Search

Bài 3063. Đời Cho Ta Quá Nhiều

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết siêng năng tinh tấn tu tập đúng với Chánh pháp của Như Lai trong Chánh niệm hơi thở, để tự đứng dậy thắp đuốc mà đi qua công hạnh đồng tu mỗi ngày. Ngõ hầu thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng hồi siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng theo thiện nghiệp của mình nương bóng từ ân tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật vãng sanh cảnh thiện lành. Nguyện cầu an cho tất cả những ai đang bệnh giữ được tâm thanh tịnh, hiểu thấu cuộc đời, tăng trưởng phước báu qua pháp thiện để đủ phước gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và đồng nguyện cho Thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống với tư thế mà cơ thể cho phép, buông thư nhẹ nhàng, đồng nhớ về lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Từng hơi thở vào ra quán chiếu thân tâm của mình và trì mật ngôn. Mật ngôn thứ nhất đó là: Mu A Mu Sa, có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn thứ hai: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, có nghĩa là quán Trí Tuệ. Mật ngôi thứ ba : Ma Sa Ốp Uê, có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Ba mật ngôn này có ý nghĩa là Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán, phẩm hạnh cao cả của mẹ hiền Quan Âm đã tu, đã chứng và đã truyền dạy cho chúng ta. Trong Mật Thiền song tu, khi hơi thở Chánh niệm vào ra cùng với mật ngôn được trì, mỗi một chúng ta đều cảm ứng được năng lượng từ mười phương Chư Phật ban rải xuống. Với một lòng thành kính và khiêm tốn, chúng ta hãy bắt đầu đi vào sự tu và đón nhận mật điển.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Chúng ta dù là Phật tử tại gia hay những đấng bậc xuất gia, nhìn cho kỹ thì chúng ta đều đã có nhân duyên tiếp cận được với Phật pháp qua kinh điển, qua lời hướng dẫn của các bậc tôn túc trực tiếp hoặc trên mạng. Ngày nay phương tiện quá hay, đã mang giáo pháp của Như Lai tiếp cận với mọi người một cách quá dễ dàng. Bận rộn hoặc ở bất cứ một hoàn cảnh nào, chúng ta đều có cơ hội tiếp cận với Phật pháp, lắng nghe, tìm hiểu và ứng dụng, thực tập. Lời của Đức Phật, ngoài sự lắng nghe các bài pháp thoại được giảng dạy bởi các bậc tôn túc, các vị thiện trí thức, hoặc đọc qua kinh điển đều phải tư duy và vận công. Tại sao phải gọi là vận công? Có nghĩa là phải mang vào tu, thực tu rõ ràng, áp dụng vào trong cuộc sống. Phật giáo không phải là một nghệ thuật ngôn ngữ, một thể loại triết lý văn học để đọc cho hiểu cho thấu và mang vào trang trí cho cái gọi là có đủ kiến thức. Lời của Phật là chân lý, đọc nghe để hiểu, ứng dụng để sống.

Trong Mật Thiền song tu, chữ “Mật” còn có nhiều ý nghĩa, ngoài ý nghĩa là những điều ta chưa hiểu, chưa thấy, chưa biết. Và ta thiền để hiểu, để thấy và để biết những điều chưa biết. Nói rõ hơn, Mật Thiền là thiền để phá vỡ Vô Minh, có được Trí Tuệ để thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Vô Minh là màn đêm, là cái khăn đen che chắn làm cho chúng ta không thấy được, bởi vậy chúng ta cứ mê. Mật Thiền còn có nghĩa là phải miên mật, không ngừng nghỉ mới có thể vượt qua Vô Minh mà thể nhập vào sự Tỉnh Giác và có được Trí Tuệ an vui hạnh phúc. Không thể chỉ nhìn qua, đọc qua, nghe qua, ngồi chỉ một lần mà tận hưởng suốt cuộc đời. Đức Phật, Ngài đã tu bao nhiêu năm trời đi tới sự giác ngộ. Sau khi giác ngộ, Ngài vẫn thường xuyên ngồi thiền định để dạy, để quán chiếu và để tiếp tục con đường đang ở sự giác ngộ. Người như chúng ta học một quên mười mà cứ tưởng nhớ mười. Do đó, tu một ngày nghỉ mười ngày, chẳng miên mật.

Sự đồng tu của Bảo Thành và các bạn là để sách tấn. Chúng ta cần phải miên mật tu, không gián đoạn mới ngõ hầu phá vỡ được Vô Minh, đi đến sự thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, có được Trí Tuệ, lan tỏa yêu thương và chuyển hóa mọi đau khổ, phiền não cho chính mình, mang lại an lạc, an vui cho mọi người. Trong Mật Thiền song tu, hơi thở Chánh niệm rất quan trọng. Đó là đề mục để giữ thân tâm hài hòa, giúp cho ta quán chiếu thấy rõ hơn. Hơi thở đều đặn trong Chánh niệm, ta khỏe, tâm sáng. Đồng thời những mật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê nghĩa là quán tâm: Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Ba mật ngôn này có năng lượng vi diệu bởi gắn kết với Chư Phật, bởi thể nhập vào với tâm Tỉnh Giác, Trí Tuệ, Từ Bi, để khởi lên cái tự lực vốn có nơi ta hòa nhập vào tha lực vi diệu đón nhận mật điển, làm sáng cái tâm, làm khỏe cái thân, làm vui tinh thần. Cả ba thể đều lợi lạc, rất tốt. Ai tu sẽ có sự trải nghiệm, càng miên mật thì càng có sự chứng đắc trong trải nghiệm đón nhận được mật điển, tăng trưởng cho sức khỏe, sự vui vẻ của tinh thần và sự trong sáng của tâm linh.

Các bạn thân mến! Chủ đề hôm nay một bạn trẻ gửi về: “Đời Cho Ta Quá Nhiều”. Nhất là thời đại văn minh, “Đời cho ta quá nhiều”, đúng! Hồi xưa đi chân đất, đi bộ, đi xe, đi cày mà con trâu đi trước cái cày đi sau; đi vô trường học đôi khi chỉ có một cuốn sách giáo khoa; vào các chùa đôi khi chỉ có một bộ kinh hoặc một cuốn kinh, thầy và chúng đệ tử tụng đi tụng lại, kinh sách không có, ngày xưa thiếu không đủ đâu, thì đời đó đối với mọi người cũng gọi là cho họ quá nhiều đối với cái nhìn thời đó. Ngày nay thực tế hơn, bởi đời cho ta quá nhiều. Nhìn cho kỹ, các em nhỏ có cái phone (điện thoại) các em chơi, phone loại mới cũng sẵn sàng quăng xuống đất, bể chẳng tiếc. Máy móc gì, phương tiện gì, kĩ thuật gì, kỹ thuật số, các bé còn rất thơ đã tiếp cận được. Và cuộc đời ngày nay có quá đủ, quá nhiều, quá dư, để rồi ai cũng nghĩ rằng đời cho ta quá nhiều. Sống ở phương Tây như Bảo Thành đây thấy cũng đúng. Vật chất thì dư giả, tiền bạc có làm thì có nhiều, không làm nhà nước cũng cho đủ để ăn. Nói đúng hơn, thế giới ngày nay nhìn sơ sơ thì ta nghĩ đời cho chúng ta quá nhiều. Nhìn kỹ vẫn còn thật nhiều các quốc gia, các nơi trên thế giới đời cho họ quá ít. Họ sống nghèo khổ, lương thực không đủ ăn, nước không đủ uống, nhà không có để ở, xe cộ cũng chẳng có. Có nơi đời còn lấy đi tất cả, cả mạng sống, cả người thân. Và trong cái chuyện “Đời cho ta quá nhiều” chúng ta cần phải chiêm nghiệm, còn không coi chừng chúng ta ngộ nhận cho rằng: Đời là cõi phúc, bởi cho ta quá nhiều.

Có một câu chuyện nói về một vị quan. Ông quan này giỏi lắm, đánh Nam dẹp Bắc, Đông, Tây đều lừng lẫy tên tuổi, được vua ban cho biết bao nhiêu vàng bạc châu báu, giàu có. Cần gì là có, nói một cái thôi là có. Gia nhân thì đầy ở trong nhà, phục tùng đủ. Cơm đưa tới miệng, có người rửa chân, giặt quần áo, tắm rửa, cho nữa. Và ông quan này cảm thấy đời đã cho ông ta quá nhiều. Và dưới cái ánh mắt nhìn như thế, ông đi đâu cũng trách người ta: Tại sao không có cái này? Tại sao không có cái kia? Hãy coi đời sống của tôi, đời đã cho tôi quá nhiều. Và đời luôn luôn cho mọi người, tại sao các người không lấy vào để sử dụng? Cái câu “Đời cho ta quá nhiều” được biến tướng thành cái ngôn ngữ mà kích thích cái sự hiếu kỳ, bào mòn sức lực của con người để đi vào mộng tưởng của thời đại ngày nay. Người ta biến cái câu: “Đời cho ta quá nhiều” bằng cái câu: “Vũ trụ có tất cả”. Và chỉ cần sống theo quy luật vũ trụ thì vũ trụ sẽ cho ta tất cả. Cái câu này là chủ thể trung tâm của những nhà thương mại đa cấp hiện thời, kích thích giới trẻ để điên rồ lao đầu vào cho sự đam mê tầm cầu vật chất. Ta không nói đến ông trời, ông Phật, không nói đến bất cứ một luật gì hết mà chỉ nói: “Vũ trụ cho ta quá nhiều”. Và từ đó thật nhiều giới trẻ đã lao đầu vào, bỏ bê, bỏ mặc cả cái nền đạo đức, miễn là có vật chất là sướng.

Ông quan đó đi tới một cái lều tranh của một bậc trí giả để cho ông ta có cơ hội trình bày với cái chủ đề: “Đời cho ta quá nhiều” để bậc trí giả này liễu ngộ thêm, sống và hướng dẫn cho dân. Khi tới cái lều đó, ông ta thấy cái bậc trí giả này không có cái gì ngoài cái lều trống trơn, nằm ở trên cái gò đất nhìn xuống ruộng lúa mênh mông mà không có gì. Khi quan nói bậc trí giả rằng: “Ông là một vị thầy, là một bậc trí giả, thông trời thông đất, thiên địa đều hiểu và nhất định ông biết đời cho chúng ta thật là nhiều. Như tôi đây đã có quá nhiều quá dư, nhưng dân chúng không nhìn ra như vậy để có như tôi. Tôi muốn ông là một bậc trí giả hiểu được để khuyên ông và hướng dẫn mọi người hiểu được rằng: Đời có quá nhiều để cho ta”. Bậc trí giả mời ông quan ngồi và nói rằng: “Ngài nói đúng, mà hình như không chuẩn”. Mặt ông quan tím tái lại, bởi từ xưa đến giờ chưa một ai dám chê mình. Mình là quan có quyền uy dữ lắm, lại có tất cả, luôn sống với ý nghĩa: Đời cho ta quá nhiều và cho tất cả. Nay bậc trí giả lại nói một câu thật nhẹ nhưng nó bén và sắc như mũi tên tẩm độc ghim vào trong tim: Hình như ngài nói chưa chuẩn. Cắn răng chịu cái cơn giận đó, ông quan hỏi: “Vậy thì thầy, bậc trí giả, xin hãy cho biết tại sao nói như vậy?”. Bậc trí giả nói: “Tôi đã ngồi ở đây, sáu mươi năm trời, trên cái gò đất hoang, nhìn đồng lúa và nhận ra: đời có tất cả, nhưng không gì thuộc về ta”. Đời có tất cả nhưng không có gì thuộc về ta. Ông quan nghe qua bàng hoàng nhưng không chấp nhận, nằng nặc đi về.

Sau một thời gian binh chiến, quân Phương Bắc quá mạnh chiếm vào kinh thành giết ông vua, và vị quan đó trốn chạy khắp nơi, bị lùng sục bắt bớ, cuối cùng mới lảnh về cái lều tranh bên gò đất của bậc trí giả nhờ giúp đỡ. Bậc trí giả mới hỏi: “Tại sao ngài về đây?”. Vị quan mặt mày đen thui, quần áo rét mướt, xộc xệch, mũ quan chẳng còn, đôi chân đất chạy tới, thấy tủi và nói rằng: “Thầy, ngài là bậc trí giả đã thấu, đã đúng. Đời có quá nhiều, quá dư nhưng không gì thuộc về ta. Tôi đã thất bại, chẳng còn gì”. Lúc đó, bậc trí giả mới nói: “Đúng! Tôi phải dùng đến sáu mươi năm trời mới hiểu ra rằng: Đời có tất cả nhưng không gì thuộc về ta”. Vị quan lúc đó dù rất đau khổ nhưng thực sự mỉm cười hạnh phúc. Bởi đã hiểu thấu: Đời có tất cả nhưng không thuộc về ta, không có một cái gì thuộc về ta.

Các bạn đừng hiểu lầm đời cho chúng ta quá nhiều. Đời có, bất cứ một thứ gì bạn nhìn thấy đều là của đời, nhưng không thuộc về bạn đâu. Ngay cả cái thân này đây bạn có đó nhưng cũng chẳng thuộc về bạn. Nhà cửa, vật chất, tiền tài, danh vọng và quyền lực bạn có thể lấy được bởi đời luôn luôn có, có nhiều và có dư nhưng chúng chẳng thuộc về bạn. Người yêu thương như ông bà cha mẹ, những đấng bậc sinh thành chăm sóc dạy dỗ, đưa ta vào đời nhưng cũng chẳng thuộc về ta. Vợ, con, xóm làng người thân,… Bạn hãy nhìn đi tất cả những thứ bạn có thể nhìn, đời có nhiều lắm và có quá nhiều nhưng có cái gì thuộc về bạn không? Không có một cái gì thuộc về bạn. Đúng như cái câu của vị thầy bậc trí giả đã nói với vị quan kia: Đời nó có quá nhiều nhưng không có một cái thứ gì thuộc về ta. Hơi thở vào ra cũng chẳng thuộc về ta. Hít vào một cái rồi nó ra mất tiêu là ta toi cuộc đời rồi. Nghĩ đi các bạn sẽ thấm, đời có quá nhiều nhưng không gì thuộc về ta. Đừng ngộ nhận đời cho ta quá nhiều để rồi lao đầu vào vơ vét.

Sau cùng bậc trí giả đó mang một quả trứng nói với cái vị quan thất thế kia rằng: “Ông có thể vực lại tất cả nếu như ông có thể dựng đứng cái quả trứng gà này lên và nó đứng tại chỗ”. Vị quan thấy rằng chẳng có ý nghĩa gì nữa rồi bởi lên voi xuống chó, có tất cả, mất tất cả. Hiểu được câu: “Đời có tất cả nhưng không gì thuộc về ta”, nhưng cũng muốn tò mò hiểu coi cái ý của bậc trí giả muốn dạy là cái gì. Ông ta tìm đủ mọi cách để dựng trái trứng đứng lên, dù là dựng cái đầu nhỏ ở dưới hay cái đầu lớn ở dưới thì khi thả ra trái trứng đều ngả xuống lăn đi. Nhà trí giả cười và nói: “Đấy, trái trứng cả hai đầu, đầu to, đầu nhỏ dù ông muốn nhiều hay ông muốn ít thì chẳng thể dựng lại được nữa đâu. Nhưng nếu ông có thể dựng được trái trứng thì ông cần phải làm như vầy”. Bậc trí giả mới cầm cái đầu lớn trái trứng đập nhẹ xuống cái bàn, bể ra một chút và cái chỗ bể đó nó lõm vào tạo ra cái thế đứng vững chắc, giữ trái trứng đứng ngay thẳng. Ông quan nhìn thấy ngỡ ngàng nhưng hỏi tại sao, ý nghĩa gì? Bậc trí giả mới nói: “Chính vì cái tâm tham chấp, vơ cho đầy cho nhiều, mà cả cuộc đời ta không bao giờ đứng vững chãi. Lầm tưởng đời có quá nhiều rồi vơ vét, thực ra đời có quá nhiều nhưng không gì thuộc về ta. Nhưng nếu chúng ta có thể đập vỡ cái tâm tham chấp đi thì tất cả những thứ gì thuộc về đời ta có đều có thể sử dụng để đứng ngay thẳng, đầu đội trời, chân đạp đất chẳng sợ gì ai. Đập vỡ cái tâm tham chấp”.

Các bạn! Trong bài kinh Tứ Diệu Đế, bài kinh đầu tiên Đức Thế Tôn dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật không nhìn như cái chủ đề của bạn trẻ gởi về, không nhìn như cái ông quan kia nói rằng “Đời cho ta quá nhiều”, hoặc một chút xíu nữa dịch cho đơn giản là: “Đời là quá hạnh phúc”, là “Cõi phúc”. Mà Đức Phật nói: “Đời là bể khổ”. Câu nói nổi tiếng của Đức Phật đánh thức toàn bộ nhân loại, xưa đến giờ chưa ai nói cái câu “Đời là bể khổ” trước Phật, chỉ có Phật nói mà thôi. Và sau đó cái câu “Đời là bể khổ” nó chuyển dịch thành đơn giản hơn: “Sinh, lão, bệnh, tử là khổ”. Người ta hiểu được bốn cái chữ đó. Người theo Phật hoặc không theo Phật cũng thường khi gặp cái chuyện khổ của bạn bè hoặc của bản thân mình cũng than nói cho nó nhẹ lòng: “Ôi! Đời là bể khổ”, “Sinh, lão, bệnh, tử là khổ”. Hình như thành một cái câu danh ngôn mà chẳng cần truy tìm tới từ đâu, ai cũng biết cũng hiểu, cũng nói. Câu này của Phật, Phật nói: “Đời là bể khổ”. Khổ từ trong sanh, tử, già, bệnh. Khổ ở trong cái tâm tánh cầu mà không được, phải chia tay với những người mình yêu thương, gặp những người oan gia trái chủ chống kình, đương đầu với sự mệt mỏi của tâm và thân nơi các vùng miền khí hậu khác biệt.

Khổ! Phật thấy được cái khổ đó, tức là như cái ông trí giả đã nhận ra cái tâm tham chấp nên khổ. Thấy khổ mà không khổ, thấy khổ mà tìm ra cái hạnh phúc. Thấy khổ là thấy được tham chấp, đập bể nó đi, phá nó đi, chuyển hóa nó đi ta sẽ vững chãi. Phật đã dạy: “Đời là bể khổ”, nhưng đừng sợ, hãy nhìn thấu vào cái khổ đó để hiểu rằng cái nguyên nhân tạo khổ là bởi vì ta tham và chấp vào đó. Còn nếu như chúng ta thực hiện đúng với tám con đường thánh mà Đức Phật dạy về tâm và ngôn ngữ sử dụng cũng như hành vi, “Bát Chánh Đạo” là bài học dạy cho ta có cái tư tưởng tốt, có lời nói tốt và hành động tốt, thì nhất định cái sự tu tập đó sẽ phá vỡ được tâm tham chấp, như ông trí giả đập vỡ trái trứng một đầu để dựng lên. Và như vậy ta tiếp cận được Niết bàn, hạnh phúc, an vui.

Phật dạy “Khổ”, nguyên nhân gây ra khổ và nói rõ có sự an vui hạnh phúc, và chỉ cho ta cách để bước vào cái cửa hạnh phúc an vui. Phật không nói: “Đời là bể khổ” để ta khổ khổ cam chịu suốt đời. Phật chỉ bên này bờ là mê: khổ, bên kia bờ là giác: hạnh phúc và Niết bàn. Và chỉ cho ta phương pháp lộn ngược cái “Đời là bể khổ”, lướt trên sóng khổ, tới được bờ giác an vui. Phật dạy cho ta cái phương pháp đập bể một đầu trái trứng, để trái trứng có thể đứng vững. Một đầu của cuộc đời mà ta tham đắm vào vật chất chính là bởi vì ta cho rằng: “Đời cho ta quá nhiều” để tăng trưởng cái tâm tham chấp. Ngày nay chúng ta sống nhiều và lệ thuộc quá nhiều về vật chất phương tiện. Những người làm ăn muốn giàu có lợi dụng cái tâm tham chấp của chúng ta luôn luôn nói: “Vũ trụ có tất cả. Tất cả trong vũ trụ này đều thuộc về ta”. Thế là các bạn trẻ chẳng trau dồi một nền đạo đức, chẳng trau dồi một kiến thức căn bản vững chãi đi vào đời, chạy theo đua đòi, chụp giựt những cái phương pháp đa cấp tăng trưởng thật nhanh để có tiền. Thế là xài tiền phung phí để trang điểm cho cái đẳng cấp cao của mình qua ăn mặc, qua ăn uống, qua chưng diện. Sau một thời gian mệt mỏi, hoá ra chúng ta là những người đang lừa phỉnh chính mình rơi vào trạng thái trầm cảm đau đớn. Trên đời này không có cái gì thuộc về ta dù đời có quá nhiều. Ta có thể sử dụng được tất cả những gì ở trong đời nếu phá được tâm tham chấp. Đập bể đi cái tâm tham chấp ta có thể vực dậy tất cả để đứng lên làm người.

Các bạn thân mến! Phật khẳng định thật rõ trong bài pháp đầu tiên Ngài là bậc giác ngộ “Đời là bể khổ”, nhưng ta sẽ không phải chịu và kham cái khổ đó đâu. Nếu ta cứ chấp, cứ tham thì khổ khổ khổ hoài chẳng hết. Nếu ta theo lời Phật tu tập từ trong tư tưởng, tư tưởng có Chánh kiến, Chánh tư duy, đó là những cái rất hay chúng ta luôn luôn phải đi theo. Hành vi là Chánh ngữ, mọi sự sau đó liên quan đến công hạnh tu là Chánh nghiệp, Chánh mạng, tinh tấn Chánh niệm, thì ta có được Chánh định. Rất hay! Chỉ cần tu như vậy thôi là ta phá vỡ được cái tâm tham chấp, đập bể chúng đi và đứng dậy vững chãi, để sử dụng tất cả những gì có sẵn trong đời như một phương tiện phục vụ cho đời sống của kiếp người và từng bước bước lên cái cung bậc cao hơn, giải thoát khỏi sanh tử đau khổ luân hồi.

Bạn có nhớ câu của vị thầy trí giả nói với ông quan đó không “Đời có quá nhiều nhưng không có gì thuộc về ta”. Hãy suy nghĩ tư duy câu này, bạn sẽ thấy thấm: “Đời có quá nhiều nhưng không gì thuộc về ta”. Đừng lầm tưởng “Đời cho ta quá nhiều”. Bạn nhìn đi: Ở Châu Phi có những con người sinh ra ở đó nghèo nàn, khổ cực, cơm nước không có, trần trụi giữa nắng của trời, sương gió của trời, và bụi đất. Bụng thì sình to lên, cổ thì bé lại, bò lê lết để tìm miếng ăn. Cũng có chỗ thì dư giả đồ ăn, như ở bên Mỹ, đồ ăn bỏ ra ngoài hai tiếng là hư phải bỏ. Còn nấu thì phải bỏ vào tủ lạnh, còn để ngoài hai tiếng thôi là hư. Đồ ăn bên Mỹ thì ứa ra. Đồ dùng cũng dư giả. Quần áo mua thời gian không mặc là bỏ. Cái gì cũng dư, nhưng vẫn còn có nhiều nơi thiếu thốn lắm. Thiếu từ miếng ăn, nước uống, cái mặc. Thiếu từ thuốc thang, thiếu ngay cả sự tự do, thiếu cả sự sinh hoạt, thiếu nhiều nhiều …. Chỉ có những ai đó có thể là con ông cháu cha hoặc ở trong một cái điều kiện sinh ra có, nên cứ nghĩ đời cho ta quá nhiều.

Thực ra cái cho chúng ta không phải là đời, mà cái cho chúng ta chính là phước báu của chính mình. Người không có phước báu sinh ra trên đống gạo, đống vàng cũng chẳng sờ được vào vàng, chẳng ăn được cơm. Phước báu là tất cả. Ông bà nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Như vậy “có đức” thì có tất cả, chẳng phải đời cho ta quá nhiều mà là “đức” và “phước báu” cho chúng ta quá nhiều. “Đức” và “phước báu” cho chúng ta quá nhiều, đúng như cái câu ngài trí giả nói “Đời có quá nhiều nhưng có không gì thuộc về ta”. Nhưng nếu chúng ta học theo lời Phật để tu dưỡng phước báu và công đức qua sự tu thiền, trì chú, đọc kinh, nghe giảng, nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc đời thì nhất định công đức đó có, phước báu có dư và đời sẽ có quá nhiều để cho ta sử dụng đúng. Bởi tu như thế ta phá được chấp. Ta tăng trưởng được phước báu và công đức. “Có đức mặc sức mà ăn”, có phước thì đời có tất cả để ta sử dụng. Còn những kẻ vô phước, đời có quá nhiều nhưng chẳng có gì thuộc về người ấy đâu.

Đừng hiểu lầm đời cho ta quá nhiều để nhào vào trong những cái chiêu dụ của những người kéo ta vào trong đam mê vật chất. Hãy nhớ lời Đức Phật: “Đời là bể khổ” nhưng đừng kham cái khổ đó, vẫn có một con thuyền vượt qua bể khổ để tới bờ hạnh phúc an vui. Con thuyền đó cần cái tự lực đập vỡ cái tâm tham chấp như trái trứng nhất định sẽ dựng đứng lên được. Một đầu bể thì đầu kia sẽ ngoi lên, đập bể đi cái sự tham chấp để có đầy đủ phước báu công đức, ta sẽ ngoi lên được bể khổ của cuộc đời, đến bờ giác an vui. Ta sẽ lập lại cuộc đời của chúng ta sau nhiều lần đổ vỡ và thất bại để từ đó ta mới thấy rằng: “Đời có quá nhiều nhưng không gì thuộc về ta”. Phá tan đi tâm chấp mê, muôn sự sẽ hiển hiện ngay trước mặt nhờ phước báu và công đức của sự tu.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu trong bài học đầu tiên mà Ngài dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, Tứ Diệu Đế, nói về khổ: “Đời là bể khổ”. Nhưng Ngài chỉ cho chúng con một con thuyền của Bát Chánh Đạo để tới được bờ an vui. Chúng con ngày nay đã đã hiểu: “Đời có quá nhiều nhưng không gì thuộc về chúng con”. Nếu như chúng con không phá được tâm tham chấp thì chẳng thể đứng dậy mà đi trên con đường tầm cầu hạnh phúc. Xin Ngài hãy gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts