Search

Bài 3047. Phù Du Một Kiếp Nhân Sinh | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện chư Phật mười phương, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác. Quán chiếu trong chánh niệm hơi thở, nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả những ai đang lâm bệnh, có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Cũng nguyện siêu cho chư vị hương linh, theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Đồng nguyện cho thế giới được hòa bình chiến tranh chấm dứt.
xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống buông thư tự tại, trở về với hơi thở. Nhớ lời dạy của Phật lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật Thiền song tu lấy hơi thở để trụ tâm, lấy mật chú để tác ý. Mật chú Mu A Mu Sa nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang nghĩa là quán tâm Trí Tuệ. Mật chú Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Chúng ta gọi tắt là quán từ bi, trí tuệ, tỉnh giác hay các bạn có thể đọc ngược từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề các bạn gửi về hôm nay, nghe mà thấy trong lòng có những dòng suy tư dâng trào, khó có thể dừng được, chủ đề làm cho chúng ta phải nghĩ về cuộc đời của mình. Chủ đề các bạn nhìn lên trên màn hình sẽ thấy “Phù Du Một Kiếp Nhân Sinh”. Chủ đề nghe ngậm ngùi bởi mấy ai trong chúng ta lắng đọng một chút để nghĩ về kiếp nhân sinh. Cuộc đời của chúng ta, cuộc đời của chúng mình chỉ là phù du, tới lui sanh diệt chẳng tồn tại. Trầm ngâm một chút nhưng đừng có bị động, trầm ngâm một chút để tư duy nhưng đừng rơi vào trạng thái tiêu cực, yếm thế, coi thường đời sống hoặc nghĩ rằng tại sao phải tư duy, không sống tích cực. Ta hãy cùng nhau tản mạn một chút cho đời được nhẹ, cho hơi thở được tự tại về phù du một kiếp nhân sinh.

Các bạn! Cuộc đời mơ mơ thực thực, tưởng là mơ nhưng là thật, tưởng là thật nhưng là mơ, mơ mơ thực thực lẫn lộn. Khó có thể lường được và thật khó có thể xác định được trải nghiệm của mơ mơ thực thực trong kiếp đời. Đúng như phù du một kiếp nhân sinh, biết bao nhiêu những chuyện đau khổ của đời người, biết bao nhiêu những cung bậc sung sướng và hạnh phúc tới lui chẳng tồn tại, biết bao nhiêu sự chờ mong, trông đợi, cũng như sự đẩy lui những điều chẳng muốn, chẳng thể làm được đâu. Mới buổi sớm môi đỏ má hồng mà buổi chiều nửa đầu tóc bạc phơ. Các bạn ngẫm nghĩ đi, thấy nó làm sao ấy, mới buổi sáng thôi môi kia còn đỏ má còn hồng, mà buổi chiều nữa đầu tóc bạc phơ, tất cả những gì mơ mơ thực thực kia rồi cũng kết lại là những chuyện đã qua, tất cả đều sẽ là chuyện đã qua, sẽ qua và luôn luôn qua, chẳng dừng lại cho ta hưởng được giây phút thần tiên hay đắm mình trong đau khổ đâu. Khổ đau hay sung sướng tất cả đều vào trạng thái sẽ đã qua, sẽ đi và chẳng dừng. Thế mà trong kiếp sống này, mỗi người chúng ta cuộc đời phù du trong kiếp nhân sinh cứ đau khổ, cứ buồn phiền, bởi vì ta cứ bắt bóng đuổi hình, chẳng nhìn vào tâm mình. Các bạn, từ thượng nguồn nước chảy xuống, tuôn mạnh, có sức đột phá, quanh co một hồi gập ghềnh trên sóng gió, lúc đục lúc trong, nhưng nó cứ phải vận hành mãi thôi, xoáy cuồn cuộn nhưng cũng lại xuôi theo dòng để về tới cửa biển, nơi mênh mông vô tận hòa chung vào một vị mặn sóng yên biển lặng. Chúng ta trong từng khúc của cuộc đời, đau khổ hay sướng vui không khác gì dòng sông quanh co, quanh co nơi thôn xóm, rồi ra cửa bể mà thôi. Nhưng chúng ta chẳng xuôi theo dòng của tự nhiên, của tự tánh vận hành của dòng sông của cuộc đời, ta cứ muốn trôi ngược để đứng ở trên nguồn hãnh diện của cái mong cầu thành tựu những điều mơ ước. Để cho vòng xoáy của cuộc đời bào mòn tuổi trẻ, làm mờ đi tất cả sức sống và chúng ta chẳng bao giờ có được sự bình an, chẳng bao giờ có được những giây phút thảnh thơi. Chợt một lúc tỉnh ra như câu chiều về đầu đã bạc phơ, nửa đời hương phấn có gì để chúng ta nhớ, để chúng ta níu kéo đâu. Thế nhưng nó cứ ngậm ngùi và trong những giây phút như vậy ta lại sống vội, ta lại hồi xuân cấp tính, đột quỵ trong sự sung mãn muốn tìm về thuở đặc biệt của mình, nhưng sức còn đâu nên bị đột quỵ giữa dòng, tê liệt toàn cảm giác và thế chúng ta coi như hoang phế cả đời người.

Dù sự gì có xảy ra trong cuộc đời nhưng dòng sông vẫn phải xuôi. Dù vui buồn sướng khổ cứ lui tới, mơ mơ thực thực ai nào hay biết, thì chúng ta nhất định phải buông và xuôi theo dòng tâm tưởng thiện lành, như dòng suối chảy về sông, từ sông ra biển, ta phải như vậy. Ít ai thể nghiệm được thiên nhiên tự tại của những dòng đời, cuốn trôi vào cuộc sống nơi phù du một kiếp nhân sinh đâu, ta quên. Trên con đường thực tập Mật Thiền chúng ta nhắc cho mọi người hãy trở về. Vẫn biết một kiếp người hay một kiếp nhân sinh thật phù du, sớm nở tối tàn. Tuy nhiên trong sớm nở tối tàn đó mang tràn đầy những ý nghĩa cao siêu, nhiệm mầu. Nếu như mùa xuân không trôi qua đông sao có thể tới. Cuộc đời không có trải nghiệm của đau khổ và hạnh phúc, nào có ý nghĩa gì đâu, chiêm nghiệm thì ta thấy được. Như thiền trà, uống một tách trà mà hương vị của thiền lắng đọng trong tâm, đưa chúng ta trở về với chính mình, để xuôi theo pháp thiện lành đó mà trôi, mà đi, dù quanh co, dù gặp ghềnh, dù có xoáy, có đục, có trong, có sướng, có khổ, có phiền não, hạnh phúc an lạc. Tất cả những cảm xúc đó rồi cũng sẽ qua đi, và chúng ta sẽ lại trở về với biển trời mênh mông vô tận của tâm thanh tịnh nơi Phật tánh. Mật Thiền nhắc nhở cho chúng ta luôn luôn an trú trong tâm từ bi và luôn luôn phải tự mình thắp đuốc trí tuệ mà đi, đi trong sự tỉnh giác. Mu A Mu Sa là năng lượng từ bi vô thượng, để dòng chảy của cuộc đời phù du một kiếp nhân sinh dù có thăng trầm trong muôn vị của cuộc sống, thành bại, khen chê, được mất, sướng khổ, ta cũng nhẹ nhàng ta buông, bởi tâm ta chẳng vướng mắc vào những cảm xúc trong kiếp phù du, mà ta tận hưởng được cái đẹp ngay trong hiện tại.

Cần! Cần lắm, chẳng cầu kỳ mua trà cho thật mắc để gọi là thiền trà. Hãy ngồi xuống chẳng phải là tọa thiền mà để tâm ta lắng đọng, yên bình, phẳng lặng như đang ngồi, mọi gợn sóng lăn tăn của cầu mong nơi đời phù du tan biến, ta sẽ có cơ hội hưởng được thiền vị thâm sâu vi diệu. Bởi lúc ấy ta để cho tâm từ bi lan tỏa, gắn kết ta với muôn người, với vũ trụ, với thiên nhiên tự tại, với tất cả vật và người, mọi chúng sanh có nhân duyên trong kiếp này ta tiếp cận, ta sống chung. Tình yêu, từ bi rất quan trọng trong cuộc sống, bởi nguồn năng lượng này vô giá cao siêu, chữa lành tất cả những vết hằn trên sống lưng của cuộc đời phù du và làm cho tất cả mọi vết thương đều tan biến. Để ta lành lặn trở lại, ta đẹp. Từ Bi – phẩm hạnh cao quý của các chư Phật, chư Bồ Tát. Tất cả những bậc xuất gia hay tại gia, nếu chúng ta quên đi cội nguồn từ bi vốn có nơi ta, để liên kết với tâm Từ Bi của chư Phật, thì chẳng khác nào chúng ta như một giọt nước trôi lăn trên lá cây, chẳng biết về đâu, cô đơn, cô quạnh. Nhưng lần mò để rồi đi về với dòng suối nhỏ, chảy ra dòng sông lớn, về với biển cả, thì muôn muôn một kiếp người như chúng ta là những hạt sương long lanh, tắt lịm kia cũng có thể phối thành dòng chảy để về biển khơi. Rất cần sự liên đới giữa người với người bằng tình thương và trong tình thương đó người với người chúng ta lại có thể tự lập đứng dậy, thắp đuốc trí tuệ đi giữa dòng đời với muôn người bằng tình thương không phân biệt, chẳng chấp thủ của chính tôi, mà là tình thương của đại đồng, tình thương của sự tận hiến, không có cá nhân riêng biệt. Không dễ đâu, nếu không chiêm nghiệm để thể nhập bằng sự tỉnh giác, mà u mê trong danh lợi đoạt quyền, thì chúng ta nhất định chẳng thể thẩm nhập được từ bi, trí tuệ trong mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Ma Sa Ốp Uê lại giúp cho chúng ta tỉnh giác mọi thời, mọi lúc, để ngay trong hiện tại, trong hơi thở vào ra ta nhìn rõ được trí tuệ được thắp sáng, ta nhìn rõ được năng lượng từ bi ta tiếp nhận từ Phật, rồi ta rải tới muôn người, rất hay. Như vậy thì trong kiếp phù du này, một kiếp nhân sinh này ta sẽ không buông trôi theo dòng chảy, ngược dòng của thiện pháp mà xuôi theo ác pháp để gặp ghềnh đắp đê, ngăn chặn dòng chảy của tâm thức thiện lành đâu. Ta sẽ vui bởi tâm thức thiện lành của chúng ta là một dòng chảy liên kết giữa các bờ của cuộc đời, nơi những con người ta tiếp cận. Để cuộc đời của những người ấy sẽ trở thành miền đất trù phú, có thể gieo trồng những chủng tử thiện lành, những mầm mống an vui. Các bạn! Chúng ta phải trở thành người chủ động trong cuộc sống này, đừng thấy cuộc đời mơ mơ rồi chúng ta bơ bơ, xao lãng, đừng thấy cuộc đời thực thực rồi đắm chìm ôm ấp. Đời là mơ, mà cũng là thực, đời là thực nhưng cũng là mơ.

“Phù du một kiếp nhân sinh”, đôi khi chúng ta cũng phải lòng vòng một chút, đi loanh quanh một chút, một chút ấy có thể là cả đời người mới có thể ngộ ra chân lý, một chút ấy đôi khi chỉ là một tích tắc của chánh niệm hơi thở cũng ngộ ra được chân lý để sống. Chỉ cần các bạn đánh giá cuộc đời phù du của chúng ta như Đức Phật dạy, ngắn ngủi phù du, hoa kia sớm nở tối tàn, mà ta thở vào hít ra thôi mà nó không còn hoạt động nữa là xong rồi, toi đời rồi. Đâu có buổi sớm, buổi chiều nữa đâu, như câu buổi sớm thì môi của chúng ta hồng, má của chúng ta hồng, môi của chúng ta thắm, má của chúng ta thắm, nhưng chiều tới nhìn trên đầu nửa vầng trăng đã bạc phơ, ngậm ngùi, ngậm ngùi! Đức Phật tới trong thế gian này là bởi nhìn thấy chúng sanh cứ bơ bơ trong cõi mơ, cõi mộng, cứ khùng khùng điên điên, nhào đầu vào trong cõi gọi là ảo thực chứ không phải phải thực, để rồi khổ rồi đau. Như căn nhà lửa đang cháy hừng hực, ta cứ ngồi chơi mãi mà thôi. Đức Phật đã phá cửa đi vào trong ngọn lửa hừng hực bừng cháy của tâm tham – sân – si nơi chúng ta, đưa bàn tay nhân ái từ bi để chúng ta có thể nắm vào bàn tay của người, bước qua ngọn lửa, núi lửa của cuộc đời kia, để chúng ta thoát khỏi. Vẫn biết một kiếp nhân sinh là phù du, nhưng trong sự phù du ấy chẳng cần phải chắt chiu, bởi nó là thực. Đời là phù du nhưng tâm thiện là thực, là chân và để trở về với tâm chân đó chỉ có từ bi, trí tuệ và tỉnh giác mới dìu bước chân ta đặt vào nguyên vị, hồi về nguyên vị của tâm tánh thiện lành. Còn thiếu đi từ bi, thiếu đi trí tuệ, thiếu đi sự tỉnh giác, chúng ta là những bóng ma mù mắt chập chờn trong đêm tối đường sao thấy, thì thể nào trở về nguyên vị của tự tánh thiện lành. Trong chúng ta cái nguyên vị tự tánh thiện là vốn có chẳng mất đâu, chỉ cần quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác, Bảo Thành và các bạn rất thong dong, thong dong như một dòng nước dù gắn kết với nhau là những giọt nước nhỏ bé, nhưng khi mỗi người bằng tình thương, bằng trí tuệ và tỉnh giác, khế hợp với nhau trên con đường tu hành pháp thiện, thì nhất định chúng ta sẽ trở thành một vòng pháp vũ, một dòng sông quanh co trong cuộc đời, để rồi về với biển ngộ, biển giác.

“Phù du một kiếp nhân sinh”, chúng ta gạn lọc được gì nơi lúc xuân thời má hồng môi thắm và chúng ta gạn lọc được gì khi nữa đời trôi qua tóc bạc trắng trên đầu. Cứ vội vội, vàng vàng trong cõi mơ cõi mộng, cứ vội vội, vàng vàng trong cõi tưởng là thật đó, để ta chẳng bao giờ dừng lại một chút, ưu tiên cho cuộc đời của mình thấm đượm hơn hương vị của thiền môn, qua rảo bước chân trở về sự tự tánh thiện lành mà Phật đã dắt dìu. Ta đã xoay lưng lại với Phật, ta đã làm ngơ với pháp thiện lành, ta đã nhào đầu vào trong vũng sình của ác pháp để ta buồn, ta khổ, ta đau. Rồi ta cầu, ta cứu, ta kêu, ta than, thế là tâm mê tín cứ nhào nặn hoài thành những hình tượng ảo giác nhốt mình vào trong đó. Các bạn, nhất là khi chúng ta rơi vào trạng thái cô đơn, buồn, trong kiếp nhân sinh phù du của sự phản bội, coi thường, của sự trù dập, bắt hại nhau, ta đau lắm. Có các bạn khi trải qua những cung bậc đau đớn trong cuộc đời, khi gặp những đối tượng mình yêu thương nhất mực đã phản bội, đã xoay lưng, đã bắt hại mình và trong những lúc như vậy phù du một kiếp nhân sinh, khổ đau trôi mãi bao giờ mới ngưng. Ta quẫn trí, ta muốn kết liễu cuộc đời của mình, có! Nếu như bạn chợt có những ý tưởng như vậy thì bạn đã là người hóa rồ, điên khùng, vì bạn không có cho mình một giây phút tĩnh lặng trong kiếp nhân sinh phù du thoáng qua. Dù chỉ là thoáng qua trong cuộc đời, nhưng Phật đã nhận ra, đã nhận thấy trong sự thoáng qua đó là giá trị vi diệu của một kiếp người đầy đủ phước báu. Bảo Thành còn nhớ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm về cô Long. Thời đó cô là một người con gái, thời quá khứ ai cũng coi thường phụ nữ, nhưng chỉ trong tích tắc thôi cô ấy biến thành một vị chứng đắc, ai cũng ngỡ ngàng, chỉ tích tắc. Vẫn biết phù du là một kiếp nhân sinh, nhưng chỉ trong tích tắc ngộ được thì phù du kia chúng ta sẽ kết thành tinh túy sáng ngời của tâm kim cương, tỏ lộ một con đường đi xuyên suốt cõi u mê để tới bờ giác, hết khổ, hết phiền não. Nếu bạn đang phiền não, đang đau khổ và đang nghiền ngẫm trong cuộc đời phù du kiếp nhân sinh, để đi tới những đoạn đường đau khổ, dằn vặt hoặc dẫn đưa mình vào những tư tưởng cuồng loạn, rối trí. Các bạn hãy dừng lại đôi chút, trở về với hơi thở thật tự nhiên, hít vào thở ra và nói thật đơn giản thôi trong các pháp thiền, đừng cưỡng ép, đừng áp đặt. Trong Mật Thiền chúng ta trở về với sự tự nhiên như dòng sông, dòng suối. Ta trở về với cội nguồn của thiện lành, tâm tánh, nói với Phật: “Phật ơi! Con khổ, con buồn. Phật ơi! Con bị người ta phản bội. Phật ơi! Con bị người ta phụ tình. Phật ơi! Con bị, con bị cái này, con bị cái kia”. Nói như vậy không phải là xin Phật ban ơn, mà nói như vậy là để Phật chứng minh cho tất cả những dòng cảm xúc của cuộc đời phù du trong kiếp nhân sinh. Sự chứng minh của Phật rất quan trọng. Sự chứng minh của Phật không khác gì như mặt trời hiển lộ giữa hư không để ta thấy được đường mà đi. Đôi khi tâm tình với Phật ta sợ và đôi khi có những người lại nói ta không nên làm như vậy. Các bạn có nhớ chúng ta thường vẫn tâm tình với nhau, Đức Phật là đấng yêu thương vô cùng, Ngài không khước từ nghiêm khắc, không cứng nhắc như cục đá, Ngài luôn luôn ban rải tình thương xuống cho chúng ta. Nếu như chúng ta biết tâm tình với Phật bằng tâm chân chất, thiện lành, có sao nói vậy người ơi, đừng thêm đừng bớt ba hoa để làm gì. Cứ tâm tình với Phật chân thật, hít thở nhẹ nhàng để đón nhận năng lượng tình thương, để đón nhận ánh sáng trí tuệ của Ngài, để nương vào sự đánh thức của Ngài ta được tỉnh giác và thế phù du kia dù một kiếp nhân sinh, hoa tươi vẫn nở chiều tàn vẫn qua. Không có gì mà phải lo lắng, lăn tăn, không có gì hết. Với tâm tỉnh giác ta có được tánh biết, hoa nở ta biết nở, hoa tàn ta biết tàn, sớm ta biết sớm, chiều ta biết chiều, xuân về ta biết xuân về, đông qua ta biết đông qua. Với tánh biết như vậy và sự tác ý hành được các pháp thiện lành, bạn là dòng chảy đang về với biển khơi, bạn là dòng chảy đang trở về với tự tánh.

“Phù du một kiếp nhân sinh” nếu không suy ngẫm chúng ta trong trạng thái đau khổ, phiền não dễ rơi vào những sự suy nghĩ tiêu cực. Trong suy nghĩ tiêu cực đó ảnh hưởng đến sức khỏe, đến mạng sống, ảnh hưởng không những đến ta mà đã biết bao nhiêu con người xung quanh ta. Nhưng cũng trong kiếp phù du nhân sinh bé bỏng dễ vỡ tới đi kia, ta vẫn nghiệm ra được chân lý trong mơ là thực, trong thực là mơ. Nếu như tánh biết rõ mơ thực kia bằng chánh niệm hơi thở và thể nhập vào tự tánh tỉnh giác, thắp đuốc tuệ để đi bằng tình yêu lan tỏa, thì chẳng có gì diệu vời để thành tựu, mà chỉ còn có tình thương và nụ cười, vòng tay nhân ái mở rộng đón mời. Tất cả cũng chỉ là một kiếp người mà thôi, oanh oanh liệt liệt một thời, đến khi mà xơ cứng, xác phơi ngoài đồng, nhìn vào đống xương ấy ta thấy gì oanh oanh liệt liệt nửa đâu. Chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh của người thân,
Mới hôm qua còn nói còn cười,
Hôm nay vắng bóng nhà thì trống trơn.
Ngày đầu thì kẻ khóc người cười,
Vui vui nhộn nhộn khênh ra ngoài đường
Ngày mai mộ phần trắng trơn,
Hương khói lạnh tắt, đèn thì quạnh hiu.
Bao nhiêu con người ta đã gặp rồi, thoáng đó mà chẳng còn, có đó mà như mơ, gặp rồi mà như tưởng, không thực. Vậy trong kiếp đời này các bạn nếu chuyện gì bạn không kham nổi, không gánh gồng nổi thì buông đi, có chi mà ôm ấp thêm về làm gì. Nếu đau khổ quá thì nhẹ nhàng đi, sao cứ phải trầm mình rồi than khóc, vừa vừa sức cứ xuôi theo dòng chảy của tâm tác ý thiện lành vậy thôi, vậy thôi. Dòng chảy của cuộc đời trong kiếp nhân sinh phù du của chúng ta, đi tới đâu sẽ mang lại sự lợi lạc tới đó, thong dong tự tại, an vui vô cùng. Cũng chỉ một đời người thôi, qua rồi tới, tới rồi đi, ngày hôm qua chẳng còn mãi, tương lai sẽ chẳng có, nếu ngay hiện tại này bạn không sống. Dù vẫn biết phù du sớm nở tối tàn, ta vẫn ngộ được mà.

Bảo Thành nhớ có một câu chuyện về một đệ tử của Phật, anh ấy chẳng bao giờ nhớ lời Phật, văn hoa nói nhiều nhiều như Bảo Thành thì đúng là cuồng loạn đối với anh ấy. Người đệ tử này không thuộc kinh, chẳng suy nghĩ gì được nhiều đâu. Phật quán chiếu nhân duyên kêu anh ấy chăm sóc vườn bông, thế mà anh ta khi nhìn thấy hoa nở vào buổi sớm, hạnh phúc vô cùng vào khoe Phật, Phật nói: “Con ra ngắm nữa đi”. Chiều anh ta ra hoa đã tàn, thấy hoa nở và hoa tàn anh ta ngộ được chân lý của vô thường, của kiếp phù du nhân sinh mỏng manh, anh ta đã giác ngộ. Nhưng chúng ta đã bao nhiêu năm trời đã nhìn thấy hoa nở hoa tàn, mà có chút cảm xúc gì để nhắn nhủ cho ta đâu. Biết bao nhiêu kiếp người đã tới đã lui, gặp đó rồi mất tiêu nhưng chẳng bao giờ đánh động được tâm thức. Các bạn, chúng ta hãy cho mình một quyền lợi cao hơn tất cả những gì ta vơ vét ở trong đời, ôm ấp cho tới tận nay. Những gì bạn có, bạn suy nghĩ đi, không tồn tại. Không tồn tại không phải là các bạn không có hoặc không tồn tại không phải là cái bạn có, mà không tồn tại chính là bạn đó, thật vô thường. Bạn đã vô thường không tồn tại thì vơ vét làm chi khi chủ nhân ông chẳng phải là chủ nhân ông, chẳng tồn tại. Hãy buông những điều quá nặng nề, kham không nổi. Hãy bỏ những điều khổ đau xuống để vai của ta được nhẹ nhàng, để ta bước đi chậm rãi trong yêu thương, đôi mắt bừng sáng nơi trí tuệ và nụ cười thật tươi trong sự tỉnh giác, trao cho nhau, san sẻ cho nhau.

Các bạn thân mến! Phù du một kiếp nhân sinh, chúng ta suy đi nghĩ lại thấy lòng thật đau, bởi vì sao? Bởi vì buổi sớm môi thắm má hồng, buổi chiều nhìn thấy trên đầu bạc phơ. Nhanh lắm, vô thường là thế, nhân sinh là phù du, bạn cưỡng cầu ôm ấp để làm gì. Nếu những chuyện tuyệt vời cứ đi theo thiện lành mà tăng trưởng để tuyệt vời hơn, còn những chuyện đã qua đau khổ quá, thôi buông, kham không được thì buông, nặng quá thì buông. Đừng, đừng ôm ấp làm chi, cho thân tiều tụy, để rồi không vui. Các bạn, rất cần thẩm định lại giá trị của cuộc sống nơi chúng ta, dù vẫn biết phù du một kiếp nhân sinh vô thường sanh diệt tới lui liên hồi.

Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Xin Ngài ban rải năng lượng tình thương và chứng minh sự đứng dậy của chúng con, thắp đuốc tuệ mà đi trong tỉnh giác, để chúng con có thể gạn lọc nhìn rõ giá trị cao quý trong cuộc đời phù du vô thường của kiếp nhân sinh.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn