Search

Hữu Duyên Hóa Độ

Bảo Như đánh máy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Các bạn thân mến, Bảo Thành đang gặp gỡ các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Chúng ta cứ gặp nhau mãi mỗi một ngày là bởi vì chúng ta có nhân duyên, còn nếu như không có nhân duyên thì gặp nhau đôi chút lòng đã thấy khó chịu rồi. Nhân duyên rồi chúng ta hãy sống và thể hiện nhân duyên này để coi chúng ta có thể làm gì trong mối tương giao này.

Các bạn thân mến. Có biết bao nhiêu cách hành xử trong đời của chúng ta, chúng ta theo quán tính của thói quen, thói quen nơi bản thân của mình, thói quen nơi hàng xóm thôn làng vùng miền, thói quen nơi địa phương và thói quen của truyền thống trong gia đình, trong xã hội và trong môi trường sống. Những việc làm đó tạo thành một thói quen và lập đi lập lại nhiều đời. Và dĩ nhiên khi chúng ta sinh ra ở đời, chúng ta lại đi theo những truyền thống thói quen vùng miền đó và trở thành những tập tục, phong tục để rồi khi nhận thấy những điều chân lý mới, dù là chân lý đúng thì cũng khó có khi nào phá vỡ được một truyền thống, truyền thống nhiều đời. Vẫn biết rằng truyền thống đó không đúng, nhưng vì là truyền thống và ta cứ dựa vào hai chữ của ông bà truyền lại, không thể bỏ. Đức Phật dạy, ở trong đời này có những truyền thống thói quen nhiều đời và có những sự việc hàng trăm hàng ngàn hàng tỉ người làm chưa hẳn đã đúng, mà có việc không ai làm hoặc mới chỉ có mình ta suy nghĩ tới làm mà thôi cũng chưa hẳn đã sai. Do đó để đón nhận cái đúng sai thì chúng ta luôn luôn cần có một sự hướng dẫn. Có một câu chuyện kể rằng:

Ở vùng đó có một vị đạo sư đã chứng đắc. Ngài chứng đắc rồi nên tâm thái tự tại, lòng luôn an vui và hình như cả cái vùng đó thừa hưởng năng lượng từ bi của Ngài nên sống rất bình an. Nhưng thôn làng sống ở nơi đó quen truyền thống cúng kiếng giết súc sanh như trâu, bò, dê… các loài thú để cúng thần bởi vì họ làm về nghề nông, thờ Thần Nông nên cúng thần cầu mưa cầu nước trong thôn đó. Tuy nhiên năm nào cũng hạn hán, có những năm hạn hán thật là lâu, mưa không có nên lúa trồng không ra và có thể gây chết chóc cho dân làng. Vị đạo sư này tới đây và được người ta nhận ra rằng Ngài là bậc chứng đắc. Ngài thường đi vào trong thôn hóa độ cho chúng sanh, Ngài thường đi như thế và thấy rằng dân chúng ở trong vùng này có một điều là hay giết hại súc vật để cúng tế, sát hại sinh mạng của chúng sanh. Cho nên khi Ngài thấy người ta mang rùa đi để cúng, bách hại để ăn thịt thì Ngài thường tỏ lòng thương xót và mua những chú rùa đó, thả vào trong những cái hồ nước lớn ở trên núi. Người ta thấy ngạc nhiên vì phong tục truyền thống của làng này thì thịt của trâu, bò, dê, rùa…. các thứ họ ăn là chuyện thường, sao lại có cái chuyện phóng sanh thả như thế, họ ngạc nhiên, nhưng bởi vì đã là bán, có kẻ mua nên họ vẫn tiếp tục bán.

Trong làng cứ mỗi năm thường có hạn hán, nhưng năm nay hạn hán thật là lâu, nước không còn, ruộng đồng nứt nẻ không có cày cấy được và rồi nước uống cũng cạn dần và nhiều người mắc bệnh, sắp sửa chết, nguy hại vô cùng. Lại theo truyền thống nhiều đời, dân chúng lại giết trâu, giết bò, giết dê… mang tới hướng về phương Đông cầu thần rải mưa cứu nạn cho chúng sanh, gọi là hô phong hoán vũ cầu thần tế thế, họ làm hoài. Vẫn biết mọi năm làm như vậy không bao giờ được, không bao giờ đúng nhưng vẫn cứ theo truyền thống, họ cứ giết, họ giết nhiều lắm. Máu của các loài vật chảy như thành suối thành sông mà mưa thì vẫn chưa có, sự cầu cũng chưa ứng, lời nguyện cũng chưa linh. Nhưng rồi người ta mới nhìn thấy rằng: A! trong làng vẫn có một vị đạo sư chứng đắc thường hay đi mua súc sanh để phóng sanh, sao không tới đó để xin Ngài làm phép cầu mưa cho chúng ta. Và dân làng tập trung kéo tới nơi rừng đó, nơi cửa rừng, quỳ xuống lạy vị đạo sư này xin cầu mưa cứu dân làng.

Vị đạo sư nói: Tưởng chuyện gì chứ chuyện cầu mưa thì chắc chắn được, dễ mà, không có khó. Nhưng ta chỉ có một yêu cầu dân làng phải làm theo. Mọi người đều nói: Xin đạo sư hãy cho biết đi, chúng tôi sẽ làm theo bởi chúng tôi cần mưa. Nếu Ngài chắc chắn điều đó làm được thì chúng tôi sẽ làm theo yêu cầu của Ngài. Và Ngài đạo sư đã khuyên họ không được ăn thịt, không được giết súc sanh để làm mồi cho những bữa ăn, không được giết chúng sanh để tế thần cầu mưa, để làm chuyện này chuyện kia. Họ ngạc nhiên vô cùng bởi đó là cách sống lâu đời truyền thống của dân làng, giết trâu bò dê để cúng thần là chuyện bình thường xưa nay vẫn có giờ sao lại cấm. Thế nhưng cơn hạn đã kéo quá dài, mưa không có, ruộng đồng đã nứt nẻ, cây cối đã chết và nhiều người cũng sắp sửa chết nên họ liền tuân phục theo. Nhưng cũng có một số người lại nói rằng: À, có gì đâu, ta không ăn thịt thì ta ăn chay, ăn thực vật chứ cần gì phải ăn súc vật, vẫn sống mà, chỉ cần có mưa có nước theo đúng như ông đạo sư này nói là tốt rồi. Rồi dần dần họ chuyển ý, à! thì có mưa là được rồi, sự sống còn, không ai chết và muôn người sẽ hoan hỉ thôi, bớt ăn thịt, không ăn thịt, ăn thực vật cũng tốt thôi – ăn chay mà. Thế là vị đạo sư chấp nhận lời hứa của họ xong, vị đạo sư bắt đầu cầu nguyện và khi ngài lâm râm đọc những câu thần chú gì đó, họ chẳng hiểu và mọi người bàn tán: Không biết ông này đọc cái gì, mưa có tới hay không đây hay chỉ toàn là những chuyện bịa đặt mang danh của đạo sư.

Nhưng mà bởi vì hạn hán quá lâu, sự chết chóc đang rình rập mọi người nên người ta dần dần mang hết tâm đặt niềm tin vào ông thầy. Và vị đạo sư đó trải qua một vài thời, cây nhang thứ nhất vừa cháy hết thì mây đen kéo tới, mưa tràn ngập mọi nơi và mọi người đều hoan hỉ. Thế là từ đó người ta nghe theo bậc đạo sư, phá vỡ đi một truyền thống lâu đời là giết trâu bò, dê, thú vật… để cúng kiếng và bắt đầu thực hành cách ăn chay, chẳng còn giết chúng sanh nữa.

Các bạn thân mến, câu chuyện rất là bình thường, có lẽ nghe qua mọi người thấy không có ý nghĩa. Nhưng ở nơi đây nói đến rằng mấu chốt là truyền thống của cá nhân, truyền thống của gia đình, truyền thống của thôn làng – phong tục tập quán. Cái gọi là phong tục tập quán được lập đi lập lại từ nhiều đời và cứ đời này đời kia lặp đi lặp lại như vậy nó tạo thành như là một văn hóa truyền thống. Vẫn biết nó không đúng, nhưng đã được gọi hai tiếng “Văn hóa”, mà hai cái chữ “Văn hóa” đó khó có thể bẻ gãy, khó có thể chuyển đổi được. Văn là văn, hóa là hóa, nói chi thì nói nếu không đúng thì dù là truyền thống văn hóa lâu đời của ông bà thì chư Phật dạy cũng phải thoát ra. Không vì chuyện ông bà làm, cha mẹ làm, tổ tiên làm sai hoàn toàn mà ta cứ tiếp tục làm. Trong đời sống, một chân lý của bậc giác ngộ đi vào lòng của một người thật là khó. Ngoài văn hóa thôn làng vùng miền, ngoài truyền thống, ngoài phong tục, ta còn có tật cố thói quen mà nhà Phật gọi là “Tập khí” – tức là một thói quen nhiều ngày nhiều năm của chúng ta. Thói quen thật khó vỡ, thật khó bẻ, thật khó chuyển hóa, ngoại trừ khi chúng ta gặp chuyện gì nguy hại vô cùng, cần đến sự giúp đỡ như trong thôn làng gặp hạn hán kia, vì mong cầu vị đạo sư khai dẫn, mượn chuyện đó để diễn giải chân lý thì người ta mới có thể dễ dàng hành động.

Mà đúng vậy, chư Phật mới nói: Ai càng đau khổ, ai càng phiền não thì “Kiến phiền não thành Bồ Đề”, có nghĩa là trong sự phiền não đau khổ đó, tâm trạng của người đó khó thật nhưng vẫn còn có cơ hội để nhìn rõ vào trong những đau khổ phiền não để thấy được chân lý chân thật. Còn những người sung sướng đầy đủ thì khó có khi nào cảm hóa được họ. Vậy nên Phật mới nói: Sinh vào kiếp người thì dễ tu dễ thành tựu, còn nếu sinh vào những cảnh giới chư Thiên chư Thần – phước báu nhiều quá, khó tu. Trong cảnh lâm nạn cùng với mọi người – hạn hán nước không có, thì dân trong thôn làng khi cầu tới sự giải thoát của một vị đạo sư thì chân lý cấm sát sanh chuyển hóa lòng đừng sát sanh, hướng tới điều thương xót chúng sanh, thì lúc đó là lúc phù hợp nhất. Dĩ nhiên khi các bạn đau khổ mới tới chùa, phiền não mới tới các thầy – đều đúng hết các bạn. Con người nếu cứ hạnh phúc hết thì không cần Phật, nếu không đau khổ thì chẳng cần Phật. Khi chúng ta đau khổ phiền não, khi chúng ta bị tuyệt vọng, chúng ta tới với Phật hoặc các đấng mình tin theo, chúng ta tới với các bậc tôn túc thì chính lúc đó nếu chúng ta biết lắng nghe thì chân lý là lúc mà ta biết lắng nghe đó sẽ được gieo trồng, được khơi mầm để chúng ta thực sự đứng dậy, thay đổi toàn diện cuộc sống của mình.

Một thói quen ăn thịt, một thói quen không bao giờ ăn chay, một thói quen cúng thần cúng thiên, giết trâu giết bò hình như vẫn còn đầy hết ở các nước Á Đông chúng ta. Cúng Bà, cúng Ông, cúng người – cúng giỗ cúng quẩy, chúng ta cũng cứ giết. Cúng cho một người để tưởng nhớ đến đấng bậc ấy thì lại sát hại đến biết bao chúng sanh khác, lâu dần thành những một thói quen và có những bữa cúng truyền thống ta cứ phải giết gà, giết vịt, thậm chí còn phải giết chó, giết mèo, giết trâu, giết bò. Rồi còn những ngày hội, biết bao nhiêu con người vui mừng nhảy múa trong khi biết bao nhiêu chúng sanh bị chết bị giết một cách thật là tàn bạo – mang chúng sanh đó ra mua vui và sau đó là đập đầu cắt cổ giết. Ôi! Thật là tội lỗi. Nói có vẻ hơi khó nghe. Là vì sao? Vì đó là truyền thống lâu đời, phong tục lâu đời, nó là một thói quen như dân thôn làng đó ăn thịt giết trâu bò là chuyện thường, nay bảo là đừng ăn thịt thì thật là khó. Các bạn, dĩ nhiên khó thật. Nhưng cái sát khí, cái năng lượng của nghiệp sát luôn luôn trổ quả thật gần – không xa. Chúng ta cứ sát hại sinh linh thường thì chúng ta sẽ gặp những tai họa tới với chúng ta thật dễ dàng. Những người gặp tai họa nhiều thường là mang nghiệp sát quá nặng – sát nhiều đời, sát truyền kiếp, sát truyền thống.

Hãy học theo bậc đạo sư, hãy lắng nghe giáo lý của Đức Phật, biết phóng sanh, biết ngưng nghiệp sát để giải hóa những tai họa đã tới, đang tới và sẽ tới với chúng ta. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts