Search

Bài 3101. Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền song tu chánh niệm hơi thở để tự thắp đuốc tuệ, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, để chúng con có thể thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, sống đời an vui. Chúng con cũng nguyện cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng nương vào thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cho các đấng sinh thành tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, tất cả những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, các bạn ngồi xuống đi trong tư thế tự tại và thong dong, phù hợp với cơ thể của mình, buông lỏng toàn thân, giữ lưng ngay ngắn, trở về với hơi thở của chánh niệm hít vào thở ra thật nhẹ nhàng. Nhớ về lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Ba mật ngôn mà chúng ta tổng trì sẽ đưa mật điển của chư Phật mười phương gắn kết miên mật với thân tâm của chúng ta. Hãy nghĩ tới tất cả những ai chúng ta yêu thương và mọi loài chúng sanh, hồi hướng mật điển cho tất cả.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến. Cuộc sống này ai trong chúng ta cũng muốn được nhẹ nhàng và hạnh phúc, thong dong và tự tại để vui chơi với cuộc đời. Mỗi một ngày thức dậy đi làm, cuộc sống là phải đi làm và đi làm để bảo vệ cuộc sống là sự hiển nhiên. Nhưng sự việc mà chúng ta tương tác hàng ngày trong công ăn việc làm không hiển nhiên, không hiển nhiên rời xa chúng ta khi công việc đã xong, mà chúng như mây trời ám ảnh mãi, gây cho ta lo lắng và sợ hãi. Nhìn thì thấy chúng ta có quá nhiều sự lo lắng, thành một thói quen rồi cứ lo âu, lo hoài, lo hoài. Để khi gặp nhau chúng ta cũng thủ thỉ rằng “Bạn ơi! Lo lắng quá, không biết, không biết chuyện gì, không biết ngày mai, không biết khi xảy ra rồi mình phải làm sao”.
Mà có, Bảo Thành, các bạn thường cứ rỉ rả cho những người thân hoặc bạn bè, gặp nhau “Mình thấy lo quá trời”, hỏi ra thì lo cho ngày mai, lo quá, lo cho những chuyện tương tác hàng ngày, về nhà cũng cứ lo, đến khi nấu cơm lo suy nghĩ miên man có khi cơm cháy cũng chẳng biết. Rồi những bữa ăn sáng, bữa ăn trưa hoặc tối, nếu có cơ hội với gia đình thì sự lo lắng lại ở trên mặt bàn, làm cho biết bao nhiêu hương vị thơm ngon của các món ăn ta chuẩn bị chẳng còn. Lo lắng dần dần in hằng trên mặt của chúng ta, lo lắng đi sâu vào suy nghĩ làm thổn thức. Lo quá, lo quá nhiều, lo nhiều quá đi đến trầm cảm, bứt rứt chân tay, run rẩy cả người.

Các bạn có khi nào chiêm nghiệm sự lo lắng của mình không? Nhiều lúc chúng ta lo quá chân tay run hết cả lên, mà cứ suy nghĩ và lẩm bẩm như người điên “Lo quá không biết phải làm gì”. Câu trả lời đơn giản, không biết thì suy nghĩ, chi đâu mà cứ lặp đi, lặp lại “Lo quá, tôi không biết phải làm gì? Tôi không biết phải làm gì?” Và chữ lo quá không biết phải làm gì như một câu thần chú tự kỷ ám thị mình, làm cho mình càng rối tâm, rối trí. Nghĩ lại thử coi các bạn có khi nào dùng cụm từ trời ơi lo quá không biết phải làm gì đây không? Tại sao? Tại sao chúng ta cứ phải như người khùng điên, lập đi lập lại lo quá không biết phải làm gì và tại sao chuyện đã xong ta lại cứ phải nhai đi, nhai lại cho tăng phần lo lắng. Có lẽ vì cách sống, thói quen của chúng ta thích đăm chiêu tư lự một chút cho có dáng vẻ của người có kiến thức, suy nghĩ đó. Nhiều khi trong đầu không có gì cũng ngồi trầm ngâm, tỏ vẻ suy nghĩ để có vóc dáng của một người đang nhìn xa hiểu rộng. Hồi nhỏ ai ai trong chúng ta cũng thường bắt chước những kiểu cách cho được lớn, được khôn, được người ta nhìn nhận mình trưởng thành và thông thái. Cứ tập thói quen đó riết rồi mình lớn mình cũng bị vai đó nhập vào và lo lắng lung tung, không có thứ tự.

Có một ông thầy và một chú tiểu, hôm ấy phải đi cúng ở một nơi xa hơn thường ngày, đi qua một xóm khác, cách xa, xa nhiều lắm. Đối với sư phụ thì đã quen rồi, đi bộ mà cho nên chuẩn bị nước đầy đủ và chút đồ ăn, cho tiểu một phần và cho sư phụ một phần, phần của ai đồ ăn và nước thì người đó phải ôm theo, phải mang theo trên đoạn đường mình đi. Đoạn đường đi thì xa quá, lâu lâu ông sư phụ lại lấy nước uống vào và lại dặm thêm vài miếng ăn. Chú tiểu nhìn đoạn đường xa chẳng biết bao giờ mới tới, cứ lo uống nước hết chút nữa khát lấy nước đâu mà uống, ăn hết đồ ăn chút nữa đoạn đường còn xa đói lấy gì mà ăn. Cho nên chú chẳng dám uống nước, đồ ăn chẳng dám ăn. Đi cũng xa lắm rồi, xa hơn thường ngày, xa gấp đôi gấp ba gì đó, nếu đồ ăn cứ ôm trên tay đoạn đường quá xa nó nặng. Và mỏi tay rồi, lỉnh kỉnh chu mỏ đồ ăn nước uống mỏi tay quá, cứ nói: “Sư phụ ơi! Con mỏi tay quá rồi, sư phụ có mỏi tay không?”
Sư phụ nói: “Sư phụ có cầm gì trên tay đâu mà mỏi, con có cái gì trên tay mà con mỏi vậy con?”
Chú tiểu nói: “Con ôm nước, ôm đồ ăn mỏi quá!”
Sư phụ nói rằng: “Sao con không uống nước đi, sao con không ăn đi?”
Đệ tử nói: “Thưa thầy! Tiểu không dám ăn, uống nước nhiều vô hết nước chút nữa đoạn đường xa khát lấy gì uống, ăn đoạn đường cũng xa chút đói lấy gì để ăn, còn nước của sư phụ, đồ ăn của sư phụ đâu rồi?
Sư phụ nói: “Sư phụ khát lúc nãy uống rồi, đói ăn luôn rồi!”
Chú tiểu trố mắt nhìn sư phụ, thấy kinh ngạc nghĩ: “Sư phụ không biết lo lắng đọan đường còn xa, nước vội vàng uống hết rồi chút nữa khát lấy gì để uống?”
Nhưng chỉ một thoáng sau thôi thì đã tới nơi để cúng kiếng, chú tiểu vội vàng uống nước và ăn đồ ăn để làm lễ cúng cùng sư phụ. Thì người nhà họ cũng mang nước đồ ăn ra mời, lúc đó sư phụ lại được uống nước, ăn chút để rồi cúng, còn đệ tử lại hẩm hiu ăn đồ ăn ôm theo cả một đoạn đường dài, uống nước ôm theo cả một đoạn đường dài.

Các bạn! Câu chuyện đơn giản thôi mà ta suy nghĩ đi, khi nào khát sư phụ uống, đói sư phụ ăn, bởi vì ông sư phụ biết được đoạn đường dài hay ngắn và biết rằng khi tới nơi người nhà cũng sẽ mời nước, mời đồ ăn, cho nên giữa đường khát đói cứ ăn. Còn chú đệ tử chẳng biết khi nào tới, trong lòng cứ mông lung suy nghĩ đoạn đường còn quá dài, uống hết nước, ăn hết đồ chút nữa khát và đói lấy gì ăn, cho nên không dám ăn, cứ để dành và cứ ôm khệ nệ như thế cho nên mỏi tay. Để cuối cùng đoạn đường tới lại ăn đồ cũ, lại uống nước ôm theo cả một đoạn đường dài, mỏi tay đấy. Phải chăng trong cuộc đời của chúng ta như chú tiểu kia chẳng nhìn rõ khi nào tới, khi nào xong việc, cái gì cũng lo lắng ôm ôm khư khư, đói không dám ăn, khát không dám uống. Sự suy nghĩ không dám suy nghĩ cho tới cùng, tới chỗ để hiểu thấu, suy nghĩ lưng chừng ôm mãi ở trong đầu mệt mỏi, chúng ta lo lắng là bởi không thấu mà thôi.

Chủ đề “Quẳng Gánh Lo Đi Vui Sống”. Chúng ta cũng muốn, muốn lắm, muốn mọi sự lo lắng có thể bỏ xuống được khi về tới nhà, nhưng về nhà mọi lo lắng ở ngoài chợ, ở công sở, ở ngoài đường hay ôm về nhà cất giấu trong tâm, đêm ngủ lại thao thức tư duy suy nghĩ, rồi thì thầm với chồng, với vợ “Lo quá, không biết ngày mai làm gì đây?”, sợ, mình lo thủ thị với người yêu thương làm họ cũng lo lắng, bồn chồn. Thế là bao nhiêu sự lo lắng như gánh nặng trên đôi vai, chẳng biết vui sống, việc chỗ nào cũng ôm về nhà chẳng biết giải quyết chỗ đó cho xong. Như chú tiểu chia chẳng thấy đường, nước không dám uống, đồ ăn không dám ăn, ôm mãi nó nặng tay, nó mỏi. Các bạn, chúng ta là người đồng tu mà không ứng dụng được lời của Phật dạy, để rồi cứ lo lắng. Hóa ra chúng ta không tu đúng rồi, người tu thật sự sẽ có sự thong dong, tự tại, an nhiên, những lo lắng đời thường dần dần tiêu biến bởi chúng ta biết suy nghĩ đúng. Một trong những phương pháp cao siêu mà Phật dạy đó là Bát Chánh Đạo, mà ba điều đầu tiên Đức Phật dạy là một nghệ thuật sống để có thể quẳng gánh lo mà vui sống – Chánh kiến, Chánh ngữ và Chánh tư duy. Ba điều này suy nghĩ cho đúng, tư duy cho đúng và ăn nói đúng, chúng ta sẽ chẳng còn lo lắng gì đâu. Chúng ta lo lắng là bởi vì chúng ta suy nghĩ không đúng, mang nước và đồ ăn đi là để khát uống, đói ăn. Nhưng chú tiểu khát không dám uống, đói không dám ăn, bởi cứ sợ đoạn đường còn xa quá ăn hết, uống hết chút nữa đói khát lấy gì uống. Ta mang nước và đồ ăn đi để làm gì? Để ăn khi đói, uống khi khát. Chúng ta có quá nhiều kiến thức học để giải quyết những sự việc khi xảy ra, giải quyết xong thì quên, thì bỏ. Nhưng không chịu giải quyết bằng những kiến thức đã học, ôm ôm những thứ đó như chú tiểu sợ hãi đoạn đường còn quá xa.

Các bạn! Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh ngữ là ba pháp bảo vi diệu, giúp cho chúng ta giải quyết gọn lẹ tất cả mọi vấn đề đang xảy ra trong cuộc đời, để có thể sống được ngay trong hiện tại, để có thể vui sống ngay trong hiện tại không gặm nhấm quá khứ, không đào bới quá khứ, không u mê, mập mờ nghĩ đến tương lai như chú tiểu cứ nghĩ chút nữa đói khát lấy gì uống ăn nếu ăn uống hết. Lo lắng tạo ra phiền nhiệt, cái nhiệt của lo lắng sẽ đốt cháy tâm can. Những người lo lắng khuôn mặt ta nhìn thấy ngay, đăm chiêu nhăn nhó và nói cho rõ hơn những người lo lắng nhiều sẽ tốn nhiều lắm, tại sao tốn tiền? Phải đi thẩm mỹ sửa bởi người lo lắng mặt sẽ nhăn, u uất, năng lượng tối tăm, mặt không có tươi, đời sống không có nhẹ nhàng. Gần gũi với những người lo lắng nhiều làm cho đời mình cũng u ám, nặng nề. Chánh kiến là suy nghĩ cho đúng với nhân quả thiện và ác, cứ hiểu đơn giản thôi bạn đừng phân tích sâu xa làm chi. Chánh ngữ là chúng ta sử dụng những ngôn từ đúng nhân quả thiện ác. Chánh tư duy là suy nghĩ đúng với nhân quả thiện ác, nghĩ đúng thiện ác, nói đúng thiện ác, tư duy đúng thiện ác, nhân quả như vậy và ứng cái thiện vào trong suy nghĩ, lời nói và tư duy. Chỉ có vậy thì ta dễ buông lắm, đêm nằm ngủ nhẹ nhàng chẳng băn khoăn. Điều này thực tế, bạn cứ thực tập, lời Phật dạy thực tập đi, đừng suy nghĩ mông lung, đào bới kiến thức trong văn chương thêu dệt bởi sự giải thích mà ứng dụng. Nước mang theo uống đi, lo nghĩ chi đoạn đường dài khát lấy gì uống, bây giờ đang khát không uống, uống hết nước sẽ nhẹ tay, nó chuyển vào trong thành sự sống, đói ăn đi, không ăn, ăn đi mà, ăn rồi chúng ta chuyển đồ ăn vào trong người tạo thành sự sống, sức mạnh, có năng lượng. Không ăn, không uống, ôm ôm lo lắng hoài để rồi đôi khi đoạn đường quá xa nước cũng hư, mà đồ ăn cũng ôi khó ăn được. Ta cứ lo lắng để cho muôn sự chồng chất ngày qua tháng lại chẳng giải quyết được vấn đề.

Các bạn nên nhớ, Bát Chánh Đạo là những phương pháp mà Phật dạy cho chúng ta như một nghệ thuật sống, để có thể quẳng gánh lo đi mà vui sống, vui sống ngay trong hiện tại, giải quyết mọi vấn đề nhanh gọn lẹ bằng sự suy nghĩ, tư duy và ứng dụng phù hợp trong từng giây phút khi đang đương đầu. Gặp nhiều chuyện khó tới trong cuộc đời ta suy nghĩ không ra là bởi vì ta không thực tập sự suy nghĩ đúng, ta cứ để cho biết bao nhiêu những điều thổn thức lộn xộn, xáo trộn vàng thau lẫn lộn, chứ còn vàng ra vàng, thau ra thau thì nhẹ. Suy nghĩ chánh ra chánh, tà ra tà, ác ra ác, thiện ra thiện và chọn cái thiện cái chánh mà làm, thì những cái ác, cái tà chẳng có gì để dính tới ta đâu, ta không quen.

Nghệ thuật sống để được vui và quẳng gánh những lo âu phiền muộn đi là nghệ thuật được ứng dụng bằng Chánh kiến, Chánh Tư duy và Chánh ngữ. Bạn cứ suy nghĩ cho những điều tích cực, trong sáng, tâm bạn thư thái và nhẹ nhàng, có độ nhạy bén thật nhanh. Bạn cứ ứng xử với nhau bằng những ngôn ngữ thiện lành, ái ngữ, bỏ hẳn những ngôn ngữ ác, nhất định ngôn ngữ của bạn là ngôn ngữ lợi khẩu, dễ thương, hòa ái, dễ gần, đi đâu người ta cũng mến, đi đâu người ta cũng thích gần gũi. Còn nếu như bạn tư duy một cách trong sáng, đúng thiện pháp thì sự tư duy của bạn nhạy bén lắm và bạn sẽ nhìn xuyên suốt được mọi vấn đề khi tới với bạn, bạn giải quyết thật nhanh, bạn ứng dụng thật phù hợp và đời sống của bạn sẽ luôn luôn nhẹ nhàng. Đó là sự trải nghiệm thực tế của người xưa đã ứng dụng Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh ngữ vào đời sống, nên đời sống của họ lợi lạc vô cùng. Bảo Thành cũng như tất cả các bạn ai hiểu được điều này ứng dụng cho đúng, đời sống của chúng ta sẽ nhẹ gánh lo âu và chúng ta biết bỏ xuống mọi lo âu phiền não để mà vui sống.

Chánh nệm hơi thở là một nghệ thuật sống với Chánh kiến, Chánh ngữ và Chánh tư duy. Chánh niệm hơi thở là một nghệ thuật sống không có lo âu, bạn ứng dụng đi, bạn thử đi bạn sẽ thấy tuyệt vời vô cùng. Những nhà tâm lý học, những người nghiên cứu về xã hội học họ cũng nghiên cứu lời Phật dạy, họ cũng nghiên cứu giáo lý của Đức Phật và họ mang ra ứng dụng vào đời sống ngày nay, giúp ích cho thật nhiều người bị trầm cảm, bị rối loạn tâm thần. Người phương Tây họ đã phát triển quá nhanh về môn học của tâm lý và thần kinh qua sự nghiên cứu thật sâu giáo lý của Đức Phật. Tất cả những bài viết, tất cả những môn dạy trong triết học tâm lý học, tâm thần học của châu Âu hoặc châu Mỹ, tức là của nước Mỹ và châu Âu đều tương đồng như các môn Thiền học, không nằm ngoài con đường Bát Chánh Đạo của Phật. Nhưng người ta nghiên cứu ứng dụng vào đời sống, truyền tải qua một thể loại ngôn ngữ thời đại, không mang hình hài của tôn giáo. Nên những người không thuộc về các tôn giáo khác, những người không tin vào tôn giáo, họ đọc họ thấy nhẹ nhàng, nhưng khi đọc kỹ ta mới thấy tất cả mọi tư tưởng đó đều rút tỉa từ con đường Bát Chánh Đạo, từ giáo lý Đức Phật đã dạy.

Các bạn cứ đọc những cuốn sách thật hay nổi tiếng từ xưa cho đến nay do người Mỹ hoặc người châu Âu viết, do những nhà tâm lý học, tâm thần học, triết học, đọc rồi mấy bạn sẽ thấy ngỡ ngàng, hóa ra những lời của họ đều lấy từ lời của Phật nhưng phân tích rồi ứng dụng vào đời sống một cách rất cụ thể. Cho nên chúng ta thấy dễ và rồi chúng ta ứng dụng được. Còn người Á Đông chúng ta học Phật là không có tư duy suy nghĩ để ứng dụng, mà học rập khuôn và mang kinh của Phật như có sức mạnh thần thông để thay đổi, chứ không bao giờ nghĩ lời Phật, kinh của Phật là lời dạy, lời giảng để hiểu cho thấu, ứng dụng vào. Chú tiểu cứ sợ đoạn đường còn quá xa hết nước, hết đồ ăn, chẳng bao giờ nghĩ rằng ta mang nước và đồ ăn đi là để khi khát, khi đói ăn, chỉ nhìn vào nước và đồ ăn để nguyện rằng không bị đói, không bị khát. Chúng ta nhìn vào lời Phật để nguyện rằng chúng ta giải quyết được vấn đề, chứ có khi nào chúng ta thấy được lời Phật là để ứng dụng giải quyết vấn đề đâu. Nước để uống, đồ ăn phải cần ăn khi đói. Người phương Tây đã ứng dụng lời Phật nằm ngoài ở tôn giáo, bởi tôn giáo không nằm ngoài những gì thuộc về thế gian đâu. Làm sao để vui, để sống trong hiện tại, làm sao để quẳng gánh lo đi mà vui sống? Đó là nghệ thuật sống Phật đã dạy ngàn năm xưa – Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh ngữ, ba điều này khi ứng dụng rõ ràng ta chẳng còn lo lắng đâu. Bạn suy nghĩ, bạn gặp một ai đó, bạn nói bằng ái ngữ nhẹ nhàng, tình thân nó kết lại thương lắm, về nhà rồi nằm xuống là ngủ kềnh có gì đâu để lo lắng. Nhưng bạn không sử dụng ái ngữ, gặp ai đó bạn nói thêm, nói bớt, nói đâm thọt, nói ác, nói gian dối, bạn sẽ sợ, khi ngủ sợ nó biết mình nói dối, nó biết mình nói sai, nói thêm, nói ác, coi chừng nó trả thù, coi chừng nó coi thường mình và cứ thế trằn trọc, băn khoăn, lo lắng. Người mà lo lắng, băn khoăn, thao thức cả đêm là người luôn luôn không biết nói đúng chánh pháp, nghĩ đúng chánh pháp và làm đúng chánh pháp, tư duy đúng chánh pháp. Bạn suy nghĩ đúng chánh pháp, đúng Chánh kiến, bạn giải quyết mọi chuyện đúng Chánh kiến, đúng nhân quả thiện ác, bạn về bạn chẳng còn lo lắng. Nếu bạn gian dối bạn về bạn sẽ sợ, nếu bạn làm ác bạn về bạn sẽ sợ, sợ người ta phát hiện. Hãy nhìn những kẻ gian ác giả dối đi họ lúc nào cũng sợ, đôi khi đóng vai mặt lạnh như tiền chẳng sợ, nhưng thật ra run rẩy, về nhà bắt đầu sợ hãi lắm.

Các nhà tâm lý học khi họ phối hợp với y học và khoa học tạo ra những cái máy quét những làn sóng trong con mắt, họ thấy những người gian dối, những người nghĩ ác khi quét qua con mắt của họ, tần sóng nơi con mắt của họ thường là những cái sóng thật là lớn, dữ dội lắm, bởi họ lo lắng và sợ hãi. Cho nên trong tâm lý và tâm thần học rọi vào con mắt có thể thấy được sự suy nghĩ của người ta. Bởi thế người xưa đã nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Và đúng, Chánh kiến là cái nhìn đúng từ tâm và cái nhìn đúng từ tâm đó đúng với chánh pháp, thể hiện qua ánh quang minh nơi con mắt của chúng ta. Cho nên những người có Chánh kiến đôi mắt họ sáng, diệu, hiền, long lanh, thoáng và vô tận, nhìn vào đôi mắt của họ ta thấy nhẹ và bình an. Còn nhìn vào đôi mắt của những người có tà kiến lo lắng nhiều, ta thấy thấp thỏm lo âu và năng lượng tiêu cực của họ cũng lan tràn, lấn chiếm ta làm cho ta hoang mang và sợ hãi.

Các bạn! “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” là một nghệ thuật sống trong tinh thần Bát Chánh Đạo. Ngày nay thế giới sức ép của công nghệ và sự thay đổi vượt bậc của một nền kinh tế chuyển mình quá nhanh, làm cho biết bao nhiêu con người trong xã hội ngày nay chạy không kịp, lo lắng quá. Các bệnh viện tâm thần ngày nay đông người, các nhà tâm lý học nhiều bệnh nhân và thuốc trầm cảm được chế ra thật nhiều bởi trầm cảm quá nhiều, tự kỷ quá nhiều. Ngày xưa trầm cảm và tự kỷ có đâu, ngày nay đầy hết là bởi lo lắng quá. Ngày xưa đó người ta sát hại bản thân không có, bởi người ta sống an vui. Ngày nay lo lắng quá rồi đâm ra trầm cảm, chẳng biết phải làm gì, kết liễu cuộc đời trong những cuộc chơi trác táng, hủy hoại thanh danh và sức khỏe, làm mất đi hạnh phúc của gia đình. “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” là một nghệ thuật sống của tinh thần Bát Chánh Đạo. Tại sao chúng ta có thể tư duy và đọc những cuốn sách thật hay của những nhà tâm lý học, xã hội học, triết học ở phương tây khi họ trích giảng hoặc mang lời Phật ra tư duy, để ứng dụng rồi lại truyền dạy cho chúng ta theo phương pháp xã hội học. Ta đọc, ta thích mà ta không tư duy lời Phật, lời của bậc giác ngộ để ứng dụng vào đời sống. Họ cũng tư duy từ đó ứng dụng vào đời sống, rồi viết ra bán lại cho chúng ta, trong khi lời của Phật không mất một đồng, lúc nào cũng sẵn sàng ở gần chúng ta. Nhất là thời đại này kinh Phật, lời Phật, Bát Chánh Đạo có đầy đủ ở mọi phương tiện, từ sách, thâu băng, thâu dĩa, trên mạng. Từ khóa Bát Chánh Đạo ai đọc, ai muốn tìm hiểu điều thấy, nhưng chúng ta không tư duy, suy nghĩ, ứng dụng. Ta học Phật như con két, học như con vẹt, chỉ thuộc lòng, cầu thần thông chứ không ứng dụng. Trong khi lời Phật là lời giảng để mỗi người chúng ta hiểu thấu, ứng dụng để đời sống được vui, được hạnh phúc, được an lạc. Ta không ứng dụng lời Phật vào, ta tin lời Phật, ta mang lời Phật ra ta cầu nguyện, ta xin xỏ, mà khi lời Phật là lời giải thích, hướng dẫn, là lời giáo dục để ta học thông, hiểu, thấu, áp dụng vào thực tế trong cuộc đời để mọi lo lắng có thể bỏ xuống được.

Ông sư phụ đã biết mang nước, mang đồ ăn để khi đói, khi khát uống, chú tiểu mới chập chững bước trên con đường hành đạo chưa thấu, nên cứ lo âu ôm giữ, sợ vì đoạn đường không biết khi nào tới. Chúng ta nếu không suy nghĩ lời Phật ứng dụng vào thì đoạn đường phía trước của cuộc đời sẽ dài vô tận, bởi ta lo âu và sợ hãi. Còn nếu ta suy nghĩ cho đúng, ta sẽ trở thành ông sư phụ biết đoạn đường dài tới đâu, biết khi nào ăn, khi nào uống. Y như tổ nói “Khát thì uống, đói thì ăn, khỏe đi tiếp, rồi sẽ tới”. Còn chúng ta đói không dám ăn, khát không dám uống, mệt rồi mà cứ bò, cứ đi, đến khi kiệt sức chết rồi mới hay. Thật uổng phí cuộc đời, lo lắng cả cuộc đời. Nhiều người gần chết còn lo lắng “Chết rồi không biết phải làm sao đây, chuyện gì xảy ra đây?” Cứ suy nghĩ riết, suy nghĩ riết rồi thành con ma, con ma gì? Con ma của sự lo lắng sợ hãi.

Cái này có! Hồi xưa có ông kia giàu lắm, trong kinh Phật đó, ông có hũ vàng, ổng lo lắng cho con cái sợ rằng sau này con cái sẽ khổ. Hủ vàng ổng chôn, đến khi ông chết, ổng lo lắng quá, ổng quên chỉ cho con của ấy, sợ hũ vàng mất nên ổng đầu thai thành con chó, cứ khư khư nằm ở chỗ chôn hũ vàng để mà canh. Chúng ta canh cánh lo âu và sợ hãi cho những điều không cần phải lo âu. Chánh niệm đời sống là một nghệ thuật sống để giải vấn đề đâu vào đó. Chánh niệm đời sống là một nghệ thuật sống để giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, đúng, nhanh gọn lẹ, có trí tuệ, có hiểu biết bởi ta có tâm tư duy đúng. Nếu thực hành đúng, ta có suy nghĩ nhạy bén, ta có ngôn ngữ rất từ ái, dễ thương, ta có sự tư duy rất nhanh và giải quyết được mọi vấn đề thật đúng. Để chúng ta có một đời sống chánh niệm an vui, việc nào tới giải quyết việc đó liền, không ôm ấp, không cưu mang, không sợ hãi, không lo lắng.

Đức Phật tới dạy cho chúng ta sống an vui trong từng giây, từng phút, sống ngay trong chánh niệm, sống ngay bây giờ và tại đây bằng con đường Bát Chánh Đạo. Nếu bạn tư duy suy nghĩ kỹ về Chánh kiến, Chánh Tư duy và Chánh ngữ bạn sẽ trở thành những nhà thông thái, bạn sẽ trở thành những người không còn lo âu sợ hãi, khuôn mặt của bạn sẽ sáng, nụ cười bạn sẽ tươi, sức khỏe của bạn sẽ ổn định và nhất định đi tới đâu bạn cũng tự tại, chẳng còn lo. Hãy nhìn vào cái gương mà soi mặt, bạn thấy bạn có tươi không? Có đẹp không? Có hồn nhiên không? Nếu có thì chúc mừng các bạn, các bạn thật sự đã sống đúng với tinh thần Bát Chánh Đạo. Còn nếu bạn thấy lo âu, sợ hãi, thôi rồi, học Phật xưa đến giờ chẳng hiểu, chẳng ứng dụng được rồi. Cho nên các bạn nhớ Mật Thiền song tu quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác để sống ngay trong hiện tại, ngõ hầu chúng ta ứng dụng được tinh thần Bát Chánh Đạo vào đời sống từng ngày, từng giây, từng phút để có đủ sức mạnh giải quyết mọi vấn đề bằng trí tuệ, hiểu thấu để buông, giải quyết thật nhanh để sống ngay trong hiện tại. Không ôm ấp, cưu mang, mang về nhà, mang lên trên bàn ăn, mang lên trên giường, mang vào trong giấc mộng, mang vào trong hơi thở,… để tiều tụy, tiều tụy thêm trong từng giây phút, trăn trở, lo lắng, băn khoăn.

Bạn có sự lựa chọn bỏ mọi sự lo lắng, quẳng gánh lo đi mà vui sống qua ứng dụng tinh thần Bát Chánh Đạo, quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác qua Mật Thiền của hơi thở chánh niệm. Hay bạn cứ để cho mọi sự lo lắng, để có nước trên tay, có đồ ăn trên tay ôm mãi nó mỏi mà thân vẫn còn cứ đói, cứ khát. Lo quá khát không? Khát, uống đi! Đói không? Đói, ăn đi! Uống và ăn để có sức khỏe mà đi tiếp. Còn cứ lo lắng cho đoạn đường phía trước khát không dám uống, đói không dám ăn bạn sẽ chết và trở thành ma đói. Trên một đoạn đường xa các bạn có khi nào nghe chết khát bên bờ sông chưa? Chúng ta đã chết khát, trở thành ma đói ngay trên kiến thức uyên thâm của nhà Phật, đầy ấp ở trong đầu. Sự ca ngợi, vỗ tay khen những người khác để biết chiết xuất ra từ lời giáo lý của Phật, chuyển ngữ ứng dụng vào đời sống và qua cách nhìn đó ta lại không thấy Phật, chỉ thấy được cái hay của con người. Mọi cái hay của con người không thể vượt ngoài tầm giác ngộ mà Phật đã dạy trong kinh. Hãy sống đúng với tinh thần Bát Chánh Đạo, Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ qua sự ứng dụng của Mật Thiền trong đời sống chánh niệm. Quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác để chúng ta có được định lực bỏ hết mọi phiền ưu, lo lắng xuống để mà vui sống trong từng giây phút mà ta còn phước báu hiện diện trong cuộc đời này.

Các bạn! Xin hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.

Thưa Phật! Nghệ thuật sống để có thể bỏ xuống mọi lo lắng mà an vui từng giây phút, đó chính là chìa khóa để cho chúng con có thể mở cửa mà bước ra, tận hưởng cuộc đời này qua tinh thần của Bát Chánh Đạo mà Phật đã dạy. Xin Ngài gia trì cho chúng con ứng dụng và áp dụng đúng vào cuộc đời này để không còn lo lắng và sợ hãi.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, quẳng mọi lo lắng để sống an vui.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức

Thưa Phật! Nếu có được chút phước nào trong sự đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.










Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn