Search

Bài 3131. Ngu Si Hưởng Thái Bình

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn cùng các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta ngồi xuống với tư thế phù hợp, buông lỏng toàn thân trở về với hơi thở chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán, nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển và hồi hướng cho muôn loài chúng sanh.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến. Nhìn trên màn hình một chủ đề mình đọc mình thấy ngu luôn, chủ đề “Ngu Si Hưởng Thái Bình”. Đời này ai không muốn thái bình, muốn thái bình thì ngu đi. Không biết mọi người có chịu ngu để có được sự thái bình hay không? Ở đây các bạn đang đồng tu có ai muốn ngu không? Không! Như vậy thì không có thái bình rồi, chắc là khổ thôi. Người khôn thì khổ, người trí cũng khổ, không ai muốn ngu thiệt hả? Tùy trường hợp. Thế trường hợp nào mình muốn ngu? Trường hợp cãi lộn với chồng thì giả ngu, cái đó giả ngu để nhịn nhục, nhường ổng một bước, chứ mình không có ngu thật phải không? Cái đó cũng hay, trường hợp nào ngu nữa ta? Ngoài ông chồng rồi ra đời người ta chửi mình, mình có muốn ngu không? Ngu một chút để người ta khỏi chửi phải không? Mình phải giả ngu, giả điếc nữa, vậy là khi đi làm người ta bon chen, chèn ép, sếp trên nạt xuống rồi mình phải giả ngu, vâng vâng dạ dạ phải không? Có! Rồi trường hợp nào ngu nữa ta?

Thực ra có nhiều lúc trong cuộc sống ta phải ngu một chút để hưởng sự thái bình. Khi sinh ra ở đời có câu nói mình không có chọn lựa được sinh ra như thế nào, đó là cách nói để an ủi mình, người sinh ra đôi khi họ vô tư dữ lắm. Ở đây có khi nào gặp người bạn hoặc con cái, hoặc người nhà mình, anh chị em hoặc trong dòng tộc mình vô tư, vô lo, cha mẹ muốn lo gì kệ, con cái không lo, vô tư đến mức đi học nó không học, đi làm nó không làm, nằm nhà nó ăn, nó chơi không. Ở đây có ai gặp con cái hoặc bà con mình có con cái vậy không? Cái đó là vô lo, vô tư đúng không? Nó hưởng thái bình, ai muốn chửi gì chửi, ai muốn làm gì làm, nó nằm nhà nó ăn, trường hợp đó có không ta? Có! Rồi có ai mà khôn dữ lắm, ra ngoài mình không có tranh đấu kịp với những người khác rồi mình bị đè ép, bực bội quá, mình mới nhìn thấy người khác sung sướng, thành công hơn mình mà mình không như họ cái mình nói thôi ngu si đi hưởng thái bình, chứ thông minh quá mình không lại ai, có không? Có phải không! Thật ra những người tưởng rằng mình thông minh mà giả ngu là những người kém cỏi, có nghe câu đó chưa? Thông minh, thôi mình chịu ngu đi để thái bình tức có nghĩa họ kém cỏi trong tư duy, họ dùng hết lực, trí rồi mà không có hơn được người khác, không có thành tựu cuối cùng họ tự sướng trong tâm lý, lùi một bước lại không còn phấn đấu để thành tựu và họ cứ nói cái câu như một câu ca, câu vè, câu trù đó là thôi ngu si hưởng thái bình. Họ lùi lại, họ ăn chơi xả láng, họ trở thành vô tư, họ nói như vậy, vô lo bởi không muốn lo nữa, ăn uống nhậu nhẹt, họ cứ tàn tàn sáng đi ra chợ lòng vòng một cái, về đến nhà là ngửi thấy hơi mùi phải không các bạn? Có người mà họ không tranh đấu kịp nữa, họ giả ngu để sống không? Có không? Cái đó là kém cỏi.

Trong đạo Phật mình không cần phải ngu si để hưởng thái bình không quý vị, có cần không? Mình có nghe kinh của Phật dạy đó là người tu Phật mình phải ngu si để hưởng thái bình không? Ở đây có ai đọc kinh nhiều hoặc nghe giảng nhiều, có vị thầy hoặc các bậc tôn túc khuyên mình ngu si chưa? Mà luôn luôn khuyên mình sao? Ngược với chữ ngu si thì phải có Trí Tuệ. Mình đọc mật chú số hai để thắp sáng Trí tuệ, trong những con đường mà Đức Phật dạy để thoát khổ, trí tuệ là đứng đầu. Cho nên học Phật mà giả ngu thật ra mình ngu, những người ngu bao giờ cũng nghĩ mình thông minh cho nên giả khờ, giả ngu, thật ra họ ngu, họ không thông minh bằng người, họ kém nên họ giả ngu, nhưng mà thật sự ra họ ngu đó. Ở trên đời người ngu không bao giờ nói họ ngu hết, phải không? Ngoài trường hợp của cô ông chồng đánh quá, ông chửi quá, mình giả khờ, giả ngu để nhịn chứ không phải là ngu, mà là nhịn, mình giả điếc, giả câm. Người ta chửi, người ta rủa mình, mình không chấp, mình giả điếc, giả câm. Ông chồng ổng sai bực bội thôi, mình giả ngu để cho qua việc. Nhưng Thầy hỏi ở đây, có một ông à, ông kia ông có khi nào giả ngu khi vợ chửi không? Người khôn không cãi, không đối đáp, thật ra cái ngu đó là người có trí tuệ, không phải là ngu. Trường hợp ngu để hưởng thái bình, ngu si hưởng thái bình là những người kém cỏi.

Trong Bát Chánh Đạo Đức Phật dạy tinh tấn, bởi trí tuệ là vua của tất cả các pháp, mà không tinh tấn, không có trí tuệ. Phật không dạy mình ngu, Phật không dạy mình giả ngu, mà Phật dạy cho mình đi từ chỗ si, tức là ngu si đến trí tuệ. Cho nên đã đi từ ngu si đến trí tuệ, mà bây giờ mình theo cách này mình nói ngu si để hưởng thái bình, mình đi ngược lại lời Phật dạy rồi phải không? Chúng ta không thể áp dụng câu này vào cuộc đời được đâu, những người như vậy hầu hết là những người bị thất bại trong cuộc đời, không tìm được một hướng đi nữa, trong mọi mặt họ mất đi ý chí, họ không còn sức mạnh để trỗi dậy và cuộc đời họ coi như bị tuôn cái thắng rồi, khi đổ dốc xuống triền dốc của những sự thất bại, cho nên họ thả bộ đi như vậy luôn. Chúng ta không nên như vậy, nhà Phật trí tuệ làm đầu, phải tinh tấn, phải nỗ lực. Trong Bát Chánh Đạo chánh tinh tấn là con đường tự nỗ lực bản thân để đạt được đến sự trí tuệ, hiểu biết. Đạo Phật lấy trí tuệ làm gốc, làm đầu, làm nền tảng để thoát khổ, để phá vô minh đi đến sự giác ngộ. Ở đời người ta có thể dùng ngu si hưởng thái bình nhưng chúng ta không thể, bởi đạt đến trí tuệ và khi trí tuệ đã đạt tới mức thẩm nhập được tâm từ bi thì cái ngu đó là cái ngu khác. Cái ngu nhường nhịn như cô nói trường hợp rất hay đầu tiên, nói ông chồng ổng chửi, ổng làm gì đó mình giả ngu, thì cô là người có trí tuệ nhưng chan chứa tình thương đối với chồng, muốn bảo vệ hạnh phúc của gia đình và muốn cho người chồng vẫn còn chỗ đứng, không bị mất mặt, giữ được sĩ diện đối với vợ, với con, với chòm xóm, với người thân. Cho nên khi ông mắng, ông chửi, mình ngu, ngu đó là ngu của người trí. Cái ngu của người đần là cái ngu không có tự sách tấn vươn lên. Còn cái ngu của cô nhường nhịn chồng là cái ngu để tiến tới cung bậc cao hơn của tình yêu, biết nhường nhịn khi đối tượng kia đã quá si, đã quá mê, đã quá cuồng, đã quá giận, họ không tự chủ được nữa, cho nên cái ngu của cô là ngu của kẻ trí, ngu đã thấm nhuần tình thương và từ bi. Trong đạo Phật cái ngu đó rất tốt, hưởng được thái bình.

Những bậc học cao hiểu rộng họ không tranh luận, họ không đấu đá, họ không hơn thua, ai đứng trước họ nhường lại đứng đằng sau, ai hơn nữa họ thụt lùi ra phía sau, bởi vì có câu nhường một bước thì trời cao đất rộng. Trong đạo nghĩa vợ chồng ta nhường một bước mà gia đình hạnh phúc. Trong xử thế ở đời như cô nói nhường một bước mà công việc suôn sẻ. Và trong tình bạn ta cũng nhường để cho bạn bè được thăng hoa. Trong tình chị em ta nhường một bước để cho chị em, huynh đệ, anh chị em của chúng ta có trái tim không bị co thắt bởi sự sân giận, tranh đấu, hơn thua. Cho nên nhường nhịn đó là cái nhường của người trí, tạm dùng chữ ngu đứng lại một bước nhưng không có si, không phải như ngu si. Ngu của người trí là nhường, còn ngu si không thấy đường, kém cỏi không phấn đấu thì đó thật sự ở trong vô minh. Cho nên đừng giả điếc, đừng giả ngu mà học.

Trong lục độ ba la mật thứ nhất là Bố thí, thứ nhì là Trì giới, Nhẫn nhục, học chữ nhẫn nhục. Cái câu lúc đó không phải ngu, mà mình bố thí, bố thí là hạnh cao cả nhất, bố thí cái gì? Cái tình thương, khi người chồng giận dữ ta mang hạnh bố thí tình thương, mang tâm nhẫn nhục lùi lại. Và trong bố thí tình thương, nhẫn nhục đó tức là đang hành trì Giới, có Giới thì có Định, mà người biết giữ giới thì có định, tâm định thì trí tuệ được mở, được khai và tương tác bằng trí tuệ là người biết yêu thương. Đấng mà luôn luôn giữ được điều đó chính là Mẹ Hiền Quan Âm đại từ đại bi, trong tâm Từ bi có Trí tuệ, trong tâm Từ bi có Nhẫn nhục, trong tâm Từ bi có Bố thí, trong tâm Từ bi có Tinh tấn, trong tâm Từ bi có Thiền định, trong tâm Từ bi đó có Trí tuệ. Cho nên Bố thí – Trì giới – Nhẫn nhục – Tinh tấn – Thiền định và Trí tuệ – Lục độ Ba la mật là sáu con đường mà mỗi người muốn, có thể chuyển mê thành giác đều phải tu tập và rất dễ chỉ cần tinh tấn cố gắng, đừng ngu si để hưởng thái bình. Như biết bao nhiêu người sinh ra vì nghiệp nào đó, vì căn cơ nào đó họ thiểu trí, não bộ không phát triển bình thường, họ khờ khờ ngu ngu, rồi ai muốn làm gì họ cũng bình yên. Rồi những người có các căn, giác quan lành lặn như chúng ta thấy đó, bám víu vào cách sống đó, mượn câu ngu si hưởng thái bình thì điều đó chứng tỏ sự kém cỏi, không phấn đấu vươn lên và chẳng chịu học, tu luyện những kiến thức ở đời cũng như kiến thức trong chân lý Đức Phật dạy để thoát khổ, mà chỉ là dựa dẫm. Người ta thường tự sướng, từ tự sướng hình như ai cũng hiểu, tự sướng tâm lý giữ mình trong trạng thái khờ khạo để hưởng thái bình. Nhưng không, những người ngu mà nhà Phật gọi là si đó, không bao giờ hưởng thái bình phải không quý vị? Có ai ngu mà hưởng được thái bình không? Không bao giờ!

Đức Phật thấy được điều đó vì chúng sanh làm sao mà bị đọa vào địa ngục luân hồi đau khổ, vì gì? Vì si, vì ngu si và thành Phật là giác ngộ. Cho nên chúng sanh là mê, mê là ngu si, Phật là Giác, Giác là Trí tuệ. Mình tu theo Phật ta đừng để những cách nói như vậy mê hoặc mình để rồi giải đãi không tu tập, mà đi van xin rồi sống buông thả tạo khổ, lại đày đọa mình vào cõi khổ hơn. Không phải đợi đến kiếp sau mà ngay khi còn sống ta đã khổ, bởi không biết tận dụng phương tiện vi diệu kiếp người để tăng trưởng trí tuệ, vươn lên để thoát khỏi vũng sình lầy của ác nghiệp nhiều đời ta tạo. Đức Phật luôn luôn dạy và hướng dẫn cho các đệ tử lấy trí tuệ làm đầu, phải tự đứng dậy thắp đuốc tuệ mà đi, Phật đâu nói đứng dậy thổi tắt đèn, tắt đuốc để rồi lần mò trong tăm tối phải không? Nếu ở đây có ai đọc kinh hoặc nghe qua chân lý của Phật, có khi nào Phật khuyên chúng ta tắt điện, tắt đèn cho tối tăm rồi lần mò đi không? Không bao giờ! Phật luôn dạy phải tự đứng dậy thắp đuốc lên mà đi. Như vậy thì quý vị có muốn ngu si để hưởng thái bình nữa không? Chỉ có trí tuệ mới hưởng được sự thái bình an lạc mà thôi. Người ngu si là những người luôn luôn gây chiến tranh tạo ác, gây khổ. Người ngu si là luôn luôn chứng tỏ mình làm sao? Mình sành sỏi, mình thông minh, mình giỏi để rồi chèn ép người khác. Thường là dấu chỉ của những người ngu si là gì? Thích đàn áp người khác, đè bẹp người khác, lấn át người khác. Còn dấu chỉ để chúng ta thấy người khôn là luôn luôn biết nhường nhịn. Ở đây có ai biết nhường không? Thầy hỏi thật ở đây có ai sấn tới rồi bị người ta táng vào mặt lần nào chưa? Hồi nhỏ, hồi nhỏ mình chơi chừng 5, 6, 7, 8, 9 tuổi, mình cứ sấn sấn tới để rồi mình làm bia đỡ đạn cho người khác, có ai làm bia đỡ đạn cho người khác chưa? Có không? Có ai làm bia cho người ta đánh bởi mình cứ sấn tới đằng trước không? Có đó! Bảo Thành cũng có. Nhưng có những người thật khôn khi còn nhỏ, khi đụng trận cãi cọ cứ lùi lùi hoài không thấy ở đâu, tại sao không thấy họ đâu? Tẩu vi thượng sách, họ nhường, thôi, chỗ đánh nhau, ông bà mình nói ăn thì tìm tới mà đánh nhau thì tìm chỗ để lẩn trốn đi, người khôn như vậy. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta phải trở thành bậc trí tuệ như Ngài, mà để có trí tuệ phải nhẫn nhục.

“Ngu si hưởng thái bình” là cách hiểu lầm, cách sai, cách suy nghĩ của những người thất bại, kém cỏi, không thể vươn lên bằng người, sử dụng trí tuệ của mình là những người kém cỏi, không nỗ lực học hỏi để tăng trưởng kiến thức, khi thấy bạn bè hoặc người khác hơn mình họ không muốn phấn đấu nữa. Trên con đường đạo nếu chúng ta mang câu ngu si hưởng thái bình là người không bao giờ có thể thoát khổ, đạo Phật dạy Trí tuệ và để có Trí tuệ ta phải công phu. Những người ngu si hưởng thái bình là những người không muốn công phu, ở nhà hưởng phước thôi và như vậy họ thường dễ mắc vào mê tín dị đoan bởi họ không chịu công phu tu tập, họ không chịu đứng dậy thắp đuốc mà đi và họ luôn luôn khấn vái, van xin thành kẻ ăn mày tâm linh, tới chỗ này, tới chỗ kia cầu xin, van lạy. Chúng ta đừng trở thành ăn mày, chúng ta phải tự lực đứng dậy. Phật dạy phải tự đứng dậy như bài hát ta vừa nghe mẹ dạy con hãy đứng lên, đứng lên làm người. Phật dạy cho chúng ta đứng lên để làm người, ngẩng cao đầu sau khi té đừng sợ, chớ mặc định mình trong hai chữ thái bình để tự làm ngu, làm mình si mê. Cho nên mỗi một người chúng ta khi hiểu được điều đó, thấy được giá trị của Mật Thiền, của chánh niệm hơi thở để tu tập, làm chủ tâm, biết nhường nhịn trong hạnh nhẫn nhục, nhẫn mà không nhục. Nhẫn ở đây là sự chịu đựng để cho người khác có thể giải tỏa sự ức chế, sự cuồng, sự sân hận, không châm dầu vào lửa để sân hận của họ có cơ hội nguội đi, mà ta hưởng được sự thái bình trong nhẫn nhịn đó. Cho nên nhớ đừng để cho cách nói của cuộc đời này làm cho chúng ta không chịu tinh tấn tu học. Bát Chánh Đạo nói phải tinh tấn, trong Lục Độ Ba La Mật nói cũng phải tinh tấn. Lục Độ Ba La Mật nói tinh tấn, Bát Chánh Đạo nói tinh tấn, hai chỗ Đức Phật dạy để thành Phật, để thoát khổ đều phải tinh tấn. Người tinh tấn mới đạt được trí tuệ, Phật không dạy ta ngu si.

Mình có thể nói khẳng định thật rõ nếu ai giả ngu là người kém cỏi, ai muốn ẩn trong hai chữ ngu như trốn vào vỏ sò, vỏ ốc để không vươn lên làm người thì người đó thật sự đang hạ mình xuống vực sâu tăm tối của ác nghiệp, kết quả cuối cùng của họ là đọa vào tam đồ khổ, bởi vì càng ngu không thể thoát khổ. Nên tu Phật ta muốn ngu nữa không? Luôn luôn Trí tuệ, trong câu mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta phải biết trưởng dưỡng trí tuệ của mình qua sự quán chiếu vạn pháp là vô thường. Trở lại vấn đề chữ vô thường rất cao siêu, cô nghe ông chồng kể cô nhường giả ngu, bởi cô biết rằng lời của ông nói ra là vô thường, tánh khí bất thường của ông cũng là vô thường, ông nói xong hết rồi đâu còn gì nữa đâu, ông xã cái gì? Xã cơn giận, tức xong là hết rồi, chấp chi phải không cô, mình biết vô thường thôi. Học theo Đức Phật dạy vô thường tới lui sanh diệt trong từng giây phút, trân quý những giây phút, những khoảnh khắc ta còn sống được với chồng, với vợ, với con cái, với cha mẹ, với ông bà, với tình thầy trò, với cộng đồng xã hội. Ta không chấp vào những khoảnh khắc cuồng dại, điên cuồng tức giận của họ, ta lấy trí tuệ soi dẫn, hiểu dù họ giận hay họ tức, họ cuồng si đi nữa thì cái đó cũng chỉ là trong sát na vô thường, chút nữa họ hết giận, họ sẽ bình thường và khi họ bình thường thì họ cũng như là ông chồng cũ của mình đúng không? Là người dễ thương đúng không? Người một thuở mình bỏ cha, bỏ mẹ mình theo ông ấy, mình thành lập gia đình, người yêu cũ và là luôn luôn mới bởi biết nhường nhịn nhau. Còn người yêu mới mà không biết nhường nhịn thì luôn luôn trở thành phế thải, người cũ phải không? Do đó trong cuộc sống này khi học Phật rồi ứng dụng vào trong cuộc đời, quán chiếu mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có Trí tuệ – Nhẫn nhục – Tinh tấn trong công hạnh tu tập. Để ta nhường nhịn được ông ấy, tại lúc đó mình có mê như ông không? Lúc đó mình làm sao? Mình Ma Sa Ốp Uê tức là mình tỉnh giác, mình thức tỉnh, mình tỉnh mà còn lúc đó ông tưng tửng rồi, ông khùng khùng rồi, nhưng cái khùng, cái tưng tửng của ổng chỉ có một giây, chút ổng hết, hồi ổng nguội là ổng khôn lại như xưa đúng không? Bởi vì không ai mà lấy ông chồng khờ, không ai mà lấy ông chồng ngu, chỉ có lúc ổng giận quá ông quá ngu ổng chửi thôi. Cho nên mình biết chồng của mình thông minh, khôn, như lúc này ông giận mình nhịn ổng, rồi ổng cũng trở thành nhà thông thái thôi, cái anh dễ yêu hồi xưa đó.

Quý vị thân mến! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang lấy cái gốc của vô thường quán chiếu để chuyển hóa mọi sự ngu si, để phiền não không còn nữa, thắp sáng đuốc tuệ, nhìn thấu để hiểu. Cô nhịn ông ấy là bởi vì cô thấu hiểu được ông đúng không ạ! Chúng ta biết nhịn nhau là ta thấu hiểu được, chúng ta biết nhịn người lớn, người nhỏ, chị biết nhịn em, em biết nhịn chị, anh em, huynh đệ, đồng môn biết nhịn nhau tức là người đã thấu hiểu nhau. Người cãi, người đấu đá, người hơn thua là người không thấu hiểu ta, cô thấu hiểu được ổng nên cô nhịn nhục. Đức Phật thấu hiểu được mình nên Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta, dù chúng ta xoay lưng lại với Ngài. Mật ngôn số hai giúp cho chúng ta quán chiếu sự vô thường của muôn vàn hiện tượng xảy ra trong cuộc đời, để ta phá chấp, không còn vướng mắc đối với những việc, những sự việc, những hiện tượng trong mối tương tác người với người, người với vật, người với môi trường bất như ý để ta không khổ, ta không vướng mắc, đó chính là người trí tuệ. Người trí tuệ như vậy sẽ thoát khổ, người trí tuệ như vậy sẽ sống hạnh phúc và an vui. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang không những quán chiếu sự vô thường còn quán chiếu tinh thần vô ngã. Khi mình thấy ông chửi mình mà mình sấn tới phía trước, tức là mình sân và mình có cái ngã, ông như vậy tôi còn làm hơn ông nữa, chẳng sợ. Đây Thầy hỏi thiệt nha có khi nào thấy người quen mình nó sân, nó giận mình sân hơn? Tại vì có câu nói là họ sân mình sân cho họ sợ, còn hiền quá họ lấn tới, có nghe câu đó chưa? Cho nên họ dữ mình phải dữ hơn phải không? Có ai ở đây dữ hơn người mà họ dữ chưa? Có hả? Ở đây có ai sân hơn người sân không? Cho nên cái đó gọi là ngu si hưởng thái bình thì không hợp, họ giận mình giận hơn, họ dữ mình dữ hơn. Cho nên chúng ta hãy nhớ, Đức Phật dạy cho chúng ta phải trở thành người trí tuệ như Ngài và Phật thấy chúng ta có khả năng thành một bậc trí tuệ nhưng Ngài, Phật có nói vậy không? Có nói rằng chúng ta có thể thành Phật không và như Phật không qua câu gì? Đức Phật và chỉ có Đức Phật trong tất cả mọi nền tôn giáo, các đấng được gọi là giáo chủ hay các đấng đạo sư, chỉ có Đức Phật nói rằng “Ta là Phật, còn mọi chúng sanh, mọi chúng sanh đều sẽ là Phật”, thì chúng sanh trong đó có con người và chúng sanh trong đó có con vật, muôn loài chỉ có Phật mới nói câu đó. Còn hầu hết các vị khác thì xưng ta là trời, là thần, là tiên, là thánh, các ngươi không thể thành được, thành trời, thành tiên, thành thánh và phải theo ta nghe theo ta, còn không ta sẽ trừng phạt, nghe theo ta thì sống, không nghe theo ta thì chết. Phật có nói vậy không, Phật nói “Ta có trí tuệ rồi, ta thành Phật nhưng tất cả mọi người, mọi loài chúng sinh đều thành Phật”. Nhưng Đức Phật song hành với ta cho tới khi nào ta có trí tuệ và sáng.

Bảo Thành và các bạn đều là những người ngu si mới sinh ra trong luân hồi sanh tử, nay thấy như vậy thì hãy mang ngọn đuốc trí tuệ vốn có nơi ta và nói với Phật rằng “Phật ơi! Ngài là Phật, Ngài là bậc tuệ giác, con có ngọn đước rồi, xin hãy truyền đăng cho con tức là truyền ngọn lửa trí tuệ qua cho con, con mong rằng Ngài hãy thắp sáng trí tuệ qua cho con, con sẵn sàng đón nhận ánh sáng của Ngài, trí tuệ của Ngài, ngọn lửa trí tuệ của Ngài”.
Đó gọi là truyền đăng, ta có ngọn lửa ở nơi đèn cầy hoặc cái đèn của ta, nhớ hồi xưa chừng mấy mươi năm trước nếu mình sống trong cái xóm mà không có điện, mình còn dùng đèn dầu, có ai ở đây đã từng mang đèn của mình qua hàng xóm xin lửa chưa? Như vậy khi mình xin lửa hàng xóm, cái đèn của người ta có tối hơn không? Nó có lu mờ hơn không? Nó cũng không sáng hơn, nó cũng không lu mờ hơn, nhưng nhờ ngọn lửa từ đèn của người ta thắp qua ngọn đèn của mình mà chỗ đó được sáng hơn bởi có hai ngọn đèn, đúng không? Rồi người người đều thắp lên ngọn đèn đó thì chỗ đó sẽ sáng. Cho nên có lễ hoa đăng để chúng ta thắp nến, thắp đèn, mọi người san sẻ trí tuệ, ánh sáng, sự hiểu biết và kiến thức cho nhau để làm cho thế giới bừng tỉnh, hết u mê, làm cho cõi vô minh như có mặt trời trí tuệ soi sáng. Cho nên người tu có trí tuệ là người biết mang trí tuệ đó thắp sáng cho người khác. Người tu trí tuệ là người biết mang tình yêu, lòng từ bi san sẻ cho người khác. Và cuối cùng người có trí tuệ, có ánh sáng là người biết nhẫn nhịn để tôn vinh cái đẹp, cái tốt của người khác sau khi cơn giận đã tan. Cũng như bài gì đó một mai sau cơn mê thì anh ấy, cô ấy, người ấy sau cơn mê sẽ tỉnh thôi, sẽ dễ thương thôi. Vậy hãy làm cho những người yêu thương của chúng ta được dễ thương, được tỉnh sau cơn cuồng si, si mê đó, được không quý vị? Vậy nha, thôi mình trở về hơi thở Chánh Niệm.

Thưa Phật! Chúng con không muốn giả ngu như ở đời đang làm cho chúng con si mê bởi câu “Ngu si hưởng thái bình”. Chúng con biết kẻ ngu si không bao giờ hưởng được thái bình bởi từ vô lượng kiếp chúng con đã quá si, quá ngu nên đã luân hồi trong lục đạo, trong tam đồ khổ và khổ lắm rồi Phật ơi!
Xin Phật hãy tới cuộc đời của chúng con, hướng dẫn dìu dắt để chúng con thật sự biết tinh tấn nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại, để công phu sớm chiều trở thành người có trí tuệ như sự hướng dẫn của Phật để thoát khổ và nguyện cho muôn loài chúng sanh cũng tinh tấn, nhẫn nhục và tự đứng dậy vượt qua mọi hoàn cảnh, mọi nghịch cảnh để đạt được trí tuệ của bậc hiền nhân.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Thắp sáng trí tuệ, soi dẫn cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu như sự đồng tu của chúng con tạo được chút phước nào, chúng con nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts