Search

Dung Thứ Đúng Pháp

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Các bạn thân mến, ở trên đời này, ai trong chúng ta khi thấy ai đó xúc phạm đến mình cũng vội vàng phán xét, kết án và trừng trị kẻ đó. Dĩ nhiên ai xúc phạm đến ta thì là đúng rồi, phải bị trừng trị mà thôi. Nhưng cũng có những lúc ở hoàn cảnh mà người xúc phạm đến ta không tự chủ được thì ta phải cố gắng coi xét lại, dung thứ một chút để qua đó họ thấy được lòng vị tha của ta mà biết cải sửa cho đúng mực. Các bạn, có một câu chuyện Bảo Thành muốn kể để từ đó chúng ta suy nghĩ đôi chút về sự dung thứ trong cuộc đời, khi không cần thiết việc gì cũng phải truy xét cho tận cùng, để phán xét và kết tội người ta đã phạm đến mình đâu.

Có một ông vua, ông ta mở một buổi yến tiệc mời các quan thần và các cung nữ trong triều đình cùng ăn uống. Vào đêm đó, nến được thắp lên để mọi người cùng ăn – đại tiệc do nhà vua mở mà. Linh đình đông đảo quần thần, mọi người ai ai tới cũng hoan hỉ. Cung nữ của nhà vua cũng tới – những cung nữ đẹp, và thân chinh biết bao nhiêu quan văn võ trong triều đình đều hội tụ dự yến tiệc, vui biết bao. Đang trong buổi tiệc vui như vậy đó thì có một cơn gió thật là mạnh thổi ngang qua làm cho tất cả những ngọn nến bị tắt đi – đen tối. Trong khoảng thời gian dài tối đen do nến bị tắt lịm chờ gia nhân thắp nến trở lại, thì có một cung nữ tới tâu với vua rằng “Thưa vua, nến đã bị tắt tối đen như thế, trong đêm chập choạng như vậy có một tên quan lại đã mò mẫm và bứt đứt cúc áo của thần thiếp, thần thiếp thấy hổ thẹn vô cùng. Xin bệ hạ hãy truy tìm người đó và trừng trị ngay”. Khi nến được thắp sáng trở lại và mọi người đều ngỡ ngàng bởi vì vua thấy không phải ai cũng đứt một cúc áo như cung nữ kia mà thấy tất cả các quan triều thần đều có một cúc áo bị đứt. Cung nữ thắc mắc với vua rằng sao lại có hiện tượng như vậy. Vua không truy tìm người đi giựt đứt cúc áo của cung nữ đó mà lại còn làm đứt cúc của mọi người nữa thì làm sao biết. Vua mới nói với người cung nữ đó rằng “Trong khi nến chưa được thắp lại Trẫm đã truyền lệnh thật nhẹ nhàng cho tất cả mọi người đều phải bứt đi một cúc trên áo của mình. Cung nữ giận dữ và hỏi rằng tại sao như thế. Vua mới nói với cung nữ này “ Trong lúc yến tiệc say sưa như vậy, ai cũng say hết rồi và gió lại thổi tắt nến, quờ quạng trong đêm tối, biết bao con người say không làm chủ trong đêm tối mò mẫm có thể va chạm và gây ra lầm lỗi. Trẫm là người có trí tuệ sao lại đi bắt những kẻ mù quờ quạng trong đêm tối khi đã say và nến đã tắt? Thay vì Trẫm không cần biết là tốt hơn đi truy tìm những người sai trong lúc họ đã say. Như vậy thì vị cung nữ kia buồn lắm, nhưng vị vua thấy cách đối xử của mình phù hợp với nhân tình với quan, với hoàn cảnh nên hoan hỉ sống và tiếp tục an vui với mọi quần thần. Thế rồi trải qua một thời gian sau, có một cuộc chiến xảy ra do bên nước láng giềng lấn át, xua quân qua đánh tới tấp. Nhà vua gần như sắp sửa phải quy hàng còn các quần thần đã bỏ vua chạy hết rồi, không còn ai sẵn sàng ra bảo vệ vua nữa. Nhưng bất ngờ có một vị quan trẻ lúc đó xông pha ra, mang binh lính dũng lực toàn thân, chết không sợ nên đã đánh đuổi được nước láng giềng trở về bờ cõi của họ và làm cho cuộc chiến ngừng tại chỗ, bảo vệ được ngai vàng của vua. Vua cảm động vô cùng và tán dương công đức của vị quan võ còn trẻ như thế mà có tài đức, không sợ chết mà bỏ trốn sẵn sàng bảo vệ và xông pha. Trong khi tán thán công hạnh và trao cho nhiều phần thưởng cao quý, vua mới hỏi “Hãy cho Trẫm biết ngươi là ai?” Vị quan đó đã quỳ xuống trước vua và tâu rằng “Thần chính là vị quan trẻ năm xưa trong buổi yếu tiệc mà gió thổi tắt hết nến, thần đã say sưa sơ ý đã té chạm vào cung nữ và làm đứt cúc nhưng vua đã tha thứ không truy cứu nên thần biết ơn vô cùng. Thấy giặc ngoài xâm chiếm, thần không thể làm ngơ đứng nhìn vì ân nghĩa vua đã ban tặng nên sẵn sàng xả thân cứu vua”. Nghe thế nhà vua xúc động vô cùng và thấy rằng trong những hoàn cảnh sai trái – chẳng phải cố tình, nếu biết dung thứ một chút người ta thấy sự đại lượng của mình, sẽ có một sự cống hiến đặc biệt. Bởi vì trong đêm tối thêm vào sự say sưa chẳng phải cố tình sai phạm mà chỉ sơ ý mà thôi.

Các bạn, câu chuyện nó như vậy đó các bạn. Nhưng ở đời chúng ta không có như vị vua đó đâu. Chuyện chẳng phải của ta và ta cũng chẳng phải là vua, ta cũng chẳng phải là quan thần, ta cũng chẳng phải là những vị tòa án để xét xử. Thế nhưng nếu có những ai đó mà nói với chúng ta về một người thứ ba đã xúc phạm đến họ thì ta ra mặt như vua vậy, ta ra mặt như ông quan tòa, ta xử cho tới chết, ta rêu rao câu chuyện đó, ta loan tin câu chuyện đó, rồi ta cố tìm ra những những chứng cớ mà ta chẳng biết đúng hay không? Toàn là giả dối mà do cái tâm của ta cố tình tạo dựng lên để cho phù hợp với điều ta đã được nghe để kết tội người ta. Đó là chuyện mà không phải là chuyện của ta đó, huống hồ chi là chuyện của ta khi ai đó xúc phạm. Ta chẳng bao giờ suy xét đến nhân duyên theo như nhân quả của Phật đã dạy. Chúng ta đã tạo ra nhân đó trong kiếp nào để rồi kiếp này phù hợp với nhân duyên, phù hợp với nhân quả và hoàn cảnh nó lại xảy ra với chúng ta. Nhưng khi nó xảy ra với chúng ta, chúng ta lại muốn đưa mình lên một phẩm giá quá cao để rồi truy cho cùng, giết cho tận tất cả những ai đã xúc phạm đến ta. Thế nên cuộc đời ta đã giành quá nhiều thời gian và năng lượng để truy tìm những người phạm đến ta để mà trù dập họ, để mang họ ra trước công chúng tòa án mà chẳng bao giờ suy xét. Có những người ta cho rằng họ phạm đến mình – một là nghiệp do chính ta tạo ra, hai là do sự sơ ý của những nhân duyên tác động trong một môi trường u tối hoặc đã say sưa bởi men rượu. Khi con người say thì đâu thể làm chủ mà nhất là khi màn đêm buông xuống thì ai có thể biết được. Vô minh là vốn liếng bởi đó mà chúng ta sinh ra làm người. Cho nên khi chúng ta bị vô minh dẫn thường tạo ra những lầm lỗi. Nhưng chúng ta học hạnh tha thứ của Phật, học hạnh bao dung của đất như Phật dạy thì những lầm lỗi của người ta cũng cố gắng bao dung lấy họ như ông vua kia đã nghỉ ra một kế – trong đêm tối ra lệnh cho mọi người phải bứt bỏ một cái cúc, để rồi vị cung nữ kia thấy ai cũng bị đứt cúc giống mình nên chẳng truy cứu nữa. Biết rằng thực sự có người xàm sỡ nhưng ai cũng đứt cúc rồi bây giờ truy cứu sao đây? Nhưng nghĩa cử biết tha thứ, biết dung thứ của vị vua đó đã tạo nên một vị anh hùng trung quân vị quốc mà vong thân cũng chẳng sợ, nên đã cứu được vua trong lúc nguy nan và mang lại sự bình ổn cho đất nước, biết bao nhiêu dân chúng không phải chết. Chúng ta thấy một lần có thể tha thứ cho người phạm đến ta là tiếp cho họ một nguồn năng lượng vô biên để họ có thể đứng dậy, để cải hóa cuộc đời, để chuyển hóa cuộc đời của họ. Thay vì sự lầm lỗi trong sơ ý, trong hoàn cảnh của vô minh dẫn, trong hoàn cảnh của nghiệp lực khó kềm, ta có thể tha thứ để tiếp đuốc cho họ sáng cái tâm để họ có thể vươn tới một cảnh giới cao hơn hoàn thiện cuộc sống. Vẫn tốt hơn là ta truy cứu cho tận cùng để nhốt họ vào sự đen tối của ngục tù trần gian hay tâm thức khị bị đưa ra ánh sáng trong sự sơ ý đó. Cuộc đời mà, ta cũng thật nhiều lần sơ ý, ta cũng thật nhiều lần bị vô minh dẫn, ta cũng thật nhiều lần phạm lỗi, ta cũng thật nhiều lần tội lỗi tội lỗi, hết lần này đến lần khác. Bao nhiêu con người như cha mẹ, như những người thân đã tha thứ cho ta để rồi ngày hôm nay ta sống tốt hơn thì có những con người khi phạm đến ta, nhớ nếu những điều đó không có gì nguy hại đến mình mấy, mà chỉ là một sự sơ ý hay dù cố tình nhưng chẳng xúc phạm đến ta mấy thì ta cũng cố gắng dung thứ cho họ như một điều khích lệ người đó để họ có thể vượt qua chướng ngại trong giây phút họ không thể kềm chế được điều mà dẫn tới sự việc xúc phạm đến ta. Đời ai không sai, đời ai không tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta không biết cách tha thứ để người ta cứ mượn cớ đó để tạo tội là chính chúng ta đã làm cho họ nên tội. Nhưng chúng ta biết tha thứ ở trong những hoàn cảnh đặc biết để sách tấn thì đó là một chiều hướng tốt. Trong câu chuyện này không nói đến sự tha thứ cho những ai thực sự xúc phạm, cố tình xúc phạm. Nhưng những ai vô tình hoặc những tội không đáng thì chúng ta đừng truy cứu truy xét để dẫn tới tai họa khó lường cho người đó mà hãy thêm vào đó gia vị của lòng khoan dung để cho người kia khi nếm được mùi vị của lòng khoan dung tha thứ của ta, họ sẽ tự nguyện thay đổi để vươn lên sống tốt đẹp hơn. Cho nên tha thứ mới là nhịp cầu nối liền tình thân giữa người với người, giữa người với chúng sanh và tha thứ là nhịp cầu đưa ta từ đau khổ tới hạnh phúc. Các bạn, có những chuyện không cần thiết phải truy cứu nếu nó xảy ra với chúng ta và càng không cần phải truy cứu nếu như ta nghe rằng người đó phạm đến người nào. Ta hãy học hạnh lắng nghe và học hạnh tha thứ để có được sự bình an. Cám ơn các bạn đã nghe.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn