Search

Bài 3143. Chỉ Là Tạm Bợ

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy giữ tâm cho thanh tịnh, buông lỏng, rời bỏ mọi sự suy nghĩ trở về với chánh niệm của hơi thở, quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn gặp tới những điều cần phải suy nghĩ, nhất là những chuyện mà ngày nay đôi khi trong đau khổ người ta cứ khuyên mình cõi đời chỉ là tạm bợ, đừng nghĩ gì nữa bỏ qua đi, sống cho thoải mái và đó chính là chủ đề “Chỉ Là Tạm Bợ” chia sẻ ngày hôm nay. Có những lúc trong cuộc đời có quá nhiều tiếng ồn ào, ta rất cần ai đó hiểu được ý, đóng cửa để cho bớt ồn, bởi vì tiếng ồn ở ngoài đời nó đồn đãi, tiếng ồn từ âm thanh ở bên ngoài đi vào lỗ tai của tâm không thanh tịnh sẽ làm cho chúng ta khó chịu lắm. Nhất là tiếng đồn, tiếng thì thầm hoặc tiếng thị phi ở đời, hoặc tiếng cứ nói về con đường đạo “Ôi cuộc đời là cõi tạm bợ, chỉ là tạm bợ thôi, bỏ qua”.
Nhưng mấy ai trong chúng ta có thể bỏ được những chuyện được cho chỉ là tạm bợ, nói tạm bợ thì khó nhìn thấu bởi thân xác này là của ta, suy nghĩ này là của ta, vợ con, nhà cửa, tiền bạc, xe cộ, vật chất trong đời sống nó hiện hữu quá rõ, sao ta có thể cho là tạm bợ được. Nhưng có những thứ đã tuột mất tầm tay và nghe được lời khuyên chỉ là tạm bợ đôi khi ta không chấp nhận, cảm thấy khó chịu. Có nhiều chiều hướng khi nghe được hai chữ chỉ là tạm bợ, tạm bợ đó thôi các bạn và người ta cứ nói tạm bợ thôi, chỉ là tạm bợ, ta nghe một hồi ta cũng nổi khùng và ta trả lời lại rằng “Bạn chưa như tôi, bạn chưa mất nhà, mất cửa, bạn chưa mất người thân, bạn chưa mất cái này, chưa mất cái kia, cho nên đối với bạn thật đơn giản chỉ là tạm bợ, còn đối với tôi làm sao cho là tạm bợ khi người thân bị mất, làm sao cho là tạm bợ khi thân xác của tôi là thật khi nó đau, khi nó khổ”.
Khó lắm, bởi mấy ai có chiều sâu suy nghĩ cho kỹ và hai chữ tạm bợ cũng làm ta đôi khi bị xô ngã bởi tư tưởng đó, có hướng đi nhiều người nghĩ rằng chỉ tạm bợ nên sống tạm bợ qua ngày, không còn ý chí phấn đấu vươn lên. Trong hoàn cảnh sống hiện tại có nhiều người bị rơi vào như thế khi gặp thất bại, khi gặp mất mát, thấy hai chữ tạm bợ lấy làm chủ đích của cuộc sống, trở thành người như ma trơi vất vưởng, không vươn lên vượt qua khi bị té xuống nữa.

Ở đây có ai nhìn thấy một cảnh sống nào của người sống theo tiêu chí tạm bợ chưa? Họ không phấn đấu và khi gặp những người đó ta rất buồn bởi họ không còn ý chí sống.
Ở đây có ai nhìn thấu được hai chữ tạm bợ mà vươn lên dõng mãnh hơn không? Đó là người có thể có thêm ý thức sâu hơn để hiểu được hai chữ tạm bợ theo văn tự bình thường sử dụng, ta đi vào lời Phật dạy đó chính là vô thường, quán vô thường. Nếu chỉ hiểu đơn giản tạm bợ là có đó rồi mất đó thì còn quá sơ sài. Nếu hiểu muôn sự ở đời đều vô thường tức là có thời hạn tồn tại nhưng không vĩnh viễn mãi, mà ngày nay người mua đồ sử dụng những vật dụng, mua cái gì cũng đều có thời hạn, cái xe cũng có thời hạn 100.000 cây số là có thể bị hư bất tử, vật dụng tiêu xài cũng có thời hạn như đồ ăn một ngày hai ngày để ngoài cũng hư, tức là có giới hạn trong sự tồn tại nhưng chẳng phải là tạm bợ, có đó nhưng có giới hạn theo quy luật của vô thường sanh diệt. Cho nên chúng ta đừng trở nên người sống tiêu cực để rồi không còn ý chí vươn lên thành tựu, hãy nhớ trong thân xác vô thường mà người ta thường gán ghép cho là tạm bợ này là gia tài vô giá, bởi Đức Phật dạy mang thân người vi diệu vô cùng và thân người có công năng chuyển hóa tất cả mọi phiền não, đau khổ. Và thân người này có giá trị vi diệu ở chỗ nếu chúng ta khai thác được tiềm năng trí tuệ, thì nhất định ta sẽ sống hạnh phúc hơn. Vậy nên chúng ta đừng để cho ai dẫn dắt cho cõi đời là tạm bợ, thân này là tạm bợ.

Vẫn biết một mai ai đó trong chúng ta tất cả đều sẽ trở về với bụi tro, nhưng như Đức Phật dạy con thuyền kia là tạm bợ nhưng biết mượn con thuyền khi nó còn tồn tại, khi nó còn tốt, ngồi lên trên chiếc thuyền đó lướt qua sóng gió của cuộc đời, bể dâu của cuộc đời, tới được bờ bên kia, thì chúng ta nhất định phải bảo vệ cái thuyền tạm bợ vô thường, tới lui sanh diệt không tồn tại vĩnh viễn. Ta phải bảo vệ chứ ta không thể bỏ rơi chiếc thuyền đó, bởi chiếc thuyền ấy sẽ đưa ta qua sông. Nhưng khi qua sông rồi chúng ta có đội chiếc thuyền lên trên đầu nữa không? Nó chỉ là phương tiện, hiểu theo sự tạm bợ mà phải hiểu rõ như lời Phật dạy gọi là vô thường sanh diệt, không tồn tại vĩnh viễn. Nên khi nó và bất cứ thứ gì còn tồn tại với ta, ta cần phải bảo vệ, ta cần phải bảo dưỡng và ta cần phải học để ứng dụng, để sử dụng, để khai thác tiềm năng của tất cả những gì ta đang có, không thể bỏ rơi, không thể cho là tạm bợ rồi chúng ta vất vưởng, không sử dụng. Có thật nhiều người đã không sử dụng cuộc đời của họ đúng lúc, đúng chỗ và khai thác tiềm năng sẵn có, cho nên họ đã bỏ rơi cuộc đời trong những thứ ăn chơi, bởi hai chữ tạm bợ nó cứ lởn vởn ở trong đầu làm cho họ mất đi tinh thần. Nhiều người sau khi sa ngã, vấp té hoặc thất bại, nghe hai chữ lởn vởn ở trong đầu là tạm bợ, họ đã bị hai chữ tạm bợ đó xâm nhập vào tâm làm cho họ mất toàn diện khả năng đứng dậy và vươn lên. Cho nên đừng để hai chữ tạm bợ và câu chỉ là tạm bợ ám ảnh chúng ta, xâm nhập vô tâm của chúng ta nhưng hãy quán chiếu theo mật ngôn vi diệu Đức Phật dạy NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, trong mật ngôn này có năng lượng chuyển tải, khai thác tiềm năng trí tuệ để nhận rõ được vô thường và ứng dụng tất cả những điều gì ta đang có dù vẫn biết là vô thường, để khai thác ứng dụng vào đời sống để thành tựu được sự an lạc hạnh phúc.

Vậy quán chiếu vô thường là gì? Chẳng còn gọi là tạm bợ như ở đời tạm gán ghép cho chúng ta sự suy nghĩ đó để rồi chúng ta mất ý chí. Phải quán theo Đức Phật dạy, phải nhìn theo Đức Phật dạy là vô thường, vô thường ở đây tức là có giới hạn, nó có thời hạn tồn tại và khi nó đi ta đừng níu kéo. Như mua một chiếc xe mà đến khi nó hết hạn rồi, nó hư ta có ôm chiếc xe cũ đó nữa không? Nếu mà chiếc xe của mình đã cũ rồi mình phải thay đổi mua xe mới, ngay cả nhà cũng vậy. Nhưng chúng ta không bao giờ nhìn điều đó, có nhiều người mua chiếc xe thật mới, hôm bữa Bảo Thành gặp một người bạn nói mua chiếc xe đã 10 năm rồi mà mới có 10.000 cây số, tính ra mỗi năm chạy có 1.000 cây số thôi, xe còn mới toanh, nhưng cái giá trị thì nó đã bị mất rồi dù không có xài, dù chỉ là 10.000 cây số, 100.000 cây số là quá đát nhưng 10 năm mới có 10.000 cây số, họ sợ đi, họ sợ nó hư cho nên họ ủ, họ ấp ở trong nhà. Tình trạng mua xe về ủ ở nhà cho sang có không các bạn, như vậy là đúng hay là sai, đó là tạm bợ hay rõ hơn nó là vô thường, dù bạn có ấp ủ như thế nào đi nữa, sau 10 năm chiếc xe đó dù không xài nó cũng dần dần bị hư. Trong tất cả những vật chất ta sử dụng ở trong đời, những mối giao hảo, những mối tương quan, những sự quan hệ đối với nhau có lúc thật đẹp, nhưng rồi nó cũng có thể thay đổi từ đẹp thành xấu và từ xấu thành đẹp. Cho nên chúng ta khi quán chiếu vô thường như tạm gọi là tạm bợ, đừng bao giờ mong cầu những điều ta có tồn tại mãi mãi, để rồi ta sẽ bị đau khổ.

Ở đây có ai có bị mất cái gì chưa, mà bị đau khổ vì điều mình mất không? Có mất tiền không? Có mất tình không? Tình đây là tình cha, tình mẹ, tình anh em, tình đồng loại, tình người yêu, có mất cha, mất mẹ, mất ông bà chưa? Chúng ta nếu cứ bám víu, không hiểu thấu vô thường ta sẽ khổ lắm. Ở đây có ai mất sức khỏe chưa? Có ai thấy mất tuổi đời đi chưa, tức là tuổi già đi đó, mất tuổi xuân mà thêm tuổi già? Ở đây có ai mất tóc đen hóa ra tóc trắng chưa? Có! Chúng ta mất mát rất nhiều từng ngày, mất đi tánh điềm đạm, có ai mất đi sự giận hờn không? Sự sân giận không? Sự tham si không? Không mất cái đó mà chỉ mất niềm vui, mất nụ cười tươi, mất sự tha thứ bao dung. Tại sao những cái xấu ta không bao giờ để nó mất đi, mà những cái đẹp ta cứ để tuột khỏi tầm tay? Cho nên trong cuộc sống này những gì đẹp dù rất nhỏ hãy biết trân quý, giữ gìn, chăm sóc, đừng để mất một mai sẽ hối hận. Đức Phật dạy những điều rất xấu và có thể nhẹ như tơ hồng cũng đừng bao giờ chạm tay vào, những điều tốt đẹp dù nhỏ như hạt cát, hạt bụi cũng đừng bỏ qua. Chúng ta cứ vơ vét vào những sợi tơ hồng của phiền não, tham sân, mà đánh mất đi những cơ hội làm được những việc tốt đẹp, ứng xử với nhau. Đời là cõi tạm điều đó luôn đúng, bởi có mấy ai tới trần gian này mà tồn tại mãi đâu. Tuy nhiên cõi tạm đó nếu biết ứng dụng một cách rõ ràng trong chánh pháp thì những cái rất tạm bợ, gọi là cõi tạm sẽ trở thành vi diệu, bởi những điều ta thấy, ta có, ta gặp đều do cơ duyên và phước báu và những sự việc đấy, những việc ấy, những điều ấy đều là phương tiện vi diệu hết.

Khi nào chúng ta nhận ra rác rưởi cũng là phương tiện vi diệu. Có nghe đồn hồi xưa ở Sài Gòn có người bán ve chai, có người đi lượm ve chai gọi là tỷ phú ve chai. Ở đây các bạn có khi nào tìm hiểu về Sài Gòn xưa không? Có một ông, ông chuyên môn lượm ve chai mà ông trở thành người giàu nhất Sài Gòn thời xưa. Chúng ta lượm cái gì mà nhận ra giá trị của nó tốt đẹp, ứng dụng đúng ta sẽ trở thành người giàu. Còn nếu chúng ta lượm bất cứ một thứ gì dù là vàng bạc châu báu, mà không nhận ra giá trị sử dụng của nó vào cuộc đời, thì nó cũng trở thành vô nghĩa. Cho nên trong pháp bảo Đức Phật truyền trao mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang không phải là một câu chữ bình thường, bởi đây là âm thanh vi diệu của bậc giác ngộ trao truyền. Những ai biết đón nhận âm thanh này, trì tụng cho đúng sẽ khai triển được tiềm năng vi diệu và trí tuệ thấu rõ được vạn pháp vô thường, và nhìn xuyên suốt tất cả các cõi tạm bợ, những thứ tạm bợ trong đời và ứng dụng chúng vào đúng với tác dụng của chúng trong cuộc đời để làm lợi lạc cho cuộc sống. Ví dụ như ta vẫn có một nụ cười thật tươi để đối xử với nhau, nếu ai hiểu được tác dụng của nụ cười thì nhất định ta không để cho đôi môi tắt lịm. Ở đây có ai có biết nụ cười có công năng vi diệu như thế nào không? Có ai nghe về nụ cười của mình chưa? Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, vậy mà mình có uống 10 thang thuốc bổ đó mỗi ngày, mỗi giây không? Và tại sao chúng ta vẫn biết nụ cười là tạm bợ nhưng nó bằng 10 thang thuốc bổ, nhưng ta không bao giờ uống và trao cho nhau 10 thang thuốc bổ ấy, ta nói ra những lời cực độc. Có ai ở đây nói lời độc với người khác chưa? Có đấy! Ta phải để ý khéo khéo một chút ta mới thấy được công năng vi diệu của những ngôn từ ta sử dụng và cái miệng này ta sử dụng như thế nào để thành thuốc bổ, ta biết cười, biết nói ái ngữ. Còn ta cứ không cười, đối nghịch với cười là gì các bạn biết không? Mình không cười, không phải khóc, khóc thì người ta đâu có buồn, người ta đâu có khổ, không cười mà miệng mím lại và tặc lưỡi, mà nếu ai làm như vậy mình buồn không? Cái miệng này tạo ra thật nhiều âm thanh tạo khổ và cũng có cơ hội chuyển hóa nó bằng ái ngữ và nụ cười. Cho nên miệng là tạm bợ, âm thanh là tạm bợ, hành động là tạm bợ nhưng chính cái tạm bợ đó nếu hiểu được nó ta cũng có thể mượn cái tạm bợ để xây dựng hạnh phúc cho nhau. Nếu không thấu được cái tạm bợ đó ta vô tình sử dụng hay cố tình sử dụng cái tạm bợ để tạo khổ cho nhau.

Ở đây có ai thả thính độc chưa? Tức là mình cũng không có để ý đến hành động của mình, không để ý đến nụ cười của mình, không để ý đến những lời nói của mình, rồi bất chợt ai, người thân hoặc người quen nghe thấy họ buồn. Mà nụ cười là thuốc bổ, mà phải cười làm sao mới bổ, có những nụ cười mà giết người. Vậy chúng ta phải tập cười như là một liều thuốc bổ và nụ cười đó phải là nụ cười khởi lên từ tâm yêu thương, khi yêu thương nhau chân chính theo lời Phật là tình yêu vượt ngoài mọi ái chấp. Cho nên nhớ, chính trong cõi tạm bợ này đừng để người ta ám thị mình, để rồi mình mất ý chí. Mà hãy sử dụng tất cả những cái gì được gọi là tạm bợ thành phương tiện vi diệu, như con thuyền đưa ta qua bờ. Vậy từ xưa đến giờ ta nhìn thấy, có khi nào ta để ý tất cả những cái tạm bợ có công năng vi diệu không? Có để ý như vậy không hay ta đã lãng quên tất cả những diệu dụng, nhà Phật gọi là những diệu dụng phương tiện, tất cả những gì tạm bợ cũng là phương tiện nếu hiểu được và diệu dụng được nó, sử dụng đúng mức sẽ đưa ta đến sự hạnh phúc. Như các giác quan của chúng ta cũng chỉ là tạm bợ thôi, ông bác dưới kia lỗ tai nghe không rõ đúng không? Như vậy cái tai có phải là tạm bợ không? Hồi trẻ thì thính, bây giờ ai ở đây bảo đảm rằng cái tai của mình sẽ nghe thính suốt đời. Cho nên chữ tạm bợ ở đây là vô thường, có lúc thính rồi nó sẽ ù tai, rồi lãng tai, cho nên nếu khi tai ta còn thính, tai của ta còn là phương tiện dù tạm bợ vô thường, ta phải biết nghe pháp, nghe lời hay lẽ phải để ta ứng dụng vào đời, để một mai theo giới hạn tồn tại của lỗ tai này khi tuổi già nó lãng rồi, ít nhất khi nó còn nghe rõ, ta đã nghe được nhiều điều bổ ích nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ đến điều ấy. Đây là một ví dụ rất cụ thể bởi trong nhóm của chúng ta hiện tại có một bác lãng tai, một ngày nào đó tai của chúng ta sẽ ù, sẽ không còn nghe được rõ nữa. Một ngày nào đó mắt của chúng ta sẽ mờ, một ngày nào đó chúng ta cũng mất cảm giác nữa và đặc biệt hơn nữa mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới rằng ngày nào ấy ta sẽ như vậy, luôn luôn nghĩ rằng ta vẫn minh mẫn sáng suốt, nghe rõ, nhìn rõ.

Chủ nhật này nếu ai đó đi với Thầy tới một chỗ kia nhất định sẽ tìm được một bà cụ, sẽ thấy được một bà cụ mà Bảo Thành đã quen nhiều năm, nay quên rồi, quên hết rồi, chẳng nhớ gì nữa. Sẽ có một ngày nào đó ta sẽ mất trí nhớ, cho nên chữ tạm bợ và vô thường để nhắc nhở rằng không phải nó là tạm bợ vô thường sanh diệt để rồi ta coi thường bỏ qua, mà ta phải trân quý khi thứ tạm bợ đó, tai, mắt, mũi, trí nhớ của ta vẫn còn sáng. Hãy sử dụng nó, hãy biết ứng dụng nó thành phương tiện vi diệu để học hỏi, giải thoát khỏi đau khổ. Còn không một mai nó tới hạn mà không còn nhớ, không còn nhìn rõ, không còn nghe rõ nữa thì ta sẽ trở thành vô dụng và lúc ấy sẽ đau khổ lắm. Chẳng thể ứng dụng thân người vi diệu để chuyển hóa nghiệp chướng, nghiệp ác mà lúc ấy ta lại phải trả nghiệp vô lượng kiếp đổ về, nhất định sẽ khổ. Cho nên khi quán chiếu vô thường là nhìn rõ trong cõi tạm bợ này vẫn có những cái vi diệu cần phải nhanh chóng ứng dụng ngay, đừng sao nhãng bỏ qua, đừng coi thường để một mai mất rồi ta sẽ không bao giờ tìm lại và có lại được nữa.

Bây giờ mình có nhìn thấy rằng một mai mình sẽ bị lãng tai như ông bác không? Các bạn có thấy một mai mắt mình sẽ mờ như những người không nhìn thấy đường không? Các bạn có thấy rằng một mai mình mất trí nhớ như những người bị lãng trí không? Các bạn có thấy một mai có những người trong chúng ta sẽ bị nằm tại chỗ, sống thực vật không? Các bạn có thấy một mai mình đau chân, đau gân, đau cốt, rụng rời chân tay, yếu đuối không? Mình thấy rồi, ai trong chúng ta cũng phải đi đến đoạn đường ấy, chính Đức Phật cũng phải đi đến đoạn mà thân xác đau đớn, chân tay đau đớn, mà Ngài A Nan là thị giả của Phật luôn luôn phải đấm bóp cho Phật. Rõ như vậy đó nếu ta không quán chiếu và ứng dụng những cái gọi là tạm bợ ở trong đời này ta đang có, để mang lại hạnh phúc cho nhau thì ta đã bỏ phí. Cho nên đừng để hai chữ tạm bợ làm cho ta mất ý chí, mà phải nhìn sâu hai chữ tạm bợ, tăng trưởng trí tuệ, có ý chí để vượt qua những sự vấp ngã, những sự thất bại mà trưởng thành hơn. Và đi sâu hơn nữa là quán chiếu vô thường không phải để ta sợ hãi, ta coi thường cuộc đời mà quán chiếu vô thường để làm cho cuộc đời vô thường này thành phi thường. Ta có cơ hội và có khả năng ứng dụng thực tế, chuyển hóa toàn diện những cái tạm bợ, những cái vô thường thành phi thường và bất diệt. Từ khóa này có thể tìm được ở trên mạng, nhưng chìa khóa để biến những sự vô thường tạm bợ thành phi thường chính là lòng yêu thương Từ bi, chính là Trí tuệ, bởi quán chiếu Từ bi và Trí tuệ có năng lượng vi diệu giúp cho chúng ta có một đời sống tỉnh thức, nhìn rõ mọi hiện tượng đang xảy ra với chúng ta, đã xảy ra với chúng ta và khi nhìn rõ được những điều đã xảy ra, đang xảy ra ta sẽ nhìn thấu được những điều sẽ xảy ra với chính mình.

Hai chữ tạm bợ có còn đáng sợ nữa không? Hai chữ vô thường có còn đáng sợ nữa không? Không! Mà muốn không còn sợ vô thường và sự tạm bợ trong cùng cuộc đời này ta phải tu tập, ta phải nhìn rõ, phải có công phu, phải tu luyện chứ không phải đứng trên bình diện của kiến thức hiểu thấu, mà không mang vào sự tu tập để có công năng trỗi dậy, thì nhất định những điều hiểu biết chỉ gọi là kiến thức sơ sài kia chỉ tô điểm bằng các ngôn từ và hành động, để biểu diễn rằng ta thấy, ta hiểu, nhưng không ứng dụng được. Phải ứng dụng, hiểu thấu mà muốn như vậy ta phải công phu, đừng để cho hai chữ tạm bợ ám ảnh cuộc đời, đừng để cho hai chữ vô thường làm tê liệt mạng sống. Mà tạm bợ và vô thường là cái kích cầu cho chúng ta vươn lên để thành tựu. Đó là ý nghĩa mà ta nhìn thấy chỉ là tạm bợ, hiểu phải cho thấu còn không chỉ là tạm bợ mà không hiểu thấu, ta mất ý chí. Đức Phật dạy vô thường không phải là để cho chúng ta cảm thấy cuộc đời này vô nghĩa, tất cả những điều ta thấy đều là vô nghĩa, nhưng Ngài dạy vô thường để chúng ta đừng chấp vào tất cả những gì ta có, ngay cả thân mạng, cuộc sống, trí tuệ này, kiến thức này, bởi nó cũng sẽ bị già nua, Thành – Trụ – Hoại – Không và mất đi. Phật dạy về vô thường để ta phá chấp, Phật dạy về vô thường chỉ rõ sự tạm bợ trong cuộc đời để ta ứng dụng tất cả những điều ta có một cách vi diệu hơn, đúng đắn hơn, chuẩn mực hơn để có được hạnh phúc và bình an. Cho nên đừng để chỉ là tạm bợ ám ảnh rồi mất lý trí nữa, chúng ta phải cố gắng tu tập.

Các căn của chúng ta, tai, mắt, mũi, thân này, ý này của ta, nếu vẫn còn thời hạn tốt đẹp thì ta phải sử dụng ngay, đừng để nó quá đát, nó hết hạn lúc đó sẽ khổ. Chúng ta hãy nhớ tất cả mọi sự tạm bợ và vô thường đều có giá trị đặc biệt, nếu như học hỏi, tu tập để ứng dụng phù hợp thì cuộc đời vô thường này sẽ trở thành phi thường, cõi tạm bợ này cũng sẽ trở thành cõi bất diệt. Hãy trở về với hơi thở.

Hít vào từ mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Nhìn thấu vô thường và cõi tạm này.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts