Search

Bài 2132. Hãy Thử Một Lần | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng đồng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch để đời sống của muôn người trở lại bình thường. Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta đặt bàn tay phải – bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trở về với Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thân tâm thật rõ bằng tánh biết và thấy. Buông bỏ mọi chấp thủ, an vui bằng lòng từ bi và trí tuệ. Luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, cha mẹ, anh em, gia đình, cộng đồng và xã hội. Hồi hướng cho nhau có đầy đủ và tràn đầy năng lượng yêu thương, tinh tấn tu học. Từ bi – trí tuệ quán giúp cho chúng ta trở về với cội nguồn của chân tâm. Hãy bắt đầu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Mật ngôn Mu A Mu Sa có ý nghĩa là quán từ bi. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang mang ý nghĩa quán trí tuệ. Từ bi – trí tuệ quán là pháp môn vi diệu của Mẹ hiền Quan Âm đã hướng dẫn cho chúng ta. Pháp quán chiếu này giúp cho mỗi người tìm về cội nguồn phát sinh tình thương vô biên, lớn tột cùng để ứng dụng được năng lượng tình thương đó, sưởi ấm trái tim của chúng ta và chữa lành tất cả mọi vết thương đau đớn từ nhiều đời nhiều kiếp chúng ta vốn đã tạo ra từ những bất thiện nghiệp cho mình và cho tất cả mọi chúng sanh khác.

Tình thương, lòng từ bi Mu A Mu Sa được quán chiếu và được chiếu soi bởi trí tuệ không có dính mắc, không có chấp thủ – trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Với từ bi và trí tuệ quán, khi chúng ta tổng trì hai mật ngôn này qua hơi thở Chánh Niệm, mỗi một hành giả, mỗi một các bạn thực tập sẽ đón nhận qua thân tâm của mình nguồn năng lượng vi diệu mà ta cảm ứng được trong mọi tạo tác. Rất là tuyệt vời!

Nếu các bạn thực tập, dù chỉ bảy biến như Bảo Thành vừa tổng trì lúc đầu của buổi pháp thoại hay lúc cuối, một ngày một lần là đủ, dù ban sáng, ban trưa, ban chiều, bất cứ thời gian nào, dù là trực tiếp ngay bây giờ hoặc gián tiếp sau khi coi video lại đều có công hiệu bởi đây là sự thực tập, tu tập vận hành chánh khí của từ bi và trí tuệ. Rất hay! Rất hay!

Các bạn! Chủ đề hôm nay rất tuyệt vời! “Hãy Thử Một Lần” nghe hấp dẫn vô cùng. Hồi còn nhỏ, chúng ta phải nói đến chuyện từ tuổi thơ kìa. Khi cha mẹ mớm cho chúng ta ăn một điều gì thường nói rằng: “Con ơi! Thử đi!”. Hoặc đôi khi thuở mà chưa hiểu được ngôn ngữ, cha mẹ cũng thầm ở trong ý cho con mình thử món này hoặc món kia xem có hợp hay không bằng cách mớm cho con ăn hoặc cho con uống, nếu thấy bụng của người con không bị tiêu chảy thì thấy hợp rồi, tiếp tục mớm. Thấy trọng lượng cơ thể tăng, thấy khỏe, thấy mập mạp, hồng hào là thích, thì món này thử rồi, được, tốt, và tiếp tục cho ăn.

Mỗi một giai đoạn của cuộc đời, tự thân ta hoặc ai đó nói cho ta biết: “Thử đi! Đừng sợ!”. Thử công việc, thử những môn học mình ưa thích, thử làm những điều mình cảm thấy rằng hình như có sự hứng khởi. Thử đi du lịch, thử trồng bông, trồng rau quả. Thử nhiều lắm! Thử làm ăn. Thử gì? Công danh, sự nghiệp. Thử trong những mối quan hệ. Thử một lần cho biết mà! Thử ăn, thử uống, thậm chí còn thử những thứ gây tác hại, ta cũng thử một lần để xem sự tác hại nó như thế nào.

“Hãy thử một lần” là lời nói ngọt nhất của những nhóm bạn chơi với nhau, gọi là sự dụ dỗ ngọt ngào. “Thử đi, ngon lắm!”, “Thử đi cho biết, có gì mà sợ?”, “Chỉ một lần mà thôi!” nghe quen lắm phải không các bạn? Hãy thử một lần nghe quen, như một khúc vè nhắc đi nhắc lại, thấm ở trong tâm. Thử một lần!

Hôm nay, chủ đề này, Bảo Thành cũng nhắc với các bạn và chính bản thân mình: “Hãy thử một lần!”. Nhưng không thử những thứ gì mà ta được người đời trong xã hội này thường mớm vào tai để cho ta không còn sợ hãi, thử một lần cho biết. Cũng không phải những thứ mà tự thân chúng mình, chúng ta thúc đẩy bản thân thử một lần cho ra lẽ. Những cái thử đó không cần phải nói tới, bởi ai cũng đã thử quá nhiều lần!

Có một cái thử mà bây giờ chúng ta nghe và Bảo Thành khuyến khích mọi người hãy thử một lần. Trở về trong Kinh, Kinh Kim Cang và Kinh Đại Bát Niết Bàn, hai Kinh này có một câu chuyện nói về tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta nghe câu chuyện trong Kinh này để rồi phải mạnh dạn thử một lần nghe các bạn!

Chuyện kể rằng vào thời xa xưa, tiền thân tức là một kiếp nào đó của Đức Phật. Có một ông vua, ông vua này là một bạo chúa tên là Ca Lợi Vương. Bạo chúa thường hay giết người và hành xử theo cảm xúc, cảm tính của mình, không nghe theo ai hết, muốn làm gì thì làm. Ca Lợi Vương thích đi săn bắn, mang đoàn tùy tùng vào trong rừng cùng với nhiều mỹ nữ để cùng săn bắn, sát hại, vừa giải trí với các mỹ nữ của mình.

Khi vào trong rừng thì đoàn tùy tùng, mỹ nữ của Ca Lợi Vương gặp được một vị tiên nhân tu ẩn ở trong đó – vị tiên nhân này gọi là Kham Nhẫn tiên nhân, thì liền tới để thỉnh giáo với Kham Nhẫn tiên nhân. Vị tiên nhân này nói pháp cho các vị cung nữ nghe. Ai cũng thích và thấy Ngài là một bậc có trí tuệ hiền lương và đáng kính.

Nhưng khi Ca Lợi Vương, ông vua bạo tàn, ông bạo chúa này chứng kiến cảnh mỹ nữ của mình quây quần bên vị tiên nhân và nghe người này nói chuyện gì đó thì ông ta nổi khùng lên, cho rằng vị tiên nhân này không đúng pháp, không đúng phép, đã dùng những chiêu trò để dụ dỗ mỹ nữ của ta. Ông ta chịu không được bởi thấy vị tiên nhân này không đúng với phong cách của một bậc tiên nhân nên ra lệnh cho quân trói ông ta lại và lăng trì.

Lăng trì có nghĩa là xử tử, nhưng không bằng cách thật nhanh, mà cột lại rồi xoay vòng vòng, cắt da thịt của vị tiên nhân này ra và đâm. Dùng dao, dùng giáo đâm và cắt từng nhát, từng nhát đâm vào. Vị tiên nhân đau đớn vô cùng nhưng trong lòng không có một chút nào giận hờn, tức tối mà thấy hoan hỷ bởi chính hành động của vị bạo chúa, mà vị tiên nhân cho mình một phép thử của hạnh kham nhẫn, phát huy tình yêu thương, từ bi cao tột trong đau khổ tột cùng của một vị bạo chúa đang lóc thịt, đang cắt, đang đâm vào trong trái tim của vị tiên nhân.

Vị tiên nhân vẫn mỉm cười và thấy rằng mình đã kham nhẫn tới mức chịu đựng được sự hành hạ của một vị bạo chúa. Không thấy đau đớn, không thấy sợ hãi, chẳng còn cái tôi là tiên nhân, cho nên trong lúc đó, Kham Nhẫn tiên nhân mới phát nguyện rằng: “Sau này, khi thành Phật, người đầu tiên tôi độ chính là ông vua bạo chúa này – chính là Ca Lợi Vương bạo chúa tàn ác đang cắt da thịt của mình và đang đâm vào trong trái tim của mình từng mũi dao, mũi kiếm, mũi gươm, mũi đao”.

Các bạn! Và sau này, vị Kham Nhẫn tiên nhân kia chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chứng đắc thành Phật và người đầu tiên Ngài độ cho chính là ông Ca Lợi Vương bạo chúa ác độc – ông ta chính là ông Kiều Trần Như.

Qua câu chuyện này để nói rằng, cuộc sống của chúng ta, ta không kham nhẫn được nên mỗi người ngày hôm nay hãy thử một lần sự kham nhẫn. Nhẫn nhục là một trong sáu con đường đi tới sự chứng đắc đạo quả. Trong Lục Độ Ba La Mật: bố thí; trì giới; nhẫn nhục – kham nhẫn là một pháp phương tiện tuyệt vời để chữa lành mọi sự đau đớn mà người ta cắt xẻo, đâm chém, giết hại ta. Bởi trong đó, sự quán chiếu của tâm kham nhẫn là sự quán chiếu một trong Tam Pháp Ấn mà Đức Phật dạy trong mật ngôn số hai ta quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đó là quán chiếu vô ngã. Kham nhẫn để nhìn thấu vô ngã nơi ta. Ta sẽ có được những lời nguyện giải thoát cao và phát triển được tình thương bao la vô tận của tâm từ bi để mọi hận thù trong ta đều được hương từ bi thắp sáng bởi trí tuệ, xoa dịu và làm nguội lạnh, chữa lành tất cả vết thương dù cho người ta có chỉ trích mình, giết hại mình.

Các bạn nhớ, mỗi khi người ở bên ngoài là bạn bè hay người chưa gặp, chỉ nói chuyện qua phone hay gặp trên mạng, ngay cả những người thân như cha mẹ, vợ chồng hoặc anh chị em nói một chuyện gì đó xỉa xói, đâm thọc hoặc chạm đến tôi, đến cái tôi của mình, đến cái ta của mình thì tôi nè, giận lắm, giận lắm, giận lắm. Và khi giận như vậy, máu dồn dập, mặt đỏ, nghẹt thở, tức tối, môi thâm, mắt trợn, phùng mang trợn má, la to, đập bàn, đập ghế để rồi tình thương từ đó bị đổ bể.

Các bạn có còn nhớ mỗi khi cha mẹ nói chuyện với chúng ta và hướng dẫn cho chúng ta theo một chiều hướng giáo dục hoặc là nói chuyện theo chiều hướng cảm xúc của các ngài mà ta không thích, không hợp thì ta buồn, ta đau, ta tức, ta giận đến cỡ nào. Mỗi khi anh chị em của mình nói những điều đúng hoặc những điều không đúng nhưng chạm vào cái tôi thì ta thấy rồi, thế giới này như đang bị động đất. Nói chi tới tình bạn, tới con người trong xã hội, chỉ vì cái tôi quá lớn, cái tôi, cái tôi quá lớn mà mọi điều tương tác trong cuộc sống, ta thường nổi giận, sân si. Sân si và giận dữ là một tánh độc hại vô cùng, giết chết chúng ta và đọa chúng ta vào địa ngục tăm tối của sự đau đớn nơi tâm thức. Và người để cho cái tôi quá lớn thường không bao giờ có sự nhẫn nhục. Thường vội vội vàng vàng lấn ướt người khác, tan nhà nát cửa và làm cho những mối giao hảo trong cuộc đời dần dần đổ vỡ.

Ngày nay, người ta không lăng trì mình bằng cách lóc thịt, đâm mình, giết hại mình bằng những mũi dao, gươm, giáo, nhưng người ta có thể lăng trì mình trên mạng xã hội, trên truyền thông đại chúng: Facebook, Twitter, Zalo, Internet, YouTube. Các bạn thấy rồi, đang có đó! Đủ mọi mạng lưới xã hội là những thứ vũ khí tinh nhuệ nhất để người ta sử dụng để chỉ trích, gièm pha, moi móc, hạ nhục, bới, vu khống, hàm oan, đủ hết, ném đá giấu tay. Máu không dính tay nhưng mà tâm, trong tâm của họ phơi đầy xác chết của những người họ đã giết ở trên mạng. Một thứ vũ khí mà ta ngồi đâu cũng có thể ám sát mọi người bằng những ngôn từ ác độc, bằng sự vu khống, bằng sự gièm pha, bằng sự tạo chuyện. Ta thấy, đây mới là sự sợ hãi vô cùng!

Ông Ca Lợi Vương là một bạo chúa đã giết hại vị Kham Nhẫn tiên nhân bằng cách cột lại, nhưng ngày nay, mỗi người chúng ta là một bạo chúa, gọi là bạo chúa ở trên bàn phím. Để cột chặt mọi người vào những điều vu khống, hàm oan, chỉ trích, gièm pha, chê bai, thọc mạch, tạo dựng chuyện để tôn vinh gì? – Cái tôi. Tôi đúng!

Từ đúng trong xã hội, đúng trong việc làm, đúng trên quyền lực tôi được ăn, tôi được nói, tôi được chỉ trích, tôi được bới móc, tôi được chê bai, tôi được gièm pha, tôi được sát hại người khác vì tôi là người được quyền, có quyền, tôi có tiền, tôi có tình, tôi có sức mạnh. Đó là nói ở đời, ở trong đạo thì tôi là người tu đúng, tôi hiểu đúng, tôi tu đúng Chánh Pháp cho nên tôi có quyền vạch ra những lỗi lầm sai trái của người khác bằng những lưỡi gươm sắc bén của ngôn ngữ trên mạng.

Khi đọc qua Kinh Kim Cang và Niết Bàn, câu chuyện tiền thân của vị Kham Nhẫn tiên nhân và vị Ca Lợi Vương bạo chúa kia, Bảo Thành cứ ngỡ rằng chỉ có một vị đó ở đời xưa tiền nhân của Phật. Nhưng ngày nay, ở trên mạng, thấy biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên là bạo chúa bàn phím. Toàn những ngôn từ thô ác, toàn là những ngôn từ dao búa thật lớn, toàn những cách viết chữ như bom nguyên tử dội xuống, chết từ đời này qua đời kia. Chúng ta đã vô tình trở thành những bạo chúa bàn phím của thời đại công nghệ 4.0, giết người không gớm tay bằng ngôn ngữ đời thường pha lẫn lộn với cái tôi chình ình của hương vị độc dược nguy hại nhất.

Chớ để mình trở thành Ca Lợi Vương bạo chúa tàn sát vị Kham Nhẫn tiên nhân!

Nhưng nếu chúng ta là một trong những người bị người khác bách hại mình thì cũng chớ để cho cái tôi quá lớn. Khi cái tôi, cái ngã cho đây là tôi, là tiếng tăm của tôi, thân này là tôi, cuộc sống này là tôi, cái mạng này là tôi và người ta đang nói tới tôi, chỉ trích tôi, bới móc tôi, gièm pha tôi, bách hại tôi thì tôi phải đánh cho họ gãy răng, bể mặt. Cứ như vậy, oán với oán hà thời oán, các bạn thấy chưa? Rồi thì những trang mạng thay vì có những thông tin tốt đẹp, mang thế giới gần gũi với nhau thì trở thành bãi chiến trường để ta sát hại lẫn nhau. Ô nhiễm đến trẻ thơ, ô nhiễm cho xã hội, cộng đồng và gia đình!

Bao nhiêu lần các bạn vì cái tôi mà làm cho tình cảm vợ chồng, gia đình, bạn bè, cha mẹ đổ vỡ? – Không nên!

Cho nên hãy noi theo gương của bậc Kham Nhẫn tiên nhân, thực hành một trong các pháp phương tiện Lục Độ Ba La Mật, pháp đưa đến sự giải thoát toàn diện đó là hạnh kham nhẫn. Hạnh kham nhẫn là hạnh quán chiếu tinh thần vô ngã, không có ngã tướng. Khi quán chiếu vô ngã, ta chẳng còn bị dính mắc, chấp thủ vào những điều tương tác qua sáu giác quan tạo nên những cảm xúc không hay. Và từ đó, lòng từ bi – trí tuệ của ta được thắp sáng, từ bi được lan tỏa và ta sẽ biết tha thứ cho mọi người để giữ được tình yêu thương.

Kham Nhẫn tiên nhân đang đứng ở đó để Ca Lợi Vương bạo chúa sai quân và đích tay của Ngài giết, từng giây từng phút lóc thịt, đâm chém. Nhưng Ngài là vị Kham Nhẫn tiên nhân, Ngài đã cho sự trải nghiệm đó như một lần được thử hương vị kham nhẫn. Hãy thử một lần hạnh kham nhẫn!

Các bạn! Chúng ta hãy thử một lần hạnh kham nhẫn. Kham nhẫn trong những giềng mối quan hệ giữa vợ chồng, khi cãi nhau to tiếng, đừng để cái tôi bốc đồng như Ca Lợi Vương để giết chết người bạn đời của mình.

Hãy tu theo hạnh kham nhẫn, hãy cho mình một lần thử hạnh kham nhẫn trong đời như Kham Nhẫn tiên nhân, sẵn sàng chịu đựng những lời xỉa xói, những hành động ác đang bách hại ta, nhưng phát nguyện rằng: “Nếu tôi đạt được sự an tịnh, tôi sẽ hồi hướng ngay cho ông Ca Lợi bạo chúa kia, hồi hướng ngay cho những người đang bách hại tôi”.

Kham Nhẫn tiên nhân đã phát nguyện như vậy và khi Ngài thành Phật, Ngài đã độ cho ông, các bạn biết rồi, Kiều Trần Như. Kiều Trần Như là Ca Lợi Vương và Kham Nhẫn tiên nhân là Đức Bổn Sư, tiền thân kiếp trước.

Các bạn! Ai là kẻ thù? Và kẻ thù truyền kiếp của ta là ai? – Không có!

Đối với hạnh kham nhẫn, Lục Độ Ba La Mật, sáu con đường đi tới sự giải thoát, thực tập hạnh kham nhẫn để quán chiếu tâm vô ngã trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta phát triển lòng từ bi và rộng lòng tha thứ cho muôn người, và mang tất cả những công hạnh tốt đẹp, phước báu có được trong sự tu để hồi hướng chính cho những người đang làm ta đau khổ, bách hại ta.

Tuyệt vời! Hãy thử một lần hạnh kham nhẫn, Lục Độ Ba La Mật điều thứ ba! Thứ nhất là bố thí, thứ hai là trì giới, thứ ba là nhẫn nhục. Lục độ Ba La Mật thật là rõ ràng! Nhẫn nhục là một con đường, là một pháp tu, một phương tiện vi diệu để mỗi lần chúng ta thử pháp nhẫn này đây, trong sự tương tác mà ai đó đang tạo ra khổ đau cho ta, rồi hồi hướng công hạnh đó nếu có được phước báu cho họ, thì lợi cả hai. Lợi cho mình, thành tựu được pháp an lạc trí tuệ và từ bi, giải thoát khỏi đau khổ, mà lợi ngay cho người đang bách hại ta bởi họ được tha thứ, bao dung và thành tựu được những kinh nghiệm thật tốt trong cuộc đời nơi tự thân ta tu tập.

Hãy thử một lần hạnh kham nhẫn như vị tiên nhân kia. Dù người ta có vu khống, hàm oan, Ngài đã quán chiếu thân xác đó không còn có cái tôi, cho nên dù người ta bách hại thì không có cái tôi nên chẳng đau đớn, tình thương vẫn rộng lớn.

Đừng để cho người ta đâm vào trong những sự việc họ không thích nơi ta và đừng để cho tâm có cái tôi quá lớn để rồi khi họ chạm, họ đâm, họ xỉa, họ xói, họ là những bạo chúa trên bàn phím bách hại ta. Rồi cái tôi của ta quá lớn, ta lại bị những vị bạo chúa đó biến ta thành những bạo chúa trên bàn phím để đấu đá hàng ngày, hàng giờ. Nào là từ YouTube, nào là từ livestream, nào là từ Facebook, Zalo, Messenger, tin nhắn, ôi cha đủ thứ như mạng lưới thông tin toàn cầu ngày nay được người ta lợi dụng như những thứ vũ khí tinh diệu nhất để có thể sát hại nhau, và ai ai cũng vỗ ngực xưng tên như Ca Lợi Vương bạo chúa tàn khốc trên bàn phím. Nguy hại vô cùng! Ngồi một chỗ mà giết hại muôn người.

Các bạn! Hôm nay, Bảo Thành gửi một thông điệp mời gọi các bạn hãy thử một lần hạnh kham nhẫn như Kham Nhẫn tiên nhân, quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấu rõ tinh thần vô ngã, để chuyển hóa cái tôi, một vị bạo chúa trên bàn phím giết người trong thời đại 4.0 trở thành một Phật tử thuần hành trong tâm có trí tuệ được thắp sáng và có tràn đầy năng lượng yêu thương để chúng ta biết rộng lòng bao dung, tha thứ.

Hãy thử một lần hạnh kham nhẫn để khi người ta nói những điều trái tai gai mắt, dù người đó là cha là mẹ, là vợ chồng, là con cái, là anh chị em, bạn bè hoặc chỉ là người dưng ở bên ngoài thôi, hãy mượn ngay cơ hội đó, noi gương Kham Nhẫn tiên nhân. Chẳng phải là đứng đó để cho người ta đâm, người ta cắt thịt, người ta giết hại mình, nhưng đứng đó để thực tập pháp quán chiếu vô ngã bằng hạnh kham nhẫn, phát triển lòng bao dung. Năng lượng kham nhẫn và vô ngã trong tinh thần quán chiếu, thấu rõ đó, từ bi và trí tuệ ấy, đủ, đủ để cho ta vượt qua mọi sự đau khổ trong cuộc đời bởi cái tôi đã tạo ra từ vô lượng kiếp do bất thiện nghiệp, và tạo dựng được biết bao nhiêu phước báu, công đức.

Kinh Kim Cang và Đại Bát Niết Bàn, hai Kinh này nói rõ về câu chuyện này. Còn nếu chúng ta thực tập được hạnh kham nhẫn Lục Độ Ba La Mật nhẫn nhục, ta cũng trở thành chẳng phải là Kham Nhẫn tiên nhân mà ta thành nhân tức là ta thành người biết chịu đựng những sự xỉa xói, đâm thọc.

Bạn biết rồi! Ở trong đời này, xỉa xói, đâm thọc của những người quen, người yêu, người thân hoặc người dưng gây đau khổ, phiền não vô cùng. Nhất định Bảo Thành và các bạn đã từng nhiều đêm thao thức khóc ròng bởi những lời đâm thọc, xỉa xói ở bên ngoài.

Đừng biến mình thành Ca Lợi Vương bạo chúa tàn ác, anh hùng bàn phím giết người không gớm tay. Mà hãy thực hành để mình noi gương của Kham Nhẫn tiên nhân, tiền thân của Đức Phật, rộng lòng bao dung, tha thứ và hồi hướng cho tất cả những ai đang thù hằn chúng ta, đang bách hại chúng ta, đang vu khống chúng ta, đang xỉa xói, đâm thọc chúng ta, đang làm cho chúng ta khó chịu. Và để làm được điều đó, bạn phải quán chiếu tinh thần vô ngã, đừng cho thân này là ta, đừng cho họ đang chạm đến ta, đang nói về ta, đang xỉa xói ta, đang bách hại ta.

Ở đời có những bạo chúa Ca Lợi Vương nhiều lắm, họ cho họ có đặc quyền là họ đúng, tôi đúng và người đó sai, cho nên tôi phải mang cái đúng của tôi ra để cho mọi người biết và tôi phải moi cái sai của người đó ra để tiêu diệt họ. Bởi họ là anh hùng, họ muốn làm anh hùng, anh hùng rơm, không sợ, bởi rơm chỉ cháy một lần rồi rụi, nhưng mà anh hùng bàn phím, họ rỉ rả, rỉ rả trên bàn phím, moi móc cái xấu của muôn người mọi lúc mọi nơi chính vì cái tôi của họ quá lớn mà họ không thấy, họ không thấy!

Họ là bạo chúa Ca Lợi Vương, anh hùng bàn phím nguy hại tột cùng trong thời đại 4.0. Đi đâu họ cũng thấy mọi người sai, nhìn đâu cũng thấy sai và rồi họ phải trở thành người anh hùng diệt ác.

Các bạn thấy không, để mang lại sự hạnh phúc cho người khác. Họ nghĩ như vậy! Cho nên, nếu các bạn vô tình lạc vào những bãi chiến trường của những trang Facebook cá nhân của những bạo chúa bàn phím hoặc nếu bạn lạc vào những trang mạng, những thông tin của những bạo chúa bàn phím đang nói xấu, đang đâm thọc, đang xỉa xói, đang vu khống, đang cho mình là đúng, người là sai để diệt người, tôn vinh mình lên thì các bạn nhớ rằng, đừng vì sự lôi kéo của họ mà làm cho bạn bị chao đảo, đứng không vững, nhào vào hố sâu, góp thêm bom, thêm đạn, thêm gươm, thêm giáo, thêm những ngôn từ để rồi tạo cho bãi chiến trường trên mạng trở thành những nơi toàn bị nguyên tử ngôn ngữ thả xuống, bách hại nhiều người. Đừng để cho vòng xoáy của những cuộc chiến nơi các vị bạo chúa bàn phím kéo ta, dìm vào đó. Đừng!

Hãy như vị Kham Nhẫn tiên nhân, tiền thân của Phật tịch tĩnh vô cùng. Từng mũi gươm, từng mũi kiếm đang cắt da thịt và đâm vào Ngài bằng những ngôn ngữ độc ác từ những người này người kia. Những người tu tại gia, những người xuất gia, tất cả, không cần biết họ là ai, nếu họ mượn diễn đàn thông tin đại chúng biến thành chiến trường và tôn vinh cái tôi của họ lớn thành bạo chúa, có quyền giết hại những người khác thì chúng ta cũng trên ngay chiến trường đó, có khả năng biến mình thành Kham Nhẫn tiên nhân, tu hạnh kham nhẫn, quán chiếu vô ngã, phát triển tình thương, thắp sáng đuốc tuệ.

Các bạn thấy chưa? Nếu có bạo chúa Ca Lợi Vương thì có Kham Nhẫn tiên nhân!

Chiến trường trên những diễn đàn ngày nay rộng lớn quá. Mà ngồi đâu, họ như những ẩn nhẫn, họ trốn. Nếu chúng ta coi phim thì họ được gọi như là những Ninja, Ninja trốn chỗ này trốn chỗ kia phóng ám khí ngôn ngữ trên bàn phím diễn đàn đại chúng để bách hại muôn người, bách hại các tôn giáo, bách hại các tông phái, các chi phái, cá nhân, tập thể, quốc gia, xuyên bang, xuyên lục địa.

Các bạn thấy ghê không? Họ trốn đâu mình không biết! Đôi khi họ lộ diện cái tên của họ để đưa cái tôi lên, đôi khi họ ẩn tên để giết người. Mục đích là họ chưa thấu được tinh thần vô ngã, họ coi bản ngã của họ quá lớn. Và chúng ta đừng để cho những phong trào của những cái tôi đó lôi kéo, dìm ta vào trong đó tạo thành những vòng xoáy, tăng thêm những độ dìm kẻ khác xuống bởi vì ta chưa nhìn rõ được ta là Phàm phu dễ bị lôi cuốn, tạo khẩu nghiệp.

Biết bao nhiêu lần người ta là bạo chúa trên bàn phím bách hại người khác, rồi ta lại thấy thương người này, ta lại nhào vào dùng tư tưởng tạo ra ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp luôn. Miệng thì nói lẩm bẩm những chuyện này chuyện kia, ý thì tuôn ra và thân nghiệp là tạo thành những ngôn ngữ bấm lên trên những diễn đàn đại chúng, tạo thêm sự hoang mang, nguy hại cho mọi người.

Hỡi những bạo chúa bàn phím thời đại 4.0 ngày nay, hãy quán chiếu tinh thần vô ngã, học hạnh của Kham Nhẫn tiên nhân, nhìn thấu, đừng cho cái tôi quá lớn, thấu rõ được điều đó để biết buông xả!

Còn hỡi những ai đang bị bách hại bởi người khác xỉa xói, đâm thọc, chạm vào cái tôi thì cũng tu theo Ngài Kham Nhẫn tiên nhân để biết bao dung hơn, cho mình thử một lần thực tập Lục Độ Ba La Mật, hạnh kham nhẫn, quán chiếu tinh thần vô ngã, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương để làm sao? Để độ chính cho những người được gọi là bạo chúa bàn phím hay bạo chúa đời thường trong gia đình, trong xã hội, trong bạn bè, trong cộng đồng.

Lấy ngay bãi chiến trường tang thương, đau khổ, thay vì đổ máu, ta lan tỏa yêu thương và thắp sáng trí tuệ để mọi người cùng với nhau trong thời đại đại dịch này, xóa sổ những tên bạo chúa bàn phím đi bằng cách từ bỏ bởi không ai xa lạ cả. Bạo chúa bàn phím không ai xa lạ cả – chính là mỗi người chúng ta.

Hãy sám hối và nhìn rõ ta là bạo chúa Ca Lợi Vương bàn phím thời đại 4.0, mượn những diễn đàn để tung tin vịt, hại người. Nâng cao giá trị bản thân và cái tôi, đánh bóng cái tôi của mình lên.

Hãy bỏ ngay! Học hạnh kham nhẫn!

Hãy cho mình một lần thực hiện Lục Độ Ba La Mật, hạnh kham nhẫn, quán chiếu sâu sắc thấy rõ tinh thần vô ngã để phá vỡ cái tôi để không bị chạm tự ái, không bị cái tôi bắt ta thành nô lệ cho sự giận dữ để trở thành một kẻ tàn bạo hại người trong thời đại văn minh.

Các bạn! Hãy thử một lần Lục Độ Ba La Mật, hạnh kham nhẫn của bậc tiên nhân kia và hãy thử một lần hồi hướng cho tất cả những ai; phát nguyện tu để hồi hướng phước báu cho tất cả những ai, thân hoặc không thân, quen hoặc không quen đang bách hại, đang làm ta đau khổ bởi họ đang đâm thọc, cắt ta ra từng khúc, chỉ trích ta bằng từng ngôn ngữ.

Đừng sợ! Lục Độ Ba La Mật, hạnh kham nhẫn là con đường đi đến sự chứng đắc đạo quả, là con đường để mở mắt này nhìn thấu tinh thần vô ngã, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương.

Hãy thử một lần! Đừng sợ!

Bảo Thành và các bạn hãy thử một lần thực tập hạnh kham nhẫn trong đời!

Các bạn! Đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi.

Thưa Phật! Kinh Kim Cang và Đại Bát Niết Bàn nói về Kham Nhẫn tiên nhân, tiền thân của Phật và Ca Lợi Vương bạo chúa thời xưa, tiền thân của ông Kiều Trần Như.

Chúng con ngày nay nhất định trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi, tu hạnh kham nhẫn và cho chính bản thân của mình không phải một lần mà nhiều lần thử qua pháp tu kham nhẫn Lục Độ Ba La Mật để thành tựu được pháp lạc và hồi hướng phước quả cho tất cả những ai được gọi là bạo chúa trên bàn phím trong gia đình, trong xã hội, trong cuộc đời đang bách hại chúng con.

Nguyện cho những ai đang thù hằn, đang vu khống, đang hàm oan, đang tìm đủ mọi cách để gièm pha, sát hại con, con nguyện hồi hướng cho họ luôn có được sự bình an, hạnh phúc, có trí tuệ và yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật ngôn:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng.

Thưa Phật! Đồng tu hôm nay nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào trong sự tu tập hạnh kham nhẫn, nguyện hồi hướng cho các chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát ly khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts