Search

Bảo Đức đánh máy

Hãy tha thứ cho lòng được thanh thản
Lấy Từ Bi mà che chở chúng sanh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến!

Kính thưa quý Phật tử Chùa Xá Lợi, Phật tử có nhân duyên đồng hành với Bảo Thành bao nhiêu năm qua. Kính thưa thân hữu cộng đồng, kính thưa các bạn hữu duyên, chúng ta đang gặp gỡ nhau trên kênh Facebook livestream Chùa Xá Lợi. Hạnh phúc thay Đức Phật giáng trần và lành thay giáo pháp được xiển dương, Tăng đoàn hòa hợp.

Hôm nay, Bảo Thành chia sẻ với các bạn về ý nghĩa của cuộc sống mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy cho chúng ta qua biết bao nhiêu năm trời khi Ngài còn sống trên trần gian này. Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta thật nhiều Pháp môn, nhiều phương pháp để chúng ta khơi nguồn hạnh phúc trong tâm để chúng ta sống rộng lòng tha thứ, để chúng ta sống để làm chủ tất cả tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta. Như một câu Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng: “Chúng nó đánh ta, nó chửi ta, nó cướp của ta nhưng ta không bao giờ giận hờn và ta cũng chẳng hận thù. Nó đánh ta, nó cướp của ta, nó áp chế ta, nó chửi ta nhưng ta không giận hờn và không bao giờ nuôi lòng hận thù. Bởi khi giận hờn và hận thù, chúng ta sẽ không bao giờ nguôi được trong lòng Tánh Sân, Giận để đi tới sự trả thù.”

Trên đời này, có biết bao nhiêu lần chúng ta bị người khác chửi. Cuộc sống mà, có ai có thể làm vừa lòng nhau hết đâu! Chúng ta đã thật là khéo sống với mọi người, chúng ta đã thực hành theo Pháp Thiện của Chư Phật dùng Ái ngữ, những lời dễ thương giao tiếp với muôn người nhưng trên đời đâu phải ai khi chúng ta giao tiếp, họ đều thương mến hết đâu?! Họ chửi lại ta.

Các bạn cứ nhớ lại đi, vào những lúc khi giao tế chúng ta hay người có sự khác biệt trong suy nghĩ, người ta đã chửi bạn. Nhìn lại những lúc như vậy, trong tâm của bạn cảm giác như thế nào? Là người con Phật khi lâm vào cảnh người khác chửi bới mình, chúng ta vui mừng khôn xiết. Tại sao vui mừng khi người khác chửi, có phải nghịch lý ở trên đời này hay không? Nếu ai chửi, tại sao phải vui? Đó là một câu hỏi của nhà Thiền và cũng là một câu hỏi cần phải giải đáp để chúng ta hiểu được chân lý Đức Phật truyền dạy cho chúng ta.

Không ai trên đời thấy một thửa ruộng đầy nước, đầy đủ phân bón, không gai, không sỏi, không đá mà lại không biết gieo trồng vào đó những hạt giống tốt. Khi người ta chửi mình là mình có cơ hội đón nhận một thửa ruộng của tâm đang dâng tràn lòng Từ Bi, mượn vào lời Đức Phật khai thị để chúng ta lấy ngay tất cả những gì họ đang chửi bới ta làm phân bón, làm động lực để tưới tẩm mầm yêu thương. Khó lắm các bạn, nhưng làm được bởi trên đời những chuyện khó không phải là không thể làm được, chẳng qua chúng ta chưa cho mình một cơ hội thực tập để làm việc đó. Để khi người ta chửi, ta khó mượn lúc họ chửi để xây dựng lòng Từ Bi, yêu thương. Khó nhưng làm được bởi Đức Phật đã khai thị nếu có chửi bới thì sẽ có lòng hận thù nhưng nếu các bạn mang lòng hận thù thì sự chửi bới kia sẽ trở thành sự khởi nguồn cho một vòng tròn hận thù để rồi gây ra cái kiếp này, kiếp sau cho tới kiếp tới, cứ liên tục như vậy luân hồi trong sự hận thù tìm nhau để chửi. Vậy các bạn hỏi: “Vậy khi người ta chửi tôi, tôi phải làm gì để tôi mượn cái sự chửi bới của người, tôi có thể trồng vào trong sự cảm xúc mà người ta đang chửi đó lòng yêu thương và Từ Bi?”

Đức Phật dạy: “Này các con, khi người ta chửi, khi người ta mắng, khi người ta sỉ nhục, khi người ta cướp, khi người ta áp chế các con, các con đừng nuôi lòng hận thù bởi nếu có hận thù thì lòng sân giận chẳng thể nguôi”. Để nguôi được thì chúng ta phải an trú vào trong hơi thở Chánh Niệm. Hơi thở Chánh Niệm thật bình thường nhưng nó có sức mạnh để giữ cho tâm của chúng ta tịch tĩnh, an vui dù cho người ta có chửi ta liên tục. Khi chúng ta có được hơi thở Chánh Niệm, ngay lúc đó chúng ta khởi lên lòng Từ Bi, yêu thương và hồi hướng cho đối tượng đang chửi. Cái chữ: “hồi hướng” có thể xa lạ nhưng chúng ta hãy hiểu một cách đơn giản như lòng của họ đang chửi bới bởi họ không tiếp được nguồn yêu thương. Hồi hướng có nghĩa chúng ta gắn một mạch yêu thương, mạch năng lượng yêu thương giữa Phật với ta, giữa ta với người và Chư Phật qua ta sẽ chuyển năng lượng yêu thương, Từ Bi tới cho người đang giận dữ, chửi bới ta.

Họ chửi bới ta là vì trong lòng của họ không có lòng yêu thương, không có lòng Từ Bi. Nay chúng ta thấy họ chửi bởi khô khan lòng Từ Bi, ta liền an trú trong hơi thở Chánh Niệm gắn kết với lòng đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật qua cuộc đời của chúng ta hồi hướng gắn liền với họ, họ liền dần dần được cảm hóa. Chúng ta chỉ cần giữ được sự im lặng, tỉnh thức, nhẹ nhàng, an vui tiếp năng lượng Từ Bi của Phật mà hồi hướng cho họ thì dù họ có chửi bạn tới đâu đi nữa, trước là họ sẽ nguôi đi bởi năng lượng Từ Bi ta hồi hướng cho họ, sau là giữa ta và họ không lặp lại cái hợp đồng của sự chửi bới truyền kiếp. Ta không còn nợ họ và họ chẳng còn sự hận thù với ta bởi ta đã mang lòng yêu thương, mang năng lượng Từ Bi của Phật để lan tỏa đến lòng khó chịu của họ mà họ đang chửi bới ta. Đó, cuộc đời là như vậy, chúng ta luôn luôn gặp những người chửi ta.

Các bạn cứ lên Facebook, những nơi truyền tin, thông tin đại chúng, xã hội, chúng ta thấy con người ngày nay rất dễ chửi nhau. Chỉ cần bất đồng ý kiến chút xíu là họ có thể chửi, họ có thể nguyền rủa nhau. Nhưng chúng ta là người con Phật, thấy sự chửi bới đó không nuôi hận thù mà lấy sự chửi bới đó mà nuôi dưỡng lòng Từ Bi. Các bạn, đó là một phần của cuộc đời, khi nghe người ta chửi, khi nghe người ta mắng, khi người ta giận hờn mình nhưng mình không có giận hờn họ. Chắc chắn trong cuộc đời các bạn đã gặp nhiều người giận hờn rồi, khi giận hờn lòng của họ khó chịu lắm, khi chúng ta giận họ ngược lại, ta lại càng khó chịu hơn bởi không ai thấy dễ chịu khi phải đương đầu với một người bạn, một người thân trong gia đình hay người dưng ngoài đời họ đang giận và mắng chửi ta, lòng của ta khó chịu. Nếu chúng ta cứ để cho người ta giận mình, người ta mắng chửi mình để mình khó chịu thì mình thật là khờ, mình đang chuốc hận vào thân, mình đang tự đày đọa thân xác của mình, mình đang làm cho thân mình bị mệt, bị ức chế, mình đang làm cho mình bị bệnh và mình đang làm cho cơ thể của mình tiều tụy theo từng tiếng người ta mắng chửi, theo từng giây phút người ta giận hờn mình.

Tại sao chúng ta phải hủy hoại cuộc đời trong sự giận dữ của người khác? Tại sao chúng ta lại tự  hủy hoại cuộc đời của mình khi người ta mắng chửi mình? Chư Phật dạy tất cả đều là do nhân duyên, nếu không có cớ gì thì sao họ lại chửi ta, nếu không có nhân duyên gì thì sao họ lại giận dữ ta? Bây giờ thấy được Nhân Quả đó, người con Phật chúng ta cũng lại nghe theo lời của Đức Phật, chúng ta nuôi dưỡng tình yêu bằng năng lượng Từ Bi trong hơi thở Chánh Niệm để khi họ giận dữ, ta tiếp đón họ bằng tình yêu thương. Chính trong cái tình yêu thương đó, chính trong cái năng lượng hồi hướng gắn kết với người đang chửi, đang giận ta đó mà họ được nguôi đi sự nóng giận và họ sẽ bớt chửi, bớt mắng, bớt giận hờn ta. Đó là những cách điều tâm trong cuộc sống mà cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ gặp thật nhiều người chửi, nhiều người mắng, nhiều người giận hờn, chưa kể cuộc sống bình yên, đối xử tốt với mọi người như chúng ta, chúng ta còn gặp người khác tới để cướp của ta. Họ cướp của ta theo nhiều hình thức như phá cửa, phá nhà, lấy đồ, mượn tiền rồi không trả, mượn của rồi không trả. Họ lấy một cách tự do vào ban đêm cửa nhà phá ra rồi đi vào, họ lấy bằng một cách rõ ràng mượn mà không trả. Chắc có lẽ các bạn đã từng trải qua những chuyện như vậy. Trong lòng khó chịu, trong lòng buồn bực, trong lòng đau đớn và đôi khi còn đi đến sự tù tội lương tâm của mình trong cảm xúc khó chịu đó. Chuyện mất đã mất rồi, chuyện mượn không trả đã không trả rồi, chuyện cướp đã cướp rồi, các bạn làm gì đây?

Đầu tiên, nếu các bạn cứ luôn nuôi dưỡng cái hận thù khó chịu, các bạn như là con người đang đi vào đường cùng để tự hủy hoại sự sống của mình. Nói rõ ra, các bạn đang tự giết chết bản thân và cuộc sống của các bạn bởi cơn giận dữ, bởi cơn hận thù khi bị người ta cướp, khi bị người ta mượn không trả, khi bị người ta tới nói ngọt để có cái này, có cái kia rồi cuối cùng không trả chúng ta. Chúng ta sẽ khổ nếu cứ nuôi dưỡng cái giận hờn đó, cái hận thù đó. Chuyện xảy ra, theo Đức Phật dạy cũng là do Nhân Quả nhiều đời nhưng khi đương đầu với điều đó, đầu tiên để giải quyết tốt đẹp nhất là mỗi người chúng ta phải giữ được cái Tâm An Lạc trong cuộc sống. Và chỉ có sự an lạc trong tâm, an lạc trong sự suy nghĩ, bình tĩnh, bình an mới có được năng lượng để nuôi dưỡng sự sáng suốt tìm ra hướng giải quyết. Bằng không chúng ta lại vội vàng làm những hành động, tạo ra những tạo tác gây nên tổn thương cho nhau giữa người và ta, đôi khi còn phải bị tù tội, pháp luật trừng trị.

Trong những trường hợp như vậy, các bạn phải nuôi dưỡng tình thương của mình bằng hơi thở Chánh Niệm và trong hơi thở Chánh Niệm đó, chúng ta nhắc lại câu Kinh của Chư Phật dạy: “Chúng nó chửi, chúng nó mắng, chúng nó giận hờn, chúng nó cướp của ta, chúng nó áp chế ta nhưng ta không nuôi lòng hận thù.” Tại sao ta không nuôi lòng hận thù là bởi vì Đức Phật dạy, tất cả những chuyện xảy ra ở trên đời đều do cộng nghiệp của ta và người và cái nghiệp của ta tạo ra nên nó trổ quả. Chỉ khi nó trổ quả, nếu cái quả không tốt, ta hãy cố gắng chuyển hóa, tưới tẩm cái gốc của cái nghiệp tạo đó bằng lòng Từ Bi để cái gốc bất thiện, cái gốc của Ác nghiệp đó với năng lượng tưới tẩm lòng Từ Bi nuôi dưỡng nó sẽ trổ quả thiện mai sau. Còn nếu như chúng ta hận thù thì chúng ta chẳng khác nào lại bắt đầu làm cho cái cây đó trổ thêm nhiều quả bất thiện mà mang tới tặng cho chúng ta nay, mai trong cuộc sống.

Các bạn có nghĩ tới chuyện mà bị cướp chưa? Các bạn có đương đầu với chuyện mượn mà không trả, vay mà không trả chưa? Có rồi đó. Đau đớn trong lòng và xảy ra biết bao nhiêu chuyện, trong tâm của chúng ta khởi lên biết bao nhiêu ý, ý trả thù, ý giận hờn, ý làm sao để lấy lại cái của đó nhưng tất cả những sự khởi lên bằng tâm, ý như vậy là nhiệt của phiền não sẽ giết chết các bạn. Chúng ta thấy những người bị giựt nợ thì thường đau khổ và rồi sinh bệnh nếu không liễu ngộ được trong sự tha thứ, bao dung, cầu sự Giác Ngộ bằng nuôi dưỡng hơi thở Chánh Niệm và hồi hướng công đức Từ Bi, nhất định người đó sẽ mau già, bệnh hoạn, đôi khi còn hại tới tính mạng. Không những như vậy mà đối tượng không trả ta, họ sẽ phải trả nghiệp và cái nghiệp đó sẽ nặng hơn nếu ta không biết tha thứ cho họ.

Là người con Phật vẫn biết của đi thay thế cho nghiệp vì của của ta mất do nghiệp, nghiệp của chúng ta gây ra nên mất của do người ta ăn cướp bằng nhiều hình thức. Ta chỉ cần hướng lòng Từ Bi, tha thứ và nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi tới đối tượng đó để họ có sự tỉnh thức, hồi tâm mà làm cho đúng chứ chớ nuôi lòng hận thù rồi trả thù.

Trong Kinh Pháp Cú, trong hai câu đơn giản nhưng sẽ thật khó thực tập nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ. Sự bắt đầu từ bây giờ sẽ giúp chúng ta trưởng thành trong sự bình tĩnh và an vui. Chuẩn bị như thế nào? Nghe câu Kinh đi: “Chúng nó chửi, chúng nó mắng, chúng nó đánh đập, chúng nó cướp, chúng nó áp chế nhưng tôi không nuôi lòng hận thù”. Nếu các bạn không nuôi lòng hận thù thì các bạn nuôi cái gì? Nuôi Tâm Từ Bi, Tâm Từ Bi đó tới từ đâu? Vốn trong cuộc đời chúng ta khi sinh ra làm người đã có Tâm Từ Bi trong Phật Tánh rồi nhưng chúng ta không tưới tẩm nó, chúng ta không chăm sóc nó. Do đó, cái mầm mống Từ Bi đó có lúc sụt, lúc sùi, lúc lên, lúc xuống, lúc hiện, lúc không. Nhưng theo như lời Đức Phật khai thị thì chúng ta bắt đầu chủ động tưới tẩm vào Phật Tánh của chúng ta bằng năng lượng Từ Bi, hơi thở Chánh Niệm thì cái mầm mống của lòng Từ Bi của ta vốn có trong Phật Tánh sẽ được nảy mầm và mọc lên. Cái cây Từ Bi đó là cái cây có thể chuyển hóa hết mọi lòng hận thù do người ta chửi, do người ta mắng, do người ta giận hờn, do người ta cướp, do người ta áp chế nhưng ta tràn đầy lòng Từ Bi, chẳng nuôi hận thù.

Ai làm được điều đó thì xứng đáng làm đệ tử của Phật, ai làm được điều đó thì xứng đáng làm người con Phật, ai làm được điều đó thì mới là người thực sự học giáo lý của nhà Phật, liễu thông và thực hành còn không chúng ta cũng chỉ là những cái bộ nhớ mang Kinh Phật tụng, niệm hằng ngày nhưng không thấm nhuần cái ý nghĩa Phật dạy cho chúng ta để đưa tới sự thực hành viên mãn, tìm cầu sự hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.

Hôm nay, Bảo Thành gợi ý cho các bạn và gợi ý cho quý Phật tử trong cái mùa mà chúng ta đang ở nhà, khó có thể đi đâu đó, chúng ta cũng có thể tu dưỡng được lòng Từ Bi của mình bằng cách tu hơi thở Chánh Niệm, đón tiếp năng lượng Từ Bi của Phật để khi chúng nó đánh đập, chúng nó chửi, chúng nó giận hờn, chúng nó cướp, chúng nó áp chế nhưng tôi không nuôi lòng hận thù.

Khó không các bạn? Các bạn sẽ nói khó lắm Bảo Thành ơi, nhưng cái khó mà thực hiện được mới là điều kỳ diệu bởi không phải khó mà không thể thực hiện, không thể thực tập được.

Đức Phật là con người như chúng ta, cũng từng trải qua biết bao nhiêu kiếp, cũng từng trải qua những lúc y như chúng ta phải đương đầu với mọi cảm xúc. Ngài có một sự trải nghiệm trong tiền kiếp và Ngài tu tập thoát ra được. Ngài cũng từng là người và từng là một con người nghe chúng nó chửi, chúng nó giận, chúng nó mắng, chúng nó đánh đập, áp chế nhưng Ngài đã không giận hờn bởi Ngài nuôi dưỡng tình yêu và lòng Từ Bi, Ngài đã làm được. Những gì Đức Phật là một sự thực minh chứng cho cả một sự trải nghiệm, chứng ngộ đã trải qua, không phải là một lời nói suông. Khó đối với những ai không tin vào chân lý của Chư Phật, khó đối với những ai không khai mở lòng yêu thương, khó đối với những ai không muốn sống trong sự mạnh khỏe.

Các bạn nên nhớ, khi nó mắng mình mà mình giận hờn là mình đang hủy hoại sức khỏe của mình. Khi nó chửi mình mà mình nóng giận là mình đang tự  thiêu đốt cuộc đời của mình. Khi nó giận hờn mình mà mình cũng giận hờn nó chẳng khác gì mình đang tự thiêu. Khi nó cướp của mình mà mình nuôi lòng hận thù để đánh đập, chiếm đoạt trở lại thì mình đang tự tử, đang tự giết hại cuộc đời mình đó các bạn. Và khi nó áp chế các bạn, các bạn chống đối, đánh đập lại nó là các bạn đang tự hủy hoại thân xác và đời sống tinh thần của các bạn. Các bạn đã thấy biết bao nhiêu câu chuyện như vậy xảy ra trong cuộc đời. Ở đây, Đức Phật dạy cho chúng ta để đối ứng với sự việc trong cuộc đời để đưa cuộc sống phàm phu trở thành cuộc sống của một Thánh nhân siêu phàm, nhập Thánh, thoát khỏi cuộc sống mà người ta đánh tôi bằng tay trái, tôi đánh lại bằng tay trái, người ta chửi tôi câu đó, tôi chửi lại câu đó, người ta đánh gãy răng tôi, tôi đánh gãy răng lại, răng đền răng, mắt đền mắt, tay đền tay, họ đánh cái gì tôi đánh trả lại. Cái đó là sự hận thù nuôi dưỡng hận thù của con người mang cái Tánh thú. Chính vì cái thú Tánh trong lòng người đó mà Bảo Thành và các bạn đã luân hồi trong Lục Đạo bao nhiêu kiếp rồi, có nhàm chán sự Luân Hồi đó chưa? Nếu chúng ta đã nhàm chán rồi thì nhất định chúng ta phải theo gương của Đức Thế Tôn tập một con đường mà Ngài đã thành tựu, chứng đắc được, đó là nuôi dưỡng lòng Từ Bi để chuyển hóa mọi hận thù khi chúng nó chửi, chúng nó mắng, chúng nó giận hờn, chúng nó cướp, chúng nó áp chế nhưng tôi không nuôi lòng hận thù bởi tôi chỉ nuôi Tâm Từ Bi, lòng Từ Bi mà thôi.

Các bạn thân mến! Đó là ý nghĩa của bài Pháp hôm nay. Thật ngắn, thật gọn nhưng mang cho chúng ta một tinh thần sống mới trong khi chúng ta đang ở tại tư gia hoặc đang sinh hoạt trong môi trường mà ta có nhiều cơ hội để tư duy về cuộc đời làm người. Thời điểm hiện tại là một thời điểm tốt để mỗi người chúng ta tư duy sâu sắc về cuộc sống và đặt ra một câu hỏi ta phải sống như thế nào để thay đổi cuộc đời trong những tháng ngày tới?

Các bạn thân mến, đó là một câu hỏi thật tốt thì câu trả lời cũng có thể mượn trong hai câu Kinh của nhà Phật hôm nay: “Chúng nó mắng tôi, chúng nó chửi tôi, chúng nó giận hờn, chúng nó cướp của tôi, chúng nó áp chế tôi nhưng tôi không nuôi lòng hận thù bởi tôi chỉ nuôi cuộc đời và tâm của tôi bằng lòng Từ Bi tôi đón nhận được từ mười phương Chư Phật để tôi trưởng dưỡng cuộc đời của tôi trong sự an lạc và hạnh phúc và tôi sẽ tha thứ tất cả những lỗi lầm của ai đã phạm đến tôi và tôi cũng xin sự tha thứ của ai đó, tôi phạm đến họ và bây giờ, ngay lúc này an trú trong hơi thở Chánh Niệm để đón nhận tha lực đại Từ đại Bi, tình yêu thương của Chư Phật để tôi nuôi dưỡng lòng Từ Bi của chúng tôi.

Các bạn thân mến! Đó là sự gợi ý của ngày hôm nay, một sự gợi ý để chúng ta có một sự tư duy mới trong cuộc sống. Cầu chúc cho các bạn nghe được, hiểu được, hành được để Bảo Thành và các bạn và quý Phật tử chúng ta cùng đồng hành trên con đường tu.

Cám ơn sự theo dõi của các bạn!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này lên tất cả các chúng sanh đồng thành Phật Đạo.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts