Search

Bài 2249. Trầm Luân Muôn Nghìn Kiếp

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube thất bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.

Giây phút thiêng liêng nhiệm màu của sự đồng tu đã tới, mời các bạn cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương, xóa tan đi sự sợ hãi của con người và làm nguôi đi lòng hận thù, Để các vị lãnh đạo trên thế giới vì mục đích chung của toàn nhân loại ngồi với nhau, bàn thảo thành lập nền hòa bình ngừng hẳn chiến tranh. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho sở nguyện của chúng con được thành tựu, để người dân trên thế giới không bị chết chóc, khổ đau và phiền não bởi chiến tranh này.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta cùng nhau thể nhập vào năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật. Một lòng thành kính đón nhận và hồi hướng năng lượng vi diệu này tới với tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình, ra thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang (07 biến)

Các bạn thân mến! Chúng ta nhìn lại cuộc sống của chính mình, để biết trân trọng từng giây phút ta còn đang sống. Sống gần gũi với ông bà, cha mẹ, đấng bậc sinh thành, với gia đình những người chúng ta yêu thương, cộng đồng xã hội một cách rất bình an. Một tuần qua, cuộc chiến tranh càng ngày càng dữ dội, từ những chiếc xe tăng, súng ống bình thường, người ta đã dùng tới các loại hỏa tiễn bắn trực diện vào những kho chứa đựng nguyên tử. Và cái chết đã xảy ra hằng ngày trong một tuần qua, làm bao nhiêu triệu con người phải từ bỏ, chạy xa, chia tay với người thân của mình để tìm chốn bình yên. Cả thế giới lên tiếng phản đối về cuộc chiến này, nhưng những người gây ra chiến tranh chưa bình tĩnh, chưa đủ sáng suốt để nhìn ra sự đau khổ chung. Vẫn đưa bàn tay của mình đi sâu vào vùng tối để tạo ra đau khổ cho muôn người.

Hiện tượng này trong nhà Phật lý giải thật rõ. Đúng như chủ đề các bạn gửi về ngày hôm nay “Trầm Luân Muôn Nghìn Kiếp”, oan gia tương báo nhiều đời không bao giờ dừng lại được, nếu như chúng ta không nhìn thấu, nhìn rõ, hiểu bằng trí tuệ để có thể buông. Thì sự trầm luân trong đau khổ, sự sát hại nhau sẽ chuyển biến thành các hình tướng phù hợp theo từng thời gian của lịch sử nhân loại. Trong muôn nghìn kiếp liên tục không ngừng, đầy đọa, chém giết, hành hạ, rất là khổ! Những ai đã có sự trải nghiệm trong chiến tranh, người thân bị mất, cha mẹ bị chết, gia đình ly tán, xa rời tổ quốc, tù tội, giày xéo, chém giết, mới thấy được sự đau khổ tận cùng của chiến tranh, mà chẳng bao giờ mong muốn chiến tranh tái lập lại một lần nữa trong cuộc đời. Còn những ai chưa bao giờ trải nghiệm qua chiến tranh, thì thông tin hình ảnh ngày nay sẽ làm cho chúng ta một lần hiểu thấu được sự đau khổ. Sao có thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy xác thân con người phơi trên bờ tường, hàng rào, trên đường trên phố? Sao ta có thể cầm được nước mắt, khi những tòa nhà bị bom thả xuống nổ tung? Và những mảnh vụn của bom kia lẫn lộn với những mảnh thân xác của con người? Sao có thể cầm được nước mắt, khi trẻ thơ bơ vơ lìa cha lìa mẹ? Sao có thể cầm được nước mắt khi những cụ già khập khiễng chống gậy từ giã nơi chôn nhau cắt rốn, phiêu bạt nước ngoài để cầu sinh? “Trầm luân muôn nghìn kiếp” cứ như vậy vần xoay đày đọa nhau. Đôi khi ta không ở trong cuộc chiến để chứng kiến, cứ ngỡ rằng mình là người đủ phước chẳng ở trong cõi trầm luân muôn nghìn kiếp, oan gia tương báo nhiều đời, nên sung sướng chẳng bao giờ nghĩ tới những người khác. Chẳng phải vậy các bạn! người bình thường, Phật tử tại gia chúng ta thực sự đang sống trong những cồn sóng của trầm luân, đang bị đọa đầy trong cuộc đời dưới biết bao nhiêu những hình thức đau khổ đang ập tới từ muôn nghìn kiếp qua. Nhận rõ ta mới sợ hãi ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo chẳng thể xóa. Nếu không hiểu để ngưng và chuyển hoá, thì nghìn nghìn kiếp chúng ta sẽ luôn luôn bị trầm luân, đau khổ lắm! Ngay cả những bậc đại sĩ, những vị tu mà có hàng biết bao nhiêu kiếp gần gũi với các vị Phật quá khứ, tích lũy bao nhiêu phước báu, cũng vẫn bị trầm luân muôn nghìn kiếp bởi những ác nghiệp họ đã tạo ra. Đó là những vị đại sĩ được gần các bậc Thiện tri thức, Phật để tu mà còn như thế. Chúng ta có sá gì, kẻ phàm phu ác nghiệp nhiều thì trầm luân muôn nghìn kiếp trong đau khổ là chuyện sẽ phải đương đầu.

Các bạn thân mến! Một vị đại sĩ mà trong ngày lễ Vu Lan ta tôn kính, đó chính là Ngài Mục Kiền Liên hiếu đạo với cha mẹ vô cùng. Để khi Đức Phật dạy ta tưởng nhớ đến Ngài. Ta thường niệm: “”Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát”. Ngài là bậc đại hiếu, vậy mà trong quá khứ gần gũi biết bao nhiêu những bậc Thiện trí thức, gặp gỡ được biết bao nhiêu ánh sáng soi dẫn của những bậc giác ngộ. Nhưng chỉ vài tiếng thì thầm của người vợ trong một kiếp quá khứ mà sẵn sàng mang cha mẹ mình là đấng bậc sinh thành, lúc già yếu quẳng vào trong rừng sâu giả cướp, đánh đập cha mẹ cho gãy chân bỏ mặc ở trong rừng cho thú dữ làm thịt. Đấy, một bậc đại hiếu được tôn vinh mà trong kiếp quá khứ Ngài gần gũi, Ngài tu học, Ngài kiến lập được biết bao nhiêu phước báu. Các vị Thiện tri thức đã qua cuộc đời của Ngài dạy cho Ngài. Ngài cũng gặp được các vị Phật quá khứ, tích lũy được biết bao nhiêu phước báu và công đức. Thế mà vẫn trầm luân muôn nghìn kiếp bởi những tiếng thì thầm ngang trái, do ác nghiệp đã tạo. Để rồi hành hạ, bặt hại cha mẹ của chính mình. Đây là sự thật trong Kinh nói. Nhìn vào đó chúng ta thấy rằng, sự hiện hữu của chúng ta ngày nay và của tất cả mọi chúng sanh, là đã từng trải qua hằng hà sa số kiếp, đã tạo lên nhiều ác nghiệp. Cuộc sống hiện tại có thật nhiều ác nghiệp vẫn còn tồn tại chưa được chuyển hóa. Chúng chưa hiện hình trổ quả, chứ còn nếu như khi đã hiện hình trổ quả, một tiếng thì thầm nhỏ nhẹ bên tai như ông Mục Kiền Liên nghe theo vợ giết chết cha mẹ của mình. Đừng ỉ vào rằng nay ta là người Phật tử, đừng ỉ rằng ta học được Phật, ta biết Kinh kệ. Đừng ỉ rằng ta là Phật tử tại gia, ta là người xuất gia, ta là bậc trưởng thượng, ta là hòa thượng – Không! Dù là ai đi nữa, chúng ta vẫn luôn trầm luân muôn nghìn kiếp bởi ác nghiệp ta đã tạo.

Một tấm gương nữa để thấy trong Kinh Phật nói rõ, là người anh em họ của Đức Phật ông Đề Bà Đạt Đa. Theo như Đức Phật đã kể thì ông ta trong tiền kiếp nhiều đời đã gặp được nhiều vị Phật lắm, được tu, được học. Và ngay cả khi Đức Phật thời quá khứ là những vị Bồ Tát, Ngài chứng đắc Bồ Tát thời quá khứ (tức là có tu đó) mà vẫn phải luôn luôn gặp ông Đề Bà Đạt Đa nhiều kiếp là họ hàng, là bà con quyến thuộc oan gia trái chủ, là thương gia đồng buôn với nhau. Ông Đề Bà Đạt Đa trong tiền kiếp luôn luôn dùng mọi mưu chước, kế hoạch để bắt hại Đức Phật trong quá khứ. Cho tới thời mà Ngài đã thành Phật thì ông ta cũng lại tái sanh, trầm luân muôn nghìn kiếp để trả thù để bắt hại. Phật nói đó là ác nghiệp nhiều đời tích lũy, dù Phật đã nhận ra, đã buông, đã bỏ, đã chẳng bao giờ hận thù ông Đề Bà Đạt Đa. Nên dù ông ta có tìm muôn kế để giết Phật, Phật vẫn bình an và hạnh phúc. Nhưng ngược lại, ông Đề Bà Đạt Đa sẽ bị lưu đày vào trong trầm luân muôn nghìn kiếp. Dù Đức Phật đã thọ ký ông Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật trong một kiếp tương lai.

Các bạn! Chúng ta thật sự trầm luân trong muôn nghìn kiếp qua và kiếp này cũng đang trầm luân trong những tư duy, suy nghĩ nhập nhằng. Bởi biết bao nhiêu lúc ta ỉ vào rằng ta là người Phật tử, học được Phật, ta là người tại gia chuyên tu luyện gần bậc Thiện trí thức, ta là bậc xuất gia được các bậc sư phụ cao tay ấn truyền dạy. Và để rồi những chuyện sai trái trầm luân xảy ra đối với ta, ta thường mặc định đó là do tội của người khác. Mà chẳng bao giờ nhìn thẳng vào tâm, trực diện, tư duy để nhận ra sự trầm luân muôn nghìn kiếp qua trong oan gia trái chủ, trong ác nghiệp ta tạo, nay trổ quả. Ta phải cẩn thận, quán chiếu để hiểu, để buông và phải luôn luôn thường chuyển những ác nghiệp đó trong từng giây phút qua chánh niệm hơi thở. Đừng buông lơi, đừng buông lung, đừng nghĩ một chiều ta tốt – họ xấu.

Trong Kinh Pháp Hoa nói đến hai vị Bồ Tát. Hai vị Bồ Tát này đã nhìn thấy sự trầm luân muôn nghìn kiếp của chúng sanh, nên thương chúng sanh vô cùng. Đó là vị Bồ Tát Thường Đề Bồ Tát và Thường Bất Khinh Bồ Tát. Bồ Tát Thường Đề thấy chúng sanh đau khổ trầm luân mà không nhận ra, nhắc nhở hoài mà không được, nên Bồ Tát Thường Đề đã phát nguyện khóc. Khóc suốt năm tháng, khóc trước mặt mọi chúng sanh, khóc đến mức mà cổ áo của Ngài không bao giờ khô, bởi nước mắt luôn chảy. Ngõ hầu, khi chúng sanh thấy những dòng nước mắt đau khổ của Bồ Tát Thường Đề, chúng sanh có thể nghĩ lại mà sám hối. Ngài đi khắp nơi mang giọt nước mắt chảy hoài không ngừng. Bồ Tát Thường Đề đã có công hạnh như vậy để nhắc nhở chúng sanh. Khóc đến mòn con mắt, khóc đến đôi mắt của Ngài nó trở thành dòng suối lệ tuôn rơi, mà cổ áo của Ngài không bao giờ khô. Thế vậy mà chúng sanh thời đó chẳng hề chấn động thân tâm nghĩ lại để sửa, mà cứ làm càn làm quấy, tạo biết bao nhiêu ngang trái đắm mình trong trầm luân, tạo khổ cho bản thân và người yêu thương. Còn Bồ Tát Thường Bất Khinh, Ngài mang công hạnh nhắc nhở cho mọi chúng sanh thấy rằng, chúng ta vẫn còn có cơ hội để thành Bồ Tát, thành Phật. Nên đi tới đâu gặp ai, Ngài cũng chắp tay cung kính và nói rằng: “”Tôi không dám khinh thường các Ngài vì các Ngài là Phật trong tương lai””. Mang lời tán thán đó để nhắc nhở chúng sanh rằng trong bể trầm luân muôn nghìn kiếp đau khổ, ta cứ tác hại lẫn nhau kia. Nếu dừng lại một chút, định tâm và chuyển hóa, chúng ta sẽ trở thành Phật trong tương lai. Bồ Tát Thường Đề và Bồ Tát Thường Bất Khinh dùng hai công hạnh khác biệt nhau để nhắc nhở cho chúng ta, nhận ra được những ác nghiệp muôn đời ta đã tạo, để cõi này ta trầm luân, ta đau khổ, ta phiền não.

Các bạn! Tấm gương của hai vị Bồ Tát này đã nói cho chúng ta thấy rằng, trong biển trời mênh mông vô tận này và hành tinh nhỏ bé của trái đất này, chúng ta được sinh ra và đang sống đã hiện rõ địa cầu này có cả ác lẫn thiện. Trong ta có cả thiện lẫn ác. Trong cõi sinh tồn của kiếp nhân sinh Thiện – Ác đáo đầu, luân chuyển không ngừng. Chỉ cần trên nhịp cầu bước qua bờ từ bên mê tới bờ giác, ta hiểu thấu được ác và thiện vốn luôn tồn tại luân chuyển trong ta. Để ta có thể bớt đi một chút ác, mang một chút thiện ứng dụng vào cuộc đời thì Niết bàn sẽ cận kề. Và nếu như ta mệt mỏi, ta để rơi rụng tánh thiện và vác lên trên đôi vai gầy gò này những điều ác, thì địa ngục liền hiện ra thiêu cháy chúng ta mà thôi. Ác và Thiện vốn có trong ta. Và trong cuộc đời từ biết bao nhiêu kiếp qua, chúng ta đã từng là những kẻ đại ác. Lẫn lộn trong nhiều kiếp, ta cũng là những kẻ đại thiện. Đấy! Ngài Mục Kiền Liên là một kẻ đại ác của một kiếp trước, đã nghe theo lời thì thầm xúi quấy của vợ ngọt ngào, ngọt lịm như mật ong, để rồi giết cha, giết mẹ. Đại ác! đại ác! Nhưng rồi một kiếp sau khi gặp Đức Phật ông ta lại là một bậc đại thiện – một vị Đại Thượng Thủ. Trong chúng ta có Ác và có Thiện. Đã nhiều kiếp chúng ta thành những kẻ đại gian ác. Và cũng có nhiều kiếp, ta cũng là kẻ đại thiện. Và kiếp này đây chúng ta vẫn có ác và thiện lẫn lộn.

Các bạn! Một khi chúng ta bị người ta phỉ báng, người ta chê bai, người ta đánh đập, người ta hành hạ, người ta bắt hại, người ta trù dập, người ta thị phi, người ta vu khống. Mà chúng ta đứng lên bảo vệ cho bản thân của mình bằng cách thị phi, chống đối lại và bảo vệ nâng tầm mình là đúng, thì chính là chúng ta đang đẩy vào bánh xe của trầm luân chạy cho nhanh để cán chết cuộc đời của ta. Trong kiếp quá khứ, ông Đề Bà Đạt Đa là một thương gia, cùng với Đức Phật thời đó là hai người cùng đi buôn. Nhưng một người dùng tâm thiện để buôn bán, một người dùng tâm gian trá để buôn bán. Người tâm thiện phát triển được, người tâm ác chẳng phát triển được nhiều gây hận thù. Và thế là trầm luân trong mối hận thù muôn nghìn kiếp để rồi cứ vậy mà tìm Phật để bắt hại. Nhưng riêng với Phật, trong từng kiếp đương đầu với ông Đề Bà Đạt Đa, Ngài hiểu thấu nên Ngài ngừng tạo nghiệp và chuyển nghiệp. Thế nên Ngài đã thành Phật và ông Đề Bà Đạt Đa cũng bắt hại Phật nhưng Phật chẳng màng tới, bởi Ngài đã giác ngộ. Chúng ta chưa thể như Ngài, trong kiếp nhân sinh vần xoay trên những nhịp cầu thăng trầm của Ác và Thiện, của may mắn và xui, của lời khen và chê, đúng và sai, tốt và xấu. Các bạn thành đạt hay thất bại? Ta đã nhiều lúc nhổ cầu, bẻ ván, làm nổ tung những nhịp cầu thân ái tới với nhau, để tạo thành sự chống báng, chống đối và cứ thế tác động vào bánh xe trầm Luân chảy mãi không ngừng. Muôn nghìn kiếp ta cứ khổ hoài, khổ hoài mà thôi! Chúng ta đã coi thường những tạo tác thật nhỏ bởi ác nghiệp ta cứ hành. “Ôi! chuyện đó có nhằm nhò gì? Nó nhỏ như con kiến. Bất thiện một chút có sao? Ác một chút có sao? Có! Sao trầm luân đoạ khổ muôn đời đó các bạn. Sao ta trầm luân đau khổ muôn đời chính là bởi vì những ác nghiệp thật nhỏ ta khinh thường. Một lời nói thật nhỏ, thật nhẹ, gây ra chia rẽ, chia ly, hận thù, chiến tranh, dù rất nhỏ, ít ai để ý. Trong gia đình, giữa vợ chồng đôi khi những lời nói rất bình thường nhỏ quá, nhưng nó như những mũi kim nó đâm, nó đâm vào trái tim của nhau. Trong tình nghĩa của cha mẹ, con cái cũng vậy, có những câu từ ta sử dụng chẳng bao giờ để ý. Nhưng nó như những mồi lửa, đốt cháy trái tim và tinh thần của nhau. Để cho cha cho mẹ, cho con cái, cho gia đình như đang bị ở trong chảo dầu nóng bỏng, lửa sôi, chẳng một phút bình yên. Trong cộng đồng xã hội, trong sự tương tác hằng ngày, biết bao nhiêu chỉ là lời nói rất bình thường nhưng chẳng khéo, nó hơi thô, nó hơi thêm một chút, nó dệt rộng ra một chút, nó hơi gian dối một chút. Ta thường bỏ qua, coi thường, nhưng đó là cái lực của ác nghiệp để bánh xe trầm luân chạy nhanh hơn. Để bao nhiêu xúi quấy, đau khổ, xui xẻo, để biết bao nhiêu những chuyện bất như ý sẽ vần xoay trở lại với chính ta. Ta phải nhận thức ra được trầm luân muôn nghìn kiếp tới từ những hành vi tạo tác thật nhỏ. Nó chẳng thể một ngày, hai ngày, mà lau chùi sạch sẽ được đâu. Ngài Mục Kiền Liên trong tiền kiếp nghe tiếng thì thầm của vợ đã giết hại cha mẹ, thì ngay trong kiếp cùng với Phật học được giác ngộ, nhưng vẫn phải trả nghiệp bị phanh thây, băm ra từng mảnh nhỏ. Đề Bà Đạt Đa cũng từ những ác nghiệp nhỏ bé theo sát Đức Phật để hại từ muôn kiếp, cuối cùng cũng bị chết bởi chính tảng đá của mình thẩy xuống để đè bẹp Phật, nhưng rồi lại đè bẹp chính ông ta. Bồ Tát Thường Đề đã khóc suốt cả cuộc đời để nhắc nhở, để thương xót cho chúng ta đã tạo nghiệp. Mà những dòng nước mắt của Ngài, nào chúng ta có thấu để ngừng? Bồ Tát Thường Bất Khinh vẫn có trong cuộc đời tán thán ta là những người thiện lành, những người tốt, những người sẽ trở thành Phật mà ta nào có màng? Vẫn đắm chìm trong trầm luân của nghiệp ác. Hai công hạnh tới để đánh thức, để cảnh tỉnh mà mấy ai nhớ được Bồ Tát Thường Đề và Bồ Tát Thường Bất Khinh đâu? Chúng ta có phước báu đồng tu. Mật hạnh, Trí Tuệ và Từ Bi thể nhập vào trong Chánh niệm để luôn luôn được nghe Phật nhắc nhở sống thiện lành, buông bỏ điều ác, sống tha thứ bao dung và chân thật, sống yêu thương san sẻ và đùm bọc. Mỗi một ngày Bảo Thành và các bạn cùng ngồi xuống, hít vào thở ra nhẹ nhàng, như mặt đất phẳng lặng đón nhận nắng và mưa, để muôn sự sống có cơ hội trỗi dậy trên hành tinh này. Chúng ta đã thấm nhuần mưa ân điển đại từ đại bi và ánh nắng của trí tuệ, để miền đất tâm của chúng ta trở nên trù phú và từ đó muôn sự sống thiện lành có cơ hội nãy mầm, tươi tốt. Rất đặc biệt! Phải tinh tấn tu hơn các bạn. Đừng coi thường những bậc tu cao vẫn còn bị sự vận hành của trầm luân, ác nghiệp nhiều đời đẩy vào bóng tối vô minh để tạo nghiệp. Huống hồ chi người Phật tử tại gia như chúng ta, lơ là một chút là thác lũ của trầm luân ác nghiệp nhiều đời sẽ cuốn phăng chúng ta. Và dòng xoáy của tham dục, của tham ái, của giận hờn si mê.

Các bạn! Chúng ta đồng tu là thể nhập vào với nguồn ân điển siêu thế Từ Bi, Trí Tuệ của Phật. Và là nhắc nhở cho nhau phải tinh tấn đừng bỏ cuộc. Mỗi một ngày đồng tu, là mỗi một bước chân nhẹ bước trên thềm hoa của những hạnh lành hoan hỉ, để gần gũi hơn với Phật. Mỗi một ngày qua từng hơi Chánh niệm vào – ra tổng trì mật chú đại Từ đại Bi – Mu A Mu Sa và Mật chú Trí Tuệ thấu rõ vạn pháp Vô thường sanh diệt – Khổ – Vô ngã – NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang. Giữa cuộc đời mênh mông vô tận này dù nhỏ bé như chúng ta, vẫn có thật nhiều cơ hội để trổ hoa. Phải hạnh phúc thôi các bạn! Vì chúng ta là Phật tử có duyên lành tiếp cận với sự đồng tu, hợp duyên, đồng hành, tinh tấn. Trên con đường tu như thế, ta có thật nhiều cơ hội để gặp được Phật, Bồ Tát , Thánh hiền, những bậc Thiện Trí thức. Gặp được những pháp màu nhiệm siêu thế, để ngừng hẳn bánh xe trầm luân không xoay chuyển nữa mà vận hành pháp luân thường chuyển, thiện lành vần xoay. Nghiệp ác rụng rơi cho thân tâm an lạc, cho muôn người hạnh phúc, cho thế giới hòa bình. Ta sẽ làm được điều đó! Cuộc sống kiếp nhân sinh bồng bềnh, trôi nổi theo những vòng xoáy của ác nghiệp. Ta luôn phải ghi nhớ, ta vẫn còn tánh Phật, tánh hiển minh, để vượt qua vô minh đen tối. Ta vẫn luôn có cơ hội để dừng hẳn bánh xe trầm luân lăn về phía trước. Và ta vẫn có cơ hội xóa sổ muôn nghìn kiếp ác nghiệp ta đã tạo ra.

Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, Thiền Trí Tuệ và Từ Bi quán của mẹ hiền Quan Thế Âm là một phương tiện vi diệu vô cùng mà Bảo Thành thường nhắc nhở. Nhắc đi nhắc lại để chúng ta tư duy, để chúng ta hiểu thấu mà trân trọng pháp phương tiện này. Đưa vào sự thực hành miên mật không ngừng nghỉ, để xóa tan đi những tảng băng ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo. Để san bằng những dãy núi ác nghiệp nhiều đời ta đã kiến lập lên. Để làm cho hầm hố của vô minh, của bất thiện nghiệp bằng phẳng không còn chông gai. Và để cho mỗi người chúng ta tự tại với hơi thở Chánh niệm bước trên thềm hoa của tâm thức thiện lành, mở rộng vòng tay nhân ái để yêu thương. Chúng ta làm được điều này bởi Đức mẹ hiền Quan Âm luôn hiển lộ song hành với chúng ta. Ngài luôn luôn hóa hiện dưới nhiều thân tướng phù hợp, để bước chân của kiếp người chúng ta đặt ở đâu đều có dấu chân Bồ Tát Quan Âm ở đó. Bồ Tát Quan Thế Âm chính là lòng đại từ đại bi. Nếu các bạn bỏ ác hành thiện, phát triển tâm đại từ đại bi, thắp sáng Trí Tuệ, nhìn rõ các pháp thường biến hiện và Vô thường sanh diệt, thì các bạn sẽ phá được bản ngã. Để tâm của chúng ta rộng mãi tới tận hư không, để lòng Từ Bi của chúng ta mênh mông như biển cả.

Các bạn! Nếu có thương cha thương mẹ, nếu có thương gia đình và bản thân, nhất định phải trở về với Chánh niệm hơi thở. Phải thiền bằng Trí Tuệ và lòng Từ Bi, phải luôn gắn kết với mẹ hiền Quan Thế Âm, phải vững tâm đừng lùi bước. Giữa cuộc đời chông chênh muôn sự thử thách, nhớ – ta luôn có Phật và Bồ Tát cận kề, và trong ta vẫn có tánh Phật. Dù vẫn biết trong vô lượng kiếp qua, chúng ta đã từng là những kẻ đại gian đại ác, nhưng trong ta cũng có nhiều kiếp là bậc đại thiện đại lành. Thiện – Ác nó như âm – dương song hành trong cuộc đời. Cái này hiện để thấy rõ cái kia. Chúng ta chẳng sợ ta đã ác. Nhưng chỉ sợ rằng chúng ta quên rằng ta có phẩm tánh thiện ở bên trong. Chẳng sợ rằng ta là kẻ đại gian đại ác mà chỉ sợ rằng chúng ta quên mất tánh thiện lành vốn có trong ta.

Các bạn phải nhớ câu Bảo Thành vừa nói, để thấu rằng không cần biết các bạn là ai? Quá khứ các bạn là gì? Dù trầm luân hằng hà vô lượng kiếp trong đau khổ là kẻ đại gian đại ác, thì hãy nhớ rằng trong ta vẫn còn phẩm tánh thiện, vẫn còn tánh thiện lành, đừng quên. Chỉ có vậy là đã có cơ hội để dừng sự trầm luân muôn nghìn kiếp. Để tiếp cận song hành với Bồ Tát, để liên kết mật thiết với Chư Phật mười phương, để hạnh phúc, để bình an. Và để kiến lập nền hòa bình cho thế giới tại tự thân, tại gia đình, tại cộng đồng, tại xã hội ta đang sống. Để những sự hận thù truyền kiếp qua chẳng có cơ hội trổ quả, phá tan hạnh phúc, bắt hại lẫn nhau. Hãy nhớ điều này! Người ơi xin hãy nhớ, trong ta vẫn còn có tâm tánh thiện lành.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, cùng với Bảo Thành trở về với hơi thở Chánh niệm để nhắc nhở mình rằng, dù ta là kẻ đại gian đại ác, vẫn còn có tâm thánh thiện lành ở bên trong.

Thưa Phật! Chủ đề ngày hôm nay “Trầm Luân Muôn Nghìn Kiếp”, đã nhắc nhở cho chúng con từ vô lượng kiếp qua luân hồi sinh tử. Chúng con đã từng là những kẻ đại gian đại ác, nhưng vẫn còn đủ phước báu nghe được lời Phật khai thị và thọ ký rằng: “”Trong chúng con vẫn có tâm tánh thiện lành””.

Nguyện xin Chư Phật và Chư Bồ Tát gia trì, để mỗi người chúng con tinh tấn tu học, thể nhập vào chánh niệm hơi thở, quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ để nhận rõ tâm tánh thiện lành đó mà khơi nguồn hạnh phúc, trao tặng cho nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hớp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa phật! Sự đồng tu hôm nay nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts