Search

Bài 3043. Tìm Lại Chút Xưa | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ để quán chiếu trong Chánh niệm, để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác thấy được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho nền hòa bình của thế giới và nguyện an cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và hồi siêu cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp, nương bóng từ ân đức tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật mà tái sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Đức Phật dạy cho chúng ta: “Hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Mật Thiền song tu chúng ta lấy mật ngôn Mu A Mu Sa – là quán tâm Từ Bi để nuôi dưỡng và lan tỏa tình thương tới muôn loài. Chúng ta cũng an trú ở trong mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, có nghĩa là Trí Tuệ, quán chiếu Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, để có được Chánh định. Đồng thời chúng ta cũng trở về thể nhập vào tâm Tỉnh Giác: Ma Sa Ốp Uê để cung thỉnh chư Phật trụ thế trong cuộc đời dìu dắt, dẫn đưa chúng ta đi từ mê tới giác. Mỗi một hơi thở vào ra trong Chánh niệm, Bảo Thành và các bạn khi trì mật ngôn, lắng đọng tâm tư sẽ đón nhận được thật nhiều mật điển của chư Phật. Hãy mang năng lượng đó hồi hướng tới cho tất cả mọi người ta yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Bảo Thành đang ngồi ở Chánh điện chùa Xá Lợi tiểu bang Pennsylvania. Bảo Thành sẽ ở đây một tuần. Chúng ta đồng tu với nhau thường có cơ hội thấy được Bảo Thành tu di động, không cố định, bởi hay đi chỗ này chỗ kia. Tuy ở xa chúng ta chưa gặp, nhưng nhất định trong sự di chuyển này mọi người vẫn có cơ hội gặp gỡ và hồi hướng cho nhau năng lượng của tình thương để sưởi ấm cõi lòng.

Các bạn! “Tìm Lại Chút Xưa” là chủ đề hôm nay. Văn chương quá! “Chút xưa” là kỷ niệm, là quá khứ, là chuyện đã xảy ra. Tìm trở về cái thuở xưa, thơ ấu, hay gọi là một chút xưa thôi, khi cần trong lúc khủng hoảng, buồn, hoặc cay đắng, đau đớn thì rất tốt. Bởi nếu như cái chút xưa của ta đó là những kỉ niệm đẹp, là những cái dấu ấn mà khi tìm trở về trong khi hoạn nạn, gian truân, đau khổ, thất bại, phiền não sẽ là cái chỗ dựa cho chúng ta để bồi dưỡng cái sức mạnh trở lại, tiếp tục cuộc hành trình về phía trước. Nhưng cũng có một chút xưa ai oán, đau đớn, dằn vặt, khổ, phiền não, thất bại, ta không tìm mà chúng tự tìm ta trở về, làm cho lòng của ta buồn và rồi ảnh hưởng tạo ra sự tiêu cực trong cuộc sống. Chút xưa đẹp, tâm hồn thơi thới vượt qua gian truân, khổ cực. Chút xưa tồi tệ, đau khổ sẽ làm cho chúng ta căng thẳng, mệt mỏi.

Các bạn và Bảo Thành vẫn thường chủ động tìm lại cái chút xưa, những hoài niệm, những kỷ niệm đẹp của đời người. Thuở thơ ấu hay cái thuở học ở tiểu học, trung học, hay cái thuở mà chúng ta còn ở thôn làng chơi với bạn bè, hay cái thuở nào đó đi ăn chè, ngồi quán cóc, uống cà phê hoặc ở đâu đó tụm ba tụm bẩy một nhóm bạn nghe nhạc, ngồi chơi tâm sự. Đời có bạn đời để tìm về một chút xưa của cuộc đời. Đạo có bạn đạo để tìm về một chút xưa một thuở đi vào con đường đạo. Đạo – Đời ở cõi này luôn song hành, đừng nên tách biệt. Không thể có đạo mà thiếu đi cuộc đời, không thể sống ở đời mà thiếu đi hương vị của đạo mầu. Đạo – Đời song song, phàm – thánh đồng cư, chúng ta cùng đi trên con đường của kiếp nhân sinh. Chủ động tìm chút xưa hay những cái chút xưa như gió, như mây cuồn cuộn kéo tới. Có cả hai, có khi ta chủ động để tìm về với chúng. Có khi chúng – chút xưa kỉ niệm đó, hoài niệm đó, vui, buồn, sướng, khổ đó nó tràn về. Ai cũng muốn làm chủ nhưng đôi khi cũng khó lắm. Nói thì đơn giản, dễ, nhưng nếu không thực hành công phu cho có được cái định lực, cho có được cái sức mạnh làm chủ được suy nghĩ, cảm xúc mà nhà Phật gọi là làm chủ được cái tâm thì cái chút xưa sẽ tự động trôi về, hoặc là ta cứ lần mò, ngủ vùi trên cái chút xưa, cái kỷ niệm, hoài niệm, quá khứ (Chút xưa gọi là quá khứ).

Cuộc đời của mỗi người ai trong chúng ta mà không có quá khứ. Người không có quá khứ thì không phải là người đâu, đã là người phải có quá khứ, thì quá khứ của chúng ta là quá khứ cuộc đời này, quá khứ của cuộc đời hiện tại. Phật có nói về quá khứ không? Có! Phật có tìm về quá khứ không? Chúng ta bắt đầu tư duy Phật tìm về quá khứ hay không? Và Phật có quá khứ không? Đức Phật nói đến cái quá khứ không phải chỉ ở trong kiếp này. Ngài nói đến quá khứ của kiếp trước, của vô lượng hằng hà sa các kiếp trước. Khác với chúng ta là chúng ta chủ động tìm về quá khứ hay quá khứ đó nó hồi lại cho chúng ta. Phật không tìm về quá khứ và quá khứ của Ngài cũng không trở về để làm cho Ngài khó chịu hoặc là cười tươi, lơ lửng ở giữa đời không biết gì. Mà sự quán chiếu của Ngài với cái tánh thấy biết, đối với Ngài, chẳng trong kiếp này mà hằng hà sa có nghĩa là vô lượng kiếp, nhiều kiếp nhiều kiếp lắm, Ngài biết và thấy rõ. Cái biết và thấy rõ cái quá khứ, cái biết và thấy rõ hằng hà sa những cái chút xưa nó khác biệt với chúng ta tìm về để an ủi bản thân, hoặc chúng tìm về để làm cho chúng ta vui, hoặc tìm về để đau khổ, hoặc chúng tìm về với ta để ta khổ đau. Khác! Ngài là bậc giác ngộ, Ngài làm chủ được cái tâm và Ngài đã đạt tới cái tánh thấy biết viên thông. Do vậy mà quá khứ hằng hà sa Ngài đều thấy và biết rõ mồn một chính xác không sai. Đây là điều đặc biệt tạm gọi là “Thần Thông”. Cứ gọi như vậy đi. Còn những danh từ Phật pháp có nhiều cách để gọi.

Ta không nói tới vấn đề đó mà chỉ nói rằng cái tánh biết rất quan trọng trong đời sống của người tu. Cái tánh thấy rất quan trọng trong đời sống của người tu, người học Phật tại gia cũng như xuất gia. Tại sao quan trọng? Vì kiếp người này ta thường bị cái chút xưa, cái quá khứ nó làm chủ cuộc sống và đang ngồi trên ghế của nhà vua ta bị đầy xuống làm tôi tớ cho quá khứ và trở thành những con ma chập chờn để nương vào bóng quá khứ để khóc, để nương vào bóng quá khứ để cười, để nương vào bóng quá khứ để sống. Đây chính là bởi vì ta chưa nhìn thấy, chưa thấu rõ. Đức Phật nhìn thấu và thấy nên Ngài không tìm về, mà quá khứ nó mở toang ra, như cánh cửa được mở toang cho ta bước ra khung trời cao rộng. Và quá khứ kia, cánh cửa khép lại của vô lượng kiếp trước sẽ mở toang ra khi chúng ta đi vào con đường tu với phẩm hạnh của sự lắng nghe để thấy biết rõ ràng.

Có thật nhiều vị tu chưa đạt được cái mức thấy và biết như Phật nhưng vẫn thường luẩn quẩn trong cái đống rác rưởi tiêu cực của quá khứ, luôn luôn tuyên bố họ thấy được kiếp này, kiếp kia, thấy được mờ mờ kiếp trước, thấy được mờ mờ kiếp trước nữa, thấy được chút chút hai, ba kiếp, bốn, năm kiếp, sáu, bảy kiếp. Họ thấy riết rồi ai nghe họ kể cũng thấy khiếp luôn, sợ. Bởi cái thấy của họ là cái thấy của sự chứng tỏ, của sự muốn thể hiện ta đây, bắt chước theo Phật làm cho mọi người chết khiếp, sợ hãi bởi vì cứ điên điên khùng khùng, tỉ tê kiếp này kiếp kia, nói chuyện hoang tưởng cảnh giới này cảnh giới kia. Họ chưa thông, họ chưa thấy, họ chưa biết, họ chỉ thích thể hiện mà thôi, nên làm cho bà con cô bác, người thân trong gia đình, làm cho những người quen khi họ nói họ biết thì phát khiếp sợ hãi mà tránh xa.

Tìm Về Chút Hương Xưa”, được lắm! Nhưng người đi tu, người Phật tử tại gia, chúng ta phải thấu được tìm lại chút hương xưa, tìm lại chút xưa, tìm về chút xưa, hay lần mò về quá khứ phải có cái mục đích dựa trên cái nền tảng hiểu biết được nhân quả. Ta không bới tìm quá khứ của ngày tháng đã qua để tìm lại chút xưa, để mà vui vui, mơ mơ, mộng mộng. Nhưng người tu thực sự bao nhiêu cái xưa xưa phải rõ ngay trong nhân quả. Đừng cầu mong, đừng ước nguyện như Phật. Ta sẽ đạt được như Phật thôi, bởi Phật không độc quyền cái ngôi Phật đâu. Phật là giác ngộ, Phật có nghĩa là biết, là thấy, là thấu nhân quả. Phật dạy cho chúng ta để biết thấy và thấu nhân quả và thấy được hằng hà sa vô lượng kiếp qua cái sự tu chứng. Nhưng nay vẫn là Phật tử, mọi sự xảy ra ở trong đời ta phải nhận ra cái “chút xưa” đó nó là nhân để tạo ra cái hiện tượng xảy ra ngày hôm nay theo đúng như nhân quả.

Những chuyện xảy ra trong cuộc đời luôn liên quan đến cái chút xưa, cái quá khứ. Không những quá khứ của kiếp này mà quá khứ của nhiều kiếp trước. Đó gọi là “nhân” tạo thành “quả” hôm nay. Bỗng nhiên hôm nay mới thức dậy, ông chồng xối xả chửi vô mặt. Chính lúc này nếu ta có tánh biết thấy trong cái Chánh niệm hơi thở, ta sẽ nhìn thấu được như Phật: À chồng nói như vậy, chồng chửi như vậy là do cái nhân của quá khứ ta đã tạo ra. Và tâm ta liền quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở, nhẹ nhàng lắm. Và sẽ biến mình trở thành một cái nơi để chồng xả rác, còn mình vận hành cái Chánh niệm hơi thở năng lượng Từ Bi để tái tạo rác rưởi, năng lượng của chồng thành tích cực và tái sử dụng lại trong ngày. Hiểu được cái chút xưa đấy, cái quá khứ đấy, chính là cái mục đích người Phật tử tại gia cần phải học để không bị sân giận trỗi dậy, để không bị phiền não nó chiếm cứ, mà để cho chúng ta chuyển hóa ngay sống an vui và hạnh phúc.

Ngược lại, người chồng cũng như thế và sự tương tác hằng ngày trong cuộc sống, chẳng phải người ta chửi, mà chúng ta đương đầu với nhiều thứ khác biệt: sự thành công, sự thất bại, sự vui, sự buồn, sướng, khổ, khen chê.. muôn sự. Muôn sự ở đời xảy ra đều là từ cái chút xưa gọi là quá khứ hay rõ hơn đều là nhân quá khứ ta tạo, mà hiện tượng xảy ra thuận hoặc nghịch, vui hoặc buồn, khen hoặc chê, thành hoặc bại, sướng hoặc khổ, rõ như vậy. Rõ như vậy một cách mồn một thì ta đã thực sự là Phật tử. Vui lắm, chẳng khổ đâu! Đây là cái chút xưa ta cần phải tìm về để đánh giá mọi hiện tượng xảy ra đều từ cái chút xưa, cái quá khứ của kiếp này và kiếp trước để ta không vội vàng nhập nhằng nhảy vào đánh hội đồng hoặc là phản ứng quá mạnh, tạo cái cơ hội và điều kiện cho cái tâm tánh sân giận, khó chịu, si mê, khờ dại của chúng ta nhảy múa tạo thêm nghiệp.

Các bạn thân mến! “Tìm Lại Chút Xưa” nghe thì văn chương nhưng nhìn thấu nhân quả là Phật. “Tìm Lại Chút Xưa” là con người nhưng thấu được nhân quả, hiểu được quá khứ xưa, xưa mà xưa như cây sứa ta vẫn hiểu thấu. Nhớ! Chúng ta người học Phật, phải thấu được nhân quả. Trong Chánh niệm hơi thở của Mật Thiền song tu, ta hít vào và thở ra, ta nương vào cái sự quán chiếu của tâm Từ Bi:

Mu A Mu Sa.

Ta nương vào sự quán chiếu của tâm Trí Tuệ, thấy được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã:

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ta nương vào và thể nhập trong cái tâm Tỉnh Giác:

Ma Sa Ốp Uê.

Với cái mục đích là tăng trưởng sự tự chủ, sự tự lực để làm chủ cái tâm quán chiếu thấu rõ được nhân quả. Người học Phật, nhân quả là điều tối quan trọng. Hiểu được nhân quả, tin vào nhân quả và hành mọi hành động trong cuộc sống từ suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta dựa trên nền tảng hiểu biết, hiểu thấu nhân quả đã được gọi là giải thoát, đã được gọi là chứng và ngộ, đã được gọi là làm chủ cái tâm.

Và chủ đề: “Tìm Lại Chút Xưa” chính là chúng ta chẳng tìm, chỉ Chánh niệm mà thôi sẽ thông được quá khứ và vị lai như Phật. Mà cái quá khứ quan trọng và vị lai quan trọng của đời Phật tử tại gia chính là hiểu thấu được mọi hiện tượng xảy ra đối với chúng ta và người dựa trên nền tảng nhân quả của quá khứ làm mầm cho cái sự xảy ra nơi hiện tại để ta tu, ta dưỡng, ta chuyển hóa, để ta bớt phiền, bớt khổ, để ta thêm hạnh phúc, thêm an lạc. Đó là mục đích rất cần trong đời người. Bạn có ông bà, bạn có cha mẹ, nội ngoại hai bên. Bạn có vợ chồng, con cái, gia đình. Bạn có xã hội, có cộng đoàn, có bạn bè, đông lắm… Chẳng cô đơn một mình thì sự tương tác vẫn luôn luôn xảy ra. Và trong sự tương tác đó có những sự tương tác đưa tới cái niềm vui, cũng có sự tương tác đưa tới cái sự xô xát. Hiểu được nhân quả, ứng dụng vào trong cuộc đời, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, Chánh niệm hơi thở sẽ làm cho các bạn thăng hoa đời sống. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn vẫn luôn trầm tĩnh, an nhiên tự tại.

Chúng ta người Phật tử tại gia, các bạn tìm lại chút xưa như một quá khứ của một thời, để đau khổ, để phiền não, để vui, để hạnh phúc. Có phải đó là mục đích hay không? Hay chúng ta học theo Phật để thấu rõ, để thấy rõ quá khứ của chính mình. Không tìm chúng nhưng thấy được chúng, hiểu được chúng, thấu được chúng. Quá khứ là một phần tối quan trọng trong đời người, nhìn lại quá khứ hay tìm về quá khứ để sửa chữa, để tu sửa. Ví dụ như môn lịch sử là ta học về quá khứ để ngăn ngừa sự tàn khốc của quá khứ đã xảy ra, làm hại tới sinh linh và con người. Hoặc là nhìn lại quá khứ để phát triển hơn để phục vụ cho nhu cầu đời sống. Chúng ta cũng như vậy. Thấu rõ được nhân quả, có cơ hội thẩm thấu được mọi hiện tượng của quá khứ dựa trên nền tảng của nhân quả, nhìn thấy được tiền kiếp một cách chính xác để làm gì? Để chúng ta sửa. Nếu đó là quá khứ tệ hại, đau khổ, ta sửa để không bị nữa. Ta tu sửa và sám hối để không tái lại những cái chuyện như vậy. Còn nếu ta nhìn thấy quá khứ là những cái nhân tốt làm mầm cho hiện tại được thăng hoa, ta sẽ tiếp tục hỗ trợ những cái nhân đó phát triển và tạo ra thật nhiều những cái nhân tốt hơn cho cái quả mai sau của tương lai trở thành thiện lành hơn.

Đừng nên chủ động tìm lại chút xưa, đừng nên chủ động tìm về quá khứ, đừng nên chủ động tu để thấy được tiền kiếp. Cái đó làm cho người ta khiếp sợ. Tu mà thấy tiền kiếp tìm về với tiền kiếp, tu mà bới moi tiền kiếp, quá khứ, làm cho người ta chết khiếp. Không nên, không nên! Ngừng đi. Bạn cứ mang quá khứ ra mà diễn tả mọi người sẽ chết khiếp. Bạn cứ nói dông dài về cả một cái thuở vàng son hay đau khổ, ai oán của bạn, của ai đó sẽ làm cho người ta chết khiếp. Bảo Thành và các bạn có cái tật cứ moi móc quá khứ của mình, cái đẹp đẹp đó để phô trương. Người ta khiếp đó các bạn! Người ta nói mình là gì bạn biết không? Là khùng, là điên, là tưng tửng, là người nói nhiều, khoe quá khứ vàng son. Còn nếu như Bảo Thành và các bạn cứ moi móc quá khứ của người để chà đạp lên nhân phẩm của người khác, để bêu rếu, để bôi xấu, ngầm để nâng mình lên. Cái mà bới moi quá khứ đó xấu lắm không hay. Người ta cũng sẽ chết khiếp, người ta cũng không dám gần các bạn đâu. Bởi khi gần các bạn, người ta sợ rằng các bạn lại tìm cách moi quá khứ của họ ra để bêu rếu ngoài chợ, ngoài chợ Facebook, ngoài chợ Zalo, ngoài chợ của mạng. Sợ lắm! Và bạn sẽ bị cô đơn đó, chẳng ai chơi với bạn, ai ai cũng chết khiếp. Phật tử tại gia hay xuất gia, những bậc cao không nên cứ lần mò tu để tìm về quá khứ của ai, tìm về tiền kiếp của mình hay của người. Mà hãy cố gắng an trú trong Chánh niệm hơi thở, quán chiếu bằng tâm Từ Bi, yêu thương, đối xử bình đẳng bằng tâm Trí Tuệ, nhìn thấu được cái nhân quả Thiện – Ác, hiểu ra cái lẽ Vô Thường – Khổ – Vô Ngã. Và luôn luôn thể nhập vào tâm Tỉnh Giác để luôn luôn tỉnh thức trong từng sát na của cuộc đời, nhìn rõ mọi hiện tượng xảy ra đều từ những cái nhân mà ta đã tạo mầm cho chúng tới ngày hôm nay.

Như vậy chẳng tìm lại chút xưa mà thấy mà biết mà thông những cái xưa, xưa, xưa thật là xưa. Xưa như hồi xửa hồi xưa ta đều thông. Quá khứ của ta, quá khứ của tiền kiếp, quá khứ của nhiều kiếp ta – người ta đều thông, đều thấy, hiểu theo nhân quả chứ không ngồi bới, móc, đào, khoét. Cái tánh thấy biết trong Trí Tuệ, Từ Bi, trong cái Trí Tuệ của sự Tỉnh giác là cái thấy biết viên dung mà Phật tử tại gia cũng như các bậc xuất gia cần phải huân tu để đi vào. Bởi đó là con đường trải thảm và có hoa sen nở rộ để dẫn đưa ta. Còn những con đường mà cố tìm về quá khứ, tìm lại chút xưa, bới moi đủ thứ là con đường tự đào hầm để chôn mình, con đường tự xả rác để sống trong vùng sình lầy, hôi thối.

Sống ở trên đời, những trường hợp đó nhiều người trong chúng ta, các bạn và Bảo Thành đã gặp đã gặp thật nhiều. Chúng ta đã gặp nhiều người cứ bới moi quá khứ thôi. Họ đi tới đâu mục đích là để tìm những quá khứ xấu, quá khứ sai, quá khứ lầm lỗi của người này, người kia, tập thể này, tập thể kia. Thậm chí họ còn tới chùa này, chùa kia, thầy này, thầy kia, cô này, cô kia, thế này, thế kia, người này người kia, để tìm moi quá khứ của một thời chẳng mấy tốt đẹp. Họ hoà trộn vào những màu sắc của ngôn ngữ, nơi cái cặp môi mỏng dẻo quẹo, múa may lung tung, tạo ra sự chướng ngại cho những tập thể, cho những chùa chiền, cho những Phật tử. Rồi họ lại thỏa mãn những cái cách như vậy, họ thấy làm vui. Cách đó sẽ tạo ra thật nhiều nghiệp chướng, tổn phước, tổn công đức. Và người đó sẽ chẳng bao giờ sống cuộc đời vui. Bởi như Bảo Thành đã nói: “Mọi người sẽ chết khiếp người đó mà tránh xa”.

Hôm nay chủ đề “Tìm Lại Chút Xưa” là để cho chúng ta nhớ: Đã là con người, quá khứ của một thời ai cũng có, quá khứ của một đời ai cũng có, quá khứ của nhiều kiếp, nhiều đời ai cũng có. Trong cái quá khứ của mỗi người chúng ta đều có những cái điểm xấu và đều có những cái hố phân hôi thối, đều có những cái niềm vui và đều có những cái sự khắc khoải, đau thương, tang tóc. Dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào, đừng để cho chúng ta có cái thói quen lăn xả vào quá khứ để quên mất sự hiện tại. Sống với quá khứ để rồi không sống với hiện tại. Đừng bới moi quá khứ để làm gì. Vẫn biết Bảo Thành và các bạn vẫn chủ động tìm về những cái quá khứ, những cái hoài niệm, những cái kỷ niệm, những cái chút xưa thơ mộng, thanh thản nhẹ nhàng để cho nhẹ lòng, cho những đoạn trường ai ta đang đương đầu. Nhưng đã là Phật tử, hãy cố gắng dừng lại ở đó. Nó không cần thiết, đừng lặp đi lặp lại quá khứ của mình hay quá khứ của người, mà hãy luôn luôn an trú trong Chánh niệm tánh biết tại đây chỗ này. Nương vào sự quán chiếu của tâm yêu thương, Từ Bi, nương vào sự quán chiếu của tâm Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác, các bạn và Bảo Thành sẽ có được tánh biết thấy như Phật, để không tìm mà thấu rõ được nhân quả tiền kiếp, để không bới mà mọi miền quá khứ đều hiện ra thật rõ. Để chúng ta nhận diện được mọi chuyện xảy ra đều do nguyên nhân của chính mình tạo ra, để không đổ thừa, để không vội vàng phản kháng, phản ứng, để không hợp tác với cái tâm tham, sân, si, làm cho cuộc đời điên đảo đau khổ. Hãy cố gắng chuyện gì rồi cũng sẽ qua, mà chuyện gì đã qua đừng tìm trở lại. Hãy sống trong hiện tại Chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác. Đây là con đường rất cần thiết và rất tốt đẹp cho chúng ta.

Các bạn! Hãy trở về hơi thở thể nhập vào tâm Tỉnh Giác đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật, thắp sáng Trí Tuệ thấu rõ nhân quả để thông, biết và thấy được tất cả những gì đang đã và sẽ xảy ra trong cuộc đời nơi mỗi chúng ta.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn