cúi đầu, ta biết lùi lại, ta biết kham nhẫn. Đụng chuyện nhường ba phần, ta liền thấy Phật ở trong tâm. Câu này đúng, các bạn thực hành sẽ thấy linh diệu vô cùng. Đụng chuyện nhường ba phần thôi chứ chưa nói là mười phần, chỉ nhường ba khi đụng chuyện ta thấy được Phật ở trong tâm. Chẳng phải tìm Phật ở trên cao sơn rừng sâu núi thẳm, trong kinh trong tụng trong kệ, không cần. Chỉ biết nhường ba phần trong tương tác hàng ngày, trong tình nghĩa vợ chồng nhường ba phần, trong đời sống với ông bà cha mẹ, với anh chị em, với bạn bè, với đồng nghiệp, với xã hội, ta biết nhường ba phần thôi thì ta liền thấy Phật ở trong tâm, như người nông dân cúi đầu liền thấy trời trong nước, mà đúng là như vậy đó các bạn. Các bạn đi về miền quê, xắn quần áo lên, bước xuống ruộng, không cần phải tay cầm mạ cắm đầy ruộng đâu, chỉ cúi xuống bạn liền thấy trời trong nước. Phật ở trong tâm mới là điều vi diệu, Phật ở trong đời mới là điều vi diệu. Phật ở trong cuộc sống nếu mỗi người biết kham nhẫn nhường ba phần thôi cúi đầu một chút xíu, đừng sấn lên lấn chiếm tất cả, ta sẽ thấy Phật trong tâm của chúng ta.

Mùng 5 Tết chúng ta chiêm nghiệm câu “lấy lùi làm tiến” để trong năm mới này, Bảo Thành và các bạn chậm lại một chút xíu trong mọi sự giao tế, dù muôn điều nghịch ý không như ta muốn nhưng ta biết lùi lại ba phần. Ta biết kham nhẫn một chút như câu “lùi một bước, biển rộng trời cao”. Hay! “Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng”, thật hay! Nhìn lại cuộc đời, Bảo Thành và các bạn hăng lắm, lấn tới phía trước không à, không những lấn tới phía trước mà hai tay còn đẩy người ta đi nữa. Cho nên cuộc đời cứ xô, cứ đẩy, cứ lấn át. Nhất định vừa qua, ngày 30 Tết, trong chúng ta đã có người lau chùi bàn Phật, bàn thờ ông bà, nền nhà, trong những thao tác lau chùi đó ta đã hóa thân thành chú tiểu được lão sư dạy rồi đó: lau chùi là phải lùi. Hình dung là hiểu ngay. Người trồng lúa gieo mạ ở ruộng, họ lùi mà là tiến. Họ lùi tới đâu thì mạ cắm tới đó đầy ruộng thẳng tắp, hàng nào ra hàng đó, hàng ngang hàng dọc thẳng tắp. Các bạn cứ đi ra ruộng đi các bạn sẽ thấy lúa, mạ được gieo thẳng tắp đều do thao tác lùi mà tiến, cúi mặt lại thấy trời hiện trong nước. Chúng ta nhường nhau thấy được Phật, Bồ Tát. Trong cuộc sống vợ chồng ta nhường nhau, ta lùi lại thì giữa ta, giữa vợ và chồng, gia đình ta sẽ chan hòa yêu thương, biển tình mênh mông vô tận. Trong cuộc đời, ta biết nhường lại vài phần, lùi lại một chút ta sẽ thấy được ông bà cha mẹ. Trên con đường đạo ta đi lùi, ta biết kham nhẫn, ta sẽ thấy được Phật và Bồ Tát trong tâm.

Lời dạy của Phật vi diệu lắm, hai chữ “kham nhẫn” luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta phải biết nhường nhịn, không phải là nhục các bạn ơi. Nhường là để thấy biển rộng trời cao để thấy ta tiến trong sự tịnh an của cõi lòng. Nhường để cho người bước lên, nhường để hạ mình ngắm trời cao thênh thang vô tận. Bảo Thành mong sao các bạn ở thành phố chưa một lần nhìn thấy người nông dân cấy mạ, thì hãy trong năm mới về miền quê một lần, xuống ruộng, ngồi trên bờ đê ruộng, hãy ngắm người nông dân gieo mạ mùa xuân này, ta sẽ thấy ý nghĩa vô cùng của cái việc lấy tiến trong sự lùi, lấy lùi làm tiến. Trong mọi mối giao hảo, ta biết lùi lại một bước, tình cảm sẽ tiến tới viên mãn lắm. Trong cuộc sống Bảo Thành và các bạn nhiều lần đụng chuyện sấn tới hư hết chuyện, làm cho tình cảm rạn nứt, làm cho những mối giao hảo căng thẳng gây nên sự chia rẽ và hận thù. Nhưng trong sự đụng chạm không như ý, mỗi người chúng ta nhớ được câu lấy lùi làm tiến:

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang.

Dung thông hòa hợp nhân gian

Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng.

Như nhà nông tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng, cúi đầu liền thấy trời trong nước, nhường nhau ba phần mà thấy Phật, Bồ Tát hiển hiện trong cuộc đời.

Hôm nay ngày mùng 5 với chủ đề này thấy thật hay, khuyên rằng mỗi người chúng ta hãy biết nhường nhau, biết nhường nhịn. Đặc biệt đối với tình nghĩa vợ chồng gia đình và đối với tất cả những mối giao hảo trong cuộc đời, chúng ta phải luôn luôn biết nhường nhịn nhau, đừng lấn át nhau. Đừng ỷ mạnh ỷ tài, đừng ỷ công ỷ sức, đừng ỷ đông mà hiếp người, đừng ỷ lớn mà hiếp nhỏ, đừng nghĩ ta đúng có tài cao học rộng, có quyền lực, có tiền tài để rồi lấn át những người khác. Càng lấn át ta càng nhỏ bé, ta càng dễ vỡ dễ hư. Rồi về nhà ta thấy sầu thấy muộn, thấy đau, thấy phiền não thấy khó chịu. Và như thế ta tạo khẩu nghiệp ý nghiệp, đêm ngủ trằn trọc lăn qua lăn lại, rồi giận rồi hờn rồi buồn rồi tủi rồi khó chịu, hóa ra ta đang hại bản thân của mình. Ngày nay trong thề giới chật chội, bon chen từng chút một, lấn nhau từng tấc đất từng chỗ đứng trong xã hội trong gia đình, giữa những người đồng nghiệp, giữa vợ chồng và người thân, chẳng ai biết nhường nhịn nhau. Ai cũng ỷ mình tài, mình giỏi, mình mạnh, mình giàu, mình sang, mình chảnh, mình quyền lực, mình có thế, mình có quyền, bước ra ngoài là kềnh càng như con kiến. Tại sao gọi là kềnh càng như con kiến? Các bạn có biết con kiến càng không, gặp ai cũng cắn, gặp ai cũng đốt, nhưng mà nhỏ mà cứ nghĩ mình to, kiến càng có hai cái càng ngông nghênh ngông nghênh. Chúng ta có thói quen để cho những ác nghiệp tập khí nhiều đời xỏ mũi dắt đi. Không thể như vậy nữa, ngày nay phải lấy lùi làm tiến, học hạnh kham nhẫn của chư Phật.

Lùi thôi nhường bước cho người

Hạ mình thật thấp ngắm trời thênh thang

Dung thông hòa hợp nhân gian

Bước lùi mà tiến tịnh an cõi lòng

Về quê đi, chúng ta hãy về quê nhìn đồng ruộng mênh mông, chúng ta sẽ thấy những bác và cô chú nông dân, tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng, cúi đầu liền thấy trời trong nước. Như chú tiểu lau nền Chánh Điện, phải lùi thôi, lùi từng bước lau chùi cho sạch cửa chân tâm, rước Phật vào lòng. Đụng chuyện nhường ba phần, Bồ Tát Thánh hiền hiển hiện trong tâm.

Các bạn thân mến, mùng 5 Tết, Bảo Thành và các bạn hãy tự nhắc bản thân của mình lấy lùi làm tiến để cõi lòng tịnh an, nhường bước cho người tiến tới để thành công. Như gương đức hạnh của ông bà cha mẹ đã lùi cuộc đời về phía sau lót đường cho hậu thế là chúng ta – phận con cháu tiến tới tương lai bằng đức hạnh, bằng tình thương, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng từng hơi thở và từng giọt máu cho tới giây phút cuối cùng.

Mô Phật! Cảm ơn các bạn đã nghe.

PHẦN HỒI HƯỚNG:

Thưa Phật, chúng con đã thấu hiểu lấy lùi làm tiến. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con tu hạnh kham nhẫn, biết nhường nhịn, biết lùi lại để thấy được biển rộng trời cao. Nguyện mọi người hiểu thấu và thực hành. Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn