Search

Giác Ngộ Rồi Cũng Vậy

Bảo Giác Tường đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành chào các bạn! Chúng ta đang gặp nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chua Xa Loi.

Mỗi ngày trôi qua biết bao nhiêu điều kỳ diệu đang xảy ra trước mắt. Mỗi một ngày trôi qua, biết bao nhiêu bài học Bảo Thành và các bạn học hỏi được ở trong đời. Cuộc đời cần phải học, học từ những kinh nghiệm và sự trải nghiệm trong cuộc sống, học từ những chuyện mà chúng ta thấy hằng ngày. Chúng ta học ở trong trường học, học ở nơi chánh điện, nơi chùa chiền, học ở nơi kinh sách, băng dĩa, truyền hình, học trong những hành động, nghĩa cử mà chúng ta đối xử với mọi người, học trong sự tương tác cũng như tất cả mọi hiện tượng ở trong đời…, điều gì cũng có thể học. Cho nên Bảo Thành và các bạn không nên chỉ gói sự học ở trong môi trường gọi là phải đi vào trường. Cái gọi là trường, trường đời hay trường học đều có thật nhiều những bài học. Để gọi là thầy đứng trên bục giảng hay đứng trên đường đời cũng đều có thể dạy cho chúng ta những bài học tuyệt vời. Nếu nhận thức ra được, chúng ta sẽ thành công đó. Còn nếu không nhận thức ra, thì chúng ta chẳng học được gì. Học, học mãi, học ở đâu? Học ở ngay trong cuộc đời bằng sự trải nghiệm và sự thành tựu của những kiến thức đó, nhất định sẽ mang lại sự bình an cho chúng ta.

Hôm nay Bảo Thành có một câu chuyện thiền, rằng một lão hòa thượng thiền sư có một người phật tử ở xa tới, ngồi uống trà với lão hòa thượng thiền sư. Uống xong ly trà, người phật tử ở xa đó mới nói với hòa thượng thiền sư rằng “Thưa hòa thượng thiền sư, trước khi ngài đi tu, ngài làm cái gì?”. Hòa thượng thiền sư mới nói “À…phật tử ơi, trước khi ta đi tu, ta đi đốn củi, ta đi gánh nước và ta nấu cơm”. Người phật tử suy nghĩ một hồi, nhận thức cho rõ công việc của vị hòa thượng thiền sư đã làm hồi xưa, trước khi đi tu, và rồi hỏi hòa thượng thiền sư “vậy thì sau khi thiền sư đã đi tu, chứng đắc rồi, thành đạo rồi, hòa thượng thiền sư làm cái gì?”. Hòa thượng thiền sư nói “À…sau khi tu, được gọi là chứng đắc và thành tựu như người vừa nói, ta vẫn đi đốn củi, ta vẫn đi gánh nước, ta vẫn đi nấu cơm, vẫn như xưa”. Người phật tử trố mắt lên nói “Ôi cha, sao hòa thượng thiền sư lại như vậy, trước khi đi tu cũng đốn củi, gánh nước, nấu cơm; sau khi đi tu thành hòa thượng chứng đắc rồi cũng lại đốn củi, gánh nước, nấu cơm là sao vậy hòa thượng?”. Vị hòa thượng này mới mỉm cười, nói rằng “Trước khi ta đi tu, ta đốn củi thì ta lại nghĩ đến chuyện phải đi gánh nước, khi ta gánh nước ta lại nghĩ ta lại nghĩ đến chuyện phải đi nấu cơm, làm cái này nghĩ đến cái kia, tâm chạy lung tung hết, mệt lắm. Nhưng khi ta đi tu thành hòa thượng, cái ngươi gọi là ta đã giác ngộ đó, ta cũng đi đốn củi, gánh nước, nấu cơm, nhưng lúc này ta đi đốn củi ta biết ta đang đốn củi và ta đang đốn củi vậy thôi. Đến khi ta gánh nước, ta biết ta gánh nước, ta đang ở chỗ gánh nước. Đến khi ta nấu cơm, ta biết ta nấu cơm, ta ở chỗ nấu cơm. Sự khác biệt trước kia là ta đốn củi – ta nghĩ đến gánh nước, ta gánh nước – ta nghĩ đến nấu cơm. Sau khi đó, đi tu, gọi là chứng ngộ, đốn củi – biết đốn củi, gánh nước – biết gánh nước, nấu cơm – biết nấu cơm”.

Lúc này người phật tử kia mới hiểu ra “À…cái khác biệt trước và sau của hòa thượng thiền sư là biết chứ ko lăng nhăng như con khỉ”. Anh ta mỉm cười, xá một lạy như thủ đắc lời giải thích và chứng ngộ của một vị hòa thượng thiền sư, anh ta ngưỡng mộ vô cùng.

Các bạn! Cuộc sống của chúng ta cũng như thế, để trở thành một vị hòa thượng thiền sư, các bạn không nhất thiết phải bỏ cuộc đời vào chùa đâu. Chúng ta cũng có thể trở thành một hành giả, tu luyện thiền theo lời của Phật dạy ngay ở trong cái địa vị cuộc đời các bạn đang có, trong xã hội phật tử tại gia ta vẫn làm được. Nhớ lời của hòa thượng kia dạy, người tu trước và sau khác ở chỗ tánh biết. Ở trong đời các bạn làm việc này thì nghĩ đến việc kia, đang ăn món này lại nghĩ đến món khác, đang sống ngày hôm nay lại nghĩ đến ngày mai, đang gặp người này lại nghĩ đến người kia, đang ngủ ở trên giường thì nghĩ đến thức, mà đang thức lại nghĩ đến ngủ.

Chúng ta cứ rượt đuổi theo những chuyện chưa tới, chẳng biết dừng lại trong chánh niệm để biết nhận thức ngay giây phút đó để sống. Vậy thì đâu cần phải có được cái tên tuổi, địa vị như một vị hòa thượng thiền sư đâu, chỉ cần có được tánh biết, làm việc gì tâm ở đó, biết việc đó, thì chẳng khác gì địa vị là hòa thượng thiền sư ở trong chùa. Lời của Phật dạy không biến mọi người trở thành thiền sư hòa thượng, trở thành các vị xuất sĩ ở trong chùa, mà lời của Phật dạy là muốn biến chuyển chúng ta từ chỗ rượt đuổi theo tương lai, dừng lại với tánh biết, thấy ngay trong hiện tại, khổ đau sẽ lìa xa, hạnh phúc sẽ hiện tiền, thì có cần phân biệt địa vị là hòa thượng thiền sư xuất sĩ trong chùa hay phật tử tại gia là người bình thường không? Không! Hết khổ, hết phiền não, hạnh phúc với bất cứ một địa vị nào trong xã hội cũng đều giống nhau không khác biệt.

Và câu hỏi rằng: làm sao chúng ta có thể có được tánh biết và dừng sự rượt đuổi theo những vọng tưởng, hư ảo của tương lai? Không thể chỉ nói như vậy mà thành công. Phải thực tập!  Vị hòa thượng thiền sư kia thực tập như thế nào để có thể dừng lại ngay trong chánh niệm, biết những việc đang làm, lúc đó, tại đó và tại đây? Ngài thực tập một đời sống chánh niệm trong công việc hằng ngày, ngài là người đi đốn củi, gánh nước, nấu cơm. Ngài thực tập tánh biết, tức là khi ngài đốn củi – ngài biết ngài đang đốn củi, ngài gánh nước – ngài biết ngài gánh nước, ngài giữ cái tâm lại trong công việc đó, ngài hít thở và nhận định, nói rằng “ta đang đốn củi, ta đang đốn củi”, tánh biết nó liền dừng lại trong tư tưởng tự thuần thục tâm của mình “ta đang đốn củi”. Khi gánh nước ngài liền nói “ta đang gánh nước”, những chữ “ta đang gánh nước” đó nó giúp cho chúng ta thuần phục và giữ tâm của chính mình ở trong chỗ gánh nước, nấu cơm cũng như vậy. Và sự thực tập miên mật “ta đang đốn củi” rồi “ta đang gánh nước”, rồi “ta đang nấu cơm”, cứ “đang đốn củi, gánh nước, nấu cơm”, chánh niệm trong mọi sinh hoạt hằng ngày, lâu dần hòa thượng thiền sư đã đang biết mình đốn củi, đang biết mình gánh nước, đang biết mình nấu cơm.

Làm việc gì, ở ngay chỗ đó, biết ở chỗ đó. Những chuyện rất bình thường nhiệm màu lắm các bạn. Đừng mong cầu những phương pháp vi diệu cao siêu, cứ thực hành đơn giản như vậy đi, làm việc gì biết việc đó. Nếu tâm chạy lung tung thì nhắc rằng ta đang làm việc này. “Ta đang đốn củi, ta đang đốn củi, ta đang đốn củi”… niệm niệm nhắc nhở cái tâm, tức là từng giây nhắc nhở “ta đang đốn củi, ta đang đốn củi”. Phương pháp đơn giản nhưng mà nó hữu hiệu, nó có áp phê các bạn ơi. Các bạn nói “À…ta đang làm cái này, ta đang đốn củi” thì tâm liền dừng ngay.

Các bạn thử đi! Sau này các bạn đang làm gì, đang rót nước mà cái tâm chạy ra ngoài đường, hoặc đang nói chuyện này mà nó nhảy qua chuyện kia, các bạn tập nhìn, khi các bạn nói chuyện với người này người kia về một chủ đề nào đó, các bạn tập trung ta đang nói chủ đề này, ta đang nói về đốn củi, ta đang nói về gánh nước, ta đang nói về nấu cơm. Bằng cách nhẩm ở trong tâm mình “À… đang đốn củi, đang gánh nước, đang nấu cơm”. Lặp đi lặp lại nhiều lần, đến khi cái tâm nó yên ắng thì chúng ta chú tâm vào công việc đó, nếu mà cái tâm nó nhảy loạn lung tung chỗ khác, ta lại phải tự nhắc “À…ta đang đốn củi, ta đang đốn củi”. Bạn cứ lặp lại như vậy đi!

Đây là phương pháp thuần hóa và giữ tâm trụ lại trong tánh biết nơi mọi công việc các bạn làm, phương pháp đơn giản. Từ đây, các bạn ở trong đời là phật tử tại gia, dưới mọi công việc sinh hoạt hằng ngày, nếu các bạn tự nhắc nhở tâm của mình đang làm việc đó, đang nấu cơm, đang nói chuyện với con, đang học bài, đang nói chuyện với vợ, đang ăn uống bữa tối bữa sáng, đang giao tiếp với bạn bè, đang đánh cờ với mọi người. Bạn chỉ cần nói “à…ta đang ở đây, đang làm việc này” lặp lại nhiều lần, cho đến khi tâm chú ý đến việc đó hiện tại, thì tánh biết của các bạn sẽ được kích hoạt. Khi tánh biết được kích hoạt, cuộc sống sẽ an vui, bao nhiêu sự phiền não sẽ không còn nhiều!

Các bạn! Chúng ta hãy cùng nhau thực tập để có được như vị hòa thượng thiền sư, trước sau vẫn công việc đó, khác biệt chỉ là chữ “biết”. Chữ “biết” rất quan trọng mà Đức Phật trao truyền lại cho chúng ta. Tánh biết rất quan trọng, nó làm cho chúng ta hết khổ, hết phiền não, tăng trưởng sự bình an và hạnh phúc.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts