Search

H008. Tịnh Tâm Nhận Năng Lượng Từ Bi, Hoá Giải Nghiệp Chướng, Thắp Sáng Đuốc Tuệ, An Lạc Hạnh Phúc

Bảo Nguyện đánh máy

https://youtube.com/live/LZTrTFsGdJ0

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các trang Youtube, Facebook và phòng zoom. Hôm nay thứ bảy, đến giờ tu Hành Mật Thiền tiếp nhận năng lượng để thắp sáng đuốc Tuệ, sống đời tỉnh giác và an vui hạnh phúc. Mời tất cả chúng ta đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hôm nay ngày mùng 7 Tết năm Quý Mão, thứ bảy đầu tiên của sự tu tập hành Mật Thiền Chánh Pháp Như Lai trong năm mới, chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài, gia trì cho chúng con tinh tấn tu học với tự lực miên mật để thắp sáng đuốc Tuệ, sống đời tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ vạn Pháp là vô thường – Khổ – Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho một cháu nhỏ đang lâm bệnh có đầy đủ hồng ân, phước báu, công đức để hồi hướng chuyển được thân bệnh.

Nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ.

Nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt.

Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc

Xin Chư Phật chứng minh.

Các bạn, mỗi thứ bảy chúng ta đồng tu Mật Thiền qua hơi thở của Chánh Niệm. Đầu tiên các bạn hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của bạn. Ngồi kiết già, bán già, trên tọa cụ, hoặc ngồi trên ghế phù hợp với cơ thể cho phép. Không nhất thiết phải kiết già, bán già khi cơ thể không cho phép. Miễn là bạn ngồi với tư thế thong dong và tự tại, buông lỏng toàn thân, lưng cổ và đầu giữ thẳng nhưng buông lỏng không gồng cứng, tay phải đặt lên lòng bàn tay trái đặt trên giao điểm của 2 gót chân sát vô cơ thể. Thân của chúng ta được phép 5 độ nghiêng về bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau, có nghĩa là khi tiếp nhận năng lượng thì cơ thể có thể vận hành xoay chuyển bên trái bên phải đằng trước đằng sau khoảng 5 độ. Đừng để quá nghiêng, ta sẽ bị té, ta sẽ bị lưng quá cong. Nhẹ nhàng như con thuyền ở trên dòng nước có độ nghiêng nhẹ nhàng khi sóng vỗ, ta cũng như vậy.

Khi các bạn hít vào, các bạn hít vào bằng mũi đưa hơi sâu xuống bụng dưới ở vùng đan điền khí hải dưới rốn, đó là vùng giao thoa giữa luân xa số 1 và số 2, ta gọi đó là vùng 1. Khi bạn thở ra từ từ chậm rãi và hóp bụng vào, tánh biết sự chú ý đặt giữa 2 chân mày theo dõi hơi thở đi từ vùng 1 dưới bụng lên vùng 2 là tim, sưởi ấm năng lượng của vùng tim này. Rồi tâm nhận biết nơi ấn đường lại nhận biết hơi đưa lên thở ra bằng miệng lên tới vùng 3 nơi ấn đường. Cuối cùng là vùng 4 trên bách hội. Ta chỉ cần biết rằng 4 vùng đó là nơi ta dẫn tâm từ giữa 2 chân mày chú ý vùng 1 – vùng 2 – vùng 3 – vùng 4 khi thở ra. Chánh Niệm nhưng trụ tâm ở 4 điểm, ta có thể gọi là đếm 4 số 1-2-3-4 (1 dưới bụng, 2 lên tim, 3 ở ấn đường, 4 ở bách hội). Nhưng trong Mật Thiền thay vì đếm 4 số thì ta có một mật ngôn vi diệu quán tâm Từ Bi qua 4 âm Mu A Mu Sa. Đây là mật ngôn mà chúng ta trì tụng khi thở ra trong Chánh Niệm. Mu đầu tiên ở vùng bụng – A ở vùng tim – Mu ở ấn đường –  Sa ở bách hội, Mu- A- Mu- Sa. Cứ như vậy ta thuần thục, mỗi người sẽ tiếp nhận được thật nhiều năng lượng.

Hôm nay đã thực tập được lần thứ 7, ta sẽ thực tập trì 7 biến với sự chuyển tay của mình, mời các bạn nhìn vào màn hình xem động tác tay Bảo Thành di chuyển khi thở ra, làm cho đúng để tiếp nhận được năng lượng toàn thân.

Khi các bạn hít vào đưa xuống dưới bụng, bàn tay phải đặt vào lòng bàn tày trái ngửa lên. Khi bạn thở ra, tụng Mu thì bạn đưa tay từ từ lên vùng tim, khi tụng A thì bạn úp lòng bàn tay vô trái tim (nhớ rằng 2 ngón tay cái giao đầu nhau), Mu tiếp theo thẳng hướng lên ấn đường, Sa thì bạn đưa lên trên bách hội. Và khi bạn hít vào trở lại thì bạn nhẹ nhàng vuốt 2 bàn tay xuống 2 bên tai, vuốt xuống thẳng xuống dưới rồi lại đưa bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái đưa về vị trí cũ. Nhẹ nhàng khoan thai, bàn tay không gồng cứng, tiếp nhận năng lượng và cảm ứng toàn thân. Bảo Thành nhắc lại 7 lần như vậy để các bạn làm thuần thục động tác tay – hơi thở – và mật ngôn.

Trước tiên chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, thở ra từ từ hóp bụng vào và tụng Mu thì bạn đưa hai tay từ từ lên vùng tim (nhớ rằng 2 ngón tay cái giao đầu nhau), khi tụng A thì bạn úp lòng bàn tay vô trái tim, Mu tiếp theo thẳng hướng lên ấn đường (nhớ 2 cùi chỏ trĩu xuống, không bành ngang, 2 cùi chỏ cân bằng, ngang vai, không để cao hơn vai), Sa thì bạn tiếp tục đưa lên trên, vuốt từ trán lên trên bách hội. Và khi bạn hít vào trở lại thì bạn nhẹ nhàng vuốt 2 bàn tay xuống 2 bên tai vuốt xuống thẳng xuống dưới, rồi lại đưa bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái đưa về vị trí cũ.

Tiếp tục, Mu đưa lên tim, A úp vào, Mu lên ấn đường, Sa lên bách hội. Hít vào trở lại thì bạn vuốt 2 bàn tay xuống 2 bên tai, vuốt xuống dọc 2 bên tai chứ đừng vuốt ra sau ót, vuốt xuống thẳng xuống dưới, rồi lại đưa bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái đưa về vị trí cũ.

Cứ tiếp tục thực hiện như vậy cho đủ 7 lần.

Rất quan trọng trong động tác hơi thở và tổng trì mật ngôn. Bạn nên chọn chỗ ngồi có mạng internet cho tốt và bật hình lên nếu được, để Bảo Thành nhìn động tác tay của các bạn làm có đúng hay không để mình chỉnh sửa ngay từ đầu sao cho phù hợp. Chúng ta một lần nữa hít vào phình bụng, trì Mu đưa tay lên tim, A úp vô, Mu đưa lên ấn đường, Sa lên bách hội. Hít vào vuốt 2 tay xuống trở về vị trí cũ.

Các bạn đã thuần thục, chúng ta bắt đầu thực hành. Hãy nhớ buông lỏng toàn thân, hít thở đều đặn, chậm rãi vừa sức không quá cố gắng, đừng quá căng, đừng quá yếu, vừa phải. Và khi tiếp nhận năng lượng, nếu thân bạn có rung chuyển nhẹ nhàng 5 độ nghiêng phải trái trước sau thì cứ để tự nhiên, còn 2 tay cần ứng dụng di chuyển cho đúng.

Chúng ta hít vào thở ra không trì mật chú để đề khí, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng 7 lần.

Bây giờ chúng ta sẽ làm 7 lần hít vào thở ra di chuyển tay và trì mật ngôn một cách chậm rãi, từ từ, khoan thai, nhẹ nhàng, buông thư và tiếp nhận năng lượng. Năng lượng tới với thân, cảm ứng với thân sẽ di chuyển, nhưng hãy để tự do với góc độ nghiêng 5 độ phải trái trước sau, không gồng cứng, không giữ lại, cứ buông thư.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở chậm rãi, di chuyển tay, tổng trì mật ngôn Mu – A – Mu – Sa (7 lần)

Trở về vị trí cũ, hít thở nhẹ nhàng, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, theo dõi hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, đón nhận năng lượng.

Từ chân mày, sự nhận biết quán chiếu toàn thân từ đầu tới gót chân, toàn thân buông lỏng. Hãy nghĩ về tình thương, tâm Từ Bi của Chư Phật chư Bồ Tát, mở lòng ra tiếp nhận năng lượng yêu thương ấy, để tự nhiên cho năng lượng thẩm nhập vào thân tâm như cây được tưới nước. Năng lượng tình thương tưới tẩm vào trong thân tâm, ta nghĩ tới ông bà cha mẹ, gắn kết với các đấng bậc sinh thành, hòa nhịp vào với năng lượng này lan tỏa tới vợ chồng con cái người thân, những người ta tương tác, để năng lượng Từ Bi yêu thương này gắn kết liên thông với mọi người. Tiếp nhận năng lượng từ đảnh đầu lan tỏa khắp châu thân, mở trói gỡ rối giữa các mối quan hệ trong cuộc đời từ gia đình đến xã hội, quán chiếu năng lượng ở vùng tim, mang yêu thương san sẻ lan tỏa. Từ vùng tim năng lượng này hướng tới những vết thương trong cõi lòng sâu thẳm nơi thân của ta, nơi những người ta yêu thương. Nguyện năng lượng tình thương này chữa lành tất cả mọi vết thương cho nhau.

Từ sự nhận biết giữa 2 chân mày quán chiếu năng lượng ở vùng 1 dưới rốn, năng lượng của cội nguồn sự sống khởi sinh, của nhận biết, của cảm thọ. Hãy trở về với năng lượng gốc của cội nguồn ấy, trở về với chân như tự tánh. Hãy hít vào và thở ra thật nhẹ, tiếp nhận năng lượng yêu thương của Trời Phật của vũ trụ, thắp sáng đuốc Tuệ để suy nghĩ cho sáng suốt, nhận biết mọi lầm chấp. Hãy hít vào thở ra tiếp nhận năng lượng, rải sự an lạc hạnh phúc tới muôn người muôn chúng sanh.

Bây giờ các bạn buông lỏng và lắng nghe Bảo Thành chia sẻ về ý nghĩa thực tập Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở qua sự quán chiếu mật ngôn Từ Bi Mu A Mu Sa, kích hoạt năng lượng gốc từ tự tánh chân như, khởi nguồn lan tỏa tình yêu thương, sưởi ấm trái tim và thắp sáng cái nhìn thật rõ, để cởi bỏ những sự chấp trược và gắn kết dung thông với Phật, với Bồ Tát, với vũ trụ, với trời đất không ngăn ngại. Trong Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở, ta lấy hơi thở của Chánh Niệm làm gốc, hít vào phình bụng thở ra hóp bụng, tổng trì mật ngôn quán chiếu 4 bước từ vùng luân xa số 1,2 dưới đan điền khí hải, nếu bạn ngồi xuống thì trung tâm của vùng đó là ở chỗ tiếp cận bởi gót chân và phần dưới của bạn. Vùng đó là vùng khởi nguồn năng lượng của sự sống, nơi sự giao tiếp của đốc mạch và nhâm mạch, năng lượng này rất cần được giữ gìn và lan tỏa gắn kết toàn thân, để thân và tâm, tinh thần của chúng ta không bị thiếu hụt và bị tổn thương. Do đó khi hít vào bạn đưa xuống dưới bụng, vùng số 1, hơi thở sẽ tạo thành nguồn nhiệt năng sưởi ấm vùng luân xa số 1,2 (vùng đan điền khí hải), từng bước bạn đưa 2 bàn tay lên tim tức là bạn khơi nguồn cho mạch năng lượng đó lên trên vùng tim, khi bạn úp vào thì năng lượng gốc đó sưởi ấm tim này là luân xa số 3 số 4 và số 5. Vùng năng lượng này là vùng năng lượng của trái tim, của tình yêu, của sự tha thứ, của sự chữa lành, của sự tái sanh và đứng dậy vượt qua mọi chướng ngại. Sau đó năng lượng từ vùng này sẽ được đưa lên ấn đường giữa 2 chân mày mà dân gian gọi là con mắt thứ 3 (con mắt thứ 3 ám chỉ rằng vùng này khi năng lượng được tỏa sáng thì ta có khả năng nhìn thấu mọi chấp trược của mình, ta có thể nhìn thấu mọi vấp ngã, tội lỗi, Nghiệp ác, sai lầm của chính mình), vùng này là vùng mà khi năng lượng tới thì ta có thể nhìn sâu vào nội tâm để tháo gỡ; gỡ bỏ mọi sự ràng buộc vô minh mà gây ra sự lầm chấp cột chặt mình. Sau đó năng lượng được quán chiếu lên vùng bách hội, là vùng mà ta tiếp cận với Phật, Bồ Tát, trời đất vũ trụ tận hư không pháp giới, mà người xưa gọi là trên đầu 3 tấc có thần linh; đó là ám chỉ rằng nơi đây khi năng lượng hội tụ về thì ta có khả năng dung thông với Phật, Bồ Tát, vũ trụ trời đất mênh mông. Bởi khi năng lượng tới đây, ta có một cái nhìn dung thông không ngăn ngại, tự cởi bỏ mọi ràng buộc nơi tánh chấp và năng lượng đi lên trên bách hội đảnh đầu giúp cho chúng ta có khả năng trở nên một hòa mình dung thông với tất cả. Rồi từ đó khi hít vào thì bạn đưa năng lượng từ từ xuống 2 tai, là nhĩ căn, để ta biết lắng nghe theo hạnh của Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát. Mật Thiền Chánh Niệm qua mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là Thiền quán hơi thở quán tâm Từ Bi, hạnh lắng nghe của bậc trượng sĩ Bồ Tát Quan Thế Âm, lắng nghe chính mình, từ đó tháo gỡ cho tự thân, dung thông với muôn loài, với các bậc giác ngộ. Sự tu tập như vậy mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tình thương khi dung thông trên bách hội với Phật Bồ Tát tận hư không pháp giới trời đất mênh mông vô tận không ngăn ngại. Và dần dần nhìn thấu được chính mình, gỡ bỏ để buông để xả mà sống yêu thương , chan hòa lan tỏa, để trở về cội tâm ở vùng số 1, đó là tánh Phật chân như tự tại, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, trụ vào nơi ấy để lan tỏa dung thông với trời Phật. Năng lượng siêu thế của tha lực nơi vũ trụ trời Phật hòa với năng lượng tự lực hành trì Mật Thiền, tự lực và tha lực là nguồn năng lượng vi diệu để chữa lành, để tha thứ, để nhìn thấu và để dung thông. Trong ngày đầu năm khi dung thông, ta có thể tưởng quán tới Đức Phật Đương Lai Di Lặc Tôn Phật, một vị Phật luôn mỉm cười với tam độc, với ngũ dục, nụ cười vi tiếu của bậc giác ngộ, không dính mắc, tâm đủ lớn để dung nhiếp vạn pháp thuận hay nghịch đều không có chướng ngại.

Mùng 7 đầu năm Quý Mão, sự tu tập như hôm nay để nhắc nhở chúng ta thấy rằng năng lượng của tâm Từ Bi tối quan trọng trong đời người, và sự vận hành của Mật Thiền hành trì cho đúng qua Chánh Niệm hơi thở, tổng trì mật ngôn di chuyển đôi tay để kích hoạt năng lượng từ vùng luân xa số 1, sưởi ấm vùng số 2 để mang tình yêu thương sự tha thứ chữa lành tất cả. Hãy nghĩ về tất cả những ai đang bị thương, đang bị đau ở thân và tâm, hãy mang năng lượng từ đây sưởi ấm, tha thứ và chữa lành cho nhau. Từ đó ta mang lên sự nhận thức tối cao, hiểu thấu được bản thân của những chấp thủ dính mắc ràng buộc cột trói, gỡ hết, buông hết, từ từ trở về với tận hư không pháp giới dung thông trong tình thương, nhẹ nhàng ta lắng nghe, mang năng lượng trở về với chân như. Đó là cách vận hành khí của Mật Thiền, bạn làm đúng thì bạn có một đời sống hòa hợp an lạc và hạnh phúc. Thứ bảy mỗi một tuần vào lúc 8h30 tối tại Việt Nam và 8h30 sáng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, chúng ta đều hực hành như vậy. Thật chi tiết, thật từ từ, để tất cả các bạn dù mới bắt đầu bước vào (dù đây đã là tuần thứ 7) thì chúng ta cũng hòa nhập bởi tu rất chậm rãi trong sự tinh tấn phù hợp đủ sức với mọi người, để chúng ta đồng tiến bộ trên con đường tu Mật Thiền chánh Pháp.

Buổi đồng tu ngày hôm nay, nói để chúng ta thông, hiểu thật rõ rồi. Tuy nhiên nhất định sẽ có những câu hỏi để được giải thích rõ hơn. Đây là lúc ta lắng nghe nhau. Mời các bạn đặt câu hỏi

—————————————————

Con cảm giác khi con làm động tác tay như vậy thì thân con bị nghiêng qua bên phải ạ. Con nên tập trung để điều chỉnh thân cho ngay ngắn lại hay để tự nhiên ạ.

Con có biết quả lắc của đồng hồ không, lắc qua phải qua trái. Thân ta như quả lắc đồng hồ, nó được phép lắc qua lắc lại khoảng chừng 5 độ, năng lượng tác động vào thân như quả lắc, lắc qua phải lắc qua trái. Cứ để như vậy, nhớ mềm xương cùng ra để 2 xương hông tiếp giáp với xương cùng của xương sống được buông lỏng ra, như cái trục treo quả lắc, khi nó nghiêng qua phải ta buông lỏng, bên trái thì nó lắc qua trái, qua lại qua lại, ta cứ để tự nhiên như vậy, thân ta như quả lắc. Tâm từ tánh biết nơi ấn đường vẫn nhìn thật rõ tổng thể của thân hít vào thở ra, phình bụng và hóp bụng, đưa tay lên 4 điểm. Đây là lần đầu, từ từ ta quen rồi ta biết vùng 1 là vùng khởi nguyên – gọi là nơi tận cùng, năng lượng của sự sáng tạo, năng lượng của sự hình thành, của sự khởi ra. Và ta lại tiếp tục mang năng lượng của chân như sưởi ấm trái tim này, nhìn thấu các pháp đều vô thường – Khổ – Vô Ngã, từ đó dung thông với trời đất vũ trụ, Phật, Bồ Tát, lắng nghe vạn pháp mọi hiện tượng nơi thân. Đó là cách mình nói trong tâm khi âm thầm. Còn khi mình hiểu rồi thì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là như vậy. Tiếp cận với vùng năng lượng khởi nguồn từ chân như, Phật Tánh, sưởi ấm trái tim, mang yêu thương chữa lành các vết thương, để nhìn thấu tất cả vạn pháp đều Vô Thường – Khổ – Vô Ngã, dung thông với Trời Phật, lắng nghe mọi hiện tượng, trở về với bản nguyên. Khi ta quen thuần thục tư tưởng như vậy trong hơi thở và mật ngôn, tâm ta như đất thấm được nước, tâm ta như đất nhổ được cỏ; gai; sỏi đá, bón phân; tưới tẩm; gieo mầm, mọc lên vươn lên. Cho nên thân mình bị nghiêng như quả lắc đồng hồ, cứ để tự nhiên, không cần sửa chữa. Nhưng lưu ý nếu chỉ nghiêng một bên thì bên kia ta buông lỏng ra, lúc đó quả lắc sẽ lắc qua bên kia, buông lỏng đốt xương cùng tiếp giáp với xương hông, nó mềm, nó lỏng thì năng lượng sẽ tự động lắc qua phải trái. Cứ để tự nhiên như vậy. Mô Phật.

—————————————————

Như vậy thì kể từ bây giờ, lúc chúng con ngồi Thiền thì chúng con vừa hít thở vừa làm động tác tay phải không ạ?

Đúng rồi con, con sẽ thực hành 7 lần như thầy hướng dẫn.

————————————————

Khi con làm động tác tay như Thầy hướng dẫn thì con không điều khiển được hơi thở của con ạ. Khi con vuốt tay xuống và hít vào thì con mới cảm nhận được hơi đi lên và đi xuống. Mong Thầy khai thị.

Đó là do chưa quen, lần đầu còn lúng túng, tay và hơi thở phải nhịp nhàng, mình còn đang thực tập mà. Vì vậy mình cần tập đi tập lại, hành Mật Thiền, hành là hành trì, hành là tập luyện, lặp đi lặp lại cho đến khi thuần thục. Những trở ngại này rất bình thường đối với tất cả những ai mới tập, bởi vì phải chú ý hơi thở, mật ngôn, phình bụng, hóp bụng và động tác tay. Cho nên 7 tuần qua ta chú ý hơi thở phình bụng hóp bụng, trì mật ngôn, nay đến động tác tay. Dần dần quen rồi thì sự quán chiếu như lúc nãy Bảo Thành vừa nói.

Hãy thực tập tiếp cho đến khi thuần thục bởi sự gây chú ý đó của mình giữa hơi thở và động tác tay chưa có gắn kết dung thông, do bài học này lần đầu tiên được thực hiện. Hãy thực tập nhiều sẽ quen. Chỉ là chưa quen mà thôi.

—————————————————– 

Thưa Thầy, cho tới buổi thực tập hôm nay thì con vẫn bị tê chân. Những lần thực tập trước thì con đều tê chân bên phải, và con thường kê thêm 1 cái gối dưới đầu gối chân phải của con. Bây giờ con lại bị tê sang chân trái. Con cũng làm như Thầy dặn, con mở rộng 2 đầu gối ra nhưng con vẫn bị tê. Những lúc tê như vậy thì con bị phân tâm, khó tập trung vì con bị tê đau, con phải làm sao để thay đổi tình trạng này ạ?

Tê chân là bình thường, tê chân không có chết. Nhưng vì đau, mình thương cái thân của mình nên mình gỡ chân ra, mất tập trung. Tập trung vào, cứ nhẹ nhàng hít thở, tê dần dần sẽ quen. Bất cứ một động tác nào mới thì cơ thể chúng ta cũng đều có phản ứng nhất định nào đó, nếu chúng ta nuông chiều cảm xúc đó thì dần dần chúng ta không có vững tâm để tập. Cho nên khi tê chân, bạn ngồi đúng tư thế rồi, rộng bàn chân ra một chút để xương hông mở ra, chân này đặt lên chân kia thì nó sẽ tê. Nếu bạn chỉ đặt song song như thầy đã hướng dẫn, chân nào thuận thì đưa vào trong, chân nào không thuận đưa ra ngoài, ốp sát nhưng không cần đặt lên nhau. Và khi đặt lên nhau rồi, ví dụ đặt chân trái lên chân phải thì chân phải sẽ bị đè, bị tê. Ngược lại cũng như vậy. Cho nên đặt 2 bàn chân song song nhau chứ không cần đặt lên nhau trong giai đoạn đầu. Và khi nó tê vậy thì mình cứ chú ý đến sự phình bụng và hóp bụng trong 7 biến, thực tập như vậy trong 5 phút đến 7 phút thôi. Không sao con nha, nếu tê làm mình khó chịu thì mình cứ chú tâm hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, vùng luân xa số 1 và số 2 tác động bởi phình bụng và hóp bụng sẽ giúp cho cơ thể của chúng ta từ từ được thuần hóa, sự đau đớn và tê ở chân sẽ dần dần bớt đi khi máu huyết lưu thông đủ. Cho nên cứ thực tập cho đúng, điều chỉnh cho phù hợp. Bởi chúng ta thực tập trên mạng nên Thầy không kiểm tra được chân của các bạn ngồi như thế nào, nên khi Bảo Thành nói thì các bạn nghe nhìn và làm theo cho đúng, không hiểu thì mình hỏi lỹ lại. Còn nếu như mình học hỏi và ngồi trước mặt thì Bảo Thành có thể nhìn và điều chỉnh ngay.

Như vậy sự đau đớn, tê nhức đó là rất bình thường. Cứ tu tập và điều chỉnh thế ngồi, hít thở cho đúng sẽ hết.

————————————————

Thưa Thầy, khi con hít thở trong lúc luyện tập, vùng đan điền của con nóng như lửa đốt. Mong Thầy khai thị?

Tất cả mọi hiện tượng cảm giác thì con cứ cảm giác nó thôi, đừng thắc mắc tại sao. Cứ hít thở thật đều, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu 4 vùng, cứ như vậy. Mọi hiện tượng, tánh Biết, nóng biết nóng, lạnh biết lạnh. Dùng tánh Biết trong giai đoạn đầu. Tất cả cảm thọ đều là huyễn giả, tới rồi đi, hiện hữu đó rồi mất, sanh rồi diệt, không nên trụ tâm vào nó, bám víu nó, rồi giải thích nó, hoặc gượng ép cho những điều huyền bí cao siêu, đặt để cho những ý nghĩa mơ hồ không cần thiết. Nóng biết nóng, lạnh biết lạnh, ngứa biết ngứa, đau biết đau, và hơi thở vẫn tiếp tục vào ra, chú ý đến 4 điểm đó. Mô Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts