Search

Bài 3039. Biết Ơn Đời | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chua Xa Loi.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Chúng con nguyện xin Ngài và mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác trong quán chiếu của chánh niệm hơi thở, nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho những hương linh luôn luôn theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh. Đồng nguyện cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trong chánh niệm hơi thở chúng ta sẽ trì ba Mật ngôn, Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn thứ hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, quán vô thường, khổ và vô ngã. Mật ngôn số ba Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với chánh niệm hơi thở và đồng trì ba mật ngôn này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề các bạn gửi về hôm nay là “Biết Ơn Đời”. Trước khi chia sẻ Bảo Thành muốn chúc mừng tất cả các bạn đồng tu. Các bạn, cuộc đời không biết chúng ta sẽ đi về đâu, ngắn dài chẳng có ai hay, khi sinh ra ta chẳng biết khi nào ta sinh, khi chết cũng chẳng ai biết, ở giữa khoảng sinh ra và chết đi chúng ta bị giày vò bởi bệnh tật và già nua. Lành thay chúng ta vẫn còn một chút phước báu để đồng tu, trong sự tu đi đến giải thoát không có nhân duyên không tu được với nhau. Chính như Đức Thế Tôn Ngài còn nói Ngài không thể độ được những ai không có duyên với Ngài, huống hồ chi khi chúng ta tu các bạn và Bảo Thành có nhân duyên nhiều lắm mới khởi tâm hoan hỉ, tinh tấn để đồng tu qua hai năm vừa rồi. Sự hứa và nguyện của chúng ta là đồng tu bảy năm trời, mỗi năm tu một mật ngôn, một sự quán chiếu về tâm. Trong mật thiền pháp phương tiện Thất Bảo Huyền Môn có bảy mật ngôn, có ý nghĩa quán bảy tâm của chúng ta. Ta đang thiền quán ba mật ngôn, mỗi một năm một mật ngôn, ta quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa, ta quán chiếu tâm trí tuệ vô thường, khổ, vô ngã NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta quán chiếu tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê. Ta sẽ quán chiếu tâm Phật Sa Bi Mô U và ta sẽ quán chiếu tâm phiền não Sa U Sa U Ba The Um, ta sẽ quán chiếu tâm sợ hãi NamMô Sa Ka Pout Te, NamMô Sa Ka Pout Te và ta sẽ quán chiếu tâm bao dung tha thứ E The E The Sa Ma Tha. Đây là bảy pháp quán chiếu về tâm, quán tâm để cho chúng ta đón nhận được tha lực mật điển, thắp sáng tự lực trí tuệ, nhìn rõ nhìn thấu, buông và chuyển hóa mọi ác nghiệp, thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Thật là may mắn, thật là có phước để đồng tu cùng với các bạn, Bảo Thành rất hạnh phúc, chỉ một thoáng qua trong bảy biến của ba mật âm Bảo Thành trong lòng thấy thơi thới, hạnh phúc nhẹ nhàng. Mỗi một sớm mai đồng tu với các bạn ở bên Mỹ thời gian trái ngược với Việt Nam là buổi tối, dù là sớm hay tối thì trong sớm tối của một ngày các bạn và Bảo Thành đều thơi thới ở trong lòng qua từng giây phút biết trở về với tự tánh, biết buông tất cả nhẹ nhàng trong một tiếng đồng hồ chánh niệm hơi thở, chia sẻ đôi chút về những chủ đề mà các bạn gửi về. Một cách đồng tu thật nhẹ vừa chuyên tu của mật thiền, trì chú và chánh niệm, vừa lắng nghe chia sẻ, có sự buông thư và chúng ta dần đi vào sự tỉnh giác, sống an vui hạnh phúc.

Chủ đề hôm nay “Biết Ơn Đời”. Câu hỏi có phải Đức Phật khi giác ngộ Ngài lìa bỏ cuộc đời, từ bỏ tất cả, đoạn liền mọi ái dục, đoạn diệt mọi cảm xúc, để rồi Ngài trở thành vô cảm với tất cả hay sao? Các bạn suy nghĩ trả lời thử, Đức Phật có phải là một con người vô cảm khi giác ngộ hay không? Trong kinh nói thật rõ khi Đức Phật giác ngộ tại cội bồ đề, Ngài đã đứng dậy và đứng ở xa nhìn cây bồ đề trong suốt bảy ngày, cái nhìn đó là nhìn gì đây? Cái nhìn đó là nhìn với tấm lòng biết ơn và tri ân cội bồ đề trong 49 ngày tu quán chiếu đi đến bậc giác ngộ, cây bồ đề kia đã che mưa, đã che nắng, cây bồ đề kia đã để cho Phật ngồi ở dưới gốc để mà thiền tọa quán chiếu, Ngài biết ơn cây bồ đề. Nhìn cho sâu sắc đây chính là bài pháp đầu tiên Đức Phật dạy cho chúng sanh, bài pháp đó là bài pháp biết ơn đời, bài pháp có ý nghĩa lắm bởi những ai biết ơn đời đều là những người có lòng từ bi vô thượng, đều là những người có tâm từ bi, tâm Mu A Mu Sa. Từ đây mà Đức Phật luôn luôn biết ơn tất cả, biết ơn mặt đất này để cho Ngài có thể in dấu chân hành trình khắp nơi, mang ánh đạo vàng, mang ánh đạo vàng truyền trao cho muôn người. Ngài không bao giờ vội vàng như vó ngựa trong những cuộc binh chiến để chinh phạt đông tây nam bắc mở rộng bờ cõi của tôn giáo, của giáo lý Ngài giác ngộ. Ngài luôn luôn đi đôi chân trần chạm vào mặt đất như là ôm ấp mặt đất vào lòng để tri ân mặt đất này, từng bước chân chánh niệm của Ngài sưởi ấm hành tinh này, sưởi ấm những chúng sanh cô quạnh trong phiền não, trong đau khổ bởi những ác nghiệp đã tạo. Trái đất này đã ôm bàn chân của Ngài và bàn chân của Ngài cũng ôm ngược lại để in dấu lòng tri ân, biết ơn trái đất, đi tới đâu Ngài cũng biết ơn tất cả từ rừng, từ núi, từ tất cả mọi chúng sanh, mọi con người dù ở cõi đời này hay ở những cảnh giới khác. Từ đó mà Ngài mới tuyên cáo một tuyên ngôn vĩ đại chưa bao giờ được nghe đó là Ngài có tâm bình đẳng với mọi loài chúng sanh, mọi loài ở đây là cả loài động vật, thực vật, cỏ cây, đá đất. Để rồi trong suốt cuộc đời của Ngài chỉ có tình thương ban rải tới muôn nơi như một lòng tri ân tất cả của vô lượng kiếp đã luôn luôn che chở, nâng đỡ, trên suốt chiều dài xuyên từ kiếp này tới kiếp kia cho tới khi thành đạo giác ngộ. Từ những thuở đầu ở cội bồ đề cho tới khi nằm nghỉ để ra đi giữa hai cây Long Thọ, hơi thở cuối thở ra là cả một cuộc hành trình để biết ơn đời. Biết ơn mẹ nên Ngài luôn luôn mang giáo lý để gửi tới mẹ, biết ơn cha nên Ngài đã về cung để thăm cha và trao chân lý tới cho nhà vua, vua Tịnh Phạn và các công tử, hoàng tử, cung tần mỹ nữ, dì của mình, con của mình, dòng tộc của mình. Từ đó mà dòng họ thức biết bao nhiêu thái tử, cung tần mỹ nữ, dì của mình và con của mình cũng như vợ của mình thấm nhuần chân lý đó mà đi theo con đường giải thoát. Rồi chúng ta thấy Phật đi tới đâu cũng luôn luôn biết ơn tất cả mọi người, biết ơn luôn cả những người vu khống, độn bụng nói Ngài hãm hiếp để có con, tại sao biết ơn? Vì sự vu khống này là một bài pháp nhân cơ hội đó mà Ngài dạy cho chúng sanh để nhìn rõ tâm của mình nó khởi dậy cái gì khi bị người khác vu khống hàm oan. Ngài biết ơn luôn cả những ai giết người chôn xác chết để hại Ngài bởi lúc đó đã dạy cho chúng sanh sự quán chiếu lòng từ bi thương yêu, chẳng bao giờ sát sanh. Ngài biết ơn những ai từng chửi Ngài, từng hại Ngài như Đề Bà Đạt Đa, vua  A Xà Thế, vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, các quan triều, các vị thầy hoặc những vị đứng đầu các tôn giáo khác, các đệ tử, các chúng sanh, các con người, Ngài tri ân tất cả, Ngài biết ơn.

Đức Phật là đấng dù đã giác ngộ nhưng luôn luôn khiêm tốn biết ơn, chẳng vô cảm đâu các bạn. Người ta đã hiểu lầm đạo Phật là từ bỏ tất cả ngay cả những cảm xúc bởi vì có câu đoạn diệt ái dục, ái và người ta nghĩ đạo Phật khi từ bỏ ái, cắt ái, ly trần cắt ái là người chẳng còn tham luyến cõi trần, chẳng còn tình thương. Nhưng không, đạo Phật là đạo tình thương, Thế Tôn đã chứng minh điều đó, cắt ái, ly trần chẳng phải ý nghĩa như họ nghĩ mà cắt ái tức là cắt lìa những sự đắm chìm, tham chấp, ly trần là từ bỏ những sự cám dỗ làm ô uế chân tâm của mình. Đạo Phật là đạo tình thương rộng lớn, không chỉ thương cha, thương mẹ, thương người thân, người yêu, chồng vợ con cái, không chỉ yêu có loài người mà thôi mà đạo Phật là đạo tình thương Đức Phật đã dạy, vì sao? Vì chúng ta sinh ra ở đời luôn luôn thọ nhận những ân nghĩa của muôn loài, từ cỏ cây, đất nước, rừng núi, sông suối, bầu trời, không khí, con người, súc vật,.. đủ hết. Đó là ý nghĩa rất cao và Phật đã mang lòng biết ơn đó bằng sự bình đẳng, đối xử rất bình đẳng trân quý, trân trọng tất cả từng miếng cơm khi được thọ nhận của đàn na tín thí, Phật tử nam nữ Phật đều trân quý. Biết ơn những bác nông phu cày sâu cuốc bẫm, dầm sương dãi nắng để có hạt gạo. Biết ơn người đã nấu cơm, biết ơn lúa gạo như ngọc thực. Biết ơn tất cả để trân quý đón nhận sự cúng dường đó và mang tâm từ bi, thể tánh giác ngộ, trí tuệ viên mãn trao tặng cúng dường lại cho hàng thí chủ đã cúng cơm cho Ngài. Ngài không vô ơn chỉ nhận ăn rồi quên, mà trong từng miếng ăn miếng uống Ngài trân quý hồi hướng công đức, Ngài đã dạy cho hàng đệ tử của Ngài mỗi khi ăn phải quán chiếu để tri ân để biết, điều này thật rõ Ngài luôn luôn dạy. Trong kinh A Hàm Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta những ai biết ơn người đó luôn luôn được gần gũi với Phật, người đó ngay cả những việc nhỏ họ còn biết tri ân, biết ơn huống hồ chi là những chuyện lớn họ thọ nhận sẽ không bao giờ quên, họ được Phật tán thán,  ca ngợi, họ được gần gũi với Phật.

Các bạn, mỗi khi chúng ta học hạnh Đức Phật dạy biết ơn, biết ơn đời, chúng ta được Phật ca ngợi, chúng ta được Phật gần gũi với chúng ta. Đây là lời kinh, lời Phật nói thật rõ, ai có lòng biết ơn được Phật tới ghé thăm gần gũi, đồng hành, kết bạn. Vậy thì đi trên một con đường dài như sa mạc của cuộc đời nếu gặp một bóng cây mát của những con người nâng đỡ ta trong những lần vấp ngã, đau đớn và khổ đau, ta biết ơn là ta được Phật tới ngay, Ngài đưa vòng tay nhân ái ôm ấp ta, Ngài đưa bàn tay từ bi dắt dìu ta. Tìm Phật ở đâu? Chẳng phải trong kinh điển sâu xa, trong tàng kinh cát, trong tiếng kinh, tiếng kệ, tiếng chú, tiếng chuông, tiếng mõ, trong khóa tu, trong pháp hộ, trong những tông phái cao siêu, nhiệm màu. Chẳng cần tìm Phật, chỉ cần có lòng biết ơn, biết ơn, biết ơn Phật, biết ơn Thầy Tổ, biết ơn cha mẹ, biết ơn tổ quốc,.. Tóm lại cho rõ là biết ơn đời thì Phật sẽ tự động hoan hỉ vô cùng tán thán lòng biết ơn của ta và Ngài sẽ tới với ta. Nếu bạn đã tu quá lâu mà chẳng gần được Phật, chẳng gặp được Phật mà Phật không tới cuộc đời của các bạn, có lẽ bạn đã quên lòng biết ơn tới mọi chúng sanh, tới cha mẹ ông bà, tới thầy cô, các bậc trưởng thượng, các vị Thầy Tổ, tới Phật, tới Pháp, tới Tăng. Hãy nhìn lại đi để rồi chúng ta hãy cố gắng thực hiện hạnh biết ơn thì Phật liền liền tới với chúng ta. Phật không tới với chúng ta như là một vị thần, hào quang vùn vụt vùn vụt ở trên đầu, hạ xuống từ áng mây cao, bay bay như Tề Thiên độn thổ ở dưới lên hoặc ở đông tây nam bắc cõi trời hạ phàm, nhìn như một vị oai hùng thần lực vô song để chúng ta quỳ mọp xuống van xin. Nếu các bạn ngưỡng cầu điều đó, các bạn đang ảo tưởng trong những huyền thoại, huyễn ảo không đúng, nếu bạn biết ơn bạn sẽ được gặp Phật, Phật đã tới. Phật tới bằng tình thương, bằng sự hoan hỉ khởi lên ở trong lòng, bằng năng lượng tình thương khởi lên tràn đầy trong tâm, trong lời nói, trong ánh mắt, trong tư tưởng suy nghĩ, trong mọi hành động của bạn. Phật tới mang tình thương đó liên kết chúng ta với mọi người trong sự hòa ái kính trọng. Phật tới để ta biết yêu người, biết yêu đời, Phật tới là qua cái sự mà ta biết làm từ thiện, san sẻ tình yêu thương đối với những mảnh đời bất hạnh, vất vưởng, khổ đau, bệnh tật, neo đơn, nghèo khổ, bỏ rơi. Phật tới Phật đã khai tâm từ của các bạn, tâm bi của các bạn để bạn biết phóng sanh, biết từ thiện, biết bố thí, biết sám hối và Phật tới để cho bạn nhận rõ hơn trong chánh niệm hơi thở của từng giây từng phút bạn thể nhập vào được năng lượng tình thương từ bi Mu A Mu Sa. Phật tới qua phương tiện trong chánh niệm để trí tuệ của bạn bừng khai, nhận rõ vạn pháp, mọi hiện tượng trong cuộc đời là vô thường, là sanh diệt lui tới từng giây phút. Phật tới là để cho bạn có thể nhận ra, bám víu vào những điều hiện tượng vật chất, vật lý, sinh lý, tâm thần để vô thường đó sẽ tạo ra khổ. Phật tới là để cho bạn thấy vô ngã, tôi chẳng phải là tôi, thân này chẳng phải là tôi và tôi chẳng phải thuộc về thân này, tất cả những điều đó là cao quý nhất, là hình ảnh của Đức Thế Tôn, là năng lượng từ ái mà Ngài từ bao nhiêu năm trời cho đến tới thế kỷ này vẫn bước trên mặt đất của tấm thân ác nghiệp nhiều đời của chúng ta, để in dấu từ bi, thắp sáng đuốc tuệ, đánh thức chúng ta và cùng với chúng ta bước từng nhịp đi qua chiếc cầu u mê của cuộc đời, đón ánh bình minh rạng sáng để hạnh phúc và đẩy lùi mọi đau khổ, phiền não.

Chúng ta phải luôn luôn có lòng biết ơn, biết ơn ông bà của mình đã thay mặt cha mẹ chăm sóc cho chúng ta từ thuở thơ ấu. Biết ơn cha mẹ đã cưu mang dạy dỗ 9 tháng 10 ngày, chăm sóc 3 năm bú mớm, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, cho thân xác lành lặn, cho trí tuệ đầy đủ và cho cơ hội có kiến thức ở đời. Biết ơn các bà mụ, các bác sĩ, các y tá đã đỡ đần ta khi lọt lòng mẹ. Biết ơn quý thầy cô đã dạy dỗ, đã giáo dưỡng cho chúng ta từng từ đơn ghép thành từng câu, từng chữ, dạy ta từng vần thơ, từng câu văn, từng tiếng ầu ơ trưa hè mẹ ru. Chúng ta phải biết ơn tất cả, biết ơn bóng cây ta ngồi xuống giữa trưa hè. Biết ơn dòng nước đã cho ta khi khát. Biết ơn mọi người đã chào hỏi thăm viếng. Biết ơn tất cả những ai có nghĩa cử cao đẹp đã trao cho chúng ta. Biết ơn mặt đất này, hành tinh này, biết ơn lửa sưởi ấm cõi lòng lạnh lẽo, biết ơn nước khi ta khát, biết ơn không khí để ta có thể thở mà tồn tại, biết ơn tất cả. Sự biết ơn như vậy sẽ đưa bạn tới gần Phật và là lòng tri ân cao quý, pháp tu cao cả để Phật tới với cuộc đời. Là con cái chúng ta phải biết ơn cha mẹ dù là cha mẹ ruột hay cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, thì những đấng sinh thành ấy luôn luôn thương yêu và ứng dụng nhiều phương tiện để tỏ lòng thương đó, nâng đỡ chúng ta. Đừng vì khi khó khăn, đừng vì khi thiếu thốn, đừng vì khi gặp thử thách ta quên ơn các đấng sinh thành, từ ân phụ mẫu để rồi chúng ta nói những lời thật nặng, chì chiết chửi bới, la mắng, có những hành động đau lòng.

Các bạn, mỗi khi như vậy là các bạn đã xua đuổi Đức Phật đi thật xa, chẳng gần Phật được đâu và Phật không thể tới với các bạn được. Dù các bạn là Phật tử, dù các bạn tu pháp nào đi nữa, bạn không có lòng biết ơn Phật không ở gần vì kinh Phật dạy rằng những ai không biết ơn, ơn lớn họ còn không nhớ, ơn nhỏ làm gì họ còn biết trả, thì dù họ ở gần Phật, họ mặc áo cà sa, là bậc xuất gia cũng chẳng thể gần Phật được. Gần Phật đó mà chẳng thấy Phật, gần đạo tràng, gần chùa, gần các bậc tôn túc, mặc áo nhà tu, đọc kinh sớm tối, giữ giới liên miên mà không có lòng biết ơn, Phật không ở đó, tu cái gì? Chỉ cần Phật thật gần, chỉ cần Phật tới đó đã gọi là tu và trong khi gần gũi Phật tại sao gọi là tu, bởi chúng ta thấm nhuần từ bi, năng lượng tình thương của Phật, bởi chúng ta được thắp sáng trí tuệ, miền giác ngộ của Phật đặt để chúng ta bước vào con đường giải thoát trong sự tỉnh giác. Cuối cùng ý nghĩa biết ơn cao siêu nhất chính là mỗi người chúng ta biết tu, bởi vì khi chúng ta đồng tu, khi chúng ta tu để lan tỏa năng lượng từ bi, để gắn kết với mười phương chư Phật, để có trí tuệ nhìn thấu được vô thường, khổ, vô ngã, để luôn luôn sống đời tỉnh giác. Thì đó là sự biết ơn cao quý bởi chúng ta đã biết thương chính bản thân của mình để không lầm lạc trong đau khổ, trong sầu muộn, trong những ác pháp, để cánh cửa của chân tâm mở rộng mà đón mời Đức Thế Tôn bước vào đồng hành dắt dìu chúng ta trên mọi mọi nẻo đường mà chúng ta đang sống trong cuộc đời này. Hãy biết ơn đời đừng vô ơn bạc nghĩa. Nếu như có sự lầm lỗi nào đó mà Bảo Thành và các bạn chưa biết ơn ta có thể sám hối, rồi từ đó thể nhập vào NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để có được trí tuệ sáng suốt trong quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã mà biết tri ân, biết ơn tất cả, biết ơn đời. Biết ơn đời là có tâm từ bi, biết ơn đời là có tâm tỉnh giác, biết ơn đời là có trí tuệ, biết ơn đời là biết đồng tu, biết ơn đời là biết tu để chuyển ác nghiệp, có được phước báu, hạnh phúc và an lạc để san sẻ. Mỗi khi bạn phóng sanh là bạn biết ơn đời, mỗi khi bạn làm từ thiện là bạn biết ơn đời, mỗi khi bạn biết bố thí là bạn biết ơn đời, mỗi khi bạn biết sám hối những lầm lỗi là bạn biết ơn đời.

Cuộc sống thật mong manh ngắn ngủi, chẳng ai biết được giây phút sau sẽ ra sao, đừng chờ, chờ mãi thôi để kết quả của cuộc đời đã bị chìm, bị nhận xuống, bị rơi xuống, bị đày xuống trong những cõi luân hồi thấp đau khổ. Biết ơn là phải biết coi trọng pháp của nhà Phật, biết ơn tam bảo Phật Pháp Tăng, biết quy y với Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, biết thọ nhận năm giới để giữ và biết đồng tu mỗi ngày. Biết sắp xếp khung thời gian để hòa tan sự đau khổ của chúng ta vào cung bậc của hạnh phúc, vào sự đồng tu từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Biết ơn là biết tu, biết tu để làm gì? Để Phật có thể tới với chúng ta mãi mãi, mãi mãi mà thôi, pháp tu cao tột nhất chính là lòng biết ơn. Thế Tôn đã dạy ngay từ thuở đầu, bài pháp đầu tiên khi giác ngộ Ngài đã từ xa nhìn vào cội cây bồ đề bảy ngày liên tục để tỏ lòng biết ơn cái cây, các bạn thấy chưa cây bồ đề đã che chở, che nắng che mưa, cây mà Ngài còn biết ơn huống hồ chi biết bao nhiêu những thứ khác ta chẳng biết ơn đâu. Ta phá rừng, phá núi, phá cây, phá cỏ, ta phá đủ thứ lung tung không có mục đích, có mục đích còn đỡ còn để ta lãnh nhận sự cúng dường của trời đất để làm lợi lạc cho ta và muôn người thì điều đó tuyệt vời rồi. Không, ta cứ tự phá thôi, rồi ta phá rừng, phá núi, phá sông, phá biển, ta phá vỡ cái giềng mối, sự quan tâm, tình thương, sự quan hệ giữa người với người, ta phá vỡ đi tình thương và biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái. Ta đã phá vỡ đi tình của pháp lữ đồng hành giữa các bậc Thầy, bậc Tổ, giữa các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc,.. Chúng ta chỉ là kẻ phá hoại nhân đức, đạo đức, phẩm hạnh của chính mình để chuốc khổ vào thân. Như vậy chúng ta dù có gần chùa, gần thầy, gần kinh, gần sách, trong các khóa tu, các pháp hội, chuông mõ rình rang thì Phật cũng chẳng bao giờ gần chúng ta, bởi chúng ta là những kẻ vô ơn. Hãy sống với tinh thần biết ơn để Phật tới với chúng ta và chúng ta sẽ mời Phật tới với tất cả những cuộc đời nơi những con người ta yêu thương như ông bà, như cha mẹ, như chồng vợ, như con cái, như người thân. Để khi ta đi tới đâu Phật đi với ta tới đó, với những ai ta gặp Phật sẽ gặp họ luôn, đó chính là pháp tu nhiệm mầu nhất. Thiền mật song tu hướng dẫn cho chúng ta trở về cái nguồn biết ơn đời trong sự tỉnh thức của trí tuệ, biết rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Cuộc đời là mong manh ngắn ngủi để chúng ta trân quý từng giây phút đón nhận năng lượng từ bi, mang tâm yêu thương của chúng ta san sẻ tới muôn loài trong sự tỉnh thức để thoát ra khỏi u mê tăm tối của cuộc đời. Ngõ hầu thế giới ngày nay nơi đâu có ta, có chút tình thương để san sẻ, nơi đâu có ta ở đó có Phật, hãy biết ơn đời.

Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Ngày xưa khi giác ngộ, Ngài đã biết ơn cội Bồ Đề. Chúng con ngày hôm nay nhìn lại cuộc đời biết bao nhiêu sự nâng đỡ trợ lực của Phật, của Pháp, của Tăng, của ông bà cha mẹ, của người thân, của người quen cũng như người không quen, của muôn loài, muôn vật, của đời. Nguyện cho con luôn biết ơn đời để Phật tới với con trong từng hơi thở của chánh niệm và nguyện trong từng hơi thở Phật sẽ tới luôn luôn ở gần gũi với tất cả mọi người chúng sanh có tâm trong sự chánh niệm.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Lãnh nhận Mật điển với lòng biết ơn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con biết ơn đời, biết ơn Phật, biết ơn Pháp, biết ơn Tăng, biết ơn cha mẹ, biết ơn Thầy Tổ, biết ơn tổ quốc. Sự đồng tu nếu có được chút phước báu nào nguyện cho tất cả mọi loài chúng sanh đều biết ơn để đồng thành Phật đạo. Nguyện cho thế giới được hòa bình hết chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn