Search

Bài 2248. Hoạn Nạn Mới Thấy Chân Tình

Bảo Ngân đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống với tất cả các vị lãnh đạo ở các quốc gia trên thế giới, và khai mở Trí Tuệ cho họ để họ nhìn thấy thấu được nỗi đau của chiến tranh, sự thống khổ của con người dưới làn đạn, ngồi lại với nhau thiết lập nên một nền hòa bình và ngừng hẳn chiến tranh.

Chúng con cũng nguyện cho các nước đang gây chiến tranh và bị chiến tranh tìm được một lối thoát trong sự chia sẻ và cảm thông, đối thoại bằng tinh thần hòa bình.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, trở về lời dạy của Đức Phật là chúng ta lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra, trụ tâm quán chiếu Chánh Niệm, Từ Bi và Trí Tuệ, chúng ta hãy nhìn thấu chính cuộc đời của mình trong từng khắc, từng giây. Thể nhập vào thể tánh chân như, đón nhận năng lượng tình thương của Phật rải tới muôn người yêu thương.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang! (07 biến)

Các bạn thân mến, hôm nay nhìn vào chủ đề trên màn hình thấy ở trong lòng buồn thật là buồn, chủ đề “Hoạn Nạn Mới Thấy Chân Tình”. Hoạn nạn mới thấy chân tình, buồn lắm các bạn ơi! Tại sao chúng ta lại buồn khi nhìn vào chủ đề này? Bởi chân tình của con người chẳng bao giờ thấy được, chỉ đợi cho đến khi chúng ta gặp hoạn nạn mà thôi. Sao khi bình yên, sao khi chúng ta đang như vầy, tấm chân tình của lòng người lại không thể được trao cho nhau? Mà phải đợi tới khi hoạn nạn chúng ta mới thấy được chân tình của người gần gũi, đôi khi là người xa lạ không quen biết. Các bạn nào đã từng trải qua kinh nghiệm của sự hoạn nạn trong cuộc đời mới thấu rõ được tình người, bởi lúc ấy chúng ta sẽ chẳng còn ai ở bên cạnh. Những người thân yêu, những người gần gũi, những người nói luôn ở bên ta chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ khi hoạn nạn, có nhiều lúc không bao giờ thấy họ, họ đã xoay lưng bỏ đi để cho ta chơ vơ, để cho ta trơ trọi trong sự hoạn nạn. Mỗi một cơn hoạn nạn trong cuộc đời là một sự trải nghiệm để chúng ta lại có cơ hội đón nhận được tấm chân tình của ai đó tới với chúng ta.

Bảo Thành nói buồn là bởi vì con người chỉ thấy được chân tình của nhau khi hoạn nạn, mà không thấy được tấm chân tình khi bình an, khi sung sướng, không tôn trọng những giây phút còn cận kề để rồi khi hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Nghịch lý ở cuộc đời này là như vậy các bạn ạ, khi hoạn nạn mới thấy chân tình. Đúng ra là khi bình an, sung sướng, khi may mắn hay hoạn nạn, ở mọi cảnh, mọi khung thời gian, mọi lúc, chúng ta phải thấy được chân tình của nhau và phải thể hiện được tấm chân tình ấy trong cuộc sống. Nhất là chúng ta – người Phật tử tại gia phải sống chân thật và có tấm lòng luôn luôn nghĩ tới mọi người, tấm chân tình của chúng ta luôn luôn phải được thể hiện dưới mọi góc độ của cuộc sống. Đừng khi sung sướng hạnh phúc, ta gần gũi, ta vui vẻ, ta thề thốt, nhưng khi hoạn nạn người lại bỏ ta đi. Trải nghiệm qua sự hoạn nạn để thấu được lòng người thật là kinh khủng bởi rất đau đớn vì biết bao nhiêu người gần gũi khi xưa chẳng thấy mặt, cô đơn lắm.

Có nhiều câu chuyện Bảo Thành đã nghe và có nhiều cuốn kinh đã diễn tả lại. Không hẳn chỉ trong Phật giáo mà ngay cả trong những tôn giáo lớn, các bậc giáo chủ cũng thường gặp gỡ những tấm chân tình nhỏ bé, chẳng phải là người quen, người gần, đệ tử đồng chúng mà là những người xa lạ. Một câu chuyện Bảo Thành được nghe từ một người rất quen, một Phật tử rồi sau này xuất gia. Lúc tuổi còn trẻ vào những năm 1975 đến 1978, gia đình của Phật tử này gặp khó khăn bởi người chồng bị nhốt trong trại cải tạo, người vợ là một người mẹ trẻ nhưng có đến tám đứa con. Cái cơn nghèo đã tới và biết bao nhiêu hoạn nạn đã ập tới. Khó khăn trăm bề, kinh tế, tiền bạc, sự sống và tồn tại, tám đứa con nheo nhóc nhỏ bé, đứa lớn 10 tuổi, còn những người em bé nhỏ nheo nhóc. Người phụ nữ ấy chẳng còn miếng ăn, phải tần tảo từng hạt gạo, từng cân gạo mỗi ngày để có đồ ăn cho tám đứa con. Tiền bạc chẳng có, con cái nheo nhóc, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn.

Rồi đến khi trong tám đứa con ấy có một đứa bị bệnh phải đi tới bác sĩ, mà bác sĩ thời đó cũng thật khó tìm. Không có xe để đi, con cái còn nhỏ, chẳng thể bỏ ở nhà một đứa nào, đành phải kéo cả tám đứa con đi bộ lê thê lếch thếch ở đường tới vị bác sĩ để khám bệnh. Chỉ có chút tiền để ăn uống, chắt chiu nhưng trả cho bác sĩ thì hết. Và trên đường về cô ấy chẳng còn tiền để chuẩn bị một bữa cơm đơn giản, gọi là cơm ấy mà, chứ thức ăn nào có thể. Nhưng tiền không còn, tất cả đã trắng tay. Trong cơn hoạn nạn ấy, cô mới nhớ ra mình có một chiếc răng bọc vàng thật là mỏng và cô cố gắng cạy ra. Việc ấy chỉ có mỗi đứa con lớn thấy mà thôi. Người mẹ đã cắn răng chịu đau, dùng kìm để nhổ chiếc răng bọc vàng mang đi bán để nuôi con. Cái răng thuở  xưa bọc vàng có đáng là bao, chỉ là một chút vàng bọc ở bên ngoài vậy thôi. Đau lắm, thật là đau bởi phải tự tay lấy kìm kéo nó ra, nhổ răng của mình ra, có một chút vàng đó, máu rướm ở trên môi, ngậm miệng lại, lủi thủi cùng với mấy đứa con tới tiệm vàng để bán.

Các ông chủ tiệm vàng nhìn thấy lắc đầu bởi vàng có là bao, nên chẳng ai muốn mua. Cuối cùng tìm được một chủ tiệm vàng nhìn trong ánh mắt sâu thẳm, khắc khoải, khổ đau của người mẹ cùng đàn con nheo nhóc, chấp nhận bỏ chút tiền ra để mua chiếc răng trám chút vàng. Đối với chúng ta đó là một cảnh khổ của một người mẹ nhưng đối với người mẹ thì chính ông chủ tiệm vàng kia là ân nhân, là người đã thể hiện tấm chân tình yêu thương đùm bọc. Chiếc răng bọc vàng chẳng đáng bao nhiêu, ông vẫn trả giá phù hợp theo điều yêu cầu của người mẹ. Và các con của mẹ đã được bữa ăn no nê.

Đây là một câu chuyện thật mà Bảo Thành được nghe từ chính đứa con đó kể lại trong ngày mẹ mất mang đi hỏa thiêu. Câu chuyện đó in sâu vào trong tâm khảm của Bảo Thành và phù hợp với chủ đề ngày hôm nay “Hoạn Nạn Mới Thấy Chân Tình”. Nhưng trong hoạn nạn của câu chuyện này thể hiện một nghĩa cử cao đẹp, một tình yêu bao trùm cả trời đất của người mẹ. Bạn cứ thử nghĩ, răng của mình đau mình đã sợ mà răng này bọc chút vàng kia vì đời sống của con, vì hoạn nạn trước mặt mà phải lấy kềm cắt kẽm (không phải kìm nha sĩ) tự tay không thuốc tê vặn, nhổ, kéo cho răng nó ra và mang đi bán để nuôi con. Người mẹ thật tuyệt vời! Hoạn nạn mới thấy chân tình của người xa lạ. Đó là một mẩu chuyện mà Bảo Thành rất hạnh phúc được nghe, một câu chuyện thật của cuộc đời và những người đó Bảo Thành đã gần gũi trên một thập kỷ tại ngôi chùa Xá Lợi tổ đình ở Maryland. Bảo Thành kể sơ qua những câu chuyện để chúng ta bắt đầu nhìn thấy hoạn nạn mới thấy chân tình. Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta đều có một sự trải nghiệm như vậy, ít nhiều gì trong chúng ta cũng đã từng trải qua những sự hoạn nạn to hoặc nhỏ, gọi là đau đớn tận cùng nhưng trong giây phút đau đớn ấy ta lại nhận ra chân tình của người thân, hoặc của những người xa lạ. Có những người thật thân khi hoạn nạn họ đã bỏ ta đi, có những người thật gần khi hoạn nạn họ đã xoay lưng, có những người nói tiếng yêu thương trọn đời nhưng khi ta hoạn nạn nào có thể thấy được họ. Nhưng cũng chính trong sự hoạn nạn đó, chúng ta lại có cơ hội thấy được sự chân tình của người dưng hoặc là của ai đó.

Không biết Đức Bổn Sư của chúng ta có gặp hoạn nạn để thấy chân tình không? Có một câu chuyện thật sự Ngài đã gặp hoạn nạn, mà chỉ trễ một chút xíu nữa thôi là Ngài sẽ chết. Và nếu như Ngài chết đi thì chúng ta và thế giới này sẽ tối tăm lắm bởi chẳng có Đức Bổn Sư – bậc thầy, vị giác ngộ. Thuở ấy, khi chưa chứng đắc đạo quả thành Phật, trong thời gian Thái tử Tất Đạt Đa tu khổ hạnh, nhịn ăn nhịn uống ở trong rừng để mong cầu sự giác ngộ. Thân xác tiều tụy, gầy, hốc mắt sâu thẳm vào trong như tổ chim, xương thì lòi ra, người thì xiêu vẹo, tóc tai thì bù xù dơ dáy bẩn thỉu nhưng quyết tâm cầu đạo đi đến sự giác ngộ, để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử và hướng dẫn cho chúng sanh. Tình yêu lớn đó, Thái tử đã quyết định rời bỏ tu khổ hạnh. Trên đường đi ra khỏi khu rừng, vào một buổi trưa nắng, sức đã không còn, Ngài đã té sấp xuống dưới đất, trời nắng chang chang chẳng một bóng người, đây chính là lúc hoạn nạn của Thái tử Tất Đạt Đa. Hơi thở ngắn dài dần dần tắt lịm và có lẽ sự chết đang tới thì bỗng nhiên có một cô bé, cô này tên là Sujata. Cô bé Sujata này thường có thói quen cúng dường các bậc đạo sư. Cô đi ngang bỗng thấy một người có hình hài gầy, nằm sõng soài trên đất giữa trưa nắng, chẳng còn sức sống. Cô là một người thông minh, nhận biết hình như đây là một vị sư ở trong rừng mới ra, kiệt sức té ở trên đường. Cô Sujata lại gần thấy bờ môi khô, tóc rối bù, thân xác tiều tụy, thấy như một xác chết, hơi thở hình như đã cạn kiệt. Thật nhanh trí, trên tay cô có bình sữa, cô đã nhỏ từng giọt vào bờ môi khô cằn nứt nẻ như sa mạc kia. Từng giọt, từng giọt và cô chờ sự phản ứng của một cái xác gầy đang nằm bất động. Từng giọt sữa nhẹ nhàng thấm qua làn môi bất động kia, một lát sau đôi môi mấp máy mở ra, và cô bắt đầu đưa chén sữa mớm cho vị ấy. Vị ấy uống sữa xong và tỉnh lại thật nhanh. Hết một chén sữa, vị ấy ngồi xuống xếp bằng, thẳng lưng, miệng bắt đầu mỉm cười nhìn vào cô bé Sujata. Cô bé Sujata này hạnh phúc vô cùng bởi người ấy đã tỉnh, cô bé ngồi nhìn gương mặt bừng tỉnh như một xác chết vừa ngồi dậy. Nhưng vị ấy cười và nói cô ta hãy cho thêm một chén sữa. Và khi chén sữa thứ hai được trao, vị ấy uống vào – tỉnh, chỉ có bấy nhiêu và sau này cô Sujata xin được cúng cơm cho Ngài mỗi một ngày. Và các bạn biết không, vị ấy là Thái tử Tất Đạt Đa. Nhờ chén sữa đó mà cứu được sinh mạng của Ngài, nhờ chén cơm mà cô Sujata cúng cho Phật ở trong rừng mà sau này Đức Phật giác ngộ. Trong kinh nói, chén sữa cúng dường cho bậc giác ngộ thật sự rất quan trọng. Hoàn cảnh này nói tới sự hoạn nạn của Thái tử Tất Đạt Đa. Ngài chắc chắn sẽ chết nếu không gặp cô Sujata nhỏ từng giọt sữa và mớm cho chén sữa đầu tiên.

Nhìn vào câu chuyện thực tế này của Thế Tôn khi chưa chứng đắc, chúng ta thấy Ngài cũng gặp hoạn nạn và trong hoạn nạn đó có ai đâu, chỉ có một người con gái nhỏ xa lạ, cô Sujata, cô ấy đã cứu mạng của Thái tử. Chúng ta nhất định nhìn vào tấm gương của người mẹ tự nhổ chiếc răng vàng để nuôi con, hoặc tấm gương Thái tử Tất Đạt Đa, trên đường giữa trưa trời nắng chang chang, té sấp xuống đang chết lịm dần dần nhưng được cứu bởi một chén sữa. Nhiều những hoàn cảnh trong cuộc sống khi gặp hoạn nạn mới thấy được chân tình. Đúng như thế! Chẳng phải chỉ có con người chúng ta mới gặp hoạn nạn mà thấy chân tình, Đức Phật – Ngài cũng đã từng trải qua biết bao nhiêu những câu chuyện đương đầu với hoạn nạn thấy được chân tình. Ta không phân tích ý nghĩa sâu nhưng nhìn vào câu chuyện đơn giản, một cô bé đi ngang khu rừng thấy một người tiều tụy tóc dài rối, dơ dáy, bẩn thỉu, hốc hác té trên đường ấy mà cô bé đã ghé ngang nhỏ từng giọt sữa. Ngày nay, chúng ta thấy biết bao nhiêu cuộc đời té ngang té dọc trong cuộc sống nhưng mấy ai dừng lại cho một giọt sữa như cô Sujata. Họ đã nhìn như một sự vui thú để rồi họ xoay mặt ra đi.

Có một câu chuyện khác nữa Bảo Thành kể để nhận thức. Có một vị giáo chủ thật lớn, mà trong những ngày này đang có những ngày lễ thật lớn của tôn giáo ấy, kỷ niệm về con đường thống khổ cứu chuộc nhân loại của Ngài. Có một lúc Ngài bị những quân lính bắt và mang đi giết, Ngài nhìn lại tất cả các đệ tử của Ngài đã chạy mất, chẳng còn ai. Trong cơn hoạn nạn này chẳng còn ai, đệ tử đã chạy, chẳng còn ai. Và lúc chết cũng chẳng có một đệ tử nào tới, họ sợ, họ chạy trốn, họ đã phản bội, nhưng có một người xa lạ đã tới xin tha mạng cho Ngài và đã mang xác chết của Ngài xuống để tẩm liệm. Lúc này, Ngài đã chết mới gặp được chân tình. Còn Thái tử Tất Đạt Đa, ít nhất Ngài vẫn còn có thể sống trở lại sau những giọt sữa đầu của cô Sujata. Hình ảnh của người mẹ, của Đức Phật, của vị giáo chủ ấy nhất định có liên quan đến đời sống bình thường của kiếp con người trên trần gian. Bảo Thành cũng như các bạn cũng từng gặp những hoạn nạn tới trong đời. Bảo Thành đã từng gặp những hoạn nạn mà trong cơn hoạn nạn đó Bảo Thành đã gặp được những tấm chân tình của những người thật xa lạ. Nhờ vậy như một xác chết trỗi dậy, tồn sinh và nuôi ý chí giải thoát qua công hạnh tiếp tục tu, không bỏ cuộc.

Ta kể qua những câu chuyện và nhớ về sự hoạn nạn của chúng ta và phải nhắc nhở rằng, đừng đợi đến khi hoạn nạn mới thấy chân tình. Mỗi người chúng ta hãy trao tấm chân tình của mình tới với tất cả mọi người khi còn sống, khi còn cơ hội tiếp cận, khi đang ở trong những hoàn cảnh chấp nhận được trong cuộc đời. Đừng đợi đến khi người này người kia hoạn nạn ta bỏ ra đi, hoặc đợi đến khi hoạn nạn của họ tới ta mới thể hiện tấm chân tình. Ta còn ông bà, cha mẹ, ta còn người thân, ta còn biết bao nhiêu bạn bè đồng môn đồng tu, nhất định tấm chân tình cần phải được trao ở những hoàn cảnh tốt đẹp. Đừng đợi cho người ta té ngựa mới đưa tay cứu giúp.

Đức Phật sau bao nhiêu năm trời khi giác ngộ và được cứu sống bởi giọt sữa của cô Sujata, Ngài đã không để cho con người gặp hoạn nạn đau khổ mới tới cứu. Bốn mươi lăm năm trời đi khắp phố phường, thôn xóm, làng mạc, thôn quê, Ngài gõ cửa từng người để trao truyền pháp màu, ngõ hầu giúp cho chúng sanh không rơi vào sự hoạn nạn của đau khổ, trầm luân và phiền não.

Chúng ta cũng như thế, trong cuộc sống dĩ nhiên mỗi người chúng ta đã học được Phật bởi là Phật tử tại gia, ta hiểu được lòng Từ Bi. Đặc biệt khi tu tập Thiền Mật song tu, lãnh nhận ân điển đại từ đại bi của Chư Phật, của chư vị Bồ Tát, chúng ta thường hành thiện cứu đời. Lật ngược lại hai năm qua, hoạn nạn tới với muôn người bởi vì đại dịch quét qua. Dịch bây giờ vẫn còn nhưng hai năm trước thật là khủng khiếp. Biết bao nhiêu người phải đương đầu với sự hoạn nạn, mất ông bà, mất cha mất mẹ, ngồi một chỗ không thể di chuyển, đồ ăn thì cạn kiệt, tiền bạc thì không có, sự sống hình như đang đi dần vào ngõ tối, và sự chết đang chập chờn trước mặt. Và trong những hoàn cảnh hoạn nạn kinh khủng đó, chúng ta đã thấy, đã mở mắt và thấy được tấm chân tình của biết bao nhiêu nhà từ thiện. Có những con người đi làm từ thiện trong cơn hoạn nạn của người khác đã phải chết. Có những bác sĩ, y tá trong cơn hoạn nạn của Covid đã phải hy sinh cả mạng người để cứu sống người khác. Có những nhà từ thiện đã phải đứng ở tuyến đầu mang cơm, mang nước, chăm sóc cho sự sống của những người bị bệnh dịch hoặc những người ở trong vùng cấm để rồi bị bệnh dịch mà chết.

Trong sự hoạn nạn vừa qua chung của cả nước và thế giới, chúng ta đã nhận ra tấm chân tình của muôn con người. Nhưng các bạn nhìn vào điều đó để nhận biết trong chúng ta, ai ai cũng có mầm mống của tấm lòng biết yêu thương, nhưng rất tiếc chúng ta chỉ đợi khi hoạn nạn của ai đó xảy ra thì tình yêu thương đó mới được thể hiện. Nó cũng không trễ nhưng là người Phật tử tại gia, là người tu luyện Thiền Mật song tu, tu pháp môn Từ Bi yêu thương mà mỗi một giây khắc thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, ta đón nhận năng lượng tình thương của Phật thì không thể chờ đến khi ai đó hoạn nạn mới tỏ lộ tấm lòng chân tình đâu các bạn. Mà chân tình của chúng ta cần phải được trải rộng, cần phải được trao đi cho tất cả mọi người dù họ chưa gặp hoạn nạn. Trân quý từng giây phút ta còn có thể gặp được ai đó trong cuộc đời dù là trong nhà hay bên lề đường, dù hoàn cảnh bình thường hay hoàn cảnh gian nan, tấm chân tình của chúng ta vẫn luôn phải được thể hiện. Người học Phật là người tỏ lộ được tình thương của chính mình khi đón nhận tình thương của Chư Phật. Người học Phật là người phải mang năng lượng tình thương của mình rải tới mọi người khi lãnh nhận được năng lượng tình thương của Chư Phật và Bồ Tát.

Hoạn Nạn Mới Thấy Chân Tình”, đâu đó trong cuộc đời, ai trong chúng ta dù còn trẻ hay lớn tuổi đều đã từng trải qua kinh nghiệm này nhưng ta đừng trách ai hết. Có trách chăng là trách cái nghiệp của chúng ta có đủ phước hay không. Đức Phật gặp cô Sujata chính là bởi vì nhờ cái phước. Bởi khi hoạn nạn chẳng ai cứu được mình, chỉ có phước của mình mới cứu được mình mà thôi, các bạn nhớ câu này. Và chính cái phước của ta đó, do những thiện nghiệp ta tạo ra mới có được cái duyên để gặp được ai đó trong cuộc đời trao chân tình cứu giúp chúng ta. Nhất định người mẹ kia đã có phước đầy đủ để dù thật đau đớn, phải dùng kềm cắt kẽm nhổ răng ra có chút vàng trám ở đó. Nhưng nhờ phước báu có mới có chút vàng nơi răng, nhờ phước báu đó mới có được dũng lực chịu đau để bẻ răng của mình ra, nhờ có phước báu đó mà răng có chút vàng kia mới có ông chủ tiệm vàng mua. Nhờ có phước báu mà Thái tử Tất Đạt Đa đã gặp được cô Sujata cho từng giọt sữa nhỏ vào trên bờ môi khô cằn như sa mạc để sự sống có thể trở lại bình thường, để cho chúng ta mới có bậc giác ngộ. Nhờ có phước báu mà vị giáo chủ kia mới có được người xin tha để lấy xác của Ngài xuống liệm. Chúng ta nhờ có nghiệp còn tạo ra phước bởi những nghiệp thiện lành, mà trong cuộc đời dù khi hoạn nạn mới thấy được chân tình thì chúng ta cũng phải nhớ rằng chỉ có nghiệp của ta mới cứu được ta. Thiện nghiệp sẽ cứu ta, ác nghiệp sẽ giết hại ta.

Do vậy khi còn sống, tu Chánh Niệm hơi thở, tu quán chiếu tâm Từ tâm Bi, tu thể nhập vào ánh sáng Trí Tuệ của Phật là để chúng ta làm việc thiện, là để chúng ta tu pháp thiện trong cuộc đời của Phật tử tại gia, là để chúng ta tích lũy được phước báu. Các bạn, chỉ có nghiệp mới theo ta và chỉ có nghiệp nào được kết lại bằng những việc thiện mới tạo ra phước để cứu ta. Cho nên tấm chân tình duy nhất mà ta có thể mang theo và không bao giờ rơi vào trạng thái cô đơn sợ hãi chính là nghiệp thiện của chúng ta, chính là phước. Nói đơn giản chỉ có phước mới cứu được ta trong cơn hoạn nạn và chỉ có phước mới là người mang tấm chân tình tới với ta. Bởi phước báu do thiện nghiệp sẽ tạo nên những duyên kỳ diệu như duyên mà Thái tử Tất Đạt Đa đã gặp cô Sujata, như duyên mà người mẹ kia đã gặp được ông chủ tiệm vàng sẵn sàng mua cái răng, như duyên mà vị giáo chủ kia đã chết khô ở trên cây người ta treo đóng đinh mới gặp được người lấy xuống. Và chúng ta như duyên thiện lành tạo được phước nên khi hoạn nạn chúng ta vẫn thấy được chân tình của ai đó tới với mình.

Trong từng hơi thở của Chánh Niệm, chúng ta nhất định phải nhớ rằng chỉ có phước mới cứu được chúng ta. Có thể loại của phước báu do làm thiện, có thể loại công đức do tu tập có Chánh Định tạo thành để cứu chúng ta. Dù là phước báu hay công đức, phước đức hay công đức thì cũng là công hạnh tu. Và chúng ta nhớ rằng chúng ta có thiện duyên, chúng ta đã nhận được tấm chân tình của Thế tôn bởi chúng ta liên kết được với Phật và Bồ Tát qua hơi thở Chánh Niệm kỳ diệu. Chúng ta gặp gỡ được Phật và Bồ Tát để nhận ra tấm chân tình khi chưa hoạn nạn. Chính trong Chánh Niệm hơi thở ta đã gặp gỡ Phật và Bồ Tát, chính trong thiền Từ Bi và Trí Tuệ ta đã thể nhập vào con đường sáng để gặp được các vị giác ngộ. Ta chưa hoạn nạn mà ta đã gặp được Phật và nhận ra điều đó chính là bởi vì ta có lòng quyết tâm, ta đã có chí nguyện giải thoát bản thân của mình, ta đã lập nguyện để tu thì không cần gì hết. Có Phật, có Bồ Tát, có Chánh Niệm hơi thở, có lòng Từ Bi và thắp sáng Trí Tuệ, chẳng cần đợi đến hoạn nạn trong từng giây phút, ta luôn nhận được tấm chân tình của Phật, của Bồ Tát, của những người gần gũi với chúng ta. Bởi những ai mang yêu thương đối xử với mọi người thì luôn luôn đón nhận được tấm chân tình của mọi người đối xử với chúng ta. Bởi những ai biết nhìn nhận cuộc sống bằng Trí Tuệ, bằng sự hiểu biết với tấm lòng chân thành thì người ấy sẽ sáng còn hơn mặt trời và mặt trăng. Và ai ai cũng nhận ra nơi họ là sự bình an để ghé tới chung vui với chúng ta.

Các bạn thân mến, hãy ghi nhớ ở trong lòng, chỉ có phước báu, chỉ có công đức, chỉ có nghiệp thiện mới cứu được chúng ta mà thôi. Chính nghiệp thiện ấy sẽ tạo nên duyên mà gặp gỡ. Chẳng phải cô Sujata vô tình đi ngang thấy Thái tử Tất Đạt Đa ngã sấp mặt xuống đường dưới trời nắng chang chang rồi mang sữa mớm cho để sống, đều là duyên của Thái tử, do phước báu lớn của Ngài mà giây phút cuối trong hoạn nạn tưởng chết đó đã tỉnh lại. Chúng ta hãy nhớ, ta có phước báu thật nhiều bởi biết được Phật, bởi tu pháp Từ Bi và Trí Tuệ thì nhất định trên con đường sống ở nhân thế này không những khi gặp người hoạn nạn ta cần phải thể hiện tấm chân tình chăm sóc giúp đỡ đừng bỏ qua, mà khi những người ấy chưa gặp hoạn nạn thì tấm chân tình của chúng ta cũng cần phải được thể hiện. Nhớ, chỉ có nghiệp thiện tạo thành phước và công đức để cứu ta trong cơn hoạn nạn mà thôi. Vậy hãy tinh tấn tu, hãy làm việc thiện, hãy phóng sanh, hãy làm từ thiện, hãy tu những pháp thiện lành, hãy bố thí, hãy giúp đỡ trong tất cả mọi hoàn cảnh mà các bạn có khả năng tạo được, làm được, hành được. Dù rất nhỏ thì đó cũng là công hạnh tu để tạo phước cho chính bản thân của mình để khi chúng ta gặp hoạn nạn ta sẽ gặp được tấm chân tình của muôn người tới với chúng ta. Ta sẽ không bao giờ bị bỏ rơi bởi khi chưa hoạn nạn, ta đã biết tích phước trong công hạnh tu bố thí từ thiện, phóng sanh, pháp thiện đấy, tuyệt vời lắm. Hãy nhớ lời Phật, chỉ có phước báu mới có thể gặp được những tấm chân tình khi chúng ta gặp hoạn nạn mà thôi. Và phước báu sẽ tới với chúng ta, chúng ta sẽ thành tựu được phước báu khi biết nâng đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khi biết hành pháp thiện bằng phóng sanh, bằng bố thí, bằng từ thiện, bằng tất cả những khả năng có được dù rất bé.

Cô Sujata là một nữ nhi thấy một người té sấp mặt giữa trưa nắng chang chang chẳng sợ, thân nữ nhi đã tiến tới, đã cho từng giọt sữa vào miệng của người ấy. Người ấy chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trước khi thành đạo. Các bạn, Đức Phật cũng trải qua hoạn nạn và thấy được tấm chân tình của cô Sujata. Chúng ta nhất định sẽ gặp được thật nhiều tấm chân tình của những người gần gũi xung quanh. Nhớ rằng chỉ có thiện nghiệp mới tạo thành phước báu và phước báu đó mới tạo thành nhân duyên để khi hoạn nạn ta gặp được tấm chân tình. Khi khỏe, khi an vui như vầy, hãy tích phước tu tâm, làm thiện, bố thí, phóng sanh, Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ và mở rộng lòng yêu thương, giúp đỡ muôn người hoạn nạn, những mảnh đời bất hạnh để tạo phước khi ta hoạn nạn mới gặp được tấm chân tình.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.

Thưa Phật! Khi còn là Thái tử Tất Đạt Đa té sấp mặt trên con đường ở bìa rừng vào buổi trưa nắng chang chang, Ngài đã gặp cô Sujata mớm sữa từng giọt để trỗi dậy và rồi thành Bậc giác ngộ. Chúng con đã hiểu trong hoạn nạn mới thấy chân tình, nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con có đủ dũng lực để tinh tấn tu tập, hiểu thấu được chỉ có phước mới cứu được chính mình, chỉ có công hạnh tu pháp thiện mới nâng đỡ dìu dắt khi hoạn nạn để gặp được những tấm chân tình trong cuộc đời. Xin cho tất cả mọi người chúng con tinh tấn tu học, tu phước để khi hoạn nạn chúng con vẫn bình an.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước nào, nguyện hồi hướng cho chiến tranh thế giới ngừng hẳn và nền hòa bình được khai mở. Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts