Search

Bài 2190. Bánh Xe Luân Hồi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết thiền Chánh Niệm Trí Tuệ – Từ Bi quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các đệ tử, Phật tử luôn luôn tinh tấn, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ. Nguyện siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Trong hơi thở này, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Một lòng thành kính và khiêm tốn đón nhận năng lượng từ chư Phật rải xuống cho chúng ta. Qua hơi thở Chánh Niệm, quán chiếu thân tâm của mình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:06) Mô Phật! Các bạn, chủ đề hôm nay là Bánh Xe Luân Hồi! “Bánh Xe Luân Hồi” là một biểu tượng của Phật giáo và các nền tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ. Con người thuở xưa đi bộ, làm việc bằng chân tay. Phát minh có lẽ sớm nhất trong sự vận chuyển trên đường bộ là xe bò, xe ngựa hoặc xe dê. Và dĩ nhiên các loại xe thời đó có hai bánh tròn, biểu tượng cho sự vận chuyển và đi tới từ điểm này tới điểm kia, tới mục đích của mình. Và con người coi bánh xe như là một biểu tượng luân chuyển. Tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ hoặc ở vùng châu Á thời đó, biểu tượng cho sự di chuyển của đời sống con người từ đau khổ thăng hoa tới hạnh phúc. Và người thời đó cũng như các tôn giáo: Kỳ Na giáo, Ấn Độ giáo, Bà La Môn giáo đều lấy bánh xe làm biểu tượng cho tôn giáo của mình.

Đức Phật trong thuyết pháp đầu tiên tại vườn Nai gọi là pháp luân thường chuyển, thì các đệ tử vào thời đó cũng biểu tượng và hình dung ra pháp luân thường chuyển là bánh xe pháp luân hay còn gọi là bánh xe luân hồi. Theo như chuyện kể trong Kinh Thí Dụ thì thuở xưa Ngài trưởng lão Mục Kiền Liên, Ngài có thần thông đi tới mọi cảnh giới từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula và chư thiên cho nên Ngài thường về kể cho các đệ tử và các huynh đệ nghe về những cảnh giới đó. Đức Phật một thuở đi ngang qua, thấy nhiều người tập trung đông, nghe vị trưởng lão Mục Kiền Liên kể chuyện và hỏi rằng: “Hôm nay sao lại có sự hứng thú nghe Ngài Mục Kiền Liên giảng hoặc nói. Vậy thì trưởng lão Mục Kiền Liên nói chuyện gì mà hứng thú vậy?”. Đệ tử tác bạch với Phật rằng: “Ngài kể về những cảnh giới trong luân hồi”. Đức Phật liền nói với tất cả các đệ tử rằng: “Dù là trưởng lão Mục Kiền Liên hay bất cứ một vị trưởng lão nào đi nữa, không thể có mặt cùng một lúc giữa hai cảnh giới khác biệt. Không thể có mặt cùng một lúc giữa hai cảnh giới khác biệt!”.

Từ đó Ngài chọn bánh xe luân hồi và nói với đệ tử hãy treo lên để nhìn vào bánh xe đó làm biểu tượng cho sự luân chuyển thường xuyên không dừng ở bất cứ một điểm nào. Làm đề mục để cho đệ tử quán chiếu sống trong chánh niệm. Bởi quá khứ như là một bánh xe chạy mãi không ngừng và tương lai thì cứ vận chuyển chưa thể tới, nhưng hiện tại thì đang ở đây. Bởi trên bánh xe, tuy rằng nó có nhiều điểm, nhưng chỉ có một điểm tiếp xúc với mặt đất mà thôi. Đó chính là điểm của hiện tại!

Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại đang tiếp xúc với mặt đất. Và điểm tiếp xúc với mặt đất đó tạo thành năng lượng để vận chuyển xoay vần cuộc sống của con người. Từ đó mà hình thành bánh xe luân hồi. Dĩ nhiên trang điểm thêm để cho nó đầy đủ các biểu tượng về Phật giáo, để quy về bánh xe luân hồi là biểu tượng cốt lõi chứa đựng đầy đủ tinh thần Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các pháp tu của nhà Phật nó trở thành biểu tượng của Phật giáo. Dĩ nhiên bánh xe thời xưa, bánh xe bò có nhiều căm xe hoặc là nan xe, nhưng khi hình thành bánh xe luân hồi của Phật giáo thì nó chỉ có tám nan hoa tức là tám căm xe tượng trưng cho Bát Chánh Đạo và nhiều hình tròn nan xoáy ở bên trong biểu tượng cho lục đạo luân hồi hoặc những cảnh giới khác. Bởi là biểu tượng, nên càng ngày càng đưa vào những hình ảnh của Phật giáo để trang điểm cho biểu tượng của bánh xe luân hồi, tóm gọn ý nghĩa lời Phật dạy ở trong đó.

Nói đến các tôn giáo khác, chúng ta cũng thấy mỗi một tôn giáo có một biểu tượng khác biệt. Ví dụ như một tôn giáo lớn khác là Thiên Chúa giáo lấy cây thánh giá làm biểu tượng cho sự hy sinh, cho sự cứu rỗi, cho tình yêu của Thượng đế, của con Thiên Chúa cứu vớt loài người, thì bánh xe luân hồi là biểu tượng cao cả của nền Phật giáo, nhìn vào đó, mỗi một người chúng ta biết thiền quán chiếu chánh niệm. Như đã nói, trên toàn bộ bánh xe có nhiều điểm nhưng chỉ có một điểm giao tiếp với mặt đất để tiếp tục vận hành đời sống của chúng ta, nếu chúng ta không chánh niệm hơi thở, quán chiếu và sống ngay trong điểm hiện tại này, thì chúng ta sẽ rơi vào ảo tưởng. Và dĩ nhiên muôn điều đau khổ sẽ tới trong thế giới ảo của tưởng thức, không có chánh định hiện hữu trong điểm hiện tại đang sống này. Đó là bánh xe luân hồi, ý nghĩa nó như vậy!

Chúng ta hôm nay nói đến bánh xe luân hồi mang ý nghĩa rằng chúng ta là người phải nghe chư Phật nhắc nhở, như câu chuyện vừa kể về Ngài Mục Kiền Liên thường hay kể về những thế giới khác, thì Đức Phật đã nói rằng: “Dù là trưởng lão Mục Kiền Liên hay bất cứ vị trưởng lão nào, bất cứ một ai cũng không thể đồng một lúc ở trong hai cảnh giới khác nhau. Chỉ ở một cảnh giới mà thôi!”. Ý nhắc khéo rằng trong chúng ta thường dễ bị lôi cuốn vào những cảnh giới xa xôi, mù tịt và thường gặp những vị như Ngài Mục Kiền Liên kể về cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, như xuất hồn, như cận tử nghiệp tới hoặc là chết rồi trở về hồi dương, kể lại những chuyện họ đã đi tới chỗ này, đi tới chỗ kia. Từ đó có những Kinh từ địa ngục hay thuyết địa ngục, người ta cứ kể, kể, kể. Và ai cũng luôn luôn kể về những cảnh giới mà toàn bộ những con người đang nghe không thể và chưa bao giờ đi tới được. Nhưng nó hấp dẫn vô cùng! Vậy nên Đức Phật mới nhắc nhở bánh xe đó để thấy rằng trên bánh xe luân hồi luôn luôn luân chuyển không ngừng. Và sự luân chuyển đó đưa chúng ta tới, tới và tới. Chỉ có một điểm chạm trên mặt đất đó chính là hiện tại! Ngài ngầm dạy cho chúng ta hãy trở về sống trong hiện tại, trong chánh niệm hơi thở hiện tại của cuộc đời!

Cuộc sống có muôn mặt. Phát triển về thế giới vật chất và tinh thần như là một bánh xe của loài người. Nếu nói loài người là một chiếc xe có hai bánh như chiếc xe bò thuở xưa hoặc xe ngựa hai bánh, thì chúng ta thấy rằng tinh thần và vật chất là một bánh xe. Nếu chiếc xe của cuộc đời con người chỉ có một bánh xe thôi thì nó không thể vận chuyển lưu thông được, nó cần phải có một bánh xe thứ hai đó là bánh xe tâm linh, đạo đức. Bánh xe vật chất và tinh thần tương tác hài hoà với bánh xe tâm linh và đạo đức giữ được sự thăng bằng cho chiếc xe của cuộc đời vận chuyển đi tới và làm cho đời sống của chúng ta thăng hoa hạnh phúc.

Đó là loại bánh xe mà ta vừa nói tới, có bánh xe luân hồi của tâm linh đạo đức và bánh xe của vật chất tinh thần. Nhưng người ta không chế ra xe chỉ có hai bánh và nếu nói như cuộc đời con người là một chuyến xe có bốn bánh. Bốn bánh như xe ngựa, bốn bánh thời xưa hoặc là xe bây giờ, là xe hơi bốn bánh, thì nó có sự thăng bằng và có thể chuyên chở được nhiều người hơn. Xe hai bánh chuyên chở ít, nhưng xe bốn bánh có thể chuyên chở được nhiều. Thì bây giờ nói đến bốn bánh xe trong cuộc sống tâm linh của bánh xe luân hồi đó, nó lại thiên biến vạn hóa thành bốn bánh xe. Bốn bánh xe đó chính là tâm Từ là một bánh xe; tâm Bi là một bánh xe; tâm Hỷ là một bánh xe và tâm Xả là một bánh xe. Tứ đại tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn bánh xe luôn luân chuyển. Và dù là bốn bánh xe nhiều điểm trên bốn bánh xe đó đi nữa, thì nó cũng chỉ tụ trên bốn điểm của mỗi một điểm của một bánh xe mà thôi, đó là Từ; Bi; Hỷ; Xả.

Nay trở về với con người cuộc sống của thực tại giữa đạo và đời thì chúng ta lại có hai bánh xe gọi là trí tuệ và từ bi. Nếu trong cuộc đời thiếu đi từ bi thì cuộc đời sẽ luôn luôn tranh chấp, hung ác, giận dữ, sẽ u tối lắm. Và nếu như cuộc đời không có bánh xe của trí tuệ thì cuộc đời này chỉ là một xác chết di động được gọi là xe của xác chết, ướp từ vô lượng kiếp qua vẫn lăng nhăng bay bổng, nhảy múa trong cuộc đời này mà thôi.

Từ ý nghĩa này chúng ta nói rằng chẳng cần phải phân tích sâu xa về những hình ảnh của Phật giáo đặt để vào bánh xe luân hồi hay còn gọi là bánh xe pháp luân thường chuyển mà chúng ta thường thấy đây là biểu tượng của Phật giáo nơi các chùa chiền, nơi các Kinh sách. Một biểu tượng thật tốt đẹp! Nhưng hôm nay chúng ta phải đi tới biểu tượng cao cả tốt đẹp mà Phật đã nhắc nhở Ngài trưởng lão Mục Kiền Liên và các đệ tử thời đó rằng hãy treo bánh xe lên mà quán chiếu để thấy rằng trên bánh xe nhiều điểm kia chỉ có một điểm tiếp xúc với mặt đất đó chính là chánh niệm.

Chúng ta thiền chánh niệm hơi thở chẳng phải lăng quăng như bánh xe xoay vần xoay vần để chúng ta cứ nhìn vào đó mà tìm cách bắt những điểm ở trên bánh xe, mà không kịp vì nó luôn luôn xoay chuyển rồi chúng ta nhìn theo, xoay theo chóng mặt rồi té xuống. Biểu tượng bánh xe mà đức Phật kêu treo lên cho đệ tử quán chiếu chính là nhắc nhở mọi người hãy dừng lại. Cái tâm hãy dừng lại, hãy dùng bánh xe như một biểu tượng để như một đề mục quán chiếu thấy rõ chánh niệm để trụ tâm. Đừng phóng tâm, đừng phan tâm, đừng để cho tâm phóng dật, phan duyên, chạy ngược chạy xuôi mà trụ tâm ngay ở điểm chánh niệm, ở điểm mà ta có thể tiếp xúc với cuộc sống, điểm đó là điểm ta hít vào và thở ra. Ngay giao điểm của hít vào, thở ra là sự sống! Chánh niệm ta quán chiếu ngay chỗ đó!

Điểm thở ra và hít vào là điểm, là giao điểm, là biểu tượng của sự sống bởi sau đó không hít vào được nữa là sẽ chết. Thấy được giá trị của chánh niệm, thấy được giá trị của giao điểm sự sống hiển lộ ở giữa cái hít vào, thở ra đó để chúng ta nhận định con người và giá trị sống này ngay ở chỗ đó, tích cực, tinh tấn, nỗ lực để phát triển ngay điểm sống đó, hướng thượng, thăng hoa trong từ bi và trí tuệ. Hướng thượng, thăng hoa trong từ bi và trí tuệ! Từ một điểm đó thôi, một điểm sống đó thôi, mà chánh niệm hướng thượng, thăng hoa trong trí tuệ và từ bi thì ta đã thành tựu được sự an lạc viên mãn. Bởi chính điểm giao tiếp với mặt đất mà nó tiếp xúc đó, nó vận chuyển đó, nó vận hành đó, nó tạo nên lực để đẩy bánh xe tiếp tục xoay.

Chính điểm hiện tại ta đang sống đây, điểm mà sự sống thực sự là ở đó, giữa hơi thở vào ra đấy, ta tích lũy được năng lượng từ bi và trí tuệ nó tạo nên lực vi diệu để vận hành cả đời sống con người, và từng điểm, từng điểm, từng giây phút, từng giây phút chánh niệm, chúng ta an trú trong đó, tinh tấn, nỗ lực và thường trụ trong ánh sáng trí tuệ bổn nguyên của Phật tánh, khơi nguồn từ bi để sống, các bạn và Bảo Thành sẽ tiếp cận được với mặt đất, tức là tiếp cận được với Phật tánh. Ngay điểm của bánh xe tiếp cận với mặt đất, nó tạo thành một lực để vận hành toàn bộ bánh xe và làm cho toàn bộ chiếc xe tiến tới phía trước, đi về đích, ngay điểm mà ta hít vào thở ra, ta chánh niệm được trong trí tuệ và từ bi, nó tạo thành lực phi thường, vi diệu bởi nó tiếp xúc được Phật, tiếp xúc được với pháp.

Chánh niệm hơi thở trong Bát Chánh Đạo là một pháp phương tiện, là pháp của Phật dạy. Ai hiểu pháp, thực hành pháp đó, thành tựu pháp đó, là gặp được Phật. Thật là rõ! Đức Phật không muốn con người thờ Ngài. Các bạn nhớ, Đức Phật không muốn con người thờ Ngài như một vị thần mà muốn mọi người tới với Ngài như một vị thầy. Bởi vậy trước khi viên tịch, Đức Phật đã nói với A Nan rằng: “Pháp của ta rất quan trọng! Đừng tôn thờ ta, mà ai gặp được pháp, hành được pháp, chứng được pháp tức là thấy được Phật!”. Pháp chánh niệm hơi thở trí tuệ và từ bi thiền quán này, ngay trong giao điểm của sự sống hiển lộ của hơi thở vào ra đó, ta chánh niệm từ bi – trí tuệ, hành cho miên mật, thì chính là cơ hội dù chúng ta sinh ra sau Phật 2560 mấy năm, vẫn có thể diện kiến được Phật y như trong Kinh Niết Bàn mà Đức Phật đã truyền dạy cho ông A Nan. Thấy pháp, hành pháp, chứng pháp là thấy Phật! Pháp chúng ta đang hành là pháp Thiền Mật song tu chánh niệm hơi thở từ bi và trí tuệ. Các bạn đã thấy được pháp này, các bạn đã hành được pháp này và các bạn đã thấy được sự lợi lạc của pháp chánh niệm từ bi và trí tuệ đó là các bạn tiếp cận được với Mật điển từ bi và trí tuệ, các bạn tiếp cận được với nguồn năng lượng siêu thế trong suốt, không uế trược của Phật tánh, các bạn đã trong điểm của bánh xe thường chuyển của hơi thở chánh niệm, tiếp cận được với bề mặt của tâm thức Phật tánh thanh tịnh, các bạn đã gặp được Phật.

Chánh niệm hơi thở là một điểm, nhưng không có điểm tiếp cận với mặt đất, không có điểm của sự sống tiếp cận với tâm Phật, thì con người này chỉ là thây ma, thì xe kia chẳng thể di chuyển và sự lưu thông chẳng thể có thể chuyên chở hàng hóa và con người. Thì dĩ nhiên trong chánh niệm hơi thở, điểm sự sống của chánh niệm đó mà ta không thể tiếp cận được với bề mặt tâm thức thanh tịnh của Phật tánh, thì mọi sự tu của chúng ta không thể chuyên chở sự an lạc để đi tới đích và trao tặng, phụng hiến cho tha nhân. Vậy nên sự vận hành của trí tuệ và từ bi trong hơi thở chánh niệm, chúng ta có cơ hội tiếp cận với mặt tâm thức Phật tánh của chúng ta. Chúng ta có cơ hội tiếp cận với bề mặt năng lượng Mật điển của chư Phật và đây là tha lực Phật điển siêu mầu để vận chuyển tâm thức của chúng ta thăng hoa tiến tới và cái kết là sự an lạc và hạnh phúc tràn đầy trong đời sống của mỗi người.

“Bánh xe luân hồi” mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa của lịch sử của các tôn giáo, ý nghĩa biểu tượng của một nền Phật giáo cao cả như tất cả những biểu tượng của các tôn giáo khác. Chúng ta – người học Phật, tôn trọng và luôn luôn quán chiếu biểu tượng cao cả đó, để dẫn chúng ta thể nhập vào ý nghĩa cao cả hơn của sự vận hành toàn bộ của bánh xe luân hồi đó chính là chánh niệm. Điểm chánh niệm Đức Phật đã nhắc rất quan trọng! Nó là một trong những pháp tu của Bát Chánh Đạo để hiểu thấu được tinh thần Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bánh xe này nếu trụ được ngay điểm chánh niệm, tiếp cận với bề mặt tâm thức của Phật tánh, nguồn sáng trong ngần, tinh khiết ấy, thì chúng ta, mọi người sẽ luôn luôn vận hành cuộc đời của mình tiến về hướng thật sáng, thật từ bi, thật an lạc, thật hạnh phúc. Và chuyến xe cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ có đầy đủ hàng hóa của trí tuệ và từ bi, năng lượng vi diệu để phụng hiến, để trao gửi, để hiến tặng cho tất cả mọi người ta yêu thương và những ai có nhân duyên đi vào cuộc đời của chúng ta.

Thiền chánh niệm hơi thở là thiền để nhìn thấu sự vận hành của bánh xe luân hồi trong sáu nẻo lục đạo. Thiền chánh niệm hơi thở là thiền để thấy rõ giá trị cao cả của trung tâm điểm đời sống con người giữa hơi thở vào và hơi thở ra, giữa sự khởi nguồn của tâm từ bi và thắp sáng của trí tuệ viên mãn nơi bậc giác ngộ, để mỗi một đời người của các bạn và Bảo Thành, của tất cả mọi chúng sanh đều là một chuyến xe. Một chuyến xe pháp có đầy đủ pháp lạc, pháp thiện, có đầy đủ tư lương để người ta có thể thoát khổ trên cuộc hành trình của kiếp người này. Và không những thế, chuyến xe cuộc đời của chúng ta, sự vận hành của bánh xe vật chất và tinh thần đúng với luật nhân quả cùng với bánh xe của tâm linh và đạo đức kia, bổ túc cho nhau. Để đời người, giữa đạo và đời, hai bánh xe đạo, đời đó vận chuyển chiếc xe của cuộc đời chúng ta, chuyên chở được tự thân đầy đủ tư lương và chuyên chở được tất cả những người ta yêu thương như ông bà, như đấng bậc sinh thành, như gia đình, vợ chồng, như bạn bè, quyến thuộc hoặc như tất cả những ai ta có cơ hội tiếp cận với họ trong cuộc đời này.

Thiền chánh niệm hơi thở trí tuệ và từ bi rất quan trọng! Bởi thiếu điểm chánh niệm này, thì toàn bộ bánh xe không thể tiếp cận được với mặt đất. Nó chỉ xoay ở trên hư không và như thế chuyến xe của cuộc đời cũng chỉ dừng lại ở điểm không. Điểm mà không thể thành tựu để thoát khổ. Còn nếu như chúng ta chánh niệm được hơi thở từ bi – trí tuệ, nghĩa là toàn bánh xe của cuộc đời chúng ta đã có điểm để tiếp cận tạo lên một lực vi diệu để đẩy chúng ta thoát khổ đi về bến an lạc, điểm đó tức là điểm của thềm tâm thức. Bánh xe không tiếp cận với mặt đất dù chỉ là một điểm thì không thể tiến tới, chánh niệm hơi thở là điểm mà chúng ta có thể tiếp cận được với sự sống tâm linh qua thềm tâm thức của Phật, Phật tánh nơi chúng ta.

Chúng ta nhất định phải nỗ lực! Nhớ rằng, sức mạnh của bánh xe và toàn bộ chiếc xe có thể đi về phía trước cũng chỉ nhờ một điểm tiếp xúc với mặt đất. Dù bánh xe quay với tốc độ thật là mạnh nhưng nó không tiếp xúc với mặt đất thì chẳng bao giờ có thể đi về phía trước. Do đó chánh niệm hơi thở là điểm tiếp xúc với Phật tánh, điểm mà ta gặp được Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Bánh xe của cuộc đời bằng trí tuệ và từ bi, bằng chánh niệm của hơi thở tiếp tục vận hành xoay chuyển để đi lên. Đi lên đỉnh cao và dĩ nhiên các bạn biết, bánh xe càng lên cao và khi ở trên cao, ta sẽ có cơ hội nhìn thấy hằng hà sa những cảnh giới tuyệt đẹp. Ai đã từng lên đỉnh núi, sẽ thấy được cảnh giới tuyệt đẹp dưới các thung lũng xen lẫn những rừng cây, mây trời thì gần gũi, không khí thì trong lành, đẹp lắm! Đối với những buổi dã ngoại, chúng ta lên núi là một điều tuyệt vời! Và dĩ nhiên, khi bánh xe của chúng ta vận chuyển lên đỉnh cao của cuộc đời thành tựu được sự an lạc, trên đỉnh cao sự an lạc đó, bánh xe sẽ phải vận hành thật là khó khăn và gặp nhiều trở ngại, bởi nó đang lên dốc. Đang lên dốc các bạn à!

Không phải là lên dốc như của một bài hát mà Hàn Mạc Tử chế tác ra là “Đường Lên Dốc Đá”. Đường lên dốc đá là chuyện bình thường. Nhưng đường lên dốc của đỉnh cao trí tuệ, mỗi người chúng ta sẽ phải gặp thử thách, và bánh xe chánh niệm hơi thở, trung tâm điểm của sự sống tiếp cận với trí tuệ và từ bi sẽ tạo thành một lực phi thường để toàn bộ chiếc xe cuộc đời của chúng ta có thể đạt tới đỉnh cao của trí tuệ và nhìn thấy được sự an lạc viên mãn đời đời kiếp kiếp. Dĩ nhiên ngay trong cuộc sống này, không cần phải đợi đến kiếp sau. Không phải đợi đến kiếp sau! Ta sẽ đạt tới sự an lạc và hạnh phúc viên mãn!

Dù vẫn biết bánh xe của cuộc đời, chuyến xe của đời người đang đi lên trên dốc gặp nhiều thử thách. Nhưng chính bởi chúng ta nhận diện thật rõ giữa điểm giao thời của sự sống hiển lộ của hít vào, thở ra, chánh niệm được trong trí tuệ và từ bi, sẽ có được Mật điển, sẽ có được tha lực Phật điển khế hợp hài hòa với tự lực của chính mỗi người chúng ta. Thế là bánh xe của cuộc đời này và chuyến xe của kiếp người này sẽ vẫn tiếp tục, vẫn tiếp tục di động, di chuyển, di chuyển để chứng đắc được chân lý hằng sống mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta.

Các bạn thân mến, Bảo Thành nói như vậy luôn luôn nghĩ rằng các bạn hiểu thấu! Chánh niệm hơi thở, đề mục chánh niệm hơi thở, sự thiền định trong trí tuệ và từ bi qua chánh niệm hơi thở là pháp vi diệu nằm trong Bát Chánh Đạo. Là một trong những biểu tượng trong bánh xe luân hồi hoặc là bánh xe của pháp luân thường chuyển, thường chuyển không dừng. Nhưng sự thường chuyển đó vẫn phải là sự thường chuyển ngay điểm tiếp xúc. Và điểm tiếp xúc giữa hơi thở vào và hơi thở ra là biểu hiện của sự sống. Nếu không có điểm tiếp xúc đó, ta chết. Vậy hãy sống ngay trong chánh niệm giữa giao điểm của hơi thở vào, hơi thở ra, thường trú trong Mật ngôn Mu A Mu Sa để ngay điểm đó khơi nguồn từ bi, thường trú trong Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để ngay giao điểm của sự sống đó, ánh sáng trí tuệ bừng khai. Và để ngay đó, tự lực của chúng ta sẽ thể nhập vào với tha lực Phật điển của chư Phật, và qua Mật điển ấy, chúng ta sẽ được liễu thông từng lời, từng lời của bậc thầy cao cả là Đức Bổn Sư truyền dạy cho chúng ta.

Sống mà hành đúng pháp của chư Phật, sống mà thực hành pháp chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, là ngay đời sống ấy, ngay điểm sống đó, ta đã gặp được Phật. Gặp được pháp, hành pháp và chứng được pháp là gặp được Phật, thấy được Phật và đồng hành với Phật. Đây thật là rõ! Mà thấy Phật, gặp Phật và đồng hành được với Phật là thấy được chân lý. Bởi Phật là thầy, đồng hành với một vị thầy thì nhất định ta luôn được dắt dìu, được dìu dắt, được hướng dẫn để chuyển hóa mọi phiền não, mọi đau khổ. Biến chúng thành an lạc và hạnh phúc ngay trong chánh niệm. Cõi Tịnh Độ, cõi Phật, Niết Bàn có hay không chính là điểm này! Rất thiết yếu trong sự tu tập!

Bảo Thành mời gọi các bạn hãy suy nghĩ cho thật kỹ để hiểu được giá trị của điểm giao tiếp với thềm tâm thức Phật tánh của chúng ta là chánh niệm hơi thở! Các bạn không cần phải mua bánh xe bò hoặc một bánh xe luân hồi pháp luân thường chuyển để treo lên trước mặt để quán chiếu. Bởi bây giờ chúng ta bước ra khỏi cửa là đã thấy bánh xe rồi, ngồi trong nhà cũng thấy nhiều bánh xe lắm, nhà nào cũng ít nhất là một chiếc xe Honda có hai bánh. Và đã gọi là bánh xe thì chúng ta phải thấy được sự vận hành của bánh xe là sự di chuyển, nó có thể tới. Mà để di chuyển thì dù toàn bộ một bánh xe đó có nhiều điểm, thì dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng nhận ra có một điểm trên bánh xe đó chỉ tiếp xúc với mặt đất, để rồi điểm đó tiếp tục điểm đó, tiếp tục điểm nữa và tiếp tục điểm kế thúc đẩy, đưa xe về phía trước.

Từng chánh niệm hơi thở là từng điểm ta tiếp xúc với đời sống thực sự. Từng chánh niệm hơi thở của trí tuệ và từ bi là ta tiếp cận với sự sống thực sự. Và trong sự sống thực sự của trí tuệ – từ bi chánh niệm đó, là ta thực sự tiếp xúc được với Pháp, với Phật, với Tăng, với Bồ Tát, Thánh Hiền, với Long Thiên, Hộ Pháp, với chư vị Thiện thần. Hiển linh vô cùng! Sự hiển linh này nằm ở sự thực tập chánh niệm hơi thở. Nếu các bạn thể nhập vào được ở trong đó, Mật điển tha lực sẽ tác động vào sự tự lực tinh tấn tu luyện của các bạn. Để bạn sống thực sự rõ ràng trong từng hơi thở của chánh niệm vào ra. Để mỗi người chúng ta không phải là may mắn đủ phước mà là thực tế theo lời Phật, gặp được Phật – Pháp – Tăng trong đời sống hiện thời của chánh niệm từ bi và trí tuệ. Và dĩ nhiên chúng ta sẽ là một cỗ xe Đại Thừa, một cỗ xe của Phật Thừa, một cỗ xe của trí tuệ và từ bi, vận hành để phụng hiến cho đời sống của chính mình đúng với ý nghĩa làm người, thực hiện theo chân lý Phật giáo, đạo đức của Thánh Hiền, của chư Phật và sung túc về đời sống cần có vừa đủ, thiểu dục tri túc về vật chất lẫn tinh thần, nhưng dư dả tư lương về đời sống tâm linh để phụng hiến cho muôn người.

Hãy trở thành một chuyến xe của cuộc đời đầy đủ ý nghĩa, luôn luôn đầy ắp những món hàng cao quý của đời sống đạo đức và tâm linh. Để những ngày cuối của năm 2021 này, chuyến xe cuộc đời của chúng ta sẽ chuyên chở thật nhiều hàng, thật nhiều những món quà hiến tặng cho muôn người.

Sắp sửa tới Noel rồi, người ta sẽ tưởng tượng tới ông già Noel có con hươu cưỡi ở trên chiếc xe chở hàng hóa đi tặng cho các trẻ em. Đó là một ý nghĩa cao cả của phương Tây khi nói về mùa giá lạnh mà người ta phải ở trong nhà. Đến mùa đông giá lạnh ấy, người ta hy vọng mặt trời sẽ tới và thế là ông già Noel mang quà đến tặng cho trẻ con. Còn chúng ta theo Phật, thì phải trở thành không phải là ông già Noel mà phải trở thành một con người thực sự ngồi trên bánh xe luân hồi của chánh niệm hơi thở, biến thành một chuyến xe. Chuyến xe đó là xe gì? Pháp luân thường chuyển chạy khắp mọi ngõ ngách của cuộc đời, mang quà trí tuệ và yêu thương hiến tặng cho mọi người từ quà tinh thần, quà vật chất, quà tâm linh và đạo đức. Ta hãy mang và tặng cho nhau trong những ngày tháng cuối năm này, như một biểu tượng cao cả của Phật giáo.

Bạn có thể khoác lên mình những màu sắc của tôn giáo trong mùa Noel như ông già Noel. Nhưng vẫn phải nhớ rằng chính trong trái tim của bạn, sự vận hành đời sống ấy, chẳng phải là hình thức áo mũ ở bên ngoài như râu dài trắng, cười hô…hô…hô…hô… mà là chánh niệm hơi thở trong trí tuệ và từ bi, vận hành chuyên chở mọi yêu thương tới phụng hiến, trao cho muôn người ta đang có cơ hội tiếp xúc trong cuộc đời này.

Bánh Xe Luân Hồi!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Điểm sống của cuộc đời chúng con chính là Chánh Niệm hơi thở. Cuộc đời là một chuyến xe, bánh xe vận chuyển ấy chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Nguyện xin chư Phật gia hộ cho chúng con tinh tấn, biết Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán, biết vận hành cuộc đời như một chuyến xe đầy đủ tư lương của đạo đức Thánh Hiền mà Phật đã truyền dạy cho chúng con. Để mang trao gửi tới với tất cả những cuộc đời chúng con có cơ hội tiếp cận.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng tới cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.                                     

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts