Search

Bài 2171. Vui Thay Gần Người Trí | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Thứ hai đầu tuần, giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn nhất tâm quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở thiền Trí Tuệ – Từ Bi quán, thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện hồi siêu cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Hồi hướng cho tất cả mọi người đệ tử, các bạn đồng tu tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, vạn sự như ý. Đặc biệt nguyện hồi hướng cho bé Bảo Duy đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, mau lành bệnh. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Nay có đầy đủ phước duyên, chúng ta tới với Phật học bằng sự tinh tấn công hạnh thực tập pháp hành qua hơi thở Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán. Từng giây phút hít vào thở ra trong Chánh Niệm, từng giây phút quán chiếu Trí Tuệ và Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta – mỗi một người sẽ nhận được thật nhiều năng lượng khi gắn kết với chư Phật mười phương. Với lòng thành kính, với tâm chân thật và chân thành đảnh lễ, đón nhận năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ này, chúng ta hãy gửi tới tất cả những người yêu thương như các đấng bậc sinh thành, gia đình, huynh đệ, bạn bè, cộng đồng và xã hội, nhân loại.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:55) Các bạn! Thứ hai đầu tuần, Bảo Thành và các bạn ngồi xuống như buông bỏ tất cả những ưu phiền trong cuộc sống và đi vào trong từng hơi thở chánh niệm, nhất tâm và thành kính hướng về ba ngôi Tam Bảo, nhìn thẳng vào trí tuệ, suối nguồn thanh tịnh, bất nhiễm nơi Phật tánh và thể nhập vào năng lượng từ bi nơi ấy, gắn kết với các đấng bậc giác ngộ, Bồ Tát, Thánh Hiền ở mười phương pháp giới. Và hiện tại ngày đầu tuần –thứ hai này, lúc này đây, Bảo Thành cảm nhận được với sự cảm ứng đạo giao năng lượng từ bi – trí tuệ tràn đầy nơi thân và nơi tâm. Sự cộng hưởng năng lượng thiện trong chánh niệm từ bi – trí tuệ quán Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn lan tỏa tới từng người từng người trong sự đồng tu, dù là đồng tu trực tiếp hay gián tiếp sau này khi nhìn lại cái video chúng ta đang nói chuyện ngày hôm nay. Bởi pháp Phật nhiệm mầu vượt ngoài không gian và thời gian, chỉ hữu duyên đi vào với lòng thành kính, tâm chân thật đảnh lễ và đón nhận, ngồi xuống như trút bỏ, buông đi tất cả những phiền lụy, trở về với nguồn sáng của bậc giác ngộ thì chúng ta đều bình đẳng đón nhận được năng lượng đó.

Thiền Mật song tu là một pháp tu để đón nhận, nương vào tha lực đại từ đại bi, đại trí tuệ của các đấng giác ngộ để khơi nguồn thúc đẩy, làm nền tảng cho tự lực nơi ta trên con đường đi tìm cầu sự giải thoát. Thiền Mật song tu là pháp môn phương tiện phối hợp hài hòa giữa tha lực của chư Phật và tự lực của mỗi một người chúng ta. Hai nguồn lực: tha lực của Phật và tự lực cầu đạo giác ngộ của chúng ta đủ cái lực để chuyển hóa mọi dòng nghiệp thức, mọi dòng nghiệp lực từ vô thỉ vô chung do chính thân – miệng – ý ta tạo nghiệp bởi những pháp bất thiện; đây là điểm thật là sáng, các bạn và Bảo Thành cần nghe để thấu.

Đời sống của chúng sinh bị ràng buộc và chi phối. Mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi sinh hoạt trong cuộc đời đều bị chi phối. Chi phối bởi cái gì? Bởi nghiệp lực. Nhưng Đức Phật – Ngài giác ngộ nhận thấy, nghiệp lực từ vô lượng kiếp qua dù bị chi phối nhưng chúng ta vẫn có khả năng chuyển hóa để không lệ thuộc. Để chuyển hóa nghiệp lực đó, mỗi người phải có tự lực cầu đạo giác ngộ; đây là mấu chốt cần phải có nơi mỗi một người thực hiện pháp Thiền Mật Thất Bảo. Nếu không có sự tự lực, chẳng bao giờ thành công. Nếu đã có tự lực rồi, Thiền Mật song tu còn giúp chúng ta thành công nhẹ nhàng, không phải dồn quá sức mà thật nhẹ nhàng bước vào. Bởi nương vào tha lực đại từ đại bi, đại trí tuệ viên mãn viên giác của chư Phật.

Các bạn thấy không, ta có cái vốn năng lượng từ Phật đó là tha lực và ta có nguồn vốn vốn có đó là tự lực, tự lực và tha lực với sự chân thành, sự thành kính, chúng ta đón nhận và thực hành, nhất định chúng ta sẽ thành công.

Các bạn! Chủ đề hôm nay: “Vui Thay Gần Người Trí”, người trí tuệ như mặt trời lúc nào cũng sáng để vạn nẻo đường trên thế gian, người vô minh như chúng ta lạc vào những cõi mê, cõi chấp, cõi lầm thấy được đường mà đi. Cho nên gần người trí là gần mặt trời, gần người trí như là gần biển trời yêu thương, mênh mông vô tận. Để chúng ta, dù có đau đớn quằn quại, dù có thất bại, dù có biết bao nhiêu nỗi niềm trong cuộc sống, thì gần người trí như gần biển tình yêu mênh mông vô tận, để ta có thể nhảy xuống dưới đó, đắm mình vào nước yêu thương, gội rửa đi tất cả những phiền não, uế trược. Gần người trí như gần biển để nước biển xua đi oi bức, nóng nực, làm tươi mát cuộc đời, gần người trí như gần sông ngòi để có nước mà thấm đượm tình yêu thương, tưới tẩm lên những mầm mống tốt đẹp vốn có nơi ta và tẩy đi những u uế vốn còn dính mắc lại trong đời.

Thuở còn rất nhỏ, những người trí, những bậc trí là ai? Là ông bà ngoại nội. Khi ta sinh ra, ta được ông bà ngoại, ông bà nội yêu thương, ẵm bồng, nhắc nhở, mỉm cười, mớm cho ta miếng ăn miếng nước, mớm cho ta (25:04)… . Các bạn nhớ, ông bà ngoại nội là những bậc thiện tri thức đầu tiên trong đời ta gặp, và các đấng bậc sinh thành cũng là như thế. Nếu nhận ra sớm thì thật là tuyệt vời bởi ta biết tri ân công ơn của ông bà ngoại nội, của cha mẹ; là những bậc thiện tri thức đưa chúng ta vào đời qua phước báu của các ngài. Lớn dần, bước tới trường, thầy cô là những bậc thiện tri thức. Và trong suốt cuộc đời làm người, mọi phương diện chúng ta thu nhập vào như được gọi là kiến thức để làm người phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần hoặc là kiến thức tâm linh, chúng ta đều có cơ hội học hỏi thật nhiều từ những bậc thiện tri thức. Dĩ nhiên chúng ta cũng học đòi, học theo từ những người không tốt như bóng ma chập chờn ám ảnh cả cuộc đời trong sự thất bại và khổ đau; điều đó hôm nay chúng ta không nói tới, mà chúng ta nói tới “Vui thay gần người trí”; đây là điều mà Đức Phật trong suốt kinh Pháp Cú thường nhắc nhở gần người trí là tuyệt vời vô cùng.

Các bạn! Các bạn tự hỏi nhìn lại trong cuộc sống hiện thời, quá khứ, bạn có cảm nhận ra rằng bạn đang gần một bậc hoặc một người trí tuệ hay không? Bạn có nhận ra hay không hay bạn không nhận ra? Ở cuộc đời này, Bảo Thành và các bạn, thật là nhiều người khi gần người trí chẳng bao giờ nhận ra!

Trở về với câu chuyện thời xưa của Đức Phật, ông Xa Nặc chính là người đánh xe ngựa chở Đức Phật thoát khỏi thành và đồng hành với Phật đi trên con đường thoát khỏi cung đình. Thì ông ta theo Phật từ thuở đầu rời cung điện, rồi đi tu, rồi Phật chứng ngộ, rồi làm đệ tử của Phật. Ông Xa Nặc bởi gần gũi với Đức Phật từ thuở là thái tử cho tới khi thành Phật và cho tới khi Phật viên mãn. Gần gũi với một bậc đại giác đại ngộ đại trí như vậy, nhưng ông ta ít để ý tới lời khuyên dạy của Đức Phật. Thường ỷ vào rằng ta gần Phật từ thuở xa xưa, ta là người cũ, mà thường bắt nạt những người mới, khinh thường những người mới, dần dà người… đó là hành động của ông Xa Nặc. Vậy nên khi ông Xá Lợi Phất, các bậc thiện tri thức như Mục Kiền Liên, các vị khác tới, ông Xa Nặc thường khinh thường, không bao giờ đón nhận các vị đó, bởi lúc nào cũng vỗ ngực hãnh diện rằng ta là người tới trước. Cái câu “Ta là người tới trước” đó, thường đưa mình lên cảnh giới của tự cao ngã mạn và đây chính là chỗ thật là yếu, là nhược điểm để cho vùng sáng trí tuệ bị lu mờ bởi khối đen vô minh tràn vào. Không hẳn ông Xa Nặc đâu, nhiều người nhưng ở trong câu chuyện này đó là ông Xa Nặc. Phật khuyên nhiều lắm, mà chẳng bao giờ ông ta kết thân với ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng như các người bạn đồng tu – là đệ tử của Phật, những người bạn tốt.

Phật nói với ông ta: “Xa Nặc, con à, hãy lên tiếp cận và gần gũi với những người bạn tốt như ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và các vị khác. Đừng vì một lý do gì mà con khinh thường các người bạn tốt”. Ông ta chẳng bao giờ chịu nghe. Hình như nghe quen quen, Bảo Thành và các bạn chắc có lẽ cũng có phần của ông Xa Nặc, chẳng bao giờ chịu nghe.

Cho tới khi Đức Phật viên tịch tức là Ngài chết đi, ông ta hối hận bởi không nghe lời của Phật. Lúc đó mới sám hối và tiếp cận với những người bạn tốt, những bậc thượng thủ mà hồi xưa khi còn sống, Phật thường khuyên và nhắc nhủ. Rồi ông ta bắt đầu công phu tu tập, cuối cùng chứng đắc A La Hán.

Đây là câu chuyện thực sự có để nói rằng Bảo Thành và các bạn – chúng ta khi gần gũi với các bậc trí, được khuyên, được dạy, được giáo dưỡng. Nhưng mấy ai trong chúng ta nghe các bậc trí đó dạy đâu? Điều này có, thường xảy ra! Bởi những ai trong chúng ta cũng từng khóc mãi, khóc cho sự buồn đau hối tiếc. Bởi khi ông bà ngoại, ông bà nội còn sống, khi cha mẹ còn sống, những bậc thiện tri thức đó khuyên răn, dạy bảo, nhắc nhở, chúng ta chẳng bao giờ mang vào ứng dụng, dù nghe từ ngày này qua tháng nọ riết rồi nhàm chán, nhưng đến khi ông bà ngoại, ông bà nội, cha mẹ đã ra đi mãi mãi thì âm thanh lời khuyên và kiến thức của người xưa, những bậc thiện trí thức ấy dạy cho chúng ta chỉ còn là tiếng vang vọng trong tâm thức, nhớ lại mà thấy buồn.

Có phải chúng ta quá muộn màng không? Không, nếu như chúng ta như ông Xa Nặc, nhớ lại và thực hiện lời Đức Phật dạy thì tốt lắm, nhưng chỉ tiếc rằng chúng ta kém hơn ông Xa Nặc. Ông bà, cha mẹ đã mất, kiến thức của những bậc đại tri thức đó truyền lại, ngồi khóc, nhớ, nhưng mà chẳng bao giờ nhớ được lời dạy của các đấng bậc ấy mà thực hành. Ta quên, rồi một ngày quên, một ngày quên, một giờ quên rồi lại một giờ quên, quên mãi thôi, rồi ta đâu có thành nhân, thành người. Ông Xa Nặc còn thành A La Hán sau đó, còn ta đã thành gì? Dĩ nhiên không phải ai trong chúng ta cũng như vậy, nhưng mà đại đa số, khi mất đi rồi mới hối tiếc.

“Vui thay gần người trí”, tìm đâu để có thể gặp được người trí? Chỉ có phước báu do công hạnh tu tập từ vô thỉ vô chung nhiều đời. Tìm đâu gặp được người trí? Chỉ có thể dựa vào ân đức và phước báu của cửu huyền thất tổ, của ông bà và cha mẹ mới may thay mỗi người chúng ta mới gặp được người trí. Cuộc đời này mênh mông lắm, rộng lớn quá và biết bao nhiêu con người ta tiếp xúc mỗi ngày, hỏi lại chính mình: “Làm sao ta có thể có cơ hội gặp người trí?”.

Các bạn chắc chắn đã từng nhiều lần lần mò đi tìm người trí để được thọ giáo. Và trong cuộc đời, có biết bao nhiêu các bạn, có biết bao nhiêu người đã bỏ quê hương xứ sở, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ, bỏ con, bỏ tất cả để vào rừng sâu núi thẳm, vào cao sơn lạnh lẽo, vào miền hoang vắng để cầu mong diện kiến một bậc trí thức, thiện nhân để học. Nhưng tìm đâu để thấy? Bởi hiện thời Việt Nam rừng sâu núi thẳm cũng phá rồi, san thành đồng bằng, sa mạc. Núi cao cũng bị san bằng, còn đâu nữa? Chính tâm cống cao ngã mạn muốn đưa tay thâu tóm cả bầu trời, tái tạo lại như một ông thượng đế để xây dựng lại theo ý muốn, người ta đã phá rừng phá núi. Và sự cống cao ngã mạn nơi chúng ta, đã phá tan đi những nơi các bậc thiện tri thức còn thường trú ở trong tâm, 34:11 nhưng lại chất chứa ma vương quỷ sứ, lầm lỗi bất thiện. Trong cả đống hỗn độn ấy, làm sao có cơ hội để nhận ra bậc thiện tri thức nữa đây? Thật khó! Thật khó trong thời gian này chúng ta có thể tìm gặp được bậc thiện tri thức! Ngẫm suy, suy ngẫm, thấy tủi hẹn.

Vậy nên khi chúng ta – mỗi người được nhắc nhở cái chân giá trị và phước báu cùng tột của ta khi có cơ hội gặp bậc thiện tri thức, mỗi người cần phải trân trọng, cần phải quý kính, nâng niu, gìn giữ bằng cả một tấm lòng thành kính và luôn luôn phát nguyện tiếp cận với bậc trí đó để thừa hưởng cái gia tài kiến thức, tu hành đến sự giải thoát.

Có những câu chuyện anh chàng kia đi tìm bậc thiện trí thức tức là Phật đó, mà đi hoài không thấy. Cuối cùng được điểm đạo thì quay trở về gặp được mẹ mình; đó chính là bậc thiện trí thức, thì đã già rồi. Chúng ta cũng vậy, nếu còn ông bà, cha mẹ, nếu còn những người thân yêu dạy dỗ, hãy cố, hãy ráng, đừng như ông Xa Nặc để cho cái tự cao tự đại, gần gũi quá hóa ra nhàm, mà người xưa, ông bà ta thường nói: “Gần chùa thì gọi bụt bằng anh, buồn buồn thì cõng bụt ra sông ta dìm”. Mà đúng vậy, đôi khi trong cuộc đời, ta có phước báu gần chùa, ta có phước báu gần ông bà, cha mẹ, anh em, bằng hữu, những người thương yêu, dạy dỗ một cách nhẹ nhàng, nhưng như câu “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, ta coi thường ông bà, cha mẹ, ta coi thường bụt, ta coi thường Phật. Để rồi những cảm xúc vui buồn trong cuộc đời thì ta mang ông bụt, mang Phật ở trong chùa, ta mang bụt ở trong chùa, ta mang người yêu thương trong lòng ra ngoài dòng sông chìm nổi của những cảm xúc vụn vặt, dìm xuống. Mà câu đơn giản gọi là hay dìm hàng, có không các bạn? Có! Ta hay dìm hàng ông bà, cha mẹ, ta hay dìm hàng người trên thúc bá, ta hay dìm hàng những bậc thiện trí thức, người gần gũi, bởi vì cái tâm vọng ngoại, cứ nghĩ rằng trên cao sơn, rừng cao núi thẳm, ở đâu đâu đó có bậc cao nhân râu bạc dài tới rốn, ngồi rung đùi, nghiêm trang phẩy tay một cái là đón nhận được bao nhiêu phép mầu. Hoang tưởng cùng độ! Nên cuối cùng, ta không có sự vui thay gần người trí mà cứ khổ thay lần mò trong vô minh.

Phải bình tĩnh lắm các bạn ơi! Giá như ông Xa Nặc nhận thức được lời của Đức Phật dạy khi Đức Phật còn sống để luôn luôn tử tế, kính trọng đối với các bậc thượng thủ như ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và các bậc đại trí thời đó, thì ông ta đã thành A La Hán từ thuở đầu theo Phật. Nhưng không may, ông ta cứ ỷ vào rằng ta gần Phật, ta phải được cao trọng hơn, kính nể hơn. Ham danh, ở đời bây giờ gọi cái chữ là hám danh, hám tài, hám tình, đi đến hãm hại người khác, làm cho cuộc đời u ám. Đến khi Phật mất rồi, té ra mới nhận thấy lỗi lầm, quay trở lại, hên quá vẫn còn kịp. Còn chúng ta, nếu cứ chờ như vậy chưa chắc đã kịp đâu.

Câu hỏi một lần nữa rằng: “Mỗi người chúng ta có còn cơ hội gặp người trí hay không?”. Dạ thưa có! Mà không gặp người thường nữa đâu, gặp người đại trí đại ngộ đại giác viên thông, đó chính là gặp được Phật. Đừng nghĩ rằng sinh muộn sau 2500 mấy chục năm, 25 thế kỷ qua, Phật đã mất rồi, ta không còn gặp nữa; đó là điều sai. Dĩ nhiên ta không gặp được con người lịch sử bằng xương bằng thịt là Đức Phật thuở xưa, nhưng ta vẫn có cơ hội tiếp cận với 39:01 giáo pháp trí tuệ của bậc đại trí Bổn Sư Thích Ca. Và chúng ta vẫn hãnh diện: “Vui thay tôi vẫn còn gần được trí tuệ của bậc đại trí là Đức Phật”. Như thế nào? Gặp làm sao? Như một lòng thành kính quy ngưỡng về Phật để gặp được toàn bộ trí tuệ của Phật trong tam tạng đại kinh giáo nghĩa uyên thâm còn ghi lại ngày nay.

Các bạn thấy không, các bạn vẫn tiếp xúc được với Phật qua trí tuệ của bậc giác ngộ còn ghi lại trong các tạng kinh, còn nhắc nhở lại qua các bậc thầy, còn được nghe qua băng dĩa. Đấy, thật đơn giản mà, sao ta không suy ra để biết tử tế với chính mình, rồi một lòng thành kính chân thật đón nhận, mà chúng ta quá hời hợt? Gặp kinh Phật như giấy báo để gói quà, gặp kinh Phật như rác rưởi để đốt, để mồi lửa, để quăng đi. Gặp lời giảng của Phật như gió thoảng qua tai, ngứa, khó chịu. Gặp các bậc còn lưu truyền giáo pháp trí tuệ của Phật tới với chúng ta thì miệt thị, khinh thường. Bởi vì đâu? Bởi tâm cống cao ngã mạn!

Trong câu mật chú số 02 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là phương tiện vi diệu để đưa mỗi người chúng ta có cơ hội gần người trí tức là gần trí tuệ của Phật. Nguồn năng lượng vi diệu từ mật ngôn này gắn kết với mười phương chư Phật để ta tiếp cận với trí tuệ, và trong câu này được gọi là thiền trí tuệ. Trong thiền trí tuệ, vấn đề đầu tiên là ta phải quét sạch ba đống rác rưởi tồn đọng ở trong tâm, để nhìn 41:21 thấu rõ vạn pháp vô thường, khổ, vô ngã.

Vô ngã rất quan trọng! Ai ở trên đời sinh ra cũng vỗ ngực, dù ngực lép không có bự đâu, nhưng cứ vỗ xưng tên ầm ầm đi ra đường, ra phố. Người thì nhỏ bé li ti như con kiến mà kềnh càng như con voi, gặp đâu cũng ưỡn ngực xưng tên. Đây là bệnh truyền nhiễm, bởi ai cũng lười biếng, giải đãi, chẳng muốn tu, chẳng muốn hành, chỉ muốn qua một giấc mộng kinh kha rồi biến thành vua chúa. Để cho mình cái đặt ân như con cóc làm cậu ông trời để có thể nói chuyện được với Phật, với thần, với tiên, với thánh; để ngồi đó, kẻ phàm phu, đầu óc thì tối mù, vô minh thì đầy, ác nghiệp thì chồng chất, bất thiện vẫn còn gây ra mà cứ tưởng như ta khiển được trời, được Phật, được thần, được tiên, được thánh, được đấng này đấng kia để gọi các vị đó về. Để làm gì? Để ta như là một thiên sứ có quyền năng, có cơ duyên đặc biệt, khác biệt với mọi người, không ai bằng và chỉ có ta mới tiếp xúc được với những vị đó. Quên cái câu Phật đã dạy 42:39 : “Mọi chúng sanh đều bình đẳng tánh trí”. Họ không hiểu, cho nên họ tôn họ lên như Tôn Ngộ Không, xứng đáng học được phép thần thông, may và có phước tiếp cận, chỉ cần gọi, muốn, là ai cũng phải về để nói chuyện với họ. Cái đó là cống cao ngã mạn, cái đó là tự ngã quá lớn, đâm ra đui mù chẳng thấy. Như năm người mù sờ voi, nhưng cái miệng không ngớt nói ra. Khẩu nghiệp, khẩu nghiệp! Rồi thì sao? Biết bao nhiêu con người tiếp cận với trí tuệ của nhà Phật nhưng lại lầm vào trong hoang tưởng bởi giải đãi không muốn thực hành công phu. Mệt quá, khó quá, cho nên ngồi như con ễnh ương; các bạn biết con ễnh ương không, phình cái bụng cho to như cái trống, vỗ vào đó để khoe. Mà ở đời vẫn có người theo là chính vì chúng ta hám, hám danh, lười biếng mà hám danh làm sao thành? Chuyện đó vẫn xảy ra hàng ngày, chính là bởi vì không quán tinh thần vô ngã!

Mật ngôn số 02 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang xây dựng một con đường tiếp cận với Phật – bậc thiện tri thức, để tiếp cận với trí tuệ của Ngài qua nhìn thấu vô thường, vô ngã. Bởi khi tăng trưởng cái ngã là tăng trưởng đau khổ. Nhìn không thấu vô thường tưởng nó luôn thường hằng là chúng ta tạo ra khổ. Vậy khi chánh niệm hơi thở quán chiếu trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang phẩm hạnh cao đẹp của Mẹ Hiền Quan Âm, thấy như thấy, nghe như nghe và sự quán chiếu rộng trong tĩnh lặng thinh không, ta có khả năng tiếp cận được với Phật qua cái tâm không dính mắc, qua cái tâm vô ngã tướng, không có bị biến tướng.

Tại vì đời bây giờ dễ biến tướng dữ lắm. Bởi vì sao? Hóa trang đầy. Mới có tháng qua, ngày 31 tháng 10 ở Mỹ gọi là ngày ma quỷ, làm người không muốn, hóa trang thành ma quỷ. Vậy mà đi chơi vòng vòng cho vài cục kẹo sướng tít con mắt. Vẫn biết đó là phong tục thôi, không nói tới, nhưng mượn hình ảnh đó để nói tới những người lớn như chúng ta. Chúng ta không phải chỉ có ngày 30 tháng 10 là ngày ma quỷ để hóa trang đâu, chúng ta đã hóa trang mỗi một ngày thành ma thành quỷ làm những việc bất thiện, để tự xưng hùng xưng bá. Ngày nào thức dậy cũng trét lên trên người những hình sắc 45:41 quỷ ma của lòng tham vô tận, của lòng sân hận chồng chất, của màu đen vô trí tuệ che phủ bao nhiêu kiếp qua. Rồi biến tướng, thay vì ta là tướng hảo con nhà Phật, tướng hảo của ông bà, cha mẹ, tướng hảo của người có đủ phước duyên đi tiếp con đường tới sự giải thoát, ta lại biến tướng bằng hóa trang thành quỷ ma. Biến tướng riết rồi chúng ta không còn nhận ra mình nữa, trở thành biến thái, làm những chuyện cuồng điên hại người người mà không hay.

Các bạn ra đường mà gặp những người biến tướng, biến thái thì cẩn thận một chút xíu! Mà các bạn có biết không, chúng ta thực sự là những người đã bị biến tướng, biến thái rồi. Phải dùng cái kiếng của chân tâm thuần tịnh từ Phật tánh qua chánh niệm hơi thở thiền trí tuệ và từ bi mới có thể nhận diện ra khuôn mặt biến tướng, biến thái của mỗi người chúng ta, để mà lột bỏ những lớp hóa trang, rửa sạch những phấn son lòe loẹt của bất thiện trên khuôn mặt của chúng ta đi.

Cho nên trong Thiền Mật song tu rất đặc biệt! Giúp cho chúng ta gắn kết gần gũi với Phật qua sự quán tâm vô ngã bởi mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang; nước tịnh thủy trong trong suốt Mu A Mu Sa – nước đại từ đại bi, nước tình thương đấy có năng lượng để rửa sạch tất cả những cấu uế trong lòng, trong tâm. Để từ nguồn tâm thanh tịnh, trong sáng Phật tánh của ta, mỗi người chúng ta đều nhìn thấy bậc đại trí viên giác là Đức Phật, là chư Phật, là Bồ Tát, là Thánh Hiền trong cái tâm thanh tịnh của chính mình.

Vui thay gần người trí! Nhận được cái giá trị ta nay đang tiếp xúc và gần gũi với người trí qua chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, mỗi người của chúng ta nhất định, nhất định phải đánh giá thật cao điểm này. Để đừng để tuột khỏi tầm tay như ông Xa Nặc khi Phật mất rồi mới hối hận, đừng để tuột khỏi tầm tay như mỗi người chúng ta khi mất ông bà ngoại nội, khi mất cha, mất mẹ, khi mất những người thân, không còn gần bên những bậc thiện tri thức, những bậc thiện nhân nữa, khóc lóc, cúng kiếng, gào thét cũng chẳng làm được gì.

“Vui thay gần người trí” nếu nhận thức ra rằng chúng ta – mỗi người còn có phước báu nhận và hiểu được rằng ta đang tiếp cận với người trí, và ta qua những người yêu thương có duyên để giới thiệu chúng ta đi tới diện kiến Phật trong sự thuần tịnh của tánh Phật bằng chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán – phẩm hạnh cao cả của bậc đại sĩ Quan Âm Bồ Tát, của Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn, Chuẩn Đề Vương, thì mỗi người chúng ta nhất định, nhất định phải thực hiện cái mật hạnh đó bằng sự tu tập. Chẳng phải để nghe, để sờ chập choạng, chẳng rõ chẳng thấu rồi đắp lên cuộc đời để trang sức cho cái gọi là Phật tử, là người học Phật, học thiền, học tu mà hóa ra chúng ta đã biến pháp bảo của Như Lai thành những vật trang trí, làm đẹp để tạo danh, tạo tiếng, tạo đời. Không tốt!

Lành thay và vui thay gần người trí! Sau trên 25 thế kỷ, chúng ta vẫn gặp được đấng đại trí đó là Đức Bổn Sư qua các tạng kinh, qua băng dĩa, qua các bậc tôn túc, những bậc thiện trí nhân, qua ông bà, cha mẹ, qua những người thân nhắc nhở cho chúng ta về lời của bậc đại trí đó. Vui thay, vui thay! Nhận biết ra, chúng ta sẽ hoan hỷ vô cùng. Hoan hỷ thay khi gần người trí, thoát u mê đau khổ từ muôn đời!

Các bạn thấy không, con cái, người thân, ta còn khuyên đừng bao giờ gặp những người ngu, người dốt, người si để lạc đường vào trong những điều bất hạnh gây ra đau khổ. “Khuyên mọi người tiếp cận với những bậc thông thái, hiền nhân, thiện trí”, câu đó ai cũng biết, cũng hiểu thì chúng ta phải đừng như ông Xa Nặc đợi đến khi Phật mất mới nhận ra giá trị. Đừng như mỗi người chúng ta khi xa vòng tay của ông bà, cha mẹ, người yêu thương rồi, mới nhận ra rằng 51:04 chúng ta đã quá tội lỗi và sai lầm. Lúc đó sẽ hổ thẹn lắm!

Nếu bạn nhận diện ra được cái giá trị và vui thay gần người trí ngay trong giây phút này, bạn đã tìm về được rồi cái nguồn hạnh phúc an vui, bạn sẽ hạnh phúc vô cùng và từng hơi thở của chánh niệm thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, bạn sẽ nhìn thấu được vô thường, vô ngã và khổ. Bạn sẽ tràn đầy sự sung sướng và hạnh phúc, an yên và tự tại. Và nếu trong chánh niệm đó, bạn lại quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa thì bạn thể nhập vào được năng lượng vi diệu siêu thế của Mẹ Hiền Quan Âm, để nghe được tất cả mọi âm thanh đau khổ, thống khổ trong tâm thức của ta, để chuyển hóa thành những âm thanh vi diệu giải thoát.

Cần lắm sự suy nghĩ như vậy! Để chúng ta biết hồi đầu tỉnh ngộ, quay trở về với nguồn trí của những bậc thiện trí thức, đặc biệt là quay trở về đánh giá đúng cái giá trị tột cùng của pháp Phật còn hiện hữu trong đời và trao truyền cho chúng ta qua pháp Thiền Mật song tu, thiền trí tuệ và từ bi quán, qua tam tạng đại kinh, liễu nghĩa còn ghi lại trên những cuốn kinh, qua những lời giảng dạy của các bậc tôn túc, qua các sự hỗ trợ bằng nhiều phương diện hiện đại của khoa học lưu lại cho chúng ta. Hay vô cùng, phước báu vô cùng và như vậy gọi là vui thay gần người trí!

Nếu nhận ra, cuộc đời của bạn từ lúc này trở đi sẽ thay đổi hoàn toàn. Bao nhiêu đau khổ chất chồng sẽ dần dần như nước chảy đá mòn, tiêu biến mất. Hạnh phúc tưởng chừng không bao giờ chạm thấy sẽ dần dần hiển lộ và bạn sẽ nếm được mùi vị hạnh phúc trong ngần của cái tâm Phật thuần tịnh từ trí tuệ được thắp sáng, từ từ bi khơi nguồn. Bạn biết không, bạn đã thay đổi cuộc đời thực sự!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! 53:30 Vui thay gần người trí! Ngẫm cho cùng, mọi người chúng con còn có phước báu quá lớn, sau trên 25 thế kỷ vẫn gặp được Phật qua biển Trí Tuệ của Ngài còn lưu lại trong kinh sách, trong băng dĩa qua những lời của các bậc tôn túc, qua những lời giáo dưỡng, dạy dỗ của ông bà nội ngoại, của cha mẹ, người thân. Chúng con nguyện đảnh lễ Ngài, đón nhận, thực hành và ứng dụng vào đời sống, hầu mang tình thương san sẻ đến muôn người. Xin Phật gia trì cho chúng con thành tựu và có sự tinh tấn!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Nay chúng con nhận diện được lời Phật dặn dò: “Vui thay gần người trí”, một lòng trân trọng và thành kính đón nhận. Nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào trong sự đồng tu hôm nay, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts