Search

Bài 3055. Đừng Sống Theo Cảm Hứng | Mantra#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, thiền định Chánh niệm để thắp sáng Trí Tuệ, quán chiếu thể nhập vào tâm Tỉnh Giác thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin Chư Phật cũng gia trì cho các bạn đồng tu và những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Chúng con xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống thong dong tự tại, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, trở về với hơi thở, nhớ lại lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Mật Thiền song tu là một pháp phương tiện quán chiếu thân tâm qua hơi thở của Chánh niệm và mật chú. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi trên mọi đối tượng của suy nghĩ, lời nói và hành động. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ để nhìn cho tỏ được các pháp là Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh giác quán qua hơi thở Chánh niệm, chúng ta sẽ tăng trưởng được Chánh định để đứng vững trên mọi thử thách của cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Chúng ta đã trên hai năm trời đồng tu với nhau trong Mật Thiền song tu, đồng hành với sự trải nghiệm của Chánh niệm hơi thở để trở về an trú, trụ vững qua năng lượng siêu thế, tha lực mật điển Chư Phật ban rải xuống cho chúng ta qua các mật ngôn.

Mật ngôn Từ Bi: Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang,và hiện thời là mật ngôn Tỉnh Giác: Ma Sa Ốp Uê. Sự bắt đầu đồng tu của chúng ta do một nhân duyên đặc biệt khi đại họa giáng xuống trần gian này qua đại dịch toàn cầu. Sự miên mật trên hai năm qua và sẽ tiếp tục trong bảy năm, mỗi năm một mật chú. Nhắc lại chúng ta đều nhớ, sự đồng tu của chúng ta không bắt đầu bằng sự cảm hứng, nhưng bằng một sự quyết tâm phát nguyện để liễu tri được cảnh đời, sống hạnh phúc an vui hơn ngay hiện thời trong từng giây phút của cuộc sống.

Chủ đề ngày hôm nay các bạn gửi về nhìn trên màn ảnh: “Đừng Sống Theo Cảm Hứng”. Chúng ta từ xưa cho tới giờ ai ai cũng có nhiều lúc và đôi khi cứ sống theo cái cảm hứng của chính mình hoặc của số đông ảnh hưởng. Đôi khi là môi trường nó kích hoạt, nó kích thích ta có cảm hứng và ta cứ sống theo cái cảm hứng đó. Nhiều người phải sống theo cảm hứng hoặc là nương vào cảm hứng để sống hoặc để làm việc. Thường thì các bạn nào làm về công việc sáng tác như: Văn chương, âm nhạc, kịch sĩ, hoặc ngay cả những việc cần có sự nghiên cứu để tìm tòi cũng thường phải nương vào cái cảm hứng để có sự hứng thú. Mỗi khi không có cảm hứng, họ phải mượn vào nhiều phương tiện ở bên ngoài tác động để có cảm hứng. Có những nhạc sĩ để có cảm hứng sáng tác ra những bài nhạc hay trên tay của họ phì phò, phì phò những điếu thuốc, hết điếu này đến điếu kia. Nhìn khói thuốc bay bổng, tâm tư cũng trầm bổng để tìm ở cảnh giới nào đó những âm thanh kết cấu qua những nốt nhạc mà hạ bút ký âm thành những bài nhạc bất hủ. Có những ca sĩ để có cảm hứng đưa hồn vào bài hát, hát cho mọi người nghe, họ cũng dùng nhiều sự kích thích ở bên ngoài để có được cảm hứng. Bảo Thành không đi sâu vào chi tiết nhưng thực ra những người làm sáng tác, kịch nghệ, nghiên cứu tìm tòi thường hay dùng những cái sự kích hoạt ở bên ngoài để có được cảm hứng.

Người đời thường không có cảm hứng được đời cho vui, thôi ra tiệm, ra quán làm một chầu cho xả láng để có cảm hứng sống. Ngồi quán cà phê ru hồn vào bóng tối, nghe một khúc nhạc, uống những giọt đắng thấy nó cảm hứng vô cùng. Ở đời có biết bao nhiêu những trò mà ta không có cảm hứng, ta mượn ở bên ngoài để có cảm hứng để sống. Nhưng cũng có những cảm hứng nó từ bên trong do những cảm xúc bên ngoài tác động làm cho vui, có hứng thú để sống. Nhưng khi những cảm xúc không phải là vui do tương tác mà là buồn thê thảm thì không có cảm hứng để sống, để làm việc, để sáng tác mà là tụt hứng. Và khi nó tụt hứng như vậy chẳng khác gì tụt máu đâu, chới với, chới với đau khổ. Những ai mà chỉ sống với cảm hứng mà thôi thường không có được cái lập trường sống. Sống với cảm hứng, lệ thuộc vào cảm hứng. Ta không bao giờ có được cái tư duy, cái việc làm và suy nghĩ bền vững, bởi cảm hứng thì nó không có vững bền. Cho nên khi sống với cái cảm hứng nó chẳng có gì là bền vững đâu. Do vậy những ai sống với cảm hứng thường ít khó thành công, khó thành công dữ lắm. Bởi cảm hứng không bao giờ tồn tại mãi, lệ thuộc quá nhiều vào bên ngoài để có được cảm hứng đó.

Trên con đường tu cũng có nhiều bạn tu, quý Phật tử của chúng ta sống theo cảm hứng. Cảm ứng với Phật nhưng cái cảm ứng đó không được nhiều, nó lệch là qua cái cảm hứng. Ta sống theo cảm hứng, ta tu theo cảm hứng, thấy cái phòng trào tu nó cuồn cuộn, bạn bè nói rần rần, cảm hứng vui quá, thế là phóng theo đi tu theo tập thể, theo nhóm cho có bè có bạn tu. Nghe thấy băng dĩa ai giảng hay, cảm hứng ngất trời, thế là nghe. Chỉ nghe thôi, chẳng tư duy suy nghĩ, nghe giảng như nghe nhạc ru ngủ. Nghe cái ông thầy đó, nghe cái vị đó giảng dễ ngủ, chứ mấy ai tư duy bởi chỉ cảm hứng mà thôi. Chúng ta cũng lại tu theo cảm hứng, cảm hứng chùa này hợp, chùa kia hợp. Ta cũng lại tu theo cảm hứng để tới chùa này chùa kia, bởi các vị thầy, các vị sư cô chiều lòng chúng ta, nói lời ta nghe thích, phù hợp. Cảm hứng đó đưa ta tới chùa, đưa ta đi tu, đưa ta tới tiếp cận. Còn khi tụt hứng bởi trong cái sự cư xử, ăn nói, có những câu hoặc từ ngữ, có những lúc vui, buồn, đùa giỡn, ta nắm chặt vào những câu đó, nó tụt hứng, mất máu chẳng bao giờ trở lại ngôi chùa đó, chẳng bao giờ tiếp xúc với thầy đó, chẳng bao giờ muốn tiếp xúc với cô ấy nữa. Cứ thế, ta để cuộc đời bềnh bồng theo cái cảm hứng và ta mất phương hướng. Cảm hứng vô tình đã trở thành một đối tượng để kéo đầu ta đi theo. Còn ta, ta lệ thuộc, chẳng khác gì con trâu bị kéo trên ruộng. Ruộng gì? Ruộng cảm xúc để có được cái cảm hứng để mà làm việc, kiệt sức rồi. Thật đúng là thân trâu bò!

Đời sống theo cảm hứng được Đức Phật khuyên bằng một câu kinh Pháp Cú thật là rõ. Phật dạy: “Tâm phải được làm chủ”. Nếu bạn sống theo cảm hứng thì tâm của bạn không được làm chủ cho sự tu luyện, mà tâm bạn bị làm chủ bởi cảm hứng. Trong pháp quán của nhà Phật: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Chữ “Thọ” là cảm xúc. Cảm xúc đưa đến cảm hứng. Cảm xúc tốt đưa đến cảm hứng, cảm xúc xấu đưa đến tụt hứng, tụt máu, mất hứng thú. Đức Phật khuyên và nói thật rõ: “Mọi cảm thọ đều huyễn giả, đều không thật”. Vậy mà mấy ai trong chúng ta đón nhận lời Phật dạy? Những cảm thọ tạo cảm hứng kia đều huyễn giả, đều không thật, đều sanh diệt tới lui. Không tin Phật, vẫn là con Phật, vẫn là Phật tử đã quy y, đã thọ giới, đã tu biết bao nhiêu khóa rồi nhưng mấy ai tin lời Đức Phật dạy: Thọ là huyễn giả, cảm xúc là không thật. Đừng dựa vào cảm xúc, đừng dựa vào cảm thọ để gây tạo cảm hứng. Cái cảm hứng theo cảm thọ đó nó sẽ bị lây nhiễm làm ảnh hưởng đến đời sống của ta và gia đình, làm mất đi Chánh định, không có thể đạt được Chánh kiến tư duy.

“Tâm phải được làm chủ”, đây là pháp tu mà Đức Phật luôn nhắc nhở mọi người. Chúng ta cần phải nhìn nhận cho thật rõ. Là Phật tử tại gia, các bạn đã thấy rồi, biết bao nhiêu công việc lo toan cho cuộc sống. Là vợ thì lo toan cho chồng, cho con, cả cha mẹ nữa. Rồi chúng ta làm chồng, ngược lại cũng thế. Công ăn việc làm, đối nhân xử thế, kèm các con ăn, học, công việc bề bộn lắm. Mà nếu như các bạn cứ sống theo cảm hứng, và tu theo cảm hứng, chẳng làm chủ được cái tâm, không có được lập trường. Bạn thay đổi nghề nghiệp như thay quần áo. Công việc bấp bênh, rồi chẳng làm chủ được công việc, chẳng làm chủ được tình hình kinh tế, đời sống gia đình và như vậy ảnh hưởng thật nhiều. Rồi chẳng làm chủ được suy nghĩ, lời nói, chẳng làm chủ được cái sự sinh hoạt rất bình thường để con cái có điều kiện đến trường. Rất bấp bênh! Cộng hưởng của một xã hội mà khi kinh tế, khi sự sinh hoạt không bền vững và ta lại theo cảm hứng. Xã hội không bền vững để cung cấp cho ta những điều có thể dựa vào đó để sống, ngược lại ta cứ bồng bềnh theo cảm hứng. Cảm hứng theo những điều không bền vững là khổ, là tạo khổ vô cùng.

Không phải ngày nay, ngày xưa con người cũng theo cảm hứng mà thôi. Có những con người mệt quá nằm dưới đất, nhìn lên tinh tú diệu vời, mây xanh cuộn cuộn, thấy lòng ngất ngây, thế là cảm hứng. Mà cái cảm hứng của anh ta không phải là cảm hứng trỗi dậy để làm, mà đê mê nhìn lên trời bay bay bổng bổng, khi mặt trời lặn về hướng tây, hoàng hôn đã tắt lịm, vội vàng về nhà, thế là cả ngày chẳng làm được gì. Thiếu gì những người chúng ta cứ bồng bềnh theo cái cảm hứng của huyễn giả, của cảm xúc, mất đi cái nội lực vươn dậy để sống. Trên con đường tu, thật nhiều các bạn bị kẹt vào trong cái cảm hứng của những cảm xúc. Tu Phật mà nặng về cảm xúc để nuôi dưỡng cái cảm hứng tu, dễ bị ma chướng của tưởng thức dẫn đường, lạc vào cõi tưởng, mất đi cái Chánh định và chẳng bao giờ thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc. Sống vất vưởng.

Đời sống theo cảm hứng không tốt. Nếu các bạn muốn có một đời sống bình thường nơi trần thế này, nhất định phải nghe theo lời Phật. Tư duy cho kỹ để thấy Phật nói đúng và rồi tin tưởng tuyệt đối. Áp dụng lời Phật dạy ngay ở cái chỗ là tâm của chúng ta không thể để cho cái cảm hứng đó dắt, nó xỏ mũi kéo đi, mà tâm của chúng ta phải được làm chủ. Làm chủ cái tâm này không dễ đâu. Có một vị Phật tử, trí tuệ rất là thông minh, trình độ là bác sĩ. Nhưng vì hoàn cảnh sống có nhiều ngang trái nơi tình cảm của vợ chồng, con cái, và người Phật từ đó nghĩ về thế cô, quạnh hiu sống ở nơi đây, bạn bè không có nhiều, người thân chẳng có mấy, gia đình thì xa, cha mẹ đã mất, anh em không cận kề. Cái cảm giác cô đơn nó cận kề và thế là biết bao nhiêu cảm xúc đau khổ, buồn tủi, sợ hãi nó lật ngược, tiêu tan cảm hứng sống. Và thế là người ấy khóc như một dòng sông, buồn tê tái cả tâm hồn. Nhìn ra ngoài trời mây đen giăng phủ chẳng còn biết gì, tăm tối, tăm tối! Cảm xúc tốt tăng cảm hứng làm việc, cảm xúc xấu tụt hứng – nguy hiểm!

Mới hôm qua Bảo Thành gặp một người bạn, một người Phật tử là người Mỹ. Người Phật tử đó nói rằng, làm sao có được cái cảm hứng để làm việc? Bởi cô ấy có cảm hứng 100 % đôi khi cả 1000 % trong lúc bắt đầu, nhưng bắt tay vào công việc thì cảm hứng nó bị tụt, tụt với tốc độ chóng mặt. Thế là việc gì cũng bắt tay vào nhưng chỉ trong tích tắc mất cảm hứng, tụt hứng chẳng còn động lực thúc đẩy để làm việc. Tâm thì cứ nghĩ lung tung, việc gì cũng mong cầu muốn làm, cảm hứng rất cao trong lúc đầu, khởi công một cái cảm hứng tụt mất, thế là chẳng có chuyện gì thành công trong mấy mươi năm qua. Bởi nhìn thấy những cái video và bài giảng của Bảo Thành trong suốt hai năm rưỡi, cô ấy hỏi: Làm sao để giữ được cảm hứng mỗi ngày đều đồng tu và chia sẻ pháp thoại với các bạn? Bảo Thành trả lời thật rõ: Đức Phật dạy: “Thọ là huyễn giả”. Cảm hứng là lệ thuộc vào cảm xúc. Tụt hứng như cô là cảm xúc xấu. Có hứng như lúc đầu là bởi vì cảm xúc tốt thì kinh nghiệm của bạn chẳng làm được gì. Đức Phật nhìn thấu và đã dạy: Mọi cảm xúc để tăng trưởng cảm hứng đều là huyễn giả. Đừng dựa vào chỗ đó và tâm của chúng ta đừng nuôi dưỡng bởi cảm hứng do cảm xúc, mà phải được tu luyện để làm chủ.

Mục đích con đường tu của Bảo Thành trong hai năm qua có mục đích thật rõ: Là để nhìn thấu được cuộc sống Vô Thường, Khổ, Vô Ngã bằng Trí Tuệ và lan tỏa tình yêu thương để sống một đời sống Tỉnh Giác. Đây không phải là cảm hứng. Đây có sự phát nguyện nhìn rõ. Cho nên trong những sự thăng trầm của cảm xúc để có cảm hứng và tụt hứng do chính cái tự lực phát nguyện kia mà vượt qua để tiếp tục đồng tu với các bạn, giữ được cái năng lượng tịch tĩnh hơn. Đây là một công hạnh tu, không phải là một việc làm theo cảm hứng. Cô ấy đã nhận ra, và hy vọng rằng cô ấy sẽ bắt đầu cái công việc bằng một sự tự lực nhìn rõ và phát nguyện làm việc theo những chiều hướng cao thượng hơn, hướng thượng hơn. Lấy đó làm cái điểm tựa để tạo ra cái sức bật, phóng tới phía trước thành tựu được những điều ước muốn.

Các bạn nhìn vào chính cuộc đời của mỗi người chúng ta, các bạn có khi nào tự hỏi: Chúng ta cũng nặng về cảm hứng do những cảm xúc hay không? Có những lúc bạn bè tới tạo cho ta có cái cảm xúc vui, ta cảm hứng cao ngất, ăn nói huyên thuyên, ngồi cả ngày không biết chán. Nhưng cũng có những lúc ta có bao nhiêu chuyện vui đang tính kể, bạn nói một câu cảm xúc buồn, tụt hứng tới đáy luôn, không còn gì nữa và thế là bực mình khó chịu. Ngày đó sống coi như bao nhiêu cái khổ nó lui tới. Cuộc đời của các bạn và Bảo Thành cứ tụt hứng rồi cảm hứng, cảm hứng rồi tụt hứng. Thế là cứ phải đương đầu hứng đủ mọi chuyện nó xảy ra, chẳng làm chủ được. Ở đời mà cứ hứng thì chẳng khác gì sọt rác. Ở đời mà cứ hứng thì chẳng khác gì thùng rác để cho người ta xả bỏ những thứ ô uế, những cái không cần thiết vào trong cái thùng ấy. Tại sao cuộc đời của chúng ta lại biến mình thành cái thùng rác để hứng? Đừng sống theo cảm hứng, đừng để bị tụt hứng. Hứng gì thì hứng, hứng cảm hay tụt? thì đều là thùng rác mà thôi. Cái tâm không được làm chủ, theo cảm hứng rồi bị tụt hứng là cái tâm thùng rác. Ai trong chúng ta muốn biến mình thành thùng rác đâu. Đức Phật dạy, tâm không thể thành cái thùng rác chạy, đuổi theo cảm hứng để sống. Tâm không thể thành cái thùng rác để tụt hứng để hứng vào những chuyện đau khổ, phiền muộn đâu đâu đó để mà sống. Tâm phải được làm chủ.

Sự đồng tu của chúng ta nhận định thật rõ được điều đó, và bắt đầu bằng hơi thở Chánh niệm đúng pháp Đức Phật dạy, qua cái sự quán chiếu của hơi thở vào ra. Ta lại ứng dụng để cho thân được khỏe bằng cách đưa khí xuống thật sâu dưới đan điền khí hải, phình bụng dưỡng khí, tác động vào các luân xa, khai mở các năng lượng, thở ra thật nhẹ nhàng, trì mật ngôn. Từ cái tự lực tu như thế, ta có cơ hội gắn kết và đón nhận được thật nhiều tha lực mật điển của Chư Phật truyền vào thân tâm, thúc đẩy cho chúng ta loại bỏ mọi cảm hứng do những cảm xúc, loại bỏ mọi cái tụt hứng do những cảm xúc. Nhìn rõ được mọi cảm thọ đều huyễn giả mà tịch tĩnh an vui, dung thông với cái sự sáng nơi trí tuệ, nhìn rõ mọi cảm hứng, mọi tụt hứng cảm thọ đều Vô Thường sẽ tạo Khổ. Thế là chúng ta đã tu và cứ tu và sẽ luôn luôn tu để thành tựu được sự an lạc một cách bền vững, nơi không bám víu bởi nhìn thấu được sự Vô Thường của các pháp sanh diệt, của những cảm thọ, của những cảm hứng. Sống ở trên đời mà cư hứng hứng rồi bị cảm. Sống ở trên đời mà cứ hứng hứng rồi bị tụt xuống, là chính mình đang đầy ải mình do cái vùng đa cảm, mẫn cảm. Chính mình đang đầy ải mình xuống hố sâu và tụt mãi về quá khứ lạc hậu, đau khổ.

Sống không thể theo cảm hứng, không thể theo tụt hứng. Mà sống phải trụ vững, trụ vững qua cái sự thực tập của Chánh niệm hơi thở, qua cái sự quán chiếu tự thân, nhìn rõ các pháp Vô Thường, nương vào cái tha lực mật điển của Phật. Tha lực mật điển đại từ đại bi, tha lực mật điển Trí Tuệ và Tỉnh Giác, ta sẽ trụ vững trong cuộc đời, không để cảm hứng và tụt hứng lay động và tâm được làm chủ. Tâm phải được làm chủ. Tâm làm chủ tất cả các pháp, mọi tạo tác suy nghĩ, lời nói và hành vi. Với cái tâm như vậy, chúng ta luôn luôn tạo thật nhiều phước báu công đức. Với cái tâm như thế, chúng ta luôn tạo được cái sự sức bật để vươn lên và trụ vững với muôn trùng những thử thách ập tới trong cuộc đời, bởi ác nghiệp nhiều kiếp ta đã tạo. Tâm cần làm chủ. Cách tu Mật Thiền của chúng ta là một phương tiện tu luyện cho tâm. Như một võ sĩ dõng mãnh, đứng trên thượng đài của những thử thách ập tới, vẫn có thể tránh né, vẫn có thể quật ngã những thử thách đó xuống, vẫn có thể tiến lên một cách vững chãi để thành tựu.

Các bạn thân mến! “Đừng Sống Theo Cảm Hứng” là một câu nhắc nhở. Chủ đề thật là hay. Đức Phật nói thật rõ: Đừng sống theo những cảm thọ, phải tu trong Chánh niệm. Nhìn thấu được những cảm thọ tạo ra những cái cảm xúc tốt gây cảm hứng cao. Nhìn rõ những cảm thọ tạo ra những cảm xúc xấu – tụt hứng. Nhìn thấu đều là huyễn giả, không thực, sanh diệt, để chúng ta từ đây không còn sống theo cảm hứng nữa, mà sống theo sự làm chủ, trụ vững bằng Chánh niệm hơi thở quán chiếu thấu. Đừng để cuộc đời dâng trào theo cảm hứng hoặc đắm chìm theo tụt hứng. Đừng hứng, đừng hứng! Thùng rác sẽ hứng chịu mọi thứ. Tại sao ta không làm chủ mà cứ đứng đó hứng chịu những cái cảm xúc nó dằn vặt, nó lôi kéo, nó giày vò? Cảm hứng hay tụt hứng đều là một cuộc đời đã bị bỏ phế. Đừng bỏ phế cuộc đời bởi mang thân làm người thật khó. Phải nâng mình lên cái tầm cao mà Đức Phật đã nhắc bằng sự làm chủ của cái tâm để biến mình thành một nhịp cầu tương thân tương ái, mang lại sự sống hài hòa cho chúng ta và muôn người. Đừng đặt để mình thành cái thùng rác, để hứng những cảm xúc vụn vặt trong cuộc đời do những người khác tác động hoặc môi trường. Cảm hứng hay tụt hứng đều là những điều không bền vững, sẽ biến mình thành thùng rác.

Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Ngài đã dạy chúng con đừng sống theo cảm hứng để rồi bị tụt hứng. Ngài đã dạy phải quán chiếu mọi cảm thọ đều là huyễn giả, mọi cảm xúc đều là không bền vững. Và Ngài đã dạy cho chúng con phải làm chủ cái tâm để trụ vững trong cuộc đời, sống an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ. Xin Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Chúng ta hãy hồi hướng.

Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức nếu có được trong ngày hôm nay cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn