Search

Miếng Thịt Heo Và Đạo Sĩ

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.

Các bạn. Nếu như chúng ta biết sống hài hòa giữa chân lý và tình người, chắc có lẽ ai cũng hạnh phúc thôi. Nhưng khó phải không các bạn, bởi đôi khi chúng ta quá cứng ngắt giữa chân lý, giữa luật, để rồi khô khan tình người. Luật, lý và tình phải hài hòa, phải chịu suy nghĩ chút xíu, để cân bằng nó trong những sự việc mà đôi khi chúng ta phải nhìn rõ, nhìn thấu cho nó nhẹ nhàng. Còn nếu như chúng ta quên tình người mà khư khư ôm lấy giới luật, chân lý, thì con người thật khó sống. Và rồi nếu chúng ta cứ khư khư ôm lấy tình người, mà quên chân lý, quên luật lệ trong cuộc sống chúng ta sẽ hư.

Để sống được thật sự, chúng ta phải học, phải khéo, không thể tự nhiên mà nó tới. Cái gì cũng phải học, phải để ý, phải huân tập. Cuộc sống không có gì tự nhiên chui ra, để rồi tận hưởng. Có chăng là phước báu kiếp trước chúng ta đã tu, nay nó vốn mang được theo, cần phải tu luyện thêm để khai mở.

Có câu chuyện kể: Một vị Đạo sĩ cao tăng, cùng với một chú đệ tử, đi tới nhà một đại thí chủ, để đón nhận sự cúng dường. Sau buổi lễ ban phép gia trì cho Đại Thí chủ đó. Thông thường sau khi vị Đạo sĩ Cao tăng và đệ tử đã làm lễ gia trì cho Đại Thí chủ kia, thường được mời lại ăn một bữa cơm chay. Hôm đó vị Cao tăng và đệ tử được mời ăn bữa cơm chay trước khi đi về. Trong bữa cơm đó, Đại Thí chủ cho người đầu bếp trong nhà chuẩn bị sửa soạn một bàn cơm chay cho hai Thầy trò, để tri ơn công đức vị Đạo sĩ và đệ tử đã tới gia trì cho ngôi nhà của mình.

Trong lúc đang ăn, người đệ tử nhìn thấy trong dĩa đồ ăn chay, lại có một miếng thịt heo lớn ở trong, chú ta liền lấy đũa khều phơi lên trên. Vị Đạo sĩ Cao tăng kia liền lấy đũa của mình vùi xuống dưới. Người đệ tử thấy ngộ, ý của mình là phải khơi lên trên, khều nó lên, moi nó lên, đặt nó lên phía trước, ở bên trên, để cho Đại Thí chủ nhìn thấy, để hiểu rằng Thầy trò chúng tôi ăn chay, sao người đầu bếp lại nhét thịt vô đây, cố tình chơi xấu hay sao. Chú đệ tử thấy khó chịu quá, lại lấy đũa khều lên lần nữa, mang nó lên trên, để Đại Thí chủ bước tới nhìn. Vị Đạo sĩ Cao tăng kia, lại lấy đũa vùi xuống dưới che lấp thịt. Sau ba lần như vậy vị Đạo sĩ mới nói với đệ tử rằng: Con mà khơi nó dậy, khều nó lên đặt lên trên là Thầy phải ăn miếng thịt này thôi. Chú đệ tử thấy như vậy, nếu ta cứ làm, thì hóa ra Sư phụ sẽ ăn miếng thịt heo, cho nên đành để cho Sư phụ vùi xuống dưới.

Sau bữa ăn hai Thầy trò đi về, đệ tử mới hỏi Sư phụ Đạo sĩ Cao tăng: Thưa Ngài, Ngài dạy con ăn chay, Thầy cũng ăn chay nhiều năm rồi. Hôm nay chúng ta cúng cho nhà Đại Thí chủ kia bằng tâm tốt, để gia trì cho ngôi nhà. Những người trong nhà bếp biết Thầy trò chúng ta ăn chay, cố tình trêu nhét miếng thịt heo vô, để chúng ta phạm giới. Con khơi nó lên trên là để cho Đại Thí chủ biết được, mà la rầy nhà bếp, không được làm những chuyện trái phép như thế với Thầy trò chúng ta.

Vị Sư phụ Cao Tăng nói với đệ tử rằng: Con ơi, đó là lý con nói đúng, nhưng ở đây còn có tình người. Nếu như con thấy họ sai, cố tình làm sai, con lại moi, phơi bày cho mọi người thấy, cho Đại Thí chủ thấy, thì con nghĩ người nhà bếp kia sẽ ra sao. Họ sẽ bị chừi mắng, thậm chí có thể bị đánh đập và đuổi việc.

Vì chân lý ăn chay của chúng ta, làm cho một người bị chửi, bị đánh đập, bị đuổi mất việc. Biết đâu người làm bếp đang nuôi cha mẹ già, vợ con, những người lệ thuộc vào. Thế rồi chỉ vì họ cố tình hay vô tình mà bị đánh đập, bị đuổi, bị chửi, để mất tất cả không.

Lý là chân lý chúng ta không thể rời, nhưng tình người suy nghĩ kỹ, có những trường hợp nhìn thấy như vậy, chúng ta du di bỏ qua, một miếng thịt heo vô tình hay cố tình, cũng không vì thế mà chúng ta đánh mất đi tình người. Chân lý ở trong trái tim và trí tuệ, chẳng phải nơi cái dĩa có miếng thịt heo ẩn náu, để rồi khi thấy sự sai trái của nhà bếp, thì chúng ta, Thầy và con, moi móc nó ra, khơi lên cho mọi người thấy, con nhớ điều đó. Người đệ tử nghe xong thấm nhuần lời dạy của Sư phụ quì lạy và xin sám hối.

Các bạn, đó là tình nghĩa Thầy trò, hiểu thấu chân lý và tình người trong cuộc sống của chúng ta. Thói quen của mỗi người là thích moi móc cái sai của người khác ra, phơi bày cho toàn xã hội, toàn thế giới thấy.  Chúng ta hả hê bởi vì mang điều sai trái của người khác, phô trương ra cho mọi người thấy, nhưng chúng ta không học được dĩ nhiên những điều sai của họ là sai đó đối với suy nghĩ của chúng ta, đối với chân lý của cuộc đời, với luân lý của xã hội.

Nhưng nhớ như vị Đạo sĩ kia dạy cho đệ tử của mình: cái sai của người dù cố tình hay vô tình, chúng ta cũng tránh vấn đề moi móc cho cả thế giới biết, moi nó lên đặt vào chỗ cho cả bàn dân thiên hạ thấy có lợi lạc gì đâu! Anh nhà bếp kia sẽ thấy được miếng thịt heo dấu ở dưới và sẽ nhận ra sự khéo léo của hai Thầy trò, đã không khơi dậy, vẫn ăn vẫn hưởng dụng. Nếu anh ta cố tình vào trong nhà bếp sau khi dọn, nhận ra nhất định sẽ sửa. Nếu anh ta vô tình anh sẽ hổ thẹn mà cẩn thận hơn.

Cuộc sống cũng như thế, lòng bao dung và tha thứ, hiểu được giữa chân lý và tình người, sẽ giúp cho chúng ta sống hạnh phúc hơn, giúp cho những người nếu lỡ vô tình hay cố tình làm sai trong cuộc đời, sẽ còn có cách nhận định để sửa. Bởi ở trên đời ai mà không sai. Đừng học theo cách quên mất tình người, mà cứ moi móc cái sai, cái lỗi của người, để phơi bày cho cả thế giới thấy.

Ngày nay phương tiện kinh khủng lắm, chúng ta đôi khi thật là nhẹ, chụp một tấm hình sai, một câu, một đoạn video sai, thảy lên trên mạng, đưa lên facebook. Ôi xong rồi, toang hết, cuộc đời của một con người có thể bị tàn rụi ngay chỗ đó, mà chúng ta không tìm hiểu, lỗi lầm đó ai cũng có, và sự sai trái đó ai cũng vậy. Nguyên nhân là họ cố tình hay vô tình không quan trọng. Quan trọng là chúng ta phải nhận thấy, chúng ta và mọi người đều có lúc sai. Vậy hãy mở rộng cánh cửa để mỗi người chúng ta có cơ hội thay đổi. Đừng vì một phút sai lầm của người này, mà chúng ta làm toang cuộc đời họ, bằng cách phơi bày lên trên các trang mạng truyền thông, hoặc chuyển tin từ người này qua kẻ khác, theo phương pháp gọi là thị phi qúa đáng, nguy hiểm, chúng ta đã giết chết một con người.

Thế giới ngày nay những chuyện như vậy thường xảy ra. Người học Phật chúng ta cẩn thận một chút xíu, để tăng phước báu cho mình, và tạo một nhân tốt cho người đã sai, bằng vô tình hay cố tình, có cơ hội tái sinh trở lại để thay đổi. Ai cũng sai và sai thật nhiều. Ai cũng có cơ hội và được quyền có cơ hội để sửa, hoàn thiện cuộc sống của mỗi người. Đừng tưởng mình là ông tòa phán xét, để khi nhìn thấy sai mà đâm mà thọc, mà bươi mà bới, mà phô trương như vậy hại đến biết bao con người rồi.

Chúng ta nhớ thời đại này hay, tốt, nhưng cũng xấu. Nếu chúng ta không cặn kẽ suy nghĩ, thì một câu chuyện vô tình, đơn giản, nhẹ nhàng cũng có thể giết hại một người. Có biết bao em vì sơ ý một chuyện gì đó, rồi những chuyện của các em bị phơi bày trên thế giới, các em đó bị tự kỷ, buồn bã, sẽ tự tử hại thân hại đời.

Các bạn nhớ đừng làm như vậy, chỉ là một miếng thịt heo vô ý, trong cái chén đĩa đồ ăn, không có gì phải bới phải moi, phải phơi bày lên phía trước. Cuộc đời có những chuyện vô ý, mà cũng có những chuyện cố ý, nhưng không nhất thiết đâu.

Tình thương yêu, lòng bao dung của năng lượng cảnh tỉnh giúp người ta sửa đổi. Còn không chúng ta đã vô tình biến họ thành kẻ thù, thành oan gia trái chủ của chúng ta.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts