Search

Bài 2172. Đường Tu Muôn Nẻo | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Sau khi chúng ta đã cùng nhau chúc lành và chúc phúc cho nhau dưới sự chứng minh của chư Phật, giờ đây đã tới giờ đồng tu, Bảo Thành xin kính chào tất cả quý Thầy, quý Sư cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận biết các pháp đều là Vô Thường, đều là Vô Ngã, Khổ. Nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Hồi hướng cho những chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Hồi hướng cho tất cả mọi người tinh tấn tu học, thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Năng lượng của Trí Tuệ và Từ Bi là nguồn năng lượng siêu thế. Trong Chánh Niệm hơi thở Thiền Mật song tu, với hai mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta một lòng thành kính đảnh lễ chư Phật với tâm chân thật, nhất định từng hơi thở vào ra trong Chánh Niệm sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng ấy. Nguyện cho muôn người đều đón nhận được nguồn năng lượng này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(18:13) Các bạn thân mến! Khi chúng ta thanh tịnh thân tâm và với một lòng thành kính hướng về ba ngôi Tam Bảo, chánh niệm hơi thở là chìa khóa để mỗi người chúng ta quán chiếu cội nguồn thanh tịnh, vô nhiễm của tự tánh, để từ đó khởi lên nguồn yêu thương từ bi lan tỏa đến muôn người. Trong Thiền Mật song tu, sự thanh tịnh giúp cho chúng ta gắn kết thật gần gũi với chư Phật và cảm ứng được với nguồn đạo của chư Phật truyền qua chúng ta, qua năng lượng tình thương. Năng lượng tình thương có sức mạnh diệu kỳ, nó chữa lành tất cả mọi vết thương từ tâm hồn đến thể xác do ta và muôn người gây ra. Những ai có những tàn tích của những vết thương lòng hoặc vết thương sâu thẳm ở trong tâm dưới mọi hình thức, nếu biết tới với Thiền Mật song tu, một lòng thành kính khiêm tốn và với tâm chân thành đón nhận, năng lượng tình thương của chư Phật nhất định sẽ được các bạn đồng tu cùng san sẻ khi đón nhận từ Phật tới các bạn, để mọi vết thương, vết thương lòng của các bạn sẽ được chữa lành. Giờ phút này đây, sau bảy biến chánh niệm hơi thở tổng trì hai mật ngôn trên, Bảo Thành đón nhận được tràn đầy năng lượng và nguyện xin gởi năng lượng tình thương của Phật tới với Bảo Thành đây, đồng san sẻ tới với các bạn.

Các bạn thân mến! Thế giới ngày nay, chúng ta có cơ hội nhìn, nhận, thấy được thật nhiều điều tốt đẹp và trực tiếp đọc, nghe và nhìn được nhiều nguồn thông tin cũng như kiến thức người xưa để lại, từ đó chúng ta, dù khác tôn giáo, tông phái, niềm tin tín ngưỡng, quốc gia, phong tục, tập quán, màu da, sắc tướng nhưng các bạn và Bảo Thành đều đã nhận biết rằng thế giới ngày nay có quá nhiều các tôn giáo và trong từng tôn giáo lại chia ra nhiều chi nhánh nhỏ. Ngay trong Phật giáo của chúng ta đã có Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa, Thiền Tông và rồi từ những cái chính đó chia ra hàng trăm, hàng ngàn những con đường, những pháp môn, những phương thức tu tập. Rồi từ nguồn gốc của Đức Phật dạy, lại đi vào, đổ vào đời sống phong tục tập quán của từng con người, của từng nhóm dân nơi từng địa phương khác biệt của những quốc gia, hòa trộn vào với niềm tin tín ngưỡng dân gian bản địa vốn được lưu truyền từ ngàn xưa của ông bà họ, lại khế hợp hài hòa thành một phương thức mới, mà những người ở vùng đó, miền đó khi thực tập, họ cảm thấy được sự bình an và hạnh phúc.

Tuy nhiên, với chủ đề “Đường Tu Muôn Nẻo” nhưng không phải muôn nẻo đường tu như chúng ta nghĩ đâu. Bởi ở trên mạng, thông tin đại chúng, bởi từ cái ngôn từ với những người ta tiếp xúc thường nói: 22:40 “Chỉ có tôn giáo tôi theo là duy nhất có thể đưa bạn lên trên thiên đàng, còn những tôn giáo khác là tà giáo, sẽ bị dọa xuống địa ngục”. Tôn giáo nào cũng hãnh diện về tôn giáo của mình theo và nhìn những tôn giáo khác là tà giáo, là ma giáo, là ngoại đạo, là không có đạo, là vô đạo. Rồi trong từng tôn giáo chia ra từng nhánh, giữa nhánh này chê bai nhánh kia.

Nay nói về Phật giáo, vẫn còn chưa phải là hết, luôn luôn hiện hữu, không phải chỉ trong hàng Phật tử của chúng ta mà ngay cả các bậc xuất gia dù tuổi lạp tức là tuổi tu đạo đã cao, vẫn luôn luôn ở nơi pháp môn mình tu tập mà nhìn những pháp môn pháp khác không đồng nhất. Và thậm chí từ đó Phật tử tại gia hòa mình vào những tư tưởng của các bậc ấy, có cái nhìn phiến diện và tiêu cực về những tông phái, về những phương thức tu tập khác biệt với pháp môn mình tu. Dĩ nhiên khi có cái nhìn phiến diện khác biệt như vậy, ta thường nghĩ về ta, họ thường nghĩ về họ là đúng, người khác là sai. Cái nhân phân rẽ, cái nhân phân chia, cái nhân bị dính mắc đó có ở nơi Bảo Thành và các bạn. Có hết, có hết, không trốn đâu được! Ta tự hào quá đáng về pháp môn, tông phái của ta mà rồi nhìn thấy những người khác quá tầm thường, nhỏ bé hoặc thậm chí không đủ phước duyên tiếp cận với những pháp môn lớn như chúng ta; đây là căn bệnh truyền kiếp đã nhập vào trong dòng di truyền của tâm thức. Thời nào đời nào cũng có sự tranh giành, đấu đá, chê bai, phỉ báng tông phái, pháp môn. Người tu Thiền chê bai người Tịnh Độ, người Tịnh Độ chê bai người tu Mật, rồi người Kim Cang Mật Thừa chê bai Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, ui chê đủ thứ hết. Và ngày nay ta thấy cứ đấu qua đấu lại, tới khi nào mới hết?!

Thôi, chuyện đó là chuyện luôn luôn có! Bây giờ trở về với chủ đề “Đường Tu Muôn Nẻo”, nhìn về thời Đức Phật, thời mà Ấn Độ xưa, có biết bao nhiêu những tôn giáo, niềm tin khác biệt tổng hợp trong cái tên gọi là Bà La Môn, nhưng thực ra họ tín ngưỡng đầy hết, nhiều cách khác nhau. Đức Phật khi giác ngộ đến với con đường tu mà Đức Phật trao truyền, thì từ muôn nẻo đường trong xã hội thời đó, các bậc đại đệ tử đã tới với Phật. Cái nẻo đường như ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên là nẻo đường của những bậc thượng thủ Bà La Môn, họ sẵn sàng bởi vì họ có cái dũng và có trí tuệ nhìn thấu con đường tu của Phật là con đường đẹp nhất, tinh tuyền nhất, họ sẵn sàng từ bỏ con đường Bà La Môn dù họ là những bậc đạo sĩ (có thể gọi như vậy), thượng thủ cao lắm của Bà La Môn, sẵn sàng bỏ cái danh phận đó, đi theo Đức Phật để tu trở lại và có cơ hội đi trên con đường thanh tịnh tuyệt đẹp, con đường đẹp nhất, đường tu đẹp nhất.

Rồi lại có người đi vào nẻo đường tu của Đức Phật, xuất phát từ những con người rất tầm thường như ông Ni Đề hốt phân hoặc như ông Vô Não là một kẻ cướp sát sanh, hoặc như một người Phật tử tại gia có tâm đã giết cha, hại bao nhiêu con người như ông vua A Xà Thế hoặc ông vua Ba Tư Nặc; đó là thời Phật, muôn nẻo đường đi tới với Phật, muôn nẻo cùng nhập vào đường tu của Phật khác biệt. Dần dần như vào thời tất cả các vị vua chúa sau này cũng do nhân duyên mà đi vào đường tu, con đường đẹp nhất của chư Phật từ muôn nẻo của cuộc đời. Như ông vua Asoka, chính ông ta – một vị vua có cái tâm bành trướng mọi quốc gia Ấn Độ thời đó, ông vua Asoka một thời đã nhận ra chân lý của Phật và từ một vị vua hung ác trở thành một vị vua hoằng pháp. Nhờ đó mà kinh Phật được chép lại thành các tạng kinh khởi đầu từ thời vua Asoka, tức là vua A Dục. Mới có tạng kinh Pali, Sanskrit ngày hôm nay; chính là nhờ ông ta.

Đi theo cứ từ từ mà đi về thời đại ngày hôm nay, các bạn đồng tu của chúng ta, có các bạn đã gặp được Bảo Thành qua tiếp xúc trực tiếp nói chuyện hoặc đi làm từ thiện rồi đi vào con đường đồng tu, có các bạn chưa bao giờ gặp Bảo Thành, do nhân duyên gặp qua thấy hợp, thấy vui, thấy an rồi đồng tu; đó là nói nhóm của mình thôi và các bạn nhìn thấy Bảo Thành, chưa nhìn thấy Bảo Thành, nghe được Bảo Thành hoặc chưa nghe, chúng ta gặp nhau trên con đường tu từ muôn nẻo trong cuộc đời, đẹp vô cùng. Đường đời muôn nẻo rồi cũng đi vào con đường tu thanh tịnh của Phật mà thôi. Con đường cao đẹp!

Các bậc tổ sư ngày xưa, ta nhìn đi! Các bậc sơ tổ ngày xưa, chúng ta nhìn kỹ lịch sử của các ngài, tới các bậc hòa thượng, tôn túc, tăng ni, từ muôn nẻo của cuộc đời đã đi vào con đường tu một cách khác biệt dữ lắm. Nhưng cái chân lý được thể nhập vào con đường tu tuyệt đẹp, thanh tịnh và rồi các ngài xứng đáng là người đi trên con đường thanh tịnh ấy để gieo trồng và mang mầm mống chủng tử thiện nơi con đường tu của Phật gieo rắc tới mọi miền. Vậy, ngày hôm nay chúng ta mới có cơ hội học Phật.

Các bạn thấy không, “Đường Tu Muôn Nẻo” vậy thì muôn nẻo đường của cuộc đời đi vào cõi chân tu ấy, con đường nào là con đường đẹp, là con đường đúng? Lược sơ qua vẫn còn cãi cọ nhau, tranh đấu: “Đường tôi tu mới là đường đúng. Đường anh tu là con đường mù, con đường sai, con đường tà đạo”. Các bạn đã từng nghe ai đó chỉ trích về bạn tu sai chưa? Các bạn có khi nào nghe được ai đó, nhiều khi là bậc xuất gia nữa, đã nói rằng pháp môn này pháp môn kia, cách tu này cách tu kia sai và chỉ có cách tu của họ là đúng chưa? Có! Bảo Thành nghe hoài. Nghe như một khúc nhạc, một khúc giao hưởng mất trật tự với những cung bậc lộn xộn, làm cho người ta không hiểu rõ lời họ nói đúng hay sai.

Bây giờ chúng ta hỏi: “Con đường tu nào là con đường đẹp nhất? Con đường tu nào là con đường tu đúng? Và ai là người xứng đáng đi trên con đường tu đẹp và con đường tu đúng ấy để mang pháp Phật trao truyền đến cho mọi người?”.

Ngày xưa, có một nhóm người tới gặp ông A Nan – A Nan là đệ tử, là thị giả của Phật, ông A Nan có trí nhớ siêu việt, mọi lời của Đức Phật nói ra, ông ta đều nhớ và chính nhờ ông A Nan mà kinh điển được lưu truyền tới ngày nay. Nhóm người kia tới gặp thầy A Nan và hỏi: “Thưa thầy, trên đường này, cái đường ngài đang đi và trên cuộc đời này, con đường nào là con đường đẹp nhất, đúng nhất và ai là người xứng đáng đi trên con đường ấy để mang giáo pháp chân chính trao truyền cho mọi người?”. Người ta hỏi ngài A Nan cách đây 2500 mấy chục năm và ngày nay chắc chắn nhiều người vẫn tới thầy của mình, vẫn tới các bậc tổ sư hoặc những bậc minh sư, chân sư để hỏi rằng: “Con đường nào là đúng?” bởi vì chúng ta tin vào các đấng ấy.

Trên con đường diện kiến minh sư, lòng thấp thỏm, thường có những thắc mắc và câu hỏi, đầu tiên là phải hỏi cho được nếu vị đó là minh sư: “Vậy thì con đường tu nào là con đường đúng và đẹp?”.

Này các bạn ơi, hãy nghe ông A Nan, thầy A Nan nói với mọi người đó rằng: “Con đường tu đẹp nhất và con đường tu đúng nhất là con đường biết chuyển hóa tham – sân – si”. Các bạn nghe rõ không? Ngài A Nan nói rằng: “Con đường tu đẹp nhất và con đường chuẩn nhất, tốt nhất, đúng nhất là con đường biết chuyển hóa tham – sân – si”. Còn người nào xứng đáng đi trên con đường đó để mang pháp Phật trao truyền cho mọi người? Ngài lại nói: “Người đó là người biết chuyển hóa tham – sân – si nơi tự thân. Người ấy xứng đáng đi con đường của Đức Phật, con đường đẹp, con đường đúng để mang giáo pháp Như Lai trao lại cho những người có duyên gặp gỡ”.

Nghe rồi, chắc chắn các bạn đã thấu! Hỏi lại tự thân: “Xưa giờ có ai trả lời cái pháp môn này đúng, pháp môn kia sai dựa trên câu nói của ngài A Nan, trong kinh A Nan chưa? Hay chỉ nói rằng pháp môn của mình đúng, phân tích một cách chồng chất những điều họ phù hợp nhân duyên nói ra thôi?”.

Ngày nay nhất định sẽ có sự phản kháng giữa tông phái, môn phái, giáo phái, tôn giáo. Vậy mới có chiến tranh tôn giáo – một cuộc chiến tranh không bao giờ ngừng bởi tôn giáo nào, tông phái nào cũng muốn là tôn giáo, tông phái đệ nhất cao thủ, chẳng khác gì sự tranh giành võ lâm trong truyền kỳ, giết hại nhau của những phim, truyện Kim Dung chế tác ra, hận thù đầy hết. Hận thù trong tôn giáo là một tệ nạn nguy hiểm hơn hận thù ở đời. Bởi trong tôn giáo có niềm tin sâu sắc vào nơi mình tin, nên trong sự đấu tranh và tranh giành đó, nó dữ tợn, ghê gớm. Chúng ta thấy được điều đó!

Trở lại vấn đề, bạn tu pháp môn nào không quan trọng, từ nẻo đường của cuộc đời, bạn đi vào con đường tu, con đường tu pháp môn, gặp vị thầy nào hướng dẫn không quan trọng, quan trọng là vị thầy đó, con đường tu đó, pháp môn đó, luôn luôn nhắc nhở cho bạn phải chuyển hóa tâm tham – sân – si, gọi là tẩy đi ba thứ độc dược nguy hại vốn có trong tâm. Và ai là người có thể nói lời Phật cho mọi người nghe, người ấy là người biết thay đổi và chuyển hóa tham – sân – si nơi chính đời sống của họ. Đây là cách trả lời tốt nhất mà chính là bậc thượng thủ thị giả của Phật trả lời người xưa, đó là thầy A Nan.

Nếu trả lời được như vậy thì các tôn giáo, các tông phái, các pháp môn, đều hướng dẫn cho chúng ta nhận diện rõ tham – sân – si và chuyển hóa chúng. Do đó, mọi con đường tu ở cuộc đời này đều là những kênh rạch nhỏ bé, li ti, chằng chịt, xuôi về những ngọn suối lớn, chảy vào sông, đi ra biển. Cũng chỉ là một con đường giải thoát khỏi luân hồi bằng cách chuyển hóa tham – sân – si. Hình thức, phương pháp, phương tiện, cách nhận diện để chuyển hóa khác nhau, nhưng chung quy cũng đi tới kết quả là thanh tịnh độc dược tham – sân – si và loại chúng ra khỏi đời sống của chúng ta. Vậy thì có chi chúng ta tranh giành, tranh đấu, chê bai phương pháp này, tông phái này, giáo phái này, tôn giáo kia để gây chiến tranh? Mà đôi khi trong cuộc đời là bạn thân, thậm chí là vợ chồng khác tôn giáo, khác tông phái, khác thầy tổ, khác chùa gặp nhau, gọi là tu đấy, mà đụng nhau nói đến cái pháp mình tu rồi, thì cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau. Tham – sân – si vẫn còn ở đó, lời ra tiếng vào như sấm sét đánh lên đầu, bổ lên đầu, có thể giết chết người bằng ngôn ngữ miệt thị, chê bai, gièm pha, nói đúng hơn là dèm hàng để nâng giá cái pháp môn mình tu mà thôi. Xấu! Cái đó gọi là gian thương, bởi không hiểu thấu mặt hàng kia, pháp môn kia, con đường kia cũng là con đường chuyển hóa tham – sân – si. Mà vì quá tham với pháp môn của mình, tâm sân nên mù tối, để rồi khống giá của pháp môn mình mà gièm pha những pháp môn khác.

Trong cõi trời đất mênh mông vô tận này, trong thế giới hằng hà sa sự khác biệt, con người vẫn thích thống lĩnh, gom vào hết cùng một mối. Vậy nên ngày nay có những ông đạo, có những vị thầy xưng là đã đắc đạo, gom hết nguồn đạo của thế giới này về một mối. Và từ đó, ý tưởng ấy, họ đã lập nên một tôn giáo bao gồm tất cả các tôn giáo, tông môn khác biệt.

Các bạn thấy không? Con người vốn là ta đã có sự chia rẽ rồi, khi nói đến tông môn thì càng chia rẽ hơn. Truyền thuyết người Việt Nam sinh ra là con rồng cháu tiên, được bà Âu Cơ sinh ra một bọc, trong một cái bọc cả 100 người con đó đã có sự chiến tranh ở trong đó, để khi sinh ra liền chia thành hai nhóm, nhóm về rừng về núi, nhóm thì xuống biển xuống sông. Rõ, rõ quá mà! Đây là câu chuyện, là một huyền sử nhưng nói lên sự phân chia có ở trong trứng nước, trong cội nguồn, gen di truyền, nghiệp chướng của chúng ta, luôn luôn có sự chia rẽ. Và sự chia rẽ thường tới từ tâm cống cao ngã mạn, đưa mình lên quá cao, từ đó không còn nhìn thấy ai và không còn có cái tâm biết kính trọng, trân trọng mọi người.

“Đường Tu Muôn Nẻo” nếu suy nghĩ cho thật kỹ và tư duy theo lời thầy A Nan dạy, chúng ta nhất định từ đây sẽ chẳng còn chống đối, chẳng còn chê bai, chẳng còn gièm pha. Bởi chúng ta đều theo nhân duyên nghiệp thức nhiều đời tái sanh trở lại làm con người, có phước báu học được pháp của nhà Phật theo pháp môn, tông môn, tông phái, theo cách thức tu tập phù hợp với bậc thầy, bậc thiện tri thức có nhân duyên ta tiếp cận. Để làm gì? Để chuyển hóa tham – sân – si và đi trên con đường đẹp, con đường chánh pháp, con đường được chuyển hóa bằng tâm thanh tịnh để tham – sân – si dần dần biến mất.

Thiền Mật song tu là một pháp môn chuyển hóa tham – sân – si. Làm sao để chuyển hóa tham – sân – si trên con đường tu Thất Bảo Huyền Môn, Thiền Mật song tu? Ta thiền trí tuệ để có cái ánh sáng tự tâm nhìn rõ trong cuộc đời là vô thường, là khổ, là vô ngã. Nhìn rõ con đường đó và nhận diện ra sự có mặt, nhận diện ra sự có mặt của tâm tham, tâm sân, tâm si nơi chúng ta, để chuyển hóa chúng. Chuyển hóa bằng cái gì, bằng phương pháp nào? Chuyển hóa bằng tâm đại từ đại bi Mu A Mu Sa!

Trong Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn là một pháp môn phương tiện chuyển hóa tham – sân – si bằng ứng dụng hai pháp khí phương tiện thiện xảo đó là trí tuệ và từ bi. Trí tuệ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, trí tuệ nhìn rõ tam pháp ấn, trí tuệ nhìn thông vô thường, khổ, vô ngã; đây là một pháp bảo vi diệu phương tiện. Rồi một phương tiện diệu dụng nữa đó là tâm đại từ đại bi Mu A Mu Sa. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Mẹ Hiền Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Thiên Thủ Thiên Nhãn, Nam Mô Đại Chuẩn Đề Bồ Tát là những vị đại sĩ có lòng từ bi vô tận, để có thể nghe được mọi âm thanh đau khổ của chúng sanh mà mang năng lượng từ bi ấy dung thông, che chở, bao bọc, dìu dắt để chúng sanh vượt cái bể ái hà đau khổ ấy mà bước lên được bờ giác ngộ thanh tịnh và hạnh phúc.

Bạn thấy chưa? Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn ứng dụng hai pháp bảo vi diệu: pháp bảo trí tuệ, thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và pháp bảo thiền từ bi là Mu A Mu Sa. Hai mật ngôn này sẽ giúp cho chúng ta trong từng hơi thở chánh niệm khi tổng trì, gắn kết với Phật mật thiết lắm, để đón nhận được mật điển của Chư Phật, sưởi ấm trong tâm, trong thân của chúng ta. Thắp sáng trí tuệ, khởi nguồn yêu thương để nhận diện thật rõ được những chủng tử bất thiện vẫn còn tồn đọng trong danh hiệu tham – sân – si ẩn náu, ngủ ngầm nơi ta. Rồi mang tâm từ bi rải xuống miền đất khô cằn bất thiện ấy, biến tham – sân – si thành vô tham – vô sân – vô si.

Các bạn thấy chưa? Chúng ta từ muôn nẻo của cuộc đời đi vào con đường tu của Phật là nhận diện ra tham – sân – si và chuyển hóa chúng. Vậy pháp môn có quan trọng hay không? Tông môn có quan trọng hay không? Tôn giáo nào quan trọng, cao hơn tôn giáo nào? Chỉ cần nếu chúng ta theo tôn giáo ấy, pháp môn ấy, được nhắc nhở và huấn luyện, thực hành, tu để nhận diện sự tham – sân – si vốn có ngủ ngầm nơi ta, và chỉ cho chúng ta cái phương thức chuyển hóa tham – sân – si đi, thì là được rồi. Không cần phải khoác vào mình cái áo của tôn giáo gọi là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Bà La Môn hay tôn giáo này tôn giáo kia, hay tông môn này tông môn kia, hay thầy tổ này thầy tổ kia, hay là Thiền, hay là Nguyên Thủy, Đại Thừa, hay là Mật Thừa Kim Cang, hay là Thiền Mật. Không! Tất cả những cái đó chỉ là tên. Tên của pháp môn, của môn phái được chế định ra đặt để thôi. Chỉ là thương hiệu tôn giáo!

Không có cái thương hiệu nào được ca ngợi và người ta sử dụng nhiều nhất tồn tại được nếu như sản phẩm của thương hiệu đó không tốt; thì tự thân nó sẽ bị hủy diệt. Dù là thương hiệu của Mật Thừa Kim Cang, của Thiền, đủ mọi thể loại Thiền, của Nguyên Thủy, của Đại Thừa, của Thiền Mật, của Tịnh Tông, của đủ thứ, đủ thứ, của tôn giáo này tôn giáo kia, thương hiệu nào cũng vậy, sẽ không bao giờ tồn tại được nếu như sản phẩm để chuyển hóa tham – sân – si mà không làm được. Cho nên trong Thiền Mật song tu và tất cả, tất cả các pháp môn, tôn giáo, hoàn toàn đều có hai cái chất hảo hạng tuyệt vời đó là trí tuệ và từ bi, được ứng dụng dưới mọi hình thức và liều lượng khác nhau trong sự pha chế bởi sự thực tập công hạnh, để nhận diện được tham – sân – si, chuyển hóa chúng. Không nhất thiết phải dùng quá nhiều năng lượng phân biệt, chia rẽ, đấu đá, gièm pha.

Bao nhiêu lâu bạn tu pháp môn gì gì đó được gọi là thượng thừa đưa đến sự giải thoát hoặc là chứng đắc về kiếp sau, bao nhiêu lâu các bạn tu những pháp môn hoặc gặp được những bậc tổ sư chân truyền hoặc những vị minh sư, chân sư truyền dạy những pháp môn gọi là tuyệt kỹ võ lâm, để kiếp sau bạn có thể tái sanh về gọi là cõi Tịnh Độ, Tịnh Thổ hay Tịnh Tịnh gì đi nữa, mà ngay kiếp này bạn và Bảo Thành không thể nhận diện ra tham – sân – si còn tồn đọng trong cái kho A Lại Da Thức của chúng ta, và chúng ta không thể chuyển hóa chúng, thì những cái thương hiệu bạn giới thiệu sẽ thành của kiếp sau, đều là rác rưởi, sản phẩm của quảng cáo tiếp thị.

Mà bạn có thấy thời gian qua, có một số người quảng cáo tiếp thị những sản phẩm là sản phẩm thuốc này, sản phẩm này sản phẩm kia, trị cái này trị bệnh kia, tốt cái này tốt cái kia và cuối cùng người ta khám phá ra họ đã quảng cáo sai sự thật. Vì sao? Vì nguồn lợi nhuận và tiền tài, danh vọng và địa vị, chớp nhoáng đã có tiền, nên họ sẵn sàng can tâm quảng bá cho những điều sau trái hoặc những điều họ chưa hiểu. Vậy nên trong thời gian qua, một số người như vậy đã bị những người sử dụng những sản phẩm đó chê bai, vạch trần và rồi cảm thấy xấu hổ vì tiền mà nên nông nổi ấy.

Chúng ta không hẳn đi theo tôn giáo vì tiền mà vì quyền, vì danh. Đúng, cái danh lợi trong tôn giáo vẫn còn! Chẳng thực tập sâu xa để hiểu rõ, chẳng đi sâu vào chân lý huyền diệu để nhận diện tham – sân – si, chuyển hóa chúng, mà cứ vội vội vàng vàng khoác lên mình cái áo thật bóng, hào nhoáng của tôn giáo, tông phái mình theo, để từng lời nói, tư tưởng, suy nghĩ và hành động tràn đầy những độc dược bốc lên từ tham – sân – si, chê bai, gièm pha. Thậm chí còn vu khống cho người ta để quảng cáo cho sản phẩm tông phái, pháp môn, tôn giáo của chúng ta, mà hầu hết ta không hiểu, không thấu, coi chừng trở thành những người bị thuê mướn quảng cáo cho sản phẩm đó để làm cho thương hiệu đó nổi tiếng mà bản thân ta không biết, và coi chừng vì quảng cáo cho thương hiệu đó mà trong lòng toàn tham – sân – si độc dược, thì bạn đã làm cho sản phẩm đó nếu như thực sự có, đã biến thái, hư, không còn tốt. Tôn giáo đó nếu có dạy về tham – sân – si chuyển hóa mà chúng ta vẫn còn tham – sân – si chưa hết, thì chúng ta vô tình đã đả phá và triệt tiêu chính cái tôn giáo, tông phái, pháp môn mình đang theo học.

Trở lại vấn đề “Đường Tu Muôn Nẻo” là đường tu đẹp nhất, đường tu chuẩn nhất, đường tu mà chúng ta cần phải đi vào và những ai đi trên con đường tu đó, đều xứng đáng nói về pháp môn mình tu. Con đường đó là con đường nhận diện ra tham – sân – si và chuyển hóa tham – sân – si. Ai đang đi trên con đường để nhận diện tham – sân – si vốn có nơi ta và chuyển hóa chúng, thì người đó xứng đáng mang lời Phật để chia sẻ với người khác. Không cần biết bạn là người tại gia, là người xuất gia, là nông dân, công nhân, bác sĩ, luật sư, học giỏi hay không có kiến thức, bạn chỉ cần là người đã nhận diện rõ tham – sân – si, tam độc vốn có ở trong lòng và nghe theo lời khai thị của Phật nơi pháp môn, nơi tông phái, nơi tôn giáo của bạn theo, chuyển hóa, làm sạch đi. Ta dọn miền đất tâm, ta rửa sạch mọi cấu uế, ta thanh tịnh mọi thứ độc từ tham – sân – si, ta là người lành mạnh, tươi vui, an nhiên và tự tại, ta nếm được hương vị giải thoát khỏi tham – sân – si, ta xứng đáng tán thán lời Phật, giáo pháp của Phật và mang trao lại cho muôn người.

Có phải chăng cần phải khoác áo nhà tu hoặc mang tên gì lớn lao lắm không? Có cần phải đặt mình dưới một pháp môn, một tông phái, một tôn giáo nào đó hay không? Không! “Đường Tu Muôn Nẻo” cần sự hiểu biết bằng trí tuệ và từ bi để đồng cảm, thấu rõ mọi người để thông cảm. Và có thể làm được như thế chỉ bằng trí tuệ và từ bi mà thôi. Để có một lòng bao dung rộng lớn, biết tha thứ, biết yêu thương chân thật, biết lắng nghe, biết đồng hành, biết san sẻ và cùng nhau nhận rõ nơi chính mình nha các bạn, còn độc tố tham – sân – si. Khử độc đi, khử độc đi, thì bạn chẳng cần phải là người trong tôn giáo, tông phái nào hết, lời nói, hành động và suy nghĩ của bạn sẽ không mang hơi ám của độc dược, ai nghe, ai thấy đều thấy khỏe và vui. Nhưng nếu bạn đang đi dưới một tôn giáo gọi là lớn, vĩ đại nhất, một tông phái lớn nhất, một vị minh sư, một vị thầy cao cả nhất và những tông phái được ghi, được chép, được tán thán, được tán tụng là hay nhất, tuyệt vời nhất đó, mà trong lòng của bạn, trong cuộc đời của bạn toàn là tham – sân – si thôi, để từ đó những lời của bạn nói ra toàn là những lời nói gian dối, những lời nói thêm bớt, những lời nói đâm thọc, những lời nói hung ác, tức là độc dược từ ngôn từ này phun ra như con rắn hổ mang độc, há miệng ra là phun độc ra, thì trời ơi tông phái, đạo phái bạn theo có lợi ích đâu bởi ngôn ngữ của bạn toàn là những khói độc phun ra không à.

Đây là cách kiểm chứng chính ta coi, đã đi trên cái đường tu đúng hay không và có xứng đáng mang lời Phật nói với mọi người hay không. Đừng mở miệng ra phun độc, đừng khởi ý phun độc, đừng hành động phun độc. Hãy ngừng ngay chiến tranh chia rẽ của các tôn giáo, tông phái, pháp môn khác biệt. Khoác áo nhà tu hay tại gia, khoác áo tông phái hay tôn giáo hay pháp môn, mà không nhận rõ được tham – sân – si vốn có còn trong ta, ngủ ngầm, là những độc dược nguy hại đã làm ung thư não bộ, thân xác này và giết chết thần trí của chúng ta, thì rất nguy hại, thì những hình thức kia vô tình vì hám danh, chúng ta đã trở thành nô lệ đi quảng bá cho những thương hiệu, cho những sản phẩm của những thương hiệu không phù hợp.

Ngừng đi! Đi sâu hơn chút nữa, đi chuyên môn vào những pháp môn bạn có phương tiện được truyền trao, có nhân duyên được thọ, thực hành nha các bạn! Hãy cùng với Bảo Thành xóa mờ đi sự khác biệt của các hình thức tôn giáo, của các tông phái, của các pháp môn, của những sự khác biệt, các thầy tổ hoặc những phong tục tập quán tới từ những dòng truyền thừa từ những quốc gia này những quốc gia kia.

Ngày nay, người ta vỗ ngực xưng tên: “Ôi, tôi học được nền Phật giáo gốc của Ấn Độ từ Pali, từ Sanskrit, từ tiếng Phạn”, “Ôi, tôi là người học được từ những pháp Kim Cương, Đại Thừa, Mật Tông của người Tây Tạng” rồi chê bai người Việt, người Tàu, người Hoa, người này người kia. Hãy nhớ rằng trên thế giới này những bậc giác ngộ hiếm lắm, tuy nhiên, ở bất cứ quốc gia dù Đại Thừa hay 55:33 Nguyên Thuỷ đều đã từng có những bậc đã giác ngộ. Ta không hiểu, ta đả phá. Ta không thông, ta chia rẽ. Ta chưa chứng thì ta bắt đầu muốn tiêu diệt. Tham – sân – si đấy, ngừng đi cho lòng thanh thản, trở về nguồn suối 56:00 từ bi và trí tuệ, nhìn cho thấu ở trong tâm, tham – sân – si có còn ở trong lòng hay không!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Đường tu muôn nẻo trong đời, nay được chia sẻ, chúng con đã nhận diện ra con đường tu đẹp nhất là con đường nhận diện ra tham – sân – si và người xứng đáng mang lời Phật gửi tới muôn người yêu thương là người nhận diện ra và chuyển hóa được tham – sân – si trong cuộc đời. Nguyện cho muôn người nghe sự chia sẻ ngày hôm nay biết dừng lại tất cả, quán chiếu thân tâm bằng Trí Tuệ và Từ Bi, nhìn rõ tham – sân – si vốn có còn đang ở trong lòng, phát tâm chuyển hóa để thanh tịnh thân – ngữ – ý và hồi hướng năng lượng diệu kỳ, Trí Tuệ – Từ Bi đến muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu ngày hôm nay, nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Hồi hướng cho tất cả những ai đang lâm bệnh đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt và hồi hướng cho tất cả mọi người luôn tinh tấn tu học.

Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts