Search

Bài 3107. Tầm Sư Học Đạo

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh facebook các bạn chia sẻ.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rãi năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm, thắp sáng đuốc tuệ thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện trong mùa Vu Lan, nguyện cho chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Cầu nguyện cho đấng bậc sinh thành tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ,  phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy buông thư nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, nhớ về lời của Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Hơi thở vào ra chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê, thể nhập vào với năng lượng mật điển gắn kết với mười phương chư Phật. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Bảo Thành kính chào các bạn! Với chủ đề gửi về hôm nay, chủ đề rất hay đối với các bạn đồng tu và đối với những ai đang trên con đường học đạo. Chủ đề “Tầm Sư Học Đạo”. Không biết rằng các bạn và mọi người chúng ta thực sự có tâm tầm sư học đạo hay không? Hay chỉ là một sự ngẫu nhiên nghe qua một đoạn kinh, nghe qua một băng giảng hoặc đi chùa theo ông bà, cha mẹ hoặc truyền thống của gia đình là đạo Phật. Để rồi từ đó cứ đi theo con đường ấy mà tu. Mình thử hỏi lại chính mình rằng: trong tâm tư nguyện vọng của mình ngay bây giờ là chúng ta có thật sự tầm sư học đạo hay không? Hay chỉ là thói quen đi theo. Rất cần tư duy và suy nghĩ. Tầm sư học đạo với tâm cầu đạo, cầu pháp rất cần, nhưng hầu hết trong chúng ta chỉ theo thói quen, theo những cảm xúc của đời thường, vui buồn hoặc theo hiệu ứng của đám đông mà ta đi theo con đường tu là xuất gia hoặc tại gia. Các bạn nhìn thấy chưa? Trong tâm của chúng ta có một chút tâm tưởng nào của sự cầu đạo, cầu pháp và chúng ta có thật sự đây đó để tầm một vị sư phụ học đạo hay không?

“Tầm sư học đạo”, nói về thái tử Tất Đạt Đa từ những thuở rất nhỏ khi nhận ra cuộc đời là khổ và lớn dần trong sự trải nghiệm đó để bốn hướng của kinh thành Ngài đi, thấy được sinh – lão – bệnh – tử là khổ truyền kiếp từ đời này qua đời kia. Sao con người khổ quá, sinh ra tranh giành tìm đủ mọi thứ để vươn lên đỉnh cao của quyền lực để có tiền, để có sức mạnh, để có được tình cảm nhưng đâu có thể vượt ra khỏi bốn thứ sinh lão bệnh tử. Ngài muốn cứu cho chúng sanh thoát khỏi sinh lão bệnh tử, Ngài học kinh sách thật nhiều ngay thuở nhỏ. Ngài được vua cha Tịnh Phạn trao truyền những kiến thức của Ngài, rồi được vua cha mời thỉnh các vị thầy rất cao trong dòng Bà La Môn tới dạy riêng cho Thái tử về lý thuyết sống, xã hội học, tâm lý học, tâm linh học thời ấy, thiên văn, địa lý, các môn Ngài học hết. Kiến thức được học Ngài mang vào ứng dụng chẳng thể cứu được khổ của chúng sanh. Trong tâm vẫn canh cánh thôi thúc phải đi tìm một vị sư phụ để học đạo giải thoát cứu chúng sanh, tầm sư học đạo năng lượng đó đã thúc đẩy Ngài. Dù vợ còn rất trẻ, con mới sanh Thái tử đã quyết định giữa đêm vượt thành đi tầm sư học đạo. Không biết rằng các bạn có một sự thôi thúc của cái khổ nơi người khác hay sự khổ đau nơi bản thân để tầm sư học đạo, có sự trăn trở để giữa đêm bừng tỉnh vượt qua mọi chướng ngại, tầm sư học đạo như Thái tử hay không? Phải suy nghĩ các bạn, Thái tử vượt thành ra đi học thật là nhiều, nhưng có hai vị Thầy mà kinh sách ghi lại. Vị Thầy đầu tiên là Thầy KaLaMát, vị Thầy này dạy rất hay, giúp cho Thái tử có thể vượt qua những cái khổ về thân bằng sự quán chiếu cuộc đời này là không thực. Rồi vị thầy thứ 2 là vị thầy RaMaPuTa. Đều là những bậc thầy cao thời ấy. Nhưng các phương pháp thiền định của quý vị dạy cho Phật, chỉ giúp an tâm đạt được lạc hỷ, sự hoan hỷ trong cuộc đời, nhưng chưa thật sự là cứu cánh đưa đến sự giải thoát cho mọi loài chúng sanh. Ngài lại tiếp tục đi để tầm sư học đạo cho tới khi gặp năm anh em Kiều Trần Như tu theo khổ hạnh, mấy năm trong rừng già khổ hạnh vô cùng nhưng chẳng đạt được, cho tới khi té sắp xuống dưới mặt đất. Và được dâng một chén cháo sữa của một cô mộ đạo thời ấy mà Ngài đã thức tỉnh, cần phải đi học đạo như thế nào và ngồi dưới gốc bồ đề chứng đắc đạo. Con đường tầm sư học đạo của Đức Phật là một tấm gương nỗ lực thật sự. Để cứu khổ cho chúng sanh và chuyển hóa khổ đau phiền não của tự thân. Đức Phật có đầy đủ phước báo đó các bạn, Ngài là Thái tử, Ngài là con của vua và nhất định sẽ làm vua, con vua thì lại làm vua. Nhưng những hào nhoáng của cuộc đời qua con mắt của người tầm sư học đạo quán chiếu, Ngài chẳng màn từ bỏ tất cả.

“Tầm sư học đạo”, người học Phật, nhất là những người tại gia hoặc xuất gia, chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ về con đường tầm sư học đạo của Phật để thấy rằng ta học đạo để cứu khổ bản thân, cứu khổ muôn loài, chuyển hóa khổ đau của mình, của muôn loài hay chỉ vào hùa theo hiệu ứng số đông, để làm giảm đi cái cảm xúc phiền não khi đang đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống của mình. Rất nhiều những tấm gương tầm sư học đạo của các bậc cao tăng, đại đức thời xưa, kể thì không bao giờ hết được. Nhưng trong kinh Hoa Nghiêm có một vị đã tầm sư học đạo, Ngài đã gặp qua 52 bậc thiện tri thức, đó là Ngài Thiện Tài Đồng Tử. Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã tầm sư học đạo, Ngài phải gặp tới 52 bậc thiện tri thức và cuối cùng đã nhận Ngài Đại Trí Văn Thù làm Thầy để hành trí tuệ, miên mật, tinh tấn rèn luyện trong công hạnh tu để thành con đường trí tuệ. Nhưng có một lần trong sự vân du, Ngài gặp một vị thầy cao cả dữ lắm, đó là thầy Đức Vân.
Thầy Đức Vân nói với Ngài Thiện Tài Đồng Tử rằng: “Ta đã mười năm giữ giới, kham thiền tăng trưởng đạo đức, bởi đạo đức trong sự giữ giới và công hạnh tu là nền tảng của tất cả, mười năm công hạnh”.
Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã học cùng với Ngài Đức Vân, học để có được đạo đức, đức hạnh. Ông bà thường nói “Có đức mặc sức mà ăn, có đức quỷ thần phải kính trọng”. Ngài Đức Vân đã dạy cho Ngài Thiện Tài Đồng Tử phương pháp rèn luyện đức hạnh bằng sự giữ giới và tu.
Các bạn có khi nào nghĩ mình phải bồi đức, tích phước bồi phước hay không? Hay chỉ tu con đường đạo một cách hời hợp thôi. Tu theo khuôn khổ của kinh sách, làu làu thuộc lắm mà chẳng giữ giới để tích đức tích phước như Ngài Đức Vân dạy cho Ngài Thiện Tài Đồng Tử. Sau đó rồi Ngài Đức Vân mới nói với Ngài Thiện Tài Đồng Tử rằng: “Nếu muốn đạt tới mức cao hơn thì hãy đến gặp Ngài Hải Vân, Thầy Hải Vân”
Khi Ngài Thiện Tài Đồng Tử đến gặp Ngài Hải Vân. Ngài Hải Vân nói với Ngài Thiện Tài Đồng Tử rằng: “Tôi đã ngồi ngay trên bờ biển của sanh tử quán chiếu trong suốt mười hai năm”.
Ngồi ngay trên bờ của biển sanh tử các bạn, quán chiếu mọi chúng sanh trong đó suốt mười hai năm mới ngộ ra được. Để có cái lực tinh tấn mà tu, vững, chắc để tu.

Chúng ta học Phật, thuộc kinh, nghe giảng cũng có thể là tu đức đó, nhưng có mấy khi nào chúng ta ngồi ngay trên bờ biển đau khổ của cuộc đời trong sự tương tác hàng ngày giữa vợ chồng, con cái, xã hội, công ăn việc làm, để thấy sự đắm mình nơi biển của tiền tài, danh vọng, địa vị kia, nhìn thẳng vào sự sinh hoạt của xã hội thực tế của chúng ta. Phải quán chiếu nhìn thẳng như thế mới thấu hiểu được sự sinh hoạt trong xã hội của chúng ta. Đạo, con đường giác ngộ không xa vời. Mọi hiện trạng trong cuộc sống của xã hội, mọi va chạm trong gia đình, trong công ăn việc làm, đối với bạn bè, đối với các bạn đồng tu. Ngài Hải Vân dạy cho Ngài Thiện Tài Đồng Tử  phải quán chiếu cuộc sống của xã hội. Nhìn cuộc đời này như bờ biển sinh tử ngồi đó, chánh niệm hơi thở quán chiếu để thấy rõ, nhận ra tận gốc rễ của phiền não đau khổ nó tới từ đâu? Có đạo đức bằng giữ giới, có quán chiếu trong biển sanh tử để thấy được lục đạo luân hồi biển trầm luân đau khổ. Nhưng như vậy cũng chưa thể gọi là vào đời để độ chúng được đâu. Do đó, Ngài Hải Vân đã nói với Ngài Thiện Tài Đồng Tử rằng: “Nếu muốn đi vào cuộc đời thực hành Bồ Tát đạo độ chúng, ông thực sự đã học của Ngài Đức Vân có đạo đức rồi, ông học của tôi mười hai năm trời để quán chiếu thấu được tâm đã định”. Nhưng đi vào cuộc đời Bồ Tát hạnh độ chúng, chẳng phải cứ như thế khư khư ôm kinh sách, ôm giáo lý, giáo điều, giới luật mà đi vào dạy được đâu. Bởi nơi cuộc đời có biết bao nhiêu những biến đổi thăng trầm, khi bước vào mà không có sự tập luyện công hạnh rõ ràng sẽ bị cuốn hút, dập vùi vào trong biển ái, biển tình, tiền quyền. Do đó Ngài Hải Vân đã nói với Ngài Thiện Tài Đồng Tử: “Ông hãy tới với Ngài Thiện Trụ, bậc thầy có thể trụ được trong thế gian, bước vào cuộc đời hành muôn pháp dù thuận hay nghịch miệng vẫn mỉm cười. Bồ Tát đạo là con đường phải như thế”.
Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã tới gặp Ngài Thiện Trụ, để rồi cuối cùng khi trở về với Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, học trí tuệ để xây dựng đạo đức, học trí tuệ để có được đại định trong sự quán chiếu cuộc sống của xã hội, học trí tuệ để luôn luôn đứng vững, trụ vững như Ngài Thiện Trụ dạy, trong sứ mệnh Bồ Tát đạo phục vụ quần sanh. Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã đi tới năm mươi hai vị Bồ Tát và mỗi một vị Bồ Tát Ngài học một phẩm hạnh.

Bảo Thành lược sơ qua bốn vị Bồ Tát mà cuối cùng, rất rõ ràng cho mỗi người chúng ta cần phải rèn luyện. Đó là rèn luyện đạo đức bằng giữ giới. Rèn luyện chánh định bằng quán chiếu những sinh hoạt thường nhật trong xã hội nhỏ bé của gia đình. Chúng ta là Phật tử tại gia mà, rồi trong đó lại phải quán chiếu để tâm có như Ngài Thiện Trụ, trụ được trong những vấn nạn lỉnh kỉnh lung tung ở gia đình, gia đình là những chúng sanh có duyên nợ với chúng ta. Bồ Tát hạnh chẳng phải đâu xa, ở ngoài đại chúng trong chùa, không! Ngay tại gia đình. Chúng ta tu tập đạo đức giữ giới quán chiếu gia đình nhỏ và trụ vững, tức là chúng ta đã là đệ tử của Ngài Đức Vân, Ngài Hải Vân và Ngài Thiện Trụ rồi và chúng ta quán chiếu rõ để đứng vững trong muôn sự rắc rối xảy ra trong gia đình, mà tâm vẫn an, vẫn vui, vẫn nở được nụ cười, không sân giận, không nóng nảy và bình tĩnh. Thì đó cũng là sự thể hiện phẩm cách là đệ tử của Ngài Đại Trí Văn Thù. Chẳng khác gì Ngài Thiện Tài Đồng Tử đâu, các bạn tu mà giữ được đạo đức quán chiếu xã hội này, thấu hiểu được trong gia đình, trụ vững trong sự an nhiên. Trí tuệ quán chiếu đó là trí tuệ của Ngài Đại Trí Văn Thù, của Ngài Bồ Tát Đức Vân, của Ngài Bồ Tát Hải Vân, của Ngài của Bồ Tát Thiện Trụ. Mà Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã học trong kinh Hoa Nghiêm.

Chúng ta đồng tu với nhau trong Mật Thiền song tu. Phật tử tại gia chúng ta không chạy xa gia đình, không trốn tránh trách nhiệm, không ngoảnh mặt làm ngơ với những vấn đề phức tạp mà thực sự mà ta đương đầu, mà ta giữ giới, bồi đức bồi phước. Ta tin sâu vào đức độ, ta nắm vững nền đạo đức của ông bà, cha mẹ là di huấn ngàn đời còn để lại cho ta. Ta mang tâm yêu thương nhìn rõ gia đình của mình, mọi rắc rối, phiền não, mọi trái nghịch, mọi trái ngang giữa vợ chồng, giữa con cái, xã hội, công ăn, việc làm. Ngồi ngay trên bờ vực thẳm của gia đình lộn xộn, ta quán chiếu để thấy, như Ngài Hải Vân mười hai năm trời quán chiếu ngay bờ biển sanh tử. Biển sanh tử ngay trong gia đình, sanh của niềm hạnh phúc rồi bất chợt tử chết ngay, sanh tới tử cũng tới, vui đó rồi buồn đó, thành công đó rồi thất bại đó, khen đó rồi chê đó, tốt đó rồi xấu đó. Ở đâu? Giữa vợ chồng thôi, giữa gia đình của mình thôi chứ chưa nói tới bên ngoài. Vợ chồng yêu thương nhau thật nhưng cũng có lúc khen chưa xong đã vội chê. Các bạn thấy không? Khen chê là chuyện thường tình trong gia đình. Thành công hay thất bại cũng ngay trong gia đình. Tốt xấu cũng ngay trong gia đình. Chúng ta thấy ngay gia đình đó là bờ thẳm của biến sanh tử. Các bạn đừng nghĩ rằng phải vân du đâu đó mới học được. Gia đình của chúng ta là nơi thuận duyên nhất để quán chiếu. Như Ngài Hải Vân dạy và gia đình của chúng ta cũng chính là nơi như Ngài Thiện Trụ dạy trụ vững. Đối diện với ông chồng ổng kình, ổng chống, ổng nhăn, ổng sân, ổng giận, bà vợ có mỉm cười được không? Nếu không cười được với ông chồng trong những trái oan như vậy, thì tìm đâu ra con đường tu để hành Bồ Tát đạo, độ chúng sanh khổ. Nếu bà vợ làm cho ông chồng khó chịu, đập bàn, đập ghế, thì ông chồng trở thành ác quỷ rồi, liệu ông ấy có mỉm cười với bà vợ khó tính làm cho mình bực mình hay không? Có trụ lại bằng tâm thiện như Ngài Thiện Trụ dạy cho Thiện Tài Đồng Tử hay không? Ta chẳng trụ lại được đâu, ta chạy trốn, ta chạy trốn cô vợ, ông chồng, ta li dị, ta bỏ để ta tìm, ta bỏ bờ khổ của biển đời trong gia đình để vùi đầu vào trong bờ khổ khác, như con thiêu thân cứ thế mà tự hại, tự giết mình. Người tu tại gia không phải chạy trốn, dùng đạo đức của mình, dùng cái nhìn quán chiếu để nhìn thấy để ngay trong cuộc đời của gia đình là nơi đạo pháp nhiệm mầu được hiển lộ, ngay trong cuộc đời của mình để trụ vững mỉm cười bằng tâm từ bi. Mu A Mu Sa là năng lượng siêu thế nếu bạn quán chiếu, thì bạn sẽ tăng trưởng được đạo đức nơi ông bà để lại, di huấn ấy được tiếp truyền, được lưu truyền, được tiếp hiện bằng cuộc sống của các bạn.

Mật Thiền song tu chẳng phải cho những bậc xuất gia, mà cho những ai thật sự có tâm tầm sư học đạo. Để cầu pháp, pháp đó là pháp thường trụ ngay trong gia đình. Pháp của trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, pháp của sự tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê. Ngồi ngay ở bờ biển sanh tử của gia đình quán chiếu thấy rõ xã hội nhỏ, để trụ thật vững mỉm cười bằng tâm từ, thắp sáng bằng trí tuệ, tỉnh thức để nhận diện mọi hiện tượng nơi cảnh giới vô thường, khổ, vô ngã. Các bạn đã trở thành Ngài Thiện Tài Đồng Tử, phải phát huy tâm thực sự tầm sư học đạo, đừng học đạo hời hợt theo phong trào, theo hiệu ứng của xã hội, theo sự ca thán của mọi người, số đông rồi nhào vào, không hay, chẳng thành tựu đâu. Đức Phật không vì số đông, không vì những lời rao truyền của những bậc thầy. Ngài đặt thân mình vào sự cầu đạo, tầm sư, học hỏi, nghiên cứu và đúc kết. Ngài sẵn sàng rời bỏ ông thầy KaLaMa, thầy RaMaPuTa, năm anh em Kiều Trần Như để tầm sư học đạo đi đến sự giải thoát. Các bạn có dám bỏ cái cống cao ngã mạn, có dám từ bỏ tâm tự đại, cái tôi, truyền thống, thói quen, lao đầu theo hiệu ứng đám đông, của số đông, hoặc sự kích hoạt bởi những người khác thúc đẩy hay không? Để tự mình suy nghĩ phát huy được tâm tầm sư học đạo thực sự để giải thoát. Bảo Thành kể qua về Thiện Tài Đồng Tử để nhớ rằng sự học đạo không ở đâu xa ngay tại gia đình, ngay tại cái tâm thật sự biết tầm sư học đạo, để tạo được phúc duyên gặp được quý thiện tri thức, hướng dẫn cho chúng ta không phải chạy xa mà ngồi ngay đó đương đầu để học. Như Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã có tâm tầm sư học đạo, để khi gặp được Ngài Đức Vân được dạy đạo đức, khi gặp Ngài Hải Vân dạy cái đức bằng sự quán chiếu và khi gặp Ngài Thiện Trụ dạy cái tâm Bồ Tát hạnh, đi giữa dòng đời ngược xuôi tâm không vướng mắc, miệng luôn mỉm cười. Dù thuận hay nghịch vẫn luôn luôn mở rộng vòng tay để gia trì cho tất cả những ai có duyên, để cuối cùng khi trở về với Ngài Đại Trí Văn Thù, Ngài đã học được trí tuệ viên mãn của Ngài. Gom tất cả mọi thể loại kiến thức, mọi trí tuệ tản mát nhiều để trở về với tự tánh tịch tĩnh.

Y như trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy một cái gương rất hay, để mở được cái tháp đa bảo cho Phật Đa Bảo Như Lai có thể bước ra cho đại chúng có cơ hội chiêm bái. Đức Phật Thích Ca đã phải thâu góp toàn bộ hằng xa số ứng thân của Ngài ở mọi cõi về, mới đủ lực để mở cửa cái tháp để mời Ngài Đa Bảo Như Lai bước ra. Chúng ta tu mà không gom toàn bộ sức lực tập trung vào công hạnh, bằng cái tâm tầm sư học đạo để mở cổ mộ vô lượng kiếp tự nhốt mình vào những ác pháp trong luân hồi sanh tử. Sao có thể có một vị Phật tương lai bước ra từ cổ mộ ngàn thu vô lượng kiếp trong luân hồi đó. Đức Phật mà còn phải thâu mọi ứng hóa thân về mới mở cửa cái tháp để mời Ngài Đa Bảo Như Lai ra. Còn chúng ta tu, tu theo kiểu bỏ một mà muốn thâu mười, tu hời hợt, tu phong trào, tu theo hiệu ứng số đông, tu theo cảm xúc, tu theo lôi cuốn. Nhìn lại hóa ra chúng ta không có tâm tầm sư học đạo, có không các bạn? Có tâm tầm sư học đạo như Phật không? Có tâm tầm sư học đạo như Ngài Thiện Tài Đồng Tử không? Có tâm tầm sư học đạo như các bậc thầy của chúng ta hay không? Có tâm học đạo như Đức Phật đã là Phật rồi, mà Ngài còn phải dùng mọi hóa thân thâu gom vào để mở cái tháp mà mời Đức Đa Bảo Như Lai tức là Phật Đa Bảo ra. Chúng ta muốn mời vị Phật tương lai từ tánh Phật trong cổ mộ thân tứ đại vô lượng kiếp tái sanh trong lục đạo luân hồi này ra, chúng ta phải thâu nhiếp toàn bộ năng lượng trong tâm tầm sư học đạo một cách miên mật, kiên quyết, nỗ lực, tinh tấn không ngừng nghỉ mới làm được, còn kiểu hời hợt thôi rồi xong. Vậy nên bao nhiêu năm qua chúng ta tu khổ vẫn khổ, phiền não vẫn phiền não, bởi tu không bằng tâm tầm sự học đạo, không có tâm cầu đạo, cầu pháp để được truyền pháp, thọ pháp, hành pháp và đắc pháp. Chúng ta phải đi xin pháp thôi, đi xin thôi, thay vì chúng ta tầm sư học đạo để được truyền pháp đó rồi thọ pháp đó, hành pháp, đắc pháp. Chúng ta biến mình thành kẻ ăn xin, ăn xin pháp giải thoát nơi ngưỡng cửa của nhà chùa, của Thiền môn, am thất, của Miếu, của đền, của người ta đồn đãi ông đó, vị đó, đấng đó, ta sà vào quỳ xuống lạy, lạy, sống kiếp ăn xin, ăn mày tâm linh. Hãy noi gương Ngài Thiện Tài Đồng Tử, hãy noi gương ngay Đức Phật của chúng ta, phải có được tâm tầm sư học đạo đích thực mới có thể vượt qua trăm ngàn gian khó mới tạo được phúc duyên gặp được những bậc thiện tri thức. Bốn vị thầy mà Thiện Tài Đồng Tử gặp Bảo thành nhắc vừa qua là Ngài Đức Vân dạy về đạo đức, Ngài Hải Vân dạy về sự quán chiếu trong sinh hoạt của xã hội nơi gia đình, Ngài Thiện trụ trụ vững cho mọi hoàn cảnh bằng tâm từ hoan hỷ, Bồ Tát hạnh. Do đó mới có thể độ được những người chung quanh và độ được ta thoát khỏi khổ và phiền não.

Phật tử tại gia thân mến! Cần phải củng cố lại niềm tin và cần phải xiển dương tâm tầm sư học đạo. Phải cầu pháp, có tâm cầu pháp nơi các bậc thiện tri thức ta có nhân duyên. Đừng hời hợt theo hiệu ứng phong trào tán tụng lung tung, không cần. Có tâm cầu pháp, tích lũy đạo đức, sống bằng chánh định giữ giới, sống bằng thiền định quán chiếu, sống bằng tâm từ bi hỷ xả, bạn tạo được phúc duyên gặp được các bậc thiện tri thức rồi. Bạn hãy mạnh dạn phát tâm cầu đạo giải thoát để được truyền pháp. Biết bao nhiêu các bậc thầy họ nghiên cứu đức cao trọng vọng, học kinh, học điển về phần lý thuyết được muôn người kính ngưỡng. Như các bậc thầy tiến sĩ, tuy nhiên vẫn có những bậc thầy như các bậc trưởng lão, muôn người kính trọng là nhờ nền đạo đức, chánh định, tâm từ bi, oai nghi tế hạnh trong từng bước chân, trí tuệ hiển lộ trong ánh mắt và nụ cười. Lý thuyết là một chuyện còn hành pháp, hành pháp tối quan trọng. Đức Phật lý thuyết có đầy nhưng chẳng tìm được con đường giải thoát. Ngài đã đi tìm các bậc thầy để hành, để tu hành và qua thầy KaLaMa, thầy RaMaPuTa, năm anh em Kiều Trần Như, Ngài đã hành đạo và ngồi dưới gốc Bồ Đề, hành, hành và công hạnh đó đưa Ngài đến giác ngộ. Các bạn đọc qua nhiều kinh, học quá nhiều giáo lý, nghe giảng quá đầy rồi, phải hành thôi. Tâm hành đạo đó chỉ có được từ tâm tầm sư học đạo, còn không các bạn đang đi tìm tôn giáo để vơ vét lý thuyết vào trang điểm cho cuộc đời, chẳng có ích gì. Hãy học đạo như Ngài Thiện Tài Đồng Tử, hãy học đạo như Đức Bổn Sư Thích Ca. Hãy học đạo với tâm thành kính thỉnh Phật Đa Bảo Như Lai, bước ra từ cái tháp bằng thâu gom tất cả mọi ứng hóa thân lại. Các bạn hãy tầm sư học đạo bằng tâm thâu gom mọi năng lượng của tự thân, tập trung vào, cầu pháp sẽ được truyền pháp, cầu pháp sẽ được học pháp, cầu pháp sẽ được hướng dẫn hành pháp và có tâm cầu pháp trong sự tầm sư học đạo, bạn sẽ chứng được pháp.

Các bạn! chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.

Thưa Phật! Nhìn sâu vào, chúng con học Phật vẫn theo hiệu ứng của đám đông, theo truyền thống của gia đình, theo sự thỏa mãn của những cảm xúc vui buồn trong cuộc sống, chưa thực sự có tâm tầm sư học đạo. Nay thấu rõ nguyện xin chư Phật gia trì để chúng con thực sự có được tâm tầm sư học đạo nhưng Ngài Thiện Tài Đồng Tử. Để cầu pháp, rèn luyện đức độ, tích phước trụ vững, quán chiếu trong gia đình xã hội và luôn an nhiên tự tại bằng tâm từ bi, biết mỉm cười đối với thế nhân dù nghịch hay thuận. Luôn có được trí tuệ soi sáng nhận rõ mọi pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Tinh tấn tu học, phát huy tâm tầm sư học đạo.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu chúng con có được chút phước nào qua sự tu tập, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn