Search

Đồng Tu Pháp Thiện

Bảo Đức đánh máy

Pháp Thiện ta hãy đồng tu
Để tăng phước báu lòng Từ truyền trao.

(07:42) Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Bảo Thành kính chào tất cả quý Phật tử, kính chào các bạn đang hiện diện trên kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay, Bảo Thành lên trên này để cùng đồng tu với các bạn và gặp gỡ quý Phật tử ở Chùa Xá Lợi cũng như tất cả quý Phật tử mà Bảo Thành đã có nhân duyên quen biết trong bao nhiêu năm qua.

Bảo Thành đại diện cho Tăng thân Chùa Xá Lợi gửi lời chào tới quý Phật tử xa gần và các bạn!

Quý Phật tử, đại chúng và các bạn thân mến, hôm nay ngày chủ nhật thay vì vào giờ này ở các Thiền viện, Tịnh Xá và các Chùa, chúng ta huân tập về Chùa để sinh hoạt Phật Pháp nhưng hôm nay đây với điều kiện chưa cho phép, Bảo Thành lên Facebook để gặp gỡ quý Phật tử, chia sẻ với quý Phật tử về một chủ đề sống nhân vào mùa Phật Đản.

(15:24) Các bạn thân mến! Chúng ta chắc chắn sẽ bình an và hạnh phúc bởi mỗi người chúng ta luôn nuôi dưỡng tâm thiện của mình bằng những hành động cụ thể trong ngày. Chúng ta quan tâm đến nhau, chúng ta yêu thương và chăm sóc cho những người gần gũi trong cuộc đời. Giáo lý của Đức Thế Tôn dạy cho mỗi người chúng ta không nằm ngoài hai chữ yêu thương. Sự yêu thương cao cả vô cùng, sự yêu thương không hẳn chỉ có ở trên bờ môi khi nói hai chữ yêu thương mà sự yêu thương được thể hiện cụ thể từ những suy nghĩ tốt đẹp của chúng ta đối ứng với mọi người, từ những lời nói chúng ta giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống và những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta từng đối xử với nhau.

Quý Phật tử thân mến! Như trong Kinh Chư Phật dạy: “Tất cả những gì chúng ta làm đều tạo ra nghiệp lực, nghiệp Thiện và nghiệp Ác” và Đức Phật dạy cho chúng ta hãy từ bỏ cái Ác, hãy hướng Thiện. Do đó, chúng ta nhớ rằng: “Tất cả những gì được gọi là đau khổ đều tới từ những Pháp Bất Thiện còn những gì hạnh phúc đều đi theo những Pháp Thiện”. Cho nên, có câu: “Hạnh phúc sẽ đi theo người hành Pháp Thiện như bóng không bao giờ rời hình”. Bóng không rời hình là điều hiển nhiên xảy ra hằng ngày và hạnh phúc như cái bóng sẽ không bao giờ rời bỏ những người từng hành Pháp Thiện trong cuộc đời.

Các bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta cùng nhau nghe lời Đức Thế Tôn khai thị về một chân lý thật đơn giản mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hiện được trong đời. Chẳng phải vào trong rừng sâu, núi hiểm hay lên trên cao sơn để gặp các Bậc Thánh Tăng học mà chúng ta chỉ cần nghe theo lời Đức Phật dạy ngày hôm nay. Mỗi một người trong chúng ta, Bảo Thành và quý vị cùng thực hiện thì chúng ta sẽ luôn luôn hạnh phúc. Hạnh phúc tới từ đâu? Hạnh phúc tới từ những con người biết thực hành những Pháp Thiện và hạnh phúc đó luôn liền với chúng ta mãi mãi trong cuộc đời như bóng dính liền với hình không thể rời được.

Các bạn thân mến! Các bạn từng là những con người đau khổ thì chúng ta hãy nhìn lại trong cuộc đời, có phải chăng chúng ta chưa có thời gian để thực hành những Pháp Thiện? Nếu vậy ngày hôm nay, Bảo Thành cùng với các bạn, chúng ta hãy nghe lời của Đức Thế Tôn, chúng ta hãy áp dụng lời của Đức Thế Tôn vào cuộc sống này, chúng ta hãy hành Pháp Thiện. Các bạn hỏi: “Pháp Thiện là gì để chúng tôi thực hành để có được hạnh phúc như bóng không rời hình bởi cuộc đời chúng tôi hình như có đau khổ và đau khổ làm chúng tôi bị bệnh hoạn, tinh thần không được thoải mái trong cuộc sống?

Kính thưa các bạn! Pháp Thiện đơn giản trong cuộc đời, cái đầu tiên nói cho thực tế để chúng ta có thể áp dụng được đó là Pháp Thiện được thực hành trên môi miệng của chúng ta. Không cần văn hoa nói: “Khẩu” hay nói: “Ngôn ngữ”, cứ nói thẳng ra rằng ở trên cửa miệng này, ngôn ngữ gì, lời nói gì chúng ta xử thế hàng ngày sẽ được gọi là Pháp Thiện?

Phật dạy những lời thô ác là những lời mang lại đau khổ cho người khác, đó là Pháp Ác, các con đừng làm. Những lời đâm thọc, có thì nói không, không nói có, những lời đó là thô ác gây phiền não, tổn hại tới chúng sanh, phải ngưng. Những lời thị phi, ba hoa, chúng ta mượn chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia rồi ta nói những ngôn lời làm cho những người ở trên như ông bà, cha mẹ hoặc người thân trong gia đình như vợ chồng, con cái phải đau khổ thì những lời nói đó gọi là Pháp Ác.

Pháp Thiện ta sử dụng hằng ngày cần phải được tư duy trong Chánh Pháp. Pháp Thiện bằng ngôi lời dễ thương, chúng ta biết chào nhau, chúng ta biết quý kính, biết gửi những lời dễ thương bằng Ái ngữ để tạo cho nhau niềm vui để san sẻ và để mình trút bỏ tất cả mọi gánh nặng trong cuộc đời, tăng trưởng niềm vui, sự hãnh diện khi tiếp cận với nhau bằng những ngôn ngữ như vậy, đó gọi là Pháp Thiện. Những ngôn ngữ mà chúng ta có thể làm cho muôn người được an vui chứ chẳng phải chỉ vui bởi những lời nói phiếm luận ở đời. Những lời nói phiếm luận ở đời cũng vui nhưng cái vui đó không có an bởi sau cái vui đó là tai họa của Khẩu nghiệp, lời nói phải mang lại sự an vui, đó gọi là Chánh Ngữ. Ta sẽ nói những lời chân thật, ta sẽ nói những lời yêu thương, dễ mến, ta sẽ dùng những ngôn ngữ mang vào lòng người sự san sẻ và làm giảm nhẹ đi gánh nặng trong cuộc đời.

Các bạn có biết? Có những ngôn ngữ khi chúng ta sử dụng sẽ giết chết cuộc đời của người khác. Một tiếng nói chúng ta nói khi tương tác với một người nào đó bằng sự giận dữ, bằng sự thô ác, bằng sự nóng nảy, bằng sự hận thù thì ngôn ngữ đó có thể biến thành súng, biến thành dao, biến thành vũ khí, biến thành cái sức mạnh để giết chết cả một mạng người, không những trong một ngày mà nó còn có thể truyền ra từng ngày, từng ngày trong cuộc sống của họ, họ nghe được họ sẽ chết từng ngày, từng ngày. Lời nói sắc như dao nhưng nó cũng có thể ngọt như mật. Do đó, Đức Phật thường dạy chúng ta đừng suy nghĩ chuyện gì nhiều, hãy nghĩ rằng tất cả những lời nói của chúng ta cần phải hiện thân của những Pháp Thiện, Pháp Thiện đó sẽ mang lại hạnh phúc cho các bạn.

Ai từng đau khổ chắc chắn người đó chưa có thời gian thực hành Pháp Thiện. Nếu các bạn thực hành Pháp Thiện bằng ngôn ngữ của Chánh Ngữ, bằng Ái ngữ lời dễ thương, chắc chắn các bạn sẽ có hạnh phúc, hạnh phúc sẽ tới với các bạn như bóng không bao giờ rời hình. Đó là một trong những Pháp Thiện mà các bạn có thể sử dụng hằng ngày bởi chúng ta thường phải nói và không cần phải tìm đâu xa như là lên Chùa lễ Phật, thắp nhang cầu nguyện mà chúng ta chỉ cần ứng dụng cái ngôn ngữ như Đức Phật dạy thì hạnh phúc tới liền ngay trước mắt. Cái nhân mà gieo những ngôn từ dễ thương, lời nói Ái ngữ, Chánh Ngữ hạnh phúc sẽ trổ mầm ngay trong cuộc đời này và hạnh phúc sẽ hiển hiện ngay trong cuộc đời của các bạn. Không tìm ở đâu xa, tìm ngay trên cửa miệng của mình, không đi tìm hạnh phúc ở phương trời nào mà hạnh phúc tới từ những ngôn ngữ ứng dụng hàng ngày trong cuộc đời. Các bạn thấy não phiền, các bạn thấy khổ tới, các bạn thấy những con người va chạm với chúng ta, giao tiếp với chúng ta thường mang tới sự tổn thương đau đớn cho ta cũng chính vì cái nhân của chúng ta chưa biết gieo Pháp Thiện, cái Pháp Thiện thật đơn giản bằng những lời ứng dụng trong cuộc đời ngay trên cửa miệng của phàm phu chúng ta đây.

Pháp của nhà Phật thật là linh ứng nhưng tiện lợi, dễ sử dụng. Không phải vì linh ứng như lời của Chư Phật dạy mà nó cần phải cao siêu, cầu kỳ để rồi phải tìm trong thư viện của Phật giáo hoặc tìm trong những cái tàng Kinh cát xa xôi. Chúng ta chỉ cần trở về nơi ngay cái miệng hàng ngày, áp dụng trong cuộc sống, biết suy nghĩ cho thật là kỹ, áp dụng Chánh Ngữ của nhà Phật vào trong đó thì hạnh phúc tới liền liền ngay tức khắc. Ai trong đời biết thực hiện bằng ngôn ngữ ứng dụng trên môi miệng của họ thì hạnh phúc luôn tràn đầy trong cuộc sống và hạnh phúc đó liền với cuộc đời như bóng không bao giờ rời hình.

Các bạn thân mến! Đó là một chân lý và đó là một điều mà ai ai như Bảo Thành và các bạn đều có thể ứng dụng được. Chúng ta quen cái thói quen không suy nghĩ cách nói gì, cách nói như thế nào, ngôn ngữ gì chúng ta ứng dụng để mang lại hạnh phúc. Chúng ta chỉ nói với sự nóng nảy của chúng ta, chúng ta chỉ nói với suy nghĩ của ta mà ta chẳng suy nghĩ cho người. Chúng ta chỉ nói với cái ngôn ngữ bộc trực, bộc lộ từ sự hiểu biết, quan niệm và những khái niệm sống của riêng ta. Thế giới này chúng ta không sống một mình, chúng ta sống có sự tương tác với muôn muôn con người và vật. Sự tương tác giữa người và vật phải được thể hiện qua ngôn ngữ mà Đức Phật đã dạy, gọi là Chánh Ngữ. Chánh Ngữ tức là những ngôn ngữ không tổn hại đến người và vật, ngôn ngữ mang lại hạnh phúc và an vui cho mọi người.

Chúng ta hãy phát triển cái hạnh phúc tới từ môi miệng của mình đi. Không cần phải đi tìm cái gì gọi là huyền bí, Kinh sách cho nó cao siêu, áo nghĩa hoặc tới những Đình, Chùa cho thật lớn, trước tôn tượng cho thật bự để quỳ lạy mà chúng ta hãy trở về áp dụng được cái miệng này biết nói những ngôn ngữ chuẩn mực để mang lại hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta sẽ có hạnh phúc, hạnh phúc tới khi chúng ta biết mang hạnh phúc tới cho mọi người. Hạnh phúc sẽ hiện diện trong cuộc đời của chúng ta khi trên môi miệng này biết ứng dụng Chánh Ngữ vào trong cuộc đời. Đó cũng là một cái hạnh phúc mà hạnh phúc đó là hạnh phúc bất diệt không bao giờ mất, hạnh phúc sẵn có trong tầm tay, hạnh phúc luôn khởi lên từ những Pháp Thiện các bạn có thể ứng dụng được từ môi miệng.

27:14

Nói đến nguồn đau khổ khác tới từ thân, thân ta sẽ tạo ra nghiệp và luôn luôn đau khổ, đó là nghiệp sát, đó là nghiệp trộm cắp, đó là nghiệp tà dâm hoặc là uống và sử dụng các chất say. Những nghiệp đó sẽ gây đau khổ triền miên không bao giờ hết từ kiếp này tới kiếp sau. Không những thế, nó còn làm cho môi trường chúng ta sống bị tổn hại và những người yêu thương sống trong môi trường đó, họ cũng bị lây nhiễm cái đau khổ của ta tạo ra. Nếu các bạn không thương lấy bản thân của mình thì chúng ta cũng phải thương đến những người ta đang sống chung. Chúng ta cần phải cân nhắc những hành động từ thân này làm sao để đừng hại vật, tổn người, đừng làm cho con người đau khổ.

Chúng ta hãy cố gắng nghe theo lời Phật trong thân này tạo ra những nghiệp Thiện, ví dụ như ta đừng sát sanh nữa. Chúng ta có những món ăn thật ngon trong cuộc sống cần phải ăn nhưng đâu nhất thiết ta phải sát sanh, cuộc đời tránh được sát sanh là có thêm hạnh phúc. Mỗi một ngày, nhất là các Phật tử sống trong gia đình phải va chạm với những chuyện khác biệt. Tuy nhiên, món ăn thường ngày chúng ta vẫn có một sự lựa chọn cao quý hơn đó là lựa chọn làm sao để ăn nuôi dưỡng thân xác nhưng không sát hại sự sống để tăng trưởng cái khoái khẩu của ta khi chúng ta ăn. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được nghiệp sát, hạnh phúc tới liền trong cuộc đời và ai không sát sanh, tránh nghiệp sát thì thân xác sẽ khỏe mạnh, trường thọ, bệnh tật sẽ tiêu tan. Đó là chân lý Đức Phật dạy thật rõ, các bạn tìm cầu hạnh phúc từ đâu? Ngoài từ môi, miệng của mình, các bạn còn tìm cầu hạnh phúc từ những Pháp Thiện từ thân có nghĩa là đừng giết vật, hại người.

Chúng ta trong một môi trường sống có sự cộng hưởng chung của thiên nhiên, vạn vật, giữa cây cỏ, muôn thú và con người. Chúng ta đều sống bởi nương nhờ vào vật thực và thực vật, chúng ta hãy tôn trọng nếu sống vì chúng và vì chúng để chúng ta sống. Giữa sự tương ưng đó để tồn tại trong cuộc đời luôn phải giữ chữ “ái” trong đó, chữ yêu thương, chữ Từ Bi trong đó. Chúng ta tránh tối thiểu sự sát sanh nếu các bạn là cư sĩ, là Phật tử tại gia trong tháng, ngày này, chúng ta hãy đừng sát sanh, hãy ngưng sát sanh, hãy đừng bao giờ sát sanh nữa để tạo phước báu cho tuổi thọ của ta tăng trưởng, cho sức khỏe và bệnh tật của chúng ta không còn. Sức khỏe sẽ tăng trưởng, bệnh tật sẽ hết không những cho ta mà ta còn có thể hồi hướng cho ông bà được trường thọ, cho cha mẹ được sống lâu ở đời với chúng ta, rất quan trọng. Nếu các bạn là những người hay bệnh hoạn, hay đau đớn về thân xác các bạn đừng sát sanh nữa và hãy thực tập Pháp phóng sanh để chúng ta tạo nguồn hạnh phúc cho ta và cho người.

Các bạn nói: “Nếu phóng sanh tôi phải làm sao đây?” Phóng sanh có nhiều cách. Cách đơn giản nhất cũng phải dùng cái miệng này, nghĩa là đừng phóng ra những lời thô ác để gây tổn hại đến muôn người, muôn vật mà chúng ta phóng ra những ngôn ngữ yêu thương, nhẹ nhàng để tạo lại sự sống cho những người tương quan với chúng ta trong cuộc đời. Đó cũng là một Pháp phóng sanh cao quý bởi cái miệng này luôn luôn phải ứng dụng trong từng ngày, từng giờ, từng phút và nó là một cái phương tiện vi diệu để các bạn có thể sử dụng nó tạo ra phước báu và tạo ra hạnh phúc trong cuộc đời. Pháp Bảo cao quý nhất nhưng rất bình thường đó là cái miệng của chúng ta đây. Cái miệng này có thể tạo ra quỷ ma, có thể đọa ta xuống Địa Ngục hay có thể làm cho chúng ta thành Thánh, thành Phật và thành Bồ Tát. Có thể Siêu Phàm Nhập Thánh cũng từ cái miệng này. Cái miệng này mang tới hạnh phúc mà cũng có thể gây ra khổ đau và chết chóc. Hãy ứng dụng cái miệng này phù hợp thì ta luôn có hạnh phúc và hạnh phúc đó luôn hiện diện trong từng giây phút của cuộc đời bởi ta luôn sử dụng cái miệng. Nếu biết cái miệng này là một phương tiện vi diệu để tạo dựng nên những hạnh phúc trong cuộc đời, các bạn hãy suy nghĩ kĩ về lời Đức Phật để Bảo Thành và các bạn khéo ứng dụng để tạo ra hạnh phúc cho chính mình và hồi hướng cho muôn loài. Khi các bạn nói tới phóng sanh thì đó chính là một hình thức.

Chúng ta còn có thể phóng sanh bằng những hành động. Thay vì chúng ta tạo ra gây tổn hại cho người khác, gây đến nguy hiểm tánh mạng cho người khác, ta hãy đến thăm những người bệnh hoạn, hãy đến thăm những người yếu đuối, hãy đến thăm những người già nua, neo đơn. Đó cũng là một hình thức phóng sanh bởi sự thăm viếng của chúng ta tạo ra sự khởi nguồn của sự hạnh phúc mới, sự sống mới cho những người đó. Chúng ta tạo lên một nguồn sống mới, tái sanh lại bởi vì họ đang đau khổ trong bệnh hoạn, họ đang chết dần trong những nhà mồ côi, trong những trại già neo đơn, chúng ta thăm hỏi họ, chúng ta thăm viếng họ dù chỉ là một cú điện thoại, gọi thôi cũng có thể làm cho người ta sống trở lại. Đó cũng là một hình thức phóng sanh.

Các bạn ơi! Phóng sanh để không sát sanh, phóng sanh để tăng thêm tuổi thọ cho mình, phóng sanh để ta sống an nhiên và tự tại, có thêm hạnh phúc là điều rất cần trong cuộc sống của chúng ta.

33:31

Một cái nghiệp nữa gây tổn hại vô cùng cho ta đó là chúng ta trộm cắp. Nếu các bạn bị mất của, nếu các bạn bị người ta lừa gạt, bị người ta lấy tiền, lấy tình, lấy danh vọng, địa vị, họ ăn trộm tất cả về mọi phương diện cũng là do chúng ta có nghiệp với họ hoặc chúng ta chưa đủ phước báu để tạo dựng hạnh phúc riêng cho mình bằng việc không trộm cắp thì có nghĩa, chúng ta phải biết bố thí.

Các bạn nói: “Tôi đâu có trộm cắp?” Trộm cắp không chỉ trộm cắp tài vật của người ta, chúng ta còn trộm cắp danh tiếng của người khác. Mỗi khi chúng ta lấy danh tiếng của người này, danh tiếng của người kia để làm lợi cho mình, đó cũng là phần ăn cắp danh tiếng để làm lợi cho ta, cũng nghiệp vô cùng, hạnh phúc không bao giờ tới, tù tội đang đợi chờ chúng ta đó. Chúng ta còn ăn cắp tình cảm của người khác khi nói xấu một người để đánh mất đi danh giá của người đó, cũng là ăn cắp đi sự cao quý, tình cảm của người ta. Chúng ta cũng trộm cắp tất cả mọi hình thức từ vật chất, tinh thần lẫn đời sống tâm linh, nó có nhiều sự suy nghĩ cần phải tư duy cho rõ. Ăn cắp không hẳn là chỉ lấy tiền, lấy bạc, lấy vàng, lấy của người mà chúng ta đã lấy mất đi danh dự, địa vị, tiếng tăm và lòng tốt của mọi người cũng là một hình thức ăn cắp.

Các bạn! Chúng ta phải biết bố thí để chuyển hóa những cái nghiệp đó mang lại hạnh phúc cho chúng ta, đó là Pháp Thiện. Bố thí, ta bố thí gì đây? Ta bố thí những sự quan tâm đến nhau, ta bố thí tiền bạc để giúp đỡ người nghèo, bố thí những ngôn ngữ để tạo ra hạnh phúc, bố thí sự quan tâm, sự chăm sóc cho nhau. Có thật là nhiều hình thức bố thí. Chúng ta cũng có thể tu Pháp Thiện, ta cũng có thể tụng Kinh hồi hướng công đức, đó cũng là một hình thức bố thí Pháp. Bố thí vật, bố thí tiền, chúng ta cũng có thể bố thí tài lực của mình, biết làm cái này, biết làm cái kia hoặc trí lực của mình để ứng dụng và giúp đỡ những người cần tới chúng ta, cũng là một hình thức bố thí. Khi các bạn tới Chùa làm công quả, đó là một hình thức bố thí thật lớn mà các bạn luôn có được hạnh phúc trong tầm tay.

Chúng ta là con người, Đức Phật dạy: “Phàm là con người hay vật luôn tìm cầu hạnh phúc mà hạnh phúc đó tới là do các Pháp Thiện chúng ta hành.” Những ai biết hành các Pháp Thiện thì luôn có hạnh phúc trong đời và hạnh phúc đó luôn liền với chúng ta như bóng không rời hình. Nếu các bạn không có hạnh phúc, các bạn đang đau khổ có nghĩa các bạn chưa thực hành Pháp Thiện một cách miên mật, mà có chăng thì cũng nay một chút, mai quên rồi. Chúng ta phải mỗi ngày, mỗi ngày thực hành Pháp Thiện liên tục để tăng trưởng hạnh phúc cho chúng ta. Chúng ta trồng một hạt giống mà không tưới tẩm, chăm sóc cho nó, nó không thể mọc và tồn tại được. Hạnh phúc trong Pháp Thiện không phải chỉ làm một lần rồi bỏ qua mà ta phải liên tục trong từng ngày, từng tháng, từng giờ còn đang sống, ta cần phải thực hiện Pháp Thiện này mỗi ngày. Từ Thân − Ngữ − Ý, ta có cái phương tiện đó thực hành Pháp Thiện, ta sẽ luôn luôn có hạnh phúc trong cuộc đời. Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay trong lòng mình, hạnh phúc đang hiện diện trên cõi đời này.

Hạnh phúc ở đâu? Đó là câu hỏi mà các bạn thường hay hỏi thì Bảo Thành trả lời cho các bạn thấy thật rõ như lời Đức Phật dạy: “Hạnh phúc ở trong con người, con người nào biết hành những Pháp Thiện thì hạnh phúc ở ngay trong con người đó và hạnh phúc của người đó luôn gắn liền với cuộc đời họ như bóng không rời hình”. Như vậy, các bạn tìm hạnh phúc ở đâu? Tìm hạnh phúc từ trong các Pháp Thiện, Pháp Thiện các bạn có thể hành được từ trong ý, từ môi miệng và từ hành động. Đây là ba phương tiện vi diệu để các bạn ứng dụng hàng ngày để trở thành Tiên, Thần, Phật, Thánh và nếu các bạn không khéo thì Thân − Ngữ − Ý cũng trở thành ba vũ khí để giết chết cuộc đời các bạn và đọa các bạn vào Địa Ngục tối tăm bởi tất cả các nghiệp Thiện và Ác đều từ Thân − Ngữ − Ý mà ra. Thân − Ngữ − Ý là ba phương tiện siêu việt để thành Tiên, Phật, Thần, Thánh mà cũng trở thành ba vũ khí nguy hiểm nhất để giết chết cuộc đời của ta và đọa đầy muôn người xuống Địa Ngục. Hãy ứng dụng ba cái phương tiện diệu dụng để hành Pháp Thiện có được hạnh phúc hơn là các bạn ứng dụng nó như ba loại vũ khí để tiêu diệt ta và tiêu diệt người. Các bạn chắc chắn sẽ rõ ràng!

Một buổi pháp thoại đơn giản, ngắn gọn hôm nay sẽ là một chủ đề để chúng ta sống trong một tuần mới là hãy hành các Pháp Thiện để luôn có được hạnh phúc trong cuộc đời và hạnh phúc có từ Pháp Thiện sẽ không bao giờ rời bỏ ta, chúng sẽ như bóng không rời hình. Những ai thiếu hạnh phúc có nghĩa là thiếu hành Pháp Thiện, nếu các bạn không có hạnh phúc là các bạn chưa bao giờ hành Pháp Thiện và nếu các bạn nói có thì cái hành đó mới chỉ về cái hình tướng sơ sài chưa thẩm nhập vào trong tâm mà thôi.

Các bạn biết hành Pháp Thiện trong gia đình thì gia đình hạnh phúc, các bạn biết hành Pháp Thiện trong xã hội thì xã hội chung sống với các bạn sẽ hạnh phúc. Pháp Thiện là Pháp Bảo cao siêu được ứng dụng qua ba phương tiện từ Thân − Ngữ − Ý mà các bạn có thể làm được thật đơn giản trong từng giây phút của cuộc đời, chẳng cần tầm cầu những Pháp cao quý ở đâu xa để không thực hiện được. Hãy ứng dụng ba cái phương tiện cao quý là Thân − Ngữ − Ý để tạo dựng lên hạnh phúc cho các bạn trong cuộc đời, đừng biến ba phương tiện này thành ba thứ vũ khí để hại thân, hại người, hại vật để rồi chúng ta tổn hại phước báu gây ra đau khổ cho bản thân và đau khổ cho những người đang sống với chúng ta.

Chúc các bạn luôn sống được với nguồn hạnh phúc này và luôn nhớ rằng Thân − Ngữ − Ý là ba phương tiện vi diệu tạo ra hạnh phúc, hạnh phúc đó sẽ theo chúng ta mỗi một giây phút trong cuộc đời như bóng không rời hình.

Chúc các bạn luôn thành công!  

A Di Đà Phật!                                                                          

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts