Search

Bài 3030. Cân Băng Cảm Xúc Cả Lúc Bão Giông | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube thất bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con có thể thể nhập vào tâm Tỉnh giác, quán chiếu vạn pháp Vô thường sanh diệt – Khổ và Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh.

Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy trở về với Chánh niệm hơi thở, nhớ lại lời Đức Phật khai thị là: Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Giây phút nhiệm màu này đây, chúng ta hãy cùng nhau lãnh nhận năng lượng của Chư Phật ban rải đến tất cả những người ta yêu thương. Nguyện cho muôn người được bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, lãnh nhận mật điển, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Hôm nay một ngày thật đẹp. Xuân thật sự đã về nơi tiểu bang Bảo Thành đang ở. Tiểu bang Minnesota, không còn tuyết rơi khoảng chừng một tuần rồi. Trời ấm, Bảo Thành đang ngồi đây ở đằng trước là một cái cửa sổ, Bảo Thành vẫn nhìn thấy cái khung cửa đó qua bốn mùa. Hôm nay thật tuyệt vời, bởi ngoài khung cửa kia thật là nhiều những chú gà Tây (gà lôi) đi lởn vởn ở ngoài đó ngay trước sân nhà, dọc theo hai con đường. Những người dân sống ở đây chẳng bao giờ sát hại, săn bắn hoặc làm cho chúng sợ hãi, nên những chú gà Tây hình như rất gần gũi với con người. Vào những buổi chiều khi đi bộ ở trong khu phố này, gà Tây vẫn có thể đi cùng với chúng ta. Nhiều lắm! Thật là nhiều, sống tự do. Và trên con đường đi, cũng như ngay bây giờ nhìn qua khung cửa Bảo Thành có được cái cảm xúc thật gần gũi với thiên nhiên, với trời đất, với súc vật, với cây cỏ. Thấy từ cây cỏ đến các loại cây lớn, súc vật, con người đều có thể sống chung, có sự tôn trọng bảo vệ mạng sống của nhau rất an bình. Cảm xúc rất đặc biệt! Cuộc sống của con người chúng ta ai ai cũng có những luồng cảm xúc tới với mình trong từng giây phút. Gặp gỡ nhau đồng tu ở trên mạng như vậy thôi, dù có các bạn đồng tu chưa một lần Bảo Thành có cơ duyên để gặp gỡ trực diện, nói chuyện, chia sẻ pháp thoại hoặc uống trà, nhưng ở trong lòng cảm xúc hạnh phúc đã dâng trào. Con người luôn luôn có cảm xúc, được đồng tu là một cảm xúc chân thật, cảm xúc của Pháp Thiện. Về lại với cuộc đời của chúng ta, sinh hoạt hằng ngày ít nhiều gì cũng phải 16 tiếng ta tương tác hằng ngày, biết bao nhiêu cảm xúc lui tới. Chỉ khi ngủ chúng ta cũng lầm tưởng không có cảm xúc, nhưng rồi những cảm xúc ban ngày đó nó thấm vào trong tâm thêu dệt thành những giấc mơ. Những ước mơ những giấc mơ đó là tạo những cảm xúc trong mơ. Có những mơ mang lại cảm xúc hạnh phúc, an lạc. Cũng có những giấc mơ mang lại cảm xúc sợ hãi, người ta gọi là ác mộng.

Các bạn có cảm xúc không? Nếu các bạn đang sống mà không còn cảm xúc có lẽ chúng ta phải đi bác sĩ điều chỉnh lại coi bác sĩ về tâm thần, tâm lý điều chỉnh. Ta bị lãnh cảm rồi mới không còn cảm xúc. Có nhiều bạn cảm xúc mà bị mất thì chưa có sự trải nghiệm, nhưng qua mùa dịch vừa qua có các bạn bị covid đã bị mất đi cái cảm giác cũng là một phần cảm xúc. Các bạn mất đi cái cảm giác khi ăn uống, lúc đó rất buồn bởi vì ăn không biết ngon, không biết mặn, không biết ngọt. Y chang như thế, nếu con người mất đi cảm xúc thì không biết nó trở thành cái gì? Nghe nói đá còn đổ mồ hôi, còn biết khóc. Vậy lên trong một ca từ nào đó ai đó đã sáng tác: “Sỏi đá ngày sau vẫn còn biết có nhau”. Nói đến cái cảm xúc của con người, cảm xúc của thiên nhiên của vạn vật sự sống, luôn luôn tồn tại nhiều hình thức. Những điều tạo ra cảm xúc nhiều nhất mà Đức Phật tóm gọn trong bốn cặp gọi là “Bát phong suy” hoặc tám cái sự chướng ngại tạo ra cảm xúc dữ dội đó là:

Tốt và Xấu. Khi người ta nói tốt về chúng ta tăng cảm xúc vui, khi người ta nói xấu ta buồn.      

Thành công và thất bại cũng tạo ra cảm xúc

Khen và chê cũng tạo ra cảm xúc.

Những cái điều như vậy ta tương tác hằng ngày:

 Khen – Chê; Thành – Bại; Tốt – Xấu.

Những cái điều như vậy xảy ra nhiều lắm. Và từng cái sự va chạm trong cuộc sống hằng ngày này:

Được – Mất; Khen – Chê; Thành – Bại; Tốt – Xấu. Rồi những cái điều mà ta cứ phải đương đầu. Nó như vậy rõ ràng mà. Ít để ý thôi, cả cuộc đời mỗi một ngày, mỗi một giây phút, ta cứ bị lôi cuốn vào những cái dòng cảm xúc lúc vui lúc buồn, lúc sướng lúc khổ, Khen – Chê vẫn cứ lẫn lộn Thành – Bại cũng cứ lộn xộn

Được – Mất thì cũng cứ chui vào trong cuộc đời

Cao – Thấp… đủ mọi thứ phân tích ra nó hằng hà sa số những cảm xúc.

Chiêm nghiệm một chút xíu đi, chúng ta thấy chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc. Mà cuộc đời chúng ta cũng khó có thể lựa chọn cái cảm xúc nào để chúng ta tận hưởng, bởi nó bất chợt tới bất chợt đi. có đó mà chẳng bền vững, đi đó rồi lại quay đầu trở lại, đúng là vô thường!

Nay chủ đề: “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông”. Bình thường thôi thì cảm xúc cũng đã lộn xộn lắm rồi ,mà khi bão giông sẽ buồn lắm. Khi cái cảm xúc hạnh phúc và vui có nhiều người nó dâng trào đến cái cao trào mà cười cười nói nói một mình, ngớ nga ngớ ngẩn cả ngày cứ vui. Ở đời nhìn vô người ta tưởng mình bị khùng. Có những cái cảm xúc đau khổ và phiền não trong những cơn bão giông, nó dập vùi đau lắm. Hầu hết trong những cảm xúc buồn, phiền não và đau khổ mà bão giông tới, chúng ta tâm lý đời thường thường dựa vào cái sự đổ thừa cho một đối tượng, cho một hoàn cảnh, cho một cá nhân. Cá nhân có hình tướng hoặc đôi khi cho cả trời đất nữa các bạn. Đây là trạng thái tâm lý của sự sinh tồn để an ủi mình, để cho mình bớt đau đớn. Rồi cái cảm xúc đó chúng ta lưu truyền tới bạn bè, tới người thân gọi là tâm sự, mà trong dòng tâm sự đó mấy ai nhìn thấy lỗi của mình hầu hết là lỗi của người ta. Chẳng ai để ý trong sự tâm sự chia sẻ cái cảm xúc buồn khổ, phiền não đó cho người chúng ta đã lây lan năng lượng bất định tới họ rồi, ít để ý lắm. Đôi khi lại bị sa ngã vào cái hố sâu của sự đồng cảm trong những cảm xúc tê tái như thế.

Đức Phật có nói đến cảm xúc con người hay không? Và đức phật có dạy cho chúng ta làm sao để cân bằng cái cảm xúc của chúng ta giữ được cái sự thăng bằng? Và Đức giản Phật có giải thích cho chúng ta cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông hay không?

Thưa các bạn: Có! Trong Kinh Đức Phật dạy thật rõ. Đặc biệt là trong 37 phẩm trợ đạo tức là 37 cái pháp tu của Đức Phật dạy. Có bốn điều Đức Phật dạy cho chúng ta thiền quán đó là:

Quán Thân

Quán Thọ

Quán Tâm

Quán Pháp

Mà trong nhà thiền thì gọi là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp

Tất cả quán về cái Thân này, cái cảm Thọ này cái Pháp này, cái Tâm này đều dựa trên nền tảng của câu mật ngôn số hai:

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng         

Có nghĩa là quán Pháp Vô thường, vạn pháp Vô thường Khổ – Không và Vô ngã. Thì trong cái quán Thọ là cảm xúc là cảm thọ của chúng ta. Cảm thọ có hai loại mà phân biệt thật rõ, nhưng đúng ra là ba loại. Bây giờ chữ cảm thọ đó ta dùng đúng rồi ta chuyển thành cảm xúc nha các bạn. Cảm thọ là:

Những cái cảm thọ khổ: phiền não, tủi, đau buồn (hoặc) những cái cảm thọ lạc tức là hạnh phúc, vui.

Hai cái Thọ này thường xảy ra mỗi ngày. Chúng ta cũng rơi vào cái trạng thái hoặc có những con người rơi vào trạng thái hoặc đi vào cái trạng thái là không Thọ khổ và cũng không Thọ lạc nhưng mà Thọ. Cũng là cảm xúc nhưng mà không có khổ, không có lạc. Giờ ta thay đổi cảm thọ là cảm xúc nha các bạn vậy thì có ba loại cảm xúc chung là:

  Cảm xúc vui, hạnh phúc.

  Cảm xúc buồn, đau khổ, phiền não

  Và cảm xúc không khổ, không phiền não, nhưng cũng là cảm xúc.

Tùy theo môi trường nếu cảm xúc vui và hạnh phúc mà môi trường nó như diều gặp gió thì nó bay bổng lên cõi trời. Mà cảm xúc phiền não, đau khổ mà nó gặp bão giông thì nó nhận chìm.

Còn rơi vào trạng thái cảm xúc chẳng khổ mà cũng chẳng vui, chẳng buồn thì lơ lơ lửng lửng, chẳng biết chuyện gì.

Trong tất cả những cảm xúc này nhà Phật gọi là “Cảm Thọ”. Phật dạy cho chúng ta rằng: Chính vì những cảm xúc vui, buồn, sướng, khổ, luôn luôn là những đợt sóng thần nhận chìm hoặc để cho chúng ta vươn lên trên bồng bềnh trong ảo giác, cuối cùng cứ như vậy lên xuống, lên xuống, thăng trầm và mất đi sự tự chủ trong cuộc sống. Phật dạy để cân bằng những cái cảm xúc như vậy, chúng ta phải nhận rõ tất cả mọi cảm xúc gọi là Pháp (tức là hiện tượng) mọi hiện tượng vui, buồn, sướng, khổ, đều là vô thường tới lui (có nghĩa là sanh – diệt nó tới rồi nó đi) chẳng bao giờ tồn tại mãi. Cho nên đừng nuôi dưỡng cái cảm xúc quá vui mà đừng tiêu diệt cái cảm xúc quá buồn, bởi cũng đều là Vô thường tới lui không có gì phải bận tâm. Kinh Pháp cú Phật dạy để cân bằng cảm xúc, chúng ta nhớ Tâm của chúng ta phải được làm chủ, bởi mọi cảm xúc đều do tâm. Các bạn nói Kinh dạy Tâm phải được làm chủ, để không còn đau khổ buồn vui hay sao? Không phải. Nếu chúng ta được gọi là chưa được làm chủ bởi cái sự tự chủ hướng thiện, thì hầu hết 24 tiếng đồng hồ Tâm của chúng ta bị làm chủ bởi Pháp Ác. Còn khi nói chữ được làm chủ là làm chủ bởi Pháp Thiện. Nhiều đời, nhiều ngày, nhiều tháng các bạn và chúng ta đã tạo ra quá nhiều Ác Pháp, tạo ra một cái quán tính và quán tính đó đã làm chủ mọi tạo tác của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta. Và chúng ta phản xạ có điều tiện kiện bởi Pháp Ác đã được lặp đi lặp lại quá nhiều. Nếu để ý các bạn mới thấy, nếu Tu các bạn mới rõ, còn không chúng ta không biết. Chúng ta thực sự trong từng giây phút đã bị cái lực của Nghiệp Ác làm chủ mà chúng ta không tự chủ được cái tâm của mình. Phật thấy như thế, cho nên chúng ta bị cảm xúc của chủ cuộc đời thăng – trầm, sướng – khổ, thành – bại, khen – chê, được – mất, tốt – xấu nó dìm chúng ta xuống quay đầu này xoáy đầu kia khổ lắm! Những cảm xúc đó được nói rõ ở trong Tứ Thánh Đế, trong Tập Đế. Cảm xúc của Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Các bạn cứ để ý đi, khi sinh ra biết bao nhiêu người có những cảm xúc sung sướng? mà khi chết đi có biết bao nhiêu những người có cảm xúc đau khổ? Rồi khi bệnh bạn vô nhà thương bạn thấy dâng trào cảm xúc khi thấy những người ung thư, những người bệnh sắp chết, những người gãy chân, gãy tay, mà đặc biệt những ai đang có thân nhân bị bệnh, ta cũng có nhiều cảm xúc. Chúng ta nhìn thấy những cảnh già chúng ta cũng tăng trưởng cảm xúc. Đó Sinh – Lão – Bệnh – Tử nó tạo ra biết bao nhiêu những cảm xúc vui và buồn, muốn mà không được (Cầu bất đắc) đó các bạn. Các bạn cầu mà không được lại tạo ra biết bao nhiêu những cảm xúc: Ái biệt ly tạo ra cảm xúc, bất như ý tạo ra cảm xúc, môi trường sống tác động vào thân này tạo ra biết bao nhiêu cảm xúc. Những cảm xúc như vậy nó làm tăng trưởng tham – sân – si cho nên tham, sân, si tăng trưởng thì cảm xúc đau khổ, nghiệp chướng lại càng nhiều. Trong tham, sân, si nó còn tăng trưởng cái tâm cống cao ngã mạn, nghi ngờ lẫn nhau. Những điều đó Phật nhìn rõ, nó xảy ra trong cuộc đời thường xuyên lắm phải nhìn phải tu mới thấy rõ. Và chúng ta phải nhận diện rằng cuộc đời của mỗi người các bạn và Bảo Thành bị chi phối thật nhiều, bị cái cảm xúc của Pháp Ác nó dẫn, nó kéo, nó làm ông chủ của chúng ta. Và hóa ra chúng ta sống chỉ là nô lệ cho cảm xúc bởi Ác  Nghiệp ta đã tạo. Khi bão giông làm sao ta cân bằng được cảm xúc đó? Biết bao nhiêu những con người khi bão giông tới, họ đã bị gục ngã trên bi lụy, bị chôn vùi trong sầu muộn. Có! Đừng khi nào quá vội vàng vỗ ngực xưng tên rằng ta có thể vượt qua những cảm xúc của cuộc đời. Khó! Một buổi ngồi nói chuyện chơi uống cà phê bên quán cóc cũng biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào. Nhiều khi quên cả vợ cả con, quên cả chồng cả con, quên công ăn việc làm. Có mà! Chân thật ta sẽ thấy. Cũng có những lúc cảm xúc buồn quá, ta bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ con, bỏ bạn bè, chui vào một chỗ nào đó tui tủi trong cuộc đời để dòng nước mắt chảy mãi cuốn trôi. Phận con người cảm xúc thật ghê gớm.

Cân bằng đi! Chúng ta hãy cùng nhau cân bằng theo lời của Đức Phật dạy. Trước khi cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông, chúng ta phải nhớ Đức Phật dạy: “Tâm phải được làm chủ” có nghĩa ta phải tu tập để luyện tâm để làm chủ. Làm chủ bằng cái gì? Làm chủ bằng Pháp Thiện. Xưa đến giờ ta bị Pháp Ác nó kiềm chế. Nó là ông chủ của chúng ta. Chúng ta phải quật ngược lại, phải tu tập Pháp Thiện và được làm chủ bởi Pháp Thiện. Trong nhà Phật giữa Thiện và Ác đối với người Phật tử tại gia rất quan trọng. Chúng ta nương vào Pháp Thiện làm chỗ dựa, làm cái điểm dựa, làm cái điểm bật để trụ vững bước lên. Còn không ta sẽ bị cái lực của Pháp Ác nó làm chủ và ta sẽ trở thành nô lệ cho ông chủ của Ác Pháp. Kinh Pháp Cú nói thật rõ: “Tâm làm chủ mọi pháp” đó các bạn. Nếu tâm của chúng ta thiện lành thì lời nói và hành động sẽ tạo ra biết bao nhiêu phước báu và công đức. Còn nếu tâm của chúng ta là tâm bất thiện thì những lời nói và hành động sẽ gây khổ, tổn phước, tổn đức thật rõ. Bởi vậy tại sao chúng ta luôn luôn nghĩ về Pháp Thiện và chủ động thực hành Pháp Thiện? Bởi ta lấy Pháp Thiện là điểm tựa tạo ra cái sức bật để vươn lên thoát khỏi sự kềm tỏa của Ác Pháp. Ác Pháp sáo trộn những cảm xúc vui buồn làm cho chúng ta như bị chìm vào trong những cơn sóng lên và xuống và rồi hết sức mà chết. Để cân bằng được như vậy trong những cơn bão giông của Ác Pháp nhiều đời ta đã tạo, ta phải tu tập để làm chủ được cái tâm bằng Pháp Thiện. Kinh cũng nói thật rõ, Phật dạy cho chúng ta Thập Thiện, mười cái điều thiện chúng ta cần phải hành. Nếu các bạn hành được mười cái điều thiện này thì các bạn cân bằng được cảm xúc. Hành Thiện này trong cái tinh thần giữ năm giới của nhà Phật nhất định các bạn sẽ cân bằng được cảm xúc cả lúc bão giông, an nhiên và tự tại, sống hạnh phúc. Năm giới ai ai cũng nhớ rồi:

Không sát sanh,

Không trộm cắp,

Không tà dâm,

Không nói dối,

Không uống và sử dụng các chất say

Đó là năm giới ta cần phải giữ như năm cái hàng rào, như năm vị Hộ Pháp, hộ mạng, hộ mệnh cho chúng ta. Giữ được năm giới này thì cái tâm của chúng ta đã như người học trò được vào lớp gặp thầy có cái môi trường tăng trưởng kiến thức. Và vị thầy đó không ai khác là Đức Phật sẽ dạy cho chúng ta mười cái điều thiện cần phải làm. Phật dạy mười điều thiện là:

  • Không tham
  • Không sân
  • Không si > thuộc về tâm.

Thuộc về cái miệng của chúng ta là :

  • không nói dối
  • Không nói thêm bớt,
  • Không nói thêu dệt

và Không Thô ác.

Thuộc về cái thân của chúng ta thì đừng có

  • sát sanh
  • Tà dâm
  • Trộm cắp

Mười điều thiện nó cũng từ cái chỗ mở rộng của năm giới mà thôi. Tu tập được như vậy thì bạn đã bắt đầu có thể làm chủ được cái tâm và cân bằng được cảm xúc cả lúc bão giông.

Tóm lại trong Mật Thiền Song Tu tất cả mọi Pháp Thiện nằm trong Thập Thiện đều khởi nguồn từ cái chỗ nhìn thật rõ mới có thể làm được. Nếu bạn không nhìn rõ bạn không làm được. Từ xưa đến giờ Bảo Thành và các bạn không nhìn thấu, không nhìn rõ, nên cứ tạo cái Pháp Ác không bao giờ hành Pháp Thiện, thì trong Mật Thiền  giúp cho chúng ta nhìn thấu, nhìn rõ, để bắt đầu sử dụng Pháp Thiện làm cái điểm tựa vươn lên thành tựu thoát ra khỏi nhân quả, Thiện – Ác. Chúng ta đang sống trong sự ràng buộc của nhân quả, mà cái quả nó trổ hiện tại trong kiếp này và nhiều kiếp qua toàn là quả của Ác Pháp, Thiện Pháp rất ít. Nó cứ lẫn lộn lên – xuống nhận chìm chúng ta. Trong sự tu Trí Tuệ rất quan trọng để nhận ra những Ác Pháp để chúng ta bỏ Ác hành Thiện. Trí Tuệ đó là Trí Tuệ thấy rõ được Vô thường – Vô ngã và Khổ. Trí Tuệ đó là Trí Tuệ của

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng.

Mật Thiền Song Tunhấn mạnh về mật chú này.

Các bạn có nhân duyên chúng ta đã thực tập trong một năm và sẽ xuyên suốt cuộc đời để thắp sáng đuốc tuệ, nhìn thấu, nhìn rõ để đoạn Ác, hành Thiện. Để làm chủ cái Tâm và từ cái Tâm được làm chủ đó không bị cái nghiệp lực ác nó dẫn, mà tự chủ trong Pháp Thiện để tạo ra những cảm xúc hạnh phúc, vui, sướng trong cuộc đời. Chúng ta lấy cái cảm xúc vui, sướng, hạnh phúc trong cuộc đời là Pháp Thiện đó các bạn, tạo thành bởi Pháp Thiện đó các bạn làm điểm tựa, làm điểm nhấn để vươn lên. Còn không ta sẽ bị những cảm xúc khổ, não, ưu phiền của Pháp Ác nó nhận chìm. Phải có Trí Tuệ và phải tu

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng.

 Chúng ta mới phân biệt rõ để đoạn Ác hành Thiện. Có thêm cái sức lực, sức mạnh, cái tha lực và sự hỗ trợ của Chư Phật, Bồ Tát để ta giữ vững và để cái Trí Tuệ nó luôn sáng thì Mật Thiền đã hướng dẫn cho chúng ta mọi Pháp Thiện bởi trong mọi sự tương tác tạo ra, phải luôn luôn khởi nguồn từ tâm Từ Bi Mu A Mu Sa. Tha lực Phật điển mật điển Từ Bi ta sẽ nhận được từ mẹ hiền Quan Âm. Giúp cho chúng ta nương vào cái Trí Tuệ tu tập mà phân biệt được Thiện – Ác, đoạn Ác hành Thiện. Và mọi sự hành thiện của chúng ta đều khởi nguồn từ tâm Mu A Mu Sa. Từ đó giúp cho chúng ta lãnh nhận được Đại Thủ Ấn Trí Tuệ an lạc viên mãn Ma Sa Ốp Uê Có Phật đồng hành hiển ngự nơi tâm. Nên trong Mật Thiền Song Tuhiện tại ta tu, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh giác có nghĩa là tâm:

Mu A Mu Sa là tâm Từ Bi. Tâm Trí Tuệ là

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng.

Tâm tỉnh giác nghĩa là:

Ma Sa Ốp Uê

Quán chiếu ba cái Tâm này Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh giác để chúng ta có thể đoạn Ác hành Thiện. Nương vào mười cái Pháp Thiện làm điểm tựa để lấy lại sự tự chủ của Tâm. Tâm được tự chủ, tâm được làm chủ bởi nương và Pháp Thiện sẽ có cái hùng lực, sẽ có sức mạnh và chúng ta sẽ nhận được mật điển, tha lực Phật điển để cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông. Cân bằng mọi cảm xúc cần phải tu, cần phải luyện, cần phải công phu. Ở đời là con người thành đạo hay không thành đạo, thì việc gì chúng ta cũng cần phải học. Muốn trở thành ưu tú thì ta cần phải tu luyện. Bạn không gia công, bạn không công phu, bạn không bồi dưỡng kiến thức, bạn không học hỏi, bạn không tu luyện rất khó làm chủ được cái tâm của mình. Nếu không làm chủ được Pháp Thiện thì Pháp Ác nó sẽ làm chủ. Cốt lõi của nhà Phật nói rõ là chúng ta phải thoát ra khỏi nhân quả – luân hồi. Có nhân quả chi phối là có luân hồi. Mà muốn thoát khỏi nhân quả ta phải nương vào Pháp Thiện. Phật tử tại gia cũng như xuất gia mỗi người phải lấy cái Pháp Thiện trong Thập Thiện và giữ năm giới đó làm cái điểm tựa thật vững chắc, làm cái đòn bẩy để chúng ta vươn lên thoát ra cái sự nô lệ của Pháp ác nhiều đời ta đã tạo. Đây là một cuộc cách mạng toàn diện cần phải tu, phải công phu. Khi phân tích Kinh chúng ta thấy dễ, nhưng nếu không mang vào sự tu tập ta khó làm chủ được cái tâm, thì nói gì đến sự cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông? Chính vì thế mà biết bao nhiêu cơn bão giông trong cuộc đời lui tới Bảo Thành và các bạn đã bị nhận chìm trong đau khổ, phiền não, sầu bi, chẳng thoát được luân hồi sinh tử và luôn luôn bị nhân quả chi phối. Cảm Thọ tức là cảm xúc đơn thuần giải nghĩa như thế.

Thọ khổ, Thọ lạc, bất Thọ khổ, bất Thọ lạc cũng là cảm xúc. Cảm xúc sung sướng, buồn vui, sầu bi, ai oán hay cảm xúc chẳng buồn, chẳng vui cũng đều là cảm xúc. Mọi cảm xúc như vậy đều chi phối cuộc đời của chúng ta và khi bão giông tới chúng ta sẽ chết. Người đời thường nói: “Nếu chúng ta nghĩ như thế nào thì cuộc đời sẽ như thế”. Đúng! Bởi vì họ dựa vào Kinh của Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ” đó tức là ý, là suy nghĩ đó các bạn. Ta thường khởi ý, ta thường tác ý bởi Pháp Thiện thì con người ta sẽ được sống trong thiện lành. Nếu ta luôn luôn tác ý Pháp Ác thì đời sống của chúng ta sẽ sống trong sự đau khổ và phiền não. Người ta dịch là tâm nghĩ cái gì? như thế nào? Thì cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Đấy! Từ Kinh Phật mà thôi. Nhưng con người khôn khéo mượn Kinh Phật chuyển ngữ thời đại. Người ta đọc, người ta tán tụng: Ôi! Những nhà tâm lý học, những người này viết sách, những người kia viết sách hay quá! Thực ra họ khéo ứng dụng lời Phật dạy chuyển ngữ đời thường làm ta lầm lạc rằng những con người đó siêu xuất. Thực ra tất cả những gì họ viết ngày nay theo ngôn ngữ đời thường đó đều dựa trên cái nền tảng kiến thức của bậc giác ngộ đã lưu chuyển rồi. Làm chủ được cái Tâm. Kinh Pháp cú nói thật rõ và trong Kinh Đức Phật dạy: Luôn luôn khởi tâm từ, rải tâm từ tức là nuôi dưỡng tâm Từ Bi, ý Từ Bi. Luôn luôn phải lấy Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh giác nuôi dưỡng có nghĩa niệm niệm trong đầu luôn luôn, liên tưởng tới Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh giác. Tác ý Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh giác thường xuyên để huấn luyện, để làm chủ cái tâm của mình, để tâm ta được làm chủ bởi Thiện Pháp. Niệm Từ Bi, niệm Trí Tuệ, niệm Tỉnh giác. Tức là thời thời lúc lúc, từng giờ từng phút, từng Sát Na. Ta luôn luôn nuôi dưỡng tâm ý của ta bằng Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh giác thì ta nhất định sẽ cân bằng được mọi cảm xúc của chúng ta ngay cả lúc bão giông.

Các bạn muốn cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông đừng lên rượt đuổi theo những cái ý tưởng đời thường của sách vở, của những nhà tâm lý học, tâm thần học. Bởi họ cũng mượn Kinh Phật để chuyển ngữ đời thường đọc cho nó phê phê, khoái khoái một chút.

Nhưng nếu các bạn trở về với Kinh Phật để thấy rằng: Đức Phật là bậc thầy, hiểu thấu được điều đó trong Tứ Thánh Đế. Nói đến những cảm xúc của Sinh – Lão – Bệnh – Tử của những điều bất như ý, những điều cầu không có thành, của chia tay những người yêu thương, của những môi trường tác động vào đời sống, của Tâm tham, sân, si, của mạn nghi cống cao. Nằm trong đó Đức Phật đã thấy, thấu rõ và dạy trong Kinh Pháp Cú để chúng ta làm chủ cái tâm bằng sự tu luyện, giữ giới và làm năm điều Thiện. Ngài còn phân tích rất rõ về trong Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Cảm Thọ tức là cảm xúc. Ngài thấu rồi, Ngài thấy rồi, nhưng đôi khi chúng ta học Kinh phật những từ ngữ như vậy cảm thấy nhàm chán khó hiểu, nên chúng ta từ bỏ và rồi rong ruổi chạy theo những từ ngữ thời đại hợp gu với thời trang của ngôn ngữ, ta sướng, ta thích và ta ca ngợi những con người viết lên những dòng như thế và rồi quên rằng bậc giác ngộ Đức Thế Tôn đã từng dạy bao nhiêu ngàn năm xưa.

Các bạn phải nhớ rằng: Tất cả những con gì, những điều gì? Con người dù là giỏi kiến thức cao ngày nay. Nhà bác sĩ tâm lý hoặc là những bậc nhà văn viết nên những cái tâm trạng của đời cũng không nằm ngoài những điều Đức Phật đã nói. Cái khác biệt là họ dẫn ý bằng ngôn ngữ thời đại nên dễ phù hợp với giới trẻ và các bạn ngày nay đọc mà thấy khoái, thấy thích. Người hiểu được, chúng ta sẽ một lòng tri ân bậc thầy Đức Phật đã truyền dạy những điều này và trở về tận gốc lời dạy của Phật để học, để tu, để tâm ta được làm chủ bởi Pháp Thiện, làm chủ mọi cảm xúc, để thấu rõ bằng Trí Tuệ, thấy được Vô thường – Khổ – Vô ngã, để khởi nguồn yêu thương Mu A Mu Sa, để tâm ta được tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê và để cho mỗi người chúng ta có được cái khả năng cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông .Và để ta giải thoát khỏi cái ách nô lệ bởi cái ông chủ Ác Pháp đã nghiền nát cuộc đời của chúng ta trong nhân quả luân hồi nhiều đời.

Các bạn! Đây là lúc chúng ta cần phải chú ý để đi vào sự đồng tu miên mật không ngừng nghỉ, để tâm của mỗi người chúng ta được làm chủ, hầu trong đời sống biết bao nhiêu cơn bão giông tới. Mọi người chúng ta đều có khả năng cân bằng cảm xúc của mình để tận hưởng hạnh phúc, an vui và sự sung sướng ngay bây giờ tại đây.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa phật! Ngài đã dạy cho chúng con phải tác ý khởi nguồn từ tâm yêu thương, để thắp sáng đuốc tuệ nhìn rõ Vô thường sanh diệt – Khổ – Vô ngã, nhìn rõ để thể nhập vào cái Tâm tỉnh giác, thấu được nhân quả Thiện – Ác để miên mật giữ năm giới và hành mười Pháp Thiện, làm chủ cái tâm. Và nương vào cái điểm tựa của Thiện Pháp mà làm cái sức bật vươn lên thoát khỏi sự nô lệ của Ác Nghiệp nhiều đời chúng con đã tạo.

Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thành tựu được những chí nguyện này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm lãnh nhận được mật điển đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoăng

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. Và hồi hướng cho sự bình an của những ai đang lâm trọng bệnh cũng như hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo

Xin Chư Phật chứng minh !

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn