Search

Đừng Tiếc Nuối

Bảo Giác Tường đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chua Xa Loi.

Các bạn thân mến! Cuộc đời của các bạn và Bảo Thành sẽ dài được bao nhiêu năm? 20, 40, 60, 80…những con số đó quả là phải suy nghĩ. Bởi đúng, nếu chúng ta đi ra ngoài nghĩa địa, vẫn thấy những nấm mồ xanh của tuổi trẻ nằm đầy. Người xưa nói “tóc bạc đưa người tóc xanh” là chuyện có thật, nhưng hôm nay chúng ta không nói đến tóc bạc tóc xanh mà nói đến tuổi đời của con người có sự thay đổi về tâm tánh, suy nghĩ và hành động.

Có câu chuyện kể là thành phố đó bắt đầu xây những cao ốc lớn, hai anh em nhà nọ ở trên tầng thứ 80, thang máy ngon lành. Nhưng một hôm thang máy bị chết, không có hoạt động; để có thể lên tới tầng 80, hai anh em bắt đầu đi bộ. Họ đi thật là vui vẻ, từ tầng 1, tầng 2, tầng 3, họ nói chuyện huyên thuyên, trao đổi những kinh nghiệm của ngày đã xảy ra. Hai anh em thích thú vô cùng. Và khi đi mãi, đi mãi cho đến tầng 20, họ cảm thấy những cái đồ họ vác theo nó lỉnh kỉnh, khó chịu. Và còn đến 60 tầng nữa, cho nên họ liền bỏ những đồ đó ở tầng 20, và nghĩ rằng sẽ trở lại đó lấy sau. Họ tiếp tục đi lên từ lầu 20, họ bỏ hết mọi túi xách, hành trang, nhẹ nhõm họ đi lên, họ khoan khoái, hạnh phúc. Họ tự do mà, họ đi họ nói chuyện với nhau, họ hạnh phúc vô cùng. Họ bàn đủ mọi thứ chuyện, bây giờ rảnh rỗi rồi, không còn cái gì ràng buộc ở trên đôi vai, đồ đã bỏ xuống thật nhẹ, họ bàn tán nhiều thứ chuyện lắm! Và rồi khi lên đến tầng 40, có nhiều thứ chuyện mà họ bắt đầu bàn cãi hình như đi tới sự bất đồng ý kiến, lộn xộn, nhưng họ vẫn phải đi tiếp. Cho tới tầng 60, họ bắt đầu cảm thấy khó chịu nữa, cãi cọ, không vui. Và đi tiếp, đi tiếp lên cho tới tầng thứ 66, theo bạn chỉ còn 14 tầng nữa về tới đích, cho nên họ mới nói với nhau “thôi sắp sửa tới rồi, dù chân tay rụng rời chẳng thể đi được nữa, yếu đuối lắm rồi, nhưng chẳng có gì để mà cãi nhau nữa đâu, cố gắng lên tầng để về nhà”. Hai anh em cố gắng dìu nhau, bò, riết rồi tới tầng 80. Nhìn thấy cái cửa nhà, họ hạnh phúc vô cùng. Thôi tới nhà rồi, tầng 80 là đây, lấy chìa khóa ra mở cửa vào mà tắm rửa rồi ăn uống cho khỏe, nhưng khi họ tìm hoài không thấy chìa khóa đâu, mới thấy rằng cái chìa khóa đó ở trong túi, và bỏ ở tầng 20. Hai anh em nhìn nhau một cách ngỡ ngàng kinh khủng, không biết phải làm sao, bò tới tầng 80 mà chìa khóa lại để ở tầng 20.

Các bạn thân mến! Tuổi đời của chúng ta đi vào trong kiếp người từ nhỏ cho tới 20 tuổi, ta được cha mẹ giáo dưỡng và ta phải học hành biết bao nhiêu thứ ở trong đời. Khi mới sinh ra, mớm cho ta ăn và uống sữa, mẹ đã mớm cho ta những chữ “papa” “mama”, từ những âm tự thật dễ như “a”, như “pa”, như “a” như “ma”. Chúng ta lớn lên bằng ngôn ngữ, lớn lên bằng nhận thức qua ánh mắt nhìn cha nhìn mẹ trong sự tương tác, lớn lên bằng lỗ tai biết nghe lời dạy, hiểu biết qua cách mà người trên dạy dỗ, rồi đi học cho tới lớp 12 – mười hai năm trời, học thêm đại học – bốn năm. Từ thuở mà chúng ta đi đó, cho tới 20, 21, 22, chúng ta học thật là nhiều, thu lượm biết bao nhiêu kiến thức, nhưng khi tới tuổi đó, ta bắt đầu thấy à…ta đã có tất cả rồi, thì muốn vượt qua cái có của sự ràng buộc đó để được tự tại trong cái tuổi 20 đến 40. Ta lao đầu bỏ những sự ràng buộc của cái học, để tìm những sự thích thú mới trong làm ăn, trong xây dựng, tiền tài, danh vọng và quyền lực, mạnh dữ lắm, leo dốc lên tầng thứ 40, tuổi 40. Ta bắt đầu có những sự cãi cọ, xích mích, phiền não, nhưng cuối cùng ta cũng làm được thành công.

Rồi thì sao? Khi bắt đầu bước qua tuổi 50, 60, gối mỏi, chân mòn, già yếu. Các bạn thấy không! Già yếu mà chúng ta cứ cố lê lết để đi tiếp cho tới 70, 80, chúng ta ngỡ là đã về hưu, nghỉ ngơi thoải mái rồi. Thì chính trong lứa tuổi đó, ta lại hối tiếc của cả một cái thời quá khứ, những ước mơ, rồi cứ ngồi đó mà than mà thở. Người ở tuổi lớn thì bắt đầu than thở “Giá mà trở lại tuổi 20, ta sẽ làm chuyện này, làm chuyện kia, giá mà ở tuổi 30, giá mà ở tuổi 40!”. Chắc chắn các bạn và Bảo Thành dù còn rất trẻ vẫn bị chứ chưa hẳn đợi đến 80 tuổi nghe các bạn! Cứ ngồi nuối tiếc “giá mà thuở đó, giá mà khi ta ở 10 tuổi, 20 tuổi ta làm việc này, ta làm việc kia, ta gặp người này, ta gặp người kia, ta học được cái này, học được cái kia”. Mỗi một ngày trôi qua, ta lại nuối tiếc ngày hôm qua, và cứ “giá như ngày hôm đó”, giá riết rồi chúng ta trở thành… mất giá các bạn ơi! Là vì sao? chúng ta không tự tại trong từng lứa tuổi, từng ngày, chánh niệm để sống, mà cứ “giá như hôm qua, giá như ngày trước”, để làm mất giá cuộc đời!

Cho nên các bạn thấy, khi càng lớn tuổi thì ta càng hối tiếc những chuyện đã qua, và chúng ta không sống được bình an, dù chúng ta cố gắng leo lên tầng 80, gọi là 80 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi. Lớn lên một chút là có tuổi thọ, gối mỏi chân mềm, người rụng rời nhưng ta vẫn phải đi.

Nếu như không có tâm trạng hối tiếc cho những ngày tháng trôi qua mà biết sống tận hưởng những giây phút thoải mái, bình yên trong hiện tại, thì mỗi một ngày trôi qua là một sự kỳ diệu của đời người, dù vẫn biết lớn lên cần phải học, cần phải nghiên cứu, cần phải có kiến thức để thành công, nuôi dưỡng trong cuộc đời từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Nhưng khi lớn rồi, đúng, ta chẳng cần phải mang theo, chỉ cần rằng chúng ta sống trong bình an và hạnh phúc, hiểu được từng lứa tuổi trôi qua, biết phải làm gì và sống thực tế trong lứa tuổi đó, đừng hối tiếc, đừng có “giá như”. Biết bao nhiêu cái “giá như”, “giá như thuở đó ta làm việc này, giá như thuở đó ta gặp nhau, giá như thuở đó ta ăn ở với nhau, ta lấy nhau, ta thành công, giá như ngày đó ta quyết định như vậy”. Ta cứ “giá” hoài, ta cứ “giá” để làm mất giá cuộc đời, ta cứ “giá” để đơn độc, lẻ loi, ở giá một mình suốt cuộc đời. Bởi vì cứ than phiền, trách cứ những chuyện ta bỏ lại trong quá khứ mà chẳng tận huởng từng giây phút tuyệt vời, kỳ diệu, màu nhiệm trong cuộc sống của từng lứa tuổi.

Đức Phật dạy: không cần biết các bạn sống 100 năm như thế nào, nhưng quan niệm của Phật là gì? Dù sống chỉ một giây, một ngày mà hiểu thấu được nhân quả thiện ác, sống trong an bình còn quý hơn sống cả trăm năm mà chẳng biết được nhân quả thiện ác, sống trong sự hối tiếc của những tháng ngày đã qua. Do đó, giá trị một đời người chẳng có ngắn hoặc dài dựa trên đó để mà nói, nhưng giá trị của một con người nói đến sự hạnh phúc và bình an, sự sống ngay trong hiện tại, tận hưởng những điều đang có, sống an vui với mọi người.

Chúng ta đi lên tới lầu số mấy đây của cuộc đời? Cuộc đời có bao nhiêu lầu để chúng ta bước lên. Vẫn biết bước lên càng cao, tuổi đời càng lớn, chúng ta có sự mệt mỏi và có sự suy nghĩ trở lại thời trai trẻ, hoặc thuở còn trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng, cuộc đời của chúng ta không thể bỏ tất cả ở tuổi trẻ để rồi nuối tiếc, bởi vì mỗi một lứa tuổi cần trang bị cho mình một kiến thức và hành trang đi vào. Cho nên để trang bị một hành trang mới, ta phải bỏ đi những thứ không cần thiết. Những gì đã bỏ lại ở tầng 20, tầng 30, tầng 40, tầng 50, 60…đừng bao giờ hối tiếc khi chúng ta đã vượt qua cái tầng đó, để rồi tới tầng cao hơn lại nghĩ về cái tầng 20 bỏ lại những hành trang quên cả chìa khóa mở cửa.

Mỗi một đời người là một chuyến đi dài. Mỗi một tầng có một cái cửa để mở, ngưỡng cửa mở ra trên tầng đó, trên từng nấc thang đó có giá trị tuyệt hảo đối với chúng ta khi hiện diện ở tầng đó. Hãy sống trân quý từng giây phút đang sống trong hiện tại, đừng nuối tiếc mà cứ “giá như” để biến mình trở thành vô giá. Hãy sống có giá trị thực tế trong từng giây phút đang hít thở, và hưởng hạnh phúc hiện tại ngay đó, những gì đã qua đừng hối tiếc, đừng “giá như”. Hãy nâng giá trị của cuộc đời bằng hạnh phúc thực sự sống trong chánh niệm.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts