Search

Cá Hiến Thân Cứu Người

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Tâm Sĩ bút ký

Các bạn thân mến

Gặp gỡ hôm nay Bảo Thành sẽ kể cho các bạn nghe về một câu chuyện thuở xưa, thời Đức Phật còn tại thế. Thuở đó Ông Anan hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, làm thế nào mà năm anh em Kiều Trần Như lại có phước báu lớn như vậy, gặp được Phật ngay từ thuở đầu và được khai thị chứng đắc qủa, Phật bắt đầu từ tốn kể cho Anan rằng: “Vào một kiếp trước có một ông vua sống trong quốc độ đó. Ông vua này rất quang minh chính đại, có tấm lòng yêu thương con dân của mình và vì dân, phục vụ dân, ông ta có một lòng tốt, dân ai cũng thương mến ông ta Thế nhưng quốc độ của ông ta sau đó bị hạn hán, bị ôn dịch, dân chúng đói khát chết chóc, không thể ngăn ngừa được chuyện thiên tai, ô nhiễm. Ông vua liền đưa dân của mình đi qua nước láng giềng để lánh nạn nương nhờ. Trên đoạn đường đi đó, họ tới một dãy núi, thì thức ăn đã hết, thực phẩm đã khô cạn, nước cũng không còn. Vua thấy rằng nguy cơ đã tới, dân của mình sẽ chết, cho nên ông Vua phát nguyện rằng, làm sao biến thành con cá lớn, ở ngay trong hồ trên thung lũng này, để rồi hiến dâng thân mình cho dân mình ăn để khỏi chết trong lúc này. Từ phát nguyện một cách thật đặc biệt này, bất thối không lay chuyển và cuối cùng Vua từ trần, tái sanh thành một con cá rất là lớn ngay trong lòng hồ trên dãy núi đó. Có một nhóm thợ săn gồm năm người, đã phát hiện ra con cá lớn, và được nghe con cá lớn kể rằng: “ta tới đây để hiến thân cứu các người, các người hãy ăn thịt của ta để mà sống và hãy loan tin cho người dân biết rằng trên núi có một con cá lớn ở trên hồ này ăn hoài không hết và khi tới ăn thoát chết”. Năm anh em người thợ săn này ăn uống xong con cá, thấy cá vẫn còn sống, vẫn còn khoẻ, vẫn còn bơi, thì ngạc nhiên vô cùng. Theo lời mời của con cá, họ đã đi xuống chân núi, báo cho mọi người biết và người dân đã lên trên núi bắt đầu ăn thịt cá, ăn hoài mà không hết, để làm gì, để cuối cùng cá đã được hiến thân nuôi dân thoát qua cảnh ôn dịch, hạn hán. Sau đó thời tiết trở lại bình thường, ôn dịch hết, người dân lại trở về sinh sống bình thường. Đến giờ này Phật mới nói: “Con cá ở trong hồ kia chính là vị vua chết đã hoá thân, và vị vua đó chính là ta trong hiện tại, còn năm anh em Kiều Trần Như là năm người thợ săn ở trong rừng lúc đó đói khát, ăn được thịt cá mà sống, rồi còn nghe lời của cá, loan tin tới cho mọi người để cùng ăn, cho nên có phước báu ngày nay sinh cùng thời với ta và được là những người ta mời nghe giáo lý của ta và được khai ngộ ngay trong lúc đó.

Các Bạn thân mến, câu chuyện này là câu chuyện của Phật kể cho A Nan, nhưng mượn ở nơi đây để thầm nhắc tới cho mọi người chúng ta rằng: chúng ta những con người đang sống trong cuộc đời này, chúng ta cứ bị lầm lẫn trong chân lý là: nếu cứu người thì cho tiền để họ sống, chứ không bao giờ cho nghề, cho tiền chứ không cho nghề, đó là kiến thức của ta, ta cho tiền, nếu chúng ta cho nghề sẽ làm sao, dạy nghề cho họ đó, họ sẽ lấy nghề đó làm sự sinh sống kiếm ra tiền, cho nên người Á Đông chúng ta chỉ cho tiền hoặc giúp đỡ về vật chất, chứ không bao giờ trao truyền nghề. Ý tưởng đó hoàn toàn sai với chân lý của nhà Phật, bởi nó mang tâm ích kỷ vô cùng, chỉ giữ cho mình, chẳng thể ban rải đến cho người khác. Và chúng ta chỉ biết cái gì lợi cho ta, ta không bao giờ loan tin, hướng dẫn cho người khác tới. Năm anh em Kiều Trần Như đã gặp được con cá, ăn uống no nê, thoát qua cơn đói, mà còn mang tin này thông báo cho mọi người, muôn người cùng tới ăn. Năm người thợ săn kia không giữ riêng cho họ chính là vì tâm không ích kỷ, tâm biết nghe theo lời của con cá, tâm muốn cứu những người khác, nên sẳn sàng chỉ cội nguồn thức ăn vốn có ở hồ nước này là con cá, để muôn người đều tới hưởng chung. Chúng ta phải có được tinh thần khi chúng ta có những điều tốt nhất trong cuộc đời, chúng ta phải hướng dẫn cho những người khác làm được, để họ cùng hưởng điều đó với chúng ta, nhất là trên con đường thực tập Phật học.

Nếu mỗi người chúng ta có căn duyên khác nhau, tu tập và thành tựu được sự an lạc của riêng mình. Chúng ta ít có thói quen loan tin và truyền gửi thông điệp tới cho mọi người, chúng ta chỉ thụ đắc tu tập cho riêng mình. Đây là cách tu tập không đúng pháp của nhà Phật, thay vì chúng ta tu đúng, chúng ta học được và chúng ta thực hành nó, mang lại sự lợi lạc bình an cho ta, sự no đủ đời sống tinh thần của ta, thì ta nên chuyển gửi thông điệp này tới cho mọi người, để những ai còn đói khát đời sống tâm linh ở ngoài họ biết tìm tới tới chánh pháp, họ biết tìm tới với lời giáo huấn của Phật, để họ đồng tu, để họ tu, để họ được no đủ đời sống tinh thần tâm linh như chúng ta.

Các Bạn thân mến, chúng ta cũng là một trong những người anh em của Kiều Trần Như, tái sinh trong kiếp này, gặp được Phật Pháp Tăng. Phật đã hiến cho chúng ta cả một kho tàng giáo lý, Phật lại mời gọi chúng ta thực tập giáo lý của Ngài và Phật đã gửi tới cho chúng ta những bậc Thầy tôn qúi là chư Tôn Đức Tăng Ni Hoà Thượng luôn luôn giảng giáo lý, hướng dẫn cho chúng ta qua những tạng kinh lưu truyền bằng văn tự viết hoặc lưu truyền trên những thông tin đại chúng hay được giảng dạy bởi các bậc Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni tôn kính. Chúng ta nếu nghĩ được, thực hành được, mang lại sự bình an, hạnh phúc no đủ cho cuộc đời của đời sống tâm linh. Chúng ta phải làm sao đó mang tin này, thông điệp này loan truyền, gửi tới biết bao con người còn đói khát ngoài kia, để làm sao họ nương vào lời dạy của Phật, qua sự giới thiệu của chúng ta, để họ tới được với cội nguồn của chân lý, để tu tập công phu, mà tự giải thoát bản thân của họ, khỏi những cơn ngặt nghèo tai ương, đau khổ, phiền não của cuộc đời.

Các bạn, ai trong cuộc đời của chúng ta cũng có vài lần phải đương đầu với những cảnh thiên tai, những cảnh thiên tai đó là gì, là những cảnh tai hoạ tự nhiên ập tới, những cảnh đau khổ tự nhiên kéo tới, những tai ương vạ gió tự nhiên đi vào cuộc đời. Những đau khổ đó làm cho chúng ta luôn luôn phải sợ, và chúng ta cũng phải bị những cơn ôn dịch, gọi là mắc dịch trong cuộc đời, gây ra khổ, phiền đau. Chúng ta muốn thoát ra cảnh khổ đó. Quan trọng là ai trong chúng ta có được những người quen, được phương pháp thoát khổ. Vậy nên khi chúng ta đã biết phương pháp thoát khổ, qua thực hành giáo lý của Phật, qua nghe giảng, qua Chùa thiền định tu tập, kinh kệ, nghe pháp, thấy được nhà Phật có một kho tàng giáo lý cao qúi, sẵn sàng hiến dâng cho mọi người qua sự giới thiệu, để cho mọi người đang đau khổ, đang chơ vơ, lạc lỏng trong cuộc đời đó, có được thông tin đặc biệt này, mà theo cùng chúng ta tu tập, để giái thoát cuộc đời của họ khỏi khổ, khỏi phiền não.

Các bạn, quan trọng nếu chúng ta biết giới thiệu, biết truyền gửi những giáo lý của Phật đến người khác là chúng ta tạo dựng được phước báu vô cùng, như năm người thợ săn, đã giới thiệu con cá cho người dân dưới núi, tạo thành phước báu, mà ngày sau được tái sanh cùng thời với Phật, trở thành năm anh em Kiều Trần Như đầy đủ phước báu, được Phật tới thẳng truyền dạy tứ Thánh Đế, tu để thành Phật.

Các Bạn thân mến, các bạn hãy cố gắng, chúng ta phải dũng mãnh để loan truyền, biết gửi gắm và biết truyền tải thông tin cao qúi của đạo Phật, tới cho những người yêu thương của chúng ta, những người chúng ta biết được họ đang khổ, họ đang cần một giáo lý, một nền giáo dục mới, họ đang cần những pháp tu nhà Phật để giải thoát khỏi khổ. Chúng ta hãy đi tới cuộc đời của họ, chúng ta cho họ tiền, cho họ kiến thức ở đời, không bằng giới thiệu cho họ giáo lý của chư Phật, Bởi khi chúng ta giới thiệu cho một con người đang đau khổ giáo lý của chư Phật để khi họ thực tập điều đó họ sẽ được giải thoát, nghĩa là chúng ta là người đã trao truyền nghề thật sự cho họ, chẳng phải chỉ cho họ miếng cơm manh áo trong lúc đói khổ mà ta đã trao truyền cho họ đúng bữu bối, đúng nghề nghiệp, để họ tạo ra tiền tự sống cho bản thân. Chúng ta đã trao cho họ những pháp bảo, những phương thức chúng ta đã thực tập, những giáo pháp chúng ta đã được học, chúng ta đã thoát khổ, chúng ta được tự tại, thì những người kia cũng sẽ thoát khổ và tự tại, bởi giáo pháp chúng ta đã giới thiệu cho họ tới, giáo pháp đó là giáo pháp của Phật, của Như Lai Phật Tổ, của đấng đã giác ngộ truyền dạy cho chúng ta và nếu chúng ta làm được điều đó là chúng ta luôn luôn được sinh vào cảnh giới thiện lành, gặp được Phật, được Pháp, được Tăng, được giáo lý giải thoát của Như Lai.

Mọi phước báu mà chúng ta khẳng định trong câu chuyện đó, những ai biết ghi chép kinh, truyền bá kinh sách của chư Phật, những ai biết truyền dạy những lời của Đức Phật tới mọi người, hoặc giới thiệu tới mọi người, mọi chúng sanh, những người đó có phước báu vô cùng. Phước báu của năm người thợ săn kia là chỉ cần thông báo thông điệp trên hồ có cá, tới ăn để thoát đói thoát khổ, vậy mà được sanh vào cảnh giới cùng với Phật trong thời đó, và được Phật dạy cho những gì, sự khai thị làm sáng trí tuệ, thoát khỏi cảnh khổ. Chúng ta nếu biết giới thiệu cho người đau khổ lời của Đức Phật giáo dưỡng, về kinh Phật để họ tu, về sự tu của chúng ta mang lại hạnh phúc cho chúng ta rồi, thì nhất định chúng ta sẽ tạo rất nhiều phước báu trong cuộc đời.

Cám ơn các Bạn đã lắng nghe

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts