Search

Bài 2250. Được Không Bằng Mất

Bảo Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta một lòng thành kính cùng với nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng Trí Tuệ tới các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới để họ không còn sợ hãi và sáng suốt, biết ngồi lại với nhau để thiết lập nền hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh. Nguyện xin chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền gia trì.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong giây phút này, mỗi người chúng ta thể nhập vào Chánh niệm của hơi thở, quán chiếu tự tánh Từ Bi và Trí Tuệ, thành kính khiêm tốn lãnh nhận hồng ân Tam Bảo, tha lực Từ Bi và mang năng lượng tình thương ấy rải tới muôn nơi.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Các bạn thân mến! Thế giới ngày hôm nay càng phát triển về mọi mặt, chúng ta càng có cơ hội nhận thức được rằng mọi sự ở trên đời thật mong manh, tới đi thật khó đoán được. Có nhiều chuyện chúng ta tưởng rằng nó sẽ bền vững nhưng chỉ một thoáng qua liền tiêu biến chẳng còn. Nhiều chuyện chúng ta lại nghĩ rằng nó sẽ qua đi mau thôi, nhưng lại dai dẳng vướng mãi ở trong tâm để chúng ta khi nhìn lại những cái cảnh thoáng qua, buồn, buồn ơi là buồn.

Thế giới ngày nay thông tin cũng thật nhanh, bởi có biết bao nhiêu con người nhờ đưa những cái thông tin có và không, chính xác và thổi phồng, rác rưởi và chân thật, với mục đích như một nghề nghiệp để kiếm tiền. Cho nên những người bình dân như Bảo Thành và các bạn cứ đọc, cứ nhìn, hoang mang, chẳng còn biết đúng sai. Biết bao nhiêu những cái tin rác lệch lạc đã dẫn chúng ta đi quá xa mà chúng ta không biết và những cái lời chân thật hầu như chẳng bao giờ nghe được cho rõ nữa. Càng ngày cuộc sống càng đẩy chúng ta vào cái thế giới của ảo tưởng, thế giới nằm gọn trong lòng bàn tay qua cái điện thoại, chẳng cần phải giao tiếp, chẳng cần phải gặp gỡ nhau, cứ thế chỉ vài cái bấm lướt trên vài ngón tay là ngao du khắp năm châu bốn bể, thậm chí còn có thể đi đến cảnh trời cao hoặc xuống sâu ở dưới đại dương mênh mông vô tận. Còn gì nữa đâu sự năng động của con người, nay biến thành thụ động như người máy. Chắc có lẽ chẳng bao lâu, nhân loại này khi gặp nhau cũng chẳng cần nhìn thẳng mặt, nhìn trong điện thoại là đủ rồi. À mà có thật, có nhiều người ngồi sát bên cạnh, họ nói chuyện với nhau chẳng nhìn, chỉ cần qua điện thoại, họ nhắn tin, họ nói chuyện, nó thành một cái hệ thống mã hóa đời sống con người càng ngày càng ảo, ảo tưởng đến mức các bạn đều nhìn thấy. Ở trong gia đình ăn bữa cơm, ngồi ở trên bàn, chồng cầm điện thoại, vợ cầm điện thoại, con cái cầm điện thoại. Vậy đấy, cuộc đời là như vậy, thay đổi quá nhiều rồi. Và đi ngủ ở trên giường mỗi người một cái điện thoại, chẳng nói chuyện, trên điện thoại là đủ. Sự liên hệ giữa con người sống chung với nhau dần dần bị giãn cách, rồi cách xa, rồi cách ly, rồi biệt lập, dù lưng chạm lưng, tay chạm tay, nhưng mà tâm tưởng quá xa nhau rồi. Ngày xưa xa, xa nhau lắm, ông bà cha mẹ của chúng ta nhớ đến người yêu thương, dành dụm chút tiền vượt biết bao nhiêu đồi núi, sông suối để gặp gỡ được người thân, hàn huyên tâm sự ở đó cả tuần, cả tháng. Ngày nay người ta gần gũi nhưng lại bơi bơi tìm những cái cảnh xa để tiếp cận, đúng là gần chẳng thấy được mặt nhau, tìm người xa để mà tâm sự, người gần thì quên.

Chủ đề “Được Không Bằng Mất”, nếu mà đi sâu nói cho kỹ bao giờ mới nói hết. Ngày hôm nay con người thật sự đã bị đưa đẩy vào một cuộc chơi, bôi mỡ ở dưới chân, thắng không lại được nữa rồi, cứ trượt thôi, trơn. Như những cái câu chuyện người xưa có cái trò chơi gọi là trèo lên cột mỡ, tức là người ta bôi mỡ vào cái cột, ở trên cái đầu cột, người ta treo một cái giải thưởng thật lớn rồi thách đấu với nhau, ai trèo lên trên được cái cột mỡ đó tới đỉnh thì lấy cái phần thưởng. Hầu hết tuổi trẻ sung sức nhìn thấy phần thưởng trên cao chẳng bao giờ tư duy và suy nghĩ, cái cột bôi mỡ tròn to, nó to nó tròn, mỡ trơn trợt như vậy làm sao mà trèo được. Chẳng nghĩ đâu, ỷ sức khỏe thấy phần thưởng ở trên cao, thế là thay nhau cứ thế mà trèo lên nó lại tuột xuống, trèo lên tuột xuống, hết sức, bỏ cuộc, phần thưởng vẫn trơ trọi ở trên đấy.

Ngày nay cũng có những cuộc chơi trèo lên đỉnh cao của danh vọng, địa vị, của tiền tài, của quyền lực cũng bôi trơn. Người xưa bôi mỡ vào cột để trèo để lấy phần thưởng, ngày nay để có được tình người ta bôi trơn bằng tiền, để có được quyền lực người ta bôi trơn bằng tiền, để có được danh vọng, địa vị, để có được tất cả những cái gì trên cái xã hội ngày nay họ mong muốn đều bôi trơn không bằng mỡ nhưng bằng đồng tiền. Bôi trơn bằng đồng tiền để thay đổi cho kiến thức, thay đổi cho tình cảm của nhân thế, thay đổi cho cái chất cần phải có, đó là Trí Tuệ. Kiến thức, tình cảm đã bị trôi mất rồi bởi đồng tiền bôi trơn, ở đằng sau sự bôi trơn của đồng tiền là sự gian trá, lừa lọc, hận thù tràn ngập.

“Được Không Bằng Mất”, có được một thứ nhưng thực sự mất đi quá nhiều mà chẳng ai hay. Phần thưởng trên cột bôi trơn bằng mỡ, cái được trước mắt là được phần thưởng đấy nhưng mà tốn hao sức quá nhiều mà nào có được đâu, cái được bôi trơn trong cuộc sống không những về tình cảm, về quyền lực, danh vọng, địa vị, nơi học đường các bé còn rất nhỏ cũng cần phải bôi trơn bằng tiền các cô giáo mới nhận vô trong lớp, các trường mới nhận vô trong trường. Đi làm lại cần phải bôi trơn bằng tiền nữa mới được nhận làm việc, đi tới đâu nhan nhản mọi chỗ đều thấy sự trơn trượt của đồng tiền được mua chuộc. Không cần nói tới ai cũng hiểu cuộc đời ngày nay là như vậy, bôi trơn bằng tiền đánh mất đi nhân phẩm, mất đi Trí Tuệ và kiến thức, sự tư duy và suy nghĩ độc lập. Chẳng ai nghĩ đến cái hại, chỉ nghĩ đến cái được theo ý của mình mà thôi, mà con người ai cũng muốn được theo ý của mình, bất chấp thủ đoạn, bôi trơn bằng tiền.

“Được Không Bằng Mất” là một chủ đề đau nhói của những cái thế hệ trẻ ngày hôm nay, mất đi cái thế đứng trong xã hội bằng kiến thức, bằng thực lực thực sự của cái học, chỉ dùng tiền mà thôi. Thế là biết bao nhiêu thế hệ, kiến thức thì không có, sơ sài trên bề mặt nhưng tiền bạc thì đầy hết, như cái phần thưởng hấp dẫn bôi trơn mỡ ở trên cột, treo ở bên trên đỉnh đầu, trèo mãi mà không tới. Đến khi thân tàn ma dại, ngồi trong ngục tù nghĩ lại mới thấy khờ, bởi cứ rượt đuổi theo cái được, gọi là được nhưng thực sự mất cả cuộc đời. Chúng ta sống ảo thật, đã đeo đuổi biết bao nhiêu thứ để có được cái này nhưng mất đi tất cả. Cứ ngồi ngẫm nghĩ, các bậc lớn tuổi hoặc những ai đã can qua trong cuộc đời thăng trầm quá nhiều, ngẫm nghĩ một chút chúng ta đã phung phí thời gian tuổi trẻ và tình cảm thay vì đối với người nhà, để tìm cái gọi là được kia nhưng đã đánh mất cả cuộc đời. Khi nhắm mắt xuôi tay lúc đó hối hận, bởi một thời trai trẻ đã đi qua ta chỉ rong ruổi tìm tòi những điều hư mất mà thôi. Chúng ta là Phật tử tại gia, chẳng thể cứ lao đầu vào cuộc sống tìm những điều hư mất, được không bằng mất, cái gọi là được nhưng thực sự là mất.

Để có được niềm vui, ta đã đánh mất đi biết bao nhiêu công sức dồn vào đó, quên bẵng đi những người thân thương. Trong thế gian này, song song với cái được luôn là cái mất, ta cần phải có Trí Tuệ, ta cần phải thiền quán nhìn rõ, cần phải tư duy, cần phải sống chậm lại một chút để lược lại cuộc đời những gì ta làm, những cái gọi là được thực sự có phải là được hay không, hay là mất. Có câu “được cả thế gian mà đánh mất linh hồn thì có sá chi”, chúng ta không thể để mất đi cái thần thức, để mất đi cái phẩm tánh cao đẹp của tình thương, để mất đi cái Trí Tuệ sáng suốt nhận định rõ, để lao đầu vào bóng tối, rượt đuổi theo cái bóng ảo của cuộc đời. “Được không bằng mất”, các bạn nghe một câu chuyện Bảo Thành kể sơ, để chúng ta có thể định lượng được rằng chúng ta – người học Phật tại gia, dù thế nào đi nữa cũng cần phải thật sáng suốt, phân biệt rõ ràng, phân định thật vững những điều ta muốn có, muốn thành tựu.

Câu chuyện kể có một con cáo, các bạn biết con cáo không? Người xưa thường hay nói là cáo già là thể hiện cho sự tinh khôn. Con cáo này nó tinh khôn dữ lắm, điều gì nó muốn là nó được, hay như vậy, cho nên cái con cáo này càng ngày nó càng béo phì ra, nó mập ra và ai ai cũng nhận ra nó, cho nên nó không còn phải lẩn trốn nữa các bạn. Thường các loài cáo phải lẩn trốn, nhưng loài cáo thời đại nó mập, nó tròn, nó đẹp, nó sang chảnh, nó chẳng sợ ai nữa rồi, nó đi nhan nhản ở bên ngoài để nó tìm mồi. Cáo mà, ngày xưa gặp cáo khó lắm bởi nó sợ con người, người ta đập nó chết, nhưng ngày nay con người lại sợ cáo. Con cáo mập đấy, con cáo đẹp đó, con cáo mà chẳng sợ người kia, nó đi ngang qua một cái chuồng gà, nó thấy ở bên trong chuồng gà có những con gà béo mập đó, cáo thì thích ăn gà, nó tìm cách để đi vào trong cái chuồng gà lớn để nó ăn gà cho sướng. Nhưng nó không thể nào, không sao mà đi vào được, nó đi vòng vòng quanh quanh, cuối cùng nó phát hiện ra một cái lỗ để chui vào bắt gà. Nhưng bởi vì cái anh cáo này là cáo chảnh, cáo thuộc dạng mà cáo sang đó, cáo không sợ người, cáo mập, cái lỗ thì quá nhỏ, nó chui vô không có được các bạn ơi, nhưng mà thịt gà, cái mồi thịt gà thì thèm quá. Con cáo nó khôn lắm các bạn, nó mới suy nghĩ rằng: À! Bởi cái thân ta to quá, mập quá, không chui vào cái lỗ nhỏ. Nhưng mà thèm gà quá bỏ đâu có được, gà ngon mà, cái mồi ngon trước mặt như vậy lại thấy cái lỗ có thể chui vào, chỉ tiếc là cái thân quá mập. Cho nên nó đã nhịn đói cả một tuần ở bên ngoài cho cái thân gầy nhỏ đi. Nó sung sướng đến ngày thứ bảy nó xuống cân các bạn, nó nhỏ người, nó gầy đi, nó chui tọt vào trong cái lỗ nhỏ ấy, miệng mỉm cười khoan khoái, ta đây là cáo thật là thông minh, nhịn đói 7 ngày thân xác gầy guộc, chui vào lỗ nhỏ, tha hồ mà ăn gà. Nó bắt được vài chú gà nó ăn, ăn rồi nó bảo “thôi đi về thôi, mai bắt tiếp”. Nhưng khi nó chui ra nó lại mới nhận được rằng nó ăn gà nó lại mập, nó lại to, chui qua cái lỗ nhỏ không được nữa. Mà nó biết rằng nếu không chui ra được thì nhất định chủ sẽ phát hiện và thân cáo sẽ bị giết chết. Thế là anh cáo chỉ còn một cái đường duy nhất như khi lúc vào là phải nhịn đói. Cáo lại nhịn đói cả một tuần hơn, thân gầy guộc bắt đầu mới chui lọt được cái lỗ để đi ra, thế là nó chui ra thân yếu ớt, xiêu vẹo, bò lết về hang của mình.

Bảo Thành ngừng ở câu chuyện chỗ này đây. Chúng ta thấy vì cái con mồi trước mặt hấp dẫn, sẵn sàng nhịn đói để chui vào cái hang của cạm bẫy cuộc đời, chúng ta vì cái mồi trước mặt, cái lợi trước mặt, chúng ta đã thắt lưng buộc bụng, đã phải nhịn hết tất cả mọi chuyện để chui vào cái hang của cạm bẫy cuộc đời, cái hang của tham sân si, cái hang của ngũ dục, tiền tài, danh vọng, địa vị, nhà cao cửa rộng, xe sang, xe chảnh. Nhưng chui vào trong đó rồi mập không chui ra được, người ta phát hiện, người ta đánh chết, lại phải nhịn đói. Ngày nay quá kinh khủng, người ta độ nhau cái độ sang chảnh từng chút một, dân nghèo, người thấp cổ bé miệng bị đàn áp, xã hội chênh lệch giàu nghèo quá nhiều, đất đai của ông bà cha mẹ bị chiếm đoạt bởi những người có quyền lực và mạng sống con người bị coi rẻ, muốn bắt, muốn giết, muốn làm gì cũng được. Nhưng vẫn có những loài cáo thật mập, độ sự sang chảnh bằng độ xe hàng trăm triệu, hàng trăm tỷ để có một giây phút hưng phấn như chui vào được những cái lời khen, tán tụng của thiên hạ, nhưng đâu biết cái độ sang chảnh, độ xe, độ nhà, những người đó đã phải giết chết biết bao nhiêu những người đồng hương nghèo khó của mình như con cáo giết gà kia.

Các bạn, người xưa ông bà mình dạy chỉ cần có chốn ăn, chốn ở, che mưa che nắng là đủ. Ngày nay người ta độ nhà, người ta dát vàng, biệt thự lầu cao, chiếm đất cướp của và biết bao nhiêu thứ như lúc đầu đã nói, bôi trơn bằng đồng tiền. Con cáo kia có thể nó hơi khờ, nó phải nhịn đói để chui vào cái lỗ bắt gà, mặc dù nó cứ nghĩ rằng nó tinh khôn, nhưng nó hơi khờ đấy. Ngày nay người ta không cần phải nhịn nữa các bạn, người ta dùng tiền để bôi trơn, cái lỗ nhỏ như lỗ kim cũng chui tọt vào được, cái chỗ mà tưởng ai không thể có thể đi vào được nhưng chỉ cần bôi trơn bằng tiền, quyền lực cao cỡ nào cũng ngồi vô được chỗ đấy, nhưng cái não, cái tầm, cái chất thì chẳng có được để xứng đáng với cái ghế, cái quyền, cái danh, cái phận. Vậy nên, xã hội nghịch lý và thường xảy ra chiến tranh tàn khốc, được không bằng mất.

Nhìn lại cuộc chiến hiện tại của Liên Xô và nước Ukraine, chúng ta thấy cái được trước mắt là gì? Là thể hiện cái sức mạnh của phương tiện, của khí tài, nhưng cái mất song song ngay đó là sự chết chóc của dân thường, sự chảy máu, xương phơi đầy đồng, máu chảy thành sông trên đường đó các bạn, nhưng mấy ai nhìn thấy cái điều đó. Chúng ta nhìn đi nhìn lại giữa bản thân của mình, giữa cái con cáo chẳng sợ người, giữa cái sự ngu dại nhịn đói để chui vào hang bắt gà rồi lại phải nhịn đói chui về nhà, giữa cái sự khờ khạo ỷ sức mạnh, bôi trơn cái cột bằng mỡ trèo lên giành thưởng, dưới cái sự tinh khôn lừa lọc để bôi trơn bằng tiền, để đàn áp, để giết hại, để đoạt quyền đoạt lợi. Phật tử tại gia tu Trí Tuệ và Từ Bi phải nhìn rõ cái được và cái mất, đừng để cái được quá hào nhoáng che mất đi nhân tánh, đánh mất đi phẩm tánh, mất đi cái tình thương, mất đi Trí Tuệ thì những cái được hão huyền của cuộc đời có cần hay không? Có cần hay không? Chỉ có khi chết người ta mới bằng nhau bởi nằm chung ở dưới lòng đất, chẳng mang được gì. Còn có hơi thở là bon chen cái được, cái được được bôi trơn bằng đồng tiền, bằng sự lừa gạt, bằng những cái sự hão huyền. Các bạn, chúng ta Phật tử tại gia nhìn thấy đau lòng những cảnh ở bên ngoài cũng phải cảnh tỉnh bản thân, đừng biến mình thành cáo chẳng sợ người, đỏng đảnh đi giữa đường, thân thì mập ú tìm lổ hổng của người chui vào để giết hại họ.

Các bạn, Đức Phật dạy qua ba cái lỗ của cuộc đời, lỗ tham sân si, chúng ta thấy là chúng ta chui vào, chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến ta đã đánh mất cái phẩm tánh thiện lương của chính mình. Phật tử tại gia của chúng ta cần phải suy nghĩ thật kỹ, cần phải luôn luôn tư duy và làm chủ cái tâm của mình để thấy được những cái lỗ tham sân si, đừng cầm đầu bôi trơn liều mạng mà chui vào hoặc nhịn ăn, nhịn đói cho chui lọt vào bên trong để hưởng, nhưng nhớ ra người chủ gà họ sẽ bắt giết chết mình đấy. Ông chủ của cuộc đời này là nhân quả, ông chủ nhân quả, chủ nhân ông của một đời là nhân quả thiện ác. Dù bạn có bôi trơn bằng tiền hay bằng mỡ của cuộc đời, dù bạn có khôn lanh như loài cáo chẳng sợ người thì ông chủ nhân quả kia chẳng chừa mặt các bạn ra, cũng đặt bạn lên cái cán cân của công lý rõ ràng. Bạn nhớ, chi phải nhịn đói một tuần như chú cáo kia để chui vào ăn gà, rồi lại phải nhịn đói cả tuần để chui ra, khổ quá. Chúng ta đã nhịn đói cả cuộc đời để chui vào trong cái cuộc sống sanh tử này, rồi lại phải nhịn, nhịn đủ mọi thứ để chui qua cái lỗ sanh tử, chui vào và chui ra trong cái vòng xoay của sanh tử, nghiệp chướng trùng trùng, đau khổ vô cùng, sao cứ như vậy? Thiền Trí Tuệ và Từ Bi ta không để cho cái lỗ hổng nó cuốn hút ta bằng những cái miếng mồi ngon của danh, của tiền, của tình, của sự phù phiếm trên đôi môi, ăn uống và sự ngủ nghỉ sang chảnh của cuộc đời. Các bạn, tất cả những cái thứ đó rất cần nhưng chỉ là phương tiện trong cuộc đời, chẳng cần chất bôi trơn hoặc nhịn đói để chui ra. Hãy sống hãnh diện với phẩm tánh cao cả vốn có trong ta, tánh thiện lương. Người thiện lương là gần với Phật, người thiện lành là cần, cần gì nữa? Không cần gì nữa, bởi được gần với các vị Bồ Tát. Người có tâm tánh thiện lương và thiện lành là người có quế nhân độ trì, Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên cận kề, sẵn sàng, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ chúng ta.

Các bạn có thấy con cáo nó tinh khôn dữ lắm, nó chẳng lo đi làm cái chuyện đàng hoàng để kiếm ăn, nó đi tìm cái chỗ hở, cái lỗ để chui vào khoét đục người khác. Chúng ta có khi nào là thân người hay thân cáo mặc da người hay không? Chẳng biết, phải suy nghĩ kỹ, coi chừng ta là cáo mặc da người, bởi ta chẳng dùng cái Trí Tuệ, tình thương để làm ăn kiếm sống chân chính, để trưởng thành vững mạnh bằng kiến thức học, và mang tình thương chia sẻ với nhau. Ta lại trở về nhà để đào lỗ khoét vách, đào tường chui vào nơi cái tình thương của cha, của mẹ, của người thân, của gia đình, để tưởng như béo bở, lấy hết những của cải ông bà cha mẹ hoặc là tìm cách làm sao đó lấy tất cả những gì còn gọi là cái chỗ che mưa, che nắng của cha của mẹ. Có nhiều giới trẻ ngày nay không định được phương hướng, chẳng tiết kiệm, chẳng học hỏi, chẳng dấn thân, chẳng biết chịu khổ, ra vào cuộc đời lập thân lập nghiệp nhưng vẫn chui về nhà tìm cái lỗ trống, đủ mọi cách để đẩy cha mẹ vào nắng mưa ở ngoài trời, lấy luôn chỗ che thân, che mưa, che gió. Chúng ta thật sự chẳng còn sợ gì nữa, chẳng sợ cái sai phạm với cha, với mẹ, với người thân, với cộng đồng, với muôn người nữa. Ta là người chẳng sợ những cái sai, khác gì ta như cáo chẳng sợ người, chảnh chọe ở đời đi khắp hang cùng ngõ hẻm, tìm được cái lỗ nhỏ nhịn đói cả tuần chui vào bắt gà. Chúng ta chỉ muốn bắt những miếng mồi ngon treo lơ lửng ở đằng trước, mà chẳng có tư duy Trí Tuệ, suy nghĩ cho rõ, nhịn đói cả tuần để được ăn, nhịn đói cả tuần để chui ra. Giữa cái vòng danh lợi, giữa cái vòng xoáy của sanh tử ta cứ vào ra.

Các bạn, “được không bằng mất” mang ý nghĩa đơn giản hơn là chúng ta hãy phải suy nghĩ thật kỹ những gì chúng ta đang làm. Thiền Trí Tuệ là phải nhìn thấu được nhân quả thiện ác, thiền Từ Bi là phải có cái tình thương, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát. Chứ đừng lấy cái sự đam mê của ngũ dục, chui vào cái hang bắt gà mà phải nhịn đói cả tuần. Hoặc bôi trơn ở mọi ngóc ngách để tìm được cái quyền lực, đoạt được những cái điều mình mong muốn, nhưng ngược lại ta đánh mất đi cái nhân phẩm, cái phẩm tánh cao cả. Ta đang lừa gạt chính mình.

Đức Phật dạy cho chúng ta cần phải tư duy và suy nghĩ. Chủ nhân ông nhân quả thiện ác chẳng chừa một ai, tuy thưa nhưng chẳng ai lọt được. Phải nhận thức thật rõ, nhân quả thiện ác trong cuộc đời chẳng ai tránh được. Và nhớ rằng cuộc đời ngày nay sống ảo quá nhiều, đời sống mong manh dễ vỡ và thật ngắn, chẳng đủ dài để chúng ta vươn bàn tay dài chiếm lấy thiên hạ này. Đừng ỷ quyền, đừng ỷ lực, đừng ỷ mình có chất bôi trơn chỗ nào cũng xong hết, đừng ỷ mình khôn ngoan như con cáo nhịn đói chui vào cái lổ bắt gà, đừng ỷ. Hãy sống chân thật, nhìn vào sự chết để thấy thật công bằng, khi nằm xuống rồi sang hèn giàu nghèo cũng như nhau, phải nhớ người ơi ta chỉ là bụi tro, ta chỉ là cát bụi, chỉ có thế.

“Được không bằng mất”, đừng thấy được cái được trước mắt mà không nghĩ đến những gì ta sẽ mất đi khi đoạt được cái điều ta mong muốn. Người Trí Tuệ là người nhìn thấu được nhân quả, người Từ Bi là biết san sẻ, biết yêu thương cha mẹ, ông bà, biết yêu thương vợ chồng, gia đình, nhân loại, cộng đồng và xã hội, biết hành xử đúng, biết nhìn cho rõ, biết phân định cái được và cái mất và biết buông, biết bỏ, biết dừng. Chúng ta hãy cố gắng kiểm định lại cuộc sống của mình mà bao nhiêu năm qua ta đánh đổi tất cả để gọi là được những điều ta mong muốn. Bạn có khi nào nghĩ rằng ta đã mất quá nhiều cho cái gọi là được hay không? Mất nhiều lắm, để nắm được trong lòng bàn tay những cái hão huyền tưởng là được, nhiều người mắt đã mờ, tóc đã bạc, hơi thở vào ra cũng thấy khó. Rất cẩn trọng những điều cho là được, để rồi ta mất đi cái nhân tánh, ta đánh mất Trí Tuệ. Cái được của nhà Phật là Đức Phật luôn luôn thúc đẩy, sách tấn mọi người được là Trí Tuệ và Từ Bi. Chính cái Trí Tuệ và Từ Bi đó sẽ tạo ra thật nhiều phước báu và công đức, là hành trang muôn thuở không bao giờ mất. Cái được của đời sống tâm linh tô điểm cho cái phẩm tánh cao quý của con người và cái hương thơm đức hạnh bằng Trí Tuệ, bằng Từ Bi ngược dòng thời gian vẫn thơm, thơm mãi, cái đó là cái chúng ta cần được mà không bao giờ mất.

Các bạn hãy khôn ngoan nhưng khôn ngoan bằng cách thiền, bằng cách quán chiếu, bằng việc lành, đối xử với nhau bằng tình thương, bằng cái thấy của Trí Tuệ, đừng khôn ngoan như cáo chẳng sợ người. Các bạn, chúng ta là người, người mà lấy Trí Tuệ và sự khôn ngoan của tình thương để đối xử, chứ đừng như cáo đội lốt người để đoạt được những điều mong ước, nhưng đánh mất bởi khi phát hiện ra chui không lọt khỏi cái lổ, ông chủ nhân quả sẽ đánh chết chúng ta đấy. Phải rất cẩn thận, đặc biệt lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ ngày nay suy nghĩ thật kỹ trên con đường công danh sự nghiệp, tiền tài danh vọng và địa vị, phải suy nghĩ kỹ. Đừng háo danh, háo tài, háo tiền, háo tình, đừng ỷ sức hại người để được nhưng mà thật sự ra là mất tất cả. Chúng ta luôn luôn phải tự nhắc mình thiền Chánh niệm, phải biết Chánh niệm hơi thở, khơi dậy nguồn Trí Tuệ viên mãn và biết mang năng lượng Từ Bi rải tới muôn nơi, để chúng ta, chúng ta không đánh mất đi Trí Tuệ và tình thương, không đánh mất đi cái thần thức trong sáng của mình và luôn luôn được tràn đầy phúc báu, hồng ân của Tam Bảo. Thật sự đó mới là cái được viên mãn không bao giờ hư mất trong cuộc đời. Hãy là người đừng là cáo.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật! Chúng con tu muôn kiếp mới có thể là người, nguyện cho kiếp người này chúng con biết tu Trí Tuệ và Từ Bi. Xin hãy che chở gia trì để chúng con không đánh đổi kiếp người biến thành cáo. Nguyện hơi thở Chánh niệm Từ Bi và Trí Tuệ thắp sáng trong cuộc đời để muôn người được an vui.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts