Search

Bài 2191. Tâm Hồn Thuần Chay | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật! Chỉ còn một vài tuần nữa thì năm mới sẽ tới, năm cũ sẽ qua, chúng con nguyện đồng tu và xin chư Phật gia trì cho chúng con đón nhận được thật nhiều năng lượng của Tình Thương và Trí Tuệ để quán chiếu trong Chánh Niệm xuyên suốt được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả chư hương linh đều theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành và cho đệ tử của chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt.

Xin chư Phật gia trì!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Giây phút trọng đại nhất trong đời người là ngay trong Chánh Niệm chúng ta gắn kết với Chư Phật mười phương, đón nhận năng lượng của tình thương. Một lòng thành kính và khiêm tốn chúng ta đồng tu để đón nhận năng lượng ngay bây giờ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, với Phật ngôn Mu A Mu Sa, từng âm chúng ta hít vào thở ra và trì cái âm đó, sự rung chấn, sự chuyển động làm cho cơ thể mở ra khỏe mạnh, đón nhận được năng lượng. Từng tế bào như hoa nở đón năng lượng của mặt trời – mặt trời trí tuệ mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Bảo Thành và các bạn trong từng hơi thở chánh niệm như vậy, đón nhận được thật nhiều và thật nhiều năng lượng siêu thế. Đây không phải là một cách nói để hiểu hoặc để diễn giải, mà là một sự thực chứng đối với tất cả các bạn nếu các bạn đồng tu cùng với Bảo Thành! Dù hiện tại đang trực tiếp ở trên kênh YouTube hoặc Facebook hoặc là gián tiếp coi lại sau này, các bạn đưa vào sự thực hành sẽ có sự trải nghiệm thực tế và năng lượng đó bạn cảm ứng được. Mỗi một ngày trôi qua, chúng ta nạp năng lượng của Phật để chuyển hóa những năng lượng tiêu cực và gắn kết với năng lượng tích cực trong sáng thuần tịnh của Phật tánh. Rất cần thiết, rất quan trọng!

Chủ đề hôm nay nói: “Tâm Hồn Thuần Chay”, một tâm thuần chay! Nói về riêng khía cạnh ăn chay, khoa học ngày nay người ta nói thật nhiều bởi đã chứng minh được sự lợi ích vô cùng của ăn chay. Ăn chay tốt cho sức khỏe, ăn chay tốt cho đời sống của tinh thần, cho môi trường sống và ăn chay thật sự rất thực dụng trong thời kỳ này bởi các bác sĩ luôn luôn khuyên chúng ta thường ăn chay. Ăn chay đúng theo phương pháp rất tốt cho sức khỏe!

Khoa học đã chứng minh con người, từ bộ răng của con người không phải là răng ăn thịt bởi không có những răng nanh như cọp, như beo, như loài thú ăn thịt; răng của chúng ta khoa học chứng minh là bộ răng ăn thực vật, củ quả mềm. Hơn thế nữa là ruột của con người của chúng ta thật là dài, dài từ 6m đến 9m, dài lắm các bạn, tùy theo cái tạng thể của mỗi một người. Nó dài như vậy là bởi vì chúng ta không ăn thịt, chúng ta ăn rau cỏ, thực vật, nên độ dài của ruột đủ thời gian thẩm thấu những chất cần thiết qua đường ruột vào trong máu. Vậy nên khi chúng ta ăn thịt thì sự tiêu hóa của chúng ta chậm lại và như vậy đường ruột quá dài mà các loại thịt của động vật lưu thông trong cái đường dài của ruột đó quá lâu không tốt cho sức khỏe, dễ gây ung thư, chất chứa nhiều năng lượng bất tịnh, khoa học chứng minh được điều đó.

Nhưng nói về Phật giáo ăn chay và ý nghĩa như thế nào, chúng ta hãy cùng với Bảo Thành lược sơ qua về lịch sử ăn chay của nhân loại nói chung và của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác nói riêng. Hầu hết các tôn giáo và con người đều đã biết ăn chay. Ăn chay trước thời Phật, ăn chay trước thời các đấng giáo chủ của các tôn giáo lớn được hình thành. Người xưa đã biết ăn chay rồi, như nói đến tôn giáo như Hồi giáo, người ta ăn chay một tháng. Một tháng trời liên tục khi mặt trời lên họ ăn và rồi khi mặt trời lặn xuống rồi họ mới được ăn nữa, họ ăn thật sớm. Cho nên khi họ ăn từ sáng sớm đến tối tức là họ ăn 12 tiếng và sau 24 tiếng tùy theo thời họ mới ăn trở lại. Một tháng trời liên tục như vậy với ý nghĩa tâm linh thanh tịnh thân – ngữ – ý và tẩy rửa tất cả mọi cấu trược trong cơ thể lẫn tâm hồn. Họ ăn chay, họ cầu nguyện thường xuyên!

Đạo Thiên Chúa họ cũng ăn chay vào những ngày thứ sáu của Tuần Thánh. Còn đạo Phật của chúng ta ăn chay theo ngày mùng 01, ngày rằm hoặc thêm những ngày nữa tùy theo sự phát nguyện, còn có những người ăn chay trường hoặc những người xuất gia thì ăn chay. Nhưng trong tông phái của Phật giáo về Đại Thừa, hiện tại chúng ta thấy ăn chay, nhưng về Nguyên Thủy như các nước Tích Lan, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, tất cả các nước đó theo Nguyên Thủy thì các thầy, các sư sãi ăn một ngày một bữa, họ được phép ăn thịt ăn cá tùy theo sự tùy hỷ cúng dường của hàng Phật tử tại gia. Cho nên nếu chúng ta chưa bao giờ thấy mà bất chợt thấy các sư ăn thịt vào buổi trưa, chúng ta thấy ngỡ ngàng nhưng đó là sự khác biệt của chính ngay trong Phật giáo của chúng ta.

Trở về thời Đức Phật, chúng ta nhớ, trong Kinh còn ghi lại, mà nói về Kinh sách thì thời xưa, Đức Phật đến 45 năm trời giảng, không có chữ viết, hầu hết là truyền khẩu truyền miệng, tụng niệm thường xuyên để thẩm nhập và ghi nhớ. Nhưng dù có bộ óc siêu việt tới đâu thì mỗi người chúng ta cũng không có khả năng nhớ hết toàn bộ Kinh của Phật nói trong 45 năm. Cho nên các đệ tử của Phật mỗi người nhớ một ít và cứ thế tụng niệm thường xuyên để ghi nhớ. Cho đến khi Đức Phật tịnh diệt tức là Đức Phật chết đi, một năm sau mới là sự kết tập Kinh đầu tiên, 500 vị đại đệ tử, những người trưởng lão, những bậc chứng đắc A La Hán ngồi lại, bắt đầu tụng truyền những lời của Phật lại cho đúng và có sự chứng minh của 500 vị như vậy để chấp nhận Kinh của Phật còn. Nhưng chỉ là tụng bằng miệng thôi, không có ghi sách lại, đó là kết tập Kinh điển lần thứ nhất. Kết tập Kinh điển lần thứ hai là đến 110 năm sau, trên một thế kỷ sau mới có một đợt thứ hai, thì như vậy hầu hết các bậc đại đệ tử lớn của Phật đã viên tịch rồi. Thì khi Đức Phật mất đi, Ngài đã 80 tuổi, mà đệ tử của Phật, các Ngài đã lớn tuổi lắm rồi, mà 110 năm sau mới kết tập Kinh lại, thì hầu hết các bậc trưởng lão đã không còn. Không còn! Đó là thế hệ thứ hai, thứ ba, đệ tử thứ tư, thứ năm đời sau, ngồi tụng niệm lại và nhắc nhở cho nhau. Và có nhiều sự khác biệt ghi lại ở trong tâm, trong đầu, chữ viết cũng chưa có. Và lần kết tập thứ ba đến 137 năm sau mới là lần thứ ba, tức là trên gần một thế kỷ rưỡi sau mới kết tập lần thứ ba, Kinh sách chia làm 06 bộ phái khác biệt nhiều lắm. Và như vậy theo tạng Kinh Pali được nhớ ghi lại mà sau này những nhà học giả phương Tây tìm kiếm, thì thời ông vua A Dục còn ghi lại bằng tiếng Pali, đó là 200 năm sau. Nhưng người ta tìm ra những dấu tích trên Kinh thì Kinh bắt đầu bằng chữ viết tạng Pali Nguyên Thủy mà ngày nay người ta có thể tìm trở ngược lại xa xưa nhất là vào thế kỷ thứ nhất Trước Công Nguyên, tức là sau 400 năm Đức Phật tịnh diệt.

Trong những tạng Kinh Pali như vậy thì có một đoạn Kinh nói về ăn chay, tức là ông Đề Bà Đạt Đa – người em họ của Phật lúc đó sáng lập ra phương pháp ăn chay và thỉnh lên Chư Phật chứng minh để chư Tăng nên ăn chay, không ăn mặn nữa, thì lúc đó Phật mới nói rằng: “Hãy tùy hỷ! Bởi vì chúng ta đi khất thực cho nên chúng ta ăn bất cứ một thứ gì mà người Phật tử tại gia cúng. Có ba phương thức có thể ăn thịt, đó là không thấy, không nghe và không biết vì ta mà họ giết súc sanh”. Cho nên khi biết được điều đó, không thấy, không nghe và không biết thì được quyền ăn. Cho nên Đức Phật không chấp nhận lời đề nghị của Đề Bà Đạt Đa, Ngài đã không chấp nhận và đó là một trong những dấu tích trong Kinh tạng Pali nói về ăn chay. Và ngày nay chúng ta thấy bên Nguyên Thủy họ vẫn giữ như vậy, cúng dường thịt cá họ đều ăn một ngày một bữa vào buổi trưa.

Trải dài thêm 200 năm sau Đức Phật tịnh diệt, có một vị vua nữa bắt đầu kêu gọi và thành lập một cái luật phải ăn chay, đó là ông vua A Dục. Ông vua A Dục sau 220 năm Đức Phật tịnh diệt, nhờ nương vào Phật pháp mà ông ta thay đổi cách sống và thống nhất được đất nước Ấn Độ thời đó. Thấy được sự nhiệm mầu của Phật pháp nên phát tâm ăn chay, kêu gọi thành lập luật ăn chay từ đời ông vua A Dục. Chúng ta có thể biết được ông vua A Dục nếu du lịch qua Ấn Độ nơi Đức Phật Đản sanh còn một cái cột đá của vua A Dục ngày xưa kiến tạo nên, đó là cột đá duy nhất còn tồn tại. Nhưng tìm lại trong Kinh sách của Phật giáo chúng ta, thì tạng Pali đó được ghi vào thế kỷ thứ nhất Trước Công Nguyên, nhưng trong tạng Kinh Đại Thừa vào giữa thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên cho tới thế kỷ thứ sáu Sau Công Nguyên, trong tất cả các tạng Kinh Đại Thừa bắt đầu được ghi chép bằng ngôn ngữ, thì ở trong đó nhấn mạnh về phương thức và hình thức ăn chay theo Đại Thừa, còn bên Nguyên Thủy Pali không có nói rõ về ăn chay.

Chúng ta không đi vào đó để phân tích rằng nên ăn chay hay không nên ăn chay. Bởi hôm nay chúng ta nói về tâm hồn thuần chay, không phải nói về phương pháp ăn chay như chúng ta thường tranh cãi, tranh luận thật nhiều sự khác biệt giữa cách ăn chay của các tôn giáo, của các tông phái. Hãy để cho những nhà học giả tranh luận vấn đề đó, Bảo Thành và các bạn hôm nay nói đến tâm hồn thuần chay, mà không cần phải là Phật giáo, bất cứ tôn giáo nào, bất cứ con người nào cũng mơ ước có một tâm hồn thuần chay. Một tâm hồn thuần chay sẽ mang lại cho chúng ta đời sống an lạc, hạnh phúc, bình an, tràn đầy năng lượng yêu thương, thân thì nhẹ nhàng thanh thoát, thuần tịnh, ít bệnh, ít phiền, ít não, tâm trong sáng, trí tuệ thì bừng khai. Đó là tâm hồn thuần chay, một tâm hồn thuần chay! Một tâm hồn thuần chay không hẳn phải ăn chay như lược qua lịch sử về cách ăn chay trong tôn giáo hoặc là trong Kinh của các dòng truyền thừa Phật giáo được ghi, để dựa vào đó, chúng ta phán xét lẫn nhau. Mà một tâm hồn thuần chay đứng về mặt tâm linh cũng như trí tuệ khoa học hiện thời để ổn định đời sống con người, ai cũng có đầy đủ cái tư chất để tư duy và suy nghĩ, nhận diện rõ đúng y như lời Đức Phật dạy.

Tâm hồn thuần chay là một tâm hồn chỉ cần giữ được năm giới các bạn ơi! Nếu nói về giới thứ nhất Đức Phật dạy không sát sanh thì không hẳn chỉ có Phật giáo đâu, tất cả mọi con người trên hành tinh này nếu không sát sanh thì không mắc vào nghiệp sát, không tạo nên mối thù giữa con người với con người, giữa con người với động vật, không chất chứa vào cái thân tứ đại mềm yếu này sự hận thù dai dẳng truyền kiếp từ đời này qua đời kia, và rồi cũng không hành hạ thân xác của chúng ta, cái cấu trúc không phải là ăn thịt bởi đường ruột dài thật dài, bởi bộ răng không phải ăn thịt. Cho nên khi chúng ta sát sanh, ăn các loại động vật là chúng ta đang tự hành hạ bản thân của mình bởi đường ruột của chúng ta rất khổ sở để tiêu hóa những loài động vật, thịt của động vật như vậy. Cộng thêm sự sân và đau đớn hận thù của súc vật khi chúng ta giết chúng để phục vụ cho bữa ăn của chúng ta, năng lượng đó còn chất chứa trong từng tế bào và như vậy sẽ thấm vào thân của chúng ta gây độc hại vô cùng. Chưa kể biết bao nhiêu những loại bệnh tàng chứa ở trong các loại động vật, chúng ta thấy như thịt heo có giun có sán, thịt bò, thịt gà, tất cả các loại thịt đều có những loại độc ở bên trong đó, mà ngày nay để phục vụ cho đời sống của con người, hầu hết các loại động vật đều được nuôi bằng sự tẩm các chất hóa học cho mau lớn. Bởi vậy các em bé ăn các loại động vật ngày nay nhiều khi 6, 7, 8, 9 tuổi là đã trưởng thành như người lớn. Mau già, mau phát triển, các hoóc-môn bị các chất kích thích người ta nuôi các động vật đó ảnh hưởng, làm xáo trộn hệ thống phát triển tuần tự tinh khiết của con người. Vậy nên chúng ta thường thấy ngày nay, các bệnh ung thư, đau đường ruột dẫn đến sự chết hoặc phát triển quá cỡ khi tuổi còn trẻ mà đã thành thiếu nữ hoặc là trở thành những vị thành niên lớn tuổi rồi, gây nguy hại. Nam nữ đều phát triển quá cỡ vượt cái lứa tuổi tuổi thơ. Thế giới ngày nay thấy được điều đó, chưa kể sự béo phì quá đáng bởi các chất kích thích trong hoóc-môn mà người ta nuôi các loại động vật nguy hại vô cùng!

Cho nên nhìn về phương pháp khoa học thôi, chúng ta thấy ăn thịt không tốt cho cơ thể của chúng ta! Về mặt tinh thần và tâm linh như Đức Phật dạy thì chúng ta lại phạm giới sát sanh, dù chúng ta trực tiếp hay gián tiếp thì nghiệp sát đã được hình thành và năng lượng sân giận, thù hằn đó vẫn chuyển tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp tới cho chúng ta nhiều ít tùy theo sự tham dự vào nghiệp sát đó. Cho nên các bạn thấy, ăn chay để cho tâm hồn thuần chay chẳng phải là dựa theo những Kinh điển câu nệ theo như vậy để đánh phá nhau mà chỗ ý thức được hành động của chúng ta, cái thân này sát sanh tạo nghiệp và để tránh sát sanh không tạo nghiệp thì ăn chay tức là đã tránh được tội sát sanh. Và tránh được tội sát sanh như thế, sự ăn chay ý thức từ trong tâm để thân không hành động sát chính là đưa đến sự thuần chay của tâm hồn, một tâm hồn thuần khiết, trong sáng!

Giới thứ nhất thôi đã lợi ích vô cùng, mà nếu giới thứ hai nữa, sự thuần chay của chúng ta là không lấy đồ của người không cho phép, không thuộc về ta tức là trộm cắp đó. Trộm cắp về tiền tài, trộm cắp về danh dự, trộm cắp về tiếng tăm, trộm cắp về bản quyền, trộm cắp về thân xác,… nhiều và muôn mặt của sự trộm cắp. Ngày nay chúng ta thấy trên thương trường người ta trộm cắp những cái bản quyền của nhau để làm lợi cho bản thân, thì sự trộm cắp như thế phạm giới thứ hai, làm cho tâm hồn u tối. Mà nếu chúng ta giữ được giới thứ hai này, ta sẽ thanh thản, thong dong và tự tại! Bởi không ăn cắp và không sát sanh, chẳng có một nhà tù nào có thể được xây dựng để nhốt chúng ta, thế gian này ngục tù chẳng có, người ta chẳng cần phải xây dựng ngục tù để làm chi. Và như vậy thì tự nhiên địa ngục sẽ biến mất trong tâm và sự thuần chay trong tâm hồn bởi giữ những giới như thế đã giúp cho chúng ta chuyển hóa, thanh tịnh hóa thân tâm của chúng ta. Chúng ta được thong dong, tự tại, được bình an và hạnh phúc, tràn đầy năng lượng yêu thương!

Giới thứ tư là không nói dối thì giúp cho đầu óc mình thoải mái, ăn ngay nói thẳng, minh bạch, ái ngữ, yêu thương, san sẻ và chẳng dồn vào cửa miệng hoặc thân xác của chúng ta những chất độc hại như các loại thuốc độc, á phiện, thuốc phiện hoặc các loại rượu độc dược ảnh hưởng đến đời sống, loạn thần loạn trí, gây ra tội lỗi. Nếu giữ được năm giới như vậy mới gọi là thuần chay cho tâm hồn được trong sáng, hay nói rõ hơn là tâm hồn thuần chay.

Bạn thuộc tôn giáo nào, để có một tâm hồn thuần chay đều phải giữ năm giới tức là năm điều cần làm để cho tâm hồn được tinh khiết, cho đời sống an lạc, cho thân được khỏe và luôn luôn hạnh phúc. Chẳng cần phải là Phật giáo nữa, và như thế chúng ta sẽ không mắc kẹt vào phương thức của các tôn giáo, của các tông phái nói về góc độ ăn chay khác biệt, kẻ ăn chay là ăn thịt hoặc là ăn rau củ quả. Ngày nay vẫn còn quá nhiều sự bàn luận và tranh luận một cách rất là căng, căng đến mức mà người ta có thể biến bạn thành thù, đưa đến sự chia rẽ tông môn, Phật giáo và các tôn giáo khác biệt. Bởi vì ngay cái ăn chay thôi, người ta đã đặt cái cấp bậc cao lên cho cách ăn chay của tông phái họ và gièm pha, chê bai những người khác. Dựa theo Kinh, trong tạng Pali không bao giờ nói chi tiết bằng ăn chay, mà Phật dạy thật rõ, đón nhận như một dược phẩm để nuôi thân, chỉ cần không biết, không nghe và không thấy. Nhưng nếu cứ tranh luận như vậy để rồi mang cái chi tiết của Đại Thừa ra ăn chay như thế này, ăn chay như thế kia, thì hàng Phật tử Đại Thừa của chúng ta khi vô chùa bên Nguyên Thủy, chúng ta sẽ thấy ngỡ ngàng và sợ hãi bởi ngửi được mùi cá, mùi thịt và nhìn thấy thật rõ trên bữa ăn của các bậc đạo sư, các bậc đại sư, các vị sư thọ thực, thì chúng ta sẽ tán loạn tâm thần và đôi khi phạm vào giới khinh bỉ, chê bai các hàng chư Tăng.

Bảo Thành nói sơ qua về lịch sử như vậy để chúng ta thấy rằng người Phật tử ngày hôm nay, nếu như chúng ta đã ăn chay, chay trường hoặc ăn chay theo từng ngày, từng tháng, ăn chay đúng, ăn chay sai, ăn chay theo giới luật, theo Kinh, theo sách, thì đó là sự lựa chọn tự do của chúng ta. Nhưng sự ăn chay như vậy vẫn là về sự tướng, chưa phải về cái tâm! Sự tướng có khác biệt, nhưng nếu dựa trên sự tướng và câu nệ vào Kinh sách, Kinh điển và sự tướng như vậy thì chúng ta càng tăng trưởng cái tâm phân biệt, cái tâm đối đãi trong thế giới nhị nguyên đúng sai, có không này. Để rồi cứ bàn luận, tranh luận, hý luận đưa đến sự tranh đấu, đấu tranh để đưa mình đến sự chiến thắng, tạo ra hận thù và đôi khi phạm vào giới sát sanh bằng ngôn ngữ xỉa xói, đâm thọc, thô ác, gian trá, giả dối. Sát sanh bằng miệng nguy hại hơn là sát sanh bằng tay! Bởi bằng tay có thể sát sanh 1 và 2, nhưng bằng miệng có thể sát sanh hằng hà sa số và nó còn lưu truyền mãi. Đặc biệt là trong thời đại mà thông tin đại chúng có thể gắn lên những bức tường tồn tại thật là lâu, thì sự sát hại của thể loại ngôn ngữ như vậy càng lâu càng dài và sát hại càng nhiều, nghiệp sát càng tăng trưởng hơn!

Chúng ta trong các khóa đồng tu của tông phái này, tông phái kia thường hay tranh chấp về ăn chay. Đó là một hình thức tạo nghiệp bởi tâm hồn thực sự chưa thuần chay, còn dính mắc và chấp trược vào sự tướng ăn chay! Chúng ta không bàn về chuyện đó bởi là chuyện rắc rối của đời người, nói tới sẽ cãi, sẽ tranh luận, đưa đến sự đả phá khốc liệt và phân tích tỉ mỉ để rồi tạo thêm hiềm khích mà tâm của mỗi người chúng ta sẽ bất an khi tham phần vào sự tranh đấu hơn thua, đúng sai đó! Bảo Thành và các bạn trong nhóm đồng tu Thiền Mật song tu, chúng ta hoàn toàn không đụng chạm đến vấn đề đó, nhưng chỉ khơi nguồn đến cho mỗi người nhận ra ý thức tâm hồn thuần chay là tâm hồn biết giữ năm giới của nhà Phật. Chẳng màng kệ ăn chay về sự tướng, nhưng ăn chay về sự tâm là giữ giới! Và sự giữ giới này sẽ đưa chúng ta thành tựu được một tâm hồn trong đời sống này thuần chay, thuần tịnh, trong sáng, tràn đầy năng lượng, tràn đầy yêu thương. Mà khuôn mặt của chúng ta sẽ sáng, bởi không phải sáng bởi vì ăn rau củ quả, sáng là bởi vì giữ giới. Cái sáng mà giữ giới đó, thì tâm hồn của chúng ta sáng là bởi vì sự phát quang, là ánh sáng của thuần tịnh nơi tâm hồn biết giữ giới. Ánh sáng thuần tịnh nơi tâm hồn biết giữ giới đó, là hào quang mà chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp có thể nhận diện ra chúng ta. Để các chư vị đó tới tiếp cận với chúng ta, hộ pháp cho chúng ta, hộ mạng cho chúng ta và đồng bộ với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc đời! Luôn bảo vệ cho chúng ta! Nói một cách khác là khi chúng ta có một tâm hồn thuần chay bởi giữ giới, chúng ta có những người gì? Tiếng Mỹ gọi là bodyguard, tiếng Việt mình gọi là có những vệ sĩ là Long Thần, Hộ Pháp. Trời ơi, khi chúng ta có vệ sĩ là Long Thần, Hộ Pháp đến bảo vệ, đến đưa dẫn chúng ta tới mọi nơi không tính tiền! Mà có vệ sĩ nào có võ công thượng thừa có thể bảo vệ chúng ta bằng Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên hay không? Có tiền cũng chẳng thỉnh mời được các vị đó tới hộ mạng cho chúng ta đâu! Nhưng chỉ cần các bạn có một tâm hồn thuần chay bằng cách giữ năm giới, thì Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên, các chư vị đó sẵn sàng tình nguyện tới để bảo vệ, để bảo hộ cho chúng ta. Trở thành vệ sĩ suốt cuộc đời cho chúng ta cho tới khi chúng ta có thể thành tựu được Phật quả. Chưa kể đâu, chưa kể nữa, là chúng ta ăn chay thực sự như vậy mà còn chánh niệm hơi thở để khơi nguồn từ bi, thắp sáng đuốc tuệ, thì không những có vệ sĩ là Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên, mà ta còn được chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền kề cận dạy dỗ chúng ta.

Các bạn có biết không, để có thể tiếp cận được chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền dạy dỗ chúng ta, chúng ta phải niệm Phật và đợi đến kiếp sau sanh về, gọi là vãng sanh về cõi Tịnh Độ đó, thì mới có thể gặp được Phật, được Bồ Tát, Thánh Hiền dạy dỗ. Đó, thấy chưa? Mà ngay bây giờ nếu các bạn giữ được năm giới, các bạn đã có vệ sĩ là Long Thần, Hộ Pháp, mà các bạn thiền chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi và trí tuệ nữa, thì không đợi về cõi Tịnh Độ đâu, ngay trong kiếp này, chỗ này, tại đây, chánh niệm hơi thở, bạn đã được chư Phật, Bồ Tát, chư Thiện Thần, Thánh Tăng hiển lộ trong tâm, trong cuộc đời, để trở thành bậc thầy dìu dắt, hướng dẫn và giáo dưỡng các bạn!

Thấy được sự lợi lạc như vậy, bạn mới thấy được giá trị tột cùng của một tâm hồn thuần chay do giữ giới và thiền trí tuệ – từ bi, chẳng phải là dựa trên món ăn bạn ăn để đả phá, để câu nệ, để gièm pha, để tranh chấp, để bàn luận, để phiếm luận, để đấu tranh cho sự tướng ăn chay của ta là tuyệt hảo, là đúng mà người là sai. Cái đó, chúng ta – Bảo Thành, các bạn vẫn thường vấp phải. Bởi sự tướng cồng kềnh trong ăn chay khác biệt của các tông phái, của các tôn giáo, ai ai trong chúng ta cũng tự hào vỗ ngực xưng tên sự tướng ăn chay của ta là đúng, mang cái thước đo mẫu mực của ta đó, của cái ngã cống cao, của cái ngã mạn của ta để đè bẹp những người khác ăn chay mà ta cho rằng là không đúng trong sự ngôn ngữ, sự tướng của ngôn ngữ, gièm pha, thêm bớt, đâm thọc, thô ác, gian dối, ôi cha đủ hết. Sự tướng đó chẳng cần! Chẳng cần sự tướng! Sự tâm, tâm gì? Tâm hồn thuần chay trong giữ giới, trong thiền chánh niệm, trong thiền trí tuệ và từ bi thì các bạn thấy lợi ích vô cùng! Bạn làm đúng, bạn sẽ cảm ứng đạo giao cùng với Phật và Bồ Tát, bạn có mối liên kết chặt chẽ qua năng lượng của tình thương mà mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận được thật rõ!

Cho nên Bảo Thành thành tâm kêu gọi các bạn đồng tu hãy sống một tâm hồn thuần chay bằng giữ giới! Dĩ nhiên là tối thiểu chúng ta phải được thực tập, nhắc nhở bản thân mình qua hành động cụ thể mỗi một ngày. Đừng sát sanh nữa; đó là nghiệp đầu tiên rất nặng! Không những sống giữ giới cho mình mà làm gương để cho những người thân như chồng, như vợ, con cái nhận thấy cái lợi lạc của không sát sanh để có một tâm hồn thuần chay, an lạc, vui, hạnh phúc, khỏe, tươi sáng, mà họ sẽ từ bỏ nghiệp sát để rồi được lợi lạc như chúng ta. Cứ tuần tự như thế, chúng ta giữ cả năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống, sử dụng các chất say nguy hại, làm cho não bộ loạn thần loạn trí, tạo ra những điều không tốt cho người ta yêu thương!

Giữ được năm giới này chẳng cần thiết rằng bạn phải là Phật tử! Hầu hết tất cả mọi tôn giáo, từ 10 điều răn Chúa dạy hoặc các luật của Thánh Allah hoặc của các đấng giáo chủ, đều hướng dẫn chúng ta thâu ngắn như trong năm giới hoặc mở rộng ra cho thấy rõ. Nếu giữ được các giới cấm như vậy, đó là những điều cần làm để cho chúng ta có một tâm hồn thuần chay thật sự trong đời sống này! Đặc biệt trong mùa đại dịch lan tràn hai năm qua và còn nữa tiếp diễn. Và đặc biệt hơn vào cái tháng cuối, chỉ còn vài tuần nữa là hết năm, chúng ta nhất định phải ngồi xuống lắng đọng tâm hồn, chuẩn bị cho mình một cái tư lương trong sáng hơn để hành động trong năm mới, kết thúc một năm cũ với nhiều kinh nghiệm cần phải thay đổi, để chúng ta có một tâm hồn thuần chay thật sự mà phụng hiến cho gia đình, cho chồng vợ, cho con cái, cho các đấng bậc sinh thành, cho nhân loại, cộng đồng và xã hội. Cần lắm, cần lắm sự ý thức như vậy! Để mỗi người chúng ta ghi vào cái sổ của mình những điều cần thiết làm việc trong năm nay, là cần phải có một tâm hồn thuần chay bằng cách giữ năm giới cũng như thiền chánh niệm trí tuệ và từ bi!

Bảo Thành mời gọi các bạn hãy bước lên một cung bậc mới, để những âm thanh vi diệu của Mật ngôn có thể vang vọng trong tâm thức của bạn để thanh tịnh hóa tâm hồn, đưa đến sự trong sáng của cuộc sống!

Bảo Thành mời gọi các bạn bước lên thềm hoa, thềm hoa sen đang nở, để cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành một búp sen dâng lên cho đời, cúng dường lên cho chư Phật bằng sự giữ giới, thiền trí tuệ và từ bi trong chánh niệm!

Bảo Thành mời gọi các bạn lột xác, cái thân xác tẩm độc dược của những sân hận, thù hằn bao nhiêu ngày tháng qua trong năm cũ, để mặc vào cái áo mới, áo mới của tâm hồn thuần chay, cái áo ngũ sắc của năm giới, màu sắc phát ra và lan tỏa đến tận hư không. Để chư Thần, Hộ Pháp, chư Thiên thấy ánh sáng của năm giới, cái áo ngũ giới, cái áo ngũ sắc đó mà ta mặc vào trong năm mới này, sẽ tới tiếp cận với chúng ta, trở thành vệ sĩ cho chúng ta. Và cái áo ngũ sắc, ngũ giới đó phát quang để chư Phật, Bồ Tát nhận ra ở dưới cuộc trần này, dù nghiệp chướng thật nhiều, kiếp người ngắn ngủi, tội lỗi vô cùng, vẫn có kẻ giữ giới, để Phật và Bồ Tát tới với cuộc trần độ hoá cho dân gian!

Đây là ý nghĩa cao cả của một tâm hồn thuần chay mà mỗi người chúng ta cần phải ý thức đưa vào thực tập, để thay đổi cuộc đời của mình như là một món quà đặc biệt nhất được Phật trao tặng, được Bồ Tát, Thánh Hiền gửi tới, được Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên – vệ sĩ đặc biệt bảo vệ cho chúng ta, để hiến tặng cho những người ta yêu thương! Hãy lãnh nhận ngay món quà này bằng cách giữ giới, bằng thiền trí tuệ và từ bi chánh niệm hơi thở, để chúng ta chuẩn bị bước qua một năm mới tràn đầy hồng phúc của ba ngôi Tam Bảo!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu, chẳng màng đến sự tranh luận của phương thức sự tướng ăn chay khác biệt của các tôn giáo, tông phái. Nay thấu rõ, giữ Năm Giới là ăn chay giúp cho tâm hồn được thuần tịnh, trong sáng. Nguyện một lòng mặc vào áo mới ngũ sắc Năm Giới này trong từng bước chân an lạc tiến về ngày mai.

Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thành tựu được hạnh Tinh Tấn và Chánh Định trong giữ Giới!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts