Search

Bài 2210. Vào Núi Báu Trở Về Tay Không | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ để quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia độ cho quê hương Việt Nam chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho tứ chúng đồng tu tăng trưởng được phước báu, bồ đề tâm vững chãi, tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho chư hương linh theo nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở Chánh Niệm, chúng ta thể nhập vào với ánh sáng Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi tới với chúng ta từ mười phương chư Phật để thanh tịnh hóa thanh tâm nhìn rõ vạn pháp hư không huyễn hoặc. Chúng ta luôn luôn nghĩ tới các bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng và xã hội, nguyện cho muôn người an lạc trong năm mới.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, Chủ đề hôm nay các bạn gởi về đó là: “Vào Núi Báu Trở Về Tay Không”. Tại sao nếu như chúng ta đã đi vào được một núi châu báu lại có thể trở về với hai bàn tay không? Phải chăng chúng ta không tham? Hay không biết nhận ra giá trị của núi báu ta đã vào được? Trong những ngày cuối của năm, chủ đề này gợi nhớ cho chúng ta nhìn về toàn bộ một năm qua, những người như chúng ta đây có khi nào đã vào được trong núi châu báu của cuộc đời, nhưng cho tới nay hoàn toàn tay vẫn trắng, hoàn toàn tay vẫn là không có gì? Chúng ta đi vào từ từ để mượn chủ đề này gợi nhớ và nhắc nhở chúng ta phải luôn chú trọng vào những điều cốt yếu trong cuộc đời. Để ít nhất một giây, một phút, một ngày, một tháng, một năm trôi qua trong cuộc đời, Bảo Thành và các bạn có thể lắng đọng và sàng lọc được những bài học cao quý mà ta tiếp cận được ngay trong cuộc đời, trong xã hội, trong kiếp này. Đừng để thời gian trôi qua rồi rơi vào quên lãng mà ta mãi mãi vẫn trắng tay, chẳng được một chút xíu gì.

Có một câu chuyện thời xưa có một vị Minh Vương đã lớn tuổi. Ngài có thật nhiều thái tử, muốn truyền trao ngôi báu cho một thái tử nào đó có sự lựa chọn dựa trên nền tảng của sự thông thái, để cai trị dân chúng mang lại sự thịnh vượng thái bình cho muôn dân. Theo truyền thống cũ của thời cha ông thì Đức Vua và Hoàng Hậu cùng các quan đại thần trong lễ chứng kiến đó rải toàn bộ những thứ ở trên sàn nhà, nào là gươm, nào là xe ngựa, nào là vàng bạc, châu báu, đủ mọi thứ hết. Cái gì trong cung điện, cái gì thuộc thẩm quyền của Vua, cái gì Vua có trong tay Vua rải lên trên nền nhà trong cung điện. Và rồi các thái tử còn rất nhỏ được thả ra để cho các thái tử tự do thỏa thích mà lựa chọn. Và tùy theo vật gì mà thái tử nào đó lựa chọn, người ta có thể phỏng đoán tương lai. Và dĩ nhiên trong một buổi lễ lớn như vậy, có một vị coi tướng đến nhận định sự lựa chọn của các thái tử để chú ý vào khả năng đặc biệt đó mà đào tạo cho nên người. Thật là nhiều thái tử lựa chọn gươm giáo, ngựa, cung tên, rồi cung điện, vàng bạc, châu báu, các thứ chơi đủ hết ở trên sàn. Nhưng riêng có một thái tử bò vòng vòng nhưng không lựa một cái gì hết, cuối cùng bò tới chân của vị Vua cha, chễm trệ ngồi ở giữa hai chân ngài, trong tay không có một chút gì gọi cho là sự lựa chọn của tuổi thơ, mọi người đều kinh ngạc. Và dĩ nhiên thật là nhiều người hạnh phúc khi thấy có thái tử lựa chọn gươm giáo thì trở thành một tướng quân hùng mạnh có thể cai trị đất nước. Những người thích vị thái tử đó thì reo hò vui lắm. Lại có những vị thái tử lựa như ngai vàng, quyền lực, vàng bạc và ai thích những vị thái tử đó đều vui mừng hớn hở rằng: thái tử của chúng ta yêu thích sau này sẽ có những điều như vậy. Riêng vị thái tử bò tới giữa hai bàn chân của người cha trong vòng tròn thương yêu đó chỉ ngồi xuống nhìn mọi người và mỉm cười. Nhà bói tướng mới dịch ra rằng tất cả các thái tử kia đều sẽ trở thành những vị tướng tài, văn võ, và có cơ hội thống lĩnh những vùng miền khác biệt với oai lực, sức mạnh và trí tuệ, và sự lựa chọn riêng tư những phương tiện chính sách áp dụng để cai trị dân chúng.

Đến khi nói về cậu bé không lựa chọn gì và ngồi dưới chân Vua, thì nhà coi tướng kia mới nói rằng: “Thái tử này chẳng lựa chọn gì hết”. Vua thấy kinh ngạc, bởi vì thái tử này là vị thái tử Vua yêu mến, tại sao lại không có một sự lựa chọn gì? Tất cả những điều cao quý như là kho báu, như là núi báu kia mà tại sao thái tử không lựa chọn một gì hết, hai bàn tay không? Vua thấy buồn lắm! Nhưng chỉ một giây phút trôi qua, vị xem tướng kia nói với Vua rằng: “Tuy không lựa chọn tất cả những tài vật tượng trưng cho sức mạnh, vàng bạc và quyền lực ở ngoài kia, nhưng thái tử đã ngồi giữa hai bàn chân của Vua, của Thái Thượng, của đấng đang trị vì thiên hạ để mong rằng sẽ thừa hưởng được trí tuệ siêu sắc của ngài – một vị minh vương để từ đó có thể trị vì mọi người trong những điều mơ ước của vị minh vương”. Nhà Vua mừng vô cùng vì thái tử không lấy gì, nhưng chọn chính ngôi vị của vị minh vương đang đứng để thừa hưởng. Nhưng theo thói đời, qua câu chuyện này người ta không thể nhận thấy được điều đó đâu. Người ta chỉ nhận những gì ở ngoài kia mới là cao quý. Còn giữa Đức Vua – một vị đang đứng ở miền đất nơi ngài trụ ở đó là có thể tạo ra tất cả lại chẳng ai nhìn thấy. Chỉ có đứa bé thơ ngây trong trắng kia bò lại thật gần người cha của mình – một vị minh vương, ngồi ở giữa hai lòng bàn chân như thụ hưởng tất cả những tinh tuý người cha dành cho người con.

Chúng ta thường nhìn ra bên ngoài để vơ vét đầy đủ những gì ta yêu thích. Bảo Thành nhớ, thời xa xưa, ông bà cha mẹ của chúng ta chưa có đầy đủ phương tiện để có thể bước vào ngôi nhà pháp Phật đâu. Kinh sách, sự truyền dạy ngày xưa thật là hiếm hoi, ngay cả các chùa kinh sách cũng hiếm. Có thì cũng phải giấu đi bởi vì giữa sự chiến tranh, hỏa hoạn nó thiêu cháy nên các bậc Tổ sư, Sư phụ xưa cũng phải cất giấu bởi đó là những thứ quý vô giá. Cho nên hàng tứ chúng Phật tử tới cũng chỉ ê a một vài câu kinh. Nhưng các ngài đều tới chùa và ngồi trước điện Phật cùng các bậc sư phụ tĩnh lặng. Chẳng khác gì đứa trẻ thơ, nó bò tới bàn chân của Vua cha ngồi tĩnh lặng ở đó, mà hai tay hoàn toàn không vơ vét mong cầu một thứ gì ngoài kia. Thế vậy mà thái tử đó được truyền ngôi, thế vậy mà ông bà, cha mẹ của chúng ta đã chứng được đạo hạnh cao thông, lại có một đời sống an lạc dù phải đi qua những làn đạn chiến tranh của một thời phong kiến, hoặc một thời lịch sử đẫm máu của toàn bộ nhân loại trên thế giới nói chung, và của người dân Việt Nam nói riêng. Còn ngày hôm nay, Bảo Thành và các bạn có dư dả bước vào Phật môn, thấy cả một núi báu Phật pháp tràn lan ở trên mạng. Kinh sách thì in đầy hết, hình ảnh Phật thì dư giả, tôn tượng thậm chí ta không cần phải đi thỉnh, người ta mang đến tận nhà để cúng dường. Và những ai cần những tôn tượng, di ảnh của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, đều có người gửi tới tận nơi. Còn ngày xưa hiếm hoi, đôi khi chẳng có tượng và di ảnh của Phật. Hồi xưa thầy của Bảo Thành trao cho Bảo Thành chỉ có một cục đá, nói rằng: “Nhìn đá hoá Phật”, mà thuở nhỏ mà, nhìn riết cũng thấy Phật. Bởi có tượng Phật đâu? Chiến tranh, nghèo khổ, khó tìm tượng Phật, thôi thì ở trên núi nhìn đá hoá Phật.

Ngày nay chúng ta nhìn thấy Phật ở khắp mọi nơi trên mạng, trên YouTube, Facebook, Zalo, mọi trang mạng, mọi hình ảnh đều được in ấn. Chúng ta là hậu duệ của những bậc đã đi theo Phật, được thừa hưởng cả một núi báu Phật pháp. Và bước vào ngưỡng cửa của Phật pháp thấy tràn đầy vô lượng kinh điển, hằng hà sa các pháp môn, chúng ta bắt đầu như những thái tử kia, lựa chọn những pháp môn cao quý nhất, những bộ pháp có giá trị nhất, được mọi người tôn vinh, đánh bóng: đây là pháp đệ nhất, đây là pháp tối thượng nhất, đây là phương pháp cao nhất. Và những cách trình bày các phương pháp tối thượng đó chẳng khác gì như những thứ thả ở trên sàn nhà cho trẻ con nó lựa chọn. Và chúng ta đã lăn xả vào những sự quảng bá gọi là Hoằng dương Pháp bảo tông môn của các vị nào đó để giới thiệu cho chúng ta bằng những lời, bằng những văn tự thật là hấp dẫn. Để rồi chúng ta như các thái tử kia nhào tới, nhào tới, chọn lựa. Người chọn được gươm thì bắt đầu cho là mạnh nhất. Người chọn được vàng thì cho là giàu nhất. Chọn được gì thì cho đó là cao quý nhất, lớn nhất. Và hiện tượng thấy được ngày hôm nay giữa các tông môn, giữa các tông phái, giữa các pháp môn, giữa các dòng truyền thừa của Phật giáo qua từng quốc độ, qua từng đất nước, qua từng con người. Và giữa sự gọi là có cơ hội thọ nhận được các pháp môn tới từ những dòng truyền thừa khác biệt vẫn bị mang ra so sánh, cạnh tranh để đưa pháp môn, dòng truyền thừa, phương pháp, kinh điển của mình học là tối cao ở bên trên để muốn có được ngôi vương. Và dĩ nhiên chúng ta thấy, các pháp môn nào cũng xứng đáng cao tột nhất. Mấy ai chẳng lựa chọn những pháp môn được quảng bá ở ngoài kia, mà lại bò xuống thật từ từ, bò xuống thật thấp, và đi tới ngay chỗ hai bàn chân của Đức Thế Tôn để ngồi ở giữa hai lòng bàn chân của Thế Tôn mà thừa hưởng ngôi vương của bậc đại Trí Tuệ, đại Từ Bi hay không?

Các bạn! Trong tất cả hằng hà sa pháp môn, bốn mươi lăm năm trời Đức Phật giảng pháp, lồng ở trong những văn tự, những phương tiện nói pháp, phương tiện để cho chúng sanh hiểu được, Ngài vẫn hàm ý khai thị cho chúng ta báu vật cao quý nhất trong nhà Phật đó chính là ngôi vương của tất cả là Trí Tuệ và Từ Bi. Thái tử kia đã tới với vị Vua cha, và ngồi ở ngay giữa hai lòng bàn chân của Vua cha để thừa hưởng Trí Tuệ và lòng Từ Bi của Vua cha để trị vì dân chúng, và có cái nhìn sáng suốt cai trị thần dân. Chúng ta có tới với kho Pháp Bảo mà chúng ta bước vào như một núi báu từ xưa đến giờ, biết lựa chọn đúng cái cao quý nhất hay không? Đó là Trí Tuệ và Từ Bi hay không? Hay chúng ta tới với Phật pháp trong núi báu trùng trùng duyên khởi thật nhiều các pháp. Ta lựa chọn pháp làm sao đó để mà có công ăn việc làm. Ta lựa chọn tu làm sao đó để thịnh vượng củng cố quyền lực chức vị. Ta lại lựa chọn kinh sách nào dạy về làm sao để sống tăng trưởng đời sống của ngũ dục, của sự giàu có, của tình cảm, của vật chất, của tham, sân, si, của những nhu cầu của cuộc sống con người rất bình thường. Mà đúng mà! Có phải chăng chúng ta đã bước vào núi báu của Phật pháp mà chỉ mong cầu một viên kim cương, hoặc những gì đó sở hữu trong cuộc đời làm người mà thôi? Có đấy! Bởi Bảo Thành và các bạn từng tới chùa, tiếp cận với Phật pháp, tới với Phật là để chỉ cầu xin chư Phật ban cho chúng ta, giúp cho chúng ta có được những nhu cầu phục vụ đời sống của con người mà thôi. Mấy ai tới với Phật mà cầu Trí Tuệ, cầu Từ Bi đâu. Chúng ta nghe các bài cúng, chúng ta nghe các bài kinh hầu hết là cầu đủ thứ lung tung. Rồi coi Phật như một vị thần giữ của, để tới với Ngài, đọc những bài kinh, bài thỉnh, bài vè, bài thơ, văn vần xuôi lắm. Còn lại những bài kệ, kệ ông Phật có nghe được hay không, ta cứ việc tụng đọc, để đào bới vị thần giữ của này những điều ta mong muốn, mặc kệ thiên hạ muốn nói gì thì nói. Chúng ta vẫn đi theo thói quen nhận xét của cuộc đời tới Phật giáo là tìm nhu cầu phục vụ cho đời sống, chẳng màng đến Trí Tuệ và Từ Bi.

Ông bà cha mẹ của chúng ta ngày xưa sống chân chất, tới với Phật pháp là vào núi báu nhưng chẳng tìm những châu báu phục vụ cho đời sống, mà đi thẳng vào nguồn Trí Tuệ viên giác của năng lượng Từ Bi. Nên đời sống của ông bà chúng ta thời xưa đầu trần, chân đất chân chất như vậy mà an lạc. Hình bóng của các ngài vẫn bao trùm sự an lạc, mang lại cho chúng ta những cảm giác tuyệt vời của những ngày tháng lao nhọc trong cuộc đời khi trở về với những kỷ niệm xa xưa. Còn ngày nay chúng ta gặp nhau là biết bao nhiêu những sự chồng chất của lo lắng, sợ hãi, của đau khổ, của phiền não, để rồi chúng ta ngại gặp nhau, chúng ta tránh xa nhau. Còn ngày xưa con cháu rất thích gặp ông bà. Bởi mỗi khi gặp ông bà, chẳng có tiền, chẳng có bạc, chẳng có gì cho, nhưng sà vào vòng tay của ông bà thấy ấm áp, thấy vui, thấy hạnh phúc. Nên những đứa trẻ như Bảo Thành và các vị đó thường muốn trở về quê ngoại, quê nội để có thể xả mình trong bùn lầy, tắm mưa, chạy ngược chạy xuôi quanh nhà của bà ngoại, bà nội mà vẫn hạnh phúc. Còn ngày nay chúng ta trở về những ngôi nhà mà tràn đầy sự trang trí trang hoàng toàn là vàng, toàn là ngọc, toàn là những điều gọi là giá trị trong loài người nhưng mà đó là vàng mã thôi. Người ta dát vàng, có những con người xây lầu cao, cung điện dát vàng đủ hết, thậm chí mà có những con người còn dát vàng cả xe đạp. Họ đã biến vàng thứ cao quý thời xưa trở thành vật trang trí trong cuộc đời, thậm chí mà nhà vệ sinh người ta cũng dát vàng.

Phật pháp ngày nay đã được con người sử dụng như một thể loại văn hóa tâm linh để trang trí cho cuộc đời của họ, chỗ nào cũng thấy Phật Pháp. Người ta dát vàng mọi nơi để thể hiện sự giầu có, sự sang chảnh. Chúng ta mang pháp của nhà Phật, kinh sách của nhà Phật, tượng Phật, hình ảnh Phật, chúng ta dát khắp mọi nơi: từ miệng, mũi, chân, tay, chỗ nào cũng có. Chỗ nào cũng thể hiện sự sang chảnh của sự giầu có Phật pháp của chúng ta, nhưng không nhìn thấu được cốt lõi. Bởi chúng ta có khi nào khiêm tốn như đứa trẻ kia, với tâm hồn ngây thơ, bò tới cha của mình và chỉ ngồi giữa hai lòng bàn chân của cha để có thể trụ vững trong cuộc đời? Chúng ta có khi nào khiêm tốn bò dưới chân Phật và ngồi tĩnh tọa, vững chãi giữa hai lòng bàn chân của Thế Tôn để thừa hưởng kho báu là Trí Tuệ và Từ Bi hay không? Hay chúng ta bò lê bò lết trên nền nhà của cuộc đời để mà tìm kiếm những sự sang chảnh, giầu có về vật chất, và sự thỏa mãn cảm xúc của tinh thần. 

Ta phải suy nghĩ! Các bạn và Bảo Thành có phước báu nhiều. Bởi chúng ta đã vào được núi báu của Pháp Bảo Như Lai, ít nhiều gì mỗi người chúng ta, thế hệ ngày nay đã có cơ hội nhìn thấy Phật pháp, nghe được Phật pháp, học được Phật pháp. Nếm được pháp vị hay không, đó là điều mà mỗi người chúng ta cần phải trả lời cho tự thân. Hay chúng ta chỉ vơ vét những cái nhìn về Phật pháp, nghe về Phật pháp, tới với Phật pháp, rồi biến Phật pháp thành những đồ vật trang trí cho đời sống tâm linh, sang chảnh của người con Phật. Hay chúng ta biết tịch tĩnh ngồi xuống thực hành miên mật, thể nhập vào Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi để nếm được pháp vị giải thoát của Phật ngay trong cuộc đời trần lao khó nhọc mà trên hai năm qua cả thế giới phải đương đầu với đó là đại dịch Covid. Hai năm qua các bạn đã học hỏi được những gì từ những nguy biến xảy ra trên thế giới này? Các bạn còn có cái tâm đi tìm tiền bạc, vật chất, để phục dưỡng cho cuộc đời này hay không? Các bạn có nhìn rõ được cuộc đời mong manh dễ vỡ, dài ngắn chỉ trong một hơi thở mới đó mà chẳng biết có còn không, của cả hai năm trời đại dịch lan tràn và đang phát tán rộng hơn các thể đại dịch biến trạng khó lường hay không? Để rồi chúng ta không màng tới thế sự, chẳng phải là từ bỏ tất cả những điều kiện cần có trong đời sống, mà chúng ta quên đi phần Trí Tuệ hay không? Chúng ta phải trở về Trí Tuệ và Từ Bi, bởi nơi Trí Tuệ và Từ Bi của Thế Tôn chúng ta có một cái nhìn thật rõ về thế giới của con người, để biết sàng lọc những điều cần thiết, ứng dụng vào đời sống con người. Hơn là mù loà, lần mò tranh đấu trong những hiện vật tài kim, quyền lực, để phục dưỡng cảm xúc, thỏa mãn thú vui của tinh thần con người.

Có một gương thật là rõ mà chúng ta phải luôn luôn hỏi rằng: Chúng ta thực sự đã được bước vào núi báu của Pháp Bảo Như Lai, thì chúng ta có trở về tay không hay không? Hay là chúng ta lựa chọn được Pháp Bảo là Trí Tuệ và Từ Bi? Thời Đức Phật, ông Đề Bà Đạt Đa là người cùng sinh ra là anh em họ với Phật trong cung đình, trong cung vua, cũng là một trong những thái tử giàu có đầy đủ hết. Ông ta muốn chiếm đoạt tất cả những gì mà thái tử Tất Đạt Đa (tức là Đức Phật trước khi đi tu). Ông Đề Bà Đạt Đa muốn chiếm hết. Phật đâu có màng đến những điều đó. Phật cũng như đứa trẻ thơ kia. Phật đã bỏ thế sự, những điều mà ông Đề Bà Đạt Đa ham muốn, vượt thành ra đi với hai bàn tay trắng. Bởi Ngài nhìn thấy tất cả những xứ sở cung điện phồn hoa kia chỉ là huyễn giả, vàng bạc, châu báu, quyền lực chỉ là hư ảo. Ngài từ bỏ tất cả,  Ngài đi tới cội Bồ Đề ngồi trên thảm cỏ để tìm ra kho báu mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, đó là Trí Tuệ và Từ Bi. Đề Bà Đạt Đa cũng bỏ cung vua bởi Ngài (tức là Đức Phật ra đi) thì ông Đề Bà Đạt Đa này cũng có tính bon chen, tranh chấp, cũng đi xuất gia làm tì kheo với Phật, nhưng chẳng với mục đích cao cả là đón nhận kho báu Trí Tuệ và Từ Bi. Ông ta xuất gia theo Phật là để tranh giành ngôi Vương với Phật. Nếu không được làm vua, thái tử thì cũng phải là giáo chủ của Phật giáo. Và cứ thế cả cuộc đời của Đề Bà Đạt Đa đã vào được núi báu Pháp Bảo tức là đã xuất gia, đã tiếp cận được với Phật, đã đồng hành với Phật, đã luôn luôn cùng với tăng đoàn. Nhưng ông ta cả cuộc đời tay trắng vẫn là tay trắng, tay không vẫn là tay không, bởi tiếp cận được với Pháp bảo là Trí Tuệ là bậc Trí Tuệ viên mãn là bậc Đại Từ, Đại Bi. Nhưng ông ta không bao giờ nhận ra, chỉ muốn tranh giành quyền lực, đoạt danh, đoạt lợi, bắt tay ngầm với các vị vua thời đó, các vị quan thời đó, với dân chúng thời đó kích động để kích bác Phật, kích động để hãm hại Phật.

Chúng ta nhìn lại đi! Có phải chăng Đề Bà Đạt Đa đang hiện thân trong cuộc đời của mỗi người chúng ta? Xưa gần Phật mà ông ta không học được điều gì, chỉ luôn luôn muốn hại Phật. Chúng ta đang bước vào kho báu của Phật pháp, đầy đủ hằng hà sa vô lượng kinh điển hiển bày trong cuộc sống, dưới mọi dạng phương tiện. Đó là kho báu Pháp Bảo của Như Lai. Chúng ta có lựa chọn Pháp Bảo cao quý nhất là Trí Tuệ Từ Bi hay không? Hay chúng ta chỉ muốn nâng cấp quyền lực sang chảnh của người con Phật đã học được? Bấy nhiêu kinh sách nhiều nhiều, nhiều nhiều, nhiều thầy, nhiều vị sư phụ, nhiều kinh, nhiều sách, nhiều pháp môn, hoặc là dưới những tông phái, những dòng truyền thừa được gọi là cao quý lớn nhất, để rồi mang ra hăm he, đe dọa, so sánh độ cao độ thấp, độ dày độ mỏng. Rồi cứ thế mang Phật pháp ra so kè như hai võ sĩ lên thượng đài đeo găng đấu đá nhau để thể hiện sức mạnh của mình. Không hẳn trong hàng Phật tử chúng ta, mà cả ngay các bậc xuất gia ngày nay vẫn bị vướng vào khi thọ nhận một pháp môn nào đó. Qua cảm giác và sự trải nghiệm tu tập riêng tư của mình, không biết là đã đi tới pháp vị giải thoát, đến được vị giải thoát trong pháp môn đó chưa, nhưng vẫn luôn luôn mang pháp môn đó ra như một chiến sĩ mang khiên sắt ra để che chắn cho cuộc đời của mình. Và đằng sau cái khiên của những chiến sĩ đó, của những người lính ngày xưa đó là những mũi dao, mũi giáo, mũi gươm, để có thể chém, đâm, thọc. Đúng vậy đã mang Phật pháp, tông môn, cái gọi là cao quý thượng, thượng, thượng của mình đó như một lá chắn để trang trí và rồi đâm thọc những pháp môn khác, tông phái khác. Điều đó không hẳn trong Phật giáo, trong tất cả mọi nền tôn giáo luôn luôn có những người khi chưa vượt qua sự chướng ngại của nghiệp chướng dẫn dắt nên đành phải theo lực của nghiệp kéo đi.

Chúng ta, người học Phật là phải tới được mục đích cao cả, đó là thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi. Đã có cơ hội bước vào núi báu Pháp Bảo của Như Lai, chúng ta chẳng màng để mang Phật pháp trang trí cho cuộc sống tâm linh, để muốn hơn mọi người. Mà chúng ta phải thể nhập vào với từng tia sáng Trí Tuệ của Đức Bổn Tôn Thích Ca. Chúng ta phải đắm mình vào dòng suối Từ Bi của chư Phật để từng suy nghĩ, từng lời nói và hành vi của chúng ta là thể hiện năng lượng tình thương siêu thế của chư Phật phát ra Phật quang của Trí Tuệ, hiểu thấu được cuộc đời là Vô thường, là Vô ngã. Bám víu vào vô thường, cái ngã tướng: những gì chúng ta không nhận ra là Vô Thường, cứ tưởng là nó thường có ở trong tay, những gì là Vô ngã là có ngã tướng ta bám víu vào thì sẽ chồng chất cả một núi đau khổ.

Các bạn! Tới với Phật, ngày nay, kinh sách quá nhiều, được trang trí lộng lẫy, sự quảng bá quá hào nhoáng, để chúng ta Phật tử tại gia chỉ cạn cợt đi ở trên cái bên ngoài, chẳng khi nào đầu tư sâu vào bên trong thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi. Và có thật nhiều các vị xuất gia cũng như tại gia, quá vội vội vàng vàng ôm vào pháp môn gọi là tự hào pháp môn những dòng truyền thừa tới từ những vùng đất hoặc những dân tộc ta cho rằng đó là cao nhất. Cái cao nhất trong Phật pháp chẳng phải là pháp môn dòng truyền thừa tới từ xứ sở nào, tới từ bậc tổ sư nào, mà cái cao nhất là tới từ Thế Tôn đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Ngài đã tìm ra con đường để đi vào núi báu của pháp để chúng ta thừa hưởng Trí Tuệ và Từ Bi. Chứ chẳng phải vàng bạc, châu báu, quyền lực để phụng dưỡng cho ngũ dục, cho tài, quyền lực, tình cảm, và những nhu cầu cho cảm xúc và đời sống vật chất đâu. Có được Trí Tuệ là có được tất cả, mà biết điều độ, ứng dụng phù hợp cần thiết cho cuộc đời để san sẻ sự nhọc nhằn đối với thế nhân. Và mang tình yêu thương thắp sáng cho cuộc đời khốn khó, nguy biến đang xảy ra.

Năm mới gần tới, ai biết được sẽ như thế nào? Nhưng theo Phật, dù cho cuộc thế có đổi thay trong hằng hà những cơn nguy biến khó lường, thì chúng ta vẫn lường được rằng: Dưới ánh sáng của Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi, ta vẫn vững chãi như núi sông, thong dong như mây trời, chẳng hề run sợ, chẳng hề sợ hãi, chẳng hề chướng ngại. Đừng vơ vét tất cả Phật pháp vào như một vật trang trí nội thất tâm linh. Cốt lõi của nhà Phật nằm trong Bát Chánh Đạo. Người thể nhập vào Chánh Kiến, sẽ thấu hiểu được Trí Tuệ. Bởi mỗi người chúng ta không thể nhập vào được ánh sáng Trí Tuệ trong sự công phu tu tập thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi, thì người đó sẽ bị xoay vần trong Thập Nhị Nhân Duyên. Tức là phải trầm luân trong Vô Minh rồi phải đi vào mười hai mắt xích, lăn lộn cho tới sanh tử. Hiểu được điều đó, khi chúng ta thiền quán Trí Tuệ là khởi sự cuộc đời bằng Trí Tuệ, chẳng bằng vô minh, thì liền thoát khỏi mười hai sự ràng buộc để đi vào luân hồi sinh tử, chúng ta liền thoát khổ.

Núi báu của Phật pháp, cái cao quý mà chúng ta có cơ hội ngày nay bước vào cần phải thọ nhận đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Chẳng phải là sự so sánh quyền lực sức mạnh thần thông, hay pháp giải thoát nào đó của một tông môn, của một dòng truyền thừa, Đại thừa nguyên thủy, Mật thừa Kim cang. Thừa gì đi nữa thì cũng chỉ là thừa dư, là dư thừa mà thôi. Nếu không thể bước vào được Trí Tuệ và Từ Bi, thì dù là nhất thừa, tam thừa, ngũ thừa, tứ thừa, hay Phật thừa mà chẳng thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi, thì đều là dư thừa không có lợi lạc gì hết. Tất cả những danh gọi là nhất thừa, nhị thừa, tam thừa, tứ thừa, ngũ thừa, Đại thừa, Tiểu thừa, Kim cang thừa, thừa, thừa, thừa gì đi nữa thì cũng chỉ là dư thừa ta chẳng màng. Đi vào Phật pháp không có một cái thừa nào hết, mà chỉ là có sự thừa hưởng Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi. Thể nhập vào thừa hưởng Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi là phải bằng công hạnh quán chiếu NamMô TaMô TaMô  ĐaRaHoang để nhìn rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, vạn pháp đều là Vô Ngã, để chúng ta không bám víu vào, để tạo khổ cho bản thân. Còn tất cả các tông môn, dòng truyền thừa, ngày nay được tán tụng với hằng hà sa những ngôn ngữ văn tự dày cộm chỉ là những vật trang điểm mà thôi. Dĩ nhiên học để thấu được những lý cao siêu, diễn bày của con người ghi chép lại lời của Đức Thế Tôn. Chúng ta phải quán chiếu cho thật rõ vạn pháp là Vô Thường thì Trí Tuệ hiển ngự, vạn pháp là Vô Ngã thì Trí Tuệ hiển lộ. Khổ nó hết chính là bởi vì chúng ta biết rải năng lượng Từ Bi, mang nước Từ Bi cam lồ gội rửa hết mọi những vết thương, những dấu tích đau khổ của chúng ta. Chỉ có lòng Từ Bi, và chỉ có tình thương mới làm lành được tất cả mọi vết thương trong cuộc đời. Và chỉ có Trí Tuệ – ánh sáng của bậc viên giác, chúng ta mới có thể nhìn thấu được vạn pháp là Vô Thường, Vô Ngã, để đoạn khổ, đoạn phiền não.

Các bạn! Năm mới gần tới, cần phải củng cố niềm tin vào Tam Bảo bằng Chánh Kiến nhìn rõ. Đừng vội vàng nhảy vào theo những phong trào học Phật của các tông môn, của các thừa này thừa kia, Đại thừa, Tiểu thừa, Kim cang thừa, nhất thừa, nhị thừa, tam thừa, tứ thừa, thừa thừa thừa… Dư hết, không cần, ta chỉ cần Từ Bi và Trí Tuệ. Và Từ Bi và Trí Tuệ tới từ sự quán chiếu các pháp là Vô Thường, Vô Ngã, để không còn khổ, đó chính là Chánh Kiến. Trong Thiền Mật Song Tu là một phương tiện quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ, nói văn hoa gọi là Trí Tuệ – Từ Bi quán. Nói thật là rõ trong phẩm Phổ môn của mẹ hiền Quán Thế Âm đã nói: Từ Bi – Trí Tuệ quán. Khi chúng ta tu hành được Từ Bi – Trí Tuệ quán thì dù có rớt xuống hầm dầu lửa phun lên ta vẫn tự tại, rớt xuống hầm gươm giáo ta cũng không sao. Rắn rết, bò cạp, sư tử, những loại độc dược, những loại trù ếm trong lao tù cũng đều bước ra, gông xiềng đều đứt hết bởi người đó có Trí Tuệ và Từ Bi. Cho nên để thoát khổ, chúng ta phải thoát ra khỏi sự so sánh giữa các tông môn, giữa các thừa. Đừng phân biệt giữa Đại thừa, Tiểu thừa, Kim cang thừa. Đừng phân biệt đệ nhất thừa, nhị thừa, tam thừa, tứ thừa, ngũ thừa. Đừng để những dư thừa trong văn tự, làm cho ta điên đảo mộng tưởng, mà hãy trở về với nguồn sáng của chân tâm, Trí Tuệ – Từ Bi quán. Thiền Trí Tuệ và Từ Bi trong Chánh Niệm hơi thở thì chúng ta Bảo Thành và các bạn đang kết tập một thứ báu, cao quý nhất trong cuộc đời của những ngày còn lại năm nay như một món quà vô giá siêu thế để cúng dường lên chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền và mang tới trao tặng cho những người yêu thương của chúng ta trong ngày đầu xuân năm nay.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con trong thời đại này đã có cơ hội bước vào núi báu pháp Phật của Như Lai, nhưng vẫn hờ hững và trở về với tay không, bởi chỉ vơ vét tài phú, phụng dưỡng cho đời sống con người và thỏa mãn cảm xúc của tinh thần thế gian. Nay hiểu rõ, thấy được chân lý đạo màu chính là Trí Tuệ và Từ Bi, nguyện một lòng thể nhập vào trong Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Vô Ngã và Khổ. Để chúng con có thể tự tại vững chãi ngồi tĩnh tọa giữa hai lòng bàn chân của Đức Bổn Sư mà thể nhập vào nguồn sáng viên giác và lòng đại từ đại bi của Ngài.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa phật! Nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào ngày hôm nay trong sự đồng tu, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn