Search

Bài 3144. Tầm Ánh Đạo Vàng

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và tất cả các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống nhẹ nhàng. Trở về với lời dạy của Phật lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Hãy quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Hôm nay chúng ta nói về chủ đề “Tầm Ánh Đạo Vàng”. Ngày nay chúng ta có cơ hội đọc qua lịch sử của Đức Thế Tôn, thuở mới sinh cho đến khi làm thái tử, thao thức vì sự khổ của con người, của nhân loại, của chúng sanh. Để rồi từ một thái tử sẽ lên làm vua thống trị nhân loại trong quốc độ của mình, từ một thái tử có vợ, có con, có gia tài, có quyền lực, có tất cả. Ngài đã bỏ hết, đi tìm con đường đạo để giúp cho chúng sanh đang đau khổ, có thể chuyển hóa được nghiệp chướng nhiều đời, nhiều kiếp. Mà biến cuộc đời ngay trong kiếp này thành an vui, hạnh phúc. Chúng sanh quá khổ trong sinh lão bệnh tử, chúng sanh quá khổ trong vô minh. Những nhà cửa, tiền tài, danh vọng, quyền lực, chẳng đủ sức mạnh hấp dẫn để giữ chân Phật khi còn là thái tử tại cung đình. Ngài đã vượt hàng rào cản của vua cha, hàng rào cản của tình yêu đối với vợ, với con, rào cản của quyền lực và uy quyền. Đi bằng đôi chân trần vượt mọi gian khó để tầm ánh đạo vàng. Trải qua bao nhiêu năm trời gian khổ Ngài mới thành tựu và tìm ra chân lý giải thoát cho muôn loài chúng sanh.

Từ dạo ấy biết bao nhiêu những bậc Thánh Tổ thời Đức Phật, những hàng đệ tử đầu tiên của Đức Phật, những vị đứng đầu trong giáo đoàn của Ngài như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Phú Lâu La, Ngài Ca Diếp và còn rất nhiều, rất nhiều, cũng theo gương của Đức Phật từ bỏ những ngôi vị đang nắm giữ thời ấy. Thời đó như Ngài Ca Diếp cũng là một giáo chủ của một tông phái, Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên cũng là những bậc kỳ tài bậc nhất trong bà la môn. Thấy được chân lý của Đức Thế Tôn, các Ngài đó đã bỏ chức vị, quyền lực hảo huyền, bỏ hết. Vì ánh đạo vàng nơi Đức Phật đã tỏa sáng trí tuệ đã bừng khai, đuốc tuệ của Ngài đủ lực để thắp sáng, soi rọi vào những miền còn tăm tối nơi những bậc học cao, học rộng, những bậc giáo chủ các tông môn thời ấy. Cho nên các vị ấy cũng bỏ mà theo Phật.

Dần dần cứ thế kỷ này tới thế kỷ kia qua đi, biết bao nhiêu những bậc tổ cũng nhìn gương đó mà đi tầm ánh đạo vàng của chư Phật truyền trao lại, bỏ hết để đi vào sơn lâm núi thẳm, ẩn mình trong cốc, trong hang, sống với thiên nhiên tự tại, nhìn ra lẽ sống thoát khổ, giải nghiệp. Nếu đi vào lịch sử của Đức Phật, của các chư Tổ, nhiều lắm. Ta, mỗi người đều có cơ hội tìm và đọc thấy những chân lý thâm diệu qua cuộc đời của các Ngài. Chúng sanh khổ Ngài tầm chân lý và soi sáng ánh đạo vàng cho nhân loại, khi đạt đến sự đại ngộ, đại giác. Chúng ta hiện thời ngày nay, những người sung sướng, đầy đủ về vật chất, chưa một lần nếm hương vị đau khổ của bệnh hoạn, của già nua, của sinh lão bệnh tử, của thiếu tiền, thiếu của, thiếu quyền lực, họ có dư, họ tới với ánh đạo vàng theo một tâm ý khác, họ tới với tâm ý rằng nương vào ánh đạo vàng để có mãi mãi quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền cho thêm nhiều, quyền cho vững không lung lay, nhiều lắm.

Đức Phật không từ khước những người ấy, bởi nhìn thấy mỗi một người đều có căn cơ và nhân duyên khác biệt, bước vào thềm đạo pháp để đón nhận ánh đạo vàng, soi dẫn con đường đi. Nhưng chúng ta, chúng ta tới với Phật có thể vì bệnh hoạn, vì đau khổ, vì phiền não, vì chướng ngại, tất cả dưới mọi hình thức theo nhà Phật đều xuất thân từ nhân duyên, phước báu khác biệt mà tới với tâm tầm ánh đạo vàng. Không nhất thiết ta phải tìm tới con đường giải thoát, diệt khổ để thành Phật, thành Bồ Tát. Nhưng ít nhất mỗi người chúng ta phải định hướng được tầm ánh đạo vàng bằng phương pháp nào và tâm của ta đi tầm ánh đạo vàng là tâm gì? Tâm cầu đạo giải thoát hay tâm cầu chân lý để chuyển hóa những đau khổ trong đời thường.

Mỗi người mỗi mục đích, mỗi người mỗi phương hướng, mỗi người mỗi duyên, mỗi nghiệp căn hoàn toàn khác. Nhưng cốt lõi khi đã đi thì nhất định đích tới đều là sự giải thoát, dù sự khởi điểm trên con đường đi đó có khác thật nhiều. Có người đi chỉ cầu danh, cầu lợi, cầu quyền, cầu tiền, cầu tình. Có người tới với ánh đạo vàng là giải quyết những chướng ngại trong cuộc đời. Có người tới với ánh đạo vàng là để giải quyết những chướng ngại trong tình cảm, trong buôn bán, trong làm ăn, là để giải quyết chuyện thân này đau, thân này già, bệnh, chết. Là giải quyết chuyện con cái, vợ chồng, gia đình. Giải quyết trong chính trị, giải quyết muôn điều và muôn điều ấy đều là sự khởi đầu bởi nhân duyên, để ta dần dần thẩm nhập vào chân lý của Đức Phật, mà đích đến cuối cùng như đã nói là sự giải thoát. Giải thoát khỏi mọi nghiệp ác, giải thoát khỏi mọi sanh tử, giải thoát để thành tựu được sự an lạc vĩnh viễn.

Nhưng trên con đường tầm ánh đạo vàng của những người Phật tử bình thường như Bảo Thành và các bạn, ta sẽ hạnh phúc bởi có sự trải nghiệm, do sự chuyển hóa của tự thân khi quán chiếu chân lý của Phật dạy, qua những Phật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, để ta được đánh thức trở thành người tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, mọi giây, khoảnh khắc của cuộc đời. Rất kỳ diệu, không nói tới đích đến cuối cùng là thành Phật, Bồ Tát đâu, mà nói sự trải nghiệm. Mỗi ngày ta sẽ thấy được đời sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, ta thấy được đời sống của chúng ta nhẹ gánh lo âu, bớt đi một phần sân giận, si mê, tham chấp. Mỗi một lần bớt được một chút xíu như vậy ta nhẹ lòng, ta biết cười thật tươi, ta biết sống với tâm vị tha yêu thương, ta không còn có chất sân chiếm giữ tâm hồn, ta có dư hương vị của tha thứ. Mỗi bước chân ta đi có năng lượng của sự an lạc rải tới miền đất ta tới. Tầm ánh đạo vàng ngày nay không còn nghĩ tới như một tôn giáo, mà bạn phải bỏ tôn giáo này theo tôn giáo kia, tầm ánh đạo vàng không còn trực thuộc về tôn giáo này tôn giáo kia, hay hệ thống chân lý siêu việt của Phật giáo. Hai chữ Phật giáo ngày nay là tôn giáo, nhưng ánh đạo vàng là con đường để chúng ta đi qua thăng hoa đời sống của mình, không trực thuộc hệ thống tôn giáo. Do vậy tầm ánh đạo vàng thuở xưa của Phật, của các vị Tổ và của chúng ta rất khác. Khác là khi xưa người ta còn lầm chấp si mê, chưa tìm thấy con đường để giải thoát tự thân. Khác là ngày hôm nay Đức Phật đã giáng trần rồi, 2.560 mấy năm trước Ngài đã tầm ra, tìm ra được con đường chân lý giải thoát rồi và tầm ánh đạo vàng ngày hôm nay của chúng ta không còn gian khổ, không còn phải sống khổ hạnh, không phải chui vào rừng sâu núi thẳm, sơn lam chướng khí, không còn phải hành xác. Mà chúng ta chỉ cần hành trì theo lời Phật dạy, thế là chúng ta được hạnh phúc. Mọi công thức hành trình pháp Đức Phật dạy đã hiển bày thật rõ, đã được chỉ thực tận tường. Chỉ cần bạn và Bảo Thanh có lòng thành kính, có tâm chân thành, muốn tự giúp bản thân thoát khổ để hưởng được sự sung sướng, an lạc trong đời ngay bây giờ.

“Tầm Ánh Đạo Vàng” cần nhất là tâm chân thành, lòng thành kính, tầm ánh đạo vàng ngày nay rất dễ không khó, bởi Phật đã hy sinh tìm ra và hiến cả cuộc đời để diễn bày, chỉ dạy theo những phương tiện và phương pháp thật dễ học, dễ hiểu, dễ hành. Mấu chốt của ánh đạo vàng được gọi là đạo Phật ngày nay chính là Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác là nhiên liệu vi diệu để mỗi người bước qua hằng hà sa những trở ngại, sóng gió của những cội nguồn đau khổ từ bể khổ cuộc đời này, lướt qua tất cả mọi khổ, lướt qua tất cả mọi chướng ngại và ta có được cơ hội làm chủ cuộc đời để an vui.

Chúng ta thường vướng mắc trong ánh đạo vàng của Phật, bởi những từ ngữ ca tụng, kinh văn đã đủ nhưng vẫn có những người mượn kinh văn ấy, xáo trộn trở lại theo những từ ngữ mà họ gọi là tuyệt chiêu ngôn ngữ, để đánh bóng hình ảnh của Phật, để đánh bóng chân lý ánh đạo vàng của Phật. Nếu như ngày hôm nay ta thấy Phật, thì nhất định Đức Phật không phải như những tôn tượng Phật là thân kim sắc vàng lóe lên đâu, nhất định Đức Phật không như hình tượng vẽ trang điểm lộng lẫy đâu. Ngài như Bảo Thành, như các bạn, tùy thời tùy lúc mà khoác lên người những y phục phù hợp trong từng thời đại. Thời xưa Ngài đắp y là cái áo từ những mảnh vải của người xưa dùng để liệm xác, tới những mảnh vải được cúng dường trang nghiêm, Ngài tùy hỷ đón nhận đắp lên người như là một phương tiện và đôi chân trần dạo khắp mọi nơi.

Nếu bất chợt nhìn thấy Phật trên đường Ngài cũng rất bình thường, chỉ có người có tâm tầm ánh đạo vàng mới thấy được nơi con người rất bình thường như Phật kia tỏa ánh hào quang, có năng lượng vi diệu. Còn những ai không có lòng thành kính, chẳng có duyên với Phật, đứng trước Phật cũng như đứng trước cội đá, gốc cây, chẳng thể nhận biết được Ngài. Vậy nên Ngài mới nói Ngài không thể độ được người không có duyên và chỉ độ được người có duyên mà thôi. Người có duyên là người có tâm thành kính và chân thật. Ngày nay nếu chúng ta vẫn có được tâm thành kính, chân thật, chẳng tầm ở đâu xa trên những ngôi chùa nguy nga rộng lớn, hay những nơi hang cốc huyền bí, mà chữ huyền bí cao siêu kia được tán tụng và dẫn dắt chúng ta vào trong sự mê hoặc, huyễn hoặc. Phật rất bình thường, rất bình dị.

Đức Phật khi giác ngộ đã nói “Ta là Phật và chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Đây là ấn chỉ vi diệu để ta nhận diện ra ánh đạo vàng chẳng ở những ngôi chùa cao, to, nhỏ, trong cốc, trong hang, trong rừng, trong núi, nơi linh thiêng màu nhiệm. Mà ánh đạo vàng ở nơi trong tâm của ta, tâm Phật vốn đã có và Phật đã thấy chỉ cho chúng ta. Trở về với nguồn tâm và trở về sống với nội tâm chân thật, với nội tâm thành kính, trong sáng, thì viên kim cương, viên dạ minh châu của Phật tánh sẽ tỏa sáng. Bạn sẽ có cơ hội nhìn rõ ánh đạo vàng nơi tự thân mà không cần phải vùi đầu chế tác, miệt mài đọc, học thuộc như con vẹt. Chỉ cần đi trở vào buông bỏ tất cả những sự cám dỗ, những sự vướng mắc trong cuộc đời, thì nhất định viên dạ minh châu nơi tâm Phật ấy sẽ tỏa sáng. Bạn sẽ nhìn rõ được mọi hành vi, suy nghĩ, lời nói của bạn và đó chính là ánh đạo vàng.

Tầm ánh đạo vàng không ở xa, không cầu kỳ, không sắc tướng, không tạo nên những khuôn mẫu mà là tháo gỡ mọi sự ràng buộc bởi tâm lầm chấp của chúng ta. Phật đã tìm ra và Ngài trong suốt cuộc đời hiện thân trên trái đất này, nhắc nhở mọi người phải luôn luôn tự tháo gỡ cho mình, như bóng đèn, như ánh sáng, như ngọn đuốc bị che kín rồi, tánh Phật luôn sáng như ngọn đuốc tuệ nhưng ta đã bao trùm nó lại bởi tâm chấp trược, sân giận, si mê, tháo gỡ từng lớp si mê, sân giận, chấp trược kia, ngọn đuốc Phật tự nhiên sẽ tỏa sáng. Như mặt trăng bị che lu mờ bởi những đám mây đen, khi mây đen đã tan đã rời mặt rrăng vẫn sáng, sau trước mặt trăng vẫn sáng, nhưng mây đen che phủ ánh sáng của mặt trăng ta không thấy.

Ánh đạo vàng không thể thấy được nơi tâm sân giận quá. Ánh đạo vàng không thể thấy được nơi tâm tham chấp, si mê, dù bạn có thuộc làu làu kinh điển, thông tam tạng đại kinh liễu nghĩa phước quãng Đại Thừa, Mật Thừa, Nikaya, tất cả các loại kinh, mà bạn không chuyển được tâm tham sân si, phá được chấp thì bạn vẫn sáng như mặt trăng đấy, nhưng trăng ấy bị che kín bởi đám mây đen của tham sân si, chấp trược. Nhiều người trong chúng ta học quá nhiều, mang ngôn ngữ, mang lý thuyết biến thành vạn lý trường thành để che lấp chính tầm nhìn của mình vào trong thể tánh Phật nơi ta. Cứ ngồi ngóng ra khung cửa của kiến thức, của trí thức tìm tòi những sự sai lầm, lỗi lầm của người khác, chứ chẳng bao giờ phá vỡ bức tường thành vạn lý kiến thức kia để đi vào trong chân tâm, mở rộng viên dạ minh châu nâng lên giá trị trên đỉnh đầu, soi sáng cho tự thân, từng bước bước qua chướng ngại lầm chấp, ta vẫn khổ. Dù biết bao nhiêu những áng văn, những kinh sách, những lời ca tụng tầm ánh đạo vàng của Phật, của Bồ Tát, của chư Tổ, của chư Thầy và ta say mê trong những ngôn từ được tái tạo trở lại, do những đạo diễn ngôn ngữ sáng tác ra.

Đức Phật chưa một lần nói về thân của Ngài như thế nào, nhưng kinh điển ngày nay tán tụng 32 nhiều tướng đẹp, không cần thiết. Cái đẹp của Phật là cái đẹp nơi chân tâm Phật tánh hiển lộ, cái đẹp Phật ngày nay ta nhìn ra là cái đẹp của tướng số mà tùy theo quốc độ, quốc gia tin tưởng vào tướng hảo như thế nào là đẹp, nặn và tạo hình theo tướng hảo ấy. Hãy nhìn một tôn tượng Phật của người Trung Hoa, sẽ đầy đủ những tướng hảo theo quan niệm phú quý,  an lạc, đại nhân của người Trung Hoa. Hãy nhìn vào tôn tượng của người Campuchia, của người Sri Lanka, của người Nepal, người Bhutan, người Ấn Độ, ta thấy tôn tượng hình ảnh khác bởi những đất nước ấy về nhân tướng học, tướng đại nhân họ nhìn theo góc độ khác. Vậy nên ta thấy các tôn tượng, hình ảnh của Phật hằng hà sa số sự khác biệt, chính là do những họa sĩ, chính là do những người tạc tượng điêu khắc gia, dựa trên nền tảng kiến thức của họ cho là tướng hảo đẹp mà tạt ra. Ta bị dẫn dắt về những hình tướng ấy, cho nên trong tâm cứ liên tưởng Đức Phật như vậy.

Ngoài tướng pháp thì tâm pháp kinh sách của nhà Phật cũng được các họa sĩ, là những nhà văn, là những nhà dịch thuật dịch theo tư tưởng, suy nghĩ, văn chương, kiến thức của thế hệ họ, lồng vào những sự lắp ghép, những mỹ từ cao siêu, làm cho ta không còn cơ hội nhìn rõ ánh đạo vàng nơi Đức Phật một cách chân thật nữa. Đức Phật không bao giờ nói về cái đẹp của Ngài, mà Ngài nói về sự viên mãn, sự tuyệt đỉnh đẹp nhất nơi mỗi chúng sanh đó là tánh Phật. Ánh đạo vàng và tầm ánh đạo vàng không ở xa, ở nơi tâm của ta, tâm Từ bi, tâm Trí tuệ và Tỉnh giác. Đưa ta nhìn thấu và hành được những pháp thiện, từ bỏ những pháp ác để tâm ta thanh tịnh và đời ta hạnh phúc. Suối nguồn yêu thương được khai mở chảy mãi trong suốt cuộc đời của mình và tới với tất cả những người trong gia đình, thân bằng quyến thuộc, xã hội, nhân loại và chúng sanh.

Bạn tầm ánh đạo vàng ở đâu? Có cần phải lần mò như thời thái tử Tất Đạt Đa, có cần phải lần mò như thời các Tổ, phải vào rừng sâu núi thẳm không? Có cần phải vào trong những thư viện, chùa chiền cao to lớn hay không? Không! Bạn chỉ đi ngược vào tâm thôi. Phật nơi tâm, tâm gì? Tâm Từ bi, Phật nơi tâm, tâm Trí tuệ, nơi tâm, tâm Tỉnh giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán chiếu, chiêm nghiệm, suy niệm, thể nhập vào trong nội tâm sâu lắng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, bạn sẽ thấy Phật đang ngồi ở đó để mời bạn thông phần vào con đường giải thoát của tự thân để thoát khổ. Không Tìm Phật ở bên ngoài, tìm Phật nơi tâm.

Ánh đạo vàng ngày nay thật rõ, nhưng kinh điển, kinh sách hướng dẫn mịt mù theo chiều hướng văn chương thời đại, khỏa lấp bởi những văn tự huyễn hoặc đánh bóng. Người xưa nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn, mọi hình tướng khoác lên tôn giáo Phật, mọi hình tướng khoác lên Thế Tôn, mọi hình tướng vẽ vời tô điểm cho ánh đạo vàng của Phật, chẳng thể tốt hơn chất gỗ, chất rất Phật gọi là Phật tánh Phật đã thọ ký, khai thị cho chúng ta. Sao chúng ta lại như những người cuồng dại, tròng vào cổ những sợi dây của sắc tướng, văn tự kinh điển, những lý thuyết, diễn thuyết, rồi chạy vòng vòng nơi sự cột chặt vào tâm chấp như con trâu, con bò bị xỏ mũi cột vào gốc cây chẳng thể thoát. Chạy vòng vòng kéo riết, kéo riết, rồi đến đau đớn tâm hồn, tê tái thần thức. Hãy gỡ bỏ hết và trở về với tâm chân thật thành kính, qua sự quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng vi diệu khởi ra từ nơi tâm của ta. Từ đó ta có sự gắn kết mật thiết với chư Phật, chư Bồ Tát, làm cho đời sống hạnh phúc thật rõ ngay trong kiếp này, ta sẽ nhìn thấu mình hơn, ta sẽ nhìn rõ mình hơn và ta sẽ buông được những sự nặng nề ta đã vác lên trên đôi vai gầy gò xanh xao của ta.

Bạn đang tầm ánh đạo vàng ở đâu? Ở chùa, ở kinh điển dày cộm, ở trong thư viện hay bạn đang lần mò theo những chữ huyền bí nơi những chỗ này, chỗ kia, thâm sơn cùng cốc, ngang dọc trong cuộc đời vô lượng kiếp qua bạn đã tìm, kiếp này bạn tiếp tục tìm, chẳng thấy đâu. Ánh đạo càng tầm ở ngay trong tâm, tìm ánh đạo vàng ngay nơi tâm, tâm gì? Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác. Đừng mặc định bằng những ngôn ngữ, bằng những thể loại văn chương áo nghĩa thâm sâu, đừng sơn son thiếp vàng, thắp lên những ngôn ngữ ảo diệu. Lột bỏ hết trở về hai chữ đơn giản là từ bi, trở về với hai chữ đơn giản hơn nữa là Trí tuệ, là Tỉnh giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác là cốt lõi trên con đường trở về vào bên trong, để thấy được viên dạ minh châu, thấy được viên kim cương tỏa sáng nơi tánh Phật. Bạn đừng hóng gió, hóng chuyện, hóng những ngôn từ Phật giáo cao siêu, hóng những phương pháp theo phong trào dẫn dắt, mà trở về đón nhận cái đã vốn có nơi ta.

Hãy trở về, hãy trở về tầm ánh đạo vàng nơi tâm, bạn nhất định sẽ thay đổi được cuộc sống, bạn nhất định sẽ thay đổi được gia đình và hiện trạng sống hiện thời, bạn sẽ làm cho gia đình xã hội thêm đẹp, thêm hạnh phúc. Nhất định ánh đạo vàng nơi tâm bạn tìm về, sẽ thay đổi được toàn diện cuộc đời của bạn trong từng giây, từng phút của cuộc đời này. Chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác là liều dược liệu vi diệu, mà mỗi ai uống vào thực hành, chiêm nghiệm, quán chiếu nội tâm của mình, nhìn thấu được điều ấy, nhất định, nhất định bạn sẽ là người can qua muôn trùng thử thách, chướng ngại mà tâm vẫn an lạc và hạnh phúc. Mục đích duy nhất tầm ánh đạo vàng là để hưởng hạnh phúc vốn có nơi ta, chứ không tạo thêm những gì vốn không thuộc về ta. Bạn đã nghe thấy chưa, còn chạy đuổi theo chiều hướng gì, hay cho mình một cơ hội lần nữa hãy trở về bên trong, lấy Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác như ngọn đuốc tuệ để đi ngược vào mà mang viên kim cương, dạ minh châu ra thắp sáng trên đỉnh đầu, nhìn rõ, thấu, hiểu, thương để buông xả, dìu dắt nhau qua những chặng đường gian khó của cuộc đời này. Thôi mình về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Khi xưa Ngài đã rất khổ, phải từ bỏ và đi tầm được ánh đạo vàng, Ngài khai sáng ra. Nay chúng con chỉ cần học theo Ngài, đơn giản vậy thôi là trở về với Phật tánh thì nhất định ánh đạo vàng ở nơi đó sẽ sáng, để giúp chúng con chuyển hóa mọi nghiệp thức ác để thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Nguyện chư Phật luôn gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts